Home / Chùm thơ chọn lọc / Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và truyện thơ Dương Từ – Hà Mậu hồi 2

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và truyện thơ Dương Từ – Hà Mậu hồi 2

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và truyện thơ Dương Từ – Hà Mậu hồi 2

Nguyễn Đình Chiểu có nhiều tập truyện thơ Nôm hay đặc sắc, trong đó phải kể tới Dương Từ – Hà Mậu. Đây là tập truyện được bắt đầu sáng tác vào khoảng năm 1864. Đây là một tập truyện thơ dài gồm 3456 câu và phần lớn trong đó là thơ lục bát và có một phần thơ luật Đường. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu hồi 2 trong truyện thơ này của Dương Từ – Hà Mậu bạn nhé!

Hát rồi tay chống gậy lê,

Vai mang bầu rượu, lần về cõi tây.

Dương Từ đứng dưới bóng cây,

Hỏi rằng: Lão trượng làm thầy chi chăng?

Lão rằng theo thói làm ăn,

Người con mắt tục, ai rằng thầy ai?

Từ rằng: Tán, kiệu, mão, đai,

Ngôi cao, quyền trọng, đố ai không thầy?

Lão rằng: Ta ở chốn nầy,

Sáu mươi mấy tuổi, biết thầy nào đâu.

Thánh xưa, trước mặt khôn cầu!

May còn người đạo ở đầu Tây lâm.

Dương Từ nghe chữ “Tây lâm”.

Hỏi rằng: Phải kẻ đờn cầm, ca thi?

Chẳng hay người ấy tên chi?

Chẳng phen Sào Phủ, cũng bì Hứa Do.

Lão rằng: Khắp chốn giang hồ,

Ai ai chẳng biết Huyền Hồ tiên sinh?

Thấy ngươi ta cũng bất bình:

Cớ sao cạo tóc, làm hình thầy tu?

Từ rằng cám Phật ân sâu,

Không con mà lại cho cầu đặng con.

Lão rằng: Cầu Phật đặng con,

Xưa ngươi Bá Đạo sao còn lo sau?

Cầu con mà phải cạo đầu,

Xưa ông Tử Hạ còn sầu làm chi?

Từ rằng: Trót đã qui y,

Việc ta, ta biết, can gì tới ai?

Dốc lòng tìm dấu Như Lai,

Trước sau giữ một lòng trai chẳng sờn.

Gặp đây xin hỏi trượng nhân,

Cảnh chùa nào tốt, chỉ bần tăng đi?

Lão rằng: Chùa chẳng thiếu chi,

Hàn sơn, Lam thuỷ ít bì Thiên thai.

Thiên thai xa chốn trần ai,

Có chùa Linh diệu, có đài Âm dương.

Trong chùa lại có hai hang,

Một đàng Bích lạc, một đàng Diêm vương.

Thiên sư lòng muốn du phương,

Đông nam phía ấy là đường đi lên.

Dương Từ khăng khắng chẳng quên,

Tạ ân lão trượng, lòng bền ra đi.

Ngày xuân con én trì trì,

Tưởng câu “thuỷ tú, sơn kỳ” thêm vui.

Khói tan, ngút sạch, như giồi,

Miệng hang, khe đá, nặc mùi chi lan.

Rỡ ràng chín chục thiều quang,

Gió thanh, mây lặng, vẻn vang một trời.

Mảng coi phong cảnh nơi nơi,

Ác vàng chen núi, khó dời đường chim.

Trong non nhà cửa khôn tìm,

Dương Từ vào miễu, một đêm nằm nhờ.

Miếu môn vắng vẻ như tờ,

Tối tăm, chẳng biết trong thờ thần chi.

Họ Dương vừa giấc ngủ đi,

Chiêm bao lại thấy quân tuỳ bắt ngang.

Quân rằng Vâng lịnh Phán quan,

Chữ đề trong thẻ, đòi chàng hỏi tra.

Họ Dương hồn gượng theo ra,

Vào nơi công phủ: một toà nghiêm trang.

Ngồi trên thấy một ông quan,

Trước bàn hương án bày hàng bút nghiên.

Có người thơ lại ngồi biên,

Hai bên treo trống, treo chiêng, rõ ràng.

Trước sân lỗ bộ hai hàng,

Tả ban, hữu vệ, đứng giàn hầu xa.

Quân bèn dẫn họ Dương ra,

Trước sân cẩm thạch quì mà nghe tra.

Quan rằng: Thằng sãi bôn ba,

Tối nằm cửa miếu vậy mà hỏi ai?

Dám xưng rằng hiệu Thiện Trai,

Người trong Hoa hạ, hay người man di?

Tóc râu là dạng nam nhi,

Của cha mẹ đúc, can gì cạo đi?

Tổ tiên chút đã đền chi,

Vùa hương bát nước, nào khi phụng thờ?

Áo cơm còn nợ sờ sờ,

Lá rau con cá, ở nhờ đất vua.

Trốn xâu, trốn thuế, vô chùa,

Trong đời những sãi: thời vua nhờ gì?

Vợ chồng sao bỏ nhau đi?

Lời nguyền dường ấy dám khi quỷ thần!

Ba giềng chẳng đặng một phần,

Như vầy cũng tiếng là thân con người.

Để bây sống cũng nhơ đời,

Truyền quân đao phủ dẫn nơi pháp đình.

Họ Dương khiếp vía hồn kinh,

Dương Từ thức dậy nửa đêm,

Nghĩ thôi mới biết một điềm chiêm bao.

Gẫm trong cớ sự ngán ngao,

Cát, hung, chưa rõ lẽ nào thân sau.

Vầng ô vừa lố khỏi đầu,

Dương Từ vào miễu thấy câu chữ đề,

Ngó lên trên biển ngạch đề,

Rằng: Đường Hàn tử Xương Lê chi thần.

Than rằng: Đã hiển thành thần,

Ngay vua, nào nại tấm thân mất còn.

Lại xem đôi liễn sơn son,

Hai câu tương đối, treo còn tới nay.

Liễn rằng:

Một sách “Đạo Nguyên” loà mắt thánh;

Ba tờ “Phật Biểu” chát tai vua.

Dương Từ than thở, khen hay,

Người ngay lại có liễn ngay để đời.

Lòng son một tấm thấy trời,

Những đoàn gian nịnh đổi dời sao xong.

Cho hay người đặng chữ “trung”,

Dầu sau muôn kiếp, sắc phong, miễu thờ.

Vái rằng: Bần sãi ngẩn ngơ,

Lỡ đàng nên mới tạm vơ miễu thần.

Tạ ơn, bốn lạy kính dâng,

Chấp chi bần sãi, lạc chừng vân du.

Từ nay khỏi cửa công hầu,

Chim trời cá nước, mặc dầu ngưỡng chiêm.

Đi rồi nghĩ lại giận thêm,

Rằng đêm trong miễu thấy điềm chiêm bao.

Ghi lòng vàng đá, chớ nao,

Những điều mộng huyễn, nghĩ nào mà tin.

Đi hơn mười dặm đứng nhìn,

Đường về tây bắc cảnh in quê nhà.

Nghĩ mình từ thuở xuất gia,

Tới nay kể đã đặng ba năm trường.

Người: Thời chê lỗi cương thường,

Thần: Thời bắt tội, lỗi đường hiếu trung,

Biết tu mấy kiếp cho xong!

Làm người rất thẹn đứng trong cõi người!

Tu chi trời đất hổ ngươi,

Thần hờn, quỷ giận, sĩ cười, dân chê.

Tưởng đi, rồi lại tưởng về,

Về: Thời lại hổ bồ đề trong tay.

Xem thêm:  Hành Lộ Nan – Bài thơ đi cùng năm tháng của nhà thơ Lý Bạch

Tương, dưa, rau, muối, cơm chay,

Công phu uổng phí xưa nay cúng dường.

Đi: Thời lại sợ lầm đường.

Thế gian đàm tiếu mọi đường thị phi.

Dùng dằng: lỡ ở, lỡ đi,

Bàn lui, bàn tới, lẽ gì chưa xong.

Xảy vừa tới chốn tang trung,

Thấy tam kỳ lộ trong lòng sanh nghi.

Một mình đứng giữa tam kỳ,

Ngó nam, ngó bắc, đường đi chưa rành,

May đâu thấy một cổ đình,

Ở bên đường cái, hiệu “Thanh Phong Đình”.

Trong đình không thấy thần linh,

Để cho thương khách lộ trình nghỉ ngơi.

Dương Từ vào đó xem chơi,

Thấy câu liễn đối, thật lời cổ nhân.

Liễn rằng:

Đường đi ba ngã người Châu khóc;

Tơ trắng hai màu gã Địch than,

Dương Từ xem liễn đối rồi,

Trong lòng ngẫm nghĩ một hồi giải ra.

Giải rằng: đường có ngã ba,

Một qua bắc khứ, một qua năm hành.

Bàn rằng: Tơ trắng sạch mình,

Màu vàng cũng đặng, màu xanh chớ từ.

Làm người: nay thật, mai hư,

Lòng không quyết một, cũng như liễn nầy.

Hỡi ôi! chí dốc chơi mây,

Mùi thiền đã nếm bấy chầy cũng nên.

Giữ lòng kim thạch cho bền,

Chớ nghe lời tục, mà quên đạo mình.

Giã ơn câu liễn trong đình,

Khiến ta quyết một lòng thành đi tu.

Từ đây mới dứt dạ sầu,

Dốc tròn cửa Phật, chẳng âu tiếng người,

Thiên thai chùa ấy gần vời,

Dương Từ đón khách hỏi nơi cho rành.

Phút đâu trên đám dâu xanh,

Gió đưa tiếng hát, như hình có ai.

Hát rằng:

Đoái sông Nghiêu buổi chiều lặng sóng,

Lúc sang giàu dù lọng nghinh ngang.

Bến Hà châu đôi chim cưu đậu,

Buổi nghiêng nghèo có bậu, có qua.

Ngọn gió đưa một ngày một khác,

Ta nhớ người câu hát thể tần.

Bến đò xưa bạn đưa đã trống,

Xảy nhớ người thổi ống phụng sanh.

Dương Từ nghe tiếng hát rân,

Chơn bước lại gần, dựa nhánh dâu coi.

Thấy hai con gái mang gùi,

Hái dâu đã rồi, sắm sửa hồi trang,

Dương Từ nhắm vóc hai nàng,

Chừng vài mươi tuổi, dung nhan tầm thường.

Hỏi rằng: Kỳ lộ nhiều phương,

Lên chùa Linh diệu biết đường nào đi?

Đáp rằng: Hoà thượng hỏi chi?

Ta là phận gái, biết gì chùa đâu.

Để tằm, lo việc hái dâu,

Kéo tơ, dệt lụa, phận đầu nữ công,

Thầy tu muốn hỏi đường thông,

Phải tầm bà vãi, tây đông mới tường.

Ta nghe con gái nhà Khương,

Trẻ toan đĩ điếm, già đương tu trì

Có câu: “lão kỹ vi ni”

Mấy đường chay, mặn, cũng đi nếm rồi”

Nói thôi mang giỏ về xuôi,

Dương Từ còn đứng ngậm ngùi thở than.

Làm thân bà vãi gian nan,

Đã là đầu trọc, còn mang tiếng cười.

Gái kia chẳng chỉ đường nơi,

Đánh liều, phương nhắm phía trời đông nam.

Đi vừa tới Bạch vân Nham,

Có toà cổ miếu cổ, mây doanh bốn bề.

Ngó lên trên cửa chữ đề:

“Hiếu Từ” hai chữ, son phê chói loà.

Lại câu đối liễn treo ra,

Dương Từ trộm thấy, lòng đà sanh nghi.

Liễn rằng:

Đói rách lòng không hờn mẹ ghẻ;

Lạnh đau dạ chẳng trách cha lành.

Thấy câu liễn đối mà thương,

Cho hay: con thảo nhiều đường gian nguy.

Muốn vô coi tượng thờ chi,

Lại e linh ứng, như kỳ chiêm bao.

Trở ra, rồi lại trở vào,

Thấy câu liễn đối, đi sao cho đành!

Xảy nghe bên cụm cây xanh,

Có người đốn củi lanh chanh hát rằng:

Hát rằng:

Núi non đây nhiều cây nghinh ngáng.

Dọn trống đường nhờ cán búa ta.

Búa trong tay, liền ngày đốn củi,

Vui rừng trời tránh buổi loạn ly.

Cội cây yêm phải tìm núp bóng,

Mặc người đời dù lọng nghinh ngang,

Dương Từ nghe hát mấy lời,

Xăm xăm bước tới, thấy người tiều phu.

Hỏi rằng: Nhà cửa ở đâu?

Biết trong miễu ấy, công, hầu, bậc chi?

Tiều rằng: trong miếu Hiếu từ,

Thờ ông Mẫn tử thuở kỳ xuân thu.

Học theo đạo thánh ngày lâu,

Hiếu từ đức hạnh ở đầu tứ khoa.

Hết lòng thảo với mẹ cha,

Người ngoài cho đến trong nhà đều khen.

Thuở xưa đương lúc khó hèn,

Ấu thơ mẹ mất, cha bèn thú thê.

Từ ngày có mẹ ghẻ về,

Đẻ hai con nhỏ, cha kề ấp yêu.

Mẹ thương con ruột phần nhiều,

Ấm thân con ghẻ bỏ liều như không.

Đói, no, lành, rách, mặc lòng.

Ăn theo đày tớ, nằm cùng chăn trâu,

Tử Khiên không dạ oán sầu,

Phải sao hay vậy, trọn câu hiếu hoà.

Gặp khi cha khiến đẩy xa,

Thấy con áo rách, giận bà hậu thê.

Cha bèn vội vã trở về,

Trách bà mẹ ghẻ, toan bề để ra.

Tử Khiên than khóc, lạy cha.

Xin dung một mẹ, mới hoà ba con.

Rách, lành, chẳng sá một con,

Hai con thơ ấu, mẹ còn mới nên.

Thảo thân một tấm lòng bền,

Cảm tình, mẹ ghẻ chẳng quên con chồng.

Nhớ câu “hiếu để thành phong”.

Người trong nước Lỗ đều mong học đòi.

Sắc phong một thuở hẳn hòi,

“Hiếu Từ” hai chữ, dấu roi để đời.

Ta đây một họ cùng người,

Kêu bằng ông tổ ba mươi bốn đời,

Xem thêm:  Bài thơ Chỉ là chiêm bao – Nhà thơ Nguyễn Đình Huân

Từ rằng: Xin hỏi vài lời,

Người ta vốn thật dòng người trâm anh.

Sao không ra lập công danh,

Noi theo nghiệp tổ, hiển vinh mà nhờ?

Tiều rằng trước mặt sờ sờ,

Xưa qua, nay lại, dễ chờ đợi chi?

Đưa theo hai chữ “tương khi”,

Trên quyền, dưới lợi, đoái gì thiên luân!

Nước thời chia bốn năm phần,

Can qua chẳng biết mấy lần đánh nhau.

Trong thời gian nịnh giụm đầu,

Ngoài thời dua mị, đua cầu tham quan.

Chánh ra dữ quá cọp vàng,

Lòng dùng độc quá hổ mang, thuồng luồng.

Bốn phương mọi rợ luôn tuồng,

Nay giành ải hổ, mai ruồng ải lang.

Nơi nơi trộm cướp dấy loàn,

Lê dân hết sức, của tan chẳng còn!

Cõi trong trời đất thon von,

Khói mây đen nghẹt, nước non đau sầu.

Biết đời tam đại là đâu,

Gặp khi thúc quí phải âu lánh mình.

Từ rằng bờ cõi thinh thinh,

Chẳng tham danh lợi, lánh mình chớ lo.

Ở trong tạo hoá một lò,

Thiếu chi nghề nghiệp, bo bo theo tiều?

Tiều rằng: Cửa thánh gương treo,

Dùng đời chẳng đặng, thời theo đời dùng?

Khéo khôn ắt có mỏi lòng,

Mỏi lòng rồi lại mắc vòng hoả tai.

Thử coi con thú vật ngoài,

Như voi như cọp, mấy ai dám bì?

Voi kia cao lớn đen sì,

Cặp ngà vô dụng: can chi luỵ mình

Cọp kia nanh vuốt như binh,

Tấm da vô dụng: ai rình đâm chi?

Lấy trong việc ấy mà suy,

Những nghề đời dụng, ra gì xưa nay!

Ta nhờ cán búa trong tay,

Theo nơi rừng bụi, tháng ngày thảnh thơi.

Bữa dùng một gánh củi trời:

Cá, cơm, rượu thịt, tháng ngày cũng no.

Giữa câu”phù ngưỡng” bo bo,

Kỉnh thờ trên dưới, miễn cho xong mình.

Xin đừng hổ với thần linh,

Cùng người đừng thẹn, uổng sanh trong đời.

Xin đừng khi dối lẽ trời,

Cũng đừng trốn lánh việc đời thời xong.

Dương Từ nghe nói hổ lòng,

Khen rằng: Lão trượng thật lòng hiền xưa.

Ta đà lánh cõi mây mưa,

Cớ trêu tấc dạ, lại ưa mùi thiền.

Thiên thai dốc kiếm chùa tiên,

Chưa thông đường sá, dám phiền chi ta.

Tiều rằng: Có chỉ nam xa,

Chớ lo đạo lỗi, lo ta lầm đàng.

Đây đi xuống bến Châu giang,

Ngang qua sông ấy, lên đàng Thiên thai.

Dương Từ vội vã trở hài,

Từ biệt non đoài, nương gậy thiền đi.

Dưới trời nhiều vật so my,

Nghĩ ra nhiều thói dị kỳ mà kinh.

Những người ngay thẳng đều vinh,

Thân tuy đã mất mà danh hãy còn.

Bảng vàng, thẻ bạc, chữ son,

Bao nhiêu vinh hiển, là con nhà hiền.

Tiều phu là đứa không tiền,

Gẫm trong lời nói có duyên hơn vàng.

Hỡi ôi! mấy kẻ giàu sang,

Mảng tham vui sướng, quên màng thân sau.

Dương Từ đi đến sông Châu,

Ngẩn ngơ nào biết đò đâu đưa mình.

Ngó lên trên khúc sông quanh,

Thấy bên vực thẳm có manh cô bồng.

Một người đứng giữa khoang lồng,

Khua chèo miệng hát, gió lồng tiếng vang.

Hát rằng:

Bến sông Châu, vực sâu, cá ở,

Thương người hiền gặp thuở loạn ly.

Nước vận quanh, bãi gành chảy cạn,

Thấy anh hùng hoạn nạn khá thương!

Chiếc thuyền câu, đậu đâu nên đó,

Nước ly loàn, giàu có màng chi?

Dương Từ nghe tiếng hát kỳ,

Bước lên trên vực, coi thì thể nao.

Mình hơn tám thước rất cao,

Mặt đen râu quắn, khác nào võ phu.

Dương Từ bước xuống ngư chu,

Xin đưa qua bến, sẽ âu hoàn tiền.

Ngư rằng: Người ở chùa chiền,

Đi đâu nên nỗi, mà phiền ta đưa?

Nhắm hình chẳng phải người xưa;

Lánh nơi hoạn nạn, tới trưa lỡ làng.

Ta nghe trong chốn Lư giang,

Có ông ngư phủ đưa chàng Ngũ Viên.

Lại nghe đình trưởng dừng thuyền,

Chở ông Hạng Vũ qua miền Ô giang.

Hai người vì bởi lánh nàn,

Một lo rửa oán, hai toan rửa thù.

Sợ đời bắt kẻ tóc râu,

Nào ai bắt đứa trọc đầu làm chi?

Nói rồi ra lẽ thị phi,

Dễ đưa qua đó, tiếc gì công ta.

Cầm chèo thong thả đưa qua,

Dương Từ, đến bến, tính ra tiền đò.

Ngư rằng: Lòng chẳng bo bo,

Phòng tham tiền bạc so đo với người.

Trót đà làm phải trên đời,

Ngàn vàng chẳng báu, một lời rất sang.

Từ rằng: Ta tiếc cho chàng,

Chẳng phen lương đống, cũng trang anh hùng.

Nghe rằng nước Tấn chinh đông,

Cầu đặng võ sĩ ra công can thành.

Cớ sao chẳng xuống Tây kinh,

Phò vua giúp nước, lập danh để đời?

Cá tôm đặng mấy mươi lời,

Theo nghề chài lưới, quên nơi sang giàu?

Ngư rằng lời khéo phỉnh nhau,

Ai từng khát nước gối đầu bờ ao?

Người nay có khác xưa nào,

Đất dày thăm thẳm, trời cao mù mù.

Bốn mùa thành quách làm xâu,

Dân gầy, nước ốm, mỡ, dầu, cũng khô,

Thấy đời danh lợi biến phô,

Khác nào con chấu nhảy vô vòng đèn.

Từ rằng: Xưa sách còn khen,

Công thành danh toại, ai bèn chi ai?

Ngư rằng: Xưa đấng hiền tài,

Lập thân há chẳng biết tài bảo thân.

Dầu vinh cũng tiếng nhân thần

Trâu cày ngựa cỡi, cái thân ra gì?

Chớ ăn lộc nước đời suy,

Bẫy chim, lưới thỏ, e khi mắc nàn.

Trối ai ra sức muông săn,

Một mai hết thỏ, chúng ăn tới mình.

Sao bằng một cõi an sanh,

Sông sâu vực thẳm, ai giành chi đây?

Sẵn dòng chèo quế một cây,

Thuyền mang một chiếc, đỡ ngày hôm mai.

Theo sông khúc vắn khúc dài,

Năm ba sợi nhợ, một vài cần tre.

Xem thêm:  Bài thơ Bốn mươi vẫn dại khờ – Nhà thơ Nguyễn Đình Huân

Đêm trăng ngày gió, bạn bè,

Vui câu hát xướng, buồn ve rượu đào.

Thả trôi gành hạc, bãi ngao,

Thú vui non nước, mặc dầu nghinh ngang.

Cá tôm sẵn lộc trời ban,

Phận đà no đủ, còn màng của chi?

Nói rồi thong thả chèo đi,

Dương Từ khen đó tính ky lâu dài.

Than rằng: Thương đứng anh tài,

Sanh không gặp thuở, khó nài thân sau:

Hỡi ai lộc trọng quyền cao!

Thú hèn cũng có anh hào, chớ khinh.

Họ Dương từ thuở đăng trình,

Trải chơi non nước sự tình biết bao.

Đi hơn nửa tháng lao đao,

Đến nay mới thấy đường vào Thiên thai,

Thiên thai một cảnh an bài,

Dương Từ mới tới, ở ngoài động môn.

Lúc nầy người ở động môn,

Tên là Hà Mậu, trí khôn, người hiền.

Theo cùng ông Lý tri Niên,

Từ non Tùng lãnh vào miền Thiên thai

Đi đà hơn nửa tháng dài,

Phút đâu lố thấy gần ngoài động môn.

Tri Niên, lừa thả bên non,

Cùng ngươi Hà Mậu đều lòn cửa hang,

Hai người ra khỏi cửa hang,

Đến nơi động khẩu gặp chàng họ Dương.

Họ Hà, họ Lý, họ Dương,

Ba người gặp hỏi, mới tường tánh danh.

Niên rằng: Tiên cảnh rất linh,

Họ Dương ngươi hãy ở đành lại đây.

Chờ ta tới trước am mây,

Lên chùa Linh diệu thăm thầy Lão nhan.

Dương Từ nghe nói vội vàng,

Thưa rằng xin đó đem đàng ta đi.

Niên rằng: ngươi vốn thiền sư,

Tới nơi tiên cảnh cầu chi chăng là?

Từ rằng: nghe tiếng đồn xa,

Rằng chùa Linh diệu một toà ở đây.

Niên rằng: Linh diệu chùa này,

Vốn không thờ Phật mà lây tới thiền.

Từ rằng không Phật, có Tiên,

Xin cho đặng thấy, phỉ nguyền chơi mây.

Niên rằng: Hai gã ở đây,

Để ta tới trước Động Mây một giờ.

Lâu, mau, sao vậy cũng chờ,

Cho tin xuống rước kịp giờ sẽ hay.

Niên rằng: Đường lên trên thầy,

Mây tuôn mù mịt đá vầy nhỏ to.

Dương Từ Hà Mậu đều lo,

Ngồi trong cửa động lò mò hỏi nhau.

Mậu rằng: Tiếc đó đi tu,

E khi cửa Phật công phu lỡ làng.

Ta nghe Phật ở Tây phang,

Vốn người mọi rợ, luân thường chẳng ưa.

Lại nghe tam đại đời xưa,

Dân an, nước trị, Phật chưa bày hình,

Đến năm đời Hán Vĩnh Bình,

Sứ qua Thiên Trúc rước kinh Phật về,

Tới sau Lương Vũ rất mê,

Lập chùa tượng cốt, chuyên nghề sử trai.

Nguỵ, Trần, Tề, Tống đến nay,

Đời đời nào cũng trọng thầy sa môn.

Trên vua đến dưới dân thôn,

Đua nhau kính trọng một môn phù đồ,

Quì hương, chẩn tế, nam mô.

Tới lui tăng đạo, ra vô Phật đường,

Bao nhiêu theo đạo Tây phương.

Phước lành chưa thấy, tai ương tới mình,

Trên thời nghiêng nước nghiêng thành,

Dưới thời nhà cửa tan tành xiết bao!

Phật linh mấy cứu ai nào,

Người na sao hãy lòn vào Thích gia?

Từ rằng: Ngươi chớ giấu ta,

Đạo nào nên trọng, nói mà nghe chơi?

Mậu rằng; Ta trọng đạo Trời,

Tới nay đã đặng năm đời Gia tô.

Từ rằng: “Theo đạo Gia tô

Chuyện không sách vở, nói phô miệng tày.

Chúa Trời đã có đức hay,

Sao giăng thập ác, chân tay đinh xiềng?

Chúa Bà đã có đức hiền,

Sao đầu đội máu, đít liền ngồi chông?”

Họ Hà nghe nói động lòng,

Nước mắt ròng ròng, rằng: “chớ nói chơi!

Cám ơn đức Chúa trên trời,

Thương dân dưới đời, chịu tội cho dân.

Cám ơn nước Thánh muôn phần,

Có tội mấy lần, đều rửa sạch trơn”.

Từ rằng: “Trời một Ngọc Hoàng,

Ở trên thiên hạ, sửa sang muôn đời.

Ngươi xưng rằng: “Đức Chúa Trời”,

Trời sao lại mắc vào nơi cực hình?

Chẳng hay ai bắt tội tình,

Có trời nào nữa, hay mình Du di,

Ngươi rằng: “nước Thánh rửa đi”,

Sao không rửa trước để chi khổ mình?

Du di đã mắc cực hình,

Còn ai làm Thánh luyện bình nước cho?

Tội dân Trời đã chịu cho,

Làm vua trong nước nào lo trị đời?”.

Mậu rằng: “Trời cứu con Trời,

Ai không về đạo, tội thời trối thây”.

Từ rằng: “Nghe nói tiếng nầy,

Chúa Trời hẵn ở nước Tây rõ ràng.

Dân đều về đạo Hoà Lan,

Đời còn phải sắm khám đàng nhốt ai?

Ta nghe bên huyện Tôn Nhai

Có người đạo trưởng mang tai ngồi tù.

Nào bình nước Thánh để đâu,

Không đem rửa tội, để cầu người lo?

Lấy trong việc ấy mà so,

Trời đông, nam, bắc, khác đò trời Tây”.

Trên đây là tập truyện thơ hay của Nguyễn Đình Chiểu viết trong tập Dương Từ Hà Mậu. Qua đó ta có thể hiểu thêm về phong cách của nhà thơ này. Bởi mượn câu chuyện này, tác giả muốn nói lên thái độ của ông với Đạo Phật, Công giáo Roma – điều mà ông không tán thành. Đừng quên đón đọc những bài viết tiếp theo của chúng tôi để cùng cập nhật những bài thơ hay bạn nhé!

Xem thêm:Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và truyện thơ Dương Từ – Hà Mậu hồi 3

Theo Thuvientho.com

Check Also

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Hoa cúc họa mi còn được gọi là hoa cúc dại hay là hoa cúc …