Home / Chùm thơ chọn lọc / Nhà Thơ Phan Bội Châu Cùng Tập Thơ Tiếng Việt Đặc Sắc Phần Cuối

Nhà Thơ Phan Bội Châu Cùng Tập Thơ Tiếng Việt Đặc Sắc Phần Cuối

Nhà Thơ Phan Bội Châu Cùng Tập Thơ Tiếng Việt Đặc Sắc Phần Cuối

Phan Bội Châu không chỉ là một nhà thơ lớn của nước ta mà còn là một nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam kiệt xuất trong khoảng hai mươi lăm năm đầu thế kỷ XX. Ông cũng như nhiều nhà nho yêu nước đương thời, đã dùng thơ văn làm vũ khí chiến đấu. Phan Bội Châu thực sự là một nghệ sĩ có năng lực biểu hiện phong phú, đa dạng với tấm lòng sục sôi nhiệt huyết, được các thế hệ tôn trọng, yêu mến

Ông sở hữu cho mình một bộ thơ đặc sắc mang những nét riêng không một nhà thơ nào so sánh được. Những bài thơ của ông gây nên tiếng vang lớn trong nền văn học Việt Nam. Nhiều bài thơ được nhiều bạn đọc yêu thích

Ngay bây giờ chúng tôi xin mời các bạn đón xem những bài thơ còn lại của nhà thơ đa tài Phan Bội Châu ngay bây giờ nhé!

Từ biệt bạn lần cuối

Bẩy mươi tư tuổi trót phong trần,

Nay gặp bạn mới tinh thần hoạt hiện.

Những ước anh em đầy bốn biển,

Ai ngờ trăng gió nhốt ba gian.

Sống xác thừa mà chết cũng xương tan,

Câu tâm sự gởi chim ngàn cá biển.

Mừng được đọc bài văn sinh vãn:

Chữ đá vàng in mấy đoạn tâm can.

Xét mình nay sức mỏng trí thêm khan,

Lấy gì đáp khúc đèn tri kỷ.

Nga nga hồ chí tại cao sơn,

Dương dương hồ chí tại lưu thuỷ.

Đàn Bá Nha mấy kẻ thưởng âm?

Bỗng nghe qua khóc trộm lại đau thầm,

Chung Kỳ chết ném cầm không gẫy nữa.

Nay đương lúc tử thần chờ trước cửa,

Có vài lời ghi nhớ để về sau.

Chúc phường hậu tử tiến mau…

Từ giã bạn bè lần cuối cùng

Bảy mươi tư tuổi trót phong trần,

Nay được bạn mới tinh thần hoạt hiện.

Những ước anh em đầy bốn biển,

Nào ngờ trăng gió nhốt ba gian.

Sống xác thừa, mà chết cũng xương tàn,

Câu tâm sự gởi chim ngàn cá biển.

Mừng được đọc bài văn sinh vãn,

Chữ đá vàng in mấy đoạn tâm can…

Tiếc mình nay sức mỏng, trí thêm khan,

Lấy gì đáp khúc đàn tri kỷ?

Nga nga hồ, chí tại cao sơn,

Dương dương hồ, chí tại lưu thuỷ!

Đàn Bá Nha mấy kẻ thưởng âm?

Bỗng nghe qua khóc trộm lại thương thầm:

Chung Kỳ chết, e quăng cầm không gảy nữa!

Nay đương lúc tử thần chờ trước của,

Có vài lời ghi nhớ về sau.

Chúc phường hậu tử tiến mau!

Tự trào

Râu mày trơ trẽn với non sông,

Thiệt phải mình chăng? Lòng hỏi lòng.

Sấm điếc gió câm trời đất trọi,

Muông qua chim lại tháng ngày chung.

Có đôi (ném) xác thịt, đôi không đặng,

Toan vớt đồng bào, vớt chẳng xong.

Biết nói cùng ai, cười với bóng,

Ông xanh xanh hỡi thấu chăng ông?

Tượng vôi đứng trước cửa đền sập

Khéo khéo làm chi đứng mãi đây?

Râu mày, áo mão lại cân đai.

Thành xiên đất lở đành trương mắt,

Kẻ vái người van cứ điếc tai!

Xôi thịt quanh năm gào lễ cúng,

Cửa nhà trăm vạ mặc thây ai!

Thần quyền mạt vận, hay chăng nhỉ?

Mưa gió tan tành một đống vôi!

Uống rượu thiếu đồ nhắm

Vẫn là túng thiếu lại nghê ngưu,

Tiền đã không trơn rượu cứ vò!

Đồ nhắm may còn ba trái khế,

Bữa ăn e ngót một đồng xu.

Đời xưa khéo vẽ tài thi thánh.

Đời ấy nên mang tiếng tửu đồ.

Thôi biết lấy gì xuôi chén rượu,

Kinh năm ba bộ, sách vài pho.

Vào thành

Vào thành ra cửa Ðông

Xe ngựa chạy tứ tung

Vào thành ra cửa Tây

Sa gấm rực như mây

Vào thành ra cửa Nam

Áo mũ đỏ pha chàm

Vào thành ra cửa Bắc

Mưa gió đen hơn mực

Dạo khắp trong với ngoài

Ðàn địch vang tai trời

Ðau lòng có một người!

Hỏi ai? Ai biết ai?

Văn tế các tiên liệt Việt Nam quốc dân đảng

Gươm ba thước chọc trời kinh, chớp cháy, này Lâm Thao này Yên Bái, này Vĩnh Bảo, khí phục thù hơi thở một tầng mây;

Súng liên thanh vang đất thụt, non reo, nào chủ đồn, nào xếp cẩm, nào quan binh, ma hút máu người bay theo ngọn gió.

Trách nông nỗi trời còn xoay tít, trước cờ binh sao quay gió cản ngăn;

Tiếc sự cơ ai quá lờ mờ, dưới trướng giặc bấy nhiêu tay len lõi.

Ma cường quyền đắc thế sinh hùng uy;

Thần công lý bó tay nghe tử tội.

Ôi thôi!

Mù thảm mây sầu;

Gió cuồng mưa vội.

Cửa quỷ thênh thang!

Đường trời vòi vọi!

Nhân dân chí sĩ, sát thân vào luật dã man;

Nữ kiệt anh hùng, thất thế đang hồi đen rủi.

Trường tuyên án chị chị anh anh cười tủm tỉm, tức nỗi xuất sư vị tiệp, vai bể, non gánh nặng hãy trìu trìu;

Đoạn đầu đài sau sau trước trước bước thung dung, gớm gan thị tử như quy, mặc cây cỏ máu tươi thêm chói chói.

Tuy kim cổ hữu hình thì hữu hoại, sóng Bạch Đằng, mây Tam Đảo, hơi sầu cuộn cuộn, bóng rồng thiêng đành ông Học xa xôi;

Nhưng sơn hà còn phách ắt còn linh, voi nàng Triệu, ngựa nàng Trưng, khí mạnh nhơn nhơn, hình hạc gió hãy cô Giang theo đuổi.

Đoàn trẻ chúng tôi nay;

Tiếc nước còn đau.

Nghĩ mình càng tủi:

Nghĩa lớn khôn quên!

Đường xa dậm mỏi.

Dây nô lệ quyết rày mai cắt đứt, anh linh thời ủng hộ, mở rộng đường công nhảy, bằng bay;

Bể lao lung đua thế giới vẫy vùng, nhân đạo muốn hoàn toàn, phải ráng sức rồng giành, cọp chọi.

Đông đủ người năm bộ lớn, đốt hương nồng, pha máu nóng, hồn thiên thu như sống như còn;

Ước ao trong bấy nhiêu niên, rung chuông bạc, múa cờ hồng, tiếng vạn tuế càng hô càng trỗi.

Tình khôn xiết nói;

Hồn xin chứng cho.

Thượng hưởng!

Văn tế cụ Thai Xuyên Trần Quý Cáp

Chúng ta có sinh ra làm người dân mất nước mới biết rằng:

Hiền nhân quân tử là phạm vào cấm vật của nhà cầm quyền,

Triết học chân lý là can vào tội điều của nhà pháp luật.

Nếu chúng ta không là dân vong quốc, làm gì mà biết được việc như thế!

Xem thêm:  Trong đồng cỏ hoa vàng - Trần Nhuận Minh

Đau đớn thay!

Một người bạn tinh thần của chúng ta là ông Thai Xuyên:

Năm Mậu Thân đời Thành Thái bị chính phủ bảo hộ nước Pháp vô cớ khép cho ông cái án “Mạc tu hữu” xử ông bằng luật trảm quyết!

Ngày rằm tháng Năm đem ông ra giết ở Diêm Khánh, lúc đó toàn quốc nhân sĩ ai cũng biết là oan.

Nhưng mà có oan gì đâu!

Hễ người đã làm dân vong quốc, đã nấp nép dưới chánh phủ cường quyền thời cái sự vô cớ đắc tử hình là tầm thường lắm.

Ông Thai Xuyên!

Sinh bình thờ cha mẹ hết sức hiếu, ở với anh hết sức dễ, ở với làng nước, bạn bè hết sức trung tín.

Làm thầy dạy học trò thời hết nghĩa vụ làm thầy.

Đọc sách thánh hiền, một lời nói, một việc làm, tất hết sức theo khuôn nẩy mực.

Nhớ khi ông ra tới trường chém, dao đã kề cổ, còn thung dung xin với người giám trảm cho đặt án đốt hương, áo mão nghiêm trang, bái tạ quốc dân ngũ bái, rồi khẳng khái tựu hình, sắc mặt in như khi nhóm trò giảng sách!

Chao ôi! Thảm thiết! Mà cũng tráng liệt thay!

Chúng ta đọc sách cũ Đông phương, thấy luật “yêu ngôn” của Tần Thuỷ Hoàng, luật “phúc phỉ” của Hán Võ Đế, thường nghĩ rằng: nghiêm hình oan ngục của đời quân chủ chuyên chế thiệt không ai độc hơn.

Ai dè làm dân bảo hộ của nước dân chủ tự do mà oan thảm lại ghê gớm hơn nữa!

Nếu một người đạo đức, phẩm hạnh, học vấn văn chương như ông Thai Xuyên ta, mà sinh ở đời Tần Thuỷ Hoàng, chắc còn làm được Phục Sinh, Thân Công, ở đời Hán Võ Đế còn làm được Cấp Âm, Đổng Trọng Thư, có đâu đến nỗi làm một chí sĩ mất đầu, phải rơi máu dưới lưỡi dao vô đạo;

Ôi, Thai Xuyên!

Ôi, Thai Xuyên!

Oan thảm cho ông! Đành oan thảm cho ông! Mà nhất là oan thảm cho đồng bào ta vậy.

Từ xưa tới nay, nhà chính trị thường nói rằng pháp luật là vì người có tội mới đặt ra.

Nhưng chẳng qua nhà cường quyền đụng nhà cường quyền thời mới nói thế; nếu dân nhược tiểu mà đụng nhà cường quyền thì chớ nhận như thế là lầm to vậy.

Nghĩ như ông Thai Xuyên mà bị kết án xử tử thời tội gì? Chỉ vì là trung hiếu thiên tính.

Hay là tội ông giảng học mới? Thời học mới từ Âu châu truyền qua, cớ gì cấm người nước ta không được giảng?

Hay là tội ông giảng bài công lý? Thời công lý là một lẽ rất phổ thông, cớ gì cấm người nước ta không được kể?

Hoặc giả vì lúc đó dân Quảng Nam có việc xin xâu mà ông bị hiềm nghi phiến động hay sao?

Thời lại không phải, bởi vì lúc đó ông còn làm thầy dạy học ở Khánh Hoà, ông chưa về Quảng Nam bao giờ. Chắc cái việc xin xâu ông hoàn toàn không biết tới.

Thế mà đột nhiên đắc tử hình!

Thế thời ông bị giết vì tội gì? Chỉ vì một tội: chính vì tội ông là người mất nước!

Pháp luật mà chi! Đạo lý mà chi! Chúng ta nhắc đến lịch sử ông Thai Xuyên, chúng ta khóc ông Thai Xuyên, càng khóc dự bị cho hai mươi lăm triệu đồng bào nữa vậy.

Hỡi ôi! Than ôi!

Gươm vô đạo chẳng từ ai, mạng thánh hiền mà đành như vậy!

Trời chí công sao nỡ thế!

Gương nhật tinh há lẽ mờ chăng?

Suối đỏ kia ai thăm viếng! Huyết Trành Hằng biếc nhuộm non xanh!

Giống vàng chắc chưa diệt đâu! Hồn Tinh Vệ thế điền biển bạc!

Mấy lời bạn cũ,

Tấc dạ thần soi!

Văn tế đồng bào làng Cổ Am và những làng khác bị thực dân khủng bố tàn sát

Than rằng:

Dân nước mất nghĩ càng đau quá! Dế, trùn, kiến, mối nhẽ còn hơn;

Giặc có quyền thương tới ai đâu! Súng, đạn, gươm, dao, thôi mặc ý.

Sóng Âu, Á hai mươi thế kỷ;

Cuộc bể dâu trải mấy phen này.

Trói tay chân, pháp luật là dây;

Bưng tai mắt, văn minh rành vỏ.

Đau nông nổi mấy năm gần đó, tư bản cường quyền Pháp quá sức hoành hành;

Nên anh em sáu triệu xứ mình, Đảng Việt Nam quốc dân là đường tự vệ.

Lòng yêu nước gốc lòng trời đẻ, ai có xui ai?

Tình thương nòi vẫn tính loài người, tội gì mà tội!

Nào hay chọc gan hùm sói!

Diễn thêm một cuộc oán thù.

Làng Cổ Am há phải giặc đâu! Rặt những người cày bẫm cuốc sâu, đóng sưu nộp thuế!

Làng Xuân Lũng cũng là dân thảy, đâu có kẻ tranh thành cướp đất, đắp luỹ xây đồn!

Huống gì đàn chiu chít bé con!

Với những lũ gầy gò già yếu!

Đáng thương thiệt đầu man mắt trú, gánh vác nặng nề, dưới nhà nước tha hồ đè nén;

Xứ cày cấy há phải trường chinh chiến, tưởng ngỡ gà kêu chó sủa, đất há hẹp gì;

Chúng làm ăn nào biết việc đua tranh, chắc là thuế ráo sưu xong, trời cũng thương đến.

Hoạ ao cá vì ai xui khiến!

Đạn tầu bay vô cố xán nhào!

Đoàn già lũ bé xương chất nhốn nhao, thảm bại ấy vì sao, ơn khai hoá vài trăm khẩu súng;

Mẹ goá con côi, máu sôi tản mác, sự tình thôi quá ngán, quyền tự do mấy chục quả bom!

Đã đành than lấp bùn chôn giữa nước lửa chỉ là mồ dân Việt;

E lửa trời cùng đất kiệt, ngoài non sông đâu tá cảnh nguồn đào!

Thương ôi!

Gương cũ treo cao;

Cuộc sau gấp tính.

Hai lăm triệu nay ai còn tính mệnh, thịt đầu da há phải điều vui!

Toàn ba kỳ nếu sẵn nhân tài, chim ngoài lưới phải lo đường sống.

Hát vô dụng mà khóc cũng vô dụng, duy mong mỏi dòng Hồng giống Lạc, bà con anh chị một lòng, gìn giữ máu Tiên Vương;

Hoạ phi thường thời phúc cũng phi thường, những ao ước núi Tản sông Lô cả nước mở mang hồn Tân Việt;

Xem thêm:  Bài thơ Con muốn về bên mẹ – Nhà thơ Nguyễn Đình Huân

Mấy lời tâm huyết, chín suối hồn nghe!

Thượng hưởng!

Văn tế Nguyễn Thái Học và cô Giang

Than rằng:

Sóng nhân đạo ở hai mươi thế kỷ, bạn má hồng toan cướp gái làm trai;

Gương nữ hùng trên một góc trời Nam, bọn da trắng phải ghê giòng giống Việt.

Trên quốc sử mực chàm giấy phấn, ong cả đoàn nhan nhản bầy nô;

Dưới Long Thành máu thắm cỏ xanh, gái đến thế rành rành chữ liệt.

Trăng thu mờ mịt, trông những buồn tênh;

Người ngọc xa vời, nghĩ càng đau tuyệt.

Nhớ nữ liệt sĩ xưa:

Đất nhả tinh hoa;

Trời treo băng tuyết.

Vóc quần thoa nhưng chí khí tu mi;

Thân khuê các mà can trường khí tiết.

Thuở bé nhờ ơn gia giáo, Hán học vừa thông;

Tuổi xanh vào chốn học trường, Pháp văn cũng biết.

Tang hải gặp khi xoay cuộc, ngó giang sơn luống những lòng đau;

Trần ai tức lôí không người, thấy nô lệ giương đôi tròng ngút.

Xem sách Pháp từng đem óc nghĩ: Dan Đà, La Lan thuở nọ, chị em mình đã dễ ai hơn;

Giở sử nhà bỗng vỗ tay reo: Bà Trưng, Cô Triệu sau này, non nước ấy có đâu hồn chết.

Triều cách mạng đang dâng sùng sục, cát Vệ Tinh ngậm đầy trước miệng, mong thấy bể vùi;

Vai quốc dân nặng gánh trìu trìu, đá Oa Hùng dắp sẵn trong tay, nỡ xem trời khuyết.

Tức tội cường quyền;

Thi gan sấm sét.

Khi nhập đảng tuổi vừa mười tám, cơ nữ binh đăng đội tiền phong;

Lúc tuyên truyền sách động ba quân, lưỡi biện sĩ trổ tài du thuyết.

Thổi gió phun mây từng mấy trận, nào Lâm Thao, nào Yên Bái, nữ tham mưu đưa đẩy đội hùng binh;

Vào sinh ra tử biết bao phen, kia thành huyện, kìa đồn binh, cờ nương tử xông pha hùm rắn rết.

Nguyễn Thái Học trổ tài kiện tướng, nhờ có cô mà lông cánh thêm dài;

Phạm Thị Hào nổi tiếng trung trinh, em có chị mà xứng danh nữ kiệt.

Khốn nỗi thay!

Vận nước còn truân;

Tai trời chửa hết!

Trắc trở buồm xuôi gió ngược, tài anh thư gặp bước gian truân;

Ngại ngùng nước biếc non xanh, tay chức nữ uổng công thêu dệt.

Nhưng hãy còn:

Thiết thạch tâm can;

Châu toàn bách chiết.

Thời như thế, việc đành phải thế, đoạn đầu đài mừng được thấy anh lên;

Sống là còn thác vẫn là còn, súng kề cổ không nhường cho giặc giết.

Tiếng súng lúc vang lên một phát, núi đổ sông nhào!

Hồn anh thư hẹn phút trùng lai, thần gào quỷ thét.

Ôi thương ôi!

Khóc nữa mà chi;

Nói không kể xiết!

Một nén hương lòng;

Mấy lời thống thiết!

Bạn nữ lưu, ai nối gót theo chân?

Nghĩa đoàn thể, xin từ đây cố kết!

Hỡi ơi! Thương thay!

Văn tế Phan Chu Trinh

Than ôi!

Tuồng thiên diễn mưa Âu gió Mĩ, cuộc nọ kém thua hơn được, ngó non sông nên nhớ bậc tiên tri;

Dấu địa linh con Lạc cháu Hồng, người sao trước có sau không, kinh sấm sét dễ đau lòng hậu bối.

Vẫn biết tinh thần di tạo hoá, sống là còn mà thác cũng như còn;

Chỉ vì thời thế khuất anh hùng, xưa đã rủi mà nay càng thêm rủi.

Lấy ai đây nối gót nghìn thu;

Vậy ta phải kêu người chín suối.

Nhớ tiên sinh xưa:

Tú dục Nam châu;

Linh chung Đà hải.

Nghiệp thừa gia cung kiếm cũng pha đường;

Nền tác thánh thi thư từng thuộc lối.

Gan to tày bể, sức xông pha nào kể ức muôn người;

Mắt sáng hơn đèn, tài linh lợi từ khi năm bảy tuổi.

Vận nước gặp cơn dâu bể, đeo vai thân sĩ, còn lòng đâu áo mũ xênh xang;

Thói nhà chăm nghiệp bút nghiên, giấu mặt hào hùng, thì tạm cũng hoa trường theo đuổi.

Song le:

Khí vẫn tranh vanh;

Chí càng viễn đại.

Tài Mã Ni đang chứa sức hô hào;

Tuồng Lỗ Dịch quyết ra tay đào thải.

Đội tiên hong đâu tá, gió duy tân từ Đông Hải thổi vào;

Gương ngoại quốc kia là, sóng cách mạng bởi Âu châu dồn tới.

Dọc ngang trời đất, rực vẻ văn minh;

Tức tối nước nhà, cam đường hủ bại.

Cá chậu chim lồng vơ vẩn thế, áng công danh thôi vất lối tầm thường;

Rồng mây cọp gió lạ lùng chi, miền thanh khí thử hô người trung ngoại.

Cậy tân học dặn dò đường tự chủ, Lư Thoa, Mạnh Đức so sánh người xưa;

Mượn Đông du thăm hỏi bạn đồng tâm, Hương Cảng, Hoành Tân, lỏi len đường mới.

Ba tấc lưỡi mà gươm mà súng, nhà cường quyền trông gió cũng gai ghê;

Một ngòi lông vừa trống vừa chiêng, cửa dân chủ khêu đèn thêm rạng chói.

Phỏng khiến:

Trình độ dân ta cao;

Trí thức dân ta giỏi.

Khí dân ta ngày một dồi dào;

Sức dân ta ngày càng cứng cỏi.

Một tiếng xướng có muôn tiếng hoạ, thần tự do nên đủng đỉnh về đây;

Bạn người Việt với thầy người Tây, ma chuyên chế dám dùng dằng ở mãi.

Nào hay:

Trời đã éo le;

Người càng quỉ quái.

Chứa chan máu quốc, nước vẩn vơ hồn;

Xao xác tiếng gà, trời mờ mịt tối.

Trường nô lệ chung quanh là rắn rết, văn cứu thời khen khéo gây oan;

Ổ dã man ngan ngát những hùm bao, miệng ái quốc hoá nên buộc tội.

Thành Hà Nội ùn ùn mây ác độc, nào kẻ lánh mình, nào người chống thế, chữ âm mưu tô vẽ đủ trăm đường;

Đảo Côn Lôn rực rực lửa oan cừu, thấy người yêu nước, thấy kẻ thương dân, tơ xướng loạn dệt thêu ra một mối.

Sương đơn gió kép, giữa hội mịt mù;

Mưa dập sóng dồn, xót ông chìm nổi.

Thân Dậu Tuất bấy nhiêu năm tân khổ, khi đào cây, khi lượm đá, giữa bể trần gió bụi vẫn thung dung;

Đặng Hoàng Ngô ba bốn bác hàn huyên, khi uống rượu, khi ngâm thơ ngoài cửa ngục lầm than mà khảng khái.

Xem thêm:  Chứng từ xuất nhập khẩu - Mạnh Cường

Hồi đen may cũng lần lừa;

Lòng đỏ vẫn còn hăng hái.

Quay đầu lại giả ơn tù đảo, tấm thân già còn nặng gánh giang sơn;

Bước chân đi tìm bạn Âu châu, đôi tay trắng quyết phất cờ xã hội.

Án tái phạm vì lời thông Đức, dạ sắt vàng thêm thử lại thêm bền;

Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm sét chẳng kinh cùng chẳng hãi.

Gương vĩ nhân treo những bao giờ;

Hồn cố quốc mới về năm ngoái.

Trước mặt nào ai hớn hở, thấy ngựa xe luống ngẩn ngơ chiều;

Bên tai những tiếng kêu van, nghe sưu thuế càng ngao ngán nỗi.

Dưới miệng cọp gửi đàn con đỏ, phúc trùng lai thêm bạn dạ tha hương;

Trên quyền người đeo giống da vàng, lòng cảm tử quyết lùa quân hậu đội.

Ước những chuông đều trống nhịp, khắp ba kì cho vang tiếng reo hò;

Mới là anh trước em sau, dắt một lũ để đồng bào gắng gỏi.

Khéo vô tình trời chẳng chiều người;

Nên bất hạnh mừng mà hoá tủi.

Tiệc hoan nghênh mới đó, não nùng rượu chửa phai mùi;

Hội truy điệu gần đây, thấp thoáng hương đà bén khói.

Anh em ta:

Đất rẽ đôi đường;

Tình chung một khối.

Gánh tồn vong ai cũng nặng nề;

Nghĩa chung thuỷ lòng càng bối rối.

Sóng gió một con thuyền chung chạ, mái chèo đương lúc cheo leo;

Mây mù muôn dặm đất xa khơi, dấu ngựa nhờ ai giong ruổi.

Ngại ngùng thay người ngọc mù sa;

Ngao ngắn nhẽ giọt châu mưa xối.

Thương ôi!

Bể bạc còn trơ;

Trời xanh khó hỏi.

Nghìn vàng khó chuộc được anh hào;

Tấc dạ dám thề cùng sông núi.

Trước đã giỏi mà sau thêm giỏi nữa, dấu cộng hoà xin rán sức theo đòi;

Thác còn thiêng thời sống phải thiêng hơn, thang độc lập quyết ra tay vin vói.

Lời này ông xét cho chăng?

Lòng ấy đã trời soi dọi!

Vịnh cái trống

Khen khéo cho ai chế tạo mầy

Có danh mà thực chẳng ra gì

Mặt lì thây kệ hai đầu đánh

Bụng rỗng không trơn một tý giày

Ra lịnh ba hồi vang tiếng ác

Kẻ rồng năm sắc phỉnh người ngây

Da trâu tang nứt thôi đừng láo

Chờ sấm trời kêu sẽ biết tay.

Vịnh hoa hàm tiếu

Dở cười dở khóc ngán tuồng đời,

Cười với ai, hay khóc với ai?

Đành ngậm máu son chờ Phật nhả,

Cố ôm lòng đỏ đợi trời soi.

Nghiêng thành nghiêng nước thây đồ quỷ,

Như ngọc như vàng chán mặt ngoài!

Nhắn hỏi đông hoàng tri kỉ chứ,

Khi vui chẳng lọ miệng đùa cười.

Vô đề (I)

Chán khóc ai rồi lại khóc mình,

Dở cười dở nói, dở làm thinh.

Lung tung sóng bể, à đa sự,

Lấp ló trăng đêm, ủa hữu tình!

Cương ngựa, ách trâu, cười một giống,

Tiếng gà, máu quốc, khách năm canh.

Ngán cho kìa chiếc thuyền con cỏn,

Chở nổi bao nhiêu khối bất bình!

Vô đề (II) bài 1

Một xó nằm co một lão ngông,

Mắt lòng soi khắp nỗi dân cùng.

Ước thân này hoá nghìn muôn nước,

Dạo bắc rồi nam, tây rồi đông.

Vô đề (II) bài 2

Dân khổ bao nhiêu đau bấy nhiêu,

Nước kia ai đắm, lửa ai thiêu?

Trơ trơ thế mãi, trơ trơ mãi,

Hạn lụt còn lưa, lại cái nghèo!

Vô đề (II) bài 3

Trót chẳng đi đâu mãi cứ ngồi,

Cứ ngồi nhưng lại muốn đi hoài.

Muốn đi mà lại đi chưa đặng,

Thôi hãy ngồi suông thủng thẳng chơi.

Vô đề (III) bài 5

Ai biết trời Nam hãy có người,

Sịch nghe tưởng ngỡ sấm bên tai.

Lông hồng coi nhẹ vàng muôn lượng,

Ngôi quý xem nhường dép nửa đôi.

Phơi tỏ cùng trời gan đỏ chói,

Nhá nhem thây kệ mắt đen thui.

Ví chăng kịp lúc làm vai vế,

Sau ngựa Châu xin quất ngọn roi.

Xem gương trong lúc bệnh bài 1

Tủm tỉm xem gương quá nực cười,

Mặt mình mình ngỡ mặt nhà ai!

Mắt xanh dường biển thêm sâu hoáy,

Râu bạc hơn sương lại khí dài.

Cồn má đen thui trồi núi sắt,

Lông mày trắng toát vạch đường vôi.

Gan vàng một khối nghe sôi mãi,

Biết đã sờn chưa, sẽ hỏi trời.

Xem gương trong lúc bệnh bài 2

Người ở đời này bệnh quá đông,

Muôn người e chẳng một người không.

Hình cưa mặt hộc dân hàng lũ,

Mắt thỏ râu chồn cụ mấy ông?

Áo mũ dễ gì che mũi khỉ?

Đầu cằm khó nỗi vẽ nên rồng.

Đời này há lẽ đời ma bệnh,

Gương có thần chăng, ngán kẻ trông.

Xuân cảm

Xuân cũ vừa qua, xuân mới tới

Cảnh tầm xuân mới cả nước non này

Kìa lều tranh vách đất, nọ thành quách lâu đài

Quang cảnh thảy trong ngoài đua vẻ mới

Khách tầm xuân dập dìu lui tới

Cảnh xuân vui, phơi phới cả bầu trời

Thấy xuân qua xin bày tỏ đôi lời

Xuân có biết cái đời nô lệ

Trải mấy lần xuân, dân vẫn thế

Biết bao nhiêu tết, nết còn xưa

Giấc mộng xanh đã tỉnh dậy hay chưa

Nào trăng hoa, nào cờ bạc, nào hát xương, nào say sưa

Đem tuổi trẻ vứt bừa vào bể dục

Sóng khủng hoảng nghiêng trời sôi sục sục

Hãy chen vai tranh lấy cục sinh tồn

Gắng công lên đua khéo học khôn

Kho vô tận càn khôn đà chứa sẵn

Phải biết đời dài, xuân quá vắn

Hờ hững trông như tên bắn chóng qua

Lo sao kịp lúc thiều hoà.

Trên đây, Thuvientho.com đã tiếp nối bài viết Nhà Thơ Phan Bội Châu Cùng Tập Thơ Tiếng Việt Đặc Sắc Phần 5 để đến với những bài thơ còn lại của nhà thơ trong tập Thơ Tiếng Việt. Bài thơ là nỗi niềm của nhà thơ đối với thế sự và cuộc đời. Với ngòi bút tài hoa của ông chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy thích thú với bài viết của chúng tôi. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này!

Theo Thuvientho.com

Check Also

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Hoa cúc họa mi còn được gọi là hoa cúc dại hay là hoa cúc …