Home / Chùm thơ chọn lọc / Chùm Thơ Ấn Tượng Của Cao Thị Ngọc Anh

Chùm Thơ Ấn Tượng Của Cao Thị Ngọc Anh

Chùm Thơ Ấn Tượng Của Cao Thị Ngọc Anh

Cao Thị Ngọc Anh xuất thân từ gia đình có truyền thống hiếu học. Bà giỏi cả hán học, tao nhã cả văn chương. Bà tài hoa nổi tiếng xứ Nghệ với tinh thần yêu nước. Đặc biệt bà có rất nhiều bài thơ đặc sắc, lời thơ nhẹ nhàng đậm chất trữ tình và trào lộng. Thơ của bà đến ngày nay vẫn được nhiều người yêu thích. Nào, hôm nay các bạn hãy cùng Thuvientho.com tìm hiểu về nữ nhà thơ tài hoa này nhé!

I. Nhà Thơ Cao Thị Ngọc Anh

Cao Thị Ngọc Anh (1878-1970) tên thật là Cao Thị Hoà, còn gọi Cao Ngọc Anh, sinh ngày 22 tháng 12 năm Tự Đức thứ 31 (1878), quê làng Thịnh Mỹ, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nay là làng Thịnh Mỹ, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Bà là ái nữ của Đông các đại học sĩ Cao Xuân Dục, em gái Phó bảng Cao Xuân Tiếu, những vị đại nho, những nhà văn có tiếng. Được thân phụ cho theo nghiệp bút nghiên từ thuở thiếu thời, nên Cao Thị Ngọc Anh uyên thâm cả Hán học, tao nhã cả văn chương.

Bà lấy chồng năm 19 tuổi, chồng là cử nhân Nguyễn Duy Nhiếp, người tỉnh Hà Đông, con Nguyễn Trọng Hiệp, Văn Minh đại học sĩ. Chồng mất sớm lúc bà mới 26 tuổi, có ba con còn rất nhỏ, bà không tái giá mà ở vậy nuôi con.

Bà là một phụ nữ tài hoa, nổi tiếng cả xứ Nghệ, có tư tưởng tiến bộ, yêu nước. Năm 1908, bà mở trường dạy võ cho phụ nữ. Năm 1953, nữ sĩ xuất bản tập “Khuê sầu thi thảo” gồm những bài thơ chữ Hán và chữ Việt với bút hiệu Ngọc Anh. Tập thơ này được ái mộ trong giới văn học Việt Nam thời bấy giờ. Khoảng năm 1960-1961, ở Sài Gòn bà đứng đầu Hội thơ Quỳnh Dao, chiêu tập và quần tụ các nữ sĩ. Thơ Cao Thị Ngọc Anh giàu chất trữ tình và trào lộng.

Bà mất tại Sài Gòn vào năm Canh Tuất 1970, thọ 92 tuổi. Khi bà mất, Nguyễn Thị Phương Nghi có bài thơ ca ngợi bà:

Mượn thú văn chương tỏ nỗi nhà

Lam Hồng nữ sĩ khác người xa

Trần duyên chưa được tròn công quả

Tâm sự thôi đành gửi bút hoa

Mệnh bạc thẩn thơ cơn sóng gió

Lòng son tô điểm nét sơn hà

Nuốt cay ngậm đấng bao tình cảm

Tiết điệu đêm dài lệ nhỏ sa…

Ba xuất hiện trong một số sách như “Hương sắc quê mình” của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, “Quốc văn diễn nghĩa” của Dương Quảng Hàm, “Giai thoại làng nho” của Lãng Nhân… Năm 1995, Ninh Viết Giao có chọn chín bài in trong cuốn “Thơ văn nhà nho xứ Nghệ”, rồi sau đó Vũ Ngọc Khánh có nhắc lại trong cuốn “Giai thoại ông đồ”. Năm 2004, Từ điển văn học (bộ mới) có tên bà

Xem thêm:  Bông tình xuân - Nguyễn Văn Thái

II. Những Bài Thơ Đặc Sắc Đậm Chất Trữ Tình

Bà sở hữu nhiều tác phẩm nổi tiếng đi vào lòng người, Thơ bà vừa yêu thương đất nước xen lẫn vào đó là tình cảm ngọt ngào dành cho quê hương. Vậy chúng ta hãy cùng cảm nhật ý thơ của bà trong những bài thơ dưới đây nhé!

Ăn Tết ở Sài Gòn

Nghìn dặm xa xôi trải nước non,

Thoi đà thấm thoát sáu trăng tròn.

Xuân về hớn hở người vui bạn,

Tết đến bùi ngùi mẹ nhớ con.

Người trước năm mươi đà biết dại

Ta nay sáu chục vẫn chưa khôn

Nam kỳ ướm hỏi ai tri thức

Khắc khoải xa nghe cuốc gọi hồn

Con ghẻ

Cái ghẻ, mày ơi! Tớ bảo này

Sao mày quanh quẩn mãi chi đây

Trước còn ăn hết làn da mỏng

Sau lại dùi vô tấm thịt dầy

Sâu trắng độc ngầm không kẻ biết

Nước vàng chảy mãi có ai hay?

Nhân ngôn móng chó chưa nhằm mặt

Phải có diêm sinh để trị mày.

Cuộc khởi nghĩa ở Nghệ An

Ghê gớm, ai gây cuộc hí trường?

Biết bao kẻ khóc với người thương!

Lam Giang sóng cuộn trăm dòng lệ,

Hồng Lĩnh tro vùi một đống xương.

Nóng mặt anh hùng, người chí sĩ,

Đau lòng cố quốc, khách tha hương.

Ngán thay ngọn lửa vô tình nhỉ,

Trông thấy ai mà chẳng đoạn trường.

Đánh bài bất

Một cuộc mua vui học trẻ con

Quây vây băm tám một vòng tròn

Nhị rồi tống cửu đen như mực

Thất kéo lên tam đỏ quá son

Đã trót vùi đầu theo với nước

Cũng đành nhắm mắt chẳng thôi non

Cửu văn ông cụ dà vơ sạch,

Ngơ ngác nhìn nhau: nước mất còn?

Đào hoa khẩu chiếm 桃花口占 • Bói hoa đào

Tích niên lang tháp song đào thụ,

Kim kiến đào hoa bất kiến lang.

Giả sử hoa thần như hữu thức,

Vị lang tiều tuỵ giảm dung quang.

Hoàng hôn 黃昏 • Hoàng hôn

Hoàng hôn tối thị vô liêu lại,

Nhân tự thương tâm, nhật tự tà.

Lâu thượng nhất huỳnh tuỳ nguyệt độ,

Liêm tiền sổ điểu hoà phong ca.

Văn chương hồi thủ đo trần mộng,

Phú quý nhàn phao khán lạc hoa.

Tận nhật bế môn duyên để sự,

Sầu thôi yếm kiến túc nhân đa.

Xem thêm:  Những bài thơ ngắn hay về mùa hè mới nhất

Kén chồng

Kén chồng khó lắm chị em ơi,

Trong đám nhà nho cũng hiếm ng­ười!

Hậu bổ bấy lâu nhà nư­ớc bỏ,

Đốc tờ ai nấy vợ con rồi.

Thượng l­ưu các cụ, e nhiều tuổi?

Cao đẳng đàn em khó sánh đôi?

Ngán nhẽ mâm son mà ế nhỉ,

Có khi đũa mốc phải chòi chơi.

Lỡm anh Tế

Anh Tế nhà ta khéo ỡm ờ,

Phong tình quen thói lại lơ mơ.

Rượu ngon uống hết không chừa cặn,

Mít ngọt quen mùi đánh cả xơ.

Duyên chị trước đà xe chỉ thắm,

Tình em nay muốn chắp dây tơ.

Cho hay quân tử là thế đó,

Ưa chị ưa em chẳng có chừa.

Ngạo đời

Ai bảo là ta tính ngạo đời

Khinh đời vẫn khó há rằng chơi!

Khinh người lắm của còn ham của,

Khinh kẻ cao ngôi chẳng xứng ngôi!

Khinh gái chung tình, chung cửa miệng

Khinh trai ái quốc, ái đầu môi.

Có khinh chăng nữa là khinh thế

Nào dám khinh đâu khắp mọi người!

Nhớ quê hương

Mưỡu:

Hỏi ai gây việc chiến tranh

Non sông xẻ nửa gánh tình chia đôi

Vầng trăng vằng vặc giữa trời

Nhớ quê muôn dặm nhớ người nghìn xưa

Hát nói:

Trăng thanh gió mát tựa bên lầu

Ngâm hát một mình chơi

Đầu non xa thoang thoảng hương mai

Niềm tâm sự biết cùng ai giải tỏ

Lâu thượng nhất huỳnh tuỳ nguyệt độ

Liêm tiền số điểm hoạ phong ca

Đoái non sông Nùng, Nhị xa xa

Chòm mây trắng ấy nhà ta đó nhỉ

Ai tri kỷ, biết ai là tri kỷ

Trên từng mây lơ lửng chị Hằng Nga

Một trăng với lại một ta

Ở Trung Kỳ

Trung kỳ nấn ná bấy nhiêu năm,

Buồn lại đi chơi, mỏi lại nằm.

Cũng đủ với đời: tai mắt miệng,

Mà cam chịu nỗi: điếc mù câm!

Nghe chi cho mệt lòng suy nghĩ,

Nói lắm càng thêm sự lỗi lầm.

Đã thế thì thôi, thôi mặc thế,

Hơi đâu chác lấy chuyện thương tâm!

Tự thán

Muốn chết mà chưa nhắm mắt đành,

Hồn quê vơ vẩn suốt năm canh.

Trông gương kim cổ chưa mờ thuỷ,

Thấy cuộc tang thương lại giật mình.

Chiếc bách lênh đênh nhà bốn bể,

Mối tầm vương víu nợ ba sinh.

Ấy ai cốt nhục cùng ta đó,

Quẩy đỡ cho nhau một gánh tình!

Gánh tình ai quẩy đỡ cho nhau?

Một bước chân di một bước sầu.

Trải khắp non xanh cùng nước biếc,

Quản chi nắng dãi với mưa dầu.

Ngâm câu khế khoát tai còn vẳng

Đọc chữ cù lao dạ quặn dau.

Nam Bắc đôi đường trông mỏi mắt,

Hiu hiu gió thổi ngọn bông lau…

Xem thêm:  Nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn và những bản thơ dịch tác giả khác (Phần 6)

Tự trào

Nghĩ mình mà ngán cho mình,

Chẳng có chi là lại có danh.

Không thế, không thần, không sự nghiệp,

Dở tiên, dở tục, dở tu hành.

Bầu vơi rượu thánh hồn lai láng,

Túi nhẹ thơ tiên trí quẩn quanh.

Đạo hữu ớ hay đâu vắng nhỉ,

Biết ai đàm đạo mấy câu kinh

Vịnh cảnh hoàng hôn

Còn trời, còn đất, hãy còn ta.

Chân cứng lo chi bóng xế tà,

Nhớ mẹ thêm rầu khi sớm tối

Thương con nào quản nỗi gần xa.

Dám sai lời hẹn cùng non nước,

Cũng gượng vui cười với cỏ hoa

Phong cảnh buồn trông nơi đất khách,

Chiều hôm lác đác hạt mưa sa.

Vịnh cảnh Ngũ Hành Sơn

Nghe nói Hành Sơn cảnh tuyệt vời,

Cõi trần dạo bước thử xem chơi.

Năm hòn chót vót cây chen đá,

Bốn mặt mênh mông nước lộn trời.

Bãi cát trắng phau cơn gió bụi,

Chòm râu xanh ngắt bóng trăng khơi.

Ngự thi nét bút còn như vẽ,

Dâu bể bao phen đã đổi dời!

Vịnh cầu Hàm Rồng

Hàm Rồng nô nức tiếng đồn om,

Rải rác nhà tranh ở mấy chòm.

Hỏi đá chờ ai ngồi nhấp nhổm,

Thương cầu vì nước đứng lom khom.

Sóng như chào khách chờn vờn nhảy,

Nguyệt cũng yêu ta lấp ló dòm.

Cửa động rêu phong mờ nét chữ,

Ai người mến cảnh chút trông nom.

Vịnh đêm thu

Đêm thu lác đác hạt sương rơi,

Trằn trọc năm canh khóc dở cười.

Vận hội sao mà đen giống mực,

Nhân tình ngán nỗi bạc như vôi.

Trông ra thói tục cười long óc,

Nghĩ đến trò đời khóc hổ ngươi.

Ai biết, biết ai, chăng cũng chớ,

Mảnh lòng vằng vặc bóng trăng soi.

Vọng phu thi thảo 望夫詩草

U uất thu tâm khổ bất miên,

Phần hương ngũ dạ độc di biên.

Thi từ vô hạn lăng vân tứ,

Bút thái do lưu hàn mặc duyên.

Nguyệt lãnh ngâm lâu không tịch mịch,

Đăng thuỳ lạp lệ cộng lưu liên.

Nghị hồn hà xứ như tương thức,

Ưng bổ hoa thi “Biệt hận thiên”.

Trên đây chúng tôi đã chia sẻ đến cho quý vị độc giả những thông tin cũng như những tác phẩm nổi tiếng của nữ nhà thơ Cao Thị Ngọc Anh. Hy vọng bài viết này các bạn sẽ thích. Hãy chia sẻ bài viết này nhé. Cảm ơn các bạn đã luôn đồng hành cùng chúng tôi trong suốt thời gian vừa qua!

Theo Thuvientho.com

Check Also

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Hoa cúc họa mi còn được gọi là hoa cúc dại hay là hoa cúc …