Home / Chùm thơ chọn lọc / Nhà thơ Tản Đà và tập thơ dịch tác giả khác hay đặc sắc

Nhà thơ Tản Đà và tập thơ dịch tác giả khác hay đặc sắc

Nhà thơ Tản Đà và tập thơ dịch tác giả khác hay đặc sắc

Bên cạnh sự nghiệp sáng tác thơ ca Tản Đà còn dành một phần lớn thời gian để dịch thơ tác giả khác. Đa phần các tác phẩm được dịch là những năm tháng cuối đời của ông. Khi này cuộc sống của ông nhiều túng quẫn và biến cố. Với khả năng hiểu biết văn chương và sử dụng ngôn ngữ linh hoạt Tản Đà đã dịch nhiều bài thơ. Các bài thơ do Tản Đà dịch được đánh giá cao về sự sát ý cũng như có vần điệu. Đó chính là một phần lý do để ông được đánh giá cao trên văn đàn.

Thu thanh phú – Âu Dương Tu

Âu Dương tử đương đêm tựa án

Nghe tiếng đâu từ mạn tây nam

Giật mình lại thử nghe xem

Rằng: “Đâu có tiếng ai làm, lạ sao!

Thoạt lúc mới lào rào hiu hắt

Bỗng nổi to xô xát ầm tai

Tối đêm như sóng kêu ngoài

Như mưa như gió chuyển trời đến mau

Phải tiếng ấy? đụng đâu vang đấy

Sắt vàng đâu, nghe tiếng kêu ran

Ngậm tăm quân kéo đi tràn

Chẳng nghe hiệu lệnh, nghe toàn tiếng đi”

Bảo đồng tử: “Tiếng chi như vậy?

Thử ra sân coi thấy nhường sao”

Đồng rằng: “Vằng vặc trăng sao

Lại sông Ngân Hán ở cao giữa trời

Khắp bốn phía tiếng người chẳng có

Nghe tiếng đâu ở chỗ lùm cây”

Ta rằng: “Thôi thế, thương thay!

Tiếng thu là, đó lại đây làm gì?

Này thử ngẫm thu kia ai họa

Vẻ nhạt mờ khói toả mây thu

Thanh minh là dáng mùa thu

Trời cao sáng suốt kim ô một vừng

Khí thu lạnh ra chừng nghiêm nhặt

Như nhói xương, như cắt vào da

Non sông lặng phắc gần xa

Cảnh đìu hiu đó, chẳng là ý thu?

Bởi thu thế, tiếng thu như thế

Đã buồn thôi, lại kế ghê thay!

Biết bao xanh tốt cỏ cây

Mà pha sắc úa mà bay lá vàng

Làm cho đến tồi tàn rơi rụng

Khí trời thu quạ đụng mà kinh

Ôi thôi! Cây cỏ vô tình

Theo cơ tạo hoá, điêu linh có thì

Trong vạn vật giống gì thiêng nhất?

Người ta là động vật mà hơn

Ruột gan trăm mối lo buồn

Việc đời chuốc lấy muôn vàn nhọc thân

Trong khua đông tinh thần lay lắc

Lại đa mang gánh vác cho nhiều

Sức thua cũng cố mà theo

Trí khôn có một, lo điều gấp hai

Đã rằng thế thì thôi cũng phải:

Tấm hình hài còn lại thương sao!

Cây khô đổi vẻ má đào!

Phơ phơ màu trắng thay vào tóc đen!

Người đâu phải chất bền vàng đá?

Cùng cỏ cây sao khá tranh tươi?

Thân kia làm tội cho đời!

Vì ai mà giận chi trời, tiếng thu?”

Coi đồng tử gục đầu trên gối

Bộ ngủ say, ta nói mặc ta

Nỉ non giun dế quanh nhà

Cùng ta kêu góp một vài giọng than

Oán ca hành – Thu phiến, Đoàn phiến ca – Ban Tiệp Dư

Xé ra vuông lụa nước Tề

Phau phau sạch trắng khác gì tuyết sương

Cắt làm cái quạt buồng hương

Tròn xinh vành vạnh như gương trăng rằm

Liền tay anh để anh cầm

Hằng khi phe phẩy riêng thầm gió bay

Trời thu như sợi hơi may

Lạnh lùng cơn gió đổi thay nực nòng

Trong sương quạt bỏ nằm không

Giữa đường dứt hết mối lòng thương yêu

Biệt Đổng Đại kỳ 2 – Cao Thích

Mười dặm vàng pha bóng nhật vân,

Nhạn xuôi gió bấc tuyết bay nhanh

Chớ buồn nẻo trước không tri kỷ!

Thiên hạ ai người chẳng biết anh!

Vịnh sử – Cao Thích

Áo bông còn có cho nhau,

Cảm thương chàng Phạm bấy lâu lạnh lùng

Cõi đời chẳng biết anh hùng,

Vẫn coi nhau thể bần cùng khố dây.

Cảm hoài [Thuật hoài] – Đặng Dung

Việc đời man mác, tuổi già thôi!

Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi

Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,

Tan tành sự thế luống cay ai!

Phò vua bụng những mong xoay đất,

Gột giáp sông kia khó vạch trời.

Đầu bạc giang san thù chưa trả,

Long Tuyền mấy độ bóng trăng soi.

Xem thêm:  Bài thơ Lỡ chuyến đò đời – Nhà thơ Nguyễn Đình Huân

Đăng cao – Đỗ Phủ

Gió mạnh, trời cao, vượn rúc sầu

Bến trong, cát trắng, lượn đàn âu.

Lào rào lá rụng, cây ai đếm,

Cuồn cuộn sông dài, nước đến đâu.

Muôn dặm quê người thu não cảnh,

Một thân già yếu bước lên lầu.

Khó khăn ngao ngán bao là nỗi,

Rượu uống không ngon chóng bạc đầu.

Đăng Nhạc Dương lâu – Đỗ Phủ

Động Đình nghe tiếng từ xưa,

Mà đây lầu Nhạc bây giờ mới lên.

Đông, Nam, Ngô, Sở tách miền

Mênh mang trời đất ngày đêm bềnh bồng.

Bạn bè một chữ vẫn không,

Thân già ma bệnh chiếc bồng lẻ loi.

Bắc phương giặc giã rối bời,

Bên hiên đứng tựa, sụt sùi lệ sa.

Khúc giang kỳ 2 – Đỗ Phủ

Khỏi bệ vua ra cố áo hoài

Bến sông say khướt, tối lần mai

Nợ tiền mua rượu đâu không thế?

Sống bảy mươi năm đã mấy người?

Bươm bướm luồn hoa phơ phất lượn

Chuồn chuồn rỡn nước lửng lơ chơi

Nhắn cho quang cảnh thường thay đổi

Tạm chút chơi xuân kẻo nữa hoài.

Tuyệt cú tứ thủ kỳ 3 – Đỗ Phủ

Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc,

Một hàng cò trắng vút trời xanh.

Nghìn năm tuyết núi song in sắc,

Muôn dặm thuyền Ngô cửa rập rình.

Tống Lý Thị lang phó Thường Châu – Giả Chí

Tuyết tạnh mây tan gió lọt da,

Non sông Ngô Sở, nỗi đường xa.

Lúc này đưa bác nên say tít,

Tình nặng đường xa buổi sáng ra.

Độ Tang Càn – Giả Đảo

Tinh Châu đất khách trải mươi hè,

Hôm sớm Hàm Dương bụng nhớ quê

Qua bến Tang Càn, vô tích nữa

Tinh Châu ngoảnh lại đã thành quê.

Tầm ẩn giả bất ngộ – Tầm ẩn gả bất ngộ

Gốc thông hỏi chú học trò

Rằng: thầy hái thuốc lò mò đi xa

Ở trong núi ấy thôi mà

Mây che mù mịt biết là đi đâu.

Xuân oán – Kim Xương Tự

Đập cho mất cái vàng anh,

Chẳng cho nó ở trên cành nó kêu

Nó kêu tỉnh giấc chiêm bao

Liêu Tây chẳng được em theo đến chàng.

Dịch Thủy Tống biệt – Lạc Tân Vương

Đất này biệt chủ Yên Đan,

Tóc anh tráng sĩ tức gan dựng đầu.

Người xưa nay đã đi đâu,

Lạnh lùng sông nước cơn sầu chưa tan.

Giang tuyết – Liễu Tông Nguyên

Nghìn non mất bóng chim bay,

Muôn con đường tắt dấu giày tuyệt không.

Kìa ai câu tuyết bên sông,

Áo tơi, nón lá, một ông thuyền chài.

Ngư ông – Liễu Tông Nguyên

Thuyền câu ngủ ghé non tây,

Dòng Tương, tre Sở sáng ngày nấu ăn,

Khói tan trời nắng vắng tanh,

Tiếng vang nước biếc non xanh một chèo.

Xuôi dòng ngoảnh lại trời cao,

Đầu non mấy đám mây theo lững lờ.

Hữu sở tư – Lư Đồng

Hôm ta say ở nhà ai,

Mặt ai xinh đẹp, vẻ người như hoa.

Bây giờ người đẹp bỏ ta,

Lầu son rèm ngọc cách xa chân trời.

Trăng Hằng trong trẻo gương soi,

Ba năm, hai tám đầy vơi lạ gì.

Tóc vo, mày thúy chia lìa,

Đứt tươm khúc ruột chẳng vì khuất nhau.

Khuất nhau cách mấy ngàn dâu,

Để ai ruột đứt lòng đau lúc này.

Non Vu say giấc nằm mây,

Tính ra nước mắt tuôn đầy mạch Tương.

Sông Tương cây cối chen hàng,

Ngóng ai chẳng thấy, sầu thương dạ người.

Ngậm sầu gảy khúc đàn chơi,

Đàn hay dây đứt không người biết nhau.

Hỡi ơi! Người đẹp ta đâu?

Mưa chiều mây sớm, ai hầu biết ai?

Nhớ nhau suốt một đêm dài,

Trước song trắng toát hoa mai lúc nào!

Ngỡ mình chẳng phải mình sao?

Kim Lăng ngũ đề – Ô Y hạng – Lưu Vũ Thích

Bên cầu Chu Tước cỏ hoa,

Ô Y đầu ngõ, bóng tà tịch dương.

Én xưa nhà Tạ, nhà Vương,

Lạc loài đến chốn tầm thường dân gia.

Bái tân nguyệt – Lý Đoan

Trời tối vườn Lương quạ lượn lờ

Nhà đâu vút mắt, nóc lưa thưa

Cây xuân chẳng biết người đi hết,

Xuân đến hoa còn nở giống xưa.

Vãn ca thi – Mâu Tập

Khe cây lối đá nhận đường vào,

Hoa cỏ không vương mảy bụi nào.

Nhìn bóng dáng mây quên việc trước,

Trông chiều cây nước ngỡ chiêm bao.

Sườn non trăng dãi gà đua gáy,

Cửa động xuân qua chó đón chào.

Muốn biết về đâu non nước ấy,

Hỏi thăm nên tới suối Hoa đào.

Xem thêm:  Vẽ Quê Hương ( Định Hải ) – Bài Thơ Thiếu Nhi Được Yêu Thích Nhất

Sơn phòng xuân sự kỳ 2 – Sầu Tham

Hơi may gió lạnh trời thu

Cỏ cây lay rụng, sa mù làn sương

Én về nhạn lượn nam phương

Nhớ thương đứt ruột, vì chàng chơi xa.

Sốt gan mong nhớ quê nhà

Ở chi đất khách la đà hỡi anh?

Phòng không em giữ một mình

Còn lo chẳng dám chút tình quên nhau

Nhớ anh cho dạ em sầu

Chẳng hay xiêm áo lệ đâu ướt đầm

Nắn dây em gẩy cung cầm

Câu ca vẫn khúc, tiếng ngâm bé lời

Vừng trăng vằng vặc giữa trời

Bóng trăng soi xuống giường tôi lúc này

Sông Ngân đã dạt về tây

Đêm còn tối mãi chưa đầy nữa sao

Xa nhau Ngưu, Nữ nhìn nhau

Tôi chi mày hỡi ngăn cầu sông kia?

Lưu Thần, Nguyễn Triệu du Thiên Thai – Tào Đường

Khe cây lối đá nhận đường vào,

Hoa cỏ không vương mảy bụi nào.

Nhìn bóng dáng mây quên việc trước,

Trông chiều cây nước ngỡ chiêm bao.

Sườn non trăng dãi gà đua gáy,

Cửa động xuân qua chó đón chào.

Muốn biết về đâu non nước ấy,

Hỏi thăm nên tới suối Hoa đào.

Yên ca hành kỳ 1 – Thu phong – Tào Phi

Hơi may gió lạnh trời thu

Cỏ cây lay rụng, sa mù làn sương

Én về nhạn lượn nam phương

Nhớ thương đứt ruột, vì chàng chơi xa.

Sốt gan mong nhớ quê nhà

Ở chi đất khách la đà hỡi anh?

Phòng không em giữ một mình

Còn lo chẳng dám chút tình quên nhau

Nhớ anh cho dạ em sầu

Chẳng hay xiêm áo lệ đâu ướt đầm

Nắn dây em gẩy cung cầm

Câu ca vẫn khúc, tiếng ngâm bé lời

Vừng trăng vằng vặc giữa trời

Bóng trăng soi xuống giường tôi lúc này

Sông Ngân đã dạt về tây

Đêm còn tối mãi chưa đầy nữa sao

Xa nhau Ngưu, Nữ nhìn nhau

Tôi chi mày hỡi ngăn cầu sông kia?

Hoàng Hạc lâu – Thôi Hiệu

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?

Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.

Hạc vàng đi mất từ xưa,

Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.

Hán Dương sông tạnh cây bày,

Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.

Quê hương khuất bóng hoàng hôn.

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

Giang hành vô đề kỳ 034 – Thuỵ ổn diệp chu khinh – Tiền Hử

Ngủ yên trong chiếc thuyền con

Gió hiu hiu thổi sóng rờn rợn đưa

Mặc dầu lau sậy trên bờ

Suốt đêm đông rộn tha hồ tiếng thu.

Kế khâu lãm cổ – Trần Tử Ngang

Trèo lên Kệ Thạch quán nam,

Xa xa trông ngóng Hoàng Kim có đài.

Cây cao phủ hết quanh đồi,

Vua Chiêu ngày trước nay thời nơi nao?

Cơ đồ bá chủ còn đâu!

Nhớ ai đánh ngựa ta âu lại về.

Giang lâu thư hoài – Triệu Hỗ

Lên gác bên sông một ngậm ngùi,

Sáng trăng như nước, nước như trời.

Bạn chơi năm ngoái nào đâu tá?

Trăng nước như xưa chín với mười.

Độc Lý Bạch thi tập – Trịnh Cốc

Cớ chi sao Rượu sao Văn,

Đúc nên một Lý tiên sinh ở đời.

Ba nghìn say đọc nên bài,

Nghìn thu bạn với trăng trời sáng sao.

Tự quân chi xuất hĩ kỳ 2 – Trương Cửu Linh

Từ ngày anh bước ra đi,

Cửi canh bỏ dở, nghĩ gì sửa sang.

Nhớ anh như nguyệt trong gương,

Tiêu hao ánh sáng, đêm thường lại đêm.

Phong Kiều dạ bạc – Trương Kế

Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,

Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.

Thuyền ai đậu bến Cô Tô,

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Xuân giang hoa nguyệt dạ – Trương Nhược Hư

Sông xuân sáng nước liền ngang bể,

Vầng trăng trong mặt bể lên cao.

Ánh trăng theo sóng đẹp sao!

Sông xuân muôn dặm chỗ nào không trăng?

Dòng sông chảy quanh rừng hoa ngát,

Trăng soi hoa như tán trập trùng.

Sương bay chẳng biết trong không

Trên soi cát trắng nhìn không thấy gì.

Trời in nước một ly không bụi.

Mảnh trăng trong ròi rọi giữa trời.

Thấy trăng thoạt mới là ai?

Trăng sông thoạt mới soi người năm nao?

Người sinh mãi, kiếp nào cho biết,

Nhìn trăng sông năm hệt không sai.

Trăng sông chẳng biết soi ai,

Dưới trăng chỉ thấy sông dài nước trôi.

Đám mây trắng ngùi ngùi đi mãi,

Rặng phong xanh một dải sông sầu.

Đêm nay ai đó, ai đâu?

Chiếc thuyền để nhớ trên lầu trăng soi.

Trăng thờ thẫn nơi người xa ngóng,

Chốn đài gương tựa bóng thương ai.

Trong rèm cuốn chẳng đi thôi,

Trên bàn đập áo quét rồi lại ngay.

Cùng nghe ngóng lúc nay chẳng thấy,

Muốn theo trăng trôi chảy đến chàng.

Hồng bay, ánh sáng không màng,

Nước sâu cá quẫy chỉ càng vẩn tăm.

Đêm nọ giấc trong đầm hoa rữa,

Ai xa nhà xuân nửa còn chi!

Nước sông trôi mãi xuân đi,

Trăng tà lặn xuống bên kia cánh đầm.

Vầng trăng lặn êm chìm khói bể,

Đường bao xa non kệ sông Tương.

Về trăng mấy kẻ thừa lương,

Trăng chìm lay bóng đầy hàng cây sông.

Xem thêm:  Họa Thơ Nguyễn Hải Thần – Thi phẩm nổi tiếng của Hồ Chí Minh

Hồ thượng đối tửu hành – Trương Vị

Ngồi đêm chẳng chán trăng hồ,

Ngày đi chẳng chán quanh hồ núi non.

Một chai trước mắt đầy luôn,

Trong lòng muôn nỗi lo buồn bỏ qua.

Chủ nhân thóc nếp đầy nhà,

Rượu nồng mấy gáo ắt là tiếc chi?

Cùng nhau nay chẳng hả hê,

Nhớ nhau lúc khác ích gì nữa ai?

Thù du về bến xa xôi,

Xin ai ở lại ngủ chơi ông Hoàng

Chẳng say cũng phí phong quang,

Vườn đông luống để bẽ bàng cho hoa.

Thính giang địch, tống Lục thị ngự – Vi Ứng Vật

Xa nghe tiếng sáo trên sông,

Một phen cất chén rượu nồng đưa nhau.

Nghĩ cho đêm vắng thêm sầu,

Riêng ai tiếng ấy bên lầu lại nghe.

Thục trung cửu nhật – Vương Bột

Vọng Hương mồng chín lên đài,

Chén đưa tiệc khách quê người Nam Trung

Người đây chán chết nỗi lòng,

Cớ sao đất bắc chim hồng lại chi?

Quá Hương Tích tự – Vương Duy

Chẳng hay Hương Tích chùa đâu,

Đi đôi ba dặm, lên đầu non cao.

Cây um, đường tắt vắng teo,

Núi sâu chuông vẳng nơi nào tiếng đưa.

Suối kêu nghẽn đá ria bờ,

Lạnh lùng bóng nắng chui lùa thông xanh.

Trời hôm, tấc dạ thanh minh,

Quy y đạo phật sửa mình là hơn.

Tây Thi vịnh – Vương Duy

Thế gian sắc đẹp ai bì

Tây Thi không nhẽ hàn vi suốt đời

Sớm còn gái Việt bên ngòi,

Cung Ngô tối đã lên ngồi cạnh vua.

Lúc hèn, ai chẳng hơn thua,

Khi sang mới biết đời chưa mấy người.

Phấn son gọi kẻ tô, giồi,

Áo là em mặc có người xỏ tay.

Vua yêu càng lắm vẻ hay,

Vua thương, phải trái mặc bay sá gì.

Giặt sa những bạn đương thì,

Cùng xe chẳng được đi về với ta.

Xin van cô ả bên nhà,

Cũng đòi “nhăn mặt” khó mà như nhau.

Khuê oán – Vương Xương Linh

Trẻ trung nàng biết chi sầu,

Ngày xuân trang điểm lên lầu ngắm gương.

Nhác trông vẻ liễu bên đường,

Phong hầu nghĩ dại, xui chàng kiếm chi.

Tống Hồ Đại – Vương Xương Linh

Non Kinh biệt đã đau lòng,

Nữa chi thu lại hai dòng Tiêu, Tương!

Nhớ anh, xa ngóng dặm trường,

Bên sông dưới bóng trăng suông tựa lầu.

Qua các tập thơ dịch của Tản Đà ta có thể hiểu được một khía cạnh khác trong sự nghiệp của ông. Đó cũng là những bài thơ làm nên tên tuổi của nhà thơ này. Bên cạnh đó, sở dĩ nó được đánh giá cao bởi vì các bài thơ dịch sát ý với nguyên bản. Cũng như có vần và các quy luật thơ được tuân thủ nghiêm chỉnh. Đừng quên đón đọc những bài viết tiếp theo của chúng tôi để cùng cập nhật những bài thơ hay nhất bạn nhé!

Theo Thuvientho.com

Check Also

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Hoa cúc họa mi còn được gọi là hoa cúc dại hay là hoa cúc …