Home / Chùm thơ chọn lọc / Nhà thơ Nguyễn Duy và tập thơ Đường xa (1989) phần đầu

Nhà thơ Nguyễn Duy và tập thơ Đường xa (1989) phần đầu

Nhà thơ Nguyễn Duy và tập thơ Đường xa (1989) phần đầu

Nhà thơ Nguyễn Duy được đánh giá cao bởi những người yêu thơ. Với tập thơ này ta có thể cảm nhận rất rõ mạch cảm xúc của nhà thơ. Bởi đó được đánh giá không phải bằng các mốc thời gian cụ thể mà nó được ghi dấu bằng các chặng đường: Đường làng – Đường nước – Đường xa – Đường về. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các bài thơ hay của nhà thơ Nguyễn Duy trong tập thơ Đường xa dưới đây bạn nhé!

Chút thu vàng

Gửi I-ra

Se se một chút

mình sang với bạn, sang cùng thu sang

Bạn đi như sự lỡ làng

mùa thu đi trước lá vàng theo sau

Buồn vui đâu cũng giống nhau

lẻ loi kim tước chân cầu ngủ mơ

Vàng long lanh chóp

cánh chim ngoan đạo lửng lơ ngang trời

Rừng phong đã chớm thu rồi

vàng rơi trên mái tóc người đi qua

Ruột gan hoang vắng miền xa

hiu hiu ngọn gió nhớ nhà lạnh tê

Mải ham hố chén u mê

hư vô chặn mất lối về như chơi…

Đường xa

tặng vợ và con

Đường ta xa lắc xa lơ

đường người ảnh ảo bến bờ mờ xa

Bể dâu từ độ băng hà

nỗi buồn cũ kĩ rợn qua chân trời

Mấy đời xương trắng hóa vôi

tro tàn âm ỉ mấy thời chiến tranh

Mấy ai yên giấc ngon lành

hồn ma dã thú loanh quanh cõi người

Thôi ta về với mình thôi

chân trời đành để chim trời nó bay

Trông người xưa ngẫm người nay

đường xa nghĩ nỗi sau này… cũng kinh

Gặp một trẻ

Chiều Vê-Đê-En-Kha

ngẩn ngơ người lính Nga

à, chú mày còn non hơn thằng em út ta

Chú mày đẹp như một dáng cây cảnh

cây xương rồng nhú gai

lúc cần có thể làm bờ rào

Để ta nhớ lại xem nào

trang sách cũ mùi thuốc súng khét lẹt

hình như ta đã gặp

ông nội chú mày trong đại chiến thứ nhất

ông già chú mày trong đại chiến thứ hai

Chú mày đẹp như cây xương rồng nhú gai

Ta từ phương Nam lên thăm phương Bắc

chú mày tân binh ta cựu binh

để ta kể vài câu chuyện trận mạc

Mà thôi

ta kể về miệt vườn nhiệt đới

ổi rất thơm và xoài chín rất vàng

lá dừa xòe xanh nắng chói chang

Mỗi phút thanh bình thật đắt giá

làng quê ta vừa qua thời tàn hoang

những giọt máu nặng như chùm quả

Thanh bình thay chiều Matxcơva

ta muốn nói to một lời chúc thật thà

chúc chú mày cứ đẹp như cây cảnh

và, lạy trời

không bao giờ phải ra trận…

Gặp một ông vua xưa

Những bức tranh quí giá hơn vàng

những căn phòng vàng, bảo vật vàng

những tượng vàng lóng lánh ánh nến cháy…

tất cả nói

siêu bảo tàng Héc-mi-ta-giơ

cung điện Mùa Đông siêu lộng lẫy

núi vàng ròng bên sông Nê-va

Chói lọi huy hoàng lọt thỏm góc đơn sơ

phòng gỗ sồi không sơn phết không chạm trổ

lỉnh kỉnh đồ nghề của ông… vua Nga

Xem thêm:  Bài thơ về nắng mùa đông được yêu thích nhất của nhà thơ Thúc Hà

Lắng nghe

từng vật nhỏ nhoi nói giọng khàn rè

Cái bào nói

ngày xưa… nước Nga nghèo xơ xác

người ấy vừa làm vua vừa làm thợ

Cái cưa nói

ngày xưa

ta cùng người ấy ngả gỗ dựng thành phố

Cái com-pa nói

ngày xưa

ta cùng người ấy lang thang đi học nghề

Cái búa nói

ngày xưa

ta cùng người ấy đóng tàu viễn dương

Cái thước nói

ngày xưa

ta cùng người ấy làm nên các cỗ máy

Cái đục nói

ta tạc vào gỗ sồi già

tên người ấy là Pi-ốt Thứ Nhất

Gỗ sồi gài nói

ta ngẫm suốt từ ba trăm năm qua

làm vua hết mình cũng vất vả thật!

Bút lông ngỗng nói

ta ca ngợi chiến bào và cung kiếm Pôn-ta-va

ta ca ngợi đồ nghề cổ lỗ – lũ chúng ta

từ đó mà có nước Nga bây giờ

cung điện vàng và Héc-mi-ta-giơ…

*

Tôi thầm nói

kính chài Đại Đế

pho tượng đồng uy nghiêm, con ngựa đồng ngạo nghễ

chính pho tượng của Người chưa nói được gì cả

về người thợ khổng lồ bên dòng sông Nê-va

Giã từ A-rê-khô-vơ…

Tặng Minh – Long

Thôi em về… tôi đi

đưa nhau mà làm gì

Bạch dương ga xép buồn hun hút

buồn song song chạy suốt mấy hàng ray

gió thổi nghe như tiếng người thở dài

Ai đưa em lìa đất nước?

có chúc nhau đi chân cứng đá mềm?

Chân trời lạ đến rờn rợn

quê người – cây cầu vượt chênh vênh

em đứng đưa tay ngược chiều gió buốt

áo em phồng thành lá buồm xanh

Chạnh nhớ cánh buồm xưa côi cút

tìm gì ở chốn xa xôi

bỏ gì ở lại chính nơi quê nhà…

*

Thôi em về…

mặt tôi tê vì môi em tái

lòng có nguội cồn cào cho ấm lại

mưa song song ướt má em rồi

Tôi đi

lỡ một chuyến tàu

Thế là xa một người không gần gũi

không dám hẹn có khi nào trở lại

không định trước điều gì trong câu nói

những con đường không đưa tới đâu

*

Thôi em về

tôi đi

Úp mặt vào kính cửa tàu chợ

nhìn nhau qua hơi thở

Bóng em nhòe ngoài kia

hình nét trong trí nhớ

kiếp song song còn gặp phía chân trời

Lẩm bẩm mãi lời giã từ vô nghĩa

A-rê-khô-vơ ơi…

Khúc hát hoà bình

tặng nhà văn M. Tka-chốp

I.

Anh đọc tôi nghe những trang Sự Thật

quái quỉ chưa

nhân loại vẫn ưa chơi trò ảo thuật

chỗ này chiến tranh

và chỗ kia ca ngợi hòa bình

Máu cứ chảy ròng ròng nhiều thế kỷ

không thế kỷ nào thiếu người chống chiến tranh

Súng cứ nổ râm ran trên mặt đất

mặt đất râm ran muôn giọng hát hòa bình

Tuổi trẻ anh sặc sụa khói bom

tuổi trẻ tôi ngập trong lửa đạn

bây giờ

ta rung đùi uống bia trên tháp cao Ốt-tan-ki-nô

lắm nơi xa đang là trận mạc

Những mặt báo rộng như mặt đất

lốm đốm châu Phi… Trung Á… Ni-ca-ra-goa…

khói lửa dòng tin như đám cháy nhà

Nhà ta yên lành, trái đất đã yên đâu

Pa-let-stin vết bỏng mặt địa cầu

người chiến binh tự tay vãi xương mình ngoài mặt trận

họ chỉ là nạn nhân mà thôi

Thủ phạm chiến tranh

còn sống hoặc chết rồi

đều là kẻ và láu cá

II.

Thời đại nào cũng đẻ ra người điên

Xem thêm:  Bài thơ Trăng Sáng (Diễm My) – Bài thơ thiếu nhi dễ thương

phá hủy bao nhiêu đền đài và của cải

giết thịt biết bao nhiêu đồng loại

điên-chiến-tranh thành thứ bệnh di truyền

Người xưa từng điên nhiều đời huyết chiến

điên nhiều năm…

điên nhiều tháng…

điên nhiều ngày…

lửa vẫn cháy mà cây xanh vẫn biếc

Thời hạt nhân này chỉ cần điên một giây!

Điên-hạt-nhân chỉ cần một giây

đủ đốt sạch sành sanh toàn thế giới

không còn anh…

không còn tôi…

không còn nhân loại

trái đất ư, có thể cũng không còn

Ta thanh thản hay giả vờ thanh thản?

sợi thần kinh hay là sợi dây đàn?

trái đất mấy tỉ năm vững chãi

có thể thành trái bóng bay mỏng tang?

III.

Ta rung đùi uống bia

cách mặt đất gần nửa ki-lô-mét

trên đầu ta – ăng ten đài truyền hình

trên cao nữa – trạm thông tin vệ tinh

trên cao nữa – tàu con thoi và ga vũ trụ

trên cao nữa là các vì tinh tú…

Khoảng cách hữu hình đang thu hẹp dần

sóng điện vô hình đang sục sạo không gian

nền văn minh này đang đi tìm nền văn minh khác

người trái đất đang mong gặp người ngoài trái đất

ước mơ hoang đường xưa đang thành sự thật…

Ước mơ bây giờ lại hao hao sự thật thuở hoang sơ

không quân đội, không cảnh binh, không biên giới

loài người hồn nhiên hòa thuận vô lo…

Buồn thay

vẫn sự thật đắng cay

quốc gia kia đối địch quốc gia này

nhóm người ấy tiêu diệt nhóm người khác

người trái đất với nhau sao còn nhiều khoảng cách?

Khoảng cách vô hình biết san lấp sao đây?

dòng nhân điện làm sao điều khiển được?

làm sao chặn một cơn điên bất chợt?…

IV.

Ta bỗng lửng lơ giữa trời và đất

lướt qua ta bụi mây trắng xốp

cốc thủy tinh lấm tấm ngấn bọt bia

Tôi và anh cùng nhỏ bé nhường kia

biết làm gì bây giờ?

Ta cứ nhập vào giàn đồng ca trái đất

dù giọng anh chua chua và giọng tôi chan chát

gân cổ lên

cùng hát khúc hòa bình

Cuồng nhiệt

kéo mọi người gần lại

mong con người bớt căng thẳng thần kinh

Mong mặt báo trên toàn mặt đất

thơ tình thôi

và tin tức những

Trong đất

Ta bay lên trời

và hình dung một lần chui xuống đất

mười thước… ngàn thước… mười ngàn thước

còn có thể bay lên cao hơn

liệu có thể xuống sâu với chiều cao đảo ngược?

Cung điện ngầm… ga mê-trô…

các anh hùng và các nhà thơ

Pu-skin… Mai-a-kôp-xki…

Cu-tu-dôp… Ki-rôp…

Những tên người sâu trong lòng đất

thành tên đất sâu trong lòng người

Dòng người âm vang – dòng nước ngầm

chảy xuyên qua những bến bờ ngầm ấy

bờ hoa cương tên vàng vĩnh hằng

Ngửa mặt hình dung trần gian cựa quậy

bàn chân ai thờ ơ như kiến ngứa mặt mình

bàn chân nào trầm tư… bàn chân nào dồn dập

bàn châm mất rồi bỗng động đậy hồi sinh

Dấu chân ứa giọt gì không phải nước

từng giọt rơi xuống khoảnh khắc rùng mình

Mặt đất trên mặt ta rung rinh

thành phố sống mấy khoảng đời dữ dội

mấy lần xây lên… đổ sập xuống mấy lần

lửa đạn tan đi… màu cây xanh tồn tại

vương triều mất đi… nhân dân còn lại

Xem thêm:  Xứng tình dân góp đá - Nguyễn Huy Dung

còn lại anh hùng và còn lại nhà thơ…

Bay lên trời… từ giã mùa thu Nga

tâm tưởng ta mộng du lòng đất

Mat-xcơ-va ngầm trong Mat-xcơ-va

Trước tượng đài Ki-ép

Nắng vàng đón thiên nga về phương bắc

váy áo phong phanh nhan sắc thắm lạ lùng

cành lá mới ngả ngớn trời lụa bạch

rối cả chiều cơn gió mông lung

Cỏ xanh mướt bên bờ Đơ-nhi-ép

ai ngả lưng ai lặng lẽ cúi đầu

thương cảm lăn tăn mặt sông vảy cá

ta với người có xa lạ gì đâu

Như tỉnh giấc con thuyền vàng Ki-ép

tháp vàng xưa buông thõng một lần chuông

xác ướp vương hầu lạnh cổ mộ

quắt queo bao u buồn

Sao Người mẹ phải cần khiên và kiếm?

một Pôn-ta-va mấy cõi chiến trường?

quằn quại những con đường dĩ vãng

lót chân người dằng dặc máu xương

Lịch sử dấu tro tàn trong cẩm thạch

dấu cơn mưa nước mắt thấm trên đồng

người chết trận chết oan chết đói

hồn hiện về làm hoa bên sông

Ơi bà mẹ tìm gì quanh bia đá?

hiu quạnh hoàng hôn đổ dốc lưng già

đi mỏi gối kiếp người đâu cũng vậy

kỳ quan nào không hắt bóng xót xa

Vô tư quá nụ môi hoa cẩm chướng

quệt qua ta một vết âu sầu

cỏ xanh mướt bên bờ Đơ-nhi-ép

ta với người có xa lạ gì đâu…

Trước tượng Pu-skin

Kim loại xuất thần

từ trường thơ run rẩy hoa vô danh

Chiếc bóng linh hồn phảng phất đá trầm tư

phảng phất tình yêu – – hận thù…

Tiếng tim người thình thịch đâu đây?

lởn vởn đâu đây viên đạn chì Đăng-tếch?

Với Lép Tôn-xtôi

Có một người ở Tu-la

ngôi mộ cỏ cánh đồng hoa cúc vàng

già đời đau nỗi thế gian

chọc trời khuấy nước từng trang… không già

Có một người ở Tu-la…

Trắng… và trắng…

Lần đầu gặp tuyết trắng

bạc tóc người xa nhà…

Ối giời ơi… nõn nà chưa

bột trinh bạch đấy – trời vừa rây xong

hình như gò trắng phập phồng

bao nhiêu con gái ngủ trong tuyết dày

Ối giời ơi… nõn nà thay

bình tâm bốc trắng lên tay mà cười

đã quen lem luốc bụi đời

tìm trong tuyết có bụi trời li ti

Ối giời ơi… nõn nà ghê

màu trong sạch đến khả nghi là thường

cô đơn tiếng quạ nhểu buồn

đàn chim di trú tha hương phương nào

Ối giời ơi… nõn nà sao

bàn chân lóng ngóng đặt vào nơi đâu

trắng tinh – trắng toát – trắng phau

ngó qua thấy đẹp ngắm lâu rợn người

Buột mồm kêu ối giời ơi…

tiếng kêu chìm giữa tuyết rơi im lìm

trắng chang chang nhức mắt nhìn

người đâu để vết chân in nhập nhòa

Nhập nhòa xương xẩu bao la

mùa đông tuốt hết thịt da rừng dày

mùa xuân biệt xứ lâu ngày

để hàng cây bạc lông mày chờ mong

Lạnh lưng nhớ trũng cánh đồng

gió mùa đông bắc thổi trong xương người…

Trên đây là các bài thơ hay nhất của nhà thơ Nguyễn Duy mà chúng tôi muốn chia sẻ và giới thiệu với bạn. Thông qua các bài thơ này bạn có thể hiểu thêm được về phong cách sáng tác của nhà thơ này. Nó gợi lại những ký ức với những năm tháng đã trôi qua. Để rồi nó vang vọng khắp không gian từ quê hương cho tới các vùng đất xa lạ. Đừng quên đón đọc các bài viết tiếp theo của chúng tôi để cùng cập nhật những bài thơ hay nhất bạn nhé!

Theo Thuvientho.com

Check Also

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Hoa cúc họa mi còn được gọi là hoa cúc dại hay là hoa cúc …