Home / Chùm thơ chọn lọc / Nguyễn Quang Thiều Cùng Tập Những Người Lính Của Làng Phần 2

Nguyễn Quang Thiều Cùng Tập Những Người Lính Của Làng Phần 2

Nguyễn Quang Thiều Cùng Tập Những Người Lính Của Làng Phần 2

Nguyễn Quang Thiều là một ngôi sao sáng chói trên thơ ca Việt Nam. Ông có một phong cách thơ độc đáo và mới mẻ khiến cho nhiều người phải trầm trồ ngưỡng mộ. Ông luôn hăng say và đầy nhiệt huyết trong việc sáng tác thơ ca. Chính vì thế ông có rất nhiều tập thơ vang danh và được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích

Tiếp nối bài viết trước thì ngay bây giờ mời các bạn đón xem những bài thơ còn lại trong tập thơ Người Lính Của Làng đặc sắc nhất nhé!

Chiếc bình gốm

Rộng mê man, sông Hồng, chảy bên kia giấc mơ

Tôi ra sông, tóc réo vang như lửa, bất tận trên cánh đồng Châu Thổ.

*

Vục tay xuống lòng sông, tôi dâng lên, xoè rộng

Phù xa nhễu dài – MÁU – chầm chậm và rên rỉ

Vục tay xuống lòng sông, tôi dâng lên, xoè rộng, ban mai ứa đầy

mí mắt tôi – bờ thứ ba màu mỡ bóng tối chuyển động.

*

Trộn máu vào phù xa, trộn ban mai vào hòang hôn, tôi nặn chiếc bình gốm

Chiếc bình chảy máu, men hoàng hôn chảy, men ban mai chảy, chảy phù xa

*

Tôi ra sông lấy lòng tay múc một miền nước lớn

Sông Hồng mê man rộng, chảy bên này giấc mơ

Lúc ba giờ sáng

Em đã thiếp ngủ,

Trên một thế giới đầy tóc.

Không ai phản bội em ngoài tôi

Không gì phản bội tôi

ngoài lòng tin của tôi trong sáng

Em đã mơ

Trên một thế giới đầy tóc

Đôi tai nhỏ – hai con thuyền không lái

Buồn bã chìm trong hải lưu đen

Em đã gọi

Trên một thế giới đầy tóc

Và trên một thế giới đầy tóc

Tôi đã .

Mỗi sáng tôi mở cửa

Những người đàn bà mang thai từ đâu đó mỗi sáng lại tụ về thành phố

Như những đám mây vất vả trôi

Tôi ngửi thấy mồ hôi những đám mây, tôi nhìn thấy vệt gân xanh những đám may

Và hơi thở gần ngày sinh nở

Đêm đêm những đám mây giạt về đâu

Trên những cánh đồng lúa nước, những ngọn đồi

Hay những vòm cây ngoại thành phủ bụi

Trong mơ tôi gặp họ ghé mắt qua cửa sổ

Vội vã xây những chiếc tổ con cho lũ trẻ ra đời

Sáng nay tôi mở cửa tìm kẽ trời xanh để ngắm

Gặp những đàn bà mang thai chậm chạp mệt nhọc hơn hôm qua

Những chiếc tổ con con như những chiếc áo rách vo lại rải rác trên bầu trời thành phố

bên cạnh những đám mây vàng, mây đỏ bay nhanh hơn sáng qua…

Ngôn ngữ tháng tư

Đã khóc, chìm vào mê sảng, và bắt đầu nức nở

những trên đầu ta mang số phận sẵn rồi

Em có thấy sau nước bầy cá bơi bằng đôi cánh đỏ

Sau than thở chúng ta là thầm thĩ của thiên thần

Đừng xa rời bóng tối chúng ta, và đừng nhắm mắt

Đừng cất tiếng trả lời bầy trẻ trên cao, mà chỉ thì thào

Đừng hình dung ngôi nhà, hãy hình dung giọng nói

Đang lớn dần từ đáy thẳm rừng xa

Chúng ta mang cơn khát lớn lao trên vòm trời

những chiếc lá không mùa trổ dọc cánh tay

Chúng ta lớn lên bởi âm thanh, bởi nỗi sợ hãi

Bóng tối bồi dần vào ánh sáng phì nhiêu

Chúng ta đang dần biến mất và một ngày bên sóng

Ta hiện ra – vật chứng của thiên đường

Nhưng lúc này anh không nghe thấy em hát, không nghe thấy em khóc

Anh chỉ nghe thấy em, tiếng đập cánh rã rời.

Những đám mây khổng lồ

Những đám mây vàng khổng lồ rền rỉ trong cổ họng bay qua hoàng hôn thành phố

không phải thành phố quê hương tôi, không phải bầu trời xứ sở tôi

Những tán lá quẫy lên không xào xạc

những cô trôi như băng không máy môi

Tất cả như trong quầy hàng rực rỡ

Tôi có 72 đôla Mĩ trong túi đi dọc phố mùa hè ngạt thở

Tôi có mấy người bạn đeo caravat nghe nhạc compact trong phòng máy lạnh

Tôi gặp những đứa trẻ người Việt chơi trong sân sứ quán

Như hình người trong trò chơi máy tính

Chạy đi chạy lại trên mặt bóng hình

Những đám mây vàng khổng lồ rên rỉ bay qua thành phố

Đêm nay trong mơ tôi đuổi kịp những đám mây…

Những người dậy sớm

Thức dậy từ bóng tối của nước, dòng sông

Chảy trong ban mai còn ngậm sương nằng nặng.

Những con gà trống ngủ bết sàn chuồng

Những cái cây đôi bờ ngủ rũ rượi

Những con chim ngủ thõng cổ đánh rơi đôi cánh của mình

Những con mèo mang bệnh mộng du giờ đã trở về

Trong góc bếp tro lạnh, ngồi liếm bộ lông ướt

Lặng lẽ chảy, dòng sông, kiên nhẫn và không ngoái lại

Chỉ những người chết đuối biết được, dậy sớm tiễn sông.

Những tượng đài cổ bên sóng

Ở đồ sơn năm 1995, có mặt những cái tên: Sài, Minh, Bích, Hoa, Hưng, Thiều, Chi, Hiền, Oanh, Hồng, Thanh, Hà, Hoan, Chung.

Và họ đã đến

Biển rền ngang buổi chiều

Họ rụt rè chạm tay vào sóng

Đôi mắt rụt rè hơn

Họ đến không để ngắm những cánh buồm

mà để nhớ lại

20 năm qua

Những gì họ chết và những gì họ sống

*

Dọc dãy bàn dài trong khách sạn

Phủ khăn trắng

Họ chậm rãi ăn

Và trong sự trôi dạt của kí ức

Hiện lên những chiếc bàn đá

Lạnh cứng những bữa tối

Ở một vùng trung du

Vọng lại tiếng mệt mỏi răng hàm

Và bóng tối rừng bạch đàn

Bò từ đỉnh đồi

Xuống con đường đất đỏ

*

Và họ đã đến

Sau 20 năm

Những ngôi sao mỗi lúc một ướt hơn

Và trong họ thì thầm không dứt

Biển rền rĩ bò gần đến họ

Họ trốn vào phòng ngủ

Những chiếc giường xếp thành một dãy

Những người đàn bà ngủ một mình

Nguyên sơ và thành thiện

*

Và trong rền rĩ tiếng biển trên đầu

những người đàn ông

Lặng lẽ bước dọc dãy giường

Vào lúc 12 giờ đêm

như một đội danh dự

trên quảng trường

Với một ý nghĩ

Những người đàn bà

Không bao giờ dậy nữa

Sau 20 năm

Họ tìm về bên biển

Để bí mật làm một cuộc chết

Và bí mật làm một cuộc tiễn đưa.

Thanh minh

Tưởng nhớ ông nội

Người nhìn về hướng tây

Nơi món quà của con ở đó.

Lướt trên mưa, một con đường sáng

Người nhắc con đi và chỉ một mình

Đe doạ trùm lên những cánh đồng không tuổi

Những con tim vào ngôn ngữ của thanh minh

Sự im lặng ra đi không có bờ dội lại

Con vẫn biết nơi sự im lặng cất lời

Con khắc vào âm thanh họ, tên xứ sở

và món quà in sẵn dấu tay con.

Tưởng niệm

Tưởng nhớ Joseph Brodsky

Chợt ánh sáng một ngày tháng Giêng

Cuồn cuộn qua cửa sổ

Gầm vang quanh chiếu giường

Và giấc ngủ của Người đã đến

Con ngựa đen khóc mãi bên gốc sồi

Và ngôn ngữ nửa sau thế kỷ

Cầu kinh trên dãy ghế dối lừa

Ô cửa sổ, bóng những lâu đài cổ

Chiếc đầu tàu hơi nước nằm im

Từ nghĩa địa những người Do Thái

Con đường lâu không có ai qua

Những cái chết được Người đặt tên, được Người giữ ấm

Mai táng Người vào ánh sáng tháng Giêng.

Văn bản lần thứ nhất

Về từ bên kia sông, từ đỉnh núi xa

đang ngủ hay đang chết trong mưa chiều tháng Bảy

Nước đang nói trên mái nhà trầm mặc

Đang chết hay đang ngủ, không cần phải dày vò

Cố kìm thêm chút nữa nỗi sợ hãi

Sấm rền vang, bặt tiếng gọi trên đồng

Hãy mở mắt từ từ nhìn qua bờ dậu thấp

Nhìn đến tận bên kia rêu phủ dọc chân trời

Không còn ai trên cánh đồng mù mắt

Bà tôi đâu, đòn gánh gãy đâu rồi

Sấm mất giọng, đỉnh núi già mất bóng

Mất hay còn, than thở để làm chi

Chỉ còn nước đang bò qua bậc cửa

Vừa bò vừa thăm dò sự im lặng của tôi

Nước đục quá, cá loạn đường của cá

Tôi viết tên tôi lên văn bản không đèn

Về những đồ vật có trên bài viết

Trong thầm thĩ mưa đêm, mùa hạ tạ từ

Thức dậy cánh cửa gỗ hơn mười năm mệt mỏi

Hơn mười năm, những viên an thần lăn đi rền rĩ

Tiếng nghiến vọng vào giấc ngủ bỏ hoang

Ngoài kia, những vòm cây sũng nước như đàn bà mang thai tháng đẻ

Nhưng tôi gần hơn chiếc kéo bằng inốc sáng choang

Tôi đánh cắp con bò tót đất nung, nhưng quên vuông vải

Hai lá phổi tôi có thay thế được trò chơi?

Xem thêm:  Bài thơ Không quên mùa tuyết trắng – Nhà thơ Nguyễn Đình Huân

Trong thầm thĩ mưa đêm, mùa hạ bị thương lê gót trên mái nhà

Tôi đi qua những cánh đồng ngôn ngữ khác nhau với cùng câu hỏi:

– Lông cánh của những con gà bị giết

Có phủi sạch bụi trên những con gà bằng sứ kia không?

Màu đen một

Hai màu đen nhìn nhau, chuyển động quanh một màu đen hình cốc.

*

Đứa bé gái rời cái làng trồng bắp cải ra đi trên lưng mẹ nó mười tám năm về trước. Trong địu nó ngủ, thức, khóc, chảy dãi và đái ướt một vòm đen vĩ đại khốn khó, hay rên khóc, nhưng không nguyền rủa. Ra đi như thiên thần qua bầu trời trắng. Đến xứ sở trắng, nó khóc như thổ huyết trên tuyết. Màu đen vĩ đại của nó cắt bánh mì đứt tay mở ra một cái miệng. Và cái miệng bé xíu chảy dãi đỏ thấm ướt ruột bánh mì. Nó lớn lên trên tuyết và nẩy hai bầu vú. Hai bầu vú lấp lánh như hai cây kim bọc trong vải tối màu.

Màu đen hai

Hoàng hôn bọc kín khu vườn, cộng thêm những màu đen.

Cầu thang gỗ đến giờ đau răng, rên rỉ.

Con chó trắng trong ngày thay lông, bóng tối phủ những mảng da trần đỏ.

Một màu đen khác và một màu trắng đang đi qua vườn, họ có một chiếc chìa khoá

Ngôi nhà gỗ lặng im, cố tình không thấy họ.

Trên lối nhỏ, họ dạt vào nhau, cố trộn lẫn nhau.

Màu đỏ trong màu đen kia làm đôi vai co lại hoảng sợ.

Màu đen trong màu trắng kia lục cục tiếng quan tài

Trong bóng tối đổ xuống khu vườn có tiếng áo sột soạt

Trong hương hoa hồng trái mùa có mùi thuốc rẻ tiền

Và kí ức – một màu đen – vẫn phủ ngợp những ngọn núi, cánh rừng và tiếng súng của họ

Gió thổi mạnh, những hồng bạch, hồng nhưng trái mùa, dạt vào nhau, hương trộn lẫn nhau.

Một người là mu bàn tay, một người là lòng bàn tay và họ có một chiếc chìa khoá.

Máu đang chia đều trong bàn tay, trong cả những móng tay

Ngôi nhà gỗ cắn môi, ổ khoá hóc chết chẹt một khoảng tối.

Con chó quay đầu tìm những mảng da trần đỏ đã trộn vào bóng tối

Những cơn ngứa của sự mọc lông không trộn được vào đâu.

Người cựu binh trắng đốt lên ngọn nến

Ánh sáng nến và màu da anh không trộn được vào nhau.

Trong màu trắng kia có một màu đen chuyển động bằng xích, bằng cánh quạt và thuốc nổ.

Người đàn bà màu đen không làm sao trộn mình vào ga giường trắng.

màu đỏ trong màu đen kia mọc lên cái gai cột sống.

Nến vẫn trắng để tắt, ga giường vẫn trắng để nhàu, và rượi vang vẫn trắng để cạn

Nhưng họ không thể trộn vào nhau, hai ám ảnh không thể nào hoá bột

Ngôi nhà gỗ cắn đến nát môi, vẫn cố tình quay mặt về hướng khác

Họ đã đi qua khu vườn trong bóng tối nhiều gió, những bông hồng trái mùa khóc họ.

Họ dạt vào nhau, dạt mãi… nhưng không thể nào trộn lẫn

Đấy là cái chết của họ. Và bây giờ màu đen lại được cộng thêm

Màu đen ba

Tiếng đập cánh bầy chim đổ xuống khu vườn

Cơn mưa tối của âm thanh dịu dàng, bền bỉ

Cầu thang gỗ đã ngủ, những răng sâu đã ngủ

Dìu dịu trên đệm ấm, cơn ngứa thay lông

Vọng về tù xa xăm, tiếng mê sang biển cả

Bầy hải âu, những hạt muối đen, tan trên đầu lưỡi sóng

Biển cộng những con tàu vào biển, nhưng không cộng được thuỷ thủ

Vòng về từ xa xăn và dừng lại trước bờ rào.

Dừng lại và khóc, và hát, và nói, và im lặng

Trong tiếng nghiến mềm mại của ghế mây, những nức nở êm đềm

Những ngón tay bò trong đêm như rắn? như giun? như những kiếp người?

Có thể bại liệt vì cóng trên từng đốt nhỏ

Bò đi, không chịu gục và không chịu sưởi

Bò đi và tự nóng rực lên, quặn xiết vào nhau

Những ngón tay đen như những mẩu củi khô cháy dở

Những ngọn lửa tha phương lầm lụi tìm về

Và bên thềm, chúng, hai màu đen ngóng cố hương, cố hương thở nặng

Tỉnh giấc trong khuya bởi màu trắng cơn mê

Cố hương xoã tóc đen đi trong gió trắng

Cố hương vật lên như sóng

Cố hương vùi mình như muối triệu năm

Và bên thềm, chúng, hai màu đen ngóng phía vòm cây

Tiếng chuông gió mang than thở của xứ sở nó ra đi trên đầu chúng

Trong góc phòng, bầy cá vàng đang giấu mình vào vùng nước tối

Những bức thảm Thổ Nhĩ Kì gõ bong móng ngựa trên đường về xứ sở, cát bay

Những trà Tàu mở mắt lá nhìn bình pha trà xa lạ

Những bò tót Tây Ban Nha đổi mùa khóc rống

Mang cơn mê được chảy máu đầm đìa

Đã thiu ngủ bầy chim trong giá lạnh, lạnh không mở được mắt

Những mỏ đen ngậm cứng lưỡi đen

Những vòm cây đã trộn vào nhau

Rễ trộn vào thân và lá trộn vào quả

Một bóng đèn chợt sáng, sáng như một tiếng nổ

Tiếng nổ trộn vào bầy chim, bầy chim trộn vào im lặng

Và bây giờ những đôi mắt cố trộn vào giấc ngủ

lưỡi cố trộn vào rượu và máu cố trộn vào tim

Biên giới cố trộn vào đất đai và cờ cố trộn vào áo

Như đã chết từ lâu, hai mảng đen, tự mình mai táng vào mình

Đấy là con đường sống của chúng. Và bây giờ quanh chúng

Vọng lên trên mênh mông tiếng rên rỉ thống thiết của sự trộn lẫn

Và tiếng ú ớ của sự chối từ trộn lẫn. Và có thể…

Và màu trắng

Lộng lẫy như lời cầu kinh, tuyết, trầm trầm đổ xuống

Miên man không bến bờ – một tiếng kêu câm

Đổ xuống, và không có gì chạy qua kịp, đổ xuống

Đang run lên, tận lưng trời, những đôi cánh tụ do

Đổ xuống, và hiện dần lên trong đêm, những đỉnh núi

Đang hiện lên những ngọn cây cao

Đổ xuống, đang hiện lên những ống khói

Những mái nhà tưởng không còn nhớ và những cửa sổ quên đóng

Đổ xuống, tuyết, như một con mắt đang mở

To dần ra và nhìn thẳng vào ngôi nhà

Không có gì cưỡng lại được cái nhìn của tuyết

Cả một chiếc giày trẻ sơ sinh lọt xuống gầm giường

Đổ xuống và những con cá vàng bất động trong bể nước

Những cái hôn dài mãi và đèn bàn bỏ quên không bao giờ tắt

Đổ xuống, mặt úp mãi vào gối, và cơn mơ vĩnh viễn lơ lửng

Đổ xuống, những bức thư mãi mãi trong hòm thư

Những giọng nói mãi mãi trong dây cáp

Đổ xuống, và hiện lên những hàng rào gỗ ngốc ngếch

Những viên đạn nằm mãi trên đường bay

Đổ xuống, tuyết, từ bất động xa xăm

Xa đến nỗi như đâu đấy ở trong, ngoại lòng bàn tay

Đổ xuống, và tất cả con đường lặng lẽ hiện lên âm bản

Đổ xuống, tất cả những tàu, xe dừng lại giữa cuộc hành trình

Hành khách vĩnh viễn ngồi trên ghế, và vĩnh viễn hộ chiếu mang theo

Vĩnh viễn không về đến nhà, vĩnh viễn chưa ra khỏi cửa

Đổ xuống, tuyết vẽ lại bản đồ thế giới

Và dưới tấm bản đồ trắng kia, vĩnh viễn viện bảo tàng.

Chương I

Nến được đốt lên sớm hơn mọi thế kỷ trước

Những vết rạn dương gian chầm chậm tràn tràn đầy

Ánh hoàng hôn – đấy bình minh linh ẩn

Dâng ngập những mái nhà, những vòm cây, những đỉnh núi u trầm

Đỉnh sáng dựng lá cờ khải ca, lá cờ bất tử

Lá cờ sinh ra không được phép thiếu ngày

*

Con đường của cái chết đẹp không bao giờ đánh lừa hướng đi của bóng tối

Nhịp chuyển động của cô đơn về ký ức hoang tàn

Mọc lên cánh đồng xanh phía thì thào cháy họng

Dào lên miền nhiệt đới ướt át, run rẩy đã từng khóc trộm

Trong hạn hán, cộng đồng nấu cháo những cánh buồm

*

Bầy ngựa bạch âm thanh mang thông điệp sự ra đi kỳ vĩ

Đôi mắt mở ra tạ lỗi lần cuối những đồ đạc thế kỷ

Và ở đấy, trong ngôi nhà sực nức mùi rơm hoàng hôn say ngắm

Người Nông Dân Già đặt tên những hành lý của mình

Và ở đấy, vọng lên từ đáy chén cổ, nơi trú ngụ những linh hồn rượu

Những Quốc Vương xưa tự đánh đắm mình

Vọng lên tiếng khởi nguyên chưa bao giờ ố nhục, chưa bao giờ chảy máu

Hòa vào bản kinh của cỏ trong vườn

*

Khởi xướng từ xứ sở bóng tối đang lan tỏa, những tiếng không phải tiếng

Rồi những tiếng ngập ngừng, rồi thanh thoát, và dâng khắp, vang vang

Hiện lên những gương mặt bị chia sẻ và lắp ghép

Tóc tìm tóc, tai tìm tai, mắt tìm mắt, và máu tìm lại máu

Những ống họng bị cắt đứt lần tìm và tự hồi sức

Và chảy trong thức tỉnh lần mò, và chảy trong mê man lộng lẫy

Xem thêm:  Những dòng stt buồn ngắn mang tâm trạng trong tình yêu và cuộc sống

*

Nến được đốt lên sớm hơn mọi thế kỷ trước

Vầng dương thổn thức trên cánh đồng vải liệm thơm tho

Có tiếng gõ lên cánh cửa vô hình và tiếng mở cửa vang xa

Lá sang sảng khua lên, và vang xa, không sao cầm được…

Khẽ cúi đầu, khẽ mỉm cười, trong vô bờ nhận biết

Người Nông Dân Già căng lên vạt sáng áo mình

Có con thuyền chở đầy trẻ con đổ xuống khu vườn

Tiếng đùa nghịch ào lên, rồi chìm vào đất

*

Nến được đốt lên sớm hơn mọi thế kỷ trước

Ra đi như giấc ngủ của cây, và hơn thế

Như tan chảy qua những kẽ tay kí ức, và hơn thế

Như hơi thở bất tận ẩm ướt và nóng hổi phủ trên Châu Thổ

Và hơn thế,

Ra đi… đó là ánh sáng

Dựng lên tất cả những cái thây của bóng tối đầm đìa

Chương II

Tiếng tù và trôi qua thế giới khói, biền biệt phía bên kia

Mở con đường hay mê ngủ, nức nở và cầu nguyện

Phía bên kia, những vầng mây không mang họ của nước

Chở lịch sử của chúng tôi nham nhở dọc chân trời

Và đã đến, bầy ngựa bạch âm thanh, mang theo di chúc

Phía bên kia, những miền không phân biệt, dựng lá cờ xương thịt

Dựng dưới chỏm tóc đen, dưới hàm răng sáng

Dựng lên…

một Cậu Bé, dựng lên nín thở

Bản di chúc đã đến, phía bên kia, bầy ngựa bạch rũ bờm

*

Phía bên kia, quanh bước chân Cậu Bé, hiện lên

Con chuột đồng loang loáng vệt đất nâu trên thế giới đắm mê của cỏ

Con chuột đồng bỏ quên công thức và nỗi khát thèm gặm nhấm

Con chuột đồng dừng lại, cắn môi bên bông hoa

Tù và trôi, tù và trôi, gọi tên thiêng của từng dòng họ

Con chuột đồng ra đi trên mùa màng khổ đau như ngày khởi sinh, như ngày tận thế

Con chuột đồng ngây dại nhìn những ngôi sao, lần đầu nhận biết

Những bí mật đau đớn của răng nanh thế kỷ không còn

Con chuột đồng tha thứ răng nanh trong khúc chia ly của thế hệ ngũ cốc.

Tiếng tù và cổ xưa… tha thứ… tha thứ… và khóc khẽ.

Bời bời.

*

Ở đó xoè những ngón tay, những con đường tin cậy trong im lặng

Lan rộng những hoa vân mầu mỡ bí ẩn đất đai

Ở đó đợi chờ trong tiếng rống và rì rầm tự nguyện

Những ngón tay đón đợi những ngón chân để không thể chết

Ở đó, những nấm mộ – những hướng dương âm bản thầm thĩ

Mọc về phía mặt người và tươi tốt

Bởi những giọng nói và uống chầm chậm những dòng tóc

Và ở đó, Cậu Bé trong tiếng gọi bản di chúc

Trên những đỉnh đồi vàng, thức dậy cổ xưa…

Chương III

Những ngón tay Người Nông Dân Già lặng lẽ trải ra

Trải xa mãi, xa xa… không bến bờ, bất tận

Đất đai muôn năm, đất đai không ân hận

Có ai đó run rẩy, tiếng vừa thức dậy

Cậu bé kịp về đón nhận sự trải dài của những ngón tay

Thổ ngữ gieo từ bàn tay Người Nông Dân Già vào bàn tay Cậu Bé

Cậu Bé chầm chậm mở vương quốc của mình và chầm chậm khép vào

*

Và lúc đó những dòng sông nước mắt bắt đầu tuôn chảy

Chảy về ngày mai, nơi hàng rào chân trời nở mãi mùa hoa lạ

Chảy về hôm qua phần sống của người

Trong chiếc áo những lối khâu giấu một nửa mặt chỉ

Quanh Người Nông Dân Già giờ đây

Dâng lên

Ngân lên

giàn giụa những cái tai – những hồ nước cạn.

Những ngôi sao vùi trong mây tối

Vừa nảy chồi xòe lá sáng lung linh

Và lúc này, lá phổi trong ngực người

Được giặt giũ, phơi phóng và gấp lại

Cất trong rương thơm kí ức lên mười

Và lúc này, người mặc lá phổi mới tay dài

Thường bay qua cánh đồng mỗi ngày cuối chiều

Và dừng lại trên đầu

Khâu lặng lẽ những hơi thở rách

Và lúc này

Ngôi nhà mang đời sống mới

Bữa tiệc tự do đang giục giã nhóm lò

Mang đời sống mới chiếc giường, bàn ghế, và cốc, chén

Trên dây phơi một đời sống mới, trên sân, lối ra vườn và rau cải đắng

Đời sống mới khua vang bát đĩa, trầm trầm củi khô, và háo hức ấm đun nước

Đời sống mới rạng ngời gạo, rực rỡ ớt và lấp lánh lưỡi mới của dao

Đời sống mới những gương mặt, những bước chân, những thì thào qua dậu

Những ngọn đèn sáng mới một đời sống và khói mới những nén hương

*

Người Nông Dân Già, và lúc này,

Đang tĩnh tụ. Đang trôi, và đang sinh nở

Trên cánh đồng vải liệm xôn xao

Âm nhạc đến với người – Âm nhạc không bao giờ bị vấy bẩn

Đến trong trống – linh hồn của kiêu hãnh, khát vọng mang cảm xúc vĩ đại

Đến trong nhị – Linh hồn những goá bụa chói sáng và nước mắt đẹp buổi tối.

Đến trong kèn – linh hồn những cổ họng chứa đầy ánh sáng bi thương

Bị chém đứt trong cơn phản loạn của phẩm hạnh ngôn ngữ.

Âm nhạc phủ miền cây lá xum xuê, nồng ấm quanh người

Âm nhạc tưng bừng mở những mùa hoa nến

Âm nhạc lùa gió từ mọi đỉnh núi, và nước từ đầu nguồn mọi con sông

Âm nhạc đến thổi ấm những tiếng gọi đã chết đột ngột vì lạnh

Và không còn gìn giữ, dọc châu thổ, không giấu giếm điều gì.

*

Và lúc này, Người Nông Dân già khép cửa ra đi

Còn lại bên thềm mắt vệt loáng ướt trăng

Đọng lại ngàn năm – muối của ánh sáng

Chỉ còn lại trên những ngón tay trải dài

Con đường vô tội của bài ca ngũ cốc

Và Cậu Bé đi gọi tên linh hồn đất

Bằng những cách gieo âm tiết của riêng mình

Chương IV

Những người đàn bà già của làng đồng phục màu nâu

Đến quanh Người Nông Dân,

Những cái cây mảnh mai, xào xạc

Tóc họ chói sáng, tung những tia trắng vô tận

Mắt họ mở một vũ trụ tối đến trong vắt và sáng đến u huyền

Họ ngồi xuống trong vòm sáng vang vang của nến

– Xin chào Người!

Họ cất tiếng và mỉm cười

Họ đung đưa như lá, như hoa, đung đưa như quả

Họ đung đưa như khói, như lửa và như nước sóng sánh

– Xin chào Người!

Họ cất tiếng Thời gian

Những ngày đổi mùa trên đất đai xứ sở

Họ cất tiếng và những cây lưu niên trong vườn quên đi lớp vỏ già của chúng

Những cái rễ lại bước đi và nhựa

Lại dâng lên tràn trề đỉnh đầu cây

– Xin chào Người!

Và bắt đầu họ hát

Bài hát về sự sinh ra và chiếc áo:

*

– Chúng ta sinh ra, chỉ có sinh ra…

Chúng ta sinh ra, non run rẩy, trong suốt run rẩy và chói lòa run rẩy

Chúng ta sinh ra, phủ ngợp phăng phắc, bền vững phăng phắc, và tinh kết phăng phắc.

Chúng ta sinh ra bằng các cách sinh ra

Chúng ta sinh ra bằng các cách sinh lại

Chúng ta sinh ra bằng các cách biến mất

Và những chiếc áo theo chúng ta

Những chiếc áo yếu đuối từng khóc ròng theo hai cánh tay buổi tối

Những chiếc áo kiên nhẫn và bạc nhược theo hơi thở chúng ta

Những tàn tạ, xum xuê, khởi xướng và kết thúc

– Chúng ta sinh ra, chỉ có sinh ra

Chúng ta sinh ra miên man, phủ ngập những cánh đồng cái chết

Chúng ta gửi vào cỏ cây, vào đất, vào nước

Vào những đám mây, những ngôi sao, vào những dãy núi

Chúng ta gửi vào ngôi mộ, vào cả mùa cải táng

Vào bóng tối. Chúng ta gửi, vào ánh sáng…

Vào chính hơi thở đã mất bởi chúng ta, đánh cắp bởi chúng ta

Và những chiếc áo mọc quanh chúng ta

Đấy những lá của chúng ta

Đấy hội họa, đấy kiến trúc – Những thẩm mĩ tội lỗi

Đấy reo vang của vải, đấy bệnh câm của vải

Đấy rũ rượi, căng tràn. Đấy giản đơn, tha thứ

– Chúng ta sinh ra, khúc rốn thời gian biền biệt

Chúng ta sinh ra khóc rống những dòng sông

Chúng ta sinh ra, lửa cháy mãi trong bếp, trên đồng, trên đỉnh núi không hề đứt quãng

Và những chiếc áo đại diện phía thị giác chúng ta

Những chiếc áo bị hành hình trên dây phơi mang ý thức của nước

Bay lên khỏi răng hàm của sự mục mủn

Bay lên và cười và nói

Ở mọi nơi chốn của Nhật Nguyệt

Chúng ta sinh ra….

sinh ra…

thanh đới hiện lên cầu vồng bảy sắc

– Xin chào Người!

Những vòm họng được cọ rửa

– Xin chào Người!

Và hoàng hôn rực rỡ

Có nỗi đau chưa nguôi trong tự do của vải

Đó là sự tự vẫn của may sẵn

Những chiếc kim vừa nguyền rửa vừa khâu dọc mí mắt

– Xin chào Người!

Và chiếc áo mới đang hình thành

Tà áo chạy qua hoàng hôn đắm mê, qua bình minh lưỡng lự

Cuối đường kim dội lại tiếng Người

Xem thêm:  Bài Thơ TUỲ DUYÊN – Ngạo Thiên

Chương V

Trong thống thiết, đắm mê, rền vang của trống, kèn và nhị

Chiếc quan tài dâng lên mãi, dâng lên… đám mây ngũ sắc

Lửa nếu reo cùng gió, những lá cờ của bản chất ánh sáng

Dâng cao mãi, dâng cao… con thuyền rồng trong hải lưu không gian cuồn cuộn

Những hồ nước mắt dâng đầy, những dòng sông nước mắt giàn giụa, không bờ bến

Cây hai bên đường dựng lên những lá cờ sáng bạc

Cậu bé đi dưới lá cờ chủ ngũ sắc, dẫn đầu

Những lá cờ đuôi nheo, những lá phướn, tươi ròng, chảy xiết trong gió

Hiện lên trong máu cậu bé con đường ngũ cốc

Hiện lên trong mắt cậu bé ánh sáng của ý thức diệp lục mới

Hiện lên thế giới những lá cờ tốt tươi trong giấc ngủ đất đai

Và âm nhạc dâng lên xứ sở

Bóng thể xác tan đi trong ánh sáng chan hòa

Những người đàn bà già của làng đồng phục màu nâu

Những trụ cầu mảnh mai, suốt đời bền vững

Họ dựng lên cây cầu

Và con đường vươn ra lộng lẫy

Cây cầu bắc mãi vào xa xôi, bắc mãi vào gần gũi

Cây cầu lan xa tiếng cười

Ánh sáng lướt qua những trụ cầu nâu

Và Người Nông Dân Già đi – vệt sao băng chói trắng

Những người đàn bà già ngước lên và hát

Lời hát sum vầy như đất vun, như thóc vun và như lá xum xuê

Họ hát từ chân lư đồng, ra bậc cửa, ra ngõ, ra con đường và ra vĩnh viễn

– Người đang đi. Kìa! Người đang đến

Con đường Người không thay đổi, không mở đầu, không kết thúc

Người đang đến. Người đang trở về

Con đường tinh kết. Con đường lan tỏa

Chúng tôi thấy Người trong Một và trong Vô vàn

Đâu cũng con đường… trong huyết, trong cốt

Trong cỏ cây, trong đất, trong nước và gió

Và trong những biên giới của hư vô chưa sinh nở con đường

*

Và Cậu Bé đi, chỉ nghe rung mười đầu ngón tay, tiếng chảy của máu lên cờ ngũ sắc

Đi qua những ngôi nhà đang sụp lạy, loang lổ hoàng hôn

Đi trong im lặng của riêng mình, nhưng nhẫn nhục không được phép lên tiếng

Đi như một trụ cầu mọc lên để đỡ lấy một giọng nói

Những người đàn bà già của làng biền biệt và bền bỉ, không thể nào gục gẫy

Những vầng trán khô sạch, hắt lên ánh sáng trầm

Những đôi mắt gìn giữ phần sáng xa xăm như lửa trên đồng sắp tắt

Đi và hương dậy thơm và răng đen lóng lánh:

– Con đường Người chảy thấu qua bóng tôi chúng tôi

Dậy lên cơn mơ, đằm thắm giấc ngủ

Nụ cười đổi ngôi lướt trên môi tối

Bóng đêm thay mùa vọng tiếng sột soạt ấm áp và quen thuộc

Và bình minh sang trọng đang phơi tóc trong bóng tối

Những mí mắt cổ, héo khô được tưới tắm, non tươi và ứ nhựa

Và cái nhìn không biết chớp nổ bung những vỏ mắt dày

Trong những hốc tối khổng lồ chúng tôi ngửa mặt

Nhìn con đường của Người, và chúng tôi đẹp chan hòa

– Con đường Người chảy thấu qua ngôn ngữ chúng tôi

Hồi sức những âm tiết đơn, sinh sôi đa bào

Mang ý nghĩa mới tiếng gọi, tái sinh mãi tiếng vọng

Ngôn ngữ máu minh chứng chúng tôi

Ngôn ngữ ánh sáng minh chứng con cháu chúng tôi

Chúng tôi ngước nhìn con đường Người và chúng tôi đẹp bền vững

*

Và Cậu Bé đi, trong tiếng đập rền rĩ của cờ ngũ sắc

Đập rung ánh ngày và vọng đến những cánh rừng đêm

Nơi những lá cờ đã say ngủ, quên cả mùa di cư, quên những con đường gió

Giờ dập cánh bay lên, lượn quanh cờ ngũ sắc, theo hình trôn ốc

Và Cậu Bé đi, không phải để dựng lên một lá cờ khác

Chỉ đi như một trụ cầu để đỡ lấy một giọng nói

Chương VI

Những phần sống ra đi, những quả đồi mọc lên

Mọc lên những quả đồi đã mười năm, một trăm năm, một nghìn năm và hơn nữa…

Mọc lên không buồn vui, không . Những quả đồi câm

Câm trước lãng quên, trước tưởng nhớ, trước chân thành, giả dối.

Những quả đồi…

Mọc trên mọi ý đồ, trên thù hận ngớ ngẩn, trên lòng sống sượng

Mọc trên mọi tội nghiệp, mọi ngạo mạn, trên cả sự phát khóc

Đã mười năm, một trăm năm, một nghìn năm và xa nữa…

Mọc lên dạy dỗ những phần sống hoang tưởng, những phần sống lang thang

Những phần sống cay đắng, ngọt ngào, những phần sống trong bản ghi nhớ

Những phần sống điên rồ sức lực để cứu chữa

Ngón tay thứ mười biến mất trước khi nhìn thấy

Cứu chữa ngón chân thứ mười một không lý giải và cái chớp chậm của mắt mù

Mọc lên những quả đồi, mọc lên… để cứu chữa những bí mật có công thức.

Và giờ đây đang mọc lên một quả đồi mới

Vẫn mọc những quả đồi, và còn mọc, mọc bạt ngàn

Sự cứu vớt quá ít ỏi và hiêu nghiệm, nhưng vẫn mọc

Mọc kiên nhẫn, không có gì kiên nhẫn hơn.

Mọc lên chầm chậm,

Chậm hơn cả sự mọc răng

Chậm hơn cả tóc mọc,chậm như sự nói thật của chúng ta

Và những người đàn bà già đồng phục màu nâu

Đi vòng quanh quả đồi mới mọc trên một châu thổ máu vừa biến mất

Những vòng, những vòng… đẹp hơn cánh lượn của chim phượng

Và trong bóng tối của máu, phun chảy địa tầng mới

Những vòng

Những Vòng

Họ hát

Bài hát gieo trồng vĩ đại nhất

Và bội thu trong mọi ngóc ngách bi thương, trầm uất này:

-Chúng ta gieo hạt. Chúng ta gieo hạt.

Sứ mệnh của chúng ta, sứ mệnh không bao giờ được nói trước.

Chúng ta gieo hạt, những ngôi sao đổi ngôi.

Đường bay của ánh sáng vang tiếng vỗ cánh bóng tối.

-Chúng ta gieo và đất đai mê man, đất đai bất động

Gieo vào giấc ngủ hạn hán – những vết nứt chúng ta

Gieo vàng giấc ngủ úng lụt – những tù đọng chúng ta.

– Chúng ta gieo vào sự chối từ, gieo vào cơn dị ứng

Gieo vào những hốc chân răng gẫy, những lỗ chân tóc rụng

Gieo vào những lỗ tai điếc, những lỗ mũi ngạt, vào những hốc mắt mù

Gieo vào giường ngủ, vào chăn chiếu, vào giày và tất

Gieo xuống những hôn phối, những ly dị, gieo xuống những cắt rốn

Gieo xuống những ngạt thở, những nức nở, những quằn quại rên xiết

Gieo xuống những kinh hoàng, những chui rúc trốn chạy, những cơn dại

Gieo xuống những bệnh đao, những máu trắng

Gieo xuống những bại liệt, gieo xuống những tự vẫn

Gieo xuống những bóng tôi mê man đang xiết bỏng cặp môi đen vào ánh sáng đầm đìa.

*

Những người đàn bà lượn như chim phượng, những vòng, những vòng…

Và rộng mãi tận cánh đồng bị lãng quên trên những bến bờ xa.

Họ gieo xuống, và ra đi…

Họ gieo chính họ, và không trở lại

Chỉ còn những dấu chân lớp lớp hoá vào đất

Chỉ còn lại trong gió thì thầm mãi khuya

Chỉ còn vệt nâu thẫm loang dài trên sứ sở

Chỉ còn lại trong đôi mắt buồn Cậu Bé, ánh sáng vô bờ

Và không ai lúc này nhìn thấy vết nối của ánh sáng.

Chương VII

Bóng tối gọi từ bên này đến bên kia cánh đồng

ngày của trống, nhị, kèn đã cài then cửa

Ngày của cờ ngũ sắc, cờ đuôi nheo, của phướn đã gấp lại

Hạt đã gieo và phục kín trên con đường độc đáo của đói khát và hy vọng

Sự nghi ngờ của đất đã trĩu nhẹ mí mắt và mũi đã thở đều đều.

*

Và Cậu Bé đến, bầu trời rền rĩ những ngôi sao đang mọc

Mọc cả những ngôi sao mù trong im lặng kim cương

Có tiếng rống khàn khàn những luống cày úp mặt

Và tiếng vật vã quen thuộc của nước trên những cánh đồng xa

và trên những điều kia, phủ phập cơn mê nỗi buồn số phận

Và trên cả nỗi buồn là giọng nói.

*

Cậu Bé đến sờ tay lên từng gương mặt mộ

và máu không bào giờ cũ, rống vang trên đầu những ngón tay

Rỗng vang đến vỡ họng, bởi nỗi sợ không được nghe thấy

Cậu Bé đến và mỉm cười.

*

Và giờ đây mọc lên một quả đồi mới, mọc lên một người bạn

Mọc lên không sụp lở bởi cơn mưa , khốn cùng

Mọc lên bên cạnh Cậu bé và lộng lẫy song đôi, và thấu hiểu song đôi

Và im lặng cùng nhau tròn sự đợi chờ của thế giới những lá cờ say ngủ.

*

Đêm vĩ đại và linh ẩn đã chuẩn bị con đường cho Cậu Bé

Những quả đồi tự xưng tên tuổi thật của mình

Tất cả thức dậy và đứng lên, những quả đồi bóng tối

Thức dậy không quờ tay tìm đèn và không cả ho khan

Thức dậy và rút những chân hương ra khỏi ngực mình

THỨC DẬY ĐỂ CHÀO ĐÓN MỘT GIỌNG NÓI

Trên đây, Thuvientho.com đã tiếp nối bài viết Nguyễn Quang Thiều Cùng Tập Những Người Lính Của Làng Phần 1 bằng những bài thơ còn lại trong tập thơ. Hi vọng các bạn có thể cảm nhận được nét nổi bật của ngòi bút tài hoa Nguyễn Quang Thiều. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này của chúng tôi!

Theo Thuvientho.com

Check Also

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Hoa cúc họa mi còn được gọi là hoa cúc dại hay là hoa cúc …