Với tập thơ 1008 bài thơ thiếu nhi, Nguyễn Lãm Thắng đã thành công trong việc chinh phục những người hâm mộ. Ở đó có sự đơn giản, mộc mạc, chân thành. Đó cũng chính là tình cảm của tác giả dành cho các em bé thiếu nhi. Bởi những ký ức của tuổi thơ sẽ mãi là hành trang trên con đường trưởng thành của mỗi người. Dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu tới bạn các bài thơ thiếu nhi trong phần Phần Đồng giao, giao thông, ngụ ngôn, truyện thơ. Hãy cùng đón đọc nhé!
Đồng dao cây – Đồng giao
Đụng vào là ngủ
Ấy em Ngủ Ngày
Bạn của thợ may
Đúng là chị Vải
Thân mềm không trái
Là ả Mía xanh
Đẻ trứng trên cành
Là cô Trứng Cá
Suốt ngày khâu vá
Là thím Cỏ May
Tóc rũ thật dài
Là o Dương Liễu
Không thừa chẳng thiếu
Đu Đủ sau vườn
Mải nhớ người thương
Gã Si già cỗi
Ẳm con sớm tối
Là mợ Bồng Bồng
Có con có chồng
Là dì Vú Sữa
Mùa đông nổi lửa
Chỉ có dượng Bàng
Báo hiệu xuân sang
Cụ Mai Vàng đấy
Mắt nhìn không thấy
Là mụ Nhãn Lồng
Bảo vệ áo quần
Là bà Long Não
Có cơm có cháo
Cậu Gạo đầu làng
Gọi gió thu sang
Chính là cháu Cúc
Tìm quên buồn bực
Là bác Bồ Đề
Giục giã mùa hè
Là anh Phượng Vĩ
Đêm nằm mộng mị
Thương lắm chàng Mơ
Trót chịu ngu ngơ
Là nàng Hoa Dại
Đốt lên thơm mãi
Đã có chú Trầm
Sống đã lâu năm
Là ông Cổ Thụ…
Hay hát đồng dao – Đồng giao
Hay ưa gặm cỏ
Là bò với trâu
Hay tắm ao sâu
Là con nhà vịt
Hay kêu ríu rít
Là chú chim non
Hay khoe mắt tròn
Là anh mèo mướp
Hay đi đến lớp
Là bạn sáo nâu
Hay lặn ao bàu
Là anh cá chép
Hay rung ria mép
Là bác chó nhà
Hay hét hay la
Là gà mái đẻ
Hay đòi bú mẹ
Là chú bê con
Hay hót véo von
Là em sáo sậu
Hay thích mặc áo
Là em búp bê
Hay ưa đạp xe
Là chú khỉ xiếc
Hay vẽ hay viết
Chính là bé ngoan.
Anh xe lu – Giao thông
Anh xe lu
Người mập ù
Trông thật khoẻ
Bước êm ru
Anh say mê
Không biết mệt
Đường gồ ghề
Lăn bằng hết
Đường rải nhựa
Mới vừa xong
Đi một vòng
Là bằng phẳng
Dù trời nắng
Rát mặt đường
Vẫn bình thường
Không ngần ngại
Tìm đường mới
Anh góp công
Ai chờ mong
Anh sẽ đến.
Đèn báo – Giao thông
Đèn vàng báo hiệu
Sắp dừng bạn ơi!
Đèn đỏ, dừng thôi
Đèn xanh, đi nhé!
Khi nào ra phố – Giao thông
Khi nào ra phố
Đi trên vỉa hè
Nhớ đi bên phải
Coi chừng tàu xe
Muốn băng qua phố
Phải có mẹ cha
Hoặc là người lớn
Cầm tay dắt qua
Mỗi lần ra phố
Chớ đi lòng đường
Bé ơi! hãy nhớ
Và ghi trong lòng.
Lần đầu qua cầu khỉ – Giao thông
Em qua cầu khỉ khỏng kheo
Chân run run, tay lần theo “thành cầu”
Hình như tim đập rất mau
Bóng em ở dưới chân cầu… nhìn em
Hàng dừa vẫy cánh tay mềm
Động viên em, hãy cố lên bạn nào!
Khi em đã bước qua cầu
Nhủ lòng mình: “gắng lần sau… vững vàng”.
Tàu qua đèo Hải Vân – Giao thông
Đoàn tàu vun vút
Kề vai biển, trời
Nhịp nhàng, xình xịch
Tàu qua núi đồi
Nhìn qua cửa sổ
Em thấy mây bay
Thấy trời thấp lắm
Chỉ ngang tầm tay
Nhìn qua cửa sổ
Em thấy biển xanh
Tưng bừng sóng vỗ
Chào em ngoan lành
Nhìn qua cửa sổ
Em thấy rừng cây
Lá xanh gọi gió
Như ngàn cánh tay
Nhìn qua cửa sổ
Từng đàn chim bay
Cho em mơ ước
Có đôi cánh dày
Nhìn qua cửa sổ
Thấy ngày vào đêm
Qua hầm… đèn sáng
Như là trăng lên
Tàu đã qua núi
Tàu đã qua đèo
Tàu về thành phố
Em còn trông theo.
Trăng và đèn đường – Giao thông
– Sao bạn trăng ham chơi
Vội biến đi đâu mất
Tôi vẫn đứng giữa trời
Suốt đêm không chợp mắt
– Bạn thì đứng một chỗ
Tôi phải đi khắp nơi
Công việc cứ luân hồi
Tôi vòng quanh Trái Đất.
Chiếc mào sứt – Ngụ ngôn
Khoe rằng: – “Ai khoẻ bằng ta”
Chú gà trống tía tỏ ra ngạo đời
Gà ta chạy xuống sân phơi
Ví đàn gà nhỏ… ra oai anh hùng
Cún con nằm dưới gốc hồng
Cũng bị gà tía đá tung lộn nhào
Nghĩ mình là bậc anh hào
Nên đêm nay ngủ trên rào đón trăng
Nào ngờ lão cáo hung hăng
Nửa khuya đói bụng đi săn tìm mồi
Gặp gà trống, cáo tức thời
Đem nanh vuốt chộp vào nơi đầu gà
Ai ngờ cún vội chạy ra
Sủa oang oang… làm cáo ta hoảng hồn.
Gà trống gáy trưa – Ngụ ngôn
Hình như nắng quá cho nên
Chú gà trống tía cất lên: – O!… ó! ò!…
Giật mình chú vện ngẩn ngơ
Bác trâu nói với thím bò: – Khổ chưa!
Mọi người đang kéo giấc trưa
Thế mà gà trống gáy bừa là sao?
Thím bò cười mỉm thì thào:
– Chắc gà mớ ngủ… chẳng sao anh à!
Nghĩ đi! thôi, chớ phiền hà
Chấp chi lũ trẻ rầy rà anh ơi!
Loay hoay gần hết trưa rồi
Nhai xong nắm cỏ, cùng tôi ra đồng.
Dưới giàn hoa lý trổ bông
Chú gà trống tía lòng vòng gáy ran
Vện ta vội vội vàng vàng
Đến bên gà trống bảo rằng: – Gà ơi!
– Buổi trưa trời nóng sôi sôi
Mọi người đang nghỉ, bạn thôi hét hò
Sáng mai rồi hãy ó ò
Gọi người dậy sớm mà lo việc nhà
Biết rằng: đệ nhất giọng ca
Chỉ bạn thôi, chẳng ai qua được nào
Cho tôi khuyên bạn một câu
Cái hay phải được yêu cầu mới hay
Đừng nên tuỳ tiện phơi bày
Mọi người khó chịu… cái hay chẳng còn.
Bây giờ gà mới hoàn hồn
Gật đầu biết lỗi, chân bôn về chuồng.
Hai chị em – Ngụ ngôn
Hai chú gà
Đen và trắng
Đi dưới nắng
Đến trường làng
Nắng chang chang
Không đội mũ
Trắng mệt lử
Toát mồ hôi
Chân rã rời
Không muốn bước
Vừa khát nước
Vừa choáng đầu
Đen chạy mau
Vào nhà bạn
Mượn chiếc nón
Đội cho em
Đỡ em lên
Lưng mà cõng
Trời thì nóng
Đường thì xa
Còn vượt qua
Cánh đồng rộng
Đen vội cõng
Em trở về
Giữa nắng hè
Đầy oi bức
Rồi một lúc
Cũng đến nhà
Đen xuýt xoa:
– Mẹ ơi mẹ!
Em không khoẻ
Bị cảm rồi!
Mẹ kêu: – Trời!
Sao tội thế
Đưa mẹ bế
Em vào nhà…
Rồi mẹ gà
Liền cạo gió
Dùng cái mỏ
Cào lưng em
Lấy tấm mền
Cho em đắp
Đen hấp tấp
Gọi thầy lang
Thầy vừa sang
Liền mách bảo:
– Bởi vì cháu
Đi đến trường
Lại xem thường
Không đội mũ
Gặp nắng dữ
Nên cảm thôi
Thuốc đây rồi
Cho cháu uống
Chỉ một thoáng
Là khoẻ ngay…
– Cảm ơn thầy
Mẹ gà đáp.
Lấy bì bắp
Mẹ biếu thầy
Thầy xua tay
Không chịu lấy…
Thầy đi khỏi
Chị và em
Ngồi lặng im
Trong hối hận
Vì mẹ dặn
Đi đến trường
Phải luôn luôn
Mang giày mũ.
Thánh Gióng – Truyện thơ
Đời Hùng Vương thứ sáu
Nước nhà đang bình yên
Bỗng giặc Ân khát máu
Sang xâm lấn nước mình
Chúng đem quân bạo ngược
Đốt phá bao xóm làng
Khắp đường quê bến nước
Xác chết nằm ngổn ngang
Vua cầm lòng không được
Sai sứ giả mau mau
Tìm người tài giúp nước
Mong thoát nạn binh đao
Thuở ấy làng Phù Đổng
Có một chuyện kỳ khôi
Cậu bé tên là Gióng
Ba tuổi, chưa nói cười
Một hôm loa vang gọi
Của sứ giả: – Loa loa!
Ai là người tài giỏi
Mau ra cứu nước nhà!
Gióng đang nằm trên võng
Lắng nghe, bật dậy ngay
Vội bảo với mẹ Gióng
– Mẹ mời sứ vào đây!
Mẹ sững sờ ngạc nhiên
Nhìn con như kẻ lạ
Dù nửa ngờ nửa tin
Vẫn ra mời sứ giả
Sứ giả bước vào nhà
Gióng cất lời dõng dạc
– Hỡi sứ giả nghe ta
Về tâu vua gấp gấp
Đúc cho ta một ngựa
Một chiếc gậy cầm tay
Và thêm chiếc nón nữa
Đều bằng sắt, đem đây!
Sứ giả vội đi ngay
Trong lòng vui ra mặt
Ngựa phóng như tên bay
Về kinh thành tức khắc
Gióng cười bảo mẹ rằng:
– Bây giờ con đói lắm
Mẹ nấu cơm con ăn
Để con thêm sức mạnh
Bao nhiêu nồi cơm nếp
Cả làng thổi, đem sang
Gióng ta ăn sạch hết
Không một chút ngại ngần
Rồi vươn vai đứng dậy
Thoắt hoá thành chàng trai
Đưa tay chân vung vẫy
Oai phong không nhường ai
Các lò rèn trong nước
Bận rộn suốt ngày đêm
Đúc ngựa, nón, gậy sắt
Mang về cho Gióng xem
Gióng cầm gậy uốn thử
Gậy liền gãy làm đôi
Gióng nhảy lên lưng ngựa
Ngựa khuỵu chân tức thời
Mọi người đều kinh ngạc
Trước sức mạnh siêu nhiên
Bèn đúc ngựa gậy khác
Nặng đến trăm người khiêng
Gióng liền đội nón sắt
Tay cầm gậy vội vàng
Nhảy phốc lên lưng ngựa
Ngựa tung chân hí vang
Gióng từ biệt mẹ hiền
Và bà con làng xóm
Cùng lớp lớp thanh niên
Rầm rập xông ra trận
Giặc Ân tràn khắp lối
Cướp của rồi đốt nhà
Bức hiếp dân vô tội
Trẻ già đều không tha
Gióng cau mày giận dữ
Thúc ngựa sắt xông lên
Giặc huênh hoang chống cự
Gậy Gióng dập chết liền
Ngựa sắt càng thêm khoái
Phun lửa đốt thành tro
Bất ngờ gậy sắt gãy
Gióng không hề âu lo
Vội cúi xuống bên đường
Nhổ bụi tre làm gậy
Quất vào đầu đối phương
Giặc thua to, cút chạy.
Đánh đuổi xong giặc Ân
Cùng đoàn quân chiến thắng
Gióng cưỡi ngựa qua làng
Nhằm Sóc Sơn bay thẳng.
Người đời sau tưởng nhớ
Đến công đức của ông
Nên lập đền thờ tự
Đức Phù Đổng Thiên Vương.
Trạng Lường – Truyện thơ
Cậu bé Lương Thế Vinh
Thông minh từ thủa nhỏ
Một hôm ra đồng cỏ
Tung tăng theo cánh diều
Hương lúa thơm đồng chiều
Đưa cánh diều cao tít
Bỗng trên con đường hẹp
Một bà lão đi qua
Gánh nặng trĩu vai già
Yếu chân nên trượt ngã
Bưởi lăn tròn xối xả
Rớt xuống hố bên đường
Bà lão khóc thảm thương
Trẻ chen nhau xúm lại
Sau một hồi bàn cãi
Vẫn không có cách nào
Vì hố thẳm vực sâu
Làm sao lôi được bưởi
Vinh thu diều chạy tới
Vui vẻ và bảo rằng:
– “Có gì là khó khăn?
Mau lấy thùng gánh nước”.
Lũ trẻ chưa hiểu được
Nhưng vẫn chạy về nhà
Vội lấy thùng mang ra
Vinh khuyên bạn hãy cố
Đổ nước vào trong hố
Một lát sau hố đầy
Những quả bưởi tròn quay
Dần nổi lên miệng hố
Ai cũng đều thích thú
Vỗ tay thán phục Vinh…
Năm ông đỗ trạng nguyên
Vừa tròn hai hai tuổi
Toán, văn, nhạc đều giỏi
Đời gọi ông: Trạng Lường.
Những bài thơ thiếu nhi của Nguyễn Lãm Thắng gợi cho chúng ta về tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống. Đó có thể là hệ thống tín hiệu giao thông, các câu hát đồng giao… Nhưng chung quy lại vẫn chính là một tuổi thơ đầy hồn nhiên và ngây ngô. Chính tuổi thơ ấy là hành trang vững chắc giúp trẻ lớn khôn mỗi ngày. Bên cạnh đó các bài thơ thiếu nhi này cũng sẽ phù hợp để mẹ hướng dẫn các bé về các kiến thức về giao thông. Đừng quên đón đọc những phần tiếp theo trong chùm 1008 bài thơ thiếu nhi Nguyễn Lãm Thắng bạn nhé!
Theo Thuvientho.com