Home / Chùm thơ chọn lọc / Lưu Quang Vũ với tập thơ Những bông hoa không chết (2008)

Lưu Quang Vũ với tập thơ Những bông hoa không chết (2008)

Lưu Quang Vũ với tập thơ Những bông hoa không chết (2008)

Tập thơ “Những bông hoa không chết” là một trong những tập thơ nổi tiếng của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Đây là tập thơ di cảo tập hợp gần 50 bài thơ chưa từng được công bố viết trong khoảng 5 năm (1971–1975) – thời kỳ gian khó, cô đơn và bế tắc đến cùng cực, sau khi Lưu Quang Vũ rời quân ngũ, vất vưởng không có việc làm, tìm đến cả nghề bốc vác. Tuy nhiên trong tập thơ đã xuất bản, chỉ có 35 bài được in.

Tập thơ Những bông hoa không chết (2008)

Những bông hoa không chết

Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông

Khói xám phủ những toa tàu mù mịt

Tờ báo cũ rơi trên chồng gạch ướt

Người bẻ ghi râu bạc đứng im lìm

Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông

Tiếng ai hát khuất vào nẻo tối

Gió thổi tung những trang sách trên bàn

Cuốn hình học không gian và tập thơ Blốc

17 tuổi lòng ai không hồi hộp

Khi ngồi trong rạp hát đợi màn lên

Tuổi thơ bỏ ta bay mất như chim

Tiếng bom nổ những khu nhà đổ sụp

Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông

Ta kịp biết gì đâu

Vừa hết trẻ con đã là người lính

Cô bạn gái cánh tay trần rám nắng

Ngực phập phồng thở mạnh đến lo âu

Đừng nói với ta những lời hào nhoáng về chiến tranh

Tuổi trẻ ta đã qua bạn bè ta đã chết

Ta đã vượt bao đèo cao chót vót

Bao điều nhà trường chẳng dậy cho ta

Nghĩ lại giễu cười những giấc mộng tuổi thơ

Giờ trong ta vui buồn đều nín lặng

Một thế hệ cứng đi như thỏi sắt

Nhưng xoáy ngầm vẫn cuộn ở lòng sông

Ta sẽ trở về. Thành phố mùa xuân.

Dẫu hàng xóm chẳng nhận ra ta được

Dẫu mẹ già đã trắng phơ tóc bạc

Bước lên thềm ta sẽ gọi: Mẹ ơi!

Qua khổ đau con đã lớn lên rồi

Mẹ hãy nghỉ ngơi, con sẽ làm mọi việc…

Những bạn bè đã chết

Cũng sẽ trở về như những bông hoa

Cắt xuân trước, tháng Giêng sau lại mọc

Những bông hoa không chết bao giờ.

1971

Những ngày hè cuối

mái tôn bỏng như nung

tiếng rít con tau dồn toa trước chợ

những cuộng rau héo tàn

bầy ong vẫn vo vo ngoài cửa kính

năm nay mùa hè thật nóng

đa mấy ngày anh ốm

nồi nước lá em đun

những viên thuốc trắng

em mang về, đôi mắt lo âu

buổi sớm em đi đâu

anh trở dậy

nắng sáng bừng trang giấy

mùa hè có lẽ sắp qua

những ngày ngột ngạt những ngày mong mưa

mồ hôi chảy ròng ròng trên trán

phố đông nhà hẹp

thức ăn đắt kinh người

nhiều tin xấu nhiều chuyện buồn cười

nhưng nước mắt ứa ra

đau phải chuyện đùa chơi

tới mùa xuân, khi cây thay lá mới

chúng mình sẽ có thêm một đứa con

mong nó là con gái

nhưng nếu là con giai, cũng được thôi em a

miễn ông mãnh sau này đừng hư hỏng

miễn khi nó lớn lên

sẽ không còn trận mạc

may ra năm nay không lũ lụt

em bảo ở nhà máy thảm len

người ta bán những đoạn len thừa

em sẽ mua tháo ra nối lại

đan cho anh và con

mỗi người một chiếc áo

những tấm thảm vốn để trải nhà

nhưng không sao

chúng ta gỡ ra và nối lại

bao khó khăn của những tháng năm này

bởi nếu không có áo ấm và niềm vui

cho con chúng ta, con của mọi người

những lời nói hay ho vô ích hết

thế giới còn đảo điên tàn nhẫn

chúng ta không sợ hãi nản lòng

những ngày hè nắng chói chang

lòng em như nước suối

trang giấy bên bàn gió thổi

xôn xao bao việc phải làm

còn phải đong gạo mua dầu, nuôi nấng các con

còn bao rối ren còn bao vất vả

còn mùa thu còn mùa đông

đến mùa xuân, em sẽ bế trong lòng

một con người nhỏ xíu.

8-1974

Hai bài thơ xuân

I

Em ơi xuân lại trở về

Cành mận đầu vườn trắng buốt

Lưỡi dao mới trong lò rèn đỏ rực

Hoa lửa hồng quanh chiếc đe xanh

Bàn tay em như gốc cải mềm

Lau sương mù cửa kính

Bát ngát mưa phùn gió mịn

Những chuyến tàu nhanh chở chật người

Chùm bóng màu trên phố tung bay

Lập loè pháo giây

Quay nhanh mình trẻ nhỏ

Giây áo hoa, quầy rau tươi, những đống cam đồ sộ

Vết thương đang lên da, cỏ mọc chân tường gạch vỡ

Mưa trên những dòng sông, bánh xe quay về các ngả

Bầy sếu buổi chiều đập cánh

Em kể chuyện một chiều xưa

Em bỏ làng lên phố

Chúng mình chưa biết nhau, thành phố thì già cũ

Như ông đồ trong sách quốc văn

Chuyện người cha phiêu bạt long đong

Bỏ cả gia tài đi viết kịch

Chẳng đâu diễn, sách một mình em đọc

Làng bên bờ sông Nhuệ những ngày mưa

19 năm cha không về

19 mùa xuân những người di cư

19 năm chia cắt

Và một năm những người bị giết

Đêm thảm sát Khâm Thiên

Mẹ vẫn mong đứa con còn chiến trận

Lũ em ta lớn trong khu nhà chật

Ai biết ngày mai chúng nghĩ gì

Bao cực nhọc buồn lo

Chúng ta chẳng cuối đầu già cỗi

Tháng giêng tới, mầm cây non bật dậy

Tiếng hát của mùa xuân bất phục

Hi vọng của thời gian

Hi vọng của người đàn bà

Sau tường gạch vỡ

Trong mưa trong niềm đau khổ

Hi vọng của thành phố nghèo

Thả lên trời những bong bóng màu

Những pháo hoa tắt rồi vụt sang

Hi vọng của loài chim

Có đôi cánh lớn

Sau cái chết khu rừng sau dòng sông quên lãng

Những con chim ấy và em

Vươn lên và bay mãi

II

Con mắt xanh của đêm và của suối

Em nghĩ gì chẳng nói

Phút giao thừa sắp sang

Phút chuyển tiếp nghiêm trang

Đất trời dường nín lặng

Bầy sứa nằm im lòng biển tím

Con sâu thiếp ngủ giữa lòng hoa

Những khẩu súng đen nhòa

Như mãi mãi chẳng bắn vào ai nữa

Những miền quê cách trở

Sông xa cầu lại nối liền

Ở khắp nơi anh đều thấy hiện lên

Nụ cười tin yêu bừng sang của em

Giữa những đồ dùng những bóng râm những bánh thơm hiền hậu

Trên mỗibàn tay, ống sáo, ngọn cờ

Trên những con đường đất nước của chúng ta

Những mặt người răn reo cát gió

Nỗi yên lành của muôn thuở: đất đai

Em như đất của con người

Tên của loài hoa trắng

Em từng khuất sau cây tan trong cỏ lạnh

Hay ở mãi cùng anh

Bàn tay nhỏ mến thương

Nối anh vào nắng rộng

Mặt trời đứng yên, làm ra mùa xuân là trái đất

Luôn xoay chuyển không phút nào mỏi mệt

Giữa vũ trụ tối đen

Đâu còn cách khác

Mùa xuân này phải bay về phía trước

Như con tàu vẫy gọi ta kia

Muốn ở mãi cùng người, chỉ có cách ra đi.

Mùa xuân 74

Tháng 5

Cuộc chiến tranh thế là đã đi qua

Cỏ trên đồng bắt đầu xanh lại

Bao xác xe bên đồng cháy rụi

Những người tản cư nườm nượp trở về nhà

Trên cửa tàu chật chội, dưới sân ga

Những mặt người nhẹ nhõm và mệt mỏi

Những vỏ đạn lăn trong đất bụi

Nhưng khung nhà đen xạm tro than

Bầu trời cao yên tĩnh của tháng năm

Mây trắng xoá trôi về cuồn cuộn

Anh nhớ một vùng trời bom đạn

Một con đường em dắt con đi

Những đàn bà ngồi sau thùng xe

Như vầng mặt trời rụt rè trong bão

Trong tiếng nổ của bom, tiếng gầm của pháo

Một người đàn bà trơ trọi đợi chờ anh

Qua hoàng hôn qua đồng bãi hoang tàn

Những gì xe tăng nghiến đi, em giữ lại

Như ánh sang cuối cùng, bàn tay thầm lặng ấy

Đã chở che cuộc sống tươi lành

Bây giờ lại bắt đầu những khó khăn của thời hậu chiến

Chưa ai dựng nhà trên bãi nền đổ nát

Nơi máu đổ quá nhiều, chưa ai dám trồng hoa

Chưa ai yêu thương bên huyệt mộ căm thù

Nỗi trống trải già nua, những đôi mắt nghi ngờ

Những cửa biển những phố phường xa lạ

Em bế con về bên gạch vở

Chiều mênh mông xao xác lá vàng

Em ru con, giọng hát dịu dàng

Em thu nhặt những đồ dùng lấm bụi

Như góp lại những tháng ngày rơi vãi

Đứng bên thềm, em lặng lẽ nhìn con

Chúng sẽ nối lại chiếc vòng sẽ đi hết con đường

Bằng hi vọng của em trên mặt đất.

5-1975

Không đề (IV)

Rồi chúng ta sẽ trở thành những ông già và những bà già

Trong một thế giới trẻ trung luôn đổi khác

ta tạc lòng giữa một ngày xuân đẹp

lưng sẽ còng, tai nghễnh ngãng, trán nhăn

Mắt sẽ mờ và miệng chẳng còn răng

Ta ngồi cạnh nhau trên chiếc ghế ven đường

bên những lùm cây nở hoa thơm ngát

những người trẻ đi qua ta không hề quen biết

họ cười nói râm ran trong ánh nắng tưng bừng

lễ phép chào ta nhưng trong bụng xót thương

“ai nói chuyện với người già lâu được”

tuổi trẻ tự tin, cứng rắn và quả quyết

với máy móc khổng lồ với nhà hộp nguy nga

sẽ coi tình yêu là trò sướt mướt cổ xưa

họ lạ lùng thấy ta cam chịu đựng

những đau khổ ta mang, họ không còn hiểu được

đọc sách chúng ta, họ phải ngủ gật giữa chừng

con trẻ ta trong tập ảnh gia đình

cười khúc khích thấy áo quần ngộ nghĩnh

họ chế giễu những gì ta tin tưởng

chúng ta trở thành những đồ vật chẳng ai dùng

như chiếc khuy đánh rơi như chiếc tây vẹt mon

như cái găng cổ xưa như vết nứt trên tường

chìm lấp dưới um tùm cây lá

như lúa gặt chỉ còn cuống rạ

nằm im lìm dưới những đám mây bay

tan vào trong quên lãng ngàn đời

như con vờ, như que diêm vụt tắt

như viên sỏi dưới hè, như giọt nắng

trong bài ca bất tận của đời.

(1975)

Đáng lẽ

Trang sách ước năm xưa

đã đến ngủ bao nàng tiên tuổi nhỏ

chiếc ghế gỗ chơ vơ bên cửa sổ

bao giấc mộng đến ngồi rồi lại ra đi

Một trận mưa bất ngờ, một khung cửa thoáng qua

một gương mặt chập chờn rồi vụt biến

bao con tàu về ga bao con thuyền cập bến

mà riêng em chẳng đến cùng tôi

Em qua bao con đường, em gặp bao con người

em cười nói giữa bao bè bạn

em đặt chân lên bao thành phố khác

mắt em từng in bao tấp nập hoàng hôn

có thể em đã trú mưa cùng anh ở một ngã ba đường

em đi qua cầu thang vô tư có khi còn hát

có lúc em ốm đau mà anh chẳng biết

em sống dưới mái nhà cùng thành phố với anh

mà chẳng gặp nhau dù chỉ một lần

em hay đâu anh khổ anh buồn

anh chờ anh đợi

nghĩ lại còn giận em lắm đấy

em biết không những tháng năm dài

anh như người con giai

ở trong bài hát cũ

đi tìm em phiêu bạt những dòng sông

“một tin trông

hai tin đợi

ba bốn tin chờ

sao chẳng thấy em”

Bây giờ chúng mình đã có nhau

khoảng thời gian còn lại

Thương biết mấy vẫn còn chưa đủ

lẽ nào anh lại trách em

nhưng phải nói cho mà biết

đáng lẽ chúng mình yêu nhau từ lâu.

Lời cuối

“Từ cát bụi sẽ lại về cát bụi”

Màu cỏ xanh ngàn năm

Tia nắng chiều trước biển mênh mông

Anh nắm bàn tay bé nhỏ

Đi cùng nhau trên thành phố

Rồi mai tàn cơn mưa

Ta sẽ trở về

Nơi mình đã sinh ra

Bóng tối chùm lên đất thẳm

Xanh trên đời chốc lát

Mà tình cờ gặp nhau

Vừa ngắn ngủi vừa dài lâu

Lúc tan xuống, lại mỗi người mỗi ngả

Dù sướng vui, dù buồn khổ

Hãy yêu anh

Như hôm nay là ngày cuối cùng

Mỗi hơi thở đều không lặp lại

Một khoảnh khắc trong mắt ta chói lọi

Một đồng hoa

Cả cuộc đời là ở sân ga

Trước chuyến đi vô tận

Cuộc lên đường tối tăm đơn độc

Người ta chết có một mình

Đó là điều buồn nhất

Ở bên nhau, trước khi tàu đến

Ở bên nhau, tấm vé đã nằm trong túi

Ngày đẹp quá, gió trên ghềnh dưới bãi

Muôn lá xanh run rẩy trên cành

Như những cây đàn nhỏ lung linh

Ở bên anh, trọn vẹn bên anh

Để mai tình yêu là hành lý lên đường

Để nếu có linh hồn

Cũng sẽ không giá lạnh

Và nếu chết là mọi điều đều hết

Hơi thở của em

Như ngọn lửa phập phồng

Như sắc cỏ không ngừng xanh trở lại

Nối phút giây ngắn ngủi với vô cùng.

1975

Em (III)

1

choàng tấm khăn lên vai

giao lại anh chiếc chìa khoá cửa

em đi

ngoài kia

thành phố tiếng la tiếng khóc

người lũ lượt bồng bế nhau chạy giặc

tiếng đạn bay và tiếng bom gầm

em xếp lại trên bàn những chiếc cốc thuỷ tinh

những giá trị mỏng manh dễ vỡ

cầu thang gẫy tiếng búa ai bịt cửa

đêm chia tay rách xé những hồi còi

thời bạo tàn lửa cháy khắp nơi

những thây người gục ngã

những nhịp cầu sụp đổ

những toa tàu rỗng không

em đứng ở góc phòng

tóc loà xoà trên má

anh ôm chặt thân em bé nhỏ

biết nói gì; lát nữa đã xa xôi

thù hận mênh mông mặt đất bùn lầy

em chập chờn đi trên đổ nát

thành phố bờ đá dựng

những bánh xe lăn vỡ

những hầm hố những nhành hoang huyệt mả

những người lính ngồi hút thuốc

mũ sắt mưa rào

những người lính mặt đen má hóp

hát gì nghêu ngao

anh lại nhớ về em

cái chấm nhỏ lạ lùng

trên cánh đồng trơ trụi

đôi mắt bàng hoàng như hỏi:

“giết chóc thế còn chưa đủ

các người điên cả hay sao?”

khi người ta mặc cả máu người

thay tình nghĩa như thay áo lót

khi chung quanh ngổn ngang xác chết

khi chẳng có gì ăn

nói tình yêu e chừng lạc lõng

anh muốn ác mà không sao ác được

cứ yêu thương chờ đợi ích gì không?

ích gì không

chiếc cốc thuỷ tinh giữa trận ném bom

trong veo màn nước

buổi trưa nào môi em đã uống

dêm nay lung linh một vầng ánh sáng

tóc đen thẳm bay về như gió ốm

thổi nồng nàn trên những dãy phố khuya

2

Sân ga bụi bặm

những toa xe lửa ghế dài

những mặt người mệt nhọc

tôi đi tìm em

bờ biển bão

những cô gái ướt đầm đìa như cá

những đôi mắt trập trùng biển lạ

quán ăn nghèo phố mỏ

vách tường ám khói

tiếng ghi – ta buồn

cô bé mù ăn xin

bến phà mưa buốt

cuộc chiến dài hun hút

tôi không đủ sức nghĩ về em

những đứa trẻ con bị giết

nằm kín hàng hiên

những khu rừng muỗi độc

tôi đi tìm em hầm hố chật

bom nổ tung bụi đất

cô điện thoại viên kêu lạc giọng:

“xe tăng địch tiến lên đồi

trung đội không còn ai sống sót!”

tìm em những chiến hào đẫm máu

tôi gào la bắn vào mặt quân thù

tìm em buổi sớm mùa thu

nước bên đường trong vắt

tìm em cô gái mười sáu tuổi

biền như một trái mơ xanh

em đợi tôi nghi ngút nắng rừng

ở bản Tà – lề ở ngã ba Đồng Hới

em đợi tôi thành phố cũ

dưới bóng y – lăng hoa đỏ

em đợi tôi áo trắng

tuổi học trò gió bay

môi dại nói cười

phập phồng ngực thở

gác nhà em cao quá

mái tóc dài lơi lả buổi trưa thơm

tìm em thị trấn không tên

cũng có quầy bán báo và những áp phích cũ

mặt trẫn ầm ĩ bên kia núi đá

người ta khiêng về

những thương binh dập nát

mùa thu lạnh cơn mưa dầm dai dẳng

em có còn mặc chiếc áo mưa đen

lũ trẻ chạy nhảy râm ran

trên bãi cát ngoại ô thành phố

em hôm đó nghiêm trang

như một người đàn bà từng trải

khi nhà thờ rung chuông

mạng nhện rơi trên những khung ảnh thánh

bầy ruồi chết ngạt trong tủ kính

những mặt nạ khóc ròng trong rạp xiếc

chúng ta mua vé xem một bộ phim màu

về những người da đỏ

đi ngang vườn hoa Pastơ

em thì thầm: trong Viện giải phẫu

xác người chết ngâm đầy bể nước

anh cười đưa em về nhà

chợ Hôm bán nhiều su hào cải bắp

ta mua những trái cam vàng

mặt em sáng trong gương tròn lấp lánh

giữa vật vã thương vong và thắng trận

chập chờn sau khói đen

những hình ảnh không đầu không cuối

những ngày tháng những đồ dùng em chạm tới

anh lặng lẽ đi tìm

những mảnh vỡ của tấm gương

dưới đáy hào ướt sũng.

Cho Quỳnh những ngày xa

1.

Khi cách nhau hàng vạn dặm không gian

anh mới hiểu khoảng cách không đáng sợ

anh thấy em bên mình, như nghe từng nhịp thở

anh là cửa sổ con tàu nơi xứ lạ em đi

Là quê hương ngóng đợi em về

Tổ quốc là gì, nếu nơi đó không có người mình yêu dấu?

Tình yêu là gì, nếu không vì nó ta yêu thêm Tổ quốc?

Chúng ta yêu nhau, chúng ta chiến thắng

Cái đáng sợ nhất trên đời này: những khoảng cách

Những khoảng cách giữa thực tại và ước mơ

giữa những điều ta mong với những gì ta có được

2.

Em ở đâu? một thành phố xa xôi

Em đi trong những bảo tàng rộng lớn

Từ pho tượng cổ xưa đến bức tranh mới nhất

Những ưu tư kế tiếp của loài người

Anh và con ở đây

Tháng sáu trời thật nóng

Vẫn nỗi lo thiếu ăn

Vẫn nỗi lo lũ lụt

Lửa đạn còn cháy bỏng

Những làng biên giới xa

Những con tàu Trung Hoa

Chập chờn ngoài biển

Hàng trăm năm, hàng ngàn năm trước đây

Những tàu này đã đến

Lịch sử thường lặp lại những tai ương

Thành phố xôn xao. Chỉ có trẻ con

Như thằng Mí con mình là không để ý

Anh ngồi đọc thư em

Nó ngồi ở trên sàn

Cái hộp bút nó xếp thành tàu hỏa

Tờ lịch nhỏ nó gọi là tấm vé

Cầm trên tay vui sướng đợi lên đường

Anh viết thâu đêm, đánh vật với từng trang

Rồi thao thức không sao ngủ được

Kim đồng hồ tích tắc, tích tắc

Hai tiếng động nhỏ bé kia

Hơn mọi ầm ào gầm thét

Là tiếng đọng khủng khiếp nhất đối với con người

Đó là thời gian

Nó báo hiệu mỗi giây phút qua đi không trở lại

Nhắc nhở cái gì đang đợi ta ở cuối

Nhưng anh, anh chẳng sợ nó đâu

Thời gian – đó là chiều dài những ngày ta sống bên nhau

Thời gian – đó là chiều dày những trang ta viết

Bây giờ anh mới hiểu hết câu nói trong kịch Seecxpia:

Tồn tại hay không tồn tại

Không có nghĩa là sống hay không sống

Mà là hành động hay không hành động

nhận thức hay không nhận thức, tác động vào cuộc đời hay quay lưng lại nó?

Anh không băn khoăn mình có tài hay kém tài, thành công hay thất bại

Chỉ day dứt một điều: làm sao với những sự vật bình thường

Những ngày tháng bình thường

Như chiếc hộp con, như tờ lịch trên tường

Ta biến thành con tàu, thành tấm vé

Những ban mai lên đường.

Người báo hiệu

Người lính đưa tin trên mình ngựa lao về

đêm gió bấc bốn bề đen thẳm

làng im ngủ dưới mịt mùng sương lạnh

con ngựa chồm lên đứng sững

tung bờm dữ dội hí ran

người truyền tin áo rách đầu trần

tây cầm đuốc lửa

ướt đầm mồ hôi và bụi đỏ

chỉ kịp kêu lên: giặc tới, hỡi dân làng!

rồi ngã nhào xuống chân ngựa, máu loang

lặng giây lát, xóm làng bừng tỉnh dậy

tiếng trống thúc tiếng chiêng cồng vang dội

tiếng thanh la tiếng mõ tiếng tù và

đất chuyển rung, gió lắc bụi tre ngà

tiếng dao xẻng, tiếng mài gươm, tiếng giây cung bật thử

già đắp luỹ, trai làng lên ngựa

người báo hiệu không tên

nằm sóng xoài trên cỏ

ngọn đuốc còn cháy đỏ trong tay

người truyền tin như gió chạy qua đồi

rẽ lau rậm băng đồng vượt suối

giặc ào ạt vây chặt đồn biên ải

lửa bốn bề, luỹ sụp thành tan

phút tuyệt vọng cuối cùng

quân sĩ lăn mình mở con đường máu

người truyền tin xuyên vòng cây hung bạo

lao về báo động những vùng quê

những bãi chợ, những ngã ba

giữa phường phố ồn ào xe ngựa

bên khung cửi, lò rèn, trước cổng chùa khói toả:

giặc như bầy thú dữ

đã tràn vào nước Nam

hãy xếp cày bữa, nghiên bút, dâu tằm

kẻ hèn nhát hãy một lần can đảm

những dũng tướng còn nằm trong nòi giống

hãy đứng dậy vươn vai!

người truyền tin của muôn đời

người báo hiệu của nhân dân

đã đến!

giữa cung vua tưng bừng yến tiệc

giữa tiếng nhạc và hương trầm nghi ngút

người báo tin sừng sững lao về

dậm chân, ném đuốc

hãy đổ rượu đi, hãy ngừng múa hát

quân thù đang trà đạp muôn dân!

trong lẫn lộn mua giông thời khốc liệt

khi dối lừa như bóng tối trùm lên

khi sâu mọt ngu hèn đục khoét mỗi con tim

khi cái ác trên cao ngồi ngự

khi tất cả ngỡ xuôi chiều yên ả

người báo động trở về

làm cụ hát rong làm bác xẩm mù

ở mỗi gốc đa ở mỗi bến đò

lời nói thật cháy lòng như lửa

thành điềm báo trên lá cây trên đá

trong mắt người khởi loạn

trên lá cờ nghĩa quân

dù không tuổi không tên

dù ngã ngay tức khắc

dù ngục tối dù chém đầu bêu cọc

người báo động không bao giờ vắng mặt

trong những đêm huyền sử

trong những lời đồng dao

Dân làng ơi, thức dậy đi nào

những bác tiều phu, những người đập đá

những người kéo thuyền và những người dệt lụa

những người đi ở, những người đói cơm

những nhục nhằn, những kẻ lãng quên

hãy thức dậy, tự do cho nước Việt

tình yêu cho tất cả mọi người

cho hoa lành, trẻ nhỏ, niềm vui

hãy thức dậy, những bàn tay tủi cực

hãy thức dậy, những lưỡi cày đẹp nhất

ngực than hồng, hãy cháy bùng lên

tất cả mọi mái nhà tất cả mọi trống chiêng

thức dậy!

Sông Hồng

một con sông chảy qua thời gian

chảy qua lịch sử

chảy qua triệu triệu cuộc đời

chảy qua mỗi trái tim người

khi êm đềm khi hung dữ

một con sông rì rầm sóng vỗ

trong muôn vàn trang thơ

làm nên xóm thôn, hoa trái, những ngôi nhà

tạo sắc áo, màu cây và tiếng Việt

một giống nòi sinh tự một dòng sông

trăm đứa con xuống biển lên rừng

ở lại Phong Châu, người con thứ nhất

vua Hùng Vương thứ nhất nước Văn Lang

sóng và phù sa – khái niệm đầu tiên

nước và đất để nay thành Đất Nước

một con sông dịu dàng như lục bát

một con sông phập phồng muôn bắp thịt

một con sông đỏ rực

nhuộm hồng nâu da người.

ôi Sông Hồng, mẹ của ta ơi

người chứa chất trong lòng

bao điều bí mật

bao kho vàng cổ tích

bao tiếng rên nhọc nhằn

bao xoáy nước réo sôi trong ngực rộng của người

bao doi cát ngầm trong lòng người phiêu bạt

người quằn quại dưới mưa dầm nắng gắt

cho ban mai chim nhạn báo tin xuân

cho đơn sơ hạt gạo trắng ngần

cả nhành dâu bé xanh

người cũng cho nhựa ấm

một dòng sông với những thuyền những bến

những thân đê uốn lượn lưng rồng

hoa gạo đỏ bờ sông những đền miếu phố phường

mái rạ bờ tre hoàng hôn khói bếp

một dòng sông như dòng đời mãnh liệt

nhấn chìm bao thuyền giặc

và xoá nhoà dấu vết các triều vua…

sóng rập rờn quanh bè gỗ tuổi thơ

nước sông chảy trên vai em lấp loáng

ta đi qua những bến phà tan nát

một ngàn ngày xa cách

một ngàn đêm sông Hồng

trên chùm sao bánh lái

trong câu hò đồng đội

trong ráng mây cuồn cuộn căng buồm…

máu ta mang sắc đỏ sông Hồng

nỗi khổ và niềm vui bất tận

luôn luôn mới đến, luôn luôn ra đi

luôn già nhất và luôn trẻ nhất

sông để lại trước khi về với biển

không phải máu đen độc ác của quân thù

không phải gươm đao ngàn năm chiến trận

không phải nghẹn ngào tiếng nấc

sau sụp lở hưng vong sau thù hận sóng trào

là bãi mới của sông xanh ngát

là đất đai lấn dần ra biển

là tâm hồn đằm thắm phù sa

dâng yêu thương đỏ rực đôi bờ.

Xem thêm:  Top 20 Bài thơ hay về tháng ba của tác giả Hoàng Minh Tuấn

Sông Hồng – hồi ức của một nghĩa binh già

Chiếc tàu đen xuất hiện phía chân trời

thân cá mập lừ lừ tối sẫm

lá cờ lạ chập chờn khói sóng

miệng súng tròn hung dữ ngước lên

những bóng người cao lớn lênh khênh

găng tay trắng, ống nhòm dài lấp loáng

những mặt đỏ mũi khoằm râu rậm

gườm gườm trên tàu sắt

ầm ầm xả khói ven sông

bầy le le náo động bay tung

người đánh cá ngừng tay kéo vó

trẻ bắt cua quẳng giỏ

dân làng kinh ngạc nhìn ra

chưa ai hay cột khói đen kia

sẽ mang đến nước Nam

tám mươi năm nô lệ

chúng ta nhớ gì ngày ấy? nước Nam

trong tay lũ vua quan dốt nát

con rồng cũ ngoằn ngoèo trên áo thụng

những hoàng cung ẩm mốc mùi rêu

những ông quan võng lọng vẹo xiêu

ham chọi già và giỏi làm câu đối!

những đồng bãi bốn mùa nghèo đói

những chiếu chỉ chữ Nôm

(do hai chữ Tàu ghép lại)

lệnh bế quan toả cảng

lệnh cấm đạo Gia – tô

lệnh bắt giáo dân cho ngựa xé hổ vồ

lệnh chu di ba đời

ai dòng dõi Tây Sơn

ai chép thơ Chu – Thần

ai phạm huý

ngọn đèn con leo lắt đêm đông

soi gương mặt một người thức trắng:

Nguyễn Trường Tộ cô đơn đôi mắt sáng

viết tờ trần dâng vua

“muốn trị thuỷ Hồng Hà

không thể dùng đê quai tạm bợ

phải đào hồ to, khai thông đường xá

đến lúc cần trọng toán lý hơn văn

khai mỏ, đóng tàu, công nghệ mở mang

cho dân được muôn nhà no ấm

phải tỉnh táo nhìn xa nghĩ rộng

lái con thuyền khỏi vực vong nô…”

không lời nào lọt được tai vua

cả triều thần mải mê “lễ nhạc”

mặt khinh nhờn, dạ kinh hãi “Tây di”

giặc với những Gác-ni-ê và Giăng-đuy-pi

những óc lái buôn lọc lõi khôn ngoan

của công ty Đông Ấn Độ

những kẻ tìm vàng những tên vỡ nợ

những thiếu uý tóc mai cong

mơ làm Bô-na-pác

giặc Tây với súng đồng thuốc đạn

với vải hoa ngũ sắc

với tượng chúa với những lời đường mật

móng tay dài thèm khát

vươn lên châu thổ sông Hồng

Nhâm Ngọ tám trăm tám hai

Hà thành thất thủ

án sát, khâm sai khiếp sợ

nhưng thợ khảm Hàng Khay thợ dệt làng Chèm

những môn sinh của cụ cử Kim

cùng đội cận vệ quân

của đốc bộ quan Hoàng Diệu

xông ra “giao chiến ngang tàng”

cờ ba sắc trên chòi canh đã cắm

lang Hạc Thọ Xương phản trắc

lén đưa quân giặc vào thành

Tôi là người lính hoả công

của tham tán quân Tôn Thất Thuyết

tôi là người lính già tóc bạc

đi theo vua Hàm Nghi

trong ngàn sân Quảng Trị xanh rì

nhìn nhà vua trẻ măng

ngồi ôm đầu im lặng

tôi quặn lòng nghẹn khóc

nước mất rồi chúng ta đi đâu?

tôi là người lính trận

sinh bên bờ sông Hồng

giặc Lang – sa trong thành cũ Thăng Long

nghênh ngang cướp bóc

lũ bồi tây lũ chó săn xúm xít

tiệc rượu say mềm điện Kính – thiên

trong hoàng hôn một thế kỷ đang tàn

sao bốc cháy trên bầu trời hung dữ

tôi theo tướng Cờ đen

phục bên đường Giảng Võ

vung lá cờ móc câu tua tủa

ụp lên đầu Ngạc – nhe

tiếng hò reo trăm thuyền nhỏ lao đi

tôi ngang dọc khắp đầm lầy Bãi Sậy

giặc vây thuyền đốt bãi

tôi bắn trả giữa mịt mùng lửa khói

nghiến răng thà chết không hàng

xác tôi hoá thành than

thành lửa đóm lập loè đỉnh bãi

vượt đồn binh sông Cái

qua Yên Thế Nhã Nam

lên đồi dẻ rừng lim

tôi thổi ống xì đồng

trong nghĩa quân Đề Thám

quân vỡ, nhà tan, nước tận

xác cụ Phan Pháp nhồi cùng thuốc đạn

bắn xuống sông sâu, sân đấm ngực khóc gào

giặc băm nát thân tôi châm lửa tưới dầu

nhưng tôi nào chịu khuất

hồn tôi nơi rừng thẳm

canh khuya vang tiếng hổ gầm

cùng Đội Cấn Đội Cung quay súng cướp đồn

tôi trộn cà độc được vào cơm

xé gan giặc trong “Hà thành đầu độc”

chúng đặt tôi lên lưỡi cày nung bỏng

“cũng thành nhân…” tôi ngẩng nhìn máy chém

đầu rơi mắt vẫn mở trừng

tôi lang thang khắp đồng bãi sông Hồng

ngày vùi gươm dưới cát

đêm trăng lạnh sương lạnh

tôi mài trên đá tảng lưỡi gươm xanh

đợi dịp nhà lại nước

nhìn đoàn tàu giặc

như rắn đen đi hút máu dân mình

ngực tôi ngàn vết nhục

tôi là người lính già tóc bạc

tôi là tám mươi năm uất ức

tôi là con của sông Hồng sôi sục

đêm đêm trên cát

mài gươm.

Sông Hồng – năm mẹ sinh em

Đồng trăng mênh mông

năm lũ lớn

lá chuối khô xạc xào trên mặt

sâu róm xù lông rặng vải

sau đê nước đỏ tràn về

những đoàn người lảo đảo kéo đi

như cơn mê cơn sốt

mắt đói mở trừng

trán gầy đen lõm

ăn hết củ rào lộc sung nõn chuối

ăn cả thằn lằn chuột bọ

cái đói dày vò cắn xé

nhục nhã kinh hoàng điên dại

giành nhau mẩu bánh giữa chợ

nuốt vội nghẹn ngào máu ứa

đi lên thành phố

gục chết nằm đầy các cửa ô

mùi xác chết u ám cả bầu trời

sớm mai lạnh buốt vỉa hè

những bàn tay quờ quạng

những bàn tay thò ra khỏi chiếu

sọ người va nhau trên những cỗ xe bò

những bà điên những thầy bói mù lòa

hát rợn người những lời sấm tiên tri

tiếng chuông nhà thờ

báo hiệu giờ tận thế cái năm kinh khủng

Cả nhân loại qua một cơn chém giết

Cả dân tộc sau chuỗi ngày tàn khốc

bóng đen nhà tù Pháp

ngựa Nhật và gươm Nhật

máy bay đồng minh trút cái chết lên đầu

các nhà thơ trong Tự lực văn đoàn

làm thơ về trăng và các tiểu thư sầu mộng

tổ quốc tưởng như bị bỏ quên

giải đất tối tăm giải đất nghèo hèn

chỉ còn những cơn gió lang thang

chỉ còn cái đói

mẹ sinh em năm ấy

lán nhỏ ven bờ đê

tiếng nước sông ầm ầm dữ dội

tiếng chân những người đi cướp thóc

rầm rập chạy ngang vườn

đàn ông đàn bà dao gậy câu liêm

thúng mủng nón mê lũ lượt

lá cờ đỏ bập bùng phía trước

những huyện đường bốc cháy trong đêm

mẹ sinh em

ngực gầy thở dốc

áo rách đẫm máu

phản lạnh nhà xiêu không hớp cháo

những bàn tay đói

đỡ em ra đời

ngoài kia những người sống sót

những người bị cướp đoạt bị chà đạp tần cùng những người bị đuổi bắt

đứng lên giành hạt gạo để sống

giành đất nâu và khí trời

ngoài kia sông Hồng rên xiết gào kêu

quằn quại ánh sao xanh biếc

gió thổi bãi hoang xao xác

mẹ cắn môi sùi bọt đau rên

tiếng khóc em trong tiếng trống thình thình

vú mẹ cằn khô không giọt sữa

em sinh ra từ cơn đói xé lòng

suốt đời em mang

nối đói và nỗi khát

ánh lửa đầu tiên em thấy

là ánh đuốc những người nổi dậy

em sinh ra khi ngày hửng đêm tàn

lúc con chim đạp gẫy cửa lồng

nếu suốt đời em đòi hỏi trời xanh

sao anh lại ngạc nhiên và trách móc?

suốt đời em mang trong ngực

tiếng sông ào ạt réo sôi những tàn lửa quanh mình gió xoáy

và bờ đê rầm rập bước chân người…

Sông Hồng – lời từ giã của Trung đoàn Thủ đô

Mũ sắt mưa bay lất phất

trung đoàn lặng lẽ ra đi

bãi Long Biên gió buốt

dòng sông đen rì rầm

ngoảnh nhìn Hà Nội rưng rưng

liên khu Một bập bùng lửa cháy

Phất Lộc Nguyễn Siêu Hàng Chiếu

Ô Quan Chưởng Cột đồng hồ

mái nhà cao thấp nhấp nhô

bao giờ trở lại?

Hà Nội ơi Hà Nội

những tên người tên phố thân yêu

những chiến lũy cao

chồng chất tủ giường bàn ghế

có chiếc hòm nâu của mẹ

người mẹ nghèo đầu ô

chiếc xe nôi trẻ thơ

lỗ chỗ đầy vết đạn

chiếc dương cầm nhà ai

tiếng dây đứt trong đêm chờ giặc

ta có thằng bạn học

hy sinh chôn dưới nên nhà

đêm nay đơn vị rút ra

các cậu nằm ở lại

chân bước lòng đau nhói

đâu những mặt hồ sương muối

những sân trường lá rụng áo bay

những đường xưa héo hắt mặt gầy

Cách mạng tình đầu nắng chói

nước Cộng hòa một tuổi

chiến xa quân thù

như bóng đêm gầm gừ trở lại

Tháng Chạp bốn bề lửa khói

quyết tử quân ra đi

những công nhân máy đèn

thợ sắp chữ nhà in

vai áo dầu lem luốc

anh giáo tư rút rát

đưa bàn tay trắng trẻo nhận thanh gươm

anh sinh viên trường thuốc ngang tàng

mang đến con dao giải phẫu

anh kéo đàn tiệm rượu

bác phở rong mũ dạ

ông thợ già bẻ ghi

những lưng áo suốt đời im lặng

linh hồn của Hà Nội thủ đô

những người phiêu bạt không nhà

bốc vác bện sông, gầm cầu nằm ngủ

gái nhẩy, vú em, anh xe, chú tiểu

có kẻ lần đầu tiên được sống

có người ngỡ đời mình đã hết

trong khói thuốc chán chường

hôm nay ném bút bước ra đường

đứng vào chiến lũy

đã quá nhiều đêm nô lệ

nước Việt thân yêu giờ phút mất còn

già dặn hay tơ măng

chân đấy hay cà – vạt

người theo đạo Tin lành

người đọc mòn sách Khổng

và anh, người Cộng Sản

hôm xưa vượt ngục Hỏa Lò

dân phố chỉ biết tên

qua tấm hình truy nã

hôm nay ôm bom ba càng

đi hàng đầu dẫn tất cả xông lên

đục tường nhà nối lại mọi đời riêng

sáu mươi ngày quyết liệt

từng thềm gạch từng tấc đất

tiếng xung phong tiếng thét rung trời

địch từ Đồn Thuỷ kéo lên

từ Cửa Bắc xông ra

pháo đào Láng quân ta bắn xuống

Cầu Gỗ Hàng Đường Cửa Nam Hàng Bột

Ô Cầu Dền, nhà thương Vọng, Hàng dầu Sen

giặc máy bay xe tăng

ta súng trường chai cháy

giặc chiếm nhà ngoài, ta xông ra chiếm lại

giặc lên gác hai ta gỡ mái nhào vô

Định ở Bắc Bộ phủ

Thực ở Giảng Võ

và bao người đã ngã không tên

bác hàng rong chợ Đồng Xuân

vung đòn gánh đuổi thù quanh phản thịt

anh bán vé chết trong toa xe điện

bác đưa thư già tóc bạc

trên thềm nhà bưu điện hy sinh

túi thư chưa kịp gửi khoác bên mình

tiểu đội nữa cứu thương

ngã xuống miệng còn ca hát

những cô gái Ngọc Hà Lãng Bạc

những mẹ già Lai Xá Thụy Khuê…

đêm nay ra đi

nhớ từng gương mặt

nhớ thằng em liên lạc

nhớ rạp hát Tố Như

nhớ đường phố cùng ta ngăn bước giặc

cho khắp nơi cuộc kháng chiến bắt đầu

nhớ khóm rau xanh bên những cành đào

trên chiến lũy, mưa phùn ướt đẫm

đêm giao thừa khói trầm nghi ngút

đọc dòng thư, tất cả rưng rưng

“các em quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”

đôi mắt già Hồ thăm thẳm

sớm mai thành phố vào tay giặc

chúng nó đừng hòng khuất phục

Hà Nội là của ta

một cột điện một mái nhà

một thằng bạn một thằng em

một sớm mai yên tĩnh

ái hát bài “suối mơ”

tiếng xe chạy tiếng rao quà

Hà Nội lầm than Hà Nội phù hoa

Hà Nội đêm nay nhắc gọi

ra đi hôm nay để mãi mãi trở về

mưa bay lồng lộng bờ đê

Hà Nội nhòe trong nước mắt

Tam Đảo sau lưng sừng sững

Việt Bắc chiến khu bát ngát

Hồng Hà cuồn cuộn réo sôi

chỉ xuống dòng sông đỏ rực

chúng ta thề sẽ trở về.

Năm 1954

nhớ không em năm 1954

bức tường đầy vết đạn

bên kia sông đèn pha quét sáng

năm cửa ô thiết giáp gầm gừ

thùng xe tua tủa mũi lê

hàng phố bặm môi nhìn

– chúng nó mang người đi bắn

các anh chào Hà Nội lần cuối cùng

nụ cười lẫn trong vết sẹo

nhớ không em năm 1954

mùa hè nóng bỏng như lửa

lính mũ đỏ rượu say chai vỡ

lính Bắc Phi nhớ quê ngồi khóc

công sở ồn ào vỡ tổ

két sắt va ly chồng chất dãy dài

mang lên xe hàng núi hồ sơ

danh sách 80 năm

những người không khuất phục

sân ga mù mịt khói bay

chủ xưởng chủ đồn điền

bước lên tàu ủ rũ

những bà đầm tay ôm chó bông

những viên đội xếp tồi tàn

lếch thếch ba toong hòm xiểng

những bộ trưởng kiêm thầu khoán

như bóng đen dĩ vãng kéo nhau đi

ông bác sĩ hồ nghi

gã đảng viên Đại Việt

xanh xao hằn học chán chường

những tay viết báo ăn tiền

những ca sĩ hát trên đài Pháp Á

ngã ba ngã tư sôi lên như chợ

người ta bán nhà bán tủ bán xe

đêm đêm phố thờ rầm rì

tiếng xé vải may cờ náo nức

mẹ thắp hương mong thằng con vệ quốc

chín năm mỏi mắt mong chờ

các anh đã trở về

trên những cửa ô xưa

cuồn cuộn người đi mắt ướt

mũ nan phần phật vải dù

Trung đoàn Thủ đo

lại về liên khu Một

bạn cũ ôm nhau cười khóc

– những ai nằm lại lưng đèo?

cổng chào lá kết đèn treo

cánh trắng bồ câu lấp loáng

đêm pháo hoa vụt sáng

lời ca bồng bột ngây thơ

“dân Liên Xô vui hát đồng hoa”

điệu múa sạp từng bừng sân khấu rộng

khói lại bay trên nóc xưởng

lô cốt um tùm cỏ mọc

Rạp Majestic đổi thành Tháng Tám

Eden thay bằng Công Nhân

bắt đầu tàu mới sang sông

bắt đầu những cửa hàng mậu dịch

nước mắt

cái năm 54

ai mà quên được

nụ cười những người nhận ruộng

chúng ta đi bên nhau lần cuối cùng

hôm ấy trời rét và mưa

ta mua hoa ở chợ hàng Da

trú mưa dưới hàng sách cũ phố Nam Ngư

em làm dấu trước nhà thờ cao vút

tiếng chuông ngân nga đổ xuống

ngày mai theo mẹ em đi

Hải Phòng cửa biển

chiếc tàu to rời cảng

giữa đồ đạc ngổn ngang

giữa những giáo dân Bùi Chu Phát Diệm

có một cô bé con

rì rầm cầu nguyện

ôi cái năm 554

tàu há mồm đưa người di cư

tàu Ba Lan đón người tập kết

bộ đội Tháp Mười áo vải xi-ta

đưa hai ngón tay bước xuống đò

hẹn hai năm trở lại

qua mùa mưa rào mùa sương muối

em chẳng có thư về

bắt đầu quen tên dòng Bến Hải

đất nước bắt đầu thời cắt chia

bắt đầu những nguyên nhân

của một cơn bão mới

nếu biết từ hôm ấy

sẽ là biền biệt cách xa

ở giữa hai ta

sẽ là cuộc chiến tranh

sẽ là chỉ rào gai và thù hận

ta sẽ nói với nhau khác hẳn

sẽ giữ em ở lại

làm sao cho đừng phải chia tay

nhưng giữa phố phường náo nhiệt đông vui

đi trong mưa em chỉ lặng mỉm cười

ta chỉ nói về ngày gặp gỡ

anh mua cho em một bó cúc vàng

những bông cúc vô tư những bông cúc đầu tiên

nở xòe trong gió lạnh.

Tuổi thơ

Hoa nào đẹp bằng hoa tuổi thơ

Ổi nào ngon bằng ổi năm xưa

Suối nào mát bằng suối hồi còn bé

Vẫn tắm mùa hè xao động nắng trưa.

Võng nào êm bằng võng ru ngày ấy

Trang giấy nào thơm bằng giấy khai trường

Câu thơ nào hay bằng câu ca dao tập đọc

Ai xinh bằng cô bạn nhỏ mến thương.

(1963, lớp 9H)

Những thành phố những xứ xa

đã bao lần trên chiếc tàu buồm ướt đẫm hơi sương

tôi đi ra biển rộng

qua xích đạo nước ầm ầm sôi sục

những bến tàu trong khói lạnh trong hơi

những cánh đồng băng tuyết xa xôi

những xứ sở lạ lùng, những mặt người đỏ rực

đã bao lần tôi theo đàn chim én

tới bao lâu đài, phố chợ đông vui

những thảm màu rực rỡ phủ mình voi

những cô gái như cây dừa sa mạc

những thành phố trong ngàn đêm cổ tích

trong bài ca trong những vần thơ

Puskin của Mạc Tư Khoa

Vâyma của Gớt

Itxtăngbun trong trái tim Hikmét

Nêzval ca ngợi Praha

Xanchiagô của Nêuruđa

Pari kỳ diệu của Hugô

Pari của những người công xã

Pari bị bao vây Pari bị cầm tù

Trong thơ Êlua

Bácxơlona, Grơnađa – những thành phố Tây Ban Nha

Écnanđê, Gácxia loócca

các anh đã chết

cho nền cộng hoà

tôi thấy mình tới thành Madrid

trong binh đoàn quốc tế các màu da

những thành phố những xứ xa

trái đất là cây những thành phố là hoa

vai lớn núi đồi, ngực rộng thảo nguyên,

thành phố là khuôn mặt

những chiếc đàn khổng lồ những chiếc gương lấp lánh

xe ngựa cổ xưa, le lói đèn lồng

chiếc tàu hơi nước đầu tiên

rồi ống khói phun lên trời cuồn cuộn

những thế kỷ Phục Hưng và ánh sáng

mọc lên từ chai sạn triệu bàn tay

đẫm mồ hôi và hy vọng con người

tôi lớn lên, tuổi nhỏ khép sau lưng

nỗi khổ, niềm vui không còn trong sách

cuộc đời thực, những tháng năm khắc nghiệt

chẳng góc nào cho viễn mộng xa xôi

tôi đi bao thành phố quê tôi

Việt Trì ống khói cháy đen

Hải Phòng bom dội suốt đêm

Hà Nội mười hai ngày thảm sát

thành Vinh nhà hoang cỏ mọc

Nam Định đầy gạch vụn

Đồng Hới bị san bằng

những nấm mồ chôn chung

những ước mong bị huỷ diệt

những máy bay từ những thành phố khác

những người trai của những thành phố khác

ném bom xuống lòng tôi

những nhà thơ lần lượt chẳng còn ai

nàng công chúa đã tàn đêm cổ tích

bản đồ xưa màu mực úa phai rồi

tôi lặng lẽ cúi nhìn đêm trở lại

những thành phố lung linh ngàn chấm nhỏ

thành phố nào tuyết trắng đang rơi

ai ngủ ngon ai đang đói rét

ai yêu thương buồn giận giống lòng tôi?

nếu trái đất này là một tổ quốc mênh mông

mỗi nước sẽ là một cái làng

trong làng nhỏ Việt Nam

tôi đã sinh ra và đã yêu tất cả

mọi phố phường trong làng xóm mọi dòng sông

tất cả không hiện ra nhờ một phép thần

không mọc lên từ đầu một con bò

cũng chẳng rơi xuống từ trời như những quả bom

không thể để lòng hận thù chiếm đoạt

không thể để tên lái buôn đem bán

không cho bàn tay kẻ ác

đốt ngôi nhà thiêu hy vọng trẻ thơ

những xứ sở như ngàn tổ ong đập cánh khổng lồ

đến bao giờ mọi người thành ruột thịt

những thành phố như con tàu trên biển

đến bao giờ cặp bến yên vui

trái đất xanh – tổ quốc của tôi ơi?

Những chiếc lá rơi

I

Con người bé nhỏ

trong thành phố không màu

trước một chiếc cầu

không thể đi qua

Cuộc hẹn hò

trong niềm mơ ước cũ

Chuông đã rung lên trống đã đổ dồn

những bức tượng đã gục ngã

những người mới đã lên đường

Xao xác là vàng

những mặt nạ của mùa thu

đã chết

Con rối trong tủ kính

con chuột bằng bìa xanh

những đôi mắt trẻ con

đã rơi vào quên lãng

chỉ còn vầng trăng nhọn

sáng bên trời không nguôi

Nỗi buồn của tôi, tình yêu của tôi

như những chiếc lá không lời

rụng xuống

II

Có một cái làng

em đã đi qua

cái làng đầy hoa hồng

cheo leo bên sườn núi

chìm trong cây trong khói khuất trong mưa

tôi cũng có một cái làng

không bao giờ tới được

khi em mở bàn tay

những đường chỉ xa xôi

run run định mệnh

những đường chỉ mơ hồ lẩn khuất

dẫn anh về một cái làng xưa

đã mất

III

– Anh có nhớ Macxen Macsô

cái ông hề tóc bạc

có gương mặt rất buồn rất cô đơn?

anh có nhớ một người đùa bỡn

với cái mặt nạ cười

rồi không sao cởi được

đau đớn mệt nhoài kiệt sức

tuyệt vọng ôm vai, cái mặt vẫn cười?

anh có trông con ốc

suốt đời mang cái vỏ của mình

nhưng cất đi gánh nặng trên lưng

nó cũng không sống nữa?

– Em như con chim say nắng gió

luôn làm bộ thương chính đôi cánh của mình

Ngoại ô

Những phố chưa kịp đặt tên

Những con đường chưa bóng cây che mát

Những hộ mới dọn về chưa kịp quen nhau

Bên này còn công trường gạch nát ngổn ngang

Bên kia đã rèm xanh tổ ấm

Đã là sân chơi, hố vôi chưa kịp lấp

Đã đông trẻ con mà chưa kịp có trường

Điện sáng năm tầng

Nhưng nước còn đang thiếu

Ngoại ô như đứa trẻ lớn nhanh

Áo mới chưa may kịp

Mỗi sớm mai một thay đổi dáng hình

Chật chội xe chen đủ đã nới thêm đường

Bản đồ cũ không đủ lời chỉ dẫn

Cuộc đời vượt những thước khuôn định sẵn

Không đủ lớp trường, không đủ bài ca

Điệu hát cũ trẻ thay lời đổi nhạc

Câu chèo xưa cũng bớt nhịp ngân nga

Xin đừng buồn trước bao việc phải lo

Vòm cây lớn bất ngờ

Cái đàn xưa bỗng hẹp

Chân lý luôn thuộc về những ngọn lá tươi

Ngoại ô vươn dài

Ngoại ô mở rộng

Nơi xưa là cửa ngõ

Nay đã thành trung tâm

Mới um tùm bãi hoang

Đã công trường gạch đỏ

Mái rêu cổ ngàn năm

Dù đẹp đấy, hãy chịu làm quá khứ

Ta yêu những ngoại ô chưa hiện rõ dáng hình

Những niềm vui chưa kịp có tên

Chân bước ngợp trên những tầng cao mới

Ô cửa lớn mở trời xanh vời vợi

Những tầm xa ta chưa thấy bao giờ…

Với triệu con người

Giữa chợ búa, bến tàu, trong mỏ tối

giữa xóm chài và làng dệt vải

tình yêu ta ở trong thư các bác đưa thư

trong quầy hàng dầu hoả ở ngã tư

trên bảng giờ tàu, trên mặt đe sáng chói

trên nhãn vở học trò, con dao rọc giấy

trên mỗi thanh ray nóng bỏng ngoài ga

mũi kim khâu áo, tấm vải che mưa

giữa bụi cỏ tầm thường, ngọn cây rực rỡ

mái chèo, cây đàn, bao diêm nhóm lửa

trên bếp củi hồng, trên đỉnh cột buồm xanh…

đêm ta nghe ngọn gió mênh mông

thổi hơi ấm từ rừng sâu đang thở

suối trong đất như sữa nằm trong vú

bầy chim bay soải cánh nhịp nhàng

sườn nhấp nhô trần trụi của biển lam

bến cảng rộng cho con tàu trở lại

gió mù mịt những bức tường bốc khói

quặng trong lò sôi sục tan ra

những đôi mắt hoa mua

những trận mưa dữ dội

những vai áo bạc màu, những bàn tay lấm bụi

những đứa trẻ ra đời giữa bắp đùi đẫm máu của tạo vật

những dòng sông trong vắt với núi cao chọc trời…

Tình yêu và tiếng hát của ta ơi

hãy làm gió mạnh của cuộc đời

chất men của lòng hy vọng

men của trái cây, men của mật ong thơm, men của những vại

dưa xanh men của dấm

men của rượu nồng của những chiếc hôn

màu xanh của chồi non

xuyên vỏ dầy xuyên lớp đất đen…

hoà sắc biếc với trời đất rộng

“khi chết đi anh chỉ mang theo những gì anh đã cho người khác”

tình yêu nối hai ta với triệu con người…

9-74

Trước biển và gió

Đêm từ bờ đá nhọn ùa ra biển

Sóng ầm ầm như con tàu khổng lồ đang sụp đổ

Như tiếng đá vỡ

Tiếng bật gốc cả rừng cây đang ngã

Biển thét gầm vật vã giữa trời đen

Bụi nước bay trong gió lốc cuồng điên

Bãi cát nóng như lưng người ướt đẫm

Bầy trẻ trần truồng đen sậm

Vẫn hò reo cầm đuốc đón thuyền về

Xem thêm:  Bắt đền anh thôi! - Thụy Khúc

Biển ào ạt ngoài kia

Hung tợn và rộng lớn

Chẳng giống những vần thơ trong sách

Nơi cánh buồm trắng mát giấc mơ

Nơi nước êm óng ánh san hô

Sóng hôn nhẹ và gió đêm ru khẽ…

Ngực tôi thở cùng hơi thở bể

Tôi chẳng tin những lời kể dịu dàng

Tin như vậy chắc mọi điều sẽ dễ

Tôi sẽ yên lòng làm đứa trẻ ngoan

Nhưng đau buốt ngực tôi sóng táp

Mái nhà tôi gió giật

Bãi sình ngập ngụa nuốt chân tôi

Biển nuốt những thây người chết trôi

Vò nát cánh hoa nào yếu nhạt

Ông tôi khóc chào đời trên nước

Và lấy biển làm mồ

Cha tôi khi vui, khi giận khi lo

Đều im như đá lạnh

Giọng mẹ tôi giống đàn ông khô khốc

Chưa bao giờ mẹ hát

Tuổi thơ tôi không có tiếng ru hời

Đến tự bao giờ em ngồi xuống bên tôi

Ôm lấy vai tôi

Cả em nữa chẳng là cô gái đẹp

Tóc em thô dày, tay em chai cứng

Giọng em cũng trầm đục khàn khàn

Lông mày em lấp lánh vảy cá tanh

Vết sẹo nhỏ dưới cằm

Vết thương xưa ngã vào đá sắc

Bây giờ còn rớm máu trong tôi

Mắt em màu tro lặng lẽ suốt đời

Luôn bay lên những trùm than lửa

Mắt em ngỡ như chì lạnh giá

Mà mênh mông sắc biển một ngày mưa

Chân chúng ta là rễ cắm trên bờ

Biển có sóng dữ, có sương mù, có đáy vực khổng lồ cùng cái chết

Mặn chát môi đâu phải êm đềm

Mặn gió mặn con thuyền mặn cả mặt trời lên

Tôi thuộc về một rạng đông còn phải mở

Tôi muốn nói những điều lòng ai cũng có

Nhưng chưa ai biết rõ là gì

Điều thật ấy tôi còn chưa nói được

Mà đất đai vẫn ngày đêm cơ cực

Những đứa trẻ còn trần trụi chạy trên đời

Làm sao tôi giúp được mọi người

Con thuyền lớn bàn tay tôi góp sức?

Ích gì đâu những lời nói đẹp

Hãy cho tôi sức mạnh của triều dâng

Một niềm tin nâng dậy cánh buồm căng

Lòng quả cảm đương đầu muôn ngọn gió

Trên bờ đá tôi thắp lên ngọn lửa

Dẫn thuyền về, biển cả hết cô đơn…

Cho mai cha tôi hết lạnh tựa đảo hoang

Biến hoá niềm vui

Mái nhà mẹ thôi tả tơi gió táp

Các em tôi ngọt ngào giọng hát

Mắt người yêu xanh sắc biển dịu dàng…

Quả đồi bên kia

Trẻ con bên kia đồi chở về

cỏ may găm đầy ngực

phấn thông vàng mái tóc

hạt cườm lấp lánh vòng tay

quả đồi bên kia sông

em nghe kể đêm nằm thao thức

sớm dậy đi tìm

bốn bề lau sậy

chân trời vời vợi

sông trắng thì dài đồng nắng thì xa

quả đồi trẻ thơ

em làm sao tới

tàu hoả không đi về nơi ấy

xe hơi không từ đấy trở về

những con ngựa thồ những chiếc thuyền tre

những khách qua đường lấm bụi

không ai đi về nơi ấy

không ai từ đấy trở về

làng gần hay bãi xa

mọi người đều chẳng biết

lũ trẻ cũng dần dà quên hết

riêng lòng em xót xa

quả đồi bên kia giấc mơ

bên kia cuộc sống

đêm rét nằm nghe gió lộng

tay nhớ hạt cườm đã mất

thương quả đồi đơn độc

cùng tuổi thơ ở lại với mưa rào.

Mùa xuân Matxcơva

Matxcơva mùa xuân

Tiếng băng vỡ trên sông

Những công viên tuyết cuối mùa chưa tan hết

Triệu mầm non đã nhú cành xanh biếc

Chim câu bay quanh vai tượng Puskin

Sớm mờ sương những đại lộ lên đèn

Tất cả các ga xe điện ngầm đều đông chật

Matxcơva mùa xuân này xáo động

Trong mỗi con người tôi gặp

Từ cô gái trên xe tay ôm chồng sách

Người thợ xếp hàng trước quầy ăn tự động

Đôi mặt đăm chiêu người lính gác Hồng Trường

Mái tóc bạc vị giáo sư ngực kín huân chương

Chị bán kem má đỏ hồng màu táo chín

Đám sinh viên ồn ào trước nhà hát Ta-gan

Đều như cháy lên bao suy nghĩ bồn chồn

Không phải những nghĩ lo giản dị ngày thường

Không chỉ về vở kịch tân kỳ của Liubimốp

Trận đấu gay go của Đinamô Kiép

Hay diễn xuất tuyệt vời của Lanôvôi trên màn ảnh truyền hình

Không phải nỗi buồn vui riêng của một người nào

Nhịp trái tim trong ngực triệu con người…

Mátxcơva mùa xuân này

Có gì giống với những ngày Maiacôpxki ra quảng trường

Đọc những lời thơ bão táp

Giục gọi mọi người tiến lên phía trước

Đả đảo những gì cũ kỹ già nua…

Matxcơva, vầng chán nước Nga

Trong mùa xuân những hy vọng dâng trào

những trăn trở không yên những kiếm tìm táo bạo

Khó khăn sao khi tự vượt chính mình

“Chủ nghĩa xã hội có hoà bình vĩnh viễn trên hành tinh”

Trí tuệ mới mở những chân trời mới

Những chân trời chưa hề ai đi tới

Chưa định sẵn ra trong bất cứ sách nào

Gian nan hơn bay đến những vì sao

Là hạnh phúc con người trên mặt đất

“Con người là mục đích, không còn là phương tiện

Ta xây dựng nơi đây hạnh phúc con người”

Đường xa lắm nhưng ngày mai đã hiện

Trong mồ hôi triệu khối óc bàn tay…

Buổi ban mai ào ạt cánh chim bay

Khắp bốn phía mùa xuân náo động

Chồi non tơ đã xanh kín rừng cây

Đẹp hơn cả đất trời đang tô rạng

Bừng sáng Matxcơva:

Gương mặt những con người.

Ngọn lửa đen

em thức dậy trong phòng

đôi vai rực rỡ

bầu trời nắng dần ngoài cửa sổ

tóc em bay như một ngọn lửa đen

anh ngày lung linh

cánh tay em dài và ấm

như đất của những miền phiêu lãng

nóng bỏng và dịu dàng

em là anh, như không có giới hạn

không còn thời gian, như khí trời yên lặng

vừa trần thế, vừa vô biên

như cốc nước với ngôi sao, bánh ăn và giấc mộng

Tấm gương soi mây trời, ánh sáng và hình bóng

bí mật của nhành cây ra hoa bất tận

bí mật của mùi hương hoang dã trong rừng

xứ sở của tình em, bờ bến của yêu thương

nơi ta ra đi, nơi ta trở lại

luôn là tiếng hát giã từ, là trái thơm chưa hái

luôn tái sinh và luôn phải kiếm tìm

tóc em bay như một ngọn lửa đen…

Dù cỏ lãng quên

Những toa tàu đạp vào nhau dồn dập

Dây xích nặng rên lên rền rẫm

Hơi nước bỏng mù bay

Em đã đi rồi

Anh làm sao sống như xưa được nữa?

Nơi anh ngỡ chân trời

Nơi mỏng manh đứt rời như sợi chỉ

Nơi bóng mát êm đềm anh đến nghỉ

Nay gió lồng suốt đêm

Em phá tung khung cửa khép nghiêng

Hết bình tĩnh anh chỉ còn náo động

Mắt chán hết mọi sắc màu thường gặp

Ngực quay cuồng bao khát vọng đầu tiên

Những ngôi sao là nước mắt của đêm

Anh chẳng muốn ngồi mơ trong sương xám

Cuối con đường lầy lội ngã ba mưa

Em bây giờ lấp lánh nơi xa

Để lại triền sông phù sa ướt đẫm

Sau nước lũ tới màu gieo hạt

Những lưỡi cày thao thức thâu đêm

Mai trong em anh thành cỏ lãng quên

Em chẳng nhớ chân trời anh khát vọng

Em chẳng nhớ lòng anh cơn gió nóng

Suốt cuộc đời cỏ đắng cỏ lãng quên

Mảnh trăng cao vẫn gọi nước triều lên

Anh chẳng sống như xưa được nữa

Phút em đến

Phút em đến chói chang anh hoảng sợ

Mở chân trời nhưng cũng cuộn mây giông

Cát bỏng bàn chân cơn lốc lửa

Ngả nghiêng bãi cói bên sông

Bến tàu xám tiếng còi mênh mông

Phao đổ dệp dềnh xoáy nước

Em lạ lùng như những con cá trắng

Bay lên trong buổi chiều hè

Bàn tay nồng nàn đôi mắt lạnh dường kia

Gọi về bao nhiêu tàu đắm

Bao người chết biển sâu chỉ còn mái tóc

Hóa thành những làn rêu biển

Chiều nay tụ về

Những đảo vắng cô đơn

Tất cả theo em vào cảng

Những tiếng chuông vỡ rạn

Bỗng vang trên mũi tàu

Gió từ đâu dồn tới ào ào

Em – cao vời và trơ trọi

Hay chỉ là giấc mơ đêm tối

Chỉ là ảo ảnh người đi tàu thường thấy

Khi biển cả mù sương?

Em im lặng như ánh sáng

Người thắp lửa của đời ơi

Không có hải đăng chỉ mịt mù khơi

Không có hải đăng biết phương nào đậu bến

– Anh đừng hỏi vì sao em đến

Em chẳng có bến đẹp giữ anh đâu

Trong ngực em nỗi đau

Đã hóa thành ánh sáng

Anh hãy là con tàu

Để em được gặp

*

Phút từ biệt đến gần không níu được

Anh là của em

Dù nơi đâu anh cũng là của em

Đợi nhau trong mưa tìm nhau trong gió

Biển mặn đắng biển muôn trùng sóng dữ

Người thắp ngọn lửa của đời ơi

Trong đêm

Trước cửa nhà bưu điện

Chiếc xe hòm chở đến những chồng thư

Lũ trẻ nhảy lò cò

Dẫm chân lên vũng nước

Sợ dây đàn rung trong rạp hát

Khi cánh màn đỏ thắm kéo lên

Con chữ giữa khuôn in

Lời nói dối lời nói thật

Những bàn tay ấm những bàn tay lạnh

Xòe xem trời có mưa

Mong giảm nỗi chia xa

Con người nghĩ ra thư

Để xe khỏi xa nhau khi đi lại

Có ngọn đèn xanh ở ngã tư

Ai cũng mong điều tốt

Cho mình và cho nhau

Đâu là nguồn gốc khổ đau

Vầng trăng sầu muộn thế

Cô gái nào nửa đêm hát khẽ

Ai kia qua đường có trò chuyện cùng tôi

Người làm vườn giấc ngủ khuất sau cây

Những tội nhân ngủ sau cửa sắt dày

Quan tòa cũng ngủ

Con đom đóm bay trên đầm lầy

Chiếc cùm lạnh quá

Mùa thu hoa ngâu thơm

Biển nhiều cá nục

Những con tàu trở dầu hay thuốc súng

Những con tàu trở kẹo và cam

Đi lại trên mặt biển

*

Tôi đang tuổi hăm hai

Lòng rất nhiều khát vọng

Muốn cắt nghĩa mọi điều

Chiều nay tôi đi nghe xử án

Tên cướp đường hai mươi tuổi

Công tố viên kết tội tử hình

Bên đường một em bé mắt trong

Đốt chuỗi đèn hạt bưởi

Đầu phố tưng bừng đám cưới

Gió thôi bay những cánh hoa hồng

Tôi lang thang những hàng bia những quán sách bên đường

Bao con người dù lạ dù quen

Đêm nay như liền tôi một khối

Cô gái nào bị người yêu lừa dối

Có tôi bị phản bội cùng

Có tôi trong những anh hùng

Trong bài ca người hát xẩm

Người tử tù dù đáng tội dù bị oan

Có tôi cùng bị bắn

Có lẽ chín phần mười những việc nhân loại làm nên

Là nhầm lẫn cả

Nhưng còn một phần kia bé nhỏ

Đủ cho tôi yêu như dại như cuồng

Đêm nay lòng tôi ướt đẫm tựa cây vườn

Cây dẻ cây xoan cây hồng bì cây vối

Đang ra hoa đang tỏa khói

Những cây của cuộc đời

Nhành lá của niềm vui

*

Chẳng tin thánh nhân trong những bộ sách dày

Tôi tin dòng nhựa của cây

Tin từng viên gạch lát

Tin người thợ da đóng dép

Người thợ nề quét vôi

Tin cả tên cướp ngày mai chết

Đêm nay nhớ một trò chơi tuổi thơ

Một cô hàng xóm

Tin cái xấu dù khôn ngoan sừng sững

Mỗi ngày một bớt đi một chút

Sẽ lớn lên bản chất cuộc đời

Những bạn bè tốt bụng của tôi

Đừng trách tôi không giữ gìn chừng mực

Mọi yêu ghét trong tôi sao quá mức

Không phút nào tôi được ngồi yên

Chiếc vi-ô-lông-xen

Nghẹn ngào rồi tắt hẳn

Cánh màn nhung khép xuống

Vở kịch diễn xong rồi

Những em bé mồ côi

Ra sông vớt của mục

Những em bé lang thang

Bán báo trên tàu điện

Ai vừa về trong ngõ khuya gió lạnh

Ngọn đèn ai trằn trọc thức trong đêm

Những đôi môi yêu thương

Những bức tường thất vọng

Một khoảng trời xa tắp

Ban mai xanh phía đó vẫn chờ tôi

*

Tôi nào sợ đêm dài

Tôi đã chọn tình yêu này

Tôi không ngoảnh đầu lùi lại

Chẳng làm hoa tôi nhận phần làm củi

Đốt cháy và tỏa sáng giữa hồn em.

Hoa cẩm chướng trong mưa

(Viết cho năm Thế giới Hoà bình)

Người hát rong mù loà

Đi trên đường nắng gắt

Hoa cẩm chướng xanh

Rơi trên bậc đá bến tàu

Biển mù sương

Ngọn đèn đêm nhấp nháy

Đôi mắt màu mưa

Luôn giã từ và gặp gỡ

Giọng hát nào nức nở:

“Bao giờ cẩm chướng nở hoa

Người tôi mong chờ

Trở về cùng tôi mãi”

Đó là bài hát của cô gái nghèo ở bến tàu

Cô hát từ lâu lắm

Từ cái ngày những con tàu còn chạy bằng buồm

Theo ngọn gió hồn nhiên

Những nhà máy chưa gầm thét

Thành phố còn nhỏ hẹp

Cô gái ngồi trong giấc mộng xa xôi

Nếu tôi tìm được tới nơi

Chắc cô sẽ hát cho tôi

Và sẽ yêu tôi

Từ bé

Tôi đã có những giấc mơ như thế

Tôi biết thế giới rộng vô cùng

Bao nhiêu chân trời cửa bể

Mênh mông cánh chim trắng xoá

Bao dòng sông như sông Mã sông Hồng

*

Tôi theo bầy chim nhiệt đới tối đen

Đêm đem lang thang

Cùng người hát rong mù loà

Dưới vầng trăng đỏ thắm

Những tượng cổ trong đêm sừng sững

Tiếng trỗng gõ rập rình

Đoàn thuyền lao vùn vụt mũi tên

Con thuyền dài như chiếc ngà voi trắng

Trái đất tôi rộng lắm

Trở thành quen thuộc cùng tôi

Trái đất tròn như quả bóng các em chơi

Sự ngăn cách chỉ là trò bịa đặt

Mặc người lính đứng nghiêm bên cột sắt

Đứa trẻ chạy ùa qua

Các đồng cỏ đang mùa hoa

Mùa gieo hạt mùa ấp trứng

Đâu cũng có những vườn cây, giếng nước

Những người đàn bà đẹp

Vai phì nhiều sáng chói mặt trời

Bánh thơm ngon và rượu nồng say

Cô gái tôi yêu

Múa trong tiếng đàn điên dại

Áo khăn bay như đám mây bốc cháy

Những chiếc vòng tay vung vãi

Những chiếc vòng tay chứ không phải xiềng xích

Gã đàn ông quầng mắt tối đen

Trong cuốn sách buồn

Nói với tôi lời buồn bã:

Con người chỉ là ống sậy cô đơn

Trái đất giữa không trung

Như một giọt nước mắt

Như cái đầu bị chặt

Bay trong uất hận ngàn năm

Con người sinh ra để chém giết lẫn nhau

Mới là quả bom, cũ là lưỡi dao

Những bông hoa thơ ngây đã chết

Theo làm chi người hát rong mù loà

Đi vô vọng trên đường nắng gắt

Vực sâu sau lưng, vực sâu trước mặt

Người hát rong đi tìm gì

Nhà tiên tri râu bạc trắng

Nhà tư tưởng, vị tướng, nhà thơ

Chúng ta làm gì bây giờ?

Hãy quên đi, hơi đâu lo nghĩ

Cô gái nơi xa bảo thế

Hãy uống rượu say

Và hãy hôn em

Nhưng nếu bông hoa của tôi đã chết

Tôi làm sao sống được

Trước đầm lầy mù mịt khói bay

Cuốn sách tuổi thơ những hình vẽ rợn người

Hàng đoàn người lê đi trong hoang mạc

Đấm ngực khóc và vặn mình la hét

Bóp cổ nhau bằng những ngón tay gầy

Các ông vua lông lá khắp người

Các vị quan toà mỉm cười

Những pho sử bê máu

Những năm tháng bồng bế nhau ảo não

Chọn rồi lại bỏ, mất rồi lại tìm

Thỉnh thoảng một đám người kêu lên:

“Ông này đã tìm ra chân lý!”

Không thoát khỏi những xiềng xích rên rỉ

Trong ngục tối âm thầm

Thầy phủ thuỷ lưỡi đỏ lòm

Người đàn bà quằn quại trong đống lửa

Tiếng chuông chùa thức ngủ

Các nhà thơ xanh tái u buồn

*

Người ta tác đá tạc tượng thần

Dâng cho tượng những đồ ăn quý nhất

Dâng cả máu trẻ con tinh sạch

Sau một đêm mưa, thần vỡ tan tành

Ngơ ngác nhìn lại tay mình

Anh không giết kẻ thù, nó sẽ giết anh

Nhưng máu đổ ra vẫn máu người đặc quánh

Chưa ai nghĩ ra cách khác

Cho đất thôi sôi sục máu người

Bài hát khác xưa rồi

Em vẫn ngồi mong đợi

Thành phố đã lên đèn

Những con tàu sừng sững màu đen

Điệu nhạc mới ồn ào trong quán rượu

Tôi vẫn muốn tìm em

Tin rằng em có thật

Đi nhiều nơi, nơi nào tôi cũng gặp

Những xóm làng đường phố rừng cây

Trái đất mình rộng quá

Ở đâu cũng có con người

Sao chưa tìm được cách nào

Sống với nhau cho ổn thoả?

*

Luthơkinh, Agienđê, Panmơ…

những người cự tuyệt dùng súng

Đều đã chết vì súng

Nền văn minh lầm lạc

Tôn sùng đồ vật và bạo lực

Thế giới xấu xa, thế giới đê hèn

Đã tới giờ cùng tận của đêm

Cái giờ kinh khủng nhất

Tất cả đều khác trước

Nhà cửa cứ phình ra

Đồ sộ những nhịp cầu sắt thép

Những chiếc xe lao đi như thú vật

Những cẳng tay bị cưa đứt

Những cái miệng đen ngòm

Những tất chân nhàu nát

Những bức tường đầy bọt nước

Ai lao xuống từ tầng gác hai mươi

Hay những con lôi long cổ đại đã sống dậy

Đi kiếm thịt người

Tiếng nổ của những tiếng súng hơi

Trên vòng quay ngựa gỗ

Hay tiếng cười những cô đào nguyên tử

Khoả thân trên vô tuyến truyền hình

Con người nhai của cải của mình

Mửa lên tiện nghi của mình

Đàn ông và đàn bà lừa dối nhau

Các “mốt” quần áo đều lạc hậu

Hãy mặc vỏ cây đi ra đường

Đã tới giờ quyết định

Những mỏ quặng đã khai thác hết

Đã tận cùng hoan lạc

Đã tận cùng tội ác

Đêm nay những đứa trẻ đi đâu

Tóc chúng dài như những cụ già

Mắt chúng gườm gườm hằn học

Nhà bác học kêu lên hốt hoảng:

Con người ngồi trên những máy điều khiển học

Tiếp tục nhổ vào mặt nhau

Chẳng cứu vãn được đâu

Tất cả đều vô nghĩa

Như một đồng xèng han rỉ

Trong khi chiến hạm cứ bắn súng chào

Các vị tổng thống ôm hôn nhau

Các nhà ngoại giao đập bàn đứng dậy

Các võ sĩ quyền Anh đấm nhau hộc máu

Các dòng sông bẩn thỉu

Các thành phố bị ô nhiễm hoàn toàn

Những người điên hò hét om sòm

Lũ đồng tính luyến ái kêu rên

Bọn cướp trẻ măng đốt phá các bảo tàng

Chúng không tin các nhà duy tâm

Chúng không theo các nhà duy vật

Đã tới cái giờ kinh khủng nhất

Cái giờ quyết định

Những bước chân chạy ầm ầm

Biển sôi như vạc dầu nóng bỏng

Bây giờ em ở đâu

Cô gái nghèo của bến tàu

Đôi mắt màu mưa ướt đẫm

Tôi yêu trái đất này sao được

Người ta ném bom xuống làng xóm chúng tôi

Những máy bay nhanh hơn tiếng động

Những người con trai của một thành phố khác

Cày nát đất tôi rồi

Bao đứa trẻ con đã chết

Dưới mặt trời ô nhục

Trái đất mình đẹp lắm phải không em?

*

Ngực tôi như khu rừng nhiệt đới tối đen

Đom đóm nửa đêm thức dậy

Nếu tôi gặp em thưở ấy

Chắc em sẽ hát cho tôi

Và sẽ yêu tôi.

Nhưng những cây gai đã lớn vụt giữa trời

Những cây gai giận dữ

Những con kiến lửa

Những bụi xương rồng trần trụi âm u

Móng tay tôi nhọn hoắt căm thù

Nụ cười tôi rách nát

Đêm tôi rền tiếng trống từ thưở trước

Nỗi buồn của ngọn giáo cổ sơ

Của những con người đầu tiên bị con người giết

Món nợ truyền đời cay nghiệt

Tôi còn phải trả đến hôm nay

Nhưng may sao trái đất không chỉ trong tay những kẻ điên rồ

Còn bao người thông minh người tốt bụng

Người làm vườn người xây nhà người dạy học

Ở đâu tôi cũng gặp

Họ đông vô cùng và mạnh vô cùng

Họ đã chán đau thương và thù hận

“Thế giới không phải món hàng

Của các ngài tổng thống

Con người không phải đồ thí nghiệm

Con người là mục đích không phải là phương tiện

Kẻ nào thích giết người

Muốn huỷ diệt trái đất này

Lên mặt trăng mà ở”

Những người thông minh nói thế

Triệu triệu người, triệu bàn tay mạnh mẽ

Vây quanh tôi như sóng biển muôn trùng…

Đêm nay từ sông Mã sông Hồng

Tôi lại là đứa trẻ lang thang

Đi tới bao miền xa lạ

Tìm em và bài hát ngày xưa

“Bao giờ cẩm chướng nở hoa

Quả dâu da chín ngọt”

Những bông hoa mở ra như ánh sáng

Nước mưa tràn trên vại đất thô sơ

Mưa mênh mông trên các ngôi nhà

Những đền đài kỳ lạ

Những tháp cao như ngực người thiếu nữ

Mọi binh khí nằm han rỉ

Cào cào bay trên cổng rào xanh

Hải cảng đèn rung rinh

Những người lính cứu hoả đã về đi ngủ hết

Bờ đá khuya vắng ngắt

Cô gái vẫn ngồi

Dẫu muộn mằn bao năm tháng đã qua rồi

Mắt em đã gần mờ đục

Tôi đã già nua vàng vọt

Em có nhận tôi không?

Nơi tận cùng mọi con đường

Hoa cẩm chướng mọc xuyên kẽ đá

Những gì anh mong, rồi anh sẽ có

Người đi đường mệt mỏi hãy kiên gan

Cánh cửa sẽ mở toang

Tiếng trống của những người thổ dân sống dậy

Chiếc vòng tay gãy

Trên tay người liền lại nỗi bơ vơ

Sẽ về đây người hát rong mù loà

Tóc bạc trắng nỗi buồn trên mặt đất…

Chỉ là ống sáo mong manh yếu ớt

Con người cần được thương yêu

Không phải cần ít đâu, cần nhiều, rất nhiều

Như tôi cần hướng về em

Cần được em mong đợi

Cần tin vào một sớm mai

Con người mang gương mặt mới

Biết trả lời mọi câu hỏi

Biết gieo những hạt giống khổng lồ

Hài cốt ngàn đời lạnh ngắt than tro

Sẽ tái sinh mùa màng ấm áp

Các chiến binh xưa và nay vứt đao khiên trụ giáp

Trở về làm những con người

Hãy đánh lên tiếng cồng thơ dại tuổi sơ khai

Uống rượu trong những bình gốm ché đồng đẹp nhất

Nỗi cô đơn tuyệt vọng

Cháy theo giấc mộng kinh hoàng

Chuyện hai ta chỉ là kỷ niệm buồn

Về một cô gái nghèo ở bến tàu

Đợi chờ hoa cẩm chướng.

Cơn bão

Những năm nhà nào cũng thiếu người

làng bạt ruộng vườn vắng bặt con trai

chúng tôi đi

cơn bão dữ thôi hai đầu đất nước

tuổi trẻ, ước mong, những gì quý nhất

đều trôi qua trong bụi xám chiến hào

triệu con người lên sống rừng sâu

khoét núi làm đường chặt cây nhóm lửa

võng bạt, lán tranh, đất bùn nhầy nhụa

những đường dây, binh trạm, những sư đoàn

những sinh viên đi lái xe tăng

những dân chài trở thành pháo thủ

kế toàn, thợ nề, nông trường viên, thợ mỏ

thành lính gỡ mìn và xung kích đâm lê

chúng tôi đào hào bám giữ đảo xa

gánh lên núi ngàn cân pháo nặng

chúng tôi lao máy bay mình vào máy bay của giặc

chúng tôi bắc cầu cho chớp lửa bom bi

những đội quân hốc hác lầm lì

xông lên đồi cao lăn, toài, ném, bắn

nấp đỡ, gào la, mặt mày cháy xém

những vết thương rách nát máu bầm đen…

sự tàn khốc tận cùng

sức dẻo dai kỳ lạ

cơn bão lớn mười mấy năm chưa dứt

bao lớp người vẫn nườm nượp ra đi

từ đâu từ bao giờ

năm 60 năm 54?

từ Hướng Điền đến Phú Lợi?

hay từ lúc ngăn đôi dòng Bến Hải

viên tướng Mỹ đầu tiên xách cặp đến Đông dương?

hay từ lâu hơn những thế kỷ xa xăm

những đạo quân Nam Hán, Nguyên Mông

những ranh giới phân tranh Trịnh, Nguyễn?

Chưa bao giờ đất tan hoang đến thế

những chuyến tàu chở đầy lính Mỹ

quần áo mới tinh, súng đạn đầy người

bom lân tinh và thuốc giang mai

cánh trực thăng ầm ầm quạt gió

ụ cát ngổn ngang, rào gai tua tủa

dải đất hẹp, mùa hè gió lửa

giành giật nhau từng viên gạch chân tường

một bên là con trai Thanh Hoá, Thái Bình

một bên là con những bà mẹ Thừa Thiên, Phan Thiết

những sinh viên Sài Gòn

những sĩ quan Đà Lạt

những đội quân mang tên dã thú

những tiểu đoàn không còn sót một ai

những mô đất con đổi bằng tính mạng trăm người

bằng pháo kích, lưỡi lê bằng chân tay vật lộn

chúng tôi nằm dưới đường hào ngập nước

xa mọi người, xa mẹ, xa quê hương

ai bảo chúng tôi là tuổi trẻ tươi xanh

với mũi lê, với phát đạn đầu tiên

chúng tôi đã không còn trẻ nữa

Xem thêm:  Áo hoa phơi - Hoàng Trúc Ly

từ bao giờ và còn bao giờ nữa

những quy luật tàn khốc của loài người

tỷ lệ của súng đạn

những mục đích tốt đẹp

những mưu đồ xấu xa

những ý tưởng quá đà

những ngẫu nhiên tai ác

cơn bão lớn, lấp vết thương của đất

chúng tôi là triệu viên đá trên đê

mai đây bão táp lùi xa

những lớp người vĩ đại

hay chỉ là những thế hệ đáng thương?

sẽ xuýt xoa thán phục biết ơn

hay kinh hãi trước bạo tàn bắn giết?

tất cả chẳng có gì nói được

chẳng có gì gần gũi với chúng tôi

bằng một chiếc thìa gọt bởi cành cây

một chiếc ca thô sơ bằng vỏ đạn

chúng tôi làm dưới chiến bào bụi bậm

một dòng thư viết vội gửi mẹ già

một giấc mơ chợp ngủ thấy quê nhà

một tình yêu chúng tôi chưa được sống

một khu vườn chúng tôi chẳng kịp qua…

Bao tháng năm vô tận sẽ phai nhoà

đất đổi khác, mọi người rồi cũng khác

hãy quên chúng tôi đi

như quên quá khứ nặng nề

hãy quên chúng tôi đi

để chúng tôi được yên lặng trở về

để chúng tôi được hoá thành bụi cát

thành mưa rào trên xứ sở yêu thương.

Những đứa trẻ buồn

Tặng các bạn và các em tôi

heo may cỏ lạ rừng chiều

ngàn lau rụng trắng

những đứa trẻ buồn ướt lạnh

đường dài mặt trận nối nhau đi

sau lưng chấp chới nắng hè

biển ở trên trời sóng mạnh

lửa như niềm tin có sẵn

lớn lên ta lại đi tìm

lòng chỉ muốn yêu thương

mà cứ phải suốt đời căm giận

cuộc chiến tranh dằng dặc

rừng đầy muỗi độc

chiến hào lở loét khói bom

những đôi giày thủng đầy bùn

những tấm vải mưa ướt sũng

những con vắt đói chui vào lưng

lá thư nhà đọc mãi đến thuộc lòng

đêm trắng sương lùa củi tắt

mộ bạn đá hoang gió lạnh

chôn bao trìu mến của ta

những con đường nắng ngày xưa

những trang sách hẹn bao điều tốt đẹp

giờ má chạm nòng súng bỏng

bên kia đồi gianh khét lẹt

quân thù cháy giữa vòng vây

mấy gã tù binh ngồi khóc

run run những cánh tay gầy

ta đã qua

bao phố làng đổ sụp

cổ nghẹn lòng thù hận

nhìn bao em bé mồ côi

mà sao chiều nay

giết xong quân giặc

chẳng thấy lòng thảnh thơi nhẹ nhõm

chỉ nỗi buồn trĩu nặng

dâng lên như đá trên mồ

đầu mùa bông điệp nở hoa

bài hát về con sẻ sẻ

những nhịp cầu ta hẹn sẽ xây

những cánh đồng ta chẳng về gieo hạt

ta cứ là viên đạn

xoáy trong cuộc chiến tranh dài

lòng đã quên tất cả mọi điều

để bắn súng ném mìn vào quân giặc

chỉ xin được nói nỗi buồn có thực

trong ngực ta đau buốt chiều nay

xác nguỵ nằm ruồi muỗi bâu đầy

những đôi mắt bệch màu hoa dại

những gương mặt trẻ măng xanh tái

những bàn tay đen đủi chai dầy

các anh ơi, đừng trách chúng tôi

các bà mẹ, tha thứ cho chúng tôi

chúng tôi chẳng thể làm khác được

quả đồi cháy như một phần quả đất

bao đời người ta đã giết nhau

với các anh tôi oán hận gì đâu

nhưng còn có cách nào khác được

cuộc chiến tranh này là khoản thuế đò ngang

con người sang một bờ mới chín vàng

con người được làm con người trở lại

nhưng mãi mãi chẳng bao giờ sống dậy

những tháng năm đã mất

những nhịp cầu gẫy gục

những toa tầu sụp đổ tan hoang

heo may cỏ dại úa vàng

ngàn lau rụng trắng

những đứa trẻ buồn ướt lạnh

đường dài mặt trận nối nhau đi…

Những gương mặt

Tặng một người bạn Huế

dòng sông trôi ngầu đục

những khu nhà ổ chuột xám đen

những năm anh lớn lên

gió chướng từ biển thổi về

xao xác hàng me

mùa bông điệp sầu đông

những chuyến xe lam

đi vào mưa tối

thành phố quanh co cạm bẫy

tháng năm tù đọng bơ phờ

em rất buồn của kỷ niệm rất xa

như vườn cũ bằng lăng không tím nữa

lô cốt rào gai

biển hàng xanh đỏ

loa phóng thanh nỉ non lời nguyện hứa

gào kêy lời hăm doạ

nhà tù và lưỡi lê

những chính khách áp-phe

những bích chương chống Cộng

áo ni-lông hào nhoáng

hở hang thân thể gầy gò

những tên tướng lòng nghi ngút hận thù

những “lãnh tụ” áo dài đen hắc ám

bao cánh quạt trực thăng gầm rít

đã trùm lên thương mến của vườn xưa

mặt gương vỡ buổi chiều nắng tắt

sách lật trang thao thức hỏi tìm

Kiêckơga, Maccel hay Sácrtre

tảng đá nặng trên vai Sisýphe

tìm đâu hiện hữu của mình

“chút thực thể tâm linh

kiến ruồi mù bé nhỏ”

những trang sách khiến lòng hoảng sợ

khi xóm giềng vẫn chật vật kiếm ăn

mà còng vai công nợ

nước sông gạo chợ khó khăn

lũ em nheo nhếch gầy mòn

rầm rập mặt đường lính Mỹ

xe Mỹ rượu Mỹ đạn Mỹ ti-vi Mỹ

thuốc khai quang và trẻ con lai Mỹ

anh thành kẻ cô đơn trong tổ quốc của mình

kẻ tha thương ngay ở giữa quê hương

đêm đêm quân cảnh vây lùng

gác xép tối tăm ẩn núp

hoả châu lửa chớp

đất rung phi pháo bom rền

thành phố sốt run hỗn loạn quay cuồng

điếm hoang vật vờ tóc xoã

snack-bar nghiêng ngả

những nữ sĩ chuyên viết chuyện ngoại tình

những tay di cư làm thơ siêu thực

những danh ca hồ mị mắt thâm quầng

mini-jupe chập chờn

điệu blue nức nở

“tôi có người yêu chết trận Plâyme

tôi có người yêu ở chiến khu Đ

chết trận Đồng Xoài…

chết không hẹn hò”

chết trong ngày tháng xót xa

sống cùng đường u uất

sống ngột ngạt đến không sao chịu được

nhưng lẽ nào tủi cực chịu khoanh tay?

không phải một lý thuyết siêu hình một ý tưởng xa xôi

ngay ở đây, lúc này, lựa chọn

giữa sự sống sự chết

đi một bến, không cách nào hơn

thành phố gặp nhau những buổi xuống đường

đốt lửa lên chiếu soi bè bạn

đốt lửa lên nhìn rõ mặt quân thù

lựu đạn cay, ma-trắc, lưỡi lê

Viện hoá đoạ, Tổng nha, Toà đại sứ

máu Lê Văn Ngọc, lửa Nhất Chi Mai

máu thiêng liêng liên kết triệu con người

Trần Quang Long, Tống Phước Thọ, Lê Văn Nuôi

những người đã khuất

còn lung linh trong tiếng hát dập dồn

“không bao giờ nô lệ trăm năm

không bao giờ nô lệ một năm

không bao giờ nô lệ một ngày”

hôm nay

dòng sông mù mịt cát bay

những vườn sầu riêng những bãi mía dài những bông sua đũa

những đông hoang người chưa về cấy cày

thành phố cũ xa vời trong trí nhớ

những gương mặt trẻ

mang đầy vết thương

dù lạ dù quen

ở đâu cũng nhận ra nhau

chwua gặp đã cùng tiếng nói

còn lũ thở ra bóng tối

còn kẻ phá cầu ngăn lối

nhưng chúng ta đã lớn lên

không gì ngăn nổi

trải qua mọi điều, không sợ hãi

chúng ta đứng bên nhau

sống chết với đất nầy

nhớ từng nấm mồ, vết đạn, bàn tay

ôm trong lòng từng viên gạch vỡ nát

bao thảm kịch, lo âu còn trước mặt

nhưng dòng sông tối đen trước mắt

đã trong xanh chảy đến với con người

Khâm Thiên

những người chết trong đêm thân gãy nát

óc chảy ròng trên gạch

những người chết cháy đen miệng há mắt mở trừng

tay chân vặn vẹo thịt xương

lòng ruột mắc trên dây điện

phố Khâm Thiên ầm ầm đổ sụp

tiếng người la khủng khiếp đêm dài

mặt trời lên trên bãi thây người

mặt dập vỡ ngực trần thủng hoác

những đống tóc gân đầu mình lẫn lộn

những xác tím bầm lạnh buốt sương đêm

bốn phía tiếng gào tiếng khóc tiếng rên

tiếng xẻng cuốc bới người trong gạch vụn

phố đông đúc thành bãi bằng đổ nát

không nhận ra những vỉa hè quen

xác người nằm ngổn ngang

báo đậy mặt, ruồi đậu bàn chân xám

bé ngẩng đầu ngơ ngác

bên xác anh xác chị mẹ cha

tôi đi như mù loà

đỡ em gái đập đầu ngã ngất

bà cụ phát điên vật mình ôm mặt

người mất tích đang tìm, người chết chẳng kịp chôn

xe nối xe sừng sững chở quan tài

đóng vội bằng mặt bàn, cánh cửa

phấn run rẩy ghi tên người xấu số

lên nắp quan xộc xệch chẳng bào sơn

quan tài trẻ thơ như những chiếc hòm con

những bát đĩa tủ giường tan vỡ

quần áo nát, gạo đầu ngùn ngụt lửa

sách vở dép giày vùi dưới hố sâu

tấm màn trắng xoá

xé chia nhau chít vội lên đầu

cả khu phố già đi hàng chục tuổi

những bó hương bên đường nghi ngút khói

những bó hương châm nát cả bầu trời

người trồng rau, chứa khoá, vá may

người nhặt củi, quét đường lam lũ

từ nay chung buổi giỗ

Bạch Mai, Yên Viên, Vọng, Láng, An Dương

phố đầy khăn tang

đêm không đèn tối mịt

chúng tôi ngồi bên nhau chờ cái chết

người các ô lên nằm ngủ vườn hoa

gió cuối mùa xót xa

thổi xoã tóc đoàn người chạy giặc

những dòng người kéo đi xé ruột

đội chiếu, ôm chăn, đeo làn, vác bọc

chút gia tài nghèo cực dịu trên lưng

bao gia đình dắt díu chị bồng em

những quần áo khói bom lấm rách

những cụ già vịn nhau dò dẫm

máu ròng ròng trên những chiếc cáng thương

năm 72! Có thể thế được chăng

hãy mở mắt ra trông

vụ thảm sát xưa nay chưa từng có

năm trái đất phóng tàu vào vũ trụ

không nơi nào không nói đến tình thương

Ghéc-ni-ca cũng chẳng thảm thê bằng

vô nghĩa hết, thánh kinh và máy tính

những pho sách, những dàn giao hưởng

ích gì đâu, khi bể máu dâng đầy

ôi xấu xa, đê nhục lắm con người

lời không đủ để nói điều phẫn nộ

tôi muốn có phiên toà cho tất cả

tôi vạch từng tên tôi gọi từng người

hãy đứng ra đây

các bà mẹ Mỹ

những dòng sữa đã nuôi bầy đồ tể

lời ru nào đã dạy chúng lớn khôn

những Kít-xinh-giơ và những Ních-xơn

ta nguyền rủa chúng mày cho đến chết

những kẻ nào đã gây ra tội ác

chục chiếc B52

không đổi được một trẻ nghèo Ngõ Chợ

không thể nhân danh bất-cứ-cái-gì

bắt máu vạn dân lành phải đổi

không thể chắp bình minh

bằng xương thịt những mặt người vỡ nát

ai tự xưng môi kề răng lạnh

ai khoác tặng chúng tôi vinh dự đẹp

các anh đón đưa nâng cốc hoà bình

các anh quyên thuốc men các anh đi biểu tình

rồi thanh thản trồng hoa và câu cá

bà tìm thấy lương tâm mình yên ả

trong nỗi đau quằn quại của chúng tôi

ta oán giận các người, đồ dối trá

loài người chung vai nhận tội ác này

anh và tôi, vâng, tôi nữa, cả tôi

chúng ta đã ngu tồi đến nỗi

không che chở được mẹ già em dại

khỏi quả bom tàn bạo từ trời cao

muốn kết thúc thơ mình

bằng những lời tốt đẹp

nhưng lòng tôi làm sao tươi sáng được

khi máy bầm khắp nơi

dưới bát cơm trên trời trong cốc nước

đêm qua tôi đã chết

với hàng ngạn mạng người

từ than bụi tôi hiện hình trở lại

mang đau thương đến trọn cuộc đời

tôi sẽ xông vào mọi cuộc vui

mọi buổi lễ uy nghiêm

mọi bài ca lừa dối

mọi quên lãng mọi nụ cười dễ dãi

để nói về những xác chết cháy đen

để nói về

những xác chết cháy đen

kẻ làm chứng trung thành

trước phiên toà lịch sử

giữa tột cùng đau khổ

đâu dám ngồi trau chuốt mỗi câu thơ

nhân danh cuộc sống, nói về cái chết

nhân danh niềm vui, nói về nước mắt

nhân danh tình yêu, tôi mãi mãi căm thù.

Tìm về

Chúng ta bỏ làng ra đi

cánh đồng quê

hoa dại mọc

thân ngựa đá bên cầu rêu xám

dây bìm bìm leo kín

cỏ hoang che vết chân người

bỏ con sông quê bên lở bên bồi

anh em mỗi người mỗi ngả

thầy mẹ lưng còng lẩy bẩy vào ra

cơn nắng mưa bật gốc tre già

bình gốm cũ men hồng rơi vỡ nát

chúng ta đi lưu lạc

quên nhà quên ngõ mấy mươi năm

quên nguồn gốc của mình

quên nước giếng

kẻ tham ngọc giong thuyền ra biển

người lên Phòng vô Huế đi buôn

những phường phố tha hương

những áo quần xa lạ

anh ở Thị Nghè anh có nhớ

vườn xưa tu hú gọi tìm anh

những con tàu khói đen

chở nỗi buồn biệt xứ

mây chân trời trắng xoá

chúng ta đi tít tắp đỉnh Cà-mâu

cùng làng chẳng nhận ra nhau

thờ những vị thần xứ khác

nghe lời kẻ ác

súng đạn người bắn thịt xương ta

đào huyệt hận thù

chia miền cắt đất

tin những chữ không hồn trong sách

tìm kiếm mãi đâu xa

nào hay mình có một làng quê

nở hoa muống tím

có thể sống những ngày thương mến

anh và em chẳng phải phụ tình nhau

em bỏ làng đi đâu

tay nải khoác vai buôn hồng bán nhãn

em cười nói giữa thành phố sáng

má nâu lồng lộng phấn son

em tiếp rượu hầu bàn

để khách xa làm nhục

quên cánh đồng xưa quên khúc hát

quên hoa mắc cỡ ở vườn anh

đất quê hoang tàn

chân lầm lạc tháng năm khùng khiếp

hôm nay tất cả hãy về

lối cũ, bờ đê

những mắt bàng hoàng sau kính trắng

những binh lính áo quần vằn vện

những tướng già tóc bạc

những kẻ lãng du những hồn uất hận

anh em ruột thịt cầm tay

lạy mẹ lạy thầy

chúng con hư để thầy mẹ khổ

từ nay chẳng tham lam mê muội nữa

súng đạn người ném trả

oán thù đổ xuống ao sâu

anh đón em bên cầu

em xuống hồ sen tắm mát

rửa sạch đất bùn nhơ nhuốc

chúng mình tha thứ cho nhau

anh thương em, lòng đau

cái mối tình Lạc Việt

nhưng không quay lại chùa rêu mục

không còm cõi, với mảnh bình gốm nát

những ngu dốt ngàn đời, nguồn gốc đau thương

trên cánh đồng xưa hạt mới ta ươm

cái làng mới ta xây

ở đó mọi người có quyền nói lên tất cả

ở đó không ai làm phiền đến một con dế nhỏ

thôi mẹ đừng khó nữa

chúng con đã về đây

như kiếp cỏ may

lạc loài gió lạnh

sớm nay ra vườn trẩy trùm khế ngọt

bắt con cua đồng

nấu bát canh chua

nghẹn ngào dâng mẹ

đốt lòng con tiếng chim như lụa xé

hót lo âu trên ngọn tre làng.

Những đám mây ban sớm

Quá khứ là một quả trứng ung

tương lai là một quả trứng đang ấp

hiện tại, chính là trái tim tôi

nhịp tiết của tim tôi là nhịp tiết của muôn đời

Paul Eluard

(Les sentiers et les routes de la poésie)

Mây trắng ào ào bay trên thành phố

nắng sớm đầm đìa các ngả

đêm tan tành như khối thuỷ tinh đen

hầm hố muỗi ùa lên

những cô gái xoã tóc dài rửa mặt

những hiên gác tung bay quần áo rách

những đầu hè lộc ngộc trẻ bơm xe

vội vã bước người đi

nghe có gì lạ khác

huyệt bom tối còn khét mùi chết chóc

lá đã ngời nước mắt của bình minh

tôi đã nghe hơi thở của hoà bình

trên tường xiêu gạch vỡ

trong tiếng rao báo mới ngoài cổng chợ

trong mùi khói bánh mì và tiếng bánh xe lăn

hơi thở của hoà bình

run rẩy trên gió trên toa tàu bụi bậm

trên mệt nhọc mặt người trên vỉa hè bùn rác

trên mũi xám những con chuột chết

và hương nhài ủ rũ dưới vòm xanh

hơi thở của hoà bình

trên thân xác những cô gái tắm

trên nạng gỗ vẹo xiêu lừ đừ súng đạn

trên cồn cào nỗi nhớ người thân

trận mưa rào xám xịt mái tôn cong

cái thành phố thương tâm

cùng tôi sống chết

tôi nhớ hết mấy ngàn đêm dằng dặc

cả dân tộc cởi trần đứng trên bùn ướt

đầu đội mưa bom, tay cầm khẩu súng trường

những lòng người chia cắt đến tan hoang

những núi rào gai và vỏ đạn

đồng bãi hoang liêu, phố phường gạch vụn

bao cỏ ngọt bị giày đinh dẫm đạp

bao tha ma gò đống ngổn ngang nằm

chúng ta còn lại gì sau cuộc chiến tranh?

một tuổi trẻ sớm tàn

một đôi môi sớm tắt

không nhớ hết bạn bè đã chết

xác gục giữa bùn lầy

thái dương rỉ máu

không thể phủ huân chương

lên ngực trần đã rữa

cũng không thể bồi thường

bằng những đồng tiền viện trợ

làm sao có thể trở về

ngủ yên trên giường cũ

làm soa yên lành nhìn hoa nở

làm sao bình tâm ôm một người con gái

trong tay?

màu thuốc đạn trong mắt ta nguyền rủa

những nắm tay trong ngực ta phẫn nộ

mặt tương lai đẫm máu bơ phờ

mặt tương lai nặng trĩu âu lo

mọi thứ gió quay cuồng gầm xoáy

đã nổi bão trên đất này trơ trụi

máu đổ ra lênh láng tấm gương hồng

chúng ta đo bằng xương thịt của mình

những lầm lạc những bước chân vạch hướng

đất hai miền đạn hai phe cày nát

con người ơi xin con người tỉnh thức

xưa thấp bé trước nhỏ nhoi đích hẹp

nước Việt thân yêu nước Việt của ta

sao người phải chịu nhiều đau đớn thế

thân quằn quại mọi tai ương rách xé

con nghẹn ngào nhìn mẹ, mẹ yêu ơi

mẹ hãy nhận, lòng con như ống sáo

môi con bỏng, ngón tay con rỏ máu

những vẫn thơ con đặt dưới chân người

dải đất liền không thể mãi chia đôi

cần chi đâu cái nỏ thần khốn nạn

cái móng độc vứt trả cho rùa biển

Trọng Thuỷ về sum họp với Mỵ Châu

trăm người con Âu Lạc nắm tay nhau

đập vỡ mọi xích xiềng đê nhục

cho xoá sạch những niềm vui chém giết

cho ta về lợp lại mái nhà xưa

có nước lành có lửa ấm có hoa

sẽ mọc lên chiếc liềm hái khổng lồ

sẽ lớn dậy những thiên tài mới mẻ

những ban mai không tả tơi đạn xé

không ai phải chôn giấu điều mình nghĩ

không còn ai đạp lên những mối tình

không còn hàng rào biên giới nhà giam

không còn đứa trẻ móc túi nào để mọi người xúm vào đánh đập

không đứa trẻ nào bị na-pan thiêu đốt

không đứa trẻ nào không có đồ chơi

bà mẹ không đẻ ra những kẻ giết người

không còn những ngày tháng lắt lay

không ra sống không ra chết

con người là mục đích không còn là phương tiện

không còn lời ca thù hận

dậy oán hờn chia rẽ tự trong nôi

không còn ai phải xấu hổ bởi con người

không còn những văn sĩ viết thuê

không còn lũ đàn em nhố nhăng lũ đàn anh hèn hạ

những chính khách khua môi, những tượng thần gian trá

những trên tổng thống và những thằng cố vấn

những điếm hoang 16 tuổi gầy còm

những sinh viên chán chường

những quan tài tuyệt vọng

cuộc đời có lý do để sống

có đập lớn cho triệu dòng điện sáng

có tình yêu cho mỗi trái tim người

biển bao la sau trận mưa dài

sắp tới là những ngày khó nhất

những người tốt không được quyền vô dụng

không được quyền ngu dốt

hãy im đi lời bịp bợm dối lừa

lũ nước ngoài xảo quyệt cút ngay ra

máu con người không phải thứ bán mua

cái bánh vẽ không no lòng ai được

bài học lớn của một thời đau xót

trên hận thù nóng bỏng tàn tro

bên vực tối đen ngòm vô lý

phút sinh nở đau xé lòng bà mẹ

phút bàng hoàng thấp thoáng bóng tương lai

một tương lai mơ ước đã ngàn đời

nơi đoàn tụ mọi con người cách biệt

nơi quây quần mọi gương mặt khác nhau

anh không đưa ra một giải đáp nào

lời giải ấy mọi người sẽ giải

anh hãy đập vào ngực người giục giã

hãy nổi gió cho cánh người rộng mở

và mai sau, sẽ có những nhà thơ

đứng trên tầng cao ta ao ước bây giờ

họ sẽ vẫn không ngừng đập cửa

không ngừng lo âu không ngừng phẫn nộ

bởi vô biên là khát vọng con người

tiếng chuông rung vang động khắp bầu trời

tiếng búa gõ trên dương cầm to rộng

mây trắng xoá ùa lên từ vực thẳm

trái bàng tròn trên miệng trẻ thơ ngây

những người mù nằm ngủ dưới tàn cây

trên bậc cửa, người đưa thư đã tới

những đồng bãi đã mọc đầy cỏ mới

những dòng sông vỗ gọi những con thuyền

ta ra đường em nhé, ngẩng đầu lên

trên mặt đất, ta có quyền được sống

nhiều cay đắng, ta có quyền được khóc

nhưng sáng nay anh muốn thấy em cười

những mặt gầy ướt đẫm ánh ban mai

những người lính trở về từ cát bụi

những đôi lứa ôm ghì nhau không nói

nghe trống đồng bát ngát đỉnh rừng cây

làm lảo đảo cả mặt trời mê dại

những vua Hùng tóc râu bạc phới

những bé em la khóc chào đời

ống điếu dài nghi ngút khói bay

chân người dậm dập dồn trên mặt trống

điệu múa lớn của một ngày đang mọc

ngọn lửa lớn của muôn đời náo động

tâm hồn ta như sóng chân trời.

Tháng 5-1975

Tháng năm xanh, chúng ta trở về nhà

Cỏ mọc cao trong khu vườn cũ

Cái hốc nhỏ ở trên khung cửa

Vẫn còn nguyên chiếc chìa khoá năm xưa

Em mảnh mai dưới chiếc áo mưa

Đôi giày lấm bùn, nếp nhăn khoé miệng

Buổi ra đi nào ai ngờ được

Chiến tranh kéo dài hết tuổi trẻ ta

– Em thân yêu, ta đã trở về nhà

Mặt bàn bụi mờ, quyển sách xưa đọc dở

Chiếc đèn con bình yên bên cửa sổ

Tất cả khác gì đâu, sao thấy ngỡ ngàng

Những đồ vật xưa bỗng bé nhỏ lạ lùng

Chiếc ghế quen, sao em không ngồi xuống

Cứ đứng lặng nhìn anh như thảng thốt

Ta lại bên nhau dưới một mái nhà ư?

– Ta còn sống, lớn lên, ta đã trở về

Lòng đã vượt bao ngả đường lửa đạn

Những suối lũ, rừng xa muỗi độc

Và máu, anh ơi, máu của con người!

Bao bạn bè không về lại sớm nay

Em nhớ mắt họ nhìn giây phút cuối

Có lúc ngỡ mình không còn chịu nổi

Tưởng không bao giờ em gặp lại anh

Đêm nhớ thương, em đã gọi thầm

Bao tháng mưa dầm bao tuần đói khát

Anh trông, tóc em đã bắt đầu sợi bạc

Mười năm trời nào phải ít đâu anh.

Gương mặt, bàn tay, đôi mắt ấy đây rồi

Anh của em ơi, cho phút này em được khóc

Trên vai anh, trên ngực anh, cho vợt bớt

Bao yêu thương dồn lại những ngày qua

Khi cái chết vây quanh, trong thép lạnh quân thù

Ta vẫn bên nhau như chưa hề ngăn cách

Như đất nước chưa bao giờ chia cắt

Bao đổi thay rồi, anh có nhận ra em?

– Khi đợi ngoài ga, khi ở trên đường

Anh không biết nói gì trước nhất

Nhưng chỉ gặp em, nhìn ánh trời trong mắt

Chẳng phải nói gì, ta hiểu hết về nhau

Bài học của chiến tranh, thật lạ lùng sao

Lại là sắc trời xanh đơn giản ấy

Giờ chẳng khó nào làm ta sợ hãi

Tình yêu của em đã dẫn lối anh về.

Trên đây là 35 bài thơ nằm trong tập thơ Những bông hoa không chết của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Tập thơ với nhiều chủ đề thơ, thể hiện tâm tư tình cảm của nhà thơ. Nhà thơ Lưu Quang Vũ ra đi nhưng để lại cho đời sự nghiệp văn thơ vô cùng to lớn.

Theo Thuvientho.com

Check Also

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Hoa cúc họa mi còn được gọi là hoa cúc dại hay là hoa cúc …