Home / Chùm thơ chọn lọc / Nhà thơ Nguyễn Duy và tập thơ Mẹ và Em (1987) phần 2

Nhà thơ Nguyễn Duy và tập thơ Mẹ và Em (1987) phần 2

Nhà thơ Nguyễn Duy và tập thơ Mẹ và Em (1987) phần 2

Nguyễn Duy là một nhà thơ với nhiều sáng tác đặc sắc đã được đông đảo các bạn đọc đón nhận. Thông qua các bài thơ này bạn có thể hiểu thêm về phong cách sáng tác của nhà thơ. Đó chính là tình cảm dành cho người mẹ đáng kính, mảnh đất quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên. Đó cũng chính là những cảm xúc của nhà thơ dành cho địa danh nơi mình đã có cơ hội đặt chân qua. Đó cũng chính là những nội dung có trong tập thơ Mẹ và Em 1987 mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn.

Lời ru con cò biển

Con cò bay lả bay la

bay từ châu thổ bay qua thuỷ triều

Con sò, con ốc, con nghêu

ngửa trên bãi biển như trêu con cò

Đò ai như ngẩn như ngơ

cò bay trắng cả một bờ đại dương

Mênh mông không một cánh buồm

toàn ghe gắn máy với xuồng đuôi tôm

Đáy giăng, lưới quét, sóng chồm

lấy ai làm bạn sớm hôm với cò

Xa khơi hơi nước phủ mờ

con trâu ở tít tận bờ tre xanh

Bắt con tép giữa bãi sình

cái chân đen đủi, cái mình trắng phau

Cũng là phiêu dạt theo nhau

về đây – chót mũi Cà Mau – gặp cò!

Mai rồi lại hát à ơ

con cò lặn lội bên bờ đại dương…

Ánh trăng

Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với biển

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỷ

Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa

Từ hồi về thành phố

quen ánh điện cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường

Thình lình đèn điện tắt

phòng buyn-đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn

Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng

Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình

Nghe tắc kè kêu trong thành phố

Tắc kè…

tắc kè…

tôi giật mình

nghe

trên cành me góc đường Công Lý cũ

cái âm thanh của rừng lạc về thành phố

con tắc kè

sao mày ở đây?

Sáng ra nhìn soi mói mỗi cành cây

chả thấy con tắc kè đâu cả

khi chùm đèn thuỷ ngân xanh lên trong vòm lá

tắc kè kêu như tiếng vọng về

Chợt hiện về, thăm thẳm núi non kia

dưới lá là hầm, là tăng, là võng

là cơn sốt rét rừng vàng bủng

là muỗi, vắt, bom, mìn, vực sâu, đèo trơn…

Những đoàn quân đi xuyên Trường Sơn

ngủ ôm súng suốt một thời tuổi trẻ

đêm trăn trở đố nhau:

bao giờ về thành phố?

con tắc kè nhanh nhảu nói: sắp về!

Sắp về!…

sắp về!…

người bạn tôi rung võng cười khoái trá

ấy là lúc những cánh rừng trút lá

mùa khô năm một nghìn chín trăm bảy tư

Ăn tết rừng xong

từ giã chú tắc kè

chúng tôi xuôi – ào ào cơn lũ đổ

các binh đoàn tràn vào thành phố

đang mùa thay lá những hàng me

Lá me vàng lăn tăn trải thảm phố hè

chồi xanh lăn tăn nơi đầu cành run rẩy

cơn gió thoảng chút hương rừng đâu đấy

hạt mưa đầu mùa trong suốt giữa lòng tay

Người bạn tôi không về tới nơi này

anh gục ngã bên kia cầu xa lộ

anh nằm lại trước cửa vào thành phố

giây phút cuối cùng chấm dứt cuộc chiến tranh

Đồng đội, bao người không “về tới” như anh

nằm lại Cầu Bông, Đồng Dù, và xa nữa…

tất cả họ, suốt một thời máu lửa

đều ước ao thật giản dị:

sắp về!

Qua hai mùa thay lá những hàng me

cái tết hoà bình thứ ba đã tới

chao ôi nhớ tết rừng không hương khói

đốt nhang lên

chợt hiện tiếng tắc kè

Xem thêm:  Bài thơ Chúc bố bình an – Nhà thơ Nguyễn Đình Huân

Tôi giật mình

nghe

có ai nói ở cành me:

sắp về!…

Lời ru đồng đội

Ngủ đi bạn, ngủ đi anh

cánh tay mình ngả ra thành gối êm

ngủ đi bạn, ngủ đi em

ngủ ngon giấc ngủ gối lên tay mình

Hiếm hoi cái giấc yên lành

hành quân xa lại tiếp hành quân xa

bao anh lính trẻ đã già

chưa sang hết suối chưa qua hết rừng

Ngủ hầm, ngủ võng, ngủ bưng

gối đầu tay ngủ cầm chừng mỗi đêm

có người ngủ thế thành quen

đã nghe sợi tóc bạc trên tay mình

Trong hầm biên giới Tây Ninh

lặng yên mình ngắm lính mình ngủ yên

bụi đường trắng tóc thanh niên

má này thì lại áp lên tay này

Trái tim đập ở cổ tay

tim ta ru giấc ngủ đầy cho ta

cánh tay cặp khẩu AK

ngày là bệ súng đêm là gối êm

Ngủ đi anh, ngủ đi em

ngủ ngon giấc ngủ gối lên tay mình

Thơ Tết

Đề tranh Tết “Lý ngư vọng nguyệt”

Di chúc người xưa để lại đó thôi

con cá xoè đuôi như người xoè quạt

mặc kệ kiếp rong rêu bùn nước

cứ lững lờ ngắm một vầng trăng

Tết ở vùng quê lụt

Lụt trắng đồng mà không trắng lòng

bạn cùng tôi chung chén rượu nồng

be tết không đầy nhưng không nhạt

uống rồi nghe có bão bên trong…

Nhớ Trường Sơn giáp Tết

– Con vượn cuối đàn đang ngơ ngác đấy!…

nâng súng lên… chợt hạ súng bồn chồn

– Thôi bạn nhé… tết này thà suông vậy

bắn không đành con vượn đang bồng con!

Tết Nam nhớ Bắc

Nắng chang chang cũng thịt mỡ dưa hành

cũng có một mùa đông trong tủ lạnh

quạt máy xua khói nhang bay đỏng đảnh

thiếu cái gì mà tết cũng như chưa?…

Nhớ thiên nhiên

Ở đây

đường phố bàn cờ

toà nhà cao tầng chia ngăn, chia ô

tủ thuốc bắc

Ở đây

tương tư dòng sông

tương tư cánh đồng

tương tư núi và tương tư bể

tương tư cả chú dế mèn nhỏ bé

ngọn cỏ may duyên nợ vu vơ

Đôi khi một mình ngồi thẫn thờ

nhớ thăm thẳm một cái gì vớ vẩn

như là mùi rơm ải chẳng hạn

Ở đây

những bức tường trắng toát vuông vắn

ngăn kéo tủ thuốc bắc vuông vắn

ấy là không gian nhà, vũ trụ nhà

may mà

thiên nhiên còn sót trong bụng ta

Đôi khi bâng khuâng cho mình hạnh phúc

nghe tiếng gà cục tác trong tóc

con hổ vằn hiện lên trên tường

và sau gáy đổ một dòng thác

Tuổi thơ

Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng

cỏ và lúa, và hoa hoang quả dại

vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải

bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua

Tuổi thơ tôi trắng muốt cánh cò

con sáo mỏ vàng, con chào mào đỏ đít

con chim trả bắn mũi tên xanh biếc

con chích choè đánh thức buổi ban mai

Tuổi thơ tôi cứ ngỡ mất đi rổi

năm tháng trôi qua không bao giờ chảy lại

cái năm tháng mong manh mà vững chãi

con dấu đất đai tươi rói mãi đây này

Người ở rừng mang vết suối vết cây

người mạn bể có chút sóng chút gió

người thành thị mang nét đường nét phố

như tôi mang dấu ruộng dấu vườn

Con dấu chìm chạm trổ ở trong xương

thời thơ ấu không thể nào đánh đổi

trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội

có một miền quê trong đi đứng nói cười

Tuổi thơ nào cũng sẽ hiện ra thôi

dầu chúng ta cứ việc già nua tất

xin thương mến đến tận cùng chân thật

những miền quê gương mặt bạn bè

Đò Lèn

Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá

níu váy bà đi chợ Bình Lâm

bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật

và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần

Xem thêm:  Tình Thi hữu - Thi Nang

Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị

chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng

mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm

điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng

Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế

bà mò cua xúc tép ở đồng Quan

bà đi gánh chè xanh Ba Trại

Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn

Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực

giữa bà tôi và tiên phật, thánh thần

cái năm đói củ dong riềng luộc sượng

cứ nghe thơm mùi huệ trắng hương trầm

Bom Mỹ dội, nhà bà tôi bay mất

đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền

thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết

bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn

Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại

dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi

khi tôi biết thương bà thì đã muộn

bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!

Cầu Bố

Ai qua Thanh Hoá về Quảng Xá

men rượu là hương vị của làng tôi

nhắc cầu Bố chắc nhiều người còn nhớ

đình nhà Lê rêu phủ đã bao đời

Nhà tôi đó, không cổng và không cửa

ai ghé qua cứ việc hút thuốc lào

cha tôi trổ rất nhiều cửa sổ

gió nồm nam thoải mái ra vào

Đường làng tôi tiếng xe thồ lọc xọc

chiếc xe thồ từng đẩy tới Điện Biên

ngược dòng sông Mạ lên Tây Bắc

ai xuôi về cũng sốt kinh niên

Những năm bom đạn như gieo mạ

lại chiếc xe thồ đi về Nam

cha tôi qua cầu Bùng cầu Ghép

tôi nhìn theo chớp lửa nhập nhoàng

Cỏ đã lấp ai còn thấy nữa

vết xe thồ vẹt đỉnh Trường Sơn

ai thấy nữa ông già đầu bạc xoá

đẩy xe thồ ngang dọc lũng Tà Cơn

Cha tôi đó, dân làng tôi vậy đó

xả hết mình khi nước gặp tai ương

rồi thanh thản trở về với ruộng

sống lặng yên như cây cỏ trong vườn

Cha tôi đó, suốt đời thồ nặng

trĩu cả hai vai việc nước – việc nhà

bom rồi bão, mấy lần nhà sập

lụi cụi tuổi già, con cháu đã đi xa

Ngày họp mặt, cha già như trẻ lại

bếp rượu đặt giữa nhà, bè bạn vây quanh

con đường chiến tranh còn ngoằn ngoèo trong ruột

càng thêm say hương rượu nếp thanh bình

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa…

Bần thần hương huệ thơm đêm

khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn

chân nhang lấm láp tro tàn

xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào

Mẹ ta không có yếm đào

nón mê thay nón quai thao đội đầu

rối ren tay bí tay bầu

váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa

Cái cò… sung chát đào chua…

câu ca mẹ hát gió đưa về trời

ta đi trọn kiếp con người

cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

Bao giờ cho tới mùa thu

trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm

bao giờ cho tới tháng năm

mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao

Ngân hà chảy ngược lên cao

quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm…

bờ ao đom đóm chập chờn

trong leo lẻo những vui buồn xa xôi

Mẹ ru cái lẽ ở đời

sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn

bà ru mẹ… mẹ ru con

liệu mai sau các con còn nhớ chăng

Nhìn về quê mẹ xa xăm

lòng ta – chỗ ướt mẹ nằm đêm xưa

ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương…

Gửi về Lam Sơn

Em thanh xuân như ngày xưa của anh

duới sân trường có một viên sỏi xanh rất nhỏ

anh cất dấu tuổi trẻ mình ở đó

Có khi nào em xới cỏ vườn trường

mảnh ốc xà cừ lóng lánh ánh lửa

anh cất dấu tuổi trẻ mình ở đó

Xem thêm:  Bài thơ Rượu đêm – Nhà thơ Mạc Phương

Em còn đi ngang dòng nông giang

hòn đá tảng kê làm bậc rửa chân

anh cất dấu tuổi trẻ mình ở đó

Cái hố tránh bom anh đào trước nhà Dòng

ẩn nấp cùng anh có một người bạn nữa

anh cất dấu tuổi trẻ mình ở đó

… Tuổi trẻ anh áo nâu, chân đất

bữa cháo, bữa khoai, đi cày và đi học

bụng cồn cào con chữ chạy xiêu xiêu

Đâu rồi… lũ bạn trai trời đánh thánh vật

ông Dậu lao công quang quác la

nhất quỉ nhì ma, thứ ba học trò!…

Đâu rồi… lớp học đêm le lói đèn dầu

tiếng phản lực xẹt ngang bài thơ cổ

những câu thơ đầu tiên lặng lẽ gửi loài người

Đâu rồi… phút chia li không ai tiễn đưa

trường sơ tán vào Đông Văn, Đông Phú

lũ anh đi mỗi đứa một chiến trường

Đâu rồi… đứa xanh cỏ, đứa đỏ ngực

đứa thành lãnh đạo, đứa về làm thuê

còn anh nghễnh ngãng làm nghề mộng du

Chiến tranh đi qua – thời trai anh đi qua

những ngả đường đạn bom mịt mù thăm thẳm lắm

về lại trường xưa tìm lại chút ngày xưa

Sẽ còn mãi những gì không thể mất

em vô tư đâu có thấy anh nhìn

kỷ niệm anh chìm lấp dưới chân em

Em có bắt được thì cho anh xin

anh ngắm lại chứ không sao lấy lại

mảnh vụn thời gian chắp nối đời người

Thế nào em cũng lặp lại anh thôi

phán xử buồn vui từng mẩu quá khứ

em thanh xuân như ngày xưa của anh ơi…

Xuồng đầy

con ơi mẹ dặn câu này

sông sâu chớ lội đò đầy chớ đi…

Người dưng người ở đâu về

đi cùng ta một chuyến đi xuồng đầy

Hớ hênh nghiêng chút bên này

sông sâu chới với bàn tay chia lìa

hớ hênh nghiêng chút bên kia

giọt đau thương sẽ đầm đìa mắt ai

Biết rồi, vai cứ kề vai

kệ cho mấp mé cả hai mạn xuồng…

Bưởi nhà ai nở sau vườn

gió bâng quơ thả làn hương giữa trời

cu cườm thong thả bay đôi

về đâu hỡi lục bình trôi lững lờ

Lau già râu tóc lơ phơ

khói sương biêng biếc mấy bờ sông xa

chiều xanh như nỗi nhớ nhà

mây bàng bạc sóng bao la bốn bề

Không vì thương một miền quê

tự dưng người ở đâu về lênh đênh

người đang ước ngọt mơ lành

sầu riêng đang chín trên cành phải không

Cũ xưa đến vậy là cùng

sao sông nước cứ trẻ trung thế này

ai xui người trở về đây

mẹ răn vẫn nhớ, xuồng đầy vẫn đi…

Sông Thao

Sông Thao thêm một lần tôi tắm

thêm một lần tôi đến để rồi đi

gió cứ thổi trống không ngoài bãi vắng

tôi nhìn em để không nói năng gì

Tôi gửi lại đây cái buồn vô cớ

để mang về cái nhớ bâng quơ

xin chớ hỏi tại làm sao như vậy

tôi vốn không rành mạch bao giờ

Em đưa tiễn bước chân gìn giữ lắm

hạt mưa dùng dằng ngọn cỏ ven đê

yêu mến ạ xin đừng buồn em nhé

giòng nước trôi đi, giọt nước lại rơi về…

Trên đây là các bài thơ của Nguyễn Duy đã viết và được xuất bản trong tập Mẹ và Em. Với tập thơ này bạn có thể cảm nhận được một tình yêu thương vô cùng tha thiết và nồng nàn. Phải bao nhiêu tình yêu mới có thể viết nên được những vần thơ hay đặc sắc xúc động lòng người đến vậy. Đừng quên đón đọc những bài viết tiếp theo của chúng tôi để cùng tìm hiểu các bài thơ hay nhất bạn nhé!

Xem thêm:Nhà thơ Nguyễn Duy và tập thơ Mẹ và Em (1987) phần cuối

Theo Thuvientho.com

Check Also

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Hoa cúc họa mi còn được gọi là hoa cúc dại hay là hoa cúc …