Home / Chùm thơ chọn lọc / Nhà thơ Huy Cận và những bài thơ hay đặc sắc để đời phần 3

Nhà thơ Huy Cận và những bài thơ hay đặc sắc để đời phần 3

Nhà thơ Huy Cận và những bài thơ hay đặc sắc để đời phần 3

Huy Cận cùng với các sáng tác lấy cảm hứng từ vũ trụ luôn được đánh giá rất cao. Và chính cảm hứng này cũng bao trùm các sáng tác thơ của ông. Chính những tập thơ này vẫn còn trải dài triền miên từ những năm trước và sau 1945 cho tới tận thời điểm bây giờ. Hãy cùng tìm hiểu các tác phẩm của Huy Cận hay nhất bạn nhé!

Gọi điện thoại

Mấy ngày không gọi cho em,

Tưởng chừng năm tháng nằm im bấy chầy

Nhớ cuồng lại gọi em đây,

Chờ em ra, đợi đầu dây bồn chồn

Cứ chi chớp bể mưa nguồn,ư

Nắng vàng, gió nhẹ cũng buồn tương tư

Tiếng đầu dây thực hay hư?

Nửa bên tai, lại nửa từ xa xăm.

Giọng em khe khẽ, trầm trầm

Anh nghe quen, tưởng nghe thầm trong anh

Bao ngày một thoáng vút nhanh.

Vắng em năm tháng cũng thành chiêm bao

Gửi bạn người Nghệ Tĩnh

Ai ơi, cà xứ Nghệ

Càng mặn lại càng giòn

Nước chè xanh xứ Nghệ

Càng chát lại càng ngon

Khoai lang vàng xứ Nghệ

Càng nhai kĩ càng bùi

Cam Xã Đoài xứ Nghệ

Càng chín lại càng tươi.

Ông đồ xưa xứ Nghệ

Càng dạy, chữ càng nhiều

Tính tình người xứ Nghệ

Càng biết lại càng yêu.

Ai đi vô nơi đây

Xin dừng chân xứ Nghệ

Ai đi ra nơi này

Xin dừng chân xứ Nghệ

Nghe câu vè ví dặm

Càng lắng lại càng sâu

Như sông La chảy chậm

Đọng bao thuở vui sầu

Ăn, xứ Nghệ ăn đặm

Đã nói, nói hết lòng

Đất này bền nghĩa bạn

Đất này tình thuỷ chung.

Đất này mẹ dạy con

Yêu anh hùng nghĩa khí

Giữ lòng đỏ như son

Nuôi thù sâu tựa bể.

Đất này đất Xô-viết

Đảng mở hội cờ hồng

Tự tuổi vàng đá biết

Mặn mãi tình công nông.

Tình xứ Nghệ không mau

Nhưng bén rồi sâu lắng

Quen xứ Nghệ quen lâu

Càng tình sâu nghĩa nặng.

Ôi xứ Nghệ, xứ Nghệ

Đất cổ nước non nhà

Đã trăm, nghìn thế hệ

Vẫn ưa nhút, ưa cà.

Dân thời đại Bác Hồ

Sống xã hội chủ nghĩa

Vẫn dáng dấp ông đồ

Hay chữ lại hay nghĩa

Ôi tâm hồn xứ Nghệ

Trong hồn Việt Nam ta

Có gì tự ông cha

Rất xưa mà rất trẻ

Giống như Bác của ta

Một con người xứ Nghệ

Một con người xứ Nghệ.

Gửi thế kỷ hai mươi

Kính tặng Anh Trần Đức Thảo, nhà triết học suy tư cùng thế kỷ

Rồi mai đây khi ngoảnh chào thế giới,

Đến phút tận cùng nhìn lại đường đi.

Ôi thế kỷ! Ngươi có gì tiếc nuối?

Có bâng khuâng khi cặp bến bờ kia?

Thế kỷ thông minh cướp quyền tạo hoá,

“Tranh sáng cùng mặt trăng, mặt trời”.

Bước mỗi bước tung nghìn phép lạ,

Nhãn hiệu “làm người ở thế kỷ hai mươi”.

Thế kỷ đau thương, hào hùng, náo nức,

Đập theo tim thế kỷ nhịp lòng ta.

Vũ trụ gây mơ để làm nên sự thực,

Đất nâng chân, trán đã chạm thiên hà.

Mang nặng đẻ đau biết bao hoài bão,

Người xung thiên xây bệ phóng cho đời.

Hy vọng lớn đã đi vào quỹ đạo,

Bảy mươi năm dễ chi bỗng tàn rơi!

Việt Nam, Việt Nam, Hồ Chí Minh muôn thủa!

“Không gì quý hơn độc lập, tự do”.

Mạch lịch sử đã ghi vào bộ nhớ,

Đã trăm năm trăm dân tộc mong chờ.

Một người ra đi để thương để tiếc,

Thế kỷ ra đi để trầm tích văn minh.

Cũng để lại khúc trường ca ca tiếp,

Nhớ mê say như ta lại nhớ mình.

Hoa giữa nắng

Hoa chanh cánh tím mùi hương thoảng

Nở góc vườn em anh nhớ dai

Thơ giữa cuộc đời, hoa giữa nắng

Du xuân con bướm quạt hương dài.

Hoa sấu bầy ong

Mấy hôm chiều lại cơn giong

Có lùm hoa sấu trước song, quên nhìn

Chiều nay mây tạnh nắng lên

Đàn ong quen – lại đến tìm lùm hoa.

Ôi hoa đậu trái bao giờ?

Bầy ong ngơ ngẩn một bờ sấu xanh.

Hôm qua ta gặp bạn mai sau

Hôm qua ta gặp bạn mai sau

Ánh sáng hồn hoa thả nhịp cầu

Giữa bạn và ta không khí thở

Niềm hương trong trắng ngại ngùng nhau

Xem thêm:  Bên cầu ánh sao - Nguyễn Thị Đức

Mà lòng bạn đẹp, lòng ta đẹp

Hai trái mùa xuân đậu nhánh đời

Mắt bạn ta đi vào mộng ngọc

Hồn ta bạn bước đến thiên thai.

Hôn em

Hôn em vị chết trên môi

Ôm em sầu não rơi đôi cánh tình

Yêu em anh thoát hồn anh

Nhớ em anh hẹn để dành mai sau

Hồn thuở ban sơ

Ảnh tuổi nhỏ ta vẫn còn giữ kĩ

Hồn năm xưa ta để lạc đâu rồi?

Ở đâu rồi những chùm thương, nụ ý?

Tháng năm tàn biết được kẻ trông coi?

Ta than khóc nỗi thời gian rụng héo

Và đời ta rụng lá thắm xuân đầu….

Hồn ta ơi! Sao mà em trong trẻo!

Suối em cười có lộng ánh ngọc châu.

Em đẹp quá bắt ta còn nhớ mãi

Lúc em vui thì sông núi hân hoan

Mỗi sáng sớm em nặn trời đất lại,

Làm ta tin chẳng có độ phai tàn.

Thực có chăng một bàn tay cao cả

Nhận đời ta từng phút một cất đi

Để đến mai sau hơi tàn xương rã

Trả cho ta hồn tươi sáng xưa kia?

Hỡi em yên lặng

Khi anh xin cưới, mẹ em rằng:

“Thu nó hiền thôi, ít nói năng”

Tự đó hai sông hoà một biển.

Nước liền với nước gắn bằng trăng.

Từ đó lòng anh cứ lắng nghe

Lời im trong mỗi bước em về,

Lời thầm trong mỗi câu em nói,

Trong mỗi làn tay em vuốt ve.

Khi anh mệt nhọc, khi anh đau,

Công việc anh lo, lửa nóng đầu

Anh cứ cảm nghe từ ánh mắt

Tình em ôm toả tựa hương ngâu.

Em hỡi, đời ai chẳng nửa thầm

Lặng yên mới có được vang âm

Tóc mềm sợi sợi nằm êm lắng,

Vạn suối lòng anh chảy trở trăn.

Rồi một ngày kia anh với em

Nằm luôn lòng đất giấc im lìm

Tai xương anh sẽ còn nghe ngóng

Hoa lá hồn em trong lặng im.

Huế vấn vương

Xanh mượt bờ xanh Huế, Huế ơi!

Cỏ cây đây đã hoá vườn trời

Người đi bước nhẹ không nghe tiếng

Mà nặng lòng yêu biết mấy mươi.

Huế hoa thiên lí mùi hương thoảng

Huế tím chiều thu dậy ước mơ

Mái đẫy câu hò ngân ánh nước

Sóng không trôi bởi luyến lưu bờ

Tuổi nhỏ đời ta Huế giữ không?

Cho ta xin lại những năm hồng

Cho ta trở lại ngày xưa cũ

Mới hái mùa thơ giữa độ bông.

Tình bạn tình yêu Huế khéo ương

Hoa xuân trái đậu tháng năm trường

Bâng khuâng nay nhên chiều giăng lưới

Bảng lảng lòng ai Huế vấn vương.

Hương đất

Chuồng bò bốc ấm mùi phân ủ

Mùi cỏ còn hăng xen cọng rơm

Nắng rọi phên thưa chiều rạo rực

Ngoài vườn luống cải hoa vàng đơm.

Mùi đất mùi phân nhuyễn với nhau

Mùi bùn vừa nạo dưới ao sâu

Chua chua ráp ráp mùi ngâm mạ

Nghe nứt mầm xanh mỗi tế bào.

Quen thuộc trời này với gió này

Chiều đông gió ửng những bàn tay,

Như nghìn ngọn lửa đang nhen nhúm

Cho một mùa xuân nhựa ấm đầy.

Khắc khoải

I. MÂY TRẮNG VỀ ĐÂU

Mây trắng về đâu mây trắng ơi!

Nhớ thương từng mảng ngáng chân trời

Yêu em anh muốn làm mây trắng

Khuya sớm tìm em bay tới nơi.

II. GẶP EM MỘT SÁNG

Gặp em một sáng trời se lạnh

Em đẹp hừng đông, anh choáng say

Bão dậy trong lòng chưa phút tạnh

Chiêm bao lẫn quất tháng năm này.

Lê Văn Hưu

Bà mẹ mang thai, sử nước nhà

Trăm đời trở dạ, bút thần sa

Gom hồn Đại Việt vào pho sách

Trầm tích từng trang thắm thịt da

Mắt Lý Công Uẩn

Mắt chứa thời gian, chứa không gian

Nhìn trước nghìn năm mắt địa bàn

Vạn dặm phù sa bồi lịch sử

Dời đô, đất nước đã sang trang

Mây trắng

Trời nóng đêm qua mây dậy ran

Ngỡ đàn trâu bạc phá tung ràn

Giữa hè ruộng vỡ mênh mông gió

Những luống cày xô nắng, chói chang.

Mẹ ơi, đời mẹ…

Mẹ ơi, đời mẹ khổ nhiều

Trách đời, mẹ giận bao nhiêu cho cùng

Mà lòng yêu sống lạ lùng

Mẹ không phút nản thương chồng, nuôi con.

“Đắng cay ngậm quả bồ hòn,

Ngậm lâu hoá ngọt!” Mẹ còn đùa vui!

Xem thêm:  Thời hoa đỏ (Thanh Tùng) – Nỗi bi thương cả một cuộc tình chưa trọn vẹn

Sinh con mẹ đã sinh đời

Sinh ra sự sống, mẹ ngồi chán sao?

Quanh năm có nghỉ ngày nào!

Sớm khuya làm lụng người hao mặt gầy.

Rét đông đi cấy đi cày

Nóng hè bãi cát, đường lầy đội khoai.

Bấu chân khỏi ngã dốc nhoài

Những chiều gánh nước gặp trời đổ mưa.

Giận thầy, mẹ chẳng nói thưa,

Vỉa câu chua chát lời thơ truyện Kiều.

Cắn răng bỏ quá trăm điều

Thuỷ chung vẫn một lòng yêu đời này.

Mẹ là tạo hoá tháng ngày

Làm ra ngày tháng sâu dày đời con.

Mơ cho đã

Giấc ngủ cuối đời không còn mộng nữa

Thì mơ đi, mơ nữa, tâm hồn ơi!

Hãy chiêm bao như cơm ngày hai bữa,

Để vun thêm sức đẹp cho đời.

Ta nhớ lại những mùa yêu quá khứ

Hoa xưa tươi, môi xưa thắm bao nhiêu!

Giấc ngủ chót sẽ như hầm sập cửa

Nên hôm nay ta mơ rộ, mơ nhiều

Mơ cho đã khi hoa chưa úa héo

Khi mắt em còn dắt nẻo đường mơ

Đời sáng tạo ra chiêm bao kì diệu,

Như con sông trôi phải có đôi bờ.

Giấc ngủ cuối đời không còn mộng nữa

Thì mơ đi, mơ nữa tâm hồn ơi!

Mùa hạ chín

Thân hình em là một mùa hạ chín

Anh như cây ngàn phủ bóng lên em

Mùa hạ đầy hương, hương rừng hương biển

Hoa đơm hương trên những lá cành chen.

Ôi mùa say nào gió nồng trong tóc

Gáy bâng khuâng như chiều lặn xôn xao

Em là nắng biển cồn cào rạo rực

Buồm anh si đi giữa những cù lao.

Mùa hạ chín. Cả mùa em anh thức

Mùa biển rong leo quấn những cành trăng.

Mưa xuân trên biển

Mưa xuân trên biển, thuyền yên chỗ

Tôm cá chắc đầy phiên chợ mai

Sắm tết thuyền về dăm khóm đỗ;

Đảo xa thâm thẩm vệt mưa dài.

Thuyền đậu thuyền đi hạ kín mui,

Lưa thưa mưa biển ấm chân trời.

Chiếc tàu chở đá về bến Cảng

Khói lẩn màu mây tưởng đảo khơi.

Em bé thuyền ai ra giỡn nước,

Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm.

Biển bằng không có dòng xuôi ngược,

Cơm giữa ngày mưa gạo trắng thơm.

Nén hương nhớ Bác

I. Hai chị em

Bà Thanh ra thăm Bác Hồ tại Bắc Bộ Phủ.

Chị đến thăm em là Chủ Tịch

Cho em thân thiết một bu gà.

Chị em băm bốn năm xa cách

Chuyện nước, tình quê: “Chị đó a?”

II. Bàn việc nước

Bác Hồ dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng đêm trước hôm Bác đi Paris hồi tháng 5-1946

“Tôi đi, cụ chớ lo chi cả.

Quyền nước, lòng dân: cụ ở nhà”

Hai chén trà khuya sương nhẹ tỏa

Một câu “bất biến” dặn phòng xa.

Ngã ba Đồng Lộc

Con ơi, bố về thăm Hà Tĩnh quê ta,

Bố kể con nghe về ngã ba Đồng Lộc

Trên mặt đất này có muôn triệu ngã ba

Và có nhiều ngã ba nổi tiếng:

Có những ngã ba nối những dòng sông lớn của

một đại châu, sóng dựng trùng trùng;

Có những ngã ba nối những con đường dài chạy từ các thủ đô to

Như những mạch máu khổng lồ

Trên thân hình trái đất

Trong đó mỗi con người là một hạt hồng cầu đỏ chói,

Có những ngã ba là nơi gặp gỡ của những dòng

văn minh lớn, đông, tây, kim cổ….

Tất cả những ngã ba trên, con có thể học biết

(trong sách địa dư, trên những bản đồ),

Mai sau lớn lên con có thể đến thăm và chụp ảnh nữa…

Xong rồi, con có thể quên

Nhưng con ơi, con chớ có quên ngã ba Đồng Lộc.

Trong đời mỗi người cũng có những ngã ba đường quyết định,

Trong đời mỗi dân tộc cũng có những ngã ba

Những ngã ba vận mệnh

Những cái nút trên dặm dài lịch sử

Gặp những ngã ba đời, con sẽ nghĩ suy

Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi

Con sẽ nhó đến ngã ba Đồng Lộc

Ngã ba Đồng Lộc:

Là ngã ba nhưng nào có phân vân

Nào có đắn đo do dự!

Là ngã ba trên chặng đường quyết liệt

Nhưng hướng đi đã quyết

Không phải cho một lần

Mà cho tất cả mọi lần

Không phải cho một người

Mà cho tất cả quê hương, đất nước:

Xem thêm:  Bài thơ Quảng cáo nghề – Nhà thơ Nguyễn Đình Huân

Hướng về Nam, một nửa mình Tổ quốc

Các ngã ba khác trên đời làm bằng nước, bằng

sông, bằng thuỷ triều lên xuống,

Hay bằng đá, bằng đất

Bằng xi măng cốt sắt

Bằng vôi trắng, gạch nâu

Bằng đèn xanh đèn đỏ đủ màu

Hay bằng những sự chênh vênh vấp ngã,

Nhưng ngã ba Đồng Lộc làm bằng xương máu.

Khi con về quê con nhớ viếng thăm

Mộ người cô kề bên đường đỏ.

Các cô như còn đứng đó

Chờ lấp hồ bom

Đường thông xe các cô mới đi nằm.

Các cô để lại tuổi thanh niên

Mười chín, hai mươi, hăm hai tuổi

Cho đất nước, quê hương

Hồn trong như suối,

Bình minh đời sáng rực vừng dương…

Con sẽ tìm thăm mời cô La Thị Tám

Từ trường học lại về trận địa đầu non

Đứng giữa đàn bò bê mũm mĩm

Trên sườn núi cao cỏ đã mượt màu xanh

Như mảng da non trên thân thể đang lành

Cô sẽ chỉ con xem

Những hồ bom loang lổ

Như đất trên mặt trăng

Mỗi thước vuông ba quả bom to bự

Cô sẽ chỉ con xem

Nghìn vạn điểm lăn bom nổ chậm

Cô từng đến cắm cờ

Mỗi lần chạy đua với cái chết.

Đôi chân cô nhanh hơn kíp nổ,

Cô là một ngọn cờ đỏ của quê ta.

Nghìn năm sau lịch sử sẽ còn ghi

Những năm tháng chiến tranh ác liệt

Nghìn vạn chuyến xe đi

Qua trái tim ngã ba Đồng Lộc

Máu qua tim máu lọc

Xe vượt ngã ba xe xốc tới miền Nam.

Và con ơi, bố ngồi nghĩ miên man:

Bạn bè ta trong cơn gió lốc

Hẳn cũng đang vượt những ngã ba Đồng Lộc,

Những ngã ba Việt Nam.

Dọc đường dài kẻ địch còn găm

Nhiều bom nổ chậm

Nhưng chẳng hề chi!

Khắp năm châu còn nhiều La Thị Tám.

Nhiều Võ Thị Tần

Đường sẽ thông xe đi về cách mạng.

Ngày thu trong

Ngày thu trong, tạo vật cũng làm thơ

Từng trang mây trắng ngọn bút gió đưa

Nước sông trôi tự soi gương từng bến

Viết một câu liền từ nguồn đến biển.

Và những hàng cây như những triết gia

Lá tưng bừng mà rễ nghĩ sâu xa.

Những bóng cây thoát tàn cây, trải khắp

Mát lưng đất những chấm mùa đậm nhạt.

Ngày đẹp giời, ngày cũng đẹp người

Mặt trời vui nhấp nháy mắt cười.

Gió thổi vần bằng, sóng dồi vần trắc

Chiếc võng thơ giữa hai vần dịu dặt.

Trẻ lại gió mây, trẻ lại bến bờ

Ngày thu trong, tạo vật cũng làm thơ

Ngày xuân nghĩ đến: Nguyễn Du – Hồ Xuân Hương

Ngày xuân nghĩ đến:

* Nguyễn Du

Mang nặng kiếp người vào một kiếp

Ôi Nguyễn Du da diết đau đời

Chúng sinh thập loại còn rên xiết

Trời, Phật làm thinh. Biết hỏi ai!

* Hồ Xuân Hương

Nàng Xuân Hương ngàn đời kỳ nữ

Đọ “cái hồng nhan với nước non”

Căm giận uất trời như sấm nổ

Quất phường giả dối, lũ vô lương.

Ngày xuân thăm chùa Trăm Gian

Trăm Gian biết trú gian nào?

Mai sau biết có được vào một gian?

Miễn là sống đẹp nhân gian

Về nôi vũ trụ ôn hàn lo chi!

Nghĩ cũng lạ…

Nghĩ cũng lạ: sinh ra chi tình cảm

Cho con người vương vấn với nhau chi

Chân dẫu bước mòn đường vạn dặm

Mỗi trạm đời vẫn nặng khối tình si.

Tình hoá đá là tình nàng Tô thị

Tình của ta sẽ cháy rụi thành tro.

Đá trên núi thức đêm dài giá lạnh

Tro tình yêu sẽ xông ấm bụi bờ,

Tim ta ơi! Đã cho ta vui vầy bao thuở

Cũng cho ta nhiều đau khổ một đời

Đau khổ thế, chứ đau nhiều đau nữa

Ta vẫn say được mang trái tim người

Trên đây là các bài thơ của Huy Cận hay mà chúng tôi muốn chia sẻ và giới thiệu với bạn. Có thể nói Huy Cận mang phong cách của một hồn thơ rất riêng. Ta có thể dễ dàng cảm nhận được điều đó thông qua các sáng tác trên. Và cũng như vậy nên cho tới cuối đời trong long nhà thơ vẫn tràn đầy nhiệt hứng về vũ trụ, về năm châu bốn biển.

Theo Thuvientho.com

Check Also

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Hoa cúc họa mi còn được gọi là hoa cúc dại hay là hoa cúc …