Home / Chùm thơ chọn lọc / Đối Thoại Mới (1973) : Tập Thơ Kiệt Tác Của Chế Lan Viên (P2)

Đối Thoại Mới (1973) : Tập Thơ Kiệt Tác Của Chế Lan Viên (P2)

Đối Thoại Mới (1973) : Tập Thơ Kiệt Tác Của Chế Lan Viên (P2)

Sau chùm thơ: Đối Thoại Mới (1973): Tập Thơ Kiệt Tác Của Chế Lan Viên (P1), ngay dưới đây, chúng tôi xin trích dẫn Phần 2 cho những người yêu thơ nhé. Đây chính là tác phẩm được nhiều người mong chờ đón đọc ngay từ khi xuất bản đầu tiên.

Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ…

Thơ, đong từng ngao nhưng tát bể

Là cái cân nhỏ xíu lại cân đời.

Thơ không phải chỉ đưa ru mà còn thức- tỉnh

Không phải chỉ “ơ hời” mà còn đập bàn, quát tháo lo toan.

Đóng bài thơ như cái cọc vào đời để chống nước trôi xuôi

Làm cho mọi người nghe được cái vô hình này: thời gian họ sống.

Anh phải làm cho thời đại đến sớm hơn là nó đến

Anh là gió đưa hương, nhưng chính ra anh lại phải là hương.

Lấy bát cơm ngày mùa trả lời cho cơn đói

Cái ấy thơ hơn, hay những bài thơ rỉ rên vè trận đói thơ hơn?

Tôi muốn người ta yêu tôi như yêu người đào giếng hơn người làm ra rượu

Rượu không thể giải khát được môi người nhưng giếng đời có thể làm say

Hãy đo chiều cao những chuồng cọp, chiều sâu những vết thương, sức nặng những gông xiềng, bề rộng những vành đai trắng xoá

Mà nhẹ tênh thay là lời hát của anh

Anh là người định vực sự sống ba chiều

Lên trang thơ hai mặt phẳng

Sao trên trời mỗi đêm anh cần thắp lại

Sông Ngân hà chảy nhờ anh mà nó chảy

Những ngôi sao trên trời đổi ngôi nhờ anh mà nó đổi ngôi

Mỗi ngay, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây

Đều có cái gì của đời không giống trước

Miễn la có anh lắng tai

Nếu anh ghi lại thì dòng sông kia ở lại

Và anh để đời trôi xuôi thì nước cũng trôi xuôi.

Như ngọn hải đăng phải tự chớp, tự xoay mới biết mình đang chiếu sáng

Anh phải tự nâng lên đặt xuống mới nghe ra tiếng động của hồn anh.

Có những hoa không có ong thì cũng đã tan đi mất cả một mùa

Đã có nghìn mùa hoa lãng phí

Bởi xa đường ong qua

Không chàng thi sĩ nào đi ngang đấy lấy tháng ngày lên làm mật

Còn anh, anh đi qua, nhưng chỉ là con bướm nhởn nhơ màu sắc

Cảnh chập chờn rồi cảnh lại lìa xa.

Dù là con bướm thì cũng phải biết tiếc nắng trời hôm nay như tiếc màu hoa vậy.

Tả ngày nay đi, cho mặt trời nó lặn, yên tâm.

Có những câu thơ say nghe thơ mà quên mất nghe đời

Máu đập ở cổ tay đâu có phải thuỷ triều đang đập!

Những ngày ta mổ vết thương mà thiếu thuốc gây mê

Ta có cần gì thơ làm ta mơ mộng hão

Và khi ta cần thơ hồi sinh cho ta những máu

Thì thơ ơi, người tả cảnh mà làm chi.

Nguyễn Du có nói về cô Kiều nép vào hoa buổi ấy

Thì cũng để cho ta yêu người con thời nay

Và con bướm ta tả ngày nay dù cánh phấn trăm màu

Thì cũng để cho người sau yêu con bướm của thời họ sống

Câu thơ ư, là cách chuyển lửa qua muôn đời

Ai hơi đâu chuyền đuốc tắt mà chơi?

Những nhà thơ không tiềm lực, những chiến trường không hậu phương

Giặc ném bom, những F, những B không đòi cảm hứng

Chúng lùa anh Trỗi, anh Đang ra bãi cỏ cọc tre không đòi cảm hứng

Bà mẹ đẻ con, chùm rau quặn lại rỉ rên, không cần cảm hứng

Còn anh, anh đòi cảm hứng mới nên thơ!

Cái chung, cái giống nhau

Giữa sự quận một chùm rau

Và óc nhà thi sĩ

Cái kết tinh của một vần thơ và muối bể

Muối lắng ở ô-nề và thơ đọng ở bể sâu

Cái “lô-gic” nghệ thuật tuân theo “lô-gic” là vẫn thế

Phá vỡ lôgic ư? Đời dung dị mà rất là phi lý

Hạt giống đen bỗng nở cánh hoa màu.

Có những lúc câu thơ phải bắn cầu vồng

Mà người nhắm vẫn là nhắm thẳng.

Không phải là tìm cách ném cần câu thế này, buông lưỡi câu thế nọ

Mà là tìm nơi lắm cá

Nơi cuộc sống rào rào mùa cá đang đi.

Hãy đi trước cuộc đời như ngọn lửa

Đừng đi sau đuốc, ăn tàn.

Bài thơ không được là cái đuôi sự sống.

Sự sống có rồi, thêm một cái đuôi.

Nhưng cũng đừng là cái đầu như đầu sư tử kỳ lân rằm tháng tám

Tất cả múa may nhờ ở tay người

Mỗi câu thơ là một lần lặn vào trang giấy

Lặn vào cuộc đời

Rồi lại ngoi lên

Hãy giương cung bởi bất thần chim đến

Say đắm, mộng mơ thì giữa trưa bắt được ánh trăng rằm

Hãy chực săn bên cây bởi bất thần trái chín

Đừng có khi thơ qua, thì anh ở xa lòng.

Xem thêm:  Bài thơ Trong Mưa! – Nhà thơ Phú Sĩ

Có những kẻ làm thơ như làm pháo

Cứ hét lên vì sợ chẳng vào tai

Cũng có khi chỉ là pháo xì, cả nhiệt tình là một cái xì hơi.

Nghề làm thơ phải đâu nghề làm pháo.

Đi ra, lấy cuộc đời dân làm cuộc đời mình

Cơn nắng cơn mưa làm điều suy nghĩ

Một tiếng chim gù cũng đến nơi rừng lạ để mà nghe

Một giọt mưa phải lắng nó rơi trên tàu lá cọ chằng quê mình

Trên từng lá chuối chửa từng quen

Ra đi, chạm vào những cơn bão, ngọn gió bất ngờ thổi ở ngoài bốn bức tường quen thuộc.

Nhìn cuộc đời phía dưới phía trên phía sau phía trước

Dù trở lại bên lòng, xin hãy cứ ra đi.

Những câu thơ như dã tràng xe cát bể

Xe cát trên trang giấy vô công như bãi bể chẳng cấy trồng

Đừng cậy thế thời đại oai hùng, nếu tâm hồn anh cứ bé.

Dã tràng xe cát là xe bên cạnh bể,

Trước sóng lớn nghìn đời nó vẫn vô công.

Dù anh đi qua trái đất chả bao ngày.

Các triết gia bảo anh là cây lau, anh là hạt bụi

Dù anh chỉ là kẻ bình thường, mỗi ngày có bom phải nấp bom, có thịt xếp hàng cầm phiếu thịt

Nhưng mỗi ngày anh có nhiệm vụ và có quyền cầm trái đất để cân

Cầm nó trên tay và đánh giá

Cầm nó bên này và lật ngược phía bên kia

Xem ở đâu có bùn và ớ đâu có máu

Đâu là chân lý và đâu không phải nó

Trước khi viết từng câu từng chữ

Sao anh bảo anh là cây lau, hạt bụi chẳng ra gì!

Quang hợp làm sao nổi những ánh sáng thực ngoài trời

Khi anh ở trong phòng cầm trang giấy giả

Hoa cúc dại ngoài có hương mà hoa cúc khôn của anh trong phòng không có mùi hương.

Nhà thi sĩ như con chim bói cá đầm hồ bát ngát, phải thấy cả tam thiên mẫu của đời, trước khi lao vào bắt một chiếc cá con

Lao như trong tình yêu anh lao vào em vậy

Chỉ một phút lao mà phải lượn trăm vòng

Một phút lao ảo ảo hư hư mà phải lượn trăm vòng rất thực

Hay là để lao vào bắt con cá thực, có khi phải lượn trăm vòng rất đỗi ảo hư

Chộp con cá trong hồ, hay con cải trong mắt chim, chim không biết nữa.

Chộp cái mồi là con cá ư, hay chộp lấy chính mình?

Ôi lao từ điểm cao, hay từ điểm sâu là nội tâm mình mà lao tới.

Thôi, những điều ấy chưa cần tranh cãi vội

Bởi con cá kia chim đã bắt được rồi,

Thực là con cá, chính là con cá thực,

Và chỉ một con cá thôi, chim phải lượn trăm vòng.

Vầng trán năm 68 các nhà thơ

Giống vầng trán đổ mồ hôi những người thợ trên cầu

Và giọt mồ hôi các thi sĩ hè 1972

Chung với giọt mồ hôi những lên mâm pháo.

Nào máu có cấu trúc gì đâu, mà lòng ta chấn động

Chẳng cấu trúc nào trên trang giấy của anh thay được máu người.

Nghìn rưởi ngày đêm

Nghìn rưởi ngày đêm chiến trận gian lao

Trời xanh lại về ta trên nửa nước

Tiếng bom dừng, Sắc biến hóa thêm cao

Như trời của cha ông ngày dựng nước

Nghìn rưởi đêm ngày cái chết đến tìm ta

Chính từ phía trời xanh từ phía ấy

Trời, xanh tuổi thơ, trời xanh cu gáy

Trên toạ độ bom gầm sắc biến cứ ngân nga

Chúng bay đi rồi quay ngoặt lại tìm ta

Chúng tranh thủ giết ta vào những ngày trời xanh ngời chói nhất

Trời xanh biếc – bọn giết người tỏ mắt

Trông thấy khói đốt thiêu làng từ chục dặm Anh xa.

Cái chết cái chết xấu xa kia mày kiếm chác được gì?

Triệu tấn lửa không cau vầng trán Việt

Lòng ta cứ xanh, trời ta cứ biếc

Cánh máu mày bay đến lại bay đi.

Ta đã lấy lại từng khoảng không ta bằng khẩu súng

Bằng bốn năm quắc trông trời

Con mắt Việt muôn đời sau rực sáng

Chính tự những ngày này trông nghìn xác máy bay rơi.

Ôi những năm mỗi xóm lạ làng xa đều là quê yêu dấu

Mấy thước chiến hào không quen, là chỗ ăn nằm

Ba trong một tổ súng trường, sáu trên mâm pháo

Ba mươi mốt triệu người trong một Việt Nam.

Thu đây mà! sắc ngọc tuyệt vời xanh

Đảo mắt nhìn, đâu cũng sáng lung linh

Có phải thế ở đất này, có phải

Ngọc thương đau rồi ngọc lại nguyên lành.

Ôi chói chang tiếng sáo biếc ngang đầu

Trời chiến thắng đứng nơi nào cũng thấy

Dù cho tận giữa miền Nam lửa cháy

Vẫn sắc trời này nghiêng xuống dải Cà Mau.

Nhánh Đào Yêu

Đêm sắp tan rồi. Sương trĩu cây

Tình yêu, anh đỡ ở trên tay

Kìa nhánh đào in ngoài bực cửa

Sắp dậy cùng ta đón một ngày.

Ních xơn chơi hoa

Ném mười triệu tấn bom

Rồi đi ngắm hoa đào

Cái mùa xuân của quỷ

Che được máu người sao!

Xem thêm:  Top 10 Bài thơ hay của nhà thơ Lưu Quang Vũ

Nội Dung Và Hình Thức

Những lá thơm hái lúc về già

Hái những lá có hương tư tưởng

Khi cây đã hóa trầm trong ruột

Lá đủ rồi, phải đợi gì hoa?

Rét đầu mùa nhớ người đi phía bể

Cái rét đầu mùa anh rét xa em

Đêm dài lạnh, chăn chia làm hai nửa

Một đắp cho em ở vùng sóng bể

Một đắp cho mình ở phía không em

Rễ…Hoa

Rễ sâu ai biết là hoa

Xoắn đau núm ruột làm ra nụ cười.

Im trong lòng đất rối bời

Chắt chiu từng giọt, từng lời lặng im.

Uống từng giọt nước đời quên

Ăn từng thớ đá dựng nên sắc hồng

Nở rồi, trông dễ như không

Một vùng sáng đọng, một vùng hương bay.

Tụ, tan màu sắc một ngày

Mặt trời hôm, mặt trời mai ngoảnh cười

Bắt đầu từ rễ em ơi!

Sổ Tay Thơ

Chớ lấy cớ thơ mà viết những chữ thùng thình như áo rộng, rộng hơn đời.

Chỗ này sâu ư? – Không chỉ là nước đục ngầu

Chỗ này cạn ư? – Không, chính nhờ nước cạn nên ta nhìn thấy đáy.

Cái sâu cạn trong thơ là thế đấy.

Trái đất rộng thêm ra một phần vì bởi các trang thơ

Vì diện tích tâm hồn các nhà thi sĩ

Họ chỉ trồng một hàng dương đã mở lối cho ta về bể

Thơ dở không dịch được

Thơ hay như người đẹp, ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng.

Đừng làm những bài thơ “lớn”, suông mà không ai thèm đọc

Vì không lo cho việc nhỏ của đời.

Những tiếng gió quá dài nên nhân loại bỏ ngoài tai!

Bài thơ là con của trận đánh, của các vụ mùa, của các giọt mồ hôi.

Thơ đâu chỉ là con của trang giấy hồng hay

trang giấy trắng

Nếu loài vượn biết sau này sẽ đẻ ra ta

Thì triệu năm xưa hái quả rừng già

Chúng đã luyện bàn tay vít những cành vượt mắt.

Ta hãy rèn khối óc

Để xúc tiến việc xuất hiện hàng loạt những nhân tài cho

nghìn vạn năm sau.

Đừng làm nhà thơ đi tìm kiếm sao Kim,

Thứ vàng ấy, loài người chưa biết đến

Đi tìm quỹ đạo các trời xa, hay lắm!

Nhưng cần giải phóng ta ra khỏi quỹ đạo những

xích sắt xe tăng và những trận càn.

Chớ thêm nhiều lời ở nơi người ta chỉ cần ít chữ

Người ta hỏi đường, sao anh “tả cảnh tả cảnh” làm chi?

Đời một thi sĩ là thơ, như đời một nông dân là lúa,

Nhan sắc của một viên ngọc ư? Có khi là nhiệm vụ nó đấy rồi.

Giữa đời và anh chớ lấy tác phẩm cổ kim ra che mắt

Những cái bể văn chương án ngữ phía bên này không

cho thấy phía bên kia.

Thơ chỉ cho người thấy rằng đôi cánh của mình

Chính là đôi cánh tay nghìn năm chậm chạp.

Rằng đôi tay người thực ra là đôi cánh để bay.

Dù cho là Phật

Thì trước khi ngồi lên toà sen

Câu thơ cũng phải xuất gia đi ra bốn cửa ô có thực của đời.

Vay ngoài đời và trả trên trang giấy

Cái vốn đời cho và cái lãi phải làm ra

Mà lãi ư? Đâu chỉ là phù phép văn chương nước bọt ngôn từ

Xưa tôi hát và bây giờ tôi tập nói

Chỉ nói thôi mới nói hết được đời.

Bao giờ thuộc hết tiếng của đời, ta xin hát lại.

Khúc hát hay, đâu có lắm lời.

Người gieo là anh và người gặt cũng là anh,

Chỉ gieo những cơn gió và gặt về mùa đào sao được?

Anh muốn gặt trang phì nhiêu sao anh lại cầm thóc lép để mà gieo?

Cuộc đời cần đẻ ra nhiều hình thức

Dù là ngọc thì cũng nhiều viên ngọc

Chứ phải đâu cứ xanh xanh vĩnh viễn một màu trời

Khi tất cả mọi người đọc anh đã bỏ ra đi

Còn một độc giả yêu anh và ở lại,

Anh có gì cho người kiên nhẫn ấy?

Có còn chăng một vì sao dành lại giữa

Người ấy tìm ra ngôi sao mà anh hằng ngắm đấy

Chính ngôi sao kia sẽ gọi trăm người đọc lại quay về

Nếu cho người đọc kiên nhẫn ấy, ngôi sao kia anh cũng không có nốt

Thì anh chớ than phiền khi trăm người đọc khép sách bỏ anh đi.

Vị trí mỗi ngày, định tự bình minh

Đừng để sự việc mỗi ngày, con bóng mỗi ngày lôi anh đi vụn vặt

Chớ cắt anh ra thành hàng xén vụn vằn.

Đừng, đừng bóp cây đa thành củ thuỷ tiên,

Cô đúc bản trường ca thành bài tứ tuyệt

Ngày thường anh tập cử tạ nghìn cân

Để lúc thí võ nghìn cân, anh xách Thái Sơn nhẹ tựa

chiếc lông hồng

Bài thơ sáng viết ở Việt Nam, chiều đọc ở Mạc-tư-khoa,

Sáng hôm sau đốt cháy lên những cuộc biểu tình ở Pari, Nửu Ước…

Nó viết ở kinh tuyến này và trào sôi ở

kinh tuyến khác.

Trong dân tộc và ngoài dân tộc

Anh phải bơi trong nước ngọt sông mình lại phải ra

thử thách mình giữa bể mặn trùng khơi.

Xem thêm:  Cô bé dỗi hờn - Lê Hoàng

Đừng làm những câu thơ khuôn mình theo văn phạm

Như những cây quả thẳng chim không về.

Anh chỉ là một giọt nước thôi như các giọt

Chỉ vì ở trong bể thôi, nên anh đã mặn như đời.

Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi,

Còn một nửa cho mùa thu làm lấy.

Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá.

Nó không là anh, nhưng nó là mùa.

Những khối lửa cháy đỏ rực trên vòm trời kia

Từ đó triệu năm sau sẽ hiện lên cây xanh và suối ngọt.

Cái chuyển vần từ ý đến thành thơ

Chớ ngại thơ phải đi qua cằn khô sa mạc,

Những suối thơ không chảy sẵn bên nhà.

Bốn nghìn năm chưa phải là ta đã cày sâu vào trang giấy lắm đâu

Gié lúa nhiều thế kỉ cầm lên còn lép hạt

Đảng bảo ta thay giống lúa xưa và thay cả những luống cày.

Em nhắn về: sao anh chẳng làm thơ?

Anh đang bận,

Bận gì? Bận làm thi sĩ.

Bận dời lòng anh đến những trời sao, ra cạnh bể,

Nơi những ngã tư đời, nơi những ngã ba.

Em không yêu những bài thơ anh trọng đại thích cân đời như cân đá.

Không bao giờ nói được sức nặng mùi hương trên lá.

Nhưng ai cần anh viết một vần trăng, viết mấy vần trăng,

Mà không bao giờ dẹp trang thơ sang bên để đón một đêm rằm

Nếu như vậy, thà anh cứ làm thơ cho em về đá

Tối thiểu người ta có thể dùng thơ anh để mà cử tạ,

Chứ người ta biết làm gì với những suông trăng với những suông rằm?

Lấy tinh binh thắng đa binh

Lấy hạt muối có khối có hình, thắng mặt bể to,

không kết tụ kết tinh.

Phi mình đi trong sóng

Nhưng cũng đừng tham hạt muối con mà vứt bể

Vứt cả cái sóng gió xôn xao rất đỗi bể trời

Câu thơ nằm ở giữa bể sóng không yên và hạt muối chói ngời

Giữa hai mặt độc lập và thống nhất kia, chếnh choáng

câu thơ nằm ở giữa.

Con gà không đối thủ

Để giương oai diễu võ

Tự đá mình trong gương

Thảm thương nhà thơ ấy

Bản ngã vờn bản ngã

Lấy mình làm văn chương

Tự đá mình trên giấy!

Dù anh không làm xiếc

Cũng phải căng thẳng dây tâm hồn anh lên mà đi qua

trên vực ngôn từ

Căng cái dây hình ảnh ngữ ngôn ngang qua vực

tâm hồn sâu thẳm.

Cho mỗi bước, mỗi bước của anh đều thận trọng

Không bao giờ anh ở độ chùng dây.

Chớ đau những cái đau vụn vằn, không đủ kích tấc

cho người anh hùng đau khổ.

Cái đau tẩm mẩn như hạt kê con, mà những con

chim đại ngàn chẳng muốn ăn cho.

Nghe cha ông và nghe nữa

Truyền thống là giống Lý – Trần và giống nhiều

những thế hệ mai sau.

Giống những năm tháng sẽ khai hoang, những chân trời sẽ vỡ.

Chớ chỉ tìm dân tộc phía đằng sau.

Ta nối liền ta trong bể dọc thời gian, câu thơ thế kỉ

hai mươi liền hơi với hồn cha ông trong truyện Kiều, Chinh phụ…

Nhưng dân tộc cũng là ta cùng nhịp đập với tim ta

trong bể ngang không gian trước đã

Cách làm thơ năm 72 giống với cách trồng rau năm 72, đánh Mỹ năm 72

Dân tộc chung một phong cách năm 72 khi yêu và khi tìm từ ngữ

Anh không thể yêu bộ răng đen “dân tộc” của mình, vì nó rất… ngoại lai.

Sơn Mỹ

Một tiếng trẻ gọi bà

Máu một làng đáp lại

Một sắc máu im lìm

Mà chuyển rung .

Súng Bên Bàn

Chiếc bàn ngồi học năm xưa

Con về ngồi đấy, trước giờ xuất quân

Vở xưa soạn lại tần ngần

Sách xưa tay sẽ lật dần từng chương

Cây A.K dựng bên tường

Lặng im như nhắc: chiến trường chờ con

Một đêm bàn ghế có hồn

Cái trao đèn toả bóng tròn lung linh

Tuổi thơ như cũng có hình

Con đi xa, muốn bên mình cùng theo

Đến nay con vượt bao đèo

Đạn bom bao trận hiểm nghèo đã qua

Làng gần cho chí xóm xa

Mến yêu trăm vạn mái nhà lạ quen

Không bao giờ có thể quên

Cái bàn học, chiếc bóng đèn hôm nao

Giục con đi đến chiến hào

Thiêng liêng nghe tiếng gọi đầu từ đây

Tặng một chiến sĩ Pathét Lào

Ngôi sao em thương nhớ

Mọc về phía nước Lào

Anh đi về phía ấy

Nơi chiến trường lắm sao.

Tặng Thơ

Mực mới còn nguyên. Anh gửi em

Từng câu thơ lạ quấn hương quen

Mùi hoa huệ gắt trưa hôm ấy

Nay thoảng từng câu dưới ánh đèn.

Thăm Sư Cụ Ngày Mùa

Sân chùa thơm mùi rơm

Lúa chín phơi khắp ngõ

Phòng trai sao rộng rinh?

– Sư cụ đi gặt tổ

Cho đàn con thương binh

Bông trang đỏ giữa mùa

Tiếp khách thay sư cụ.

Thời Gian Không Đợi

Lòng rất là vô lý

Mừng hoa sữa vào thu

Lại tiếc hè quá vội

Chưa kịp hái sen hồ.

Bạn đang tìm kiếm phần 3, mời bạn đón đọc ngay sau bài viết này trên Thuvientho.com nhé. Với những góc nhìn mới mẻ, độc đáo, tập thơ được đông đảo bạn trẻ thích thú. Hãy đồng hành cùng chúng tôi để trải nghiệm những cảm xúc mới mẻ, đầy nhân văn trong tập thơ xuất sắc này nhé!

Theo Thuvientho.com

Check Also

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Hoa cúc họa mi còn được gọi là hoa cúc dại hay là hoa cúc …