Bên cạnh việc dịch các bài thơ của các tác giả Trung Quốc, Bùi Hạnh Cẩn cũng chú trọng chuyển tải văn chương Việt Nam. Cụ thể ông đã dịch nhiều bài thơ của các tác giả nổi tiếng của Việt Nam như: Nguyễn Du, Trần Bá Lãm, Nguyễn Hoan… Đối sánh với Chùm thơ dịch Bùi Hạnh Cẩn phần 5 chúng ta cũng có thể thấy được những sự thay đổi đó.
Tam Liệt miếu – Nguyễn Du
Nàng Thái sinh con nàng Trác trốn
Tơ bay hoa rụng xiết bao tình
Ngàn thu bia đá nêu Tam liệt
Muôn thuở cương thường gộp một dinh
Dưới đất gặp nhau không mặt thẹn
Bên sông đâu nhỉ viếng hồn trinh
Thời bình bao kẻ lên râu thế?
Tán hiếu bàn trung tự bốc mình
Triệu Vũ Đế cố cảnh – Nguyễn Du
Bạo Sở cuồng Tần diệt tiếp nhau
Ung dung chào vái chủ nam khu
Tự vui mình cũng xưng hoàng đế
Giữ thiện còn thêm phục gã nho
Trăm thước đài cao nghiêng Lĩnh Biểu
Ngàn năm mộ cũ lấp Phiên Ngu
Đáng thương triều đại thay nhau đổ
Chẳng sánh man di một lão phu
Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu kỳ 1 – Nguyễn Du
Hai ngàn năm trước người hiền vắng
Đây vẫn còn lan chỉ nức hương
Nước tổ ba năm thương đày đọa
Sở Từ ngàn thuở nổi văn chương
Cá rồng sóng nước xương tàn hết
Đỗ nhược bên bờ nắm cỏ thơm
Mòn mắt thương tâm đâu đấy nhỉ
Gió thu lá rụng vượt Nguyên Tương
Trấn Vũ quán – Nguyễn Hoan
Đền cổ ven hồ nắng xế hồng
Rắn rùa thấp thoáng ánh gươm lồng
Ngàn năm thành quách khói bụi vẳng
Trăm thước lâu đài trăng nước trong
Trời bắc lạnh quang thu thích thú
Hồ Tây mù giải tối đêm không
Thăng Long cảnh vật nguyên như cũ
Chống đỡ trời cao nhớ mãi công
Du hồ kỳ 1 – Nguyễn Mộng Tuân
Gác điện im lìm mới xế trưa
Việc xong nào chốn hẹn câu thơ
Hồ Tây gần có nhà Trần đấy
Phần thuỷ ngâm chi Hán võ từ
Vàng tán gió cao cành liễu động
Đẹp cờ trời chuyển bóng mây đưa
Thì đem việc nước bàn sâu kỹ
Hà tất Bồng Doanh cố ý mơ
Du hồ kỳ 2 – Nguyễn Mộng Tuân
Lâu đài cung điện cảnh như tranh
Man mác lâng lâng thoả tính tình
Pha ráng ngọn bàng trời một sắc
Hoa lau lẫn tuyết nguyệt ba canh
Ánh hồ trong suốt sâu ba lớp
Vị quế hương bay khắp thị thành
Ơn đội phúc về nơi đế khuyết
Những mong ơn huệ thấu dân lành
Du hồ kỳ 3 – Nguyễn Mộng Tuân
Ngựa xe tấp nập mé tây thành
Man mác hồ thu điệu sáo sênh
Muôn khoảnh ngọc ngời trời một sắc
Chín trùng thắm đậm nước trong xanh
Oai nghiêm gang tấc phao câu nổi
Bãi vắng đê cao cánh nhạn quanh
Một chuyến theo hầu chơi bến nước
Mong cho đây đó thấm mưa lành
Trấn Vũ Quán – Nguyễn Tấn Cảnh
Hoa khói năm đời đã bụi trần
Non sông đền miếu mới vô ngần
Ai hay chày sắt sau mòn mỏi
Lại thấy kim cương hiển hiện thân
Quán hạc hồi chuông xua sớm tối
Đầm rồng khí kiếm động dòng Ngân
Nhìn xem xanh đỏ bao thần diệu
Cây cổ đài gương ánh nước xuân
Tây Hồ – Nguyễn Thượng Phiên
Tám lá khuôn vàng nửa hoá mơ
Đài cao sừng sững chốn danh đô
Thu về trời đất xinh vô hạn
Vẽ rõ non song cảnh chả mờ
Đêm vắng hồi chuông thu lẫn mộng
Trời cao ánh kiếm nguyệt cùng trơ
Hồ Tây muôn mảnh mênh mang nước
Cũng giống lòng băng giữa đáy hồ.
Hoạ Cao Mẫn Hiên du Tây Hồ – Phan Sĩ Ái
Ngồi nhớ Hồ Tây tháng hai trước
Gió xuân mang rượu liễu xanh bên
Lại về mũ kiếm ngày nao nhỉ?
Một biệt non sông cách mấy niên
Đài múa dòng Tô cùng khắc liễu
Phòng thiền ông Tuệ dáng thơm sen
Cố nhân chừng hiểu niềm xa cách
Tô điểm guơng hồ đáng vẽ lên
Ức Tây Hồ xuân cảnh – Phan Sĩ Ái
Hồ Tây một mảng nước trời thu
Khói nhẹ mù hơi tiếp bãi bờ
Chuông vọng chập chờn Hoa quán sớm
Ca chài qua lại Nguyệt đài trơ
Hài sen ai đó ngang bờ cách
Vó ngựa nào dong rặng liễu tơ
Một biệt yên hoa đâu chốn hỏi
Cố nhân nên có chuyến chơi đò
Lý Trung Xã – Phan Kính
Dân nếp Ân Chu trọng nghiệp nông
Lệ làng tế xã mọi nhà chung
Phần du không đổi nghiêm đền miếu
Biên đậu thơm bay lắm thức dùng
Mời chuốc đầy toà vui bõ lão
Cắt chia tại cỗ náu anh hùng
Mai ngày trai xóm nên lương tướng
Già trẻ ơn đều miếng đỉnh chung
Tây Hồ nhàn vịnh kỳ 1 – Phùng Khắc Khoan
Lãng bạc bờ tây vãn cảnh xưa
Hồ êm gương lặng nước êm ru
Quanh hồ đây đó làng chen chợ
Ngỡ dải dài sông uốn bến bờ
Tây Hồ nhàn vịnh kỳ 2 – Phùng Khắc Khoan
Đìu hiu bóng trúc lẻ thôn chòm
Dăm bảy nhà chài loáng nắng hôm
Sau buổi lưới câu say chén tối
Cổng sài buộc lỏng chiếc đò con
Đề toán viên phường sở cư bích thượng – Thái Thuận
Trường An bụi đỏ ngựa xe quần
Ta thích lều ta tự ẩn thân
Điện Bắc sách không đời chả bận
Hồ Tây trăng sẵn giúp thơ vần
Nổi chìm mình cũng nên vui sống
Vắng vẻ ai không tóc xoã trần
Tâm sự hiểu thêm Trần xử sĩ
Nội hoa chim hót đất trời xuân
Toán viên tự thuật – Thái Thuận
Ngàn thuở Trường An như giấc mộng
Tình đời núi cũ trái câu thề
Sáng theo cửa Bắc cùng chuông dậy
Tối đến Hồ Tây cánh vạc về
Thư xóm dưới đèn từng mở đọc
Mây thành trước gác sớm bay đi
Liễu cầu chưa nhớ nơi thăm lại
Câu cá bên hoa thú cực kỳ
Huyền Thiên quán – Trần Bá Lãm
Cánh hạc năm nào xa vắng quá
Trời nam nền cũ xám rêu phong
Làng hoa thấp thoáng còn in dấu
Luyện đá gò xưa nắng xế hồng
Khán sơn – Trần Bá Lãm
Trên núi am thiền cảnh vật sâu
Đầu non chợt nhớ chuyến chơi lâu
Cung xưa tượng báu nay đâu nhỉ
Giờ lại lên xem dễ thấy sầu
Nùng sơn – Trần Bá Lãm
Cảnh đẹp trời tô điểm đế châu
Non Nùng vẻ đẹp trước như sau
Mây bay cánh hạc về đâu nhỉ
Vẫn cũ cung đài sánh vọng lâu
Tam Sơn – Trần Bá Lãm
Núi Nùng sững mấy gò cao dựng
Mầu cỏ xanh xanh bóng trúc rườm
Chẳng nhớ năm nao xây cột ngọc
Còn lưu tấm đá loáng tà dương.
Thái Hoà sơn – Trần Bá Lãm
Đầu non trải mấy cỏ hoa thu
Chùa Phật lầu chuông cảnh đẹp lâu
Vốn chốn triều xưa tới ngơi nghỉ
Cung xưa nhớ lại cuộc hầu vua
Trấn Vũ quán – Trần Bá Lãm
Đã mấy trăm năm tượng cũ còn
Nguy nga đền miếu sững hoa thôn
Quỷ thần biến hoá ngàn năm kiếp
Mây gió lâu dài vững pháp môn
Uy Linh Lang tự – Trần Bá Lãm
Con người không sức cản lũ thác
Chuyển đá trời cao lấp suốt đêm
Lụt lớn trên sông ngăn lại được
Ơn thần đê cũ dựng ngôi đền
Vịnh Bố Cái Đại Vương từ – Trần Bá Lãm
Đâu cho quân Bắc hại sinh linh
Khảng khái anh hùng dấy nghĩa binh
Công đức như trời dài mến mộ
Ngàn thu sự nghiệp vẫn thơm danh
Vịnh Đồng cổ đàn – Trần Bá Lãm
Hoa sen tám cánh vừa tàn mộng
Thần núi nơi nào tự hiển linh
Trần Cảnh về sau dời vật báu
Xa nhìn đàn cũ cỏ còn xanh
Vịnh Tây Hồ – Trần Bá Lãm
Dòng trong núi đá cuốn trôi mau
Lãng Bạc, Đầm Sương trải mấy thâu
Chuyện cũ thịnh suy toàn giấc mộng
Sông hồ người tựa lá đò câu.
Trên đây là những bài thơ dịch tác giả khác của Bùi Hạnh Cẩn mà chúng tôi muốn giới thiệu với bạn. Qua đó bạn sẽ hiểu thêm về các tác giả Việt Nam nổi tiếng cũng như phần nào thể hiện được khuynh hướng văn chương và khả năng ngôn ngữ của nhà thơ này. Và cũng đừng quên đón đọc Chùm thơ dịch tác giả khác của Bùi Hạnh Cẩn phần 7 bạn nhé!
Theo Thuvientho.com