Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ, nhà chính trị Việt Nam nổi tiếng của nền văn học Việt Nam. Nguyễn Khoa Điềm có nhiều đóng góp cho sự nghiệp thơ ca Việt Nam. Ông có nhiều tác phẩm thơ văn nổi tiếng được quý độc giả yêu thích.
I. Đôi nét về tác giả Nguyễn Khoa Điềm
Nguyễn Khoa Điềm (tên khác là Nguyễn Hải Dương; sinh 15 tháng 4 năm 1943 guyễn Khoa Điềm sinh tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Lúc nhỏ Nguyễn Khoa Điềm học ở quê. Năm 1955 ông ra miền Bắc học tại trường học sinh miền Nam. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964. Sau đó, ông vào miền Nam hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên Huế; tham gia quân đội, xây dựng cơ sở của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, viết báo, làm thơ… cho đến năm 1975. Nguyễn Khoa Điềm từng bị giam tại nhà lao Thừa Phủ. Đến chiến dịch Mậu Thân 1968, ông được giải thoát, tiếp tục trở lại hoạt động. Vào thời điểm này, Nguyễn Khoa Điềm mới bắt đầu làm thơ.[4]
Nguyễn Khoa Điềm trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1975. Sau 1975, ông tham gia công tác Đoàn Thanh niên Cộng sản; Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên – Huế. Ông có mặt trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III. Năm 1994 Nguyễn Khoa Điềm ra Hà Nội, làm Thứ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin. Năm 1995, ông được bầu làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa V.[2][5]
Năm 1996, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII, Nguyễn Khoa Điềm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Ông là Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá X và từ tháng 11 năm 1996 là Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin.[6] Năm 2001, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX, Nguyễn Khoa Điềm trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (2001-2006).[2][7]
Hiện nay, ông nghỉ hưu và sống tại Thành phố Huế.
Những tác phẩm nổi tiếng
- Cửa thép (ký, 1972)
- Đất ngoại ô (tập thơ, 1973)
- Mặt đường khát vọng (trường ca, 1974) 9 chương
- Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (tập thơ, 1986)
- Thơ Nguyễn Khoa Điềm (1990)
- Cõi lặng (tập thơ, 2007)
Ông đã được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (NXB Tác phẩm mới, 1986).
II. Những bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Khoa Điềm
Giới thiệu đến quý độc giả những bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Anh đợi
Đến sớm một ngày
Vượt trước thôi đường
Cao hơn thói thường
Anh đợi
Đánh đổi một đời
Cuối đất cùng trời
Anh đợi
Anh tìm em
Từ cõi hư vô
Đến phiên chợ đời
Âm dương xanh thẳm
Thương nhớ bồi hồi
Anh đợi
Vứt hết sách vở
Hai tay trụi trần
Núi cao anh trèo
Sông sâu anh lội
Anh đi tìm em
Mây chiều bạc tóc
Thương nhớ lao lung
Một thời trận mạc
Một thời cấy trồng
Anh là hạt thóc
Em là cánh đồng
Gieo bao thương nhớ
Vẫn còn mênh mông
Còn chăng điều tốt
Trong cuộc đời này?
Còn bao nồng mặn
Em dành đôi ta?
Ngàn năm, trăm năm
Anh mong, anh đợi.
Một ngày xuôi tay
Đường xa để lại
Anh còn ngoái lại
Những lời hôm qua:
Anh đợi!
Ngày 27-9-2006
Ánh sáng có màu gì.
Đố anh yêu biết được.
Đợi chờ có nghĩa chi.
Anh mới không thèm đến.
Đợi anh từ hôm qua.
Khi mình chia tay ấy.
Đợi chờ lâu biết mấy.
Thế mà anh cứ đi.
Anh cứ đi nữa đi.
Chẳng cần anh đến nữa.
Thế nhưng anh thất hứa.
Em bỗng thấy bâng khuâng.
Bạn ơi, bạn có nhớ?
Bạn ơi, bạn có nhớ
Một ngày mưa thác đổ
Cùng đi hái rau rừng…
Dìu nhau trong cơn đói
Hai đứa mình mết mê
Bỗng sững sờ bạn nói:
– Đây là nguồn sông Hương?
Một cái gì rỉ rách
Dưới mấy cội kiền kiền
Như là đất với nước
Ru lời ru đầu tiên
Ở đấy cây măng giang
Đã bắt đầu vị ngọt
Ở đấy cây môn vót
Xanh rờn như trẻ thơ
Ôi bao điều thân yêu
Thầm thì như máu mặn
Giọt nước nguồn trong sạch
Chảy tràn trên mặt ta
Và chúng mình đã sống
Với ngọt chát rau rừng
Và chúng mình chiến đấu
Nơi bắt đầu dòng sông…
Bạn ơi, bạn có nhớ
Chỗ ngọn nguồn Hương giang…
1-1983
Bạn thơ
Tặng Đồng Đức Bốn
Bạn chừ đóng gạch nơi nao
Văn chương lấm láp, vêu vao mặt người
Bất ngờ bạn đến thăm tôi
Gửi cho mấy tập, ôi trời, là thơ!
Câu dài, câu ngắn, ngẩn ngơ,
Những rơm với lửa, những tơ với tình
Một người hoang dại một mình
Bơ vơ giữa phố mong thành thi nhân
Lòng yêu, yêu đến trong ngần
Đường xa thương vết chân trần bạn tôi
Mong sao bạn bớt bùi ngùi
Cố làm thơ nữa để rồi gặp nhau
Tháng 12-2000
Bây giờ là lúc…
Bây giờ là lúc có thể chia tay điện thoại để bàn, cạc vidit, nắm đấm micrô
Tự do lên mạng với đời sống, ăn ngủ với bụi đường
Một mình một ba lô và xe đạp
Bây giờ gió gọi anh đi
Mặt trời đánh nhịp về tám hướng
Từ giã cà vạt, giày đen, lời trịnh trọng
Anh là một với cánh đồng, cánh hẩu với quán cóc, ăn chịu với cỏ
Hò hát một mình, đọc những gì yêu thích, ghi chép những gì cần ghi chép
Thế giới thật rộng, những ngả đường độ lượng
Cho anh làm mới cuộc đời mình
Anh gọi đó là chuyến về không hạn định
Để là một người trong mọi người
Anh tham dự trận tấn công cuối cùng
Vào cái chết.
Hãy lộn ngược da anh
Và ghi lên đó mật khẩu:
– Không lùi bước!
Nha Trang, 2-5-2006
Biển trước mặt – Biển
Chiều
Cha lại ra khơi
Chiếc neo đung đưa sau vai
Trước giờ neo cha vào biển cả –
Một nửa tháng ngày cha ở đó.
Ôi biển cả,
Nơi cha dựng lên những ngôi nhà
Bằng những bó mèn tré bứt dưới chân rừng
Cha tra vào đáy biển
Cho con he, con nục, con hồng sinh tụ
Như những chùm trái bưởi, trái bòng
Và trên nóc mái nhà kỳ ảo
Cha bủa tung vàng lưới mênh mông
Qua rạng Đá Mài, rạng Tra, rạng Cửa
Trăm miền đất dập vùi sóng gió
Trăm tên đất chập chờn trí nhớ
Tự bao đời
Mạch sống làng ta
Đêm biển
Mấy khi cha ngủ
Thuyền lắc tròn sóng đánh hai vai
Ngửa mặt
Những con sao đi suốt đêm thâu
Qua sông Ngân Hà như đàn cá biếc
Chiếc vệ tinh chập chờn con sứa bạc
Bay nghiêng qua vầng trán cha nằm
Biển cả miên man
Những mùa lộng mùa khơi biến động
Con cá thiêng trôi giạt bãi bờ
Có cái chết ướp vào muối mặn
Có cái sống lọc từ cát trắng
Ngọn U Bò vẫn dắt lối cha đi
Mái tóc bạc phơ
Cha vẫn còn đôi tay lực lưỡng
Chém qua sóng một mái chèo
Thách thức gian nan
Xa kia
Sau lưng cha còn có một làng
Trong làng có một ngôi nhà thâu đêm mở cửa
Và những con đường đất đỏ
Như rút ruột ra mà đỏ
Mỗi sớm mai theo nắng đợi cha về…
Nào anh em
Xin được thẳng người
Giờ lên lưới bạn chài xin đủ mặt
Con nước săn sóng táp thuyền ràn rạt
Anh em ơi ta hiệp sức cho đồng
Biển cồn cào phơi ngực giữa mênh mông
Sóng trở dạ phập phồng sinh nở
Những eng nục, ả hồng tươi tốt mã
Những o chuồn như một mảnh trăng trong
Dẫu bạn chài rặt một lũ đàn ông
Hỡi mẹ biển cứ yên lòng chuyển dạ
Cho chúng tôi tay bế tay bồng…
Tám ngọn đèn nhập nhoà bụng biển
Lưới chao rung gan ruột sức muôn trùng
Cá đã quẫy, thuyền chao, sóng dựng,
Đêm vỡ tung, biển sáng loá tươi hồng,
Kìa bọc cá dềnh lên trên biển mặn
Nghe rào rào tiếng quẫy đạp sơ sinh
Chính lúc đó
Rì rào mơ mộng
Bình minh lên
Lấp lánh mắt thuyền…
5-1982
Biển trước mặt – Lời ru
Ngủ ngoan con của mẹ ơi
Đêm đêm diệu vợi, mẹ ngồi mẹ ru
Ngoài sân trái bí đánh đu
Trên tay mẹ bí, bây giờ ngủ ngoan
Chùm tiêu ngủ chín ngọn vườn
Củ khoai ngủ ấm ngoài nương thiệt thà
Quả cà ngủ với mẹ cà
Nuột lạt ngủ với kèo nhà tròn xoay
Mẹ thương con mẹ tháng ngày
Cái chân biết quẫy, cái tay biết cầm
Biển đêm tiếng bổng tiếng trầm
Con nghe lời mẹ tiếng thầm tiếng xa.
Cha đi trời nước bao la
Dỗ con đôi chút mặn mà gió khơi
Ngoài kia con nục quẫy đuôi
Con tôm búng nước, con người thả câu.
Biển xanh xanh cả bề sâu
Cây rong xanh tựa bụi trầu ngọn khoai
Hòn đá nhấp nhổm đứng ngồi
Bởi con cua đá cù hoài gót chân
Con sứa mở hội múa lân
Con nghêu đòi hát, lờn bơn lệch mồm
Trên con đường ấy vui buồn
Mẹ thương thương cả lạch nguồn đời cha
Bao sâu xa, bấy mặn mà
Đó là non nước, đó là trùng khơi
Muốn đi đường ấy con ơi
Phải thương cho trọn cuộc đời mình thương
Để khi trái sóng trở nồm
Nhịp chèo ngay thẳng tâm hồn thảnh thơi
Biển ru lời biển bao đời
Mẹ ru lời mẹ một thời với con
Ngủ đi con ngủ vuông tròn
Nôi là thuyền mẹ đưa con tới bờ…
5-1982
Biển trước mặt – Nắng cửa Tùng
“Nắng toả chiều nay, chiều toả nắng…”
Cửa Tùng ơi, cửa mở tôi về
Trong câu hát cũ, trong ngày tháng,
Với bến sông này, với xóm quê.
Mát mái đò đưa rời bến bạn
Bâng khuâng chiều thả sợi dương vàng
Chung chiêng doi cát nghiêng nghiêng nón
Cô gái đi về lối Cát Sơn
Cuối bến An Hoà thuyền rộ máy
Mo cơm đi biển kịp trao cha
Đoàn thuyền hợp tác chồm qua cửa
Vệt nước Hiền Lương ấm biển xa
Bạn kể những năm rào giới tuyến
Đây vẫn là nơi bến lại qua
Có cô em gái bên đồn giặc
Coi việc đưa quân tựa việc nhà
Cha kể những năm bom giặc nổ
Nơi đây mấy bận đất san bằng
Vách hầm địa đạo nung trong lửa
Âm ỉ câu thề giữ Vĩnh Quang
Mẹ kể con nghe cha đã khuất
Một đời như sóng vỗ ngang mày
Rồi đêm tiếp tế cho Cồn Cỏ…
… Mắt mẹ mờ đi bóng đảo mây.
Anh kể những ngày vô đánh Mỹ
Ăn cơm bờ Bắc, giặc bờ Nam
Đêm đêm bám địch trên Ba Dốc
Cháy ruột quê nhà rung tiếng bom
Em kể những ngày đi sơ tán
Dắt nhau ra tận đất Nam Hà
Mỗi chiều đài báo tin Cồn Cỏ
Mấy đứa ra vào mặt ngẩn ngơ…
Cứ thế tôi nghe chuyện của làng
Như xa xăm lắm, lại rất gần
Biển xanh, đất đỏ, sân vàng nắng
Ngào ngạt hồn tôi những tháng năm
Tôi tưởng tôi sinh lại buổi đầu
Cây tiêu cắm xuống hố bom đào
Đầu trần, chân đất, hồn thơ dại
Tôi mọc lên cùng bụi mít cao.
Tôi tưởng tôi là em đấy thôi
Hỡi em gái nhỏ thoáng bên đồi
Em cào từng sợi dương vương vãi
Giúp mẹ chiều hôm nấu rổ khoai
Thanh thản lòng tôi em biết không
Làng ta xanh biển, lại xanh đồng
Mười năm dựng lại nên làng, bãi
Tiêu đã đơm sây, giếng đã trong
Cứ thế đất không biết phụ người
Người không phụ đất mặn mồ hôi
Biển bằng không phụ mùa tôm cá
Con nước Hiền Lương trong trẻo trôi…
Ai hát chiều nay chiều toả nắng
Dắt tôi đi suốt nỗi chờ mong
Giữa triều sóng dội đời dân dã
Muối đọng hồn tôi nắng cửa Tùng…
5-1982
Bốn câu để lại
Gửi HB
Tôi đến nhà người hoa lặng im
Phòng văn yên ả, hót lời chim
Hỡi người lãng đãng như sương gió
Hãy nhớ rằng tôi đã đến tìm…
Bốn mươi năm gặp lại…
Kính tặng Đoàn K. 33
Vâng, trong đêm cuối năm phương Nam
Anh có thể ngồi với một vài người bạn
Nói rằng bốn mươi năm qua chúng ta còn sống
Những người cùng đi trên chuyến tàu lửa ngày ấy
Qua Khu Bốn, sông Xê Bang Hiên, Đường 9
Nhìn thấy đêm Nô en trong một chớp sáng…
Vâng, chúng ta đã chia tay nhau ở Xê pôn
Tôi rẽ theo vĩ tuyến, Hiến đi thẳng theo kinh tuyến
Chúng ta về với quê hương chiến đấu
Bắt tay, chiều nắng vàng cuối năm
Nói rằng gặp lại.
Không ai biết cuộc chiến đấu dữ dội đến nhường ấy
Không ai biết máu chảy đến nhường ấy
Những làng đã cháy
Những đồng đội ngã xuống như thân chuối
Những xác người xếp dọc đường hành quân
Thành phố đổ nát
Chất da cam mù mịt cánh rừng…
Chúng ta đã trộn mình trong đất
Đã bơi qua bao dòng sông
Lội bao con suối mùa mưa
Ăn bao nhiêu rau rừng
Hút bao nhiêu ngọn lá khô
Sưởi ấm bằng củi thay chăn
Làm quen với cái đói
Chống gậy lò dò đi trong cơn sốt…
Chúng ta nói chỉ có cái chết mới bắt ta nằm xuống
Cho dù tù đầy, khảo tra
Chỉ có nỗi nhục mới bắt ta vắng mặt
Cho dù sự cay đắng đuổi sau lưng ta
Chỉ có nước mắt người thân mới bắt ta quì gối
Cho dù bệnh tật ngấm vào xương tủy.
Chúng ta đi như vậy bốn mươi năm
Cả người nằm trong đất, cả người đang trên đường
Chúng ta nhìn đời bằng ánh mắt ngay thẳng
Bởi chúng ta là người chiến thắng.
Thành phố Hồ Chí Minh, 25.12.2004
Buổi đầu
Tặng con gái
Kìa cái bông hoa làm con ngã
Kìa tiếng chim sẻ cười làm con nín khóc
Kìa cái nắng dắt con dạo chơi
Cha mẹ đi làm, con một mình tha thẩn
Ngã, đứng dậy, khóc, cười một mình…
Bốn mươi tuổi rồi, lắm khi
Cha cũng ngã, đứng dậy, khóc cười một mình
Cuộc đời cha dễ đâu toàn vẹn
Xa con
Cha đau đáu nhớ thương
Cha gọi thầm:
Nỗi chịu đựng của cha ơi
Niềm mong đợi xót xa của cha ơi
Con hãy nắm chắc thế giới này trong hai tay
Ngay tự buổi đầu:
Những chim,
Những hoa,
Những nắng…
Các nhà thơ trên đường
Các nhà thơ đi miên man trên đường
Trong bóng đêm, những mái tóc phất phơ dưới những vì sao
Không hò hát, họ đọc thơ bè bạn
Chân họ sải vào đá sỏi kêu vang
Nhà thơ đi đầu với bàn chân thép
Anh nói, anh đi tìm bình minh
Cho bầy gà trống mất dần tiếng gáy
Một nữ thi sĩ mỉm cười
Đây là cuộc đi đánh thức khát vọng
Bị ngâm bùn thời thiếu nữ.
Và nhà thơ của hai mùa kháng chiến
Rên rỉ dọc hành trình với gót chân đau…
Họ đi thâu đêm, mãn ngày
Qua nhiều cánh đồng, góc phố
Họ réo gọi các nhà thơ ngái ngủ
Hãy nhập cuộc với chiếc laptop trong tay
Đánh lên trời những vần điệu bỏ ngỏ.
Đây là những người được lựa chọn
Trên mảnh đất không có nhiều lựa chọn
Họ mở cuộc đi dài đổi mới thi ca
Đôi khi là lịch sử
Họ làm những đứa trẻ nhìn họ với ánh mắt thèm thuồng
Chạy về bắt bà đọc lại ca dao
Các cụ già thử lại giọng lẩy Kiều
Bọn du đãng mượn thơ Xuân Hương làm hũ rượu…
Cứ thế đoàn người hầm hố và cay cực
Đi khắp núi sông
Đánh thức nhân dân bằng cặp dùi lục bát
Mong đợi những hạt nước mắt
Lăn trên bình minh trong trẻo một ngày
2010
Cánh đồng buổi chiều
Có một nhà thơ đi mãi vào cánh đồng buổi chiều
Lởm chởm gốc rạ sau mùa cấy gặt
Mùi thơm lúa khoai thân thuộc
Nói gì, hở tiếng reo cỏ may
Mùa thu vừa trở lại?
Nhà thơ cúi xuống tìm hạt mồ hôi bỏ quên
Trên mặt đất
Bao người đã mất, đang còn
Sống âm thầm sau rặng tre khuất lấp
Không một dấu vết
Những mặt ruộng nứt nẻ.
Chúng ta vẫn bưng bát cơm trắng mỗi ngày
Thật đơn giản, hiển nhiên, như hơi thở
Không còn nhớ có bao giọt mồ hôi trên mặt ruộng
Bao nhiêu bùn, bao nhiêu khổ đau
Khi mồ hôi trở nên quá rẻ
Kẻ ranh ma trở nên quá giàu
Đã lâu nhà thơ lại về với cánh đồng làng
Hít sâu hương thơm no ấm
Nhận ra trong mỗi khuôn mặt đen sạm
Những tháng ngày bỏ quên
Bằng bước chân chậm rãi
Nhà thơ lặng lẽ nối gót người nông dân đi mãi
Mặc cho ngôi sao hôm xa ngái dẫn đường
Thăm thẳm ngõ quê rơm rạ
Trái tim lăn tròn êm ả…
Ngày 5-9-2006
Cáp quang
Đường cáp quang xuyên đại dương
Bị cắt khúc, rao bán,
Trên mặt báo chúng giống hệt những con cá chết
Giương mắt trừng trừng nhìn thế gian.
Đoản mạch,
im re,
Bá đạo,
Buồn chuyện năm châu bốn biển
Kẻ sĩ cưỡi trâu vào núi.
Để lại trên cửa Chánh Tây mười chữ:
-Tìm ra đường thật khó
Chọn được Người, khó hơn.
7/6/2007
Cầu Long Biên
Bên kia cầu, chùa Bồ Đề như chiếc nấm linh chi cổ đại
Cầu Long Biên gù lưng người phu già
Sớm chiều cõng chuông qua sông
Nhắc nhở lẽ huyền vi Hà nội
Chiếc cầu đi suốt đời ta
Ròng ròng huyết mạch
Đầy vết dao binh lửa
Dạy ta vượt lên sóng gió
Làm người
Ba mươi năm
Ta lại đạp xe qua chiếc cầu cũ kỹ
Trong sớm thu dịu ngọt
Nghe sông Hồng vặn mình trong cát
Gió rít mỗi trụ cầu
Thấy màu mắt những anh hùng trong thép
Thấy những sóng người dào dạt
Trùng trùng lớp lớp đi xa
Ta muốn nói lời chia tay
Với nghìn năm đang qua
Với Thăng Long từng ngày trẻ lại
Với chiếc cầu từng giờ hấp hối
Đang giang tay đón những người đi bộ cuối cùng qua sông
Rồi một ngày đẹp trời
Hà Nội sẽ tiễn người vào lịch sử
Tiếng chuông vang vang khắp bến Bồ Đề
Tháng 10-2006
Cây vú sữa trước sân nhà
Mười lăm năm tuổi, chưa cho quả
Cây đứng ngoài sân, bóng lẻ loi
Đêm qua mưa bão đen trời đất
Sáng dậy
Trên cao lá nói cười
Cơn bão Xangsan, 3-10-2006
Có một ngày
Có một ngày em không yêu anh
Em đi thật xa
Và mặc chiếc áo
Anh chưa từng thấy bao giờ
Em mang cái cười
Bằng ánh sáng của cái hôn khác
Chia nỗi buồn
Trong màu mưa khác
Những buồn vui anh không có được bao giờ…
Có một ngày
Em đầy hạnh phúc
Ngày em không yêu anh
Ngày em rời mái nhà xưa cũ ấy
Và chiếc áo sờn vai ấy
Anh từng hôn lên nỗi khó nhọc hàng ngày
Em xoá mình đi
Bằng chiếc khăn màu thơm ngát.
Cái ngày đó
Anh sẽ bắt đầu
Với anh
Những bước chân ngày đón em
Anh – một chàng trai
Với màu tóc khác.
Riêng năm tháng cuộc đời
Thì vẫn như xưa…
12-1982
Cỏ ngọt
Đứng đấy tự bao giờ, bên dòng sông cũ
Con bò gặm cỏ
Chậm rãi
Một ít bóng đêm và ít hạt bình minh
Từng miếng một,
Nhai và thở.
Không nghe tiếng người, tiếng xe cộ lại qua
Bụi bặm một ngày kiếm sống
Nó nghe thấy vị ngọt từng cọng cỏ
Đầy khao khát
Nó để lại trong làn sương mỏng ven sông
Mùi bất chợt của cỏ dại
Chút ẩm ướt của thời gian
Ngày 21-7-2006
Cỏ trước Ba Đình
Cỏ yên tĩnh, cỏ xanh tận cuối đời…
Trước và sau ngày làm việc,
Cỏ làm lời nhắc nhở
Xanh
Cố gắng
Nhận ra mình trong sắc biếc
Thăm thẳm dịu dàng
Ngay thật
Cỏ vĩnh hằng…
Ngày 7-9-2004
Cõi lặng
Cõi lặng. Anh soi thấy mặt mình
Với nỗi buồn trong sạch
Cõi lặng. Không tiếng động nào khác
Tiếng đập trái tim anh
Người ơi, tôi yêu người tha thiết
Tôi sống với người, chết vì người
Cõi lặng. Tôi vượt qua ghềnh thác
Đến những miền trong xanh…
Ngày 17-1-2003
Đêm thu ở Hội An
Ngoài kia những chiếc thuyền câu đốt đèn trôi theo sông
Đuổi theo một nghề nghiệp cũ
Ở đây trên bậc thềm giả cổ
Người thi sĩ không ngủ
Ngồi đập muỗi
Đợi một làn gió mặn.
Tất cả chúng ta rồi sẽ già nua
Bên giòng sông tăm tối này
Sẽ chết
Mà không được đóng dấu kiểm dịch
Đặng bình tâm trong miệng kẻ khác.
Ôi bác ngư dân già nua
Anh ngư dân trẻ
Đêm nay vợ anh nằm trên nửa chiếc giường hẹp
Đợi anh về
Quạnh quẽ quê hương nhiều thế kỷ
Tìm một chỗ sống.
Người thi sĩ im lặng
Quanh anh không vệt lân tinh dự báo
Cả dòng sông không biết nói
Cả cửa biển không lời thở than
Mùa thu về trên bến vắng…
Ngày 10-8-2008
Đi bên mùa thu
Bởi vì em mặc áo vàng
Tôi muốn em hãy đọc bài thơ Nga ấy
Đã rung lên như lửa cháy,
Một mùa thu chết tận xa xôi
Cho tôi sống bồi hồi
Trên chân trời rung cảm khác.
Và chuyến xe
Chật chội, gian nan
Vẫn là cơn gió thổi tôi qua bờ bãi
Với nắng tinh khôi, óng ả, tươi vàng…
Có lẽ
Trên những con đường
Đời tôi sẽ trôi qua
Mãi mãi tôi không còn lung linh màu nắng ấy
Một chút mùa thu sách vở
Một chút mùa thu qua cửa sổ
Trên cái gập gềnh bánh xe lăn đi.
Và mọi nỗi xôn xao không còn lăn bánh nữa
Tôi ở lại trên chiếc lá đỏ
Khi nắng vàng trên áo em khuất xa
Bây giờ lật lại trang thơ
Tôi muốn đặt mình trên từng con chữ
Để được sưởi dưới mắt em xa vắng vô bờ…
4-12-1982
Đi mãi vào rặng núi xa mờ
Đi mãi vào rặng núi xa mờ
Chỉ bắt gặp dông dài thương nhớ cũ
Tiếng pháo tiếng bom xa rồi
Chỉ cái chết là gần gụi
Một đời sống đang qua
Những buổi chiều bối rối
Ai dắt tay ta đi với tình bạn bè
Những ngả đường ồn ã, trang Thực lục xa vắng
Nơi khoảng cách lớn dần trong hồn
Như vầng trăng lúc về sáng
Cũng chỉ mong được yên tĩnh, mỉm cười
Thân thiện bước chân ngày trở lại
Em sẽ nói với ta rằng em yêu anh
Chưa mảy may thay đổi
2010
Đọc thơ tứ tuyệt của Đỗ Mục
Kích gãy, cát vùi tham vọng lớn
Ngàn năm xanh mãi một Trường Giang
Chợt buồn nhẩm lại Dương Châu mộng
Khuôn mặt thi nhân lặng trước đèn
17.1.2007
Đồng dao mùa xuân
Có một người lính
Đi vào núi xanh
Những năm máu lửa.
Một ngày hoà bình
Anh không về nữa.
Có một người lính
Chưa một lần yêu
Cà phê chưa uống
Còn mê thả diều
Một lần bom nổ
Khói đen rừng chiều
Anh thành ngọn lửa
Bạn bè mang theo
Mười, hai mươi năm
Anh không về nữa
Anh vẫn một mình
Trường Sơn núi cũ
Ba lô con cóc
Tấm áo màu xanh
Làn da sốt rét
Cái cười hiền lành
Anh ngồi lặng lẽ
Dưới cội mai vàng
Dài bao thương nhớ
Mùa xuân nhân gian
Anh ngồi rực rỡ
Màu hoa đại ngàn
Mắt như suối biếc
Vai đầy núi non…
Tuổi xuân đang độ
Ngày xuân ngọt lành
Theo chân người lính
Về từ núi xanh…
Tháng 12-1994
Em, cây chò của anh
Em,
Cây chò anh đã gặp trong rừng,
Cả hương thơm và vệt sương ẩm trên mình em
Khi vai anh chạm đến
Cả ngọn gió xoáy trên môi
Cả sự bừng nở từ cành đến cội
Cả vẻ dịu dàng nghìn bóng lá
Cả chiếc hoa xoay trong không gian xanh như ánh mắt nâu
Em, cây chò của anh, cánh rừng tuổi trẻ của anh…
Em mọc trên sườn núi ấy
Những năm chiến tranh
Đầy buồn vui can đảm
Trải bóng rộng đến bây giờ
Qua bao đớn đau mùa thay lá.
Có thể nào khác được
Có thể nào em bật gốc giữa hồn anh
Em, cây chò của anh…
1-10-1983
Giữa ngày xa cách
Anh nhớ em. Như không có nỗi nhớ nào lớn hơn trong đời anh – nỗi cô đơn khủng khiếp
Em đi từ bình minh
Và bây giờ lại một ban trưa bầy chim ríu rít
Nỗi nhớ theo chiều cao tiếng chim và những dặm nắng trời…
Bỗng như mình trở thành người khác
Mỗi ngọn cỏ nghiêng một lời chia biệt
Anh đi ra khỏi ngày hôm qua như dạt về hai cực
Của buồn – vui, ấm – lạnh trong đời
Ừ, anh đâu thể sống bình yên được nữa
Trước em, anh bao việc phải bắt đầu
Có thể là cái hôn, có thể là giọt mồ hôi nóng rực
Để nhận lại em trong đêm xao xuyến đất trời
Anh chỉ muốn cầm tay em, nói lại
Em lớn lao hơn những tháng ngày anh
Lớn lao hơn cái chết nếu anh phải chết
Tình yêu em làm anh muốn hồi sinh
Em thương yêu, tháng ngày xa vắng ấy
Phút đi xa, chắc em đã mang đi
Những gì trong anh già nua, cằn cỗi
Để anh trẻ trung hơn khi đón em về…
4-1983
Hoa quỳ vàng
Thông đã mọc nghìn năm
Thành phố trăm năm
Anh đến một ngày
Đà Lạt trẻ
Mà anh thì luống tuổi
Hoa quỳ vàng
Lặng im bên cửa
Hoa quỳ vàng
Ái ngại
Nở chờ anh
Đã sang thu?
Là hạ?
Vẫn là đông?
Không cao thấp
Sao chập chùng
Ẩn hiện?
Hoa quỳ vàng
Nghiêng nghiêng
Cánh mỏng
Hồn cao nguyên
Nương náu
Đến bao dung
Em thanh xuân
Anh quá đỗi
Ngại ngùng
Sương với gió
Đượm buồn từng tấc cỏ
Đà Lạt
Anh có gì để nhớ
Sao âm thầm
Lưu luyến tới muôn xưa?
Hoa quỳ vàng
Em chợt đến sau mưa
Để chợt héo
Trước ngày đông, tháng giá
Anh chợt đến
Và chợt về
Xa lạ
Chợt trăm năm
Một khoảnh khắc giao mùa…
Hoa quỳ vàng
Hoa quỳ nở như mưa…
Ngày 22-11-1993
Hồ Tây, 2011
Những chiếc lá sen non lớn dần
Bạn có thể nghe chúng thở trên mặt nước
Trong vắng lặng của làn sương mỏng
Những chú sâm cầm reo lên trong trẻo
Những người ném câu múa tay như làm phép mầu
Với bầy cá dấu mình trong chuyện cổ
Đôi khi họ lôi lên từ làn nước tối
Một mảnh tang thương đền đài ngày xưa
Chỉ có đôi trai gái chẳng cần biết mùa xuân đang về
Vẫn vùi nhau trong chiếc hôn đỏ
Trên cao, soi xuống mặt hồ
Một quầng mây đầy ám ảnh phóng xạ
Ngày 13-4-2011
Hy vọng
Nhiều khi đá dạy ta mềm mỏng
Sự tàn nhẫn nhắc ta điều lành
Nỗi buồn đánh thức hy vọng
Giữa thế giới không nhiều may mắn
Ta học cách vừa lòng với mình
Chia sẻ sự bình tâm của cỏ
Mãi khi giữa đêm chợt thức
Bập bềnh ý nghĩ xót xa:
Anh còn có thể, không thể…?
Thăm thẳm ngày xưa bình an
Vời vợi ngày mai chói nắng…
Ngày 2-12-2004
Thơ Nguyễn Khoa Điềm còn rất nhiều những bài thơ, những tác phẩm thơ nổi tiếng khác, chúng tôi sẽ chia thành nhiều phần, nhiều tập thơ để quý độc giả có thể dễ dàng theo dõi thơ ông.
Xem đầy đủ thơ Nguyễn Khoa Điềm:
- Nguyễn Khoa Điềm với các tập thơ nổi tiếng nhất Phần 1
- Nguyễn Khoa Điềm với các tập thơ nổi tiếng nhất Phần 2
- Nguyễn Khoa Điềm với tập thơ Đất và khát vọng Phần 1
- Nguyễn Khoa Điềm với tập thơ Đất và khát vọng Phần 2
Theo Thuvientho.com