Thế giới thực vật trong thơ thiếu nhi được Nguyễn Lãm Thắng miêu tả vô cùng thân quen. Bằng những ngôn từ dễ hiểu ta có thể hình dung được rất nhiều loài thực vật. Đó là những loài thực vật thân quen và gần gũi với cuộc sống của các em bé. Thêm vào đó đọc các bài thơ phần Thế giới thực vật trong tập 1008 bài thơ thiếu nhi bạn sẽ cảm nhận được sự tinh khôi của trẻ thơ, cũng như những cảm nhận vô cùng tinh tế ấy. Cùng đón đọc các bài thơ mà chúng tôi giới thiệu với bạn dưới đây nhé!
Bốn mùa hoa
Xuân đến mai vàng nở
Hè lại phượng khoe hồng
Thu sang cúc vàng rộ
Ðiên điển rợp ngày đông.
Búp măng
Trưa hè oi bức quá
Mẹ tre cũng nhọc nhằn
Đỏ hoe từng mắt lá
Huống hồ chi là măng
Bác gió đi từ sáng
Mong lấy hương núi rừng
Bởi vì trời quá nắng
Nên gió trọ triền nương
Không có làn gió mát
Măng không ngủ được nào
Dù mẹ tre tha thiết
Dỗ dành bài ca dao
Măng non bèn cởi áo
Phơi lưng giữa trưa hè
Nép mình bên chân mẹ
Mơ một ngày thành tre…
Cây cau
Ông trồng cây cau
Từ ngày xa lắc
Ngọn cây vút cao
Giữa trời xanh ngắt
Thân gầy mảnh khảnh
Nhưng rất dẻo dai
Mặc cho giông bão
Vẫn vươn cao hoài
Lá xoè răng lược
Chải tóc mây xanh
Tháng năm không nghỉ
Ru con gió lành
Chim về làm tổ
Ríu ran sớm chiều
Mái nhà nho nhỏ
Sao mà đáng yêu
Những đêm trăng đẹp
Cau thức cùng trăng
Toả hương thơm ngát
Dọc con đường làng.
Cây gòn
Cây gòn già lắm rồi
Chắc là hơn tuổi ngoại
Cành lá vươn khắp trời
Da sẹo sần đến tội!
Bao tháng năm, mưa nắng
Gòn vẫn đứng canh làng
Có những đêm khuya vắng
Gòn thầm thì với trăng
Mùa quả khô tách vỏ
Trên cành bao “gấu” bông
Cứ đung đưa trước gió
Hạt bay vào mênh mông
Rồi gòn thay áo biếc
Vẫn xanh theo tuổi làng…
Ngày sau chuyện cổ tích
Sẽ kể tên cây gòn…
Cây ngô
Thanh thanh cao cao
Lá dài mỏng mảnh
Kẻ trước người sau
Xếp hàng đều đặn
Như trong quân ngũ
Ngang dọc đàng hoàng
Ðiểm danh vừa đủ
Cờ phất hiên ngang
Từ trong nách lá
Con lớn từng ngày
Bộ râu ngắn lại
Áo che hạt dày
Nuôi con đã lớn
Thân gầy khô luôn
Một đời vất vả
Một đời vì con.
Cây xoan
Không thèm mặc áo cũ
Cởi nốt từ đêm mưa
Cây xoan trơ trụi lá
Có lạnh đâu bao giờ?
Đông qua, thế mới biết
Cây chịu đựng thật tài
Ấp ủ bao lộc biếc
Và nhiều hoa trong cây
Rồi mùa xuân nắng ấm
Cây mặc chiếc áo xanh
Đan từng chùm hoa tím
Rắc hương thơm xa gần.
Giàn mướp của ông
Ông trồng bên cạnh bờ ao
Một giàn mướp, lạ… trái nào cũng to
Lá xanh biếc, hoa vàng mơ
Để lũ ong phải ngẩn ngơ thế nào!…
Vô tình hoa rụng xuống ao
Giật mình đàn cá núp vào lùm rong
Bắc thang hái quả giúp ông
Cho bà đi bán, chợ đông lắm rồi.
Giàn mướp vàng hoa
Bờ ao râm mát
Giàn mướp vàng hoa
Đàn bướm bay qua
Dừng chân ở lại
Cá rô đuôi quẩy
Đớp bóng hoa vàng
Chị gió rộn ràng
Nhẹ ru giàn mướp
Nghiêng gàu múc nước
Em tưới cho cây
Mong mướp càng sai
Những hoa những trái
Cho bà em hái
Đi chợ mỗi ngày
Cho lũ ong bay
Rộn ràng mỗi sớm.
Hoa cát
Trưa hè cát bỏng
Nắng đốt cháy mùa
Có một loại hoa
Hồn nhiên vẫn nở
Một màu rực rỡ
Giữa cát trắng phau
Nắng đổ trên đầu
Gió tung bụi cát
Là hồn của đất
Lặng thầm hoa phô
Xương rồng gai góc
Gan lì lắm cơ!
Là hồn của cát
Chỉ bám cát thôi
Cát tuy cằn cỗi
Hoa vẫn rạng ngời.
Hoa dại
Mồ côi… hoa mọc bên đường
Không tên, hoa vẫn toả hương sớm chiều
Lá cành vương gió bụi nhiều
Nhưng hoa vẫn đẹp là điều đáng khen.
Hoa dâm bụt
Như chiếc lồng đèn
Một màu đỏ thắm
Xóm em nhiều lắm
Nhà ai cũng trồng
Dù hạ hay đông
Hoa thường vẫn nở
Đường làng rực rỡ
Bờ giậu thêm xinh
Lắc lư trên cành
Hoa khoe áo đỏ
Dịu dàng trước gió
Hoa múa hoa cười
Đẹp lắm hoa ơi!
Nở nhiều thêm nhé!
Hoa gạo
Một màu rực rỡ
Nhuộm đỏ tháng ba
Mùa hoa gạo nở
Rụng đầy lối qua
Ai làm ra gạo
Không phải lúa đâu
Nắng làng quê đấy
Ẩn mình bấy lâu
Nắng vào lòng đất
Rồi lên thân cây
Đợi ngày mở mắt
Nở ra cánh dày
Cũng như bé đấy
Chăm chỉ không thôi
Mùa thi nở rộ
Những hoa điểm mười.
Hoa giấy
Ai bảo là giấy
Nắng không bạc màu
Ai bảo là giấy
Mưa không ướt nhàu
Cành vươn mảnh khảnh
Giữa trưa oi nồng
Hoa khoe từng cánh
Trắng trắng hồng hồng
Mỏng như là giấy
Mưa nắng nào phai
Tên nghe rất mỏng
Nhưng mà dẻo dai.
Hoa mười giờ
Một góc sân nho nhỏ
Bé trồng một vườn hoa
Mười giờ hoa lại nở
Thắm tươi góc sân nhà
Tung tăng đàn bướm trắng
Hồn nhiên bay la đà
Hoa mỉm cười tươi tắn
Mời bạn ghé thăm nhà
Hoa nghiêng mình rất khẽ
Những mắt sương long lanh
Cuộc chuyện trò vui vẻ
Đàn bướm lượn vòng quanh
Vì hoa yêu bè bạn
Nên không cho bướm về
Sáng nay bé bận học
Hoa tiếp bạn… giỏi ghê!
Lúa ơi!
Xanh chi mà biếc chân trời
Cho con chim hót nên lời ban mai
Rì rào chi buổi trưa nay
Cho cánh gió cũng căng đầy hương thơm
Vàng chi con sóng dập dờn
Cho bàn tay mẹ nhẹ ôm vào lòng
Lúa ơi! lúa có biết không?
Em yêu yêu cả cánh đồng quê hương
Mùi hương vẫn thức
Ban ngày ngàn hoa khoe sắc
Ban đêm ngàn hoa ngủ rồi
Chỉ còn mùi hương vẫn thức
Làm thơm những giọt sương trời.
Phiến lá nõn
Tháng chạp ngủ trong cây
Tháng giêng bừng lá nõn
Nắng gió vờn quanh đây
Lá mỗi ngày mỗi lớn
Nhớ ngày đông giá rét
Những lá vàng bay xa
Thân cây gầy lạnh buốt
Đứng giữa trời mưa sa
Cây mang tình yêu thương
Từ rễ sâu lòng đất
Nuôi lá biếc chồi non
Cho mùa xuân xanh ngát
Và em như lá nõn
Phơi phới giữa ngày xuân
Mẹ cha nào đâu quản
Tháng năm luôn tảo tần…
Trầu và hồ tiêu
Hai chị em sinh đôi
Nên giống nhau nhiều lắm!
Nhưng mỗi bạn một nơi
Không chung ngôi nhà ấm
Trầu cho lá xanh tươi
Nhẹ nhàng tay bà hái
Là bạn của cau, vôi
Cho môi bà thắm mãi
Hồ tiêu cho hạt cay
Phơi khô xay thành bột
Ðể mẹ ướp thức ăn
Cá canh thêm nồng ngọt
Hai bạn đều có ích
Tuy không sống chung nhà
Ai cũng đều tự lập
Lớn lên và vươn xa.
Ươm hạt
Hôm bố vào quê thăm nội
Có mang chùm khế ngọt về
Quả to hơn bàn tay bé
Mới nhìn là ai cũng mê
Ăn xong bé còn khen mãi
Rồi đem hạt ươm sau vườn
Ngày nào bé cũng ra đấy
Nhìn xem hạt nẩy mầm không?
Thế là đã gần một tháng
Một cái rễ nhọn chui ra
Bé vui và mừng khấp khởi
Vào nhà khoe với mẹ ba
Rồi hạt tự tách mầm ra
Những chiếc lá non nhỏ tí
Từng ngày, từng ngày trôi qua
Cây cao đã bằng đầu bé
Ngày nắng bé không quên tưới
Ngày mưa bé vun gốc vào
Như người bạn thân quý mến
Gặp bé cây cúi đầu chào
Bé mong một ngày cây lớn
Ra hoa kết quả thật nhiều
Bé hái một chùm quả ngọt
Đem vào tặng ba mẹ yêu…
Trên đây là các bài thơ thiếu nhi về các loài thực vật của Nguyễn Lãm Thắng mà chúng tôi muốn chia sẻ và giới thiệu với bạn. Thông qua các bài thơ này bạn có thể hiểu thêm về phong cách sáng tác của nhà thơ này. Và cũng hiểu được tại sao lại được yêu thích như vậy. Cụ thể, nhiều bài thơ đã được phổ nhạc và rất được các em bé thiếu nhi yêu thích. Đừng quên đón đọc các bài viết tiếp theo của chúng tôi để cùng cập nhật các bài thơ thiếu nhi hay nhất bạn nhé!
Theo Thuvientho.com