Home / Chùm thơ chọn lọc / Phùng Quán Cùng Những Bài Thơ Thắm Đượm Tình Cảm Phần 1

Phùng Quán Cùng Những Bài Thơ Thắm Đượm Tình Cảm Phần 1

Phùng Quán Cùng Những Bài Thơ Thắm Đượm Tình Cảm Phần 1

Phùng Quán là một nhà thơ nổi tiếng của nước ta. Những bài thơ của ông bộc lộ lên làng, yêu nước, yêu đồng đội của mình. Với ngòi bút thắm đượm tình cảm mà những bài thơ ông luôn được nhiều quý độc giả yêu mến và tìm kiếm

Ông không có một kho tàng thơ đồ sộ nhưng ông lại là một gương mặt riêng không thể lẫn trong nền văn học nước nhà. Ông có những bài thơ vô cùng giá trị, góp phần không nhỏ cho sự nghiệp phát triển thơ ca của Việt Nam

Ngay bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau khám phá những bài thơ của ông nhé!

I. Đôi Nét Về Nhà Thơ Phùng Quán

– Phùng Quán (1932–1995) là một nhà văn bắt đầu viết trong khoảng thời gian của cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng được biết đến nhiều hơn sau Đổi mới. Ông nổi tiếng vì các tác phẩm nói về Vệ quốc quân và vì biến cố liên quan đến chính trị trong sự nghiệp văn chương của mình.

– Phùng Quán, sinh năm 1932 tại Thừa Thiên – Huế. Năm 1945, ông tham gia Vệ quốc quân trong vai trò chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 101 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân). Tác phẩm đầu tay Vượt Côn Đảo của ông được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1955. Không lâu sau đó, Phùng Quán tham gia phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm.



– Khi phong trào này chấm dứt dưới tác động của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Phùng Quán bị kỷ luật, mất đi tư cách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và phải đi lao động cải tạo ở nhiều nơi. Từ đó đến khi được nhìn nhận lại vào thời kỳ Đổi mới, Phùng Quán hầu như không có một tác phẩm nào được xuất bản. Năm 1987, cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được xuất bản và nhận Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam hai năm sau đó. Ông mất năm 1995 tại Hà Nội.

– Đầu năm 2007, ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước, do Chủ tịch nước ký quyết định tặng riêng.

+ Tác phẩm

– Vượt Côn Đảo (1955) – Giải thưởng Nhà nước 2007

– Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo (1955) – Giải thưởng Nhà nước 2007

– Tuổi thơ dữ dội (1988) – Giải thưởng Nhà nước 2007

– Lời mẹ dặn

– Trăng hoàng cung

II. Những Bài Thơ Ấn Tượng Của Phùng Quán

Phùng Quán là một nhà văn bắt đầu viết trong khoảng thời gian của cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng được biết đến nhiều hơn sau Đổi mới. Ông nổi tiếng vì các tác phẩm nói về người lính Vệ quốc quân đặc sắc. Khi đọc thơ Phùng Quán chúng ta bắt gặp những trang văn thắm đượm nụ cười và nước mắt, những trang viết khiến ta xúc động và day dứt khôn nguôi

Ngay bây giờ chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu và cảm nhận những bài thơ đặc sắc này thôi! Đừng quên chia sẻ cảm nhận của các bạn về bài viết để Thuvientho.com ngày một hoàn thiện hơn nhé!

Bài thơ ru con gái của bà mẹ công nhân kiến trúc

Mẹ thương con gái mẹ ngoan

Mẹ xây nhà máy, mở đường khai sông

Có ai hỏi tuổi của con

Bấm tay mẹ tính công trường đã xây

Con sinh ở nhà máy xay

Dựng nhà máy điện con gần một năm

Con lên cơn sốt mọc răng

Vào lúc mẹ bận thi công máy chè

Về khu công nghiệp Việt Trì

Thì con chập chững bước đi bước đầu

Con chơi, con quấy, con đau

Mẹ quên ngày nào, đất nước đã ghi

Về con, mẹ muốn nhớ gì

Mẹ hỏi nhà máy, đường đi, cống cầu

Con lên mười tám tuổi đầu

Con đẹp, con giàu gấp mấy mẹ cha

Con rằng nếu sống thiếu hoa

Vóc gấm, lụa là, không sống được đâu

Con nghe người mặc vải nâu

Con không tin được, cho câu nói đùa.

Mẹ thương con gái mẹ ngoan

Mẹ xây nhà máy, mở đường khai sông

Để dành gây vốn cho con

Đến tuổi lấy chồng, làm của hồi môn.

Bài thơ ru con trai của bà mẹ công nhân kiến trúc

Ru con, con ngủ cho ngoan

Mẹ ra công trường, mẹ đúc bê tông

Mẹ xây nhà máy chín tầng

Xây thành phố mới để phần cho con.

Con mẹ là con công nhân

Từ thưở lọt lòng, con phải cho quen

Ngủ yên giữa tiếng máy rền

Ba bề búa nện, bốn bên lửa hàn

Tiếng này thay mẹ ru con

Tiếng võng công trường đất nước đang đưa.

Con trai mẹ đã sướng chưa?

Ru con cả nước cầm đưa võng lành

Đưa qua, cỏ dại đồi xanh

Đưa về, đã thấy lán tranh dựng rồi

Đưa qua, nền đất đỏ tươi

Đưa về, đã thấy chân trời phủ che

Ai che, không phải che mây

Tường cao nhà máy bốn bề mọc lên

Võng con đang ngủ võng tiên!

Cứ đưa một nhịp hiện thêm công trình

Ru con đến tuổi trưởng thành

Giao con làm chủ những thành phố hoa!

Con ơi kẻng báo đến giờ

Ngủ cho yên giấc, mẹ ra công trường.

Cảm tạ

Như một triệu phú hoang toàng

Tôi đã bốc rời thơ tôi

Ném vung vãi tiêu xài không tiếc

Vàng-nén-thơ tôi đem làm đá lát đường

Cho những bàn chân lao lực

Với một lòng tin ngu dài ngây thơ

Thơ mình tiêu trọn đời không hết!…

Nhưng rồi một hôm

Cách đây đã nhiều năm

Tôi choáng người lục túi

Túi rỗng không!

Vàng-nén-thơ tôi đã tiêu đến vụn cuối cùng…

Nhà triệu phú phá sản

Túi rỗng không một đồng

Vẫn có thể sống

Bằng cách ngửa tay xin bố thí

Nhưng làm sao tôi có thể

Sống không thơ?…

Thơ tôi biết xin ai

Ai cho?

Thơ với tôi là nước trên sa mạc

Đã từ nhiều năm nay

Tôi sống mà như chết

Cơn khát thơ thiêu đốt tôi

Tôi đã đi rao cùng thiên hạ:

– Ai – đổi – thơ – lấy – máu!

Không ai đổi

Vì máu tôi không cùng nhóm máu họ

Và thơ họ không cùng nhóm thơ tôi

Giữa thành phố quê hương

Bất ngờ tôi gặp em

Rất thật mà như là ảo giác

Một ốc đảo bóng chà là xanh mát

Giếng sa mạc đầy tràn…

Tôi uống thơ tôi từ đôi mắt em nhìn

Tôi vục môi uống không kịp thở

Cảm tạ em tôi đã hồi sinh!…

Trong khoảnh khắc tôi lại trở thành triệu phú

Vàng – thơ em cho lại đầy ắp hồn tôi

Em cho hào phóng

Như suối nguồn nơi phát tích

Em cho đầy tràn

Như cơm trong nồi đất Thạch Sanh!

Cảm tạ em

Tôi đã hồi sinh…

Cây cọ

Kể từ khi hạt gieo xuống đất

Cho đến lúc bứng được cây trồng

Phải mất đúng hai năm.

Kể từ khi rễ cây bén đất

Cho đến lúc chặt được ngọn lá đầu

Phải bẩy năm sau

Mỗi năm cây ra mười hai lá

Như mỗi năm có mười hai tuần trăng.

Xem thêm:  Nguyễn Khoa Điềm với tập thơ Đất và khát vọng Phần 1

Người sốt ruột kêu:

– Hữu ích lâu quá!

Cây giản di trả lời:

– Vì tôi là Cọ!

Rồi cây sẽ chẳng nói gì thêm

Vững chãi khiêm nhường cây lớn lên

Cho đến lúc vượt muôn loài cây khác

Tạc lên nền trời những đỉnh xanh..

Nhà lợp lá cọ

Một đời người không quá ba lần

Che mát nghìn cơn nắng lửa

Coi khinh nghìn trận mưa tuôn

Dù trong một mảnh vườn con

Hay trên bạt ngàn sỏi đá.

Cọ vẫn sóng cuộc đời đại thụ

Chấp thời gian, mục nát, cuồng phong

Cọ vẫn đứng thẳng trăm năm hay hơn nữa!

Che cho mình dăm tàu lá nhỏ

Che cho đời nghìn tán lá xanh.

Cây dứa

Cả một đời chỉ cúi lạy hoa mai

(Nhất sinh đê thủ bái mai hoa – Cao Bá Quát)

Tôi, tôi nghiêng mình trước cây dứa.

Bao giờ tôi cũng kinh ngạc

Như đứng trước sức sáng tạo của thiên tài

Ngắm cây dứa tốt xanh trên đất cằn sỏi đá

Với những tầu lá dài màu cỏ dáng gươm.

Và lấp lánh ở giữa, một bình vàng

Ăm ắp mật dịu trăm cơn nắng lửa

Dứa ơi!

Người hãy dạy tôi

Cách chắt lọc từ khô cằn sỏi đá

Chất mật mát lành dịu nắng lửa trăm cơn

Để từ cuộc sống gian lao, bất trắc khôn lường

Tôi vẫn viết được,

Dâng tặng đời

Những trang văn đấy ắp mật.

Cây mận Vĩnh Linh

Lấp hố bom giữa nhà

Tôi ươm một trái mận

Trái mận tôi cạy ra

Từ bàn tay vợ nắm

Vợ tôi sắp làm mẹ

Thèm ăn rở của chua

Túi áo nàng không khế

Thì cũng mận, cũng mơ

Ôi trái mận, trái mận

Cắn giở còn vết răng

Nảy mầm trong xót thương

Đâm chồi trong thù hận

Vĩnh Linh im tiếng súng

Tôi trở lại ngôi nhà

Nơi vợ tôi nằm xưa

Xum xuê một cây mận

Ôi cây mận, cây mận

Trái chín trĩu cành cong

Trái nào tôi cũng thấy

Cắn giở có vết răng!

Cây sao sao

Sao sao, cây sao sao

Lá cành gió lao xao

Vươn thẳng thân gầy guộc

Ưa đất nghèo, đồi cao

Bao đời nay coi khinh

Sao sao loài vô dụng

Gỗ không mềm không cứng

Dai ngoách toàn những xơ

Nói chi cột kèo nhà

Làm cọc rào không xứng!

Đến lửa chẳng buồn rước

Củi đốt chỉ khói um

Không sôi nổi nồi cơm

Không chín nổi siêu nước

Dọn nương mất công chặt

Rấp đống phơi nắng mưa

Chẳng đốt được thành tro

Tro sao sao đất đắng!

Nhưng rồi chuyện không ngờ

Gần đây được phát hiện

Đóng những thân tàu biển

Không thứ gỗ quý nào

Tốt bằng gỗ sao sao

Hôm qua không còn xứng

Làm một cây cọc rào

Hôm nay ngang biển lớn

Sừng sững một vóc tàu

Cưỡi muôn trùng sóng mặn

Bạn cùng chim hải âu

Sao sao, cây sao sao

Ưa đất nghèo đồi cao

Đất nước này đâu hiếm

Sao sao, cây sao sao.

Cây vạn niên thanh

Vạn-niên-thanh

Ơi cây Vạn-niên-thanh!

Cả một đời tôi chỉ khiếp phục anh!

Anh uống độc khí trời

Anh xơi độc nước lã

Anh vẫn tràn trề sức lực xanh tươi

Vẫn tặng được cho đời chất thơ của sắc lá!

Vạn-niên-thanh

Ơi cây Vạn-niên-thanh

Cả một đời tôi chỉ khiếp phục Anh!

Cây xương rồng

Cây chi cây lạ lùng

Không cành cũng không lá

Toàn những thân với thân!

Mà thân thì dựng ngược

Như gậy gộc nghĩa quân

Toàn những góc với cạnh

Lại tua tủa gai chông!

Nhựa độc hơn bọ nẹt

Gai buốt nhọn hơn gươm

Người nghèo đem luộc kỹ

Ăn lại lành thay cơm!

Mọc lên từ cát lửa

Hồn vẫn xanh mát trong

Che chở người lương thiện

Trộm cướp đều ngại ngùng

Tên như một biểu tượng

Đời gọi cây xương rồng…

Xương Rồng ơi Xương Rồng!

Anh có thật xương rồng?

Hay xương người nghĩa khí

Ngã xuống rồi hoá thân?…

Chiều hành quân

Chiều mưa hành quân

Nước đầm trấn thủ

Qua những ngôi nhà bé nhỏ

Như tổ chim mọc rải rác bên đường

Quanh bếp lửa hồng

Vợ chồng con cái

Ngồi so đũa bên nồi cơm mới xới

Trắng dẻo ngọt ngào thơm.

Chúng tôi quên mưa lạnh đường trơn.

Thấy lòng ấm lại.

Trong niềm vui no ấm của nhân dân.

Em bé bỏ bát ăn

Chạy ra cửa

Tranh nhau đếm bộ đội

Đếm ba lô

Đếm súng

Nhoẻn miệng cười, mắt sáng như trăng.

– Súng nớ của mi!

– Súng ni của tao!

– Súng tao to hơn!

– Súng tao dài hơn!

Chúng tôi cười:

– Súng của các em tất cả

Trao cho anh đi giành lại áo cơm.

Em cười như ngô rang.

Ấm cả chiều mưa lạnh.

Vành môi em lấp lánh

Cất tiếng hát tình tang:

– Hoan hô anh vệ quốc đoàn,

Ăn sương nằm đất đánh tan quân thù

Tính tình tang, tang tính tình.

Tiếng hát thanh thanh

Ngọt mùi sữa mẹ

Như nhắc chúng tôi

Giữ lấy hoà bình các anh nhé

Cho em vui hát mãi điệu tính tang.

Chống tham ô lãng phí

Tôi đã đi qua

Những xóm làng vừa chấm dứt

Tôi đã gặp

Những bà mẹ quấn giẻ rách

Da đen như củi cháy giữa rừng

Kéo dây thép gai tay máu ròng ròng

Bởi đồn giặc, trồng ngô trỉa lúa…

Tôi đã đi qua

Những xóm làng vùng Kiến An, Hồng Quảng

Nước biển dâng cao ướp muối các cánh đồng

Hai mùa rồi, lúa không có một bông

Phân người toàn vỏ khoai tím đỏ;

Tôi đã gặp

Những em thơ còm cõi

Lên năm lên sáu tuổi đầu

Cơm thòm thèm độn cám và rau

Mới tháng ba đã ngóng mau ra !

Để được ăn no có thịt

Một ngày…một ngày…

Tôi đã đi giữa Hà Nội

Những đêm mưa lất phất

Đường mùa đông nước nhọn tựa dao găm

Chị em công nhân đổ thùng

Run lẩy bẩy chui hầm xí tối

Vác những thùng phân…

Thuê một vạn một thùng

Mấy ai dám vác?

Các chị suốt đêm quần quật

Sáng ngày vừa đủ nuôi con…

Một triệu bài thơ không nói hết nhọc nhằn

Của nhân dân lao động

Đang buộc bụng, thắt lưng để sống

Để dựng xây, kiến thiết nước nhà

Để yêu thương, nuôi nấng chúng ta

Vì lẽ đó

Tôi quyết tâm từ bỏ

Những vườn thơ đầy bướm đầy hoa

Những vần thơ trang kim vàng mã

dán lên quân trang đẫm mồ hôi và máu tươi Cách Mạng!

Như công nhân

Tôi quyết đúc thơ thành đạn

Bắn vào tim những kẻ làm càn

Vào lũ người tiêu máu của dân

Như tiêu giấy bạc giả!

Các đồng chí ơi

Tôi không nói quá

Về Nam Đinh mà xem

“Đài xem lễ” họ cao hứng dựng lên

Nửa chừng bỏ dở

Mười một triệu đồng dầm mưa giãi gió

Mồ hôi máu đỏ mốc rêu

Những con chó quan liêu

Nhe răng cắn rứt thịt da cách mạng!

Nghe gió mùa đông thâu đêm suốt sáng

Nhớ “Đài xem lễ” tôi xót bao nhiêu

Đất nước đêm nay không đếm hết người nghèo

Thiếu cơm thiếu áo…

Bọn tham ô, lãng phí, quan liêu

Đảng đã phê bình trên báo

Còn bao tên chưa ai biết ai hay?

Lớn, bé, nhỏ, to, cao, thấp, béo, gầy…

Chúng nảy nòi, sinh sôi như dòi bọ!

Khắp đất nước đâu đâu chẳng có!

Đến một ngày Đảng muốn phê bình tất cả

E phải nghìn số báo Nhân dân!

Tôi đã dự những phiên toà xử tội

Những con chuột mặc áo quần bộ đội

Đục cơm khoét áo chúng ta

Ăn cắp máu dân đổi chác đồng hồ

Kim phút kim giờ lép gầy như bụng đói

Những mẹ già, em trai, em gái…

Còng lưng rỏ mát lấn vành đai!

Trung ương Đảng ơi!

Lũ chuột mặt người chưa hết.

Đảng cần phải lập những đội quân trừ diệt

Có tôi!

Đi trong hàng ngũ tiên phong.

Chưa có đề

Giấy trắng đời em



Cành cây mộng tưởng

Thơ anh



Cánh chim, bay dài không nơi đậu

Một sớm đỗ nhờ

Hót khúc hót buồn

Rồi bay đi…

Xem thêm:  Anh sẽ về Nam Định cùng em - Hồng Lĩnh

Giấy trắng lại hoàn nguyên giấy trắng

Cành cây mộng tưởng vắng bặt tiếng chim…

Thôi

Đừng tìm lại làm gì!

Hãy để cho cành cây đời em yên tĩnh

Và cũng là yên tĩnh cánh chim

Còn tiếng hót

Sẽ đọng thành kỷ niệm

Một tiếng ru hời

Đồng vọng tuổi thơ em.

Cỏ

Giấy trắng quá



Mắt em trong quá

Liệu thơ tôi có xứng trắng trong này…

Đây đâu phải thơ

Chỉ là những tiếng tôi thì thầm lúc buồn khổ

Để nguôi đau, tôi chẳng muốn ai hay…

Nhưng em đã đến

Mắt trong và giấy trắng

Trưa Hồ Tây, mặt trời nở đỏ vườn

Chỉ một lý do ấy

Tôi đã không từ chối được

Hát cho em nghe những tiếng tôi nấc thầm…

Nếu em cứ bảo đó là thơ

Thì hãy coi thơ này hát lên từ lá cỏ

Lá cỏ vệ đường

Lá cỏ không tên

Người này lặng im nghe cỏ hát

Người kia xéo giày, dẫm đạp lên…

Nhưng không sao cả em ơi

Cỏ sinh ra là để gót giầy dẫm đạp

Để vô danh

Để xanh



Để hát.

Di chúc chiến sĩ

(Quyết tâm thư trong trận công đồn diệt viện Phò Trạch-Thừa Thiên)

Nếu

Xin các đồng chí đừng đưa tôi đi đâu hết cả

Hãy chôn tôi nơi chính tôi đã ngã!

Dù đồng xanh hay giữa núi đồi

Dù bãi lầy, trảng cát xương rồng gai

Hay ngay bên rệ đường tôi nằm phục kích

Mà không ngày nào đinh giầy và xích xe tăng địch

Không xéo giày lên phần mộ của tôi

Dù thế đi nữa, các đồng chí ơi

Cũng đừng đưa tôi đi đâu hết cả

Hãy hôn tôi nơi chính tôi đã ngã!

Để mát dạ những người đã khuất

Người ta thường trồng cây đẹp rủ bóng lên nghĩa trang

Nhưng quanh mộ tôi

Xin đừng trồng bạch đàn, liễu biếc hay thuỳ dương

Hãy trồng cho tôi một nghìn mũi chông nhọn hoắt

Mỗi mũi chông đều nhớ tẩm thứ thuốc độc mạnh nhất!

Viếng mộ tôi, xin đừng đốt hương

Hãy đốt cho tôi ngọn lửa đốt đồn

Khắp cả quê hương đều ngó thấy

Soi sáng hết những nơi nào máu nhân dân đang chảy

Nếu phần mộ tôi là vị trí tốt để đánh mìn

Xin các đồng chí đừng do dự gì hết cả

Hãy đào mộ tôi lên!

Quẳng xác tôi đi!

Và thay vào đó cho tôi một trăm cân thuốc nổ!

Xin các đồng chí đừng đưa tôi đi đâu hết cả

Hãy chôn tôi nơi chính tôi đã ngã!

Đánh chiếm tim em

Anh phất cao lá cờ yêu đương

Trên nóc pháo đài tim em cố thủ

Anh thét to cảm động cả bầu trời

Xao xuyến hết các tinh cầu vũ trụ:

-Tim em anh chiếm được rồi!

Muôn thế kỷ thuộc về anh mãi mãi!

Mười tháng trời anh đánh chiếm tim em

Ngã xuống, đứng lên, chết đi, sống lại

Đâu khổ đến già đi như trái núi

Lo lắng giận buồn đại bác nã tim anh!

Em biết không em ơi

Một lời nói vô tình em lạnh nhạt

Còn hơn thuốc nổ nghìn cân

Châm lửa nghiền tim anh vỡ nát

Thơ ca mộng ước nghìn lần

Em biết không em ơi

Đôi mắt em trang nghiêm đắm đuối

Chỉ nhìn anh trong một phút thôi

Em giúp anh lột xác mình trẻ lại

Hay vượt qua lửa bỏng nước dôi

Bao nhiêu đêm anh thao thức

Trước mặt anh sừng sững luỹ tim em

Trên đỉnh tim bay lá – cờ – đôi – mắt

Đẹp vô cùng quyễn rũ khuyến khích anh

Nên tiến lên hay cúi đầu hàng phục?

Hay bỏ đi chiếm tim khác dễ hơn?

Nhưng anh nghĩ

Những pháo đài xi măng cốt sắt

Chỉ đầu hàng những người lính có gan

Và những trái tim khó khăn nhất

Chỉ dành cho những người chân thật yêu đương

Những trái tim như em

Không bao giờ chịu thua vũ khí lời đường mật

Đập đầu van lạy cầu xin

Anh đem cả tình yêu nhất

Lấy tim anh làm vũ khí chiếm tim em

Ngồi trong xe tăng tim anh vượt qua lửa bỏng

Lửa mắt em mười tháng nắng mưa

Đêm nay đêm tháng sáu trời sao lồng lộng

Trên đỉnh pháo đài tim em anh đã cắm cờ

Anh phất cao lá cờ yêu đương

Trên nóc pháo đài tim em cố thủ

Anh thét to cảm động cả bầu trời

Xao xuyến hết các tinh cầu vũ trụ

Tim em anh chiếm được rồi

Anh ở lại không bao giờ ra nữa

Nói như thế em ơi còn có nghĩa

Đời đời chung thuỷ yêu em!

Đất

“Ai yêu đất bằng tất cả cuộc đời mình

Sẽ được nghe đất hát…”

Câu nói của người già quê tôi

Trước tôi vẫn chưa hiểu

Nhưng vẫn lắng sâu vào tiềm thức

Giờ bỗng hiện ra trước mắt tôi

Như một trang sách lớn

Viết về tình yêu xứ sở quê hương…

Đất ơi!

Con nguyên yêu Người với tất cả máu xương

Với tất cả cuộc đời con mười bảy tuổi!

Con vui sao!

Khi nghĩ tới gương mặt Người

Đã rửa sạch hết máu và bùn

Tươi vui, chói lọi…

Người sẽ hát cho thế hệ mai sau

Về thế giới đại đồng Cộng Sản

Mà thế hệ chúng con hôm nay

Không tiếc máu để sửa soạn cho lời ca..

Đêm Nghị Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe

Ngoài trời trăng như tuyết

Trắng lạnh đến thấu xương

Trong nhà vách trống toang

Gió ra vào thoả thích…

Hồ khuya sương tĩnh mịch

Trộn nước lẫn cùng trời

Con dế chân bờ dậu

Nỉ non hoài không thôi…

Tựa lưng ghế cành ổi

Vai khoác áo bông sờn

Tôi ngồi đọc Đỗ Phủ

Vợ vừa nghe vừa đan…

Đỗ Phủ tự Tử Mỹ

Thường xưng già Thiếu Lăng

Sinh ở miền đất Củng

Cách ta hơn ngàn năm

Thơ viết chừng vạn trang

Chín nghìn trang thất lạc

Người đời sau thu nhặt

Còn được hơn ngàn bài

Chỉ hơn ngàn bài thôi

Nỗi đau đã Thái Sơn

Nếu còn đủ vạn trang

Trái đất này e chật!…

Thơ ai như thơ ông

Lặng im mà gầm thét

Trang trang đều xé lòng

Câu câu đều đẫm huyết…

Thơ ai như thơ ông

Mỗi chữ đều như róc

Từ xương thịt cuộc đời

Từ bi thương phẫn uất

Thơ ai như thơ ông

Kể chuyện mái nhà tốc

Vác củi làm chuồng gà…

Đọc lên trào nước mắt!

Giữa tuyết trong đò con

Đỗ Phủ nằm chết đói

Đắp mặt áo bông sờn

Kéo hoài không kín gối.

Ngàn năm nay sông Tương

Sóng còn mãi

Khóc chuyện áo bông sờn

Đắp mặt thơ chết đói!…

Giật mình trên tay vợ

Bỗng nẩy một hạt sương

Hạt nửa rồi hạt nửa

Tôi nghẹn dừng giữa trang.

Kéo áo bông che vai

Ngồi lặng nghe sương rơi

Con dế chân bờ dậu

Nỉ non hoài không thôi!…

Vụng về…tôi dỗ vợ:

Em ơi đừng buồn nữa

Qua rồi chuyện ngàn năm

Bao nhiêu nước sông Tương…

Miệng nói nhưng lòng nghĩ:

Ôi thân phận nhà thơ

Khác nào thép không rỉ

Ngàn năm cũng thế thôi!…

Đã đi với nhân dân

Thì thơ không thể khác

Dân máu lệ khốn cùng

Thơ chết áo đắp mặt!

Em ơi, nếu Đỗ Phủ

Vai khoác áo lông cừu

Bụng no đến muốn mửa

Viết sao nổi câu thơ

Ngàn năm cháy như lửa:

Cửa son rượu thịt ôi

Ngoài đường xương chết buốt

Em ơi, nếu Tử Mỹ

Nhà ở rộng mười gian

Rào sắt với cổng son

Thềm cao đá hoa lát

Chắc ông không thể làm

Mưa thu mái nhà tốc

Em ơi, nếu Thiếu Lăng

Cặp kè vợ béo nứt

Một bước là ngựa xe

Đứng đi quân hầu chật

Đời nào ông lắng nghe

Tiếng gào và tiếng nấc

Bà cụ xóm Thạch Hào

Gái quê tân hôn biệt…

Đã đi với nhân dân

Thì thơ không thể khác

Dân máu lệ khốn cùng

Thơ chết áo đắp mặt!

Xem thêm:  Nhớ miền đông - Xuân Miễn

Chính vì thế em ơi

Nhân loại ngàn năm qua

Máu chảy như sông xiết

Cũng là để cho Thơ

Sẽ không còn phải viết

Những Hành qua Bành Nha

Vô gia Thuỳ Lão biệt…

Cũng là để cho Thơ

Sẽ không còn phải chết

Giữa tuyết, trong đò con…

Đắp mặt áo bông sờn.

Đừng buồn nữa em ơi

Chuyện ngàn năm…ngàn năm.

Đói

Trong trăm nghìn nỗi đói

Tôi nếm trải cả rồi

Tôi chỉ kinh khiếp nhất

Là nỗi đói tình người.

Giấc mơ ngư thuỷ

Anh xa em mới hơn một tháng

Đêm mơ thấy em ba bốn lần

Mười lăm năm yêu em

Chưa bao giờ anh mơ thấy em nhiều như thế!

Thật lạ lùng

Chẳng hiểu vì sao

Ôi những giấc mơ buồn vui lẫn lộn

Những giấc mơ xé lòng!

Một đêm ở làng biển

Anh nằm mơ thấy em bị trúng bom

Đôi chân em gãy nát

Ôi đôi chân anh thuộc

Như gương mặt em!

Anh đến thăm em ở bệnh viện

Gương mặt em xanh xao đẫm lệ

Mỉm cười với anh:

– Anh còn yêu em nữa không?

Anh chưa kịp nói gì

Bọn giặc lại thả

Trúng ngay giường em nằm

Không hiểu vì sao em vẫn sống!

Em hiện ra trong khói bom

Gương mặt em xanh xao đầy lệ

Mỉm cười với anh:

-Anh còn yêu em nữa không?

Tỉnh giấc

Nụ cười xanh xao đầy lệ của em

Vẫn còn nguyên trước mắt

Anh tự hỏi bâng khuâng

Trong suốt mười lăm năm em yêu anh

Đã lần nào em cười với anh một nụ cười như thế?

Nụ cười xanh xao đầy lệ

Anh nghĩ mãi, nghĩ mãi

Anh chỉ nhớ nhiều lần em cười với anh hao hao như thế

Anh nghĩ mãi, nghĩ mãi

Và anh nhận ra

Đó là nụ cười em đã đúc lại bằng tất cả những nụ cười

Đó là nụ cười em đã đúc lại bằng tất cả nước mắt

Đó là nụ cười em đúc lại bằng tất cả đắng cay, hạnh phúc

Mười lăm năm yêu anh.

Hoa cứt lợn

Tôi ước thơ tôi được như hoa cứt lợn

Nở giữa hoang vu vẫn bẩy sắc cầu vồng

Đẹp hết mình vì cộng đồng cây cỏ

Chẳng hệ luỵ gì miếng đỉnh chung…

Hoa giọt lệ của trái tim

Trên dốc núi nắng chiều

Xa xa dòng suối hát

Em kể cho tôi nghe

Về bông hoa nước Đức

Ôi bông hoa nước Đức

Mà đời em được nhìn

Hoa giọt – lệ – trái – tim!

Hoa hình tim, màu tươi, máu đỏ

Như vừa móc từ lồng ngực ra

Và ở đài hoa

Có một nhánh con trong vắt

Như giọt lệ mới rớm từ khoé mắt

Em ơi, tôi gọi thầm

Từ buổi đầu mới gặp

Chính tay em, em đã trồng lên

Dưới lần áo lính

Trong lồng ngực anh

Một bông hoa như thế

Bông hoa đỏ, trái tim trào lệ!

Khác chăng chỉ khác

Bông hoa em trồng

Tim chỉ một trái

Mà lệ cả rừng!

Hoa sen

“Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Mặc cho câu ca được cả nước lưu truyền

Và đời vẫn tin là ca ngợi phẩm chất của sen.

Nhưng tôi không thể nào tin được

Câu ca này gốc gác tự nhân dân

Bởi câu ca sặc mùi phản trắc

Của những phường bội nghĩa vong ân!

Vốn con cái của giai cấp cùng khổ

Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son

Nghĩ đến cha mẹ chúng xấu hổ

Chúng mưu toan giấu che từ bỏ

Nói xa gần chúng mượn chuyện sen

….Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Tất cả là trong cái chữ ” gần “

Chỉ một chữ mà ta thất gan thấu ruột

Những manh tâm bội nghĩa vong ân.

Bùn với sen đâu phải chuyện gần?

Chính là sen mọc lên từ trong đó

Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen

Nhị vàng, bông trắng, lá xanh…

Tất cả, tất cả, tất cả!…

Là do bùn hôi nuôi dưỡng

Ngay cả hương thanh khiết ta đặt lên bàn thờ cúng

Cũng là xương thịt của bùn tanh!

Như nhân dân

Gian truân, thầm lặng, vô danh

Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghệ sĩ…

Nhân danh bùn

Nhân danh sen

Tôi đề nghị:

Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu dân gian!

Hồ tiêu Vĩnh Linh

– Ai thèm cái vị nồng cay

Xin đến đất này ăn hạt hồ tiêu!

– Hồ tiêu đâu chẳng có nhiều

Tội chi vượt lửa, băng đèo tới đây

Tiêu nào mà tiêu chẳng cay?

Nhưng tiêu đất này tôi thấy cay hơn.

Vị cay thấm tận đáy hồn

Bao nhiêu bi tráng đã dồn lại cay!

Hôn

Trời đã sinh ra em

Ðể mà xinh mà đẹp

Trời đã sinh ra anh

Ðể yêu em tha thiết

Khi người ta yêu nhau

Hôn nhau trong say đắm

Còn anh, anh yêu em

Anh phải ra mặt trận

Yêu nhau ai không muốn

Gần nhau và hôn nhau

Nhưng anh, anh không muốn

Hôn em trong tủi sầu

Em ơi rất có thể

Anh chết giữa chiến trường

Ðôi môi tươi đạn xé

Chưa bao giờ được hôn

Nhưng dù chết em ơi

Yêu em anh không thể

Hôn em bằng đôi môi

Của một người nô lệ.

Bài ca Nguyễn Văn Trỗi

Ơi cô! ơi bác, ơi chị, ơi anh

Ơi trái dừa xanh, ơi con chim trắng

Ơi dòng sông nắng, ơi ngọn núi mưa

Ơi tím hoa cà, ơi vàng nong kén

Ơi mù động biển, ơi mây Trường Sơn

Ơi Cửu Long giang, ơi trang sách mở

Ơi khăn quàng đỏ, ơi ngó sen hồng

Ơi gậy tầm vông, ơi đồng hợp tác

Ơi thơ, ơi nhạc, ơi, ơi, ơi ơi!

Ai muốn tìm chi? thì tôi xin chỉ

Ai muốn tìm đất, lên vùng khai hoang

Ai muốn tìm non, thì lên Việt Bắc

Tìm rừng chôn giặc, thì vào Tây Nguyên

Tìm buồm, tìm thuyền thì đi ra biển

Muốn tìm mùa xuân thì theo cánh én

Tìm trăng kháng chiến thì vào miền nam

Tìm người trung kiên, gan vàng dạ sắt

Bốn phía thù vây, hai tay trói chặt

Mười họng súng giặc chỉa thẳng vào tim

Vẫn lấy niềm tin làm gươm chém trả

Lấy mắt làm lửa, tiếng nói làm cờ

Tấn công kẻ thù, thì tìm anh Trỗi

Ơi ai muốn tìm người thợ VIỆT NAM

Như muôn người khác,

Rất mực bình thường

Như tre đầu thôn

Như dừa cuối ngõ

Như tên trên nỏ

Như cây giữa rừng

Như gậy tầm vông

Như chông chờ giặc

Vì yêu sâu sắc

Vì thù nấu nung

Không muốn nhân dân

Sống quỳ, sống khổ

Chiều hôn tóc vợ

Đêm ra chiến trường

Sống thì xả thân

Chết thì chiếu sáng

Thì tìm Anh Trỗi

Ơi ai muốn tìm người thợ thanh niên

Mặt như gương rọi

Hạnh phúc vừa hái

Cầm chưa ấm tay

Vợ yêu chăn gối

Tuần trăng chưa đầy

Nghe nhiệm vụ gọi

Dưới cờ có ngay

Cần thì nhẫn cưới kéo thành dây bom

Cứu nguy đồng đội

Cực hình nhận phần

Đánh cầu không thắng

Thì đánh pháp trường

Biến cọc xử bắn, thành luỹ tấn công

Trên nắp áo quan, cắm cờ quyết thắng, thì tìm anh Trỗi

Anh Nguyễn Văn Trỗi

Anh Nguyễn Văn Trôi

Anh Nguyễn Văn Trội

Cả ba cách gọi

Đều là gọi anh

Như hoa, như huê, đều là thơm ngát

Như đàn như đờn đều ngân tiếng nhạc

Như hận, như hờn đều là bất khuất

Như nỏ như ná đều là giết giặc Trang 5

Như biển, như bể đều là mêng mông

Như hường, như hồng đều sắc cờ Đảng

Như đào, như điều đều là nhiễu thắm phủ lấy giá gương

Ơi cô! ơi bác, ơi chị, ơi anh

Ơi ai muốn tìm Anh Trỗi, Anh Trội

Trở ra nghĩa địa

Tìm mồ cỏ xanh

Cây thập tự trắng

Cái quan tài xanh

Một người như Anh

Chúng chôn sao nổi

Không chôn nổi núi mẹ, núi con…

Đến ngọn Trường Sơn

Chúng chôn sao nổi

Huống là chôn Anh

Anh Nguyễn Văn Trỗi

Anh Nguyễn Văn Trôi

Anh Nguyễn Văn Trội

Cả ba tên gọi

Đều là gọi Anh

Trên đây, Thuvientho.com đã dành cho bạn những bài thơ đặc sắc của nhà thơ Phùng Quán. Qua những bài thơ thể hiện tình yêu quê hương đất nước và tình đồng chí keo sơn của ông. Ngòi bút tài hoa dưới con mắt đầy lãng mạn của người thi sĩ để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng độc giả. Mời các bạn đón xem phần 2 vào một ngày không xa. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi!

Theo Thuvientho.com

Check Also

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Hoa cúc họa mi còn được gọi là hoa cúc dại hay là hoa cúc …