Home / Chùm thơ chọn lọc / Chùm Thơ Ấn Tượng Của Chính Hữu

Chùm Thơ Ấn Tượng Của Chính Hữu

Chùm Thơ Ấn Tượng Của Chính Hữu

Chính Hữu sinh ra và lớn lên tại thành phố vinh. Ông là một nhà thơ nổi tiếng được nhiều người biết đến. Ông là nhà thơ quân đội thực thụ cả ở phía tác giả lẫn tác phẩm. Từ lúc viết bài thơ đầu cho đến nay Chính Hữu vẫn phục vụ trong quân đội. Đề tài thơ hầu hết là đề tài đánh giặc, nhân vật trung tâm là anh bộ đội. Tình cảm quán xuyến trong toàn bộ thơ Chính Hữu là tình cảm người lính, trong đó lòng yêu Tổ quốc và tình đồng chí là hai chủ đề hay được đề cập. Thơ Chính Hữu thể hiện một cá tính trầm lặng nhưng cả nghĩ và dào dạt yêu thương, trong lòng luôn luôn có sự khắc khoải về trách nhiệm trước những nỗi gian lao của đồng bào, đồng chí.

Hôm nay, Thuvientho.com sẽ chia sẻ đến các bạn về nhà thơ tài hoa và những tác phẩm đi vào lòng người của ông. Đừng bỏ lỡ nhé!

I. Nhà Thơ Chính Hữu

Chính Hữu tên thật Trần Đình Đắc, sinh năm 1926 tại Vinh, là nhà thơ quân đội thực thụ cả ở phía tác giả lẫn tác phẩm. Từ lúc viết bài thơ đầu cho đến nay Chính Hữu vẫn phục vụ trong quân đội. Đề tài thơ hầu hết là đề tài đánh giặc, nhân vật trung tâm là anh bộ đội. Tình cảm quán xuyến trong toàn bộ thơ Chính Hữu là tình cảm người lính, trong đó lòng yêu Tổ quốc và tình đồng chí là hai chủ đề hay được đề cập. Thơ Chính Hữu thể hiện một cá tính trầm lặng nhưng cả nghĩ và dào dạt yêu thương, trong lòng luôn luôn có sự khắc khoải về trách nhiệm trước những nỗi gian lao của đồng bào, đồng chí. Anh hay nghiêng về những hy sinh xót xa, với sự chân thành cảm phục biết ơn và rất nhiều tự vấn về trách nhiệm mình. Trong lễ duyệt binh, mắt nhìn những đoàn quân hùng mạnh đang tiến theo xe đại bác, tai nghe tiếng quân nhạc hùng tráng, nhưng tâm trí lại hướng về Đồng chí thương binh trên đôi nạng gỗ và sự xúc động hướng vào nhận thức:

mới hiểu được

vì sao những lá cờ bay

theo nhịp bước

vì sao những chân đi làm rơi nước mắt

Cảm hứng lớn trong thơ Chính Hữu cũng như trong cả nền thơ chúng ta là cảm hứng ca ngợi. Nhưng anh không ca ngợi dễ dãi, nhẹ lòng. Anh ca ngợi với tư thế người trong cuộc, người gánh trách nhiệm trên vai. Với anh, nhà thơ không thể chỉ đứng mà xuýt xoa,cảm thán trước những gian khổ hy sinh của dân tộc mà phải góp phần gánh vác những gian khổ đó. Ca ngợi anh giải phóng quân, anh ca ngợi trong sự chia sẻ sâu sắc. Tứ thơ Một nửa rất sáng tạo:

Tôi ôm anh

Như ôm nửa thân tôi đẫm máu

… cuộc đời anh cho tôi chia một nửa

Nửa giọt mồ hôi vạt áo còn đầm

Nửa dãy Trường Sơn thác ghềnh vất vả

Nửa nắm cơm hạt muối nhọc nhằn

Trong thơ Chính Hữu chúng ta hay gặp tiếng reo nhận thức:

Ta mới hiểu, ta mới hiểu.

Ta mới hiểu thế nào là đồng đội

Mới hiểu được vì sao những lá cờ bay

Mới biết chiều cao ngọn núi, chiều rộng con sông…

Đó cũng là một bằng chứng để nói ý thức tự nhận trách nhiệm là một tình cảm thường trực ở Chính Hữu. Có thể vì thế người ta thấy trong giọng thơ Chính Hữu một sự khắc khổ,lặng lẽ. Dù sao, trên tư cách một nhà thơ quân đội, Chính Hữu đã góp phần tích cực trong việc rèn luyện tư tưởng tình cảm cho bộ đội ta từ những việc cụ thể mà mỗi người lính thường gặp. Điều quan tâm lớn nhất ở Chính Hữu là trách nhiệm người lính trước vận mệnh Tổ quốc. Trách nhiệm ấy trong thơ anh được hình thành từ những yêu thương dằng dịt đối với người mẹ thắp hương cầu trời phù hộ bước con đi, đối với người vợ gánh gạo đưa chồng hai vai khó nhọc, đối với đồng chí đồng đội, đồng bào. Chính Hữu tìm sức mạnh của đoàn quân ở chỗ nhận thức giá từng thước đất: Bên trái Lò Văn Sự, bên phải Nguyễn Đình Ba và sức mạnh của khẩu súng không phải chỉ nằm trong viên đạn khi:

Súng ta kê

bên nôi nhỏ

các em nằm

Nhận thức trong thơ Chính Hữu trong khá nhiều trường hợp đã đạt được bằng con đường tình cảm. Nhờ thế thơ anh rắn khoẻ về tư tưởng, mà vẫn uyển chuyển, thấm thía.

Thơ Chính Hữu không phải là thơ phản ánh từng sự việc, miêu tả từng hoàn cảnh. Anh không quen lối viết ngay tại trận như nhiều cây bút khác. Anh viết sau khi mọi việc đã lắng lại, những gì ký ức còn giữ đều đã được gạn lọc. Thơ anh thiên về tổng hợp, tổng kết, có sức khái quát rộng. Thời gian để hoàn thiện một bài thơ nhiều khi khá lâu. Bài Đồng chí là những thu nhận được trong một lần đi chiến dịch, nhưng phải đợi khi chiến dịch đã kết thúc, trong một đợt đi điều dưỡng Chính Hữu mới ôn lại mà viết. Bài Thư nhà là kết tinh nhiều lần xúc động của tác giả. Mỗi khi gặp những đoàn dân công hậu phương gánh gạo, tải đạn ra mặt trận, Chính Hữu ghi trong ký ức những trạng thái tâm tình của mình, nhưng không ghi một câu thơ cụ thể nào trên giấy. Mãi cuối chiến dịch Điện Biên Phủ anh mới phác ra Thư nhà, và bảy năm sau (1961), bài thơ mới đủ chín để xuất hiện.

Có lẽ vì cách làm việc như vậy nên Chính Hữu viết chậm, dù rằng trong lòng anh không lúc nào nguôi những nghĩ ngợi về thơ. Chính Hữu không viết ép, thấy câu chữ nhạt, là thôi ngay. Anh chỉ viết khi cảm xúc đầy đặn và chữa rất công phu. Nhờ vậy thơ Chính Hữu ít trồi sụt về .

Thơ Chính Hữu có một kết cấu chặt chẽ, anh hiếm có câu thừa, ngay ở từng chữ cũng có sự cân nhắc. Anh viết như người ta chạm khắc, tính toán cẩn thận, rồi mới đặt mũi dao.

Nhịp điệu trong câu thơ Chính Hữu ít khi cố định, nó đổi thay theo nội dung, góp phần tạo nên nội dung. Anh ít viết theo các thể thơ ổn định, hình như không có bài lục bát nào. Anh sợ quán tính của vần điệu lôi tuột cả tình ý đi.

Có thể nói mỗi bài thơ Chính Hữu đều có một tìm tòi mới. Anh giữ bản sắc dân tộc một cách sáng tạo. Anh học ca dao trong hình ảnh ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt, trong công việc của người vợ gánh gạo đưa chồng hai vai khó nhọc. Người xưa nói chia ly nơi đầu cuối một , anh nói đoàn tụ ở hai đầu chiến trường. Câu thơ núi biên giới Núi, lại núi, lại núi phải chăng cũng phát triển từ câu thơ: Một đèo, một đèo, lại một đèo… Khi học tập một cách nói tự bên ngoài, Chính Hữu cũng không sa vào lai căng, lộ liễu, do anh biết bám chắc vào chất sống Việt Nam, tâm hồn Việt Nam.

Xem thêm:  Tổng hợp những stt hay về vợ chồng trẻ đặc sắc nhất

II. Những Tác Phẩm Về Người Lính Đặc Sắc

Ông được biết đến là một nhà thơ của người lính. Thơ ông đậm chất trữ tình thể hiện niềm lạc quan, quyết chiến đấu đến cùng của những người chiến sĩ. Hãy cùng chúng tôi cảm nhận những bài thơ sâu sắc của nhà thơ Chính Hữu ngay bây giờ nhé!

Hai người bộ hành

Cháu dắt ông đi

Hai ông cháu mình vừa đi vừa học

Ông dạy cháu biết tất cả những gì

Có ở trên trời dưới đất

Còn cháu thì dạy ông biết

Cuộc đời này ngắn, nhưng ông đừng buồn

Vì nó – vĩnh hằng – tiếp tục

Đường vào thế kỷ hai mốt,

Hai người bộ hành một cháu một ông

Những bước đi song song,

Bên những bước cuối cùng.

Như một di truyền thế hệ

Cháu sẽ yêu, như ông bà, như cha mẹ

Dưới gió, dưới mây,

Những phố, những cây

Dù ở nơi này

Nay mai vắng vẻ

Dáng hình ông.

Ngày về

Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu

Đêm nay mơ thấy Hà Nội

Bao giờ trở lại?

Phố phường xưa gạch ngói ngang đường

Ôi hôm nay họ nhớ mái nhà hoang

Bức tường điêu tàn ngày xưa trấn ngự

Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa

Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng

Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng

Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm

Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa

xanh thề mãi đến khi già

Phơi nắng gió. Và hoa ngàn cỏ dại

Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội

Trở về, trở về, chiếm lại quê hương

Nguy nga sao cái buổi lên đường

Súng chuốt gươm lan, mắt ngời sáng quắc

A ha! nhà xiêu mái sập

Xác oan cừu ngập lối chân đi

Gạch ngói xưa mừng đón gót lưu ly

Bước căm giận xéo quân thù lớp lớp

Mịt mù khói ngợp

Cờ máu huy hoàng

Phất nắng

Ôi bài chiến thắng reo vang

Phố và cây

Khi hai con bắt đầu yêu nhau

Thường lang thang trên các đường phố.

Cũng như bố mẹ ngày nào,

Muốn phố thật dài, để đi thật lâu.

Cũng dưới bóng cây thầm vụng

Cũng hai con chim đang gù

Những câu tỏ tình ấp úng

Bố mẹ, cũng như hai con, bấy giờ mới hay

Thế nào là phố

Thế nào là cây

Phố là nơi không gặp thì nhớ

Gốc cây ngồi, càng giận càng say

Mai sau, cho hai con, gọi là một chút gia tài.

Bố mẹ chỉ có những kỷ niệm

Để lại sau lưng, như một suối hương dài

Ngơ ngẩn

Còn bay

Trên phố

Trên cây.

Đồng chí

Quê hương anh nước mặn, đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.

Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ

Đồng chí!

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,

Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

Tháng năm ra trận

Tháng năm trong làng đã mùa gặt

Lòng dân sung sướng thóc mênh mông

Có người đi lính, hiền như đất

Muà hạ tưng bừng, thương núi sông

Một sớm mang về tin xuất trận

súng đạn, nao nức lòng

Ai về nhắn hộ cho thôn xóm

Một đi là hẹn chẳng về không

Mùa thu thây giặc chất sông núi

Mùa hạ thây giặc phơi đầy đồng

Ai về cấy lúa trồng bông

Cho lúa mau tốt, cho bông được mùa

Trưa hè rụng lá bàng khô

Tôi đi ra trận nghe hò bốn phương

Súng ơi!

Súng đã theo tôi mùa thu

Súng đi với tôi mùa hạ

Theo tôi diệt hết quân thù

Tôi nhớ thương người bạn cũ

Miệng cười mắt nhắm nghìn thu

Súng nặng

Đường dài

Vai gầy

Áo rách

Nhưng sớm ra đi miệng nở cười

Mặt nóng bừng bừng theo nhịp trống

Lòng nao nức rộn tiếng hoan hô

Bờ tre em nhỏ đưa tay vẫy

Hồn nở muôn sao phấp phới cờ…

Đêm Hà Nội 1950

Đêm Hà Nội buốt tê

Phố dài nghe sấu rụng

Nhìn ra cửa ô, bóng những con đê

Ầm ì tiếng súng

Ai về đó?

Trăng chếch bóng đen

Dài trên đường nhựa

Loáng đèn

Những người con trai con gái

Hôm qua ra đi, hôm nay trở lại

Hà Nội vẫn còn đây

Đứng lên từ gạch ngói

Hà Nội đang rầm rì

Đi trong từng ngõ tối

Sáng hôm nay

Quê ta lên khói cơm mùa

Ai hát tin về thắng trận

Bâng khuâng nắng nghiêng mái nhà

Bọn chúng ta đi

Lớn lên trong nước Cộng hoà

Phấp phới trong lòng bao nhiêu tiếng nói

Đường xanh cỏ núi

Chân người thiết tha

Ta đi mấy nghìn đêm vội

Sáng nay ta về Hà Nội

Kẻ thắng là ta

Đất nước ta ơi

Sao bỗng tay cầm run rẩy

Máu lên thắm những môi người

Sáo thổi nơi đâu nghe mà hay vậy?

Những đầu say bát ngát

Đi giữa nắng mùa ngân nga

Lòng vui rung rung câu hát

Của chúng ta làm

ca ngợi chúng ta

Gửi mẹ

Hôm nọ gặp người làng ta ở xuôi

Hỏi thăm tin nhà tin mẹ

Mẹ hiểu câu “Kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi”

Những đêm gió mưa dữ dội

Vẫn thắp hương cầu trời phù hộ bước con đi

Lúc thơ ngây con từng nghe kể

Từ tuổi lấy chồng mẹ ít khi vui

Ngày đưa thầy về nơi yên nghỉ

Lá mùa đông rơi xuống đầy vai

Con mang tấm lòng thương mẹ

Đi qua nghìn dặm quê hương

Này đây núi, này đây sông

Này đây buổi chiều khói thổi cơm lặng lẽ

Nơi nào cũng hiền như đời của mẹ

Làng ở đây như làng dưới ta

Cũng có giếng nước

Cũng có gốc đa

Cũng có con trai xa nhà

Yên tâm mẹ nhé

Con đi mười năm

Con đi

Niềm vui của mẹ

Và của quê hương

Một ngọn khói thổi cơm

Một mái nhà bình yên bếp lửa

Tiếng võng đung đưa trưa hè tuổi nhỏ

Giá từng thước đất

Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo giội,

Ta mới hiểu thế nào là đồng đội.

Đồng đội ta

là hớp nước uống chung

Nắm cơm bẻ nửa

Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa

Chia khắp anh em một mẩu tin nhà

Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp

Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết.

Bạn ta đó

Ngã trên dây thép ba tầng

Một bàn tay chưa rời báng súng,

Chân lưng chừng nửa bước xung phong.

Ôi những con người mỗi khi nằm xuống

Vẫn nằm trong tư thế tiến công!

Bên trái: Lò Văn Sự

Bên phải: Nguyễn Đình Ba,

Những đêm tiến công, những ngày phòng ngự,

Có phải các anh vẫn còn đủ cả

Trong đội hình đại đội chúng ta?

Xem thêm:  Nhà thơ Tào Tuyết Cần và những kiệt tác trong tập thơ Tiết Bảo Cầm thập thủ hoài cổ thi

Khi bạn ta

lấy thân mình

đo bước

Chiến hào đi,

Ta mới hiểu

giá từng thước đất,

Các anh ở đây

Trận địa là đây,

Trận địa sẽ không lùi nửa thước,

Không bao giờ, không bao giờ để mất

Mảnh đất

Các anh nằm.

Thư nhà

Một lá thư nhà

hôm nay ta đọc

Trong chiến hào chuẩn bị tiến công,

Ta mới hiểu thêm

từng chữ, từng dòng

Chưa bao giờ hiểu hết,

Ta mới biết

Chiều cao ngọn núi, chiều rộng con sông,

Hai tiếng quê hương bỗng sao thắm thiết.

Thư người hậu phương gánh gạo đưa chồng,

Hai vai khó nhọc,

Viết gửi cho ta ngổn ngang từng nét

Như gồng như gánh dân công,

Ánh mực lập loè đường xa lửa đuốc.

Lặn lội đi theo cả nước

Lên đây đánh giặc cùng ta

Đêm nay ở đâu?

lưng đèo?

cuối dốc?

Một lá thư nhà

Chia đôi nhiệm vụ

Hai người đoàn tụ

Hai đầu chiến công.

Lá nguỵ trang

Mười năm đi mải miết

Mang quê mình xanh biếc trên lưng.

Khi ta hành quân đã khuất,

Lá nguỵ trang còn đọng tiếng chim rừng

Tha thiết

Cây mọc trăm miền gửi lá theo ta

Gian khổ đêm ngày chiến dịch,

Vẫn nghe rì rào thôn xóm ta qua

Nghe núi nghe sông trong cành lá hát.

Lá phiếu hôm nay

Đêm tháng năm bồi hồi tiếng trống

Tôi đi trong những phố reo hò

Là một công dân, lòng cũng phất cờ

Tôi muốn hát một bài thơ cổ động

Ở nước ta

Mỗi cử tri là một người mơ mộng

Tháng năm này, suy nghĩ chuyện đi xa

Kế hoạch năm năm vẽ thêm bản đồ đất nước

Đẹp những công trường gạch đỏ như hoa

Những chợ, những sông, đây phố, đây nhà

Bãi vắng hôm qua

Xanh những bóng cây tình tự

Nước chở phù sa đi vào ruộng lúa

Lá phiếu này ta bỏ cho ta

(Miền Nam xa

Những đồng chí hôm nào ngã xuống

Nặng dưới hàng mi

Vẫn còn giấc mộng

Trên mộ hoa rừng nở trắng

Như từng lá phiếu cử tri

Bầu cho miền Bắc

Quốc hội hãy ghi

Tiếng nói của người công dân vắng mặt

Nhưng đi trong hàng ngũ ta đi)

Đêm tháng năm trống cờ bay bổng

Ta ghi vào lá phiếu của ta

những dòng hy vọng:

“Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh…”

Ôi cái tên những người Cộng sản

Nghe dặt dìu tên núi, tên sông

Tên viết bằng chữ đỏ chiến công

Những cái tên, trong lòng ta, đã thành câu hát

Giản dị, thông thường tiếng nói quê hương

Kể chuyện

chúng ta

khi đi

tay không

Khi về

trời mây – ruộng đồng – tất cả…

Đất nước ta cầm trong lá phiếu hôm nay

Đưa ta đi lớn bổng từng ngày

Khẩu hiệu

Tôi muốn làm thơ

ghép bằng khẩu hiệu

của Đảng ta

như anh hùng ca

rung động chúng ta

từng hồi trống trận

như lời tiên tri

Khẩu hiệu “Kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi”

đưa ta đi

vượt nghìn con sông, vượt nghìn quả núi

Ta nhớ từng ngày sôi nổi

Quê hương ta vườn trống nhà không

Khẩu hiệu trong lòng

đinh ninh

mải miết

Những đêm lửa đỏ xóm làng

thức với những người du kích

khẩu hiệu đứng

trên đường

bất khuất

Chúng ta đói, chúng ta rét

ta đánh giặc

bằng hai tay không

cầm khẩu hiệu

làm vũ khí

tiến công

Khi ta ngã xuống

Khẩu hiệu đã dựng

Chúng ta đứng lên

Khẩu hiệu của Đảng

đúc thép, phá hoang

bắc cầu, xây thêm hải cảng…

Trên mảnh đất này, khó nhọc, gian nan

đời sau còn nghe kể lại:

Lau sậy hoang vu, mưa dầm nắng dội

ngày ấy,

khẩu hiệu lên đây

đuổi cọp, san rừng, xẻ núi

Khẩu hiệu

đỏ

từng câu

nhức nhói

như lương tâm kêu gọi

Ta viết trên đường đất nước ta đi

những chữ đơn sơ, những chữ thần kỳ

Ta viết lên làng, lên phố

cuối chợ, đầu sông,

lên tờ sách mở

lên những đảo xa khuất mù sóng vỗ

những bản Mèo lạc giữa núi mây

Ta viết lên đá, tên viết lên cây

Lên từng trang cuốn lịch ngày ngày

Duyệt binh

Đồng chí thương binh

Trên đôi nạng gỗ,

xem mười lăm năm lịch sử

đang xếp thành đội ngũ

đi đều.

Đồng chí thương binh

tưởng nghe tiếng bước chân mình,

tiếng bước của bàn chân đã mất.

Bàn chân

mười năm

hành quân!

Thăm thẳm Chiềng Lề, Khâu Vác, Pha Đin…

Đâu quê hương là bàn chân bước đến.

Có gặp những người

đã để lại một phần thân thể

gửi làm hoa lá cỏ cây

trên mảnh đất này,

mới hiểu được tâm hồn tiếng trống hôm nay,

mới hiểu được

vì sao những lá cờ bay

theo nhịp bước,

vì sao những chân đi làm rơi nước mắt.

Với những anh hùng hôm qua chân đất,

Cả nước hành quân theo xe đại bác.

Đồng chí thương binh

tưởng nghe tiếng bước chân mình

tiếng bước của bàn chân đã mất,

trong tiếng nhạc,

Này nghe: Mười lăm năm hùng vĩ tiến

trên đường,

Gió núi mưa ngàn những đêm hành quân.

Nhật ký biên giới

Núi, lại núi, lại núi…

Đội tuần tra súng ướt hơi mây

Hành quân giữa biên giới

Không ở đâu bằng ở đây

Đất quê hương đo từng thước một

Của chúng ta, mỗi con suối mỗi gốc cây

Đã ghi trên bản đồ Tổ quốc

Đêm nay dừng lại

Đứng gác trong mây, bốn bề gió thổi

Hỏi quê mình còn thức hay không?

Ai đó, khuya rồi, một ngọn đèn chong

Đèn thương nhớ ai đèn không nhắm mắt

Vì nửa tấm lòng trong kia vẫn thức

Miền Nam xa, dậy tiếng reo hò

Có phải giờ này các anh tập kích

Mà ánh lửa trên đèo rậm rịch?

Đó con tàu lên vùng đất mới

Đội ngũ trùng trùng các chị các anh

Những ngọn đèn soi trong đêm vội

Những con người thức suốt năm canh

Nghe rú ngược rừng xuôi thét gọi

Cửa biển ì ầm suy nghĩ không nguôi

Trong dạ băn khoăn từng bày cá nhảy

Vẫy con thuyền sóng giạt ngoài khơi

Những ngọn hải đăng bồi hồi nhấp nháy

Đêm nào cũng vậy

Từ biên giới cao, lòng ta vẫn thấy

Nghìn dặm nước ta

Như dải Ngân Hà

Thao thức

Ta đứng gác

Cho sao trên trời

Cho sao dưới đất

Thương Tổ quốc ta không đêm nào ngủ được

Lại lên đường, hăng hái bước tuần tra

Đỉnh núi này, ta thức với quê ta

Vô danh

Một sườn núi xanh,

Một nấm mồ nằm trong bát ngát,

Tôi muốn biết tên anh

Người chiến sĩ vô danh

Đã làm nên Tổ quốc

Muốn tìm tên anh thì hỏi

Đỉnh núi Khâu Luông đêm đêm gió thổi,

Hỏi con đường truy kích năm xưa

Hun hút rừng Lào đi giữa nắng mưa

Hỏi con sông, con sông sẽ biết

Tên những người bôn tập qua đây

Hỏi từng viên đá gốc cây

Đã trông thấy quân thù tan tác

Hỏi mảnh đất này, khi anh dừng bước

Trên sườn núi khuất vô danh

Xanh như Tổ quốc.

Ôi tên anh không bao giờ mất!

Tôi thấy tên anh

Trong màu cỏ mùa xuân đã mọc,

Một ngôi sao xa long lanh nước mắt.

Một nụ cười em nhỏ mới sinh

Trong hạnh phúc

Những con người anh không biết mặt

Trong tên làng tên xóm mông mênh.

Tôi thấy tên anh trong tên đất nước,

Cuộc sống bây giờ chính là khúc hát

Tên anh.

Anh đứng dậy, như ngày xưa đứng gác.

Hùng vĩ, tự hào, nghe gọi điểm danh.

Xem thêm:  Nhớ có lần, trên Bắc khuya, nghe một lão đàn hát - Tô Thùy Yên

Ga biên giới

Không phải hiểm trở núi rừng cách biêt hai bên đồn ải

Mà con đường sắt bạn bè nối chặt hai ga biên giới

Nơi thuở trước, tiễn chân nhau, vắng vẻ một làn mây

Hộ chiếu đi về, màu đỏ nắm trong tay

An-ba-ni

Đứng một mình

cheo leo

một góc

trời biển xanh rì

An Ba Ni

như con tàu đi

trong bão táp

Núi An Ba Ni như gươm như mác

Như đội ngũ năm trăm năm xưa của Scăng-đec-bec

Biển An Ba Ni sôi nổi bốn bề

Như lịch sử An Ba Ni trường kỳ sóng đập

Tôi đi giữa Ti Ra Na

“Thành phố chiến luỹ”

Bước lần theo trang sử hôm qua

Còn ghi trên mỗi phố mỗi nhà

Khi mỗi người dân một người chiến sĩ

Những bàn tay

Tát cạn bãi lầy

Nắm những lưỡi cày bất khuất

Đã trồng cuộc đời mới mọc

Trên những đồi cây ô liu

Nổi sóng một màu xanh nghìn dặm hát

Đứng một mình

cheo leo

một góc

trời biển xanh rì

An Ba Ni

như con tàu đi

trong bão táp

Ngọn gió

Em có bao giờ nửa đêm

Nghe ngọn gió phương này thổi sang phương ấy

Đấy là hồn anh đang thở đêm đêm

Đi giữa đất trời đến hát ru em…

Qua Xi-bê-ri

Con tàu đưa tôi đi

Qua đêm Xi-bê-ri

Giá buốt

Thương người đi đày xưa

Bước trong gió tuyết

Ôi ngọn gió Xi-bê-ri

Phẫn nộ và hoang vắng

Mấy trăm năm thổi trong những cuốn sách Nga

Lịch sử mênh mông một màu lạnh trắng!

Nhưng cuộc sống

Đã trồng cây, đã thắp đèn

Thắp những nụ cười

vui như

lửa hàn nhấp nháy

Con tàu đi – nghi ngút hai bên:

Những ngôi nhà mọc như lò sưởi

Những con người ấm như ngọn khói

Đêm nay

qua Xi-bê-ri

Vẫn nghe gió thổi

Nhưng lòng tôi cũng đã lên đèn

Theo thành phố mới

Cây

Thôn xóm ta trồng cây lại tiếp cây

Xanh một màu xanh nối nước liền mây

Nghìn dặm đường vui, rì rào đất nước

Trong bước chân ta đi vội đêm ngày

Một nửa

Gặp một chiến sĩ Giải phóng quân miền Nam

Gặp anh trên đường đi chiến đấu

Tôi ôm anh

Như ôm nửa thân tôi đẫm máu

Thấy thịt da anh đau xót thịt da mình

Áo anh nhuộm bụi đường nào trong ấy

Xanh gió Tuy Hoà hay bạc nắng Phan Rang?

Ấm áp những đường may, có phải

Bàn tay nhớ thương mẹ già ta đấy?

Tôi nghe trong hơi thở mặn nồng

Những suối, những sông, những cánh rừng anh đã thấy

Phải tiếng trống xóm làng ta đứng dậy

Vẫn rền trong giọng nói của anh không?

Cuộc đời anh, cho tôi chia một nửa

Nửa giọt mồ hôi vạt áo còn đầm

Nửa dãy Trường Sơn thác ghềnh vất vả

Nửa nắm cơm hạt muối nhọc nhằn

Một nửa trận nắng

Một nửa cơn mưa

Ta chia nhau

như những ngày kháng chiến năm xưa

Nửa đêm miền Nam hai mươi năm không ngủ

Nửa ngày miền Nam đỏ cờ đỏ lửa

Một nửa trận đánh, một nửa vết thương

Nếu tôi ngã xuống

Hãy chôn tôi trên mảnh đất các anh nằm

Mảnh đất xanh biếc tâm hồn anh Trỗi, anh Đang

Bụi lúa gốc cây điệp trùng kêu gọi

Kiêu hãnh bao nhiêu nếu trên đất ấy

Có bước chân mình trong những bước hành quân

Bắc cầu

Bom nó bằng gang

Tay ta bằng sắt

Hỡi con sông sâu

Cầu ta lại bắc

Hỡi những con đường

Đừng đau chia cắt

Nối nhịp thuỷ chung

Đinh ta đóng chặt

Ta đứng đêm ngày

Bốn bên khói lửa

Hai tay ta đỡ

Bạt ngàn quân đi

Góp vào tiếng súng

Một tiếng dô ta

Mỗi chuyến xe qua

Chở cả lòng ta

Theo ra mặt trận

Sông vỗ trùng trùng

Nhịp cầu điệp điệp

Đưa cả đất nước

Đi về phía nam

Đường ra mặt trận

Những buổi vui sao, cả nước lên đường,

Xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục

Xóm dưới làng trên, con trai con gái

Xôi nắm cơm đùm, ríu rít theo nhau

Súng nhỏ súng to, chiến trường chật chội

Tiếng cười hăm hở, đầy sông đầy cầu

Bộ đội dân quân, trùng trùng điệp điệp

Chào nhau không kịp nhớ mặt

Dô hò nón vẫy theo,

Hàng ngũ ta đi dài như tiếng hát

Chào những ngôi trường ngói đỏ bình yên

Lấp lánh cánh đồng đang gặt đang hái

Xuôi ngược công trường những bánh xe reo

Ngọn khói con tàu như tay vẫy gọi

Đất nước mình đây,

Hai mươi năm

mưa, nắng, đêm, ngày

Hành quân không mỏi

Sung sướng bao nhiêu: tôi là đồng đội

Của những người đi, vô tận, hôm nay.

Yểm hộ miền Nam

Thình thình đại bác

Nhịp những bước chân

Cả nước

lên đường

Trang giấy học trò

Em đến trường

Tay cầm cuốn vở

Gió thổi đời em

Lật từng trang mở

Trường mới

như tâm hồn em

Lợp toàn ngói đỏ

Tóc xanh mát bóng cây

Thơm mùi trang giấy mới

Vui với em phơi phới

Tổ quốc lớn từng ngày

Chúng mang bom nghìn cân

Giội lên trang giấy

Mỏng như một ánh trăng ngần

Hiền như lá mọc mùa xuân

Ôi từng trang giấy

Trong lòng anh, đập khẽ, đêm nay

như bàn tay vẫy

như một bàn tay ròng ròng máu chảy!

Nếu em sống lại

Anh đi một nghìn đêm

Để giành lấy cho em

Một ngày không sợ hãi

Trận địa thức bên em

Bóng quân thù hung ác

Không che được ánh đèn

Soi cho em ngồi học

Ôi ánh đèn thúc giục

Như mệnh lệnh hành quân

Trận địa Hà Nội

Hà Nội

một góc vườn hoa

Đơn vị chúng ta

Đến xây trận địa

Tạm xếp sang bên những hàng ghế đá

Hôm nay

Hà Nội lại đi vào khói lửa

Trận địa ta xây

Trên những công trình dang dở

Ta đi – gian khổ mười năm

Thương quê hương cỗi cằn tàn phá

Về Hà Nội

vất vả mười năm

Ta mới trồng xong chút màu hoa lá

Trận địa của ta

Là một ngôi trường mới mở

Những ánh mắt ngời ngời hai hàng cửa sổ

Trận địa của ta là sân

Một vườn trẻ bây giờ bỏ vắng

Súng ta kê

bên nôi nhỏ

các em nằm

Từ trận địa

ta bắn chúng

Súng của ta

tính tầm tính hướng

Tính theo góc độ của lòng căm

Đạn ta tính

theo từng giọt mồ hôi

ta đổ xuống

Tưới đất này vất vả mười năm

Những ngôi nhà này không hề biết sợ

Mái này tường này

Quen nhìn gạch đổ

Những con người này quen súng cầm tay

Quen mở chiến hào ngay trên đường phố

Dù phải mười năm, hai mươi năm

Đất nước này quen một mất một còn

Ngọn đèn đứng gác

Trên đường ta đi đánh giặc

Ta về Nam hay ta lên Bắc,

Ở đâu

Cũng gặp

Những ngọn đèn dầu

Chong mắt

Đêm thâu

Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt

Như những tâm hồn không bao giờ biết tắt,

Như miền Nam

Hai mươi năm

Không đêm nào ngủ được,

Như cả nước

Với miền Nam

Đêm nào cũng thức…

Soi cho ta đi

Đánh trận trường kỳ

Đèn ta thắp niềm vui theo dõi

Đèn ta thắp những lời kêu gọi.

Đi nhanh đi nhanh

Chiến trừõng đã giục

Đầy núi đầy sông

Đèn ta đã mọc.

Trong gió trong mưa

Ngọn đèn đứng gác

Cho thắng lợi, nối theo nhau

Đang hành quân đi lên phía truớc.

Trên đây chúng tôi đã chia sẻ đến các bạn những bài thơ hay, đặc sắc mang đậm tình nghĩa đồng đội, đồng chí. Hy vọng các bạn sẽ cảm nhận được ý nghĩa của những bài thơ tuyệt vời này. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hãy luôn đồng hành và ủng hộ Thuvientho.com nhé!

Theo Thuvientho.com

Check Also

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Hoa cúc họa mi còn được gọi là hoa cúc dại hay là hoa cúc …