Home / Chùm thơ chọn lọc / Bằng Việt và các tập thơ dịch của tác giả nước ngoài P4

Bằng Việt và các tập thơ dịch của tác giả nước ngoài P4

Bằng Việt và các tập thơ dịch của tác giả nước ngoài P4

Mời bạn đọc và quý vị độc giả cùng theo dõi và cập nhật tiếp phần 4 của tập thơ dịch tác giả nước ngoài P4 của nhà thơ Bằng Việt. Bằng Việt là một trong những nhà thơ hiện đại nổi tiếng của Việt Nam, với sự nghiệp thơ ca đồ sộ, Bằng Việt có những đóng góp lớn lao cho sự phát triển của thơ ca Việt Nam và thơ ca nước ngoài.

> Xem lại: Bằng Việt và các tập thơ dịch của tác giả nước ngoài P3

Dịch thơ của tác giả Nazim Hikmet Thổ Nhỹ Kì

Không đề

Không đề Cái chết dần dà đã đến bên tôi,

Còn thế giới mỗi ngày thêm đẹp mãi.

Thế giới như tấm áo hằng ngày

Tôi bắt đầu phải cởi…

Xưa tôi như cửa sổ con tàu,

Nay sẽ chỉ là thềm ga lát đá.

Xưa có thể như gian phòng để ở,

Nay sẽ chỉ cánh cửa trống hoang.

Tôi càng yêu bè bạn hơn xưa

Nắng càng ngả sang vàng

Và tuyết tưởng chưa bao giờ trắng thế…

Tiểu sử tự thuật viết ở Đông Berlin ngày 11-9-1961

Sinh năm 1902

Chưa về lại bao giờ nơi chôn rau cắt rốn

Ba tuổi, làm cháu nuôi một vị tướng

Mười chín tuổi – sinh viên Đại học Maxcơva

Bốn mươi chín tuổi, là khách mời của Trung ương Đảng cộng sản

Và từ mười bốn tuổi đã làm thơ

Có người thuộc từng loài cây cỏ

Còn tôi thuộc lòng từng cuộc chia ly

Có người thuộc tên tất cả các vì sao

Còn tôi thuộc hết tên đất, tên người cách biệt

Từng được ngủ trong các khách sạn lớn và các nhà tù lớn

Từng được nếm mọi món ăn ở khắp chốn trên đời

Nhưng nhớ nhất vị đói kéo dài những lần tuyệt thực

Ba mươi tuổi, bị kết án treo cổ, nhưng chưa bị đưa lên thòng lọng

Bốn mươi tám tuổi, được Giải thưởng Hoà bình và còn kịp sống đến khi trao

Ba mươi sáu tuổi, phải đi lại suốt nửa năm quanh bốn mét phòng giam

Năm mươi chín tuổi, được bay một mạch từ Praha đến La Habana có mười tám tiếng

Năm 1951

Dám phiêu lưu chỉ cùng một bạn tù

Lênh đênh giữa trùng khơi, đến khi kiệt sức

Năm 1952

Phải nằm liệt bốn tháng trời chờ chết

Trên giường bệnh tha hương với trái tim đau

Có tính hay hờn với những người yêu

Nhưng chưa bao giờ đố kỵ mọi người

Dù nổi tiếng đến như Sác lô chăng nữa

Cũng chưa một lần phản bội bạn bè

Tuy đã đôi khi đánh lừa phụ nữ

Uống rượu, nhưng chưa bao giờ nát rượu

Ăn đủ mức ăn, nhờ lao động bản thân

Nói dối đôi lần, để người khác khỏi buồn phiền

Cũng nói dối đôi lần, vì xấu hổ thay cho người khác

Đã được đi ô tô, tàu hoả, máy bay

Những thứ tiện nghi mà nhân loại lớn chưa đủ tiền xa phí

Đã được đi xem ôpêra, balét

Những thứ mà nhân loại lớn chưa từng nghe nói đến một lần

Tuy nhiên từ năm 21 trở đi

Không bao giờ còn đi lễ nhà thờ Thiên Chúa giáo hay đến xưng tội ở đền thờ Hồi giáo

Nơi nhân loại lớn vẫn còn đến đó hàng ngày

Không bao giờ còn đi bói số mệnh ở thầy phù thuỷ hoặc bà đồng

Tuy rỗi rãi, cũng còn bói giúp bạn bè lấy vui, ở quán cà phê, quán rượu

Viết sách được in ra 30-40 thứ tiếng

Riêng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ thì không

Những thứ ấy ở quê nhà bị cấm

Đói khổ, tù đày, nhiễm vào đủ bệnh

Còn may chưa bị ung thư

Không nhất thiết còn cần căn bệnh đó

Làm đủ mọi nghề, chỉ chưa làm bộ trưởng

Mà dẫu có làm, cũng không hợp với mình

Chưa chịu bao giờ trốn xuống đường hầm

Dẫu máy bay nhắm thẳng mình lao xuống

Nhưng bù lại, biết yêu từ rất sớm

Mười sáu tuổi đầu đã suýt chết vì yêu

Nói tóm lại, hôm nay

Đang thở hồng hộc như một con chó chạy rông

Qua quá nhiều những chia ly dồn dập

Nhưng vẫn chưa hề để mất

Những gì làm nên một con người

Và ai mà biết được

Những gì phía trước

Còn là thử thách

Còn cần vượt qua

Tủ kính bày hàng trên phố Vaslav

Lúc những đỉnh tháp Praha mùa Xuân

Như những người khổng lồ mơ ngủ

Thì những tủ kính bày hàng trên phố Vaslav

Bật sáng lên bao giấc mộng không cùng.

Mỗi người chạm tay vào tủ kính bày hàng

Khẽ tỉnh thức bao giấc mơ hạnh phúc

Đôi mắt nhìn mỗi thứ như ngấu nghiến

Đến tận đáy sắc màu trong tủ kính long lanh.

Pha lê chói chang, đồ da mới tinh, kim khí và vải vóc,

Những nốt nhạc, bài ca từ trẻ đến già,

Những cuộn băng, đau khổ với mộng mơ, chia tay và gặp gỡ,

Trong tủ kính muôn màu phố Vaslav xa hoa…

Sự choáng ngợp cao sang cùng niềm vui thô tháp

Nỗi lo lắng bất thành cùng giấc mộng đi qua

Rượu vang, bánh mì, mọi ngọt ngào, đắng chát

Trong tủ kính muôn màu phố Vaslav xa hoa!

Tôi áp trán vào quầy hàng sặc sỡ

Thế giới đồ chơi: chim, thú bạn bầy

Những chú gấu hiền khô, những con sói không xé thịt,

Và máy bay, tàu bè không bắn giết một ai…

Và tàu thuỷ, ôtô, nhưng tôi không đi được

Memet con ơi, lại năm mới nữa rồi!

Ở mãi tận Stambul, có ngôi nhà tội nghiệp,

Và đứa bé ngậm ngùi, lên 6 tuổi đơn côi!

Dịch thơ của Nobuo Ayukawa (Nhật Bản)

Phao dẫn đường

Phao đơn độc

Dập dềnh trên sóng buồn thiu

Nhưng phao là dấu hiệu

Cho tàu bè biết doi cát ngầm

Cuộc đời tồn tại ở trăm nơi

Mỏng mảnh như phao, nhưng dễ sức nào

Tiêu huỷ được phao trên sóng

Chiếc phao nhỏ nhoi, cứng cổ

Không biết khổ đau, mãi mãi dập dềnh

Tôi nhớ đến vô cùng

Chiếc phao đẫm ướt trăm ngàn con sóng

Ví dù có ai bất hạnh

Không thoát chết trên dòng nước đen ngòm

Thì vẫn nên nhớ rằng

Chiếc phao đã nhiều lần cứu họ

Đến mãi sau, ta ra đi chăng nữa

Phao vẫn còn, cho những kẻ sinh sau

Phao chỉ biết gắn mình vào sóng dữ

Cái phao buồn thiu, vĩnh viễn dập dềnh

Dịch thơ của Noriko Ibaraki (Nhật Bản)

Thời tôi xinh đẹp nhất わたしが一番きれいだったとき

Khi tôi còn xinh đẹp

Những thành phố vỡ tan

Một mảnh trời xanh bỗng hiện ra

Ở những chỗ không ai ngờ nhất

Khi tôi còn xinh đẹp

Mọi người hấp hối xung quanh

Trong xưởng máy tôi làm

Trên những hòn đảo nhỏ

Và khắp biển xa khơi

Chẳng còn một lúc nào

Tôi được quyền soi gương chải tóc

Khi tôi còn xinh đẹp

Không ai tặng tôi một món quà nào

Những người đàn ông ngày ấy

Chỉ biết bắn súng chào dậy đất

Biết đứng nghiêm và biết đi đều

Trong trí nhớ của tôi

In hình họ những đôi mắt sáng

Khi tôi còn xinh đẹp

Đất nước thua trong cuộc chiến tranh

Và tôi đi vô vọng như mọi người

Khoác chiếc áo bờ-lu nặng nhọc

Tôi hoàn toàn cô độc

Tôi hoàn toàn ngu ngốc

Tôi hoàn toàn không hưởng hạnh phúc gì

Khi tôi còn xinh đẹp

Dịch thơ của Okamoto Jun (Nhật Bản)

Bài hát của viên bộ trưởng 大臣のうた

Bao nhiêu tro tàn của cái chết rắc lên

Bao nhiêu giọt nước của cơn mưa nhiễm độc

Bao lời tố cáo của các nhà bác học

Bao tiếng rỉ rên đau đớn trong đêm

Nhưng viên bộ trưởng vẫn còng lưng

Trước kẻ ngoại bang nhiều tiền lắm của:

“Thưa các ngài, xin các ngài tin tưởng

Cứ coi đây như ở nhà!”

Tia Gama

Tia Bêta

Đám mây mang cái chết như một chiếc lồng đen

Chụp lên hòn đảo Nhật

Những người dân chài, cỏ cây, súc vật

Tất cả biến ra màu chì

Con người thoáng qua đi như ảo ảnh

Vẫn còn sống sót tên bộ trưởng

Lải nhải: “Thưa các ngài, xin các ngài

Cứ coi đây như ở nhà!”

Ở đây không còn lại gì

Không một bóng người cử động

Những đảo rỗng không lạo xạo xác sò

Những đám xoáy tròn màu chết xám tro

Như sa mạc mở mênh mông cho gió

Tên bộ trưởng vẫn vẩn vơ đâu đó

Vẫn cúi rạp đầu, the thé bên tai

“Tin tưởng tôi đi! Thưa các ngài, xin các ngài

Cứ coi đây như ở nhà!”

Dịch thơ của Olga Berggoltz (Nga)

Bài thơ cuộc đời (Gửi Boris Kornilov) Борису Корнилову

…Và tất cả đổi thay rồi. Và em nay cũng khác

Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa theo

(B. Kornilov)

1.

Vâng, em khác hẳn rồi, chẳng giống trước nữa đâu!

Cuộc đời ngắn cũng xem chừng sắp hết.

Em đã già nhiều, nhưng anh đâu có biết,

Hay anh cũng biết rồi? Có thể!… Nói đi anh!

Em xin lỗi làm chi, chẳng cần đâu anh nhỉ

Thề thốt chăng? Cũng vô ích thôi mà,

Nhưng ví thử em tin, anh còn quay trở lại

Thì một ngày nào, anh sẽ hiểu ra…

Xem thêm:  Bài thơ Vết Sẹo Tình Yêu – Nhà thơ Phú Sĩ

Và mọi tổn thương, chúng mình xoá hết

Chỉ ở bên nhau, sánh bước trọn đường

Chỉ cần được sóng đôi, và chỉ khóc

Chỉ khóc thôi, đủ bù đắp tận cùng!…

2.

Em lại nhớ chuyện ngày quá khứ

Khúc hát ngây thơ một thời thiếu nữ:

“Ngôi sao cháy bùng trên sóng Nêva

Và tiếng chim kêu những buổi chiều tà…”

Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn

Em mới hiểu, bây giờ anh có lý

Dù chuyện xong rồi, Anh đã xa cách thế!

“Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa theo…”

Lũ trẻ lớn lên, giờ lại tiếp theo ta

Lại nhắp lại vị ngọt ngào thuở trước

Vẫn sông Nêva, bóng chiều, sóng nước…

Nhưng nghĩ cho cùng, họ có lỗi đâu anh!

Lộ tòng kim dạ bạch,

Nguyệt thị cố hương minh.

Căn nhà cũ của tôi Мой дом

Tôi đã sống bao năm ở ngôi nhà ấy

Cho tới mùa đông thành phố bị bao vây…

Những ô cửa chiều ta, đến bây giờ lại thấy

Ánh đèn hồng lên, rạng rỡ, xum vầy

Chỉ cần nhìn lại những ô cửa cũ

Tôi nhớ liền những năm tháng chiến tranh

Những căn phòng thật quen!

Tôi từng sống với người yêu.

Ai ở đó, bây giờ chẳng rõ,

Ai sẽ lại chiều chiều đặt tay vào nắm cửa?

Những mảng giấy bồi phơn phớt, đã thay chưa?

Màu giấy bồi xanh, chi chút tự ngày xưa

Tôi có thể nhận ra ngay từ bên ngoài cửa sổ.

Cái ấm áp hội hè ở đó

Làm thức tỉnh trong tôi ánh sáng đã từng quên

Ánh sáng này bỗng khiến tôi tin:

Nhà ấy hẳn chỉ gồm những người tốt lành và cởi mở.

Nhà có cả tiếng cười trẻ nhỏ

Có khuôn mặt thanh niên đang độ dễ yêu thương

Có bác đưa thư thường đến luôn luôn

Hẳn chỉ mang toàn những tin vui thích.

Ngày lễ hội ở đây khá ồn ào rậm rịch

Những bạn bè trông hồn hậu thuỷ chung

Tôi cầu chúc xiết bao cho chủ nhà hạnh phúc

Nơi một thời xưa, tôi vất vả khôn cùng!

Nhưng nếu lỡ một hôm nào đó

Tuyết êm ru lấp lánh giữa hoàng hôn.

Tôi chẳng ở đâu yên, vì tràn đầy nỗi nhớ,

Kỷ niệm trong tôi như lửa đốt, bồn chồn.

Thì xin hãy cho tôi gõ cửa

Tôi về lại nhà tôi, trên thềm cũ lòng mình

Như trên nẻo đường chiến tranh, tôi ghé xin miếng nước

Cần phút nghỉ chân giữa cả chặng hành trình.

Xin đừng ai chê trách tôi vô ý

Hãy san sẻ cho tôi lòng tin cậy, thân tình

Vì tôi nhớ mọi điều, vì tôi tin hạnh phúc

Tôi đâu có lạ xa với nhà cũ của mình!

Mùa hè rớt Бабье лето

Có một mùa thu trong sáng diệu kỳ,

Sức nóng êm ru, màu trời không chói,

Mùa hè rớt cho những người yếu đuối,

Cứ ngỡ ngàng như lúc mới vào xuân.

Trên má mơ hồ tơ nhện bay giăng,

Se sẽ như không, nhẹ nhàng, phơ phất…

Lanh lảnh bầy chim bay đi muộn nhất,

Hoa cuối mùa sặc sỡ lo âu.

Những trận mưa rào đã tắt từ lâu,

Tất cả thấm trên cánh đồng lặng sẫm,

Hạnh phúc ít hơn mắt nhìn say đắm,

Ghen tuông dù chua chát…có thà hơn.

Ôi cái mùa độ lượng rất thân thương,

Ta tiếp nhận vì ngươi sâu sắc quá,

Nhưng ta nhớ, trời ơi, ta vẫn nhớ,

Tình yêu đâu? Rừng lặng… bóng sao đi…

Sao ơi sao, sao sắp rụng vào đêm,

Ta biết lắm thời gian đang tiễn biệt,

Nhưng mãi đến bây giờ ta mới biết,

Yêu thương – giận hờn – tha thứ – chia li…

Lộ tòng kim dạ bạch,

Nguyệt thị cố hương minh.

Mùa lá rụng Листопад

Mùa thu ở Mátxcơva

người ta thường treo những tấm biển trên các đại lộ,

với dòng chữ: “Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng”

Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói toả.

Matxcơva lại đã thu rồi!

Bao khu vườn như lửa chói ngời,

Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ

Những tấm biển treo dọc đại lộ

Nhắc ai đi ngang dù đầy đủ lứa đôi

Nhắc cả những ai cô độc trong đời:

“Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!”

Ôi trái tim, trái tim của một mình tôi

Đập hồi hộp giữa phố hè xa lạ

Buổi chiều kéo lang thang mưa giá

Khẽ rung lên bên khung cửa sáng đèn

Ở đây tôi cần ai khi xuôi ngược một mình?

Tôi có thể yêu ai? Ai làm tôi vui sướng?

“Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng”

Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi!

Nếu không có gì ao ước nữa trong tôi

Thì có nghĩa chẳng còn gì để mất

Anh từng ở đây, từng là người thân nhất

Sao phút này làm người bạn cũng không?

Tôi chẳng hiểu sao cứ ngùi ngẫm trong lòng

Rằng sẽ phải xa anh vĩnh viễn

Anh – con người không vui, con người bất hạnh

Con người đi cô độc quá trong đời

Thiếu cẩn trọng chăng? Hay chỉ đáng nực cười?

Thôi, hãy biết kiên tâm, mọi điều đều phải đợi

Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi

Mưa thầm thì rơi mãi lúc chia ly

Mưa tối rầm nhưng ấm áp nhường kia

Mưa run rẩy trong ánh trời chớp loá…

Anh hãy cố vui lên dù con đường hai ngả

Tìm hạnh phúc bình yên trong ấm áp cơn mưa!…

Tôi ra ga, lòng lặng lẽ như xưa

Một mình với mình thôi, chẳng cần ai tiễn biệt

Tôi không biết nói cùng anh đến hết

Nhưng bây giờ còn phải nói gì thêm!

Cái ngõ nhỏ con đã tràn ngập màu đêm

Những tấm biển dọc đường càng thấy trống:

“Tránh đừng động vào cây,

mùa lá rụng…”

Xêvaxtopôn Севастополь

Thành phố trắng, bãi bờ xanh mướt

Những ngọn lửa con trên những cột buồm

Vâng! Tôi vẫn biết mình hạnh phúc

Dù dạn dày thất bại, gian truân!

Có nỗi lo nào, mất mát nào, đớn đau nào

lại chia biệt lòng tôi cùng đất ấy

Nơi biển cả lạ lùng run rẩy

Vừa gào kêu, vừa chậm rãi cần lao

Nơi chim ó bay, tàu lộng khơi vào

Mỗi mỏm đá cùng lập loè trăm sắc

Nơi không thể có gì đi mất

Mà không quay trở lại bao giờ!

Dịch thơ của Omar Lara (Chilê)

Tên thị dân nhỏ

Hắn nhai xong, rồi ngủ kỹ

Khi thành phố sôi lên, náo loạn, đổ nhào!

Hắn tỉnh dậy, vẫn như hôm qua

Nhớ ra việc đi bơi, nằm tắm nắng

Con sông vẫn chảy như xưa trước Toà thị chính

Hắn nhào lộn vô tâm, tập trồng cây chuối

Giữa sóng dồi hoang vu

Dịch thơ của Pablo Neruda (Chilê)

Tôi sẽ trở lại Yo volveré

Tới một ngày, khi tôi không còn nữa,

Một người bạn đường, dù nam hay nữ,

Sẽ đến tìm tôi ở đây

Tìm giữa đá và biển

Trong ánh sáng của bọt sóng đời đời sôi động.

Hãy đến tìm tôi ở đây,

Tôi sẽ trở về vẹn nguyên, trong sạch,

Dù không môi, không tiếng, không thể thốt ra lời,

Tôi sẽ trở lại làm sức vận chuyển cho trái tim biển cả,

Trái tim dữ dội, hoang sơ…

Ở đây tôi mất đi, ở đây tôi sẽ về trở lại

Cho dù chỉ như tảng đá lặng thinh.

Dịch thơ của Paul Éluard (Pháp)

Chúng ta tồn tại Nous sommes

Anh thấy ngọn lửa chiều loé ra khỏi vỏ

Và cánh rừng vùi trong khí mát tươi

Anh thấy đồng cỏ phơi trần bên vòm không gian trễ nải

Tuyết trắng cao như biển

Và biển cao trong màu xanh da trời

Gỗ đá dẫu tuyệt vời, không kêu cứu nên lời

Anh thấy những thành phố nhuộm u sầu vời vợi

Vàng rực các vỉa hè, tràn ngập lời tạ tội

Một quảng trường cô đơn có bức tượng mỉm cười

Và tình yêu, một ngôi nhà đơn độc!

…Anh thấy cảnh vật đượm mùi dầu, vị nước

Một tảng đá bị đày xa nơi đất chẳng đoái hoài

Sắc xanh mùa hè vẫn che đất bằng chùm quả ngọt

Những người đàn bà bước ra từ bóng gương xưa

Đem tuổi trẻ lại cùng anh, đem lòng tin vào tuổi xuân anh có

Sẽ có một người đem sự sáng trong, dong cánh buồm cho anh đi tới

Bí mật chỉ anh nhìn thế giới anh chưa qua

Tất cả sẽ cùng ta sinh sống

Những sinh vật như những bóng cờ vàng

Những đồng cỏ, giấc phiêu lưu kỳ thú

Hữu ích như màu cây, nhạy cảm như thành phố

Những con người sẽ đến trong đầu anh

Những con người ở dưới lớp mồ hôi, đánh đập và nước mắt

Nhưng họ sẽ hái hết về mọi niềm mơ mộng của mình!

Tôi thấy những con người chân thật, tốt lành, hữu ích và nhạy cảm

Đã vứt được gánh nặng mỏng mảnh hơn cái chết

Và ngủ vì niềm vui dưới tiếng động mặt trời.

Xem thêm:  Tổ quốc ở Trường Sa - Nguyễn Việt Chiến

Hoàng hôn Crépuscule

Không phải đêm đâu, giờ này đang trăng sáng

Trời dịu hiền như bát sữa ăn, làm anh mỉm cười, người tình xưa ơi!

Và anh nói với em, nói với em về họ, kẻ điểm tô cho đầu óc anh, điểm tô cho nhà anh ở, điểm tô cho đời chúng ta

Bạn ơi! Họ sao nhiều thế: Cha, mẹ, vợ, con, đến nỗi không còn biết sung sướng nữa. Song giấc mơ anh vẫn cứ yên lành, và em thật đã quá nhiều tính toán!

Những kẻ giống nhau Les semblables

Anh đổi thay ý định anh rồi

Khi ấy em đi ra phố

Trong cơn lốc của mặt trời

Anh gặp em và anh dừng lại

Anh trẻ lắm chắc em còn nhớ mãi

Anh đổi thay ý định anh rồi

Miệng em đã thành xa vắng

Em đang ngủ và anh đành im lặng

Những ngọn lửa kinh hoàng trong đêm của riêng em

Giấc mộng của riêng em

Cánh đồng sáng trong nước mắt

Đôi ta không cùng buồn khổ như nhau

Anh quên em từ đấy…

Anh đổi thay ý định anh rồi

Em không thể lại còn ngủ được

Trên những nấc thang biếng lười

Những nấc thang giữa hoa và trái

Kéo dài vô tận mãi

Em lại đi tìm giấc ngủ cho em

Sắc trắng mênh mông hơi giá đầu tiên

Em quên anh từ đấy…

Trước tiên là Premièrement

Trái đất màu xanh như một quả cam

Không phải một lỗi lầm, lời nói không dối trá!

Lời nói dành cho ta đâu chỉ cho ta hát

Mà thay cho những cái hôn để hoà hợp cùng nhau!

Những kẻ điên và những mối tình

Em với miệng em, dành cho những gì nối kết

Những bí mật, những nụ cười bất tuyệt

Và bộ áo quần có vẻ đẹp khoan dung

Đến mức tưởng em khoả thân trước mặt!

Những con ong bò vẽ nở oà ra màu lục

Bình minh lướt qua cổ ta, quá đỗi nhẹ nhàng

Một chùm cửa sổ nối sáng vào nhau

Những cánh chim phủ lên vòm lá

Em có tất cả những niềm vui trần thế

Tất cả ánh thái dương rạng rỡ đất đai này

Rạng rỡ khắp con đường dành cho em nhan sắc

Vũ trụ – cô đơn L’univers-solitude

Những làng quê trông mỏi mệt

Các thiếu nữ phơi ra những cánh tay trần

Giống những vòi nước chảy

Tuổi xuân lớn lên trong các cô

Và cười với bước chân trên từng đầu ngón

Những làng quê trông mỏi mệt

Mọi sinh vật trong làng đều tất thảy giống nhau…

Dịch thơ của Pavel Grigorjevich Antokolsky (Nga)

Năm 1943

Anh vượt qua những dòng sông dựng cheo leo

Rồi trèo lại bò, xuyên vào đồng cỏ

Người trinh sát chẳng hề ai biết đó

Đôi mắt bừng lên như ánh than hồng!

Không một ngôi sao, một đốm lửa lập loè

Chỉ còn dúm tro tàn, vệt khói treo lơ lửng

Đợt sóng trào lên, thình lình quật trúng

Hất anh ngã nhào xuống bãi đất phù sa…

Quân địch đã từng đánh anh tàn tệ

Chúng dồn anh vào những khoảng đất hoang

Giữa bụi tả tơi và xám ngắt tro tàn

Tự anh không biết là mình cao cả!

Nước vũng tù váng đục nhấp thay cơm

Anh vẫn vui, nhớ một cô bạn nào rám nắng

Và vẫn tỉnh, dù cơn sốt rùng người lẳng lặng

Phải đưa tin vào du kích tận rừng sâu

Anh biết rằng, quanh quất ở đâu đây

Đồng bào anh, ngày lại ngày vụt lớn

Ôi những bóng thân thương không gì làm đục gợn

Cả hình vợ con, làng xóm, trâu bò…

Bao người thân nhích lại gần, thở dốc

Họ căm hờn, thôi thúc tự trong mơ

Nghe như lá lao xao trong rừng rậm

Như điệu nhạc mưa rào, như tiếng rít gió mùa…

Họ lật bật, run run, nóng bừng cơn sốt

Xiết chặt hàng, theo một hướng đi lên

…Chính ngày ấy, ở Stalingrad

Cơn bão Vonga thổi chiến thắng tới trăm miền!

Người lính Nga khoác áo choàng loáng trắng

Giữa một trưa bừng sáng tuyết, vui sao:

Phôn Pauluýt* quẳng lên bàn khẩu súng

Như mất hồn, tay uể oải giơ cao!

Người chiến sĩ Nga mỉm cười cay đắng

Anh nói: ” Chào ông ” – lịch thiệp lạ lùng

Điếu thuốc Nga ngon, anh đem tới hắn dùng

Tự anh không biết là mình cao cả!

…Ôi đất phù sa trải dọc sông Hồng

Sao đỏ lựng và ngầu lên như máu

Người trinh sát vẫn bò và ẩn náu

Cùng đội ngũ điệp trùng, tưởng với đến chân mây

Anh mím chặt môi, gò má lõm sâu

Bóng tối chờn vờn, rồi lửa bùng dậy mãi

Khi ấy, trên cao, trong tiếng gầm vĩ đại

Thời gian bay, giang thẳng cánh mênh mông!

…Rồi trước mặt anh, dưới rãnh nhỏ ven đường

Kẻ thù nằm ngang, sườn mang vết đạn

Tên lính thực dân đã đền bù thích đáng

Cho trăm nghìn hành động dã man xưa…

Người Việt đã xốc kẻ kiệt cùng từ mặt đất

Anh nói: ” Chào ông ” – lịch thiệp lạ lùng

Đem nước kề môi cho kẻ khác dùng

Tự anh không biết là mình cao cả!

Ôi, vàng óng bao nhiêu bình minh thuở ấy

Anh lấy lại quyền làm chủ đất trời!

Dù cách trở ở hai đầu lục địa

Ta vẫn cùng một chính nghĩa mà thôi!

Chính nghĩa nối liền khoảng cách xa xôi

Tới hôm nay, cùng dựng xây, cùng cày cấy

Cùng gắn bó, hát ca, cùng múa nhảy

Tay bắt mặt mừng, ta lại gặp nhau

-Mới hiểu mình đều cao cả, lớn lao!

Dịch thơ của Rainer Maria Rilke (Áo)

Dân ca Volksweise

Tôi gần gũi lạ lùng

Với những điệu dân ca xứ Séc

Với những nỗi đau ly biệt u uẩn hoài không tắt

Cứ dội dội lên từng hồi

Chỉ nghe rụt rè đôi tiếng trẻ con

Ngân khe khẽ, ê a trên đồng cỏ

Là nỗi đau đã làm tôi nghẹn cổ

Cứ dập dồn co thắt trong tim

Năm tháng dần qua, lời hát ngỡ lặng im

Tôi cứ lang thang, lê la cùng khắp chốn

Sực có lúc bị nỗi buồn lôi cuốn

Lời ca kia lại đau đáu dội về…

Đàn sếu Журавли

Những tráng sĩ – Nhiều khi tôi tưởng tượng

Đã qua bao trận huyết chiến không về

Biến thành đàn sếu trắng trên kia

Tự những thời xưa, đến bây giờ vẫn vậy…

Đàn sếu bay, đàn sếu gọi gì ta?

Hẳn vì thế mà ta thường lặng lẽ

Thường ngậm ngùi khi ngước mắt về xa…

Tôi đang ngắm sếu bay, giữa một miền đất lạ,

Giữa sương xuống chiều hôm,

Đàn sếu trắng giăng hàng

Bay theo đội hình, bay theo nhịp bước,

Tưởng chẳng khác con người

Trong cuộc sống nhân gian!

Đàn chim đổi mùa, hành trình dài dặc…

Vừa bay vừa kêu như gọi mãi tên ai,

Tiếng chim sếu, vì sao nghe rất giống

Những âm sắc Avar quen thuộc tự bao đời?

Đàn chim hình mũi tên, cứ bay qua, bay mãi,

Nhắc bè bạn, nhắc người thân

khuất nẻo đã lâu rồi!

Và trong hàng, có một khe hở nhỏ

Hẳn đó sẽ là chỗ đứng của đời tôi!

Có phải rồi tới ngày, ở trong hàng ngũ ấy,

Tôi cũng vươn theo đàn, bay tít tận xa xanh?

Và chỉ bằng lời chim, từ ngang tầm vũ trụ,

Tôi sẽ hướng về đây, cất tiếng gọi các anh?…

Dịch thơ của René Philombe (Cameroon)

Văn minh Civilisation

Chúng đến, lôi tôi ra từ ngôi lều rơm rạ

Bắt chúng tôi xếp hàng, đếm chúng tôi như đếm vịt

Nói với nhau bằng thứ tiếng ngạo mạn líu lô

Cười hô hố, ra hiệu đi đều tiến lên phía trước

“Phải khai hoá chúng mày! Lũ người man rợ!”

Chúng nói

Rồi chúng tập cho mặc quần áo lính

Rồi chúng bắt tôi dập gót giày đinh

Rồi chúng dạy tôi tắm vòi hoa sen

Rồi chúng cho tôi xem phim kích dục

Cuối cùng, chúng tôi bị lôi đi bắn giết

Nhuộm lẫn máu mình vào máu người đồng chủng với tôi

Còn chính dòng máu ban đầu trinh trắng của tôi

Bị chúng làm bẩn đi vù ma men và thuốc sái

Và những tham vọng thấp hèn của đồng tiền vụ lợi

Hu hu! Hô hô! Hi ha! Hi hô!

Hãy hô lên, đánh trống nữa, to lên

Tam tam! Tam tam! Tam tam!

Chúng tôi bây giờ đã biết mùi văn minh thực sự!

Dịch thơ của Rimma Fyodorovna Kazakova (Nga)

“Tôi càng lúc càng trở nên bình thản” “Становлюсь я спокойной”

Tôi càng ngày càng trở nên bình thản

Điều này có giản đơn không?

Khi tôi biết mình không cao đủ tầm

Cao lý tưởng như vận động viên bóng rổ

Cũng không đủ tóc dài kết bím

Không đủ nét phớt hồng trên má tuổi thanh xuân

Không đủ váy mốt, áo choàng sang

Không có cả đồng hồ tay, hay vòng hạt giả

Và thế là tôi không đủ bạn bè

Không có bạn trai nào tiễn tôi về tận cửa

Để bịn rịn dưới cầu thang tập thể

Túm khẽ tay áo tôi, không nỡ buông rời!

Xem thêm:  Nơi này Đá - Lê Tuấn

Và thế là tôi cứ mãi muộn chồng

Không đủ bí ẩn để con trai theo đuổi

Không đủ những gì khiến mọi người cuốn hút

Nên mọi người bèn nói xấu về tôi

Đài báo suốt ngày ra rả tuyên truyền

Rằng thế hệ chúng tôi cái gì cũng sẵn

Rằng thế hệ chúng tôi vô cùng may mắn

Áy vậy mà

Tôi vẫn âm thầm không đủ rất nhiều điều!

Tháng Ba vào xuân, tôi vẫn còn giá buốt

Tôi không đủ lòng tin, không tìm ra lòng tốt

Càng lớn lên tôi càng không đủ tự yêu mình!

Như mặt đất khát khô không đủ thấm giọt sương

Tôi không dám chọn cho mình

Thứ chân lý trụi trần dàn thẳng mặt!

Và thế là tôi đánh chọn

Sự bình thản đến lạnh lùng

Để nhìn bình minh cũng như hoàng hôn

Đúng như nó không một lời tô vẽ

Và tâm hồn tôi chẳng một khe hở nhỏ

Như nguyên tử tự quay tròn, không chia cắt gì thêm!

Dịch thơ của Robert Frost (Mỹ)

Sao có biết mình được chọn là sao?

Hỡi ngôi sao, chói sáng từ xa thẳm,

Dù ban ngày, có lúc bị mây che,

Nhưng giữa đêm, ánh sáng ngươi nổi bật

Lặng lẽ, xanh trong, huyền ảo hiện về!

Ngươi soi sáng mà không cần mở miệng

Không khoe gì bí ẩn của đời riêng,

Chỉ tỏ khẽ niềm vui, khi đôi lần nhấp nháy

Để báo rằng: Năng lượng sáng còn nguyên!

Ai biết ánh sáng sao nóng lạnh bao nhiêu độ

Đo bằng độ Xenxi hay độ Farenhai?

Cũng chẳng thể đo lượng vật chất nào đã trải

Trong ánh sao rọi khắp Thiên hà!

Chẳng đòi hỏi gì, Ngươi luôn lặng lẽ

Làm tấm gương kiên trì, soi vũ trụ gần xa…

Chẳng bận tâm, ai bỉ báng hay ca ngợi

Cũng chẳng bận tâm lời xu phụ thấp hèn,

Ngươi cứ đúng là Sao – như thế gian đã chọn

Giữ vĩnh viễn vòng quay và rọi sáng đêm đen!

Dịch thơ của Roque Dalton (El Salvador)

Thời của tro tàn Hora de la ceniza

Tháng Chín đã qua. Rồi sau, em sẽ biết

Buổi chiều này nặng nề ẩm ướt

Anh khó sống làm sao!

Cuốn sách trên tay nặng như phiến đá

Dòng chữ quen hoá lạ hết rồi

Cơn mưa đi qua

Không hiểu vì sao lại đọng trong trí nhớ

Chẳng phải bài hát nào mình ưa thích

Mà là hình ảnh con chó con

Từ tuổi nhỏ xa vời

Khi anh chết

Chắc người ta chỉ nhớ

Rằng anh không hề lộ vẻ thở than

Anh không có cả quyền mệt mỏi

Anh phải bóc chân lý ra từ lửa

Quả đấm tay anh như kim cương nguyên khối

Mãi mãi vung cao niềm hy vọng không rời!

Chỉ riêng anh biết rằng, từ lúc xa em

Âm nhạc cũng trở thành băng giá

Chỉ riêng anh cảm nhận, nỗi đau tê điếng

Của những ngày lạnh ngắt không em

Nếu như anh chết đi

Chắc người ta chỉ nói:

“Khổ cho thằng này không biết khóc bao giờ!”

Dịch thơ của Sarveshvar Dayal Saxena (Ấn Độ)

Chỗ tựa

Một cành cây khô

Rơi xuống, áp vào cỏ ướt

Khuôn mặt anh khô cằn vì thế sự

Áp vào ngực em

Đôi khi

Đôi khi một mùi hương

Mất không còn dấu tích

Đôi khi tìm đến đích

Chỉ nhờ một dấu chân

Đôi khi nhìn vầng trăng

Muốn bỏ vào trong túi

Đôi khi nhìn thế giới

Thấy xa như sương mù

Chỉ đàn kiến đang bò

Dạy lòng ta kiên nhẫn

Đôi khi điều nín lặng

Bỗng thét gào trong tôi

Đôi khi nỗi buồn trôi

Thành Ngân hà không tới!

Nhịp mùa xuân

Trong đầu tôi khí mát đung đưa

Theo nhịp cây xanh đón gió

Nhưng tôi không quay đầu ngoái lại

Vì biết mùa xuân sắp qua!

Trời ban

Tôi cúi xuống

Ngửi mùi hương cỏ

Một giọt sương tinh khiết

Khiến tôi tưởng chạm ánh trời

Dịch thơ của Semion Gudzenko (Nga)

Thơ Я был пехотой в поле чистом…

Nếu phải trải thêm một lần chiến đấu

Hãy cho tôi theo nếp cũ từng làm

Để tôi trước tiên hãy là chiến sĩ

Trong đội ngũ tiền tiêu xung kích tiểu đoàn

Người chỉ huy tôi chỉ cần là thượng sĩ

Cho cả cuộc chiến tranh ít nhất một phần ba

Để lăn lóc từ đây từ đỉnh cao sống chết

Tôi sẽ tìm đường tụt xuống với thơ ca!

Tỉnh lẻ У каждого солдата есть провинция…

Mỗi nhà thơ có một tỉnh lẻ trong mình

Những yếu đuối, lỗi lầm, những băn khoăn bé nhỏ

Nhưng mọi ngẩn ngơ sẽ được mọi người tha thứ

Nếu anh viết những câu thơ trung thực tận cùng

Số phận thế hệ tôi khắc khổ và cay cực

Cũng mang theo một tỉnh lẻ trong mình

Tỉnh lẻ không tên trên bản đồ địa lý

Tỉnh lẻ đã xa vời

Là cả cuộc chiến tranh!

Thơ dịch của Sergei Aleksandrovich Yesenin (Nga)

“Những cây hoa nói với anh: vĩnh biệt”

Những bông hoa đến từ biệt cùng tôi

Cúi thấp xuống từng mái đầu xinh nhỏ

Mặt người thân và mảnh đất ông cha

Tôi mãi mãi sẽ không còn thấy nữa!

Nhưng thôi mà, thôi nhỉ, có sao đâu!

Quê kiểng, người thân…, tôi đều đã biết.

Giờ tôi nhận cái rùng mình giãy chết

Như một điều âu yếm mới thêm thôi!

Thế là xong. Suốt cả cuộc đời tôi

Tôi đi hết, với nụ cười chưa tắt

Tôi có thể nói rõ ràng giây lát

về những gì mai sau lại lặp lại trên đời!

Chả có gì hơn, rồi lại có một người

(Nỗi buồn cũ, cần chi cho kẻ chết!)

Một người khác sẽ cất lời hát tiếp

Bài ca tôi yêu còn bỏ lại trên đời!

Người tôi yêu sẽ yêu lại một người

Và tiếp nhận bài ca kia lặng lẽ

Có thể đôi khi nhớ về tôi nhỉ?

Như một cánh hoa không lặp lại bao giờ!

Thư gửi mẹ Письмо к матери

Mẹ già ơi! Biết mẹ có còn không?

Con vẫn sống, gửi lời chào tạ mẹ!

Mái nhà cũ, ôi mái nhà nhỏ bé,

Ánh chiều tuôn như suối lặng không lời…

Có phải, mẹ ơi, như người ta bảo:

Mẹ dấu buồn lo, khổ mãi vì con!

Có phải mẹ vẫn ra đường mỗi buổi

Choàng trên vai chiếc áo cũ bông sờn!

Có phải mẹ trong bóng chiều chạng vạng

Trong ánh xanh lơ, trông ngóng bồn chồn,

Tưởng ai đó, giữa cơn say quán rượu

Cắm mũi dao vào tận trái tim con!

Con van mẹ. Mẹ đừng lo mẹ nhé,

Cơn mê đè nặng chĩu cũng qua đi,

Con chẳng phải hạng người điêu đứng thế

Phải chết khi chưa gặp mẹ dãi dề…

Con vẫn thế, như xưa, mềm yếu lắm,

Chỉ có một điều mơ ước khôn nguôi

Là mau thoát cơn đau buồn dằng dật

Về bình yên dưới mái nhỏ yêu đời!

Con sẽ về khi cành tơ bén lá

Mảnh vườn quê lại trắng xoá màu xuân…

Nhưng mẹ đừng như tám năm xưa cũ

Mỗi bình minh, đừng đánh thức chi con!

Đừng đánh thức, mẹ ơi, cơn mơ đã tắt

Đừng khơi những nôn nao đã lạnh tanh rồi!

Từ sớm lắm, nỗi chán chường mất mát

Đã buộc đời con thử thách khôn nguôi!

Cũng chớ khuyên con nguyện cầu nữa, mẹ!

Ích chi đâu, nẻo cũ khép lâu rồi

Chỉ mẹ biết niềm vui và cứu giúp

Chỉ mẹ là ánh chói lói không lời!

Thôi hãy quên đi nỗi lo mẹ nhé

Và cũng đừng đau xót mãi cho con…

Đừng mỗi buổi lại ra đường mãi thế

Choàng trên vai chiếc áo cũ bông sờn!

Dịch của Shuntarō Tanikawa (Nhật Bản)

Cuộc đời

Vậy là cuộc đời cứ trôi

Trôi dưới ánh đèn đêm lờ mờ đường phố

Trôi trên những đệm giường nhàu nhĩ ban mai

“Anh cần em, em yêu!”

Tất cả đàn ông đều chốt lại một câu

Để những người đàn bà hể hả

Cặm cụi trong bếp ăn nhập nhoạng mỗi chiều

“Em cũng yêu anh nhiều!”

Người đàn bà trả lời khi nhận đủ lương chồng tháng tháng…

Vậy là cuộc đời cứ trôi

Nhưng cũng có bất ngờ, những phút hiếm hoi

Trên cánh đồng hoang, ngát cỏ hương tháng sáu

Cuộc đời lại biết thơm mùi dâu đất:

Hai người yêu dắt tay nhau vào lối mòn lặng lẽ

Không nói một lời, họ thực sự yêu nhau!

Nhân quả

Kết cục có thể giống nhau

Nhưng nguyên nhân thì hàng ngàn hàng vạn

Việc nhỏ tày đình – thành bại ai hay?

Mọi nguyên nhân từ cuộc sống sinh ra

Rồi như những đường ray chạy biến vào tít tắp

Như những hầm lò bỏ quên, mặc con người chui rúc

Một ban mai sẽ sập xuống vô tình

Có bất thường đâu, dù sự việc thình lình

Tất cả đều không tránh khỏi!

Những năm tháng quên đi, đều hoá tuổi

Thuyết nhân quả quên đi, vẫn báo ứng luân hồi!

Xem tiếp: Bằng Việt và các tập thơ dịch của tác giả nước ngoài P5

Theo Thuvientho.com

Check Also

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Hoa cúc họa mi còn được gọi là hoa cúc dại hay là hoa cúc …