Home / Chùm thơ chọn lọc / Tập thơ: Đất sau mưa (1977) – Bằng Việt (Nguyễn Việt Bằng) Tiếp

Tập thơ: Đất sau mưa (1977) – Bằng Việt (Nguyễn Việt Bằng) Tiếp

Tập thơ: Đất sau mưa (1977) – Bằng Việt (Nguyễn Việt Bằng) Tiếp

Tập thơ: Đất sau mưa (1977) – (Nguyễn Việt Bằng) được ông sáng tác năm 1977, là một trong những tập thơ hay, tạo nên tên tuổi của nhà thơ Bằng Việt. Tập thơ Đất Sau Mưa gồm 20 bài thơ.

Bè bạn một vùng đồi

1

Cho tôi nhìn ngã ba sông

Nhìn cái bến đá dăm, bắt đầu thời dựng nghiệp,

Cho tôi nhìn lơ thơ vòm khói trắng

Những dải khói chưa bay hết một vùng đồi…

Thiên nhiên bao la và rộng lượng như người,

Cho tôi nắm bàn tay anh thô rám

Vết sẹo và vết chai đủ nhận ra bè bạn

Đất đỏ bay mù lấm tấm áo xanh…

Cho tôi nhập vào cái dáng trẻ lao nhanh

Bước tất bật trên lối mòn rất dốc

Cây bén rễ vào sườn đồi khó nhọc

Vẫn trổ hoa màu mát mắt cho người!

Tôi thở gấp, say mê đi suốt vùng đồi

Cỏ gianh sắc, cỏ gà dai, cỏ may rậm lùa chân

như chấu cắn!

Vừa rẽ lối, đã râm ran bè bạn,

Từng cung bậc thấp cao như luyến láy không rời…

Bỗng thấy vui cái vui tấp nập của người,

Thấy ấm cái hơi lam làm đồng đội

Ngỡ cứ chạy miên man cả ngày không lạc lối

Cả vùng đồi tươi sức sống đỏ hoe!

2

“Bão mưa chiều ập đến. Bão mưa đi…”

Cầu vồng vắt ngang Việt Trì – Yên Thế

Bạn của hồn tôi ơi! Anh đúng là thi sĩ

Lòng dào lên rực rỡ bảy màu yêu!

Ráng hoàng hôn đan đậm nhạt trong chiều

Cái xóm nhỏ , màu phản quang vàng chói,

Anh bối rối trước sắc hoà tươi rói

Của những đầu hồi, chỏm mái với tường vôi,

Mỗi em gái trên cao cũng khoát gió ngang trời

Giải khăn toả lẫn với màu

Đá tảng ở ngay sân. Sau nhà là vạt ruộng

Hố bom ba mùa, nước đã ngập thành ao,

Điện sáng rồi, còn nghe tiếng ếch kêu,

Cuộc sống cộng mọi thanh âm nhiều đời vào hiện tại.

Chè sao lấy, sắc tươi mà ngọt mãi

Sắn mới trồng, luộc bở xốp trên tay,

Chả có gì đâu! – Anh nói, khẽ xoa tay,

Nhưng chất mật nguyên sơ giữa lòng tôi đọng lại!

3

Những vòng đồi quanh anh còn mở ra xa ngái

Dãy phố sẽ định hình, vườn tược sẽ sinh sôi,

Từ lúc mới tay không, chưa sinh cơ lập nghiệp,

Đã nhìn ra hạnh phúc của nhau rồi!

Các bạn hiền như lúa như khoai mà thẳm sâu nghệ sĩ,

Mỗi việc của đời đều muốn biến ra thơ!

Trồng giàn mướp, luống hoa, muốn tìm ra ý nghĩa,

Ghi dấu hiệu tương lai từ mỗi phút bây giờ!

Tôi tin hơn vào cái đẹp tinh thần khi ở bên các bạn,

Dẫu mới có xung quanh nào dáo, nào bay,

nào búa, nào choòng,

Dưới mái liếp che thưa, giữa hạt cơm còn sạn,

Mỗi , vui buồn…

càng đích thực mình hơn!

Việt Trì, 1975

Đất nước

1

Những con chim mỏ vàng lại tha rơm mới về làm tổ

Trong bóng cây chưa cao, nghe tiếng trẻ con cười

Đường nắng lượn như vồng hoa cải nụ

Một điệu hát hành quân xen giữa tiếng ru nôi!

Cả trận tuyến thần kỳ xuyên Nam Bắc xa xôi

Thành mắt xích liên hoàn sau bao thời đánh giặc.

Trải tuổi lớn Trường Sơn, nhớ tuổi thơ Việt Bắc,

Vẫn nương đồi, đốm lửa, gió vào thu…

Hai mươi mấy năm. Ngỡ mới đó, đâu ngờ

Bao lớp nghé thay trâu đã cày lên vạt ruộng,

Bao làng mạc vùi đi, bao cánh rừng ngả xuống

Bao cuộc đời tan hợp, đợi chờ nhau…

Đâu mái nhà quê, hương khói quyện bền lâu

Đã hạ xuống, che cho hầm trú ẩn!

Đất rát bỏng bên trên, dù quân thù san phẳng,

Thì tự dưới hầm sâu, tất cả vẫn hồi sinh!

(Ôi địa đạo – mạch đời khơi lạ nhất

Chưa có đất nơi đâu giống được đất quê mình).

Dáng dấp quê hương chắc, nặng, đã hình thành

Qua khói khét, bùn khô và đất đỏ,

Mùi cỏ chiến hào đắng vào giấc ngủ

Vị mồ hôi mặn chát miếng ăn,

Trước chân trời thẳng căng

Tấm lòng ta thật lớn!

2

Đất nước! Còn có nơi nào chúng ta chưa sống?

Những đỉnh dốc dài, sương tím ngát mùa thu,

Những đêm mênh mông trên biển lớn sa mù

Những hốc núi lập loè, đá lên màu lân tinh xanh biếc…

Đất nước ơi đất nước

Tiếng tắc kè kêu trong lũng hẹp rừng hoang

Quân đến, quân đi, cỏ gianh ùa gió rét

Dải Trường Sơn trùng điệp những sư đoàn.

Những con sông hoa mắt giữa chiều vàng

Những tán lá xanh rờn trong cơn mê sốt rét,

Triệu người sống qua đây nối gót người đã chết

Trong cuộc trường chinh bất tận, tới ngày vui.

Ở đây mỗi mùa thu, mạch máu lại bùng sôi,

Mỗi mùa hè thử thách, từ cao xa nung nấu lửa,

Mỗi mùa xuân tinh mơ, như đất trời khai sinh lần nữa,

Mỗi mùa đông, như lịch sử ngàn năm

âm ỉ dọc rừng già.

Ai hay đâu nghìn đỉnh núi mù sương

Lốc cốc tiếng mõ trâu, căn cứ ngày kháng Pháp

Nay thành đường lớn Hồ Chí Minh, băng đèo

vượt thác,

Những đoàn pháo, đoàn tăng rung chuyển đất

mấy nghìn đêm…

3

Rạo rực suốt trong lòng, đất chẳng phút nào yên,

Cây rắc hạt qua thung, mùi hương bay đêm lạ,

Mầm lúa lốc bỏ quên cũng làm thơm chân rạ,

Vệt mưa rào thấm mát đất hơn xưa!

Bãi sỏi gầy, dù xơ xác sim mua,

Doi đất mặn, con hà trôi dạt đến…

Năm tháng ở dài lâu cùng với người trực chiến

Đã trổ mầm xanh, thân thiết, ruột rà…

Ôi ngọn đèn phòng không trên bãi trống không nhà,

Giọng con gái giữa vùng bom toạ độ,

Em chốt đó, suốt mấy mùa dông gió,

Giành đất sinh sôi giữa biển cùng trời!

Và mẹ lưng còng tóc bạc của con ơi,

Mẹ đâu biết có tuổi già, tuổi nghỉ,

Mở mắt đã lam làm, chợp mắt còn lo nghĩ,

Những vết nhăn cùng đất một màu nâu!

Đất nước ủ trong mình lòng kiên nhẫn bền lâu

Làm đằm lại hết mọi điều dữ dội…

Bao lớp giặc tan đi, đều không đo thấu nổi

Mạch đập hiền hoà, độ lượng của tim ta!

4

Tôi đi như bốc lên trên bụi đường số Một

Qua gạch vụn hai bên, người đang tới dựng nhà,

Nhịp cầu mới vươn tay kéo nhịp cầu đã sập

Cây nham nhở tàn tro vừa kịp nhú nhành hoa…

Tôi gặp khắp nơi những bàn tay vun quén

Tôi thuộc đến như in những vóc dáng cần cù

Đất nước dám hy sinh tất cả dành Kháng chiến

Ngày thắng giặc hôm nay, sẽ đủ sức làm bù.

Mỗi em bé phút này tung tăng vào lớp Một

Đều sinh trong thời có triệu tấn bom rơi,

Mỗi cô gái thu này bắt đầu may

Đều đã đứng lên từ công sự bom vùi!

Đâu tiếng ru à ơi qua nghìn làng sơ tán?

Đêm thức trắng không đèn, chuyến phà chật mùa mưa?

Kỷ niệm vẫn theo ta, diết da và loé sáng,

Truyền sức sống hôm qua vào sức sống bây giờ!

Những thế hệ chiến tranh sẽ còn nguyên âm hưởng

Trong thế hệ hoà bình nối tiếp lớn theo nhau…

Gió lại thổi vào thu… Qua tất thảy

khổ đau và vui sướng,

Vị ngọt vẫn theo ta, từ Tháng Tám ban đầu!

Tam Đảo, 1973

Đất trẻ

Tới Cực Nam rồi…Trời, nước, bãi, bờ… đâu?

Một giải sông xa óng ánh hai màu,

Bên tả ngạn thấm mùn tràm đỏ lựng

Bên hữu ngạn ngời ngời muôn lớp sóng

Như mây báo hừng đông, như vô tận sắc cờ!

Sông Cán Gáo nối vào sông Ông Đốc mùa mưa,

Nối sang Chắc Băng, nối vào Đất Mũi,

Một giải U Minh trải dài phía dưới

Xanh ngút ngàn xanh, kênh rạch xẻ trùng trùng

Nước bao la ôm lấy bãi lấy đồng

Đất sinh nở hàng ngày, nước đổi thay từng phút,

Lách tách đàn cá trèn, long bong đàn thác lác,

Cá lóc to trùi trũi sục trong bùn,

Nghe gió bấc lên, cá trảy hội ùn ùn,

Bọt lấm tấm như cơm sôi trên nước

Sức trẻ quẫy bừng bừng nơi đất dâng tinh chất

Có gì trực quan hơn sức trẻ ở nơi này?

Những bãi Cò, trắng rợp cánh cò bay,

Những bờ bụi Láng Le, đầy le le, bìm bịp,

Xem thêm:  Nếu mà tôi chẳng gặp em - Hải Kỳ

Nước phèn đọng, chưa dễ dàng cấy được,

Đã trổ dần rừng dứa lựng hương thơm,

Chỉ ba mùa, cây mẹ đẻ cây con

Dứa chen khít tầng tầng không lách được!

Tôi đứng giữa bao la…Đất cồn cào sinh lực

Chờ những bàn tay đến khai phá hết mình…

Chân tôi quánh trong mùn đất bãi sình

Ngực tôi thở mùi nguyên sơ tạo lập,

Ngây ngất hồn tôi với tuổi thơ của đất

Tới Cực Nam rồi… Vẫn chẳng thấy chồn chân!

1975

Đêm cuối cùng trên đường 20

Ngọn đèo nghìn thước miền Tây

Chia tay đêm ấy, ngập đầy xa xanh…

Buồn, vui… dâng hết trong mình

Sớm mai ra… đã hoà bình, thật sao?

Bụi mù từng đám xe vào

Hàm răng trắng, nụ cười trao… vội vàng,

Rừng còn đang cháy ngổn ngang,

Xô cây mà vượt, dập tàn mà đi!

Con đường thông giữa hai quê

Ai qua lối đó, ai về lối đây?

Đầu đường, lửa khói liền mây,

Cuối đường, đã rộn nhịp chày khua đêm!

Đầu đường, thư bóc nhá nhem,

Cuối đường, mới dám rọi đèn, thử soi!

Hai miền, vẫn một mà thôi

Nghĩa tình bên đó, chẳng vơi bên này,

Đói no mấy thuở xum vầy

Nghìn ngày trận mạc, nghìn ngày thương nhau!

– “Anh về ngoài đó lâu lâu

Đừng quên muối nhạt, cơm rau, măng rừng,

Đạn bom dù biết tạm ngừng,

Đất chưa sạch giặc, tuy mừng, vẫn lo…”

Đi trong tíu tít dặn dò

Càng thương người ở chiến khu trong này!

Ngọn đèo nghìn thước miền Tây

Buồn vui đôi ngả… ngập đầy xa xanh…

Suốt đêm… Rừng cháy một mình,

Có hay đâu, cuộc chiến tranh ngưng rồi!

Đêm vừa ký Hiệp định Paris, tháng 1-1973

Đêm trên vùng cá

Đẩy thuyền ra, triều chậm, nước xanh lơ,

Chim xeo xéo ngoài xa kêu nháo nhác:

Có thể đêm nay gặp đàn cá đi!

Mắt tôi say màu bạc cá trích ve

Lưng loáng trắng lượn vòng trong biển lặng

Những con mực đen, con ngừ tím thẫm,

Con cá liệt đuôi cong, óng ánh năm màu,

Những con cờ ngoăn ngoắt đuổi theo nhau,

Cá chim như tên vút ngang đầu sóng…

Tháng đầu xuân, cá vào áp lộng

Biển dăng dăng trăm ngọn thuyền đèn.

Mùi mồ hôi hoà vị muối

Hơi gió biển phả từng luồng ấm lạnh

Sóng đặc kịt ruổi theo trời sáng ánh

Thuyền như thoi vùng vẫy giữa sao sa…

Nào hò dô! Bốn phía lưới thuyền ta,

Dạng chân chèo vững chãi giữa bao la,

Nhịp biển thở rùng cánh tay chắc nặng

Đêm mênh mông trong hồn biển giao hoà…

Tất cả đều say bầu trời tĩnh lặng

Say tiết tấu dập dềnh những lưới trắng tung cao

Cho tuổi trẻ, cánh tay trần khoát rộng

Thu sức sống trùng khơi – những thác cá ùa vào!

1974

Đôi dòng tiễn đưa bà nội

“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm…”

(Bếp lửa – 1963)

Mười năm rồi, bà ạ,

Cháu chẳng có gì hơn trong phút tiễn đưa bà!

Rất nhiều điều giản dị, sâu xa,

Bà mong ước, cháu còn chưa đạt được,

Bà trầm lặng hơn ngày trước

Đau ốm nhiều, vất vả cũng nhiều hơn…

Đôi mắt càng già, càng thấm thía yêu thương,

Dù da dẻ khô đi, tấm lòng không hẹp lại,

Giàu kiên nhẫn, bà còn hy vọng mãi

Chỉ mỗi ngày dắn lại, ít lời thêm.

Nhớ năm Giônxơn đánh phá liên miên

Cháu sơ tán tận trên Hà Bắc,

Ba mươi Tết, đạp về quê cập rập,

Đêm không trăng, bà đi nấu xoong chè

Bếp nhỏ lui cui che chắn bốn bề

In hệt túp lều năm xưa kháng chiến

(Có con chim xa kêu mùa vải chín

Đom đóm bay xanh đặc cả cây vườn!)

Cái năm cuối cùng bom đạn Níchxơn

Bà sơ tán tận trên Triều Khúc

Làng xa tắp, nằm kề bên Bến Đục,

Giếng thơi xa, đi kéo nước một mình!

Cháu lên thăm, thắc thỏm mãi không đành,

Sắp đặt vội, để còn vào Quảng Trị,

Bà an ủi: “Dào ôi! Mày cứ vẽ,

Vào trong kia còn bom đạn bao nhiêu!”

Bãi cỏ lau già, bà đứng, dáng xiêu xiêu,

Cành xoan mảnh trên tay làm gậy chống.

Gió xa tắp, đồng tháng Năm lồng lộng,

Tóc phơ phơ, hắt đỏ ráng chiều…

Và cháu đi, không kịp nghĩ chi nhiều

Đến những ngày bà bắt đầu đau yếu…

Tháng Tám nước to, chỗ bà khuất nẻo,

Tháng Mười hai, dồn dập B.52!

*

Mười năm rồi, bà ạ!

Cháu chẳng có gì hơn trong phút tiễn đưa bà!

Giờ bà đã nằm trên đất đồng làng

Con đường cũ cháu về. Gắt gao màu nắng đỏ.

Cuộc đời bà đã qua tất cả

Lẳng lặng, khiêm nhường, không dấu tích gì!

Mười năm

Cháu dần lớn, nên người.

Rất nhiều điều phải đi đến tận cùng,

Chỉ có lòng bà thương

Đi bao giờ hết được?

1974

Em hãy đến cánh đồng Mường Thanh

1

Em hãy đến cánh đồng Mường Thanh

Năm trận đánh xảy ra, em chưa đầy bảy tuổi

Có thể trên đường tản cư, em còn ngồi trong thúng

Mẹ quảy gánh gập ghềnh qua bao lối chân trâu

(Em chưa thể ngờ mười tám năm sau

Vào trận Điện Biên trên không mới nữa

Em lại bế đứa con đầu lòng đi sơ tán

Dưới bầu trời đỏ xác B.52…)

Phải, em hãy đến cánh đồng Mường Thanh

Nơi có những đường hào từ tuổi thơ sũng nước

Những trận mưa tháng Ba rét dài căn cắt

Đồng cỏ sém hai mươi năm xanh lại từng ngày

Lại vỡ đất, trần lưng trên ruộng cháy

Có tấm lòng nào xa lạ với nơi đây?

Biết bao mồ hôi, sức lực đổ ra

Để phá hết kẽm gai, san bằng lô cốt,

Để lật hết những hầm ngầm bí mật,

Tháo hết những kíp mìn, gỡ hết những kho bom!

Nhưng rồi mùa mơ, mùa cam thứ nhất, thứ hai,

Vẫn còn người hy sinh khi đi hái từng chùm quả ngọt,

Những mùa lúa đã vàng lên óng mắt

Dưới chân rạ cày sâu còn bất chợt thấy xương người!

Giành chiến thắng xong rồi

Còn phải sống cho xứng tầm chiến thắng!

Em hãy đến cánh đồng Mường Thanh

Để hiểu hết đời mình vào tuổi lớn:

Giành đất với quân thù, dẫu nhiều năm, nhiều tháng

Nhưng nuôi đất nảy nở sinh sôi, là trận đánh đời đời!

2

Anh biết em rất muốn trả lời

Câu hỏi của bao người ngã xuống:

Họ phải chết cho đời ta đẹp hơn thời họ sống,

Cao cả hơn và cũng vẹn toàn hơn!

Nhưng trận tuyến thời nào mà chẳng

giống Mường Thanh?

Mỗi thế hệ đi qua đều trải đủ niềm vui và nỗi khổ

Điều chủ yếu là

dám can đảm đào tiếp đoạn chiến hào bỏ dở

Dù chỉ nhích lên thêm từng mét

Như ở Mường Thanh

Dưới mảnh bom và đạn pháo

Dưới mưa dầm và bùn đặc

Kỳ cho tới đích

(Cái đích tưởng trong tầm ngắm, nhưng còn lắm

gian nan mới tới!)

Để chắc chắn cắm được ngọn cờ, tiên lượng hết

hy sinh và hạnh phúc,

Trước một vạn sáu ngàn kẻ thù chính quy

phải cúi mặt ra hàng!

Giây phút ấy phi thường

Nhưng được làm nên từ mỗi đoạn hầm hào vô danh, từ

ngàn vạn viên đạn súng trường bắn tỉa,

Từ mỗi gánh nặng oằn lưng – mà mỗi người

chìa vai dám nhận,

Từ mỗi chịu đựng phi thường – mà mỗi người

quả quyết giơ tay!

3

Con cái chúng ta hôm nay

Sau hai mươi năm, vẫn gọi Bế Văn Đàn và

Phan Đình Giót bằng Anh

(Khi chiến thắng không cũ đi, những anh hùng

không có tuổi!)

Em hãy đến cánh đồng Mường Thanh

Đừng cốt để tự ngắm mình trên đỉnh cao vòi vọi

Mà hãy ngấm sâu vào từng cảm xúc thân quen…

Em sẽ càng thấy thiêng liêng

Từng chiếc xẻng tầm thường, từng ca sắt tráng men,

Từng mảnh áo bông thô chần quả trám,

Từng giọng hò đã quên đi trên núi đèo sâu thẳm,

Từng khúc quân hành đóng đanh như búa bổ,

dội câu thề…

Em càng thấy nóng lòng hơn:

“Sau kỳ tích Mường Thanh, giờ phải có thêm gì?”

Hai mươi năm rồi, vẫn câu hỏi ấy thôi!

Em hãy đến…

1974

Kỷ niệm 20 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Hòn Khoai

Tên quen thuộc, rất nôm na, dân dã

Ai hay đâu tận cuối đất, cùng trời!

Hòn Khoai

Hòn nhỏ xíu giữa mù khơi

Cách Rạch Tàu hai giờ xuồng máy,

Có gì lớn với đời tôi vậy

Mà tôi xúc động không cùng?

Hòn đảo xa bờ, vắng vẻ, không dân,

Mươi gian nhà cũ xây bằng đá,

Mươi gian nhà Mỹ mới làm vội vã,

Mái xám đìu hiu, cửa xám cũng đìu hiu,

Con rắn ngo ngoe trong hốc đá ,

Con tu hú kêu, nhớ đất liền quê cũ…

Có gì gắn với đời tôi ở đó

Mà tôi xúc động khôn cùng?

Con đường lên tới đỉnh, xoáy vòng

Rồi tiếp một cầu thang bốn mươi mốt bậc,

Lên tới chót, ngẩng đầu, bỗng ngợp:

Cả bờ Nam Tổ Quốc: Mũi Cà Mau!

Gió bao la phóng túng ở trên đầu

Xem thêm:  Trọn bộ 69 stt ngắn về mẹ hay và ý nghĩa nhất làm lay động lòng người

Con chim biển phập phồng bay giữa nắng,

Bóng chim trải loang to trên hòn đảo lặng

Sóng liền trời, tít tắp cảnh bình yên…

Anh du kích trẻ măng, bồng khẩu tiểu liên,

Khắp mình anh, hai mươi tám vết thương còn nhức,

Trên bản đồ, một hòn đảo chỉ bằng chấm mực

Đã qua bao thử thách phi thường!

Bỗng rưng rưng: Đến ba chục năm trường

Chưa có phút nào tôi đứng cao đến thế!

Trên chỏm Hòn Khoai, sừng sững đầu vịnh bể

Nhìn Mũi Cà Mau đang rạch sóng trùng dương!

*

Tôi như con chim bay hết tầm vỗ cánh

Để được đỗ xuống đây, ngày đất nước trùng phùng,

Cái đích của bao đời, hôm nay tôi đã tới,

Còn biết lấy gì đo những xúc động khôn cùng!

1976

Hương mùa thu, phố biển…

1

Tôi có gì thêm khi đến Hải Phòng

Thành phố của bộn bề cần cẩu thép

Của những trục, những đà, những xà ngang, tời dọc,

Của màu khói xi măng, những ánh chớp lửa hàn,

Hàng cây số dài, búa máy râm ran,

Lại cả của mùa thu, ngăn ngắt xanh sương biển,

Con hải âu lượn chao như niềm vui hiển hiện,

Một bờ cát nguyên ròng ánh một vết chân in.

Giữa náo nhiệt lạ lùng, tôi bỗng muốn lặng yên

Hơi thở trong tôi như dồn nén lại

Hơi thở sâu đằm, hơi thở ngày bé dại,

Trong cảm giác yêu đời như bỏng cháy trên da.

2

Tôi thức giấc lần đầu từ tiếng vọng khơi xa

Con tàu mới xuống đà như tiệc cưới

Màu sơn thắm lao xao triền nước nổi

Sóng cồn lên mùi hăng lạ – hương dầu.

Hải Phòng buộc tôi thức giấc lần đầu

Để từ đó không sao còn ngủ được

Biển mê mải mùa thu đầy ắp nước

Suốt đêm ngày vỗ sóng lớn không thôi!

Và vị mặn cần lao bỗng xộc đến trong tôi

Vị mặn của mồ hôi, bến tàu, gỉ sắt,

Của bụi trắng trên đầu, của gió se trên mặt,

Của hơi người đi, hối hả nối nhau…

3

Phố thợ nằm chen trên những chiếc cầu

Mùi khét những hoả lò đọng lâu trên vỉa hè quanh quất

Khói bếp chật toả ra đường nghi ngút

Tiếng thùng tôn va ngõ tối lanh canh

Những lối vào nhà ngoắt ngoéo vách ngăn

Quay trở lại, đã khuất đường, cách phố.

Những tấm lòng thuỷ chung đón tôi trong mỗi

ngõ sâu chằng chịt đó

Ngõ trải bao la tình nghĩa bạn bè

Có ngõ tưởng hết đường, chỉ tới tận cùng mới

loá lên ánh điện

Nơi bà mẹ đi làm về, nửa đêm đang ngồi nấu cháo,

Nơi người cha cần mẫn lam làm, nửa đêm còn đi

gánh nước cho con.

Tôi đi lên cầu thang

Thang gác ngăn đôi, một lối xuống lưng chừng

trổ ra cửa sổ,

Trần cũ còn vết bom, nứt nẻ từng khoang vôi loang lổ,

Hai miếng gỗ kê chéo nhau, lấp chỗ hở trên sàn.

Trong lòng tôi mừng tủi, bàng hoàng,

Cánh cửa đã mở ra: Tôi gặp lại một bàn tay nóng ráp,

Gặp lại nụ cười trẻ hơn khuôn mặt,

Và khuôn mặt trẻ hơn dáng hình!

Những dáng người của mình đây.Thành phố của mình!

Tôi khám phá, tri ân những gì dung dị nhất,

Thành phố bần hàn, dắn thô, chân thật,

Những em bé phơi cá tôm, da cháy nắng, chân trần,

Hoa mướp xỉn than đen trên những mái tôn nghèo,

Thuỷ triều rút, những con thuyền đậu cạn,

Những vỏ hến vỏ hà nhô ra trên dòng sông khô nhám,

Những cánh lưới, cánh buồm vá lại trước khi đi…

Cuộc sống cần cù, vật lộn, say mê,

Vật lộn, cần cù…đến làm rơi nước mắt.

Vâng! Tôi đã gặp ở đây những điều rung động nhất

Dẫu chỉ gặp một lần, sẽ mãi mãi đem theo!

4

Thành phố bất ngờ, như xoáy lốc tình yêu,

Như trong câu thơ tự chín mười năm trước,

Những câu thơ, thuở đầu đời quen thuộc

Tôi viết ra, tôi cũng đã quên rồi!

Một buổi chiều đi dưới bóng cây râm

Em lặng lẽ mỉm cười và đọc lại…

Em yêu nỗi khát khao những khoảng trời hoang dại

Yêu những cơn mưa dông tràn hạnh phúc mùa hè

Những ngọn tầm xuân quấn quýt gỡ không ra

Những đỉnh thông cao, choàng nắng thu lỗ đỗ…

Em – Cô bé mảnh mai của suốt thời

Vẫn ngủ mê thấy một cánh buồm!

Chút thao thức trẻ trung, tươi rói tự trong hồn

Như cơn bão của mùa thu xứ biển

Như bắt chợp bình minh, con tàu ùa cập bến,

Con tàu trắng một màu, lẫn với sắc trùng khơi!

Và tuổi thơ đầu, không có thực trong tôi

Bỗng bất thần như chớp loé,

Tôi đâu biết lòng tôi yêu cuộc đời đến thế,

Nếu chẳng phải vì em – mùa thu ấy, Hải Phòng!

5

Mai đây

Bến cảng đang xây – sẽ đóng xong những chân

móng cuối cùng

Bãi mới ven sông – sẽ mọc dậy lứa cây đầu bé nhỏ

Xưởng máy phục hồi – sẽ lợp nốt dãy cuối cùng

ngói đỏ

Những thuỷ thủ thực tập nghề đi biển lớn đầu tiên!

Đấy là Hải Phòng

Những cái đầu tiên và cái cuối cùng

Xen lẫn nhau như nghìn mối chỉ màu trong tấm dệt,

Đấy cũng là thơ ca

Xáo trộn bao điều đã hình thành, bao điều chưa rõ nét,

Đấy là chỗ tiếp giáp tuổi thơ ngây và tuổi trưởng thành.

Hay đấy cũng là tình yêu,

Nơi tôi tưởng có chỗ dừng

Lại tiếp nối, trở thành bất tận!

Hải Phòng, 1974

Một chút thầm thì trong tình yêu Hà Nội

Nơi tựu trường ngày thơ, trang giấy thơm đầu thu

Tán bàng vô tư không quên được bao giờ,

Chuông xe điện trong màn sương rạng sớm

Và nắng nhỏ trên hàng cây rét muộn

Có thể nào không xui tôi nhớ em?

*

Những con đường dạ hương làm tim đập không yên

Tôi đi một mình dưới chiều xanh bối rối

Thành phố thầm thì trong tình yêu vừa nhen!

Qua năm tháng chiến tranh, nét dầu dãi dần quen

Những con đường phòng không, hầm ngổn ngang

gạch đá,

Em đã vào ca đêm, việc cần cù vất vả,

Nắm bàn tay sương giá, lại thương em!

*

Nơi hò hẹn ban đầu, ta chẳng thể nào quên

Bao từng trải về sau càng gắn liền ta lại…

Thành phố của tình yêu tươi tắn mãi

Nơi cuối cùng lắng lại, hoá hồn tôi!

1973

Nghe trong trưa Bát Tràng

Đất dựng làng năm trăm năm

Lớp ngói cũ, thẫm một màu dân dã,

Năm trăm năm – lửa chẳng tắt bao giờ!

Ngọn lửa ù ù ăn gió quạt lò

Âm thanh chuyên cần, toả đầy trưa yên ắng,

Bóng nắng lim dim… đúng là bóng nắng

Có tự thời quả thị gặp bà tiên!

Cơm bát đàn mộc mạc nên duyên,

Canh sóng sánh bát con gà men trắng,

Bát bún cổ truyền – chiết yêu, miệng rộng,

Thành bao thấp xoè hoa, chân gọn chắc tay cầm.

Như lụa bay, phơn phớt sắc men chàm

Lấm tấm điểm: thông, mai, cúc, trúc,

Dáng bát cứ vững bền, chân thật,

Mà màu men thanh bạch, gợi cao xa!

Năm trăm năm trôi qua…

Bao vẻ đẹp tạo nên từ thớ đất:

Đất mịn dẻo, mát lòng tay thấm nước

Đất định hình trong lửa chói chang

Hiện màu sành: nâu sáng, nâu đen,

(Sành dắn cấc lát đường, gót trâu đi không vỡ!)

Nhặt một mảnh sành từ trăm năm chịu lửa

Càng hiểu sức tìm tòi… từ lớp lớp cha ông.

Lối xóm hẹp lâu đời, tường kết chặt đá ong:

Hào đánh cướp – một thời xưa loạn lạc,

Lối du kích ra quân thời kháng Pháp,

Nơi trẻ tránh bom, thời đánh Mỹ gần đây…

Thấm thía tình làng qua lắm đổi thay,

Buổi trưa bình thường bỗng khiến tôi bỡ ngỡ:

Hoa cau rơi vào chum nước cổ,

Đàn sẻ bay lách chách đầu hồi.

Và những ấm chuyên, chén, tách, bát, nồi,

Chum với vại, lọ với bình… mộc mạc,

Nằm khô ráo, gió thổi vào như hát,

Tình yêu đời – như tự đất ca lên!

1976

Quảng Bình, đêm nghe bom toạ độ

Một đêm thức dậy dăm lần

Toạ độ xa, toạ độ gần – bom rơi,

Cầm canh, pháo kích liên hồi

Dưới trăng suông, thấy cây đồi sém đen…

Bỗng nghe… róc rách triều lên

“Huầy dô” – Lại tiếng đẩy thuyền ra khơi,

“À ơi” – Lại tiếng ru hời

Râm ran sông nước, cuộc đời… vây quanh.

Nằm trong thao thức bình minh,

Tiếng gà – quen đến giật mình: Quê hương!

1972

Sau mưa

Ô kìa! Đất mát sau mưa,

Ruộng tơi chân rạ cày bừa vụ thu

Mặt sông êm ả

Phù sa kết giải, phù du nối bè!

Đất say mật mía, hương chè,

Đôi con chim sáo tụ về vườn xưa,

Có gì vui đến ngẩn ngơ

Ngày thường đã hoá ngày Thơ lúc nào?…

1975

Thị xã và con người

Thị xã tự hào của em

Mấy năm rồi, tôi đi tôi lại đến,

Màu rêu trước chiến tranh còn in trong hoài niệm,

Xem thêm:  Bài thơ Tình nồng đã phai – Nhà thơ Nguyễn Đình Huân

Những lòng đường ba thước hẹp con con!

Có gì khác đi không:

Hai bờ đá nhô cao ven con sông mùa cạn

Trẻ em thả những đốm diều nắng sáng

Tán bàng in sắc đỏ giữa trưa yên.

Thị xã tảo tần của em

Những cửa gỗ, mái tôn, đã mấy đời chắp vá,

Em cảm biết cái nghèo sâu sắc quá

Đôi mắt buồn thăm thẳm những yêu thương…

Nhưng em còn làm tôi ngạc nhiên hơn

Trước ánh mắt mở to, đầy lo toan cao đẹp,

Cuộc sống sau chiến tranh, nhiều băn khoăn chật hẹp,

Càng cần tấm lòng rộng lớn bao nhiêu!

Tôi đi trong ráng chiều

Hoàng hôn đỏ trên lò nung sắp dựng,

Nhà máy sứ xoè cao như trang thơ trải rộng,

Những dòng thơ dần hiển hiện quanh em…

Những chùm đèn lồng rạo rực sáng vào đêm

Như khát vọng trong em thắp thành hoa phát sáng!

Em sôi động, giữa niềm tin thanh thản:

Nhìn mọi thứ dựng xây, đã đủ thấy yêu đời!

Thị xã già nua, so với con người

Và bé bỏng trước tầm nhìn mới mẻ,

Cứ đổi thịt thay da, vươn dài mạnh khoẻ,

Từ mỗi tấm lòng tươi tắn như em!

Hải Dương, 1973

Tiếng ru và ngọn gió

Ôi tiếng ru rất dài trong ca dao

Đi giữa gió Lào, nghe, lại nhớ

Một vòm trời nắng lửa

Cánh chuồn bay, năm đã xa rồi!

Gió khắt khe, nóng bỏng, không lời,

Táp vào mặt, vào hồn ta, khô dắn.

Quê mẹ mênh mông những cồn cát trắng

Ngụm nước trong, gánh những mấy thôi đường!

Đã quen bao chiến trường

Mùi khói khét lẫn mồ hôi mặn đắng,

Những đồi xém, cỏ khô trần trụi nắng

Một tiếng chim kêu cũng xót lòng…

Đã quen sức vun trồng

Từng luống rau khoai bên lề công sự

Bắc máng nước tự khe nguồn rỉ nhỏ

Gây giống gà nuôi giữa núi cao…

Nhưng dẫu qua bao nhiêu gian lao

Vẫn chẳng thấm khi bước về quê mẹ

Ngó sững niêu cơm bên lành bên mẻ

Nhớ hết từng tên kẻ mất, người còn!

Bốn phía hố bom. Những cánh chuồn chuồn

Bay dỡn nắng, chẳng tìm ra chỗ đậu

Đâu lối cỏ may, đâu bờ rào giậu

Gió thổi trơ ra đất đá gồ ghề…

Nhưng tiếng ru đã lại trở về!

Đi giữa gió Lào, nghe, lại nhớ

Cuộc đời từ tuổi nhỏ,

Mồ hôi, nước mắt quê nhà…

Đi giữa gió Lào, nghe, lại nhớ

Tâm hồn cứng cáp ông cha…

1970

Ú tim một chút, chùa Hương…

Em giống như cơn mưa, như trận gió cuốn sang hè,

Làm thức tỉnh hồn tôi nhiều biến động…

Tôi im lặng, bàng hoàng khi được sống

Một ngày vui không dễ nói ra lời!

Lối rất dốc, màn sương và một chút mây trời

Một chút nắng, làm hồng hào gương mặt

Một chút lặng thinh, khi nhìn xa tít tắp

Một chút đợi chờ sẽ thổ lộ… bâng quơ.

Ta cứ lên cao, cao mãi đến bao giờ?

Bỗng phát sợ – nhỡ chúng mình biến mất!

Đá đẹp quá, tưởng chừng không có thật,

Hoa dập dờn, nhưng chửa tới tầm tay…

Có chút gì thích thú rất thơ ngây

Là dự đoán về nhau, mà không cho nhau biết,

Là nghĩ ngợi nhiều điều, nhưng nghĩ chưa tới hết,

Hạnh phúc gieo từng chuỗi ú tim dài!

Và bến đò vui, thành khúc nhạc không lời,

Ba cây số ta qua, nước với trời đồng vọng,

Sau rốt, đến buổi chiều… Khi tất cả đều yên lặng

Thì em lại như cơn mưa, như trận gió

cuốn sang hè!

1976

Về Huế, đêm rằm…

Gặp lại cô giao liên áo tím N.K.K.B.

Mùa trăng ấy, thật lâu rồi,

Dáng em nhỏ xíu qua đồi sim mua,

Đồi hoa tím lạ lùng chưa

Thân thương sắc Huế, ngẩn ngơ lòng mình!

Tám năm… Biết mấy ân tình,

Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình… vô, ra,

Chiến khu đùm bọc thành nhà

Lòng quê canh cánh, xót xa chưa gần!

Đêm nay về Huế, bất thần

Người xưa, cảnh cũ… tần ngần mãi chi!

Trăng tràn ngập hết đường đi

Trăng viên mãn quá! Nói gì cùng nhau?

Rưng rưng khúc hát ban đầu,

Con sông xa ngái, nhịp cầu mỏng manh…

Thở phào… Đi hết chiến tranh,

Mùa trăng tím Huế vẫn dành cho ta!

Nhắc chi tan hợp… phôi pha…

Ngờ đâu… chất chứa vui oà về đây!

Em đi… thuở ấy, vai gầy,

Em là Huế – của đêm nay trăng tròn!

Chùa Từ Đàm, Huế, 6 -1975

Về Hương Sơn, năm sơ tán ấy

Hoa cau thơm ngát đầu ngày

Bên kia Bến Đục, bên này chùa Hương,

Ngỡ xa xôi mấy ngày đường

Mà nay sơ tán, thuộc làng, bén quê!

Lanh tanh vẫn nước lòng khe

Ngẩn ngơ chim núi, se se dặm rừng,

Bước lên, vẫn đá chập chùng

Chùa xưa, kinh kệ lẫn cùng mây bay,

Bềnh bồng cảnh đấy người đây

Hư không có dễ làm say lòng mình?

Lẩn trong tịch mịch sao đành,

Càng lên càng thấm ân tình nhân gian:

Dậy thơm kìa trái mơ vàng

Có cô em gái trĩu quang gánh về

Xanh xanh màu khói dưới kia

Cơm chiều hợp tác đã nghe kẻng rồi!

Tần ngần ngắm núi Mâm Xôi

Núi Con Gà đậu bao đời, y nguyên,

Với tay lên đến chùa Tiên

Vết bom còn đó, tham thiền dễ chăng?!

Lên Trời, hướng quá mênh mang,

Càng yêu một lối về làng con con!

Trèo non, khuất khúc chon von

Càng thêm ưa cảnh ao chuôm bình thường!

Hoa cau thơm đến suốt đường

Biết đâu thơm tự Chùa Hương thơm về,

Mái tranh nghèo Bến Đục Khê

Biết đâu năm ấy thành quê hương mình!

1974

Về Hương Sơn, năm sơ tán ấy

Hoa cau thơm ngát đầu ngày

Bên kia Bến Đục, bên này chùa Hương,

Ngỡ xa xôi mấy ngày đường

Mà nay sơ tán, thuộc làng, bén quê!

Lanh tanh vẫn nước lòng khe

Ngẩn ngơ chim núi, se se dặm rừng,

Bước lên, vẫn đá chập chùng

Chùa xưa, kinh kệ lẫn cùng mây bay,

Bềnh bồng cảnh đấy người đây

Hư không có dễ làm say lòng mình?

Lẩn trong tịch mịch sao đành,

Càng lên càng thấm ân tình nhân gian:

Dậy thơm kìa trái mơ vàng

Có cô em gái trĩu quang gánh về

Xanh xanh màu khói dưới kia

Cơm chiều hợp tác đã nghe kẻng rồi!

Tần ngần ngắm núi Mâm Xôi

Núi Con Gà đậu bao đời, y nguyên,

Với tay lên đến chùa Tiên

Vết bom còn đó, tham thiền dễ chăng?!

Lên Trời, hướng quá mênh mang,

Càng yêu một lối về làng con con!

Trèo non, khuất khúc chon von

Càng thêm ưa cảnh ao chuôm bình thường!

Hoa cau thơm đến suốt đường

Biết đâu thơm tự Chùa Hương thơm về,

Mái tranh nghèo Bến Đục Khê

Biết đâu năm ấy thành quê hương mình!

1974

Xứ sở của niềm hy vọng ở tận cùng

Người anh em phương Nam, chiếc mũ cói rộng vành,

Da như chín dưới bầu trời nhiệt đới

Nơi ngày xưa ngỡ tận cùng

Se sắt đồng hun màu sa nguyên,

Đại dương một bên. Núi lửa một bên.

Nơi cái nóng ép chặt vào cái lạnh,

Đời nọ nối đời kia

Mảnh đất mang cái tên kiêu hãnh:

“Xứ sở của Niềm Hy vọng ở tận cùng!”

Chilê, ôi Chilê!

Ngày xưa tôi chỉ biết

Dải đất Magienlăng cập bến lần đầu,

Bốn thế kỷ sục sôi khát vọng

Máu những người Tây Ban Nha đổ xuống

Hoà với máu những người da đỏ,

Mảnh đất của xương rồng và những cánh hoa

tình yêu màu huyết dụ…

Tôi đâu biết đến ngày chính lòng mình sôi lên ở đó

Trước hàng trăm nghìn người bị bắn, xích thành dây!

Bọn phát xít xổng chuồng! Máu đã đổ hôm nay!

Cơn xoáy dữ ba ngàn cây số đất:

Antôphagaxta… Punta Arênat…

Những ốc đảo xanh và những cánh đồng ngô,

Rừng đại ngàn dọc núi Anđơ

Đến núi đá Cực Nam lồi lõm lửa…

Bọn phát xít bắn tràn lên tất cả!

Và Xanchiagô thành thủ đô của bắt cóc, thủ tiêu,

Những hố chôn chung đào ngay dọc phố

Sân vận động thành trại giam quá cỡ

Xe xích đi như chó dại trên đường!

“Xứ sở của Niềm Hy vọng ở tận cùng”

Những năm tháng tự do vừa mới là hiện thực!

Tấm biển những Công ty độc quyền vừa mới bóc

Có thể nào lại để chúng treo lên?

Và những xuất sữa tươi quà sáng trẻ em

Vừa mới được phát không, kẻ thù liền hắt đổ!

Phải buộc chúng đền bù tất cả

Không để phút chần chừ, không có phút buông tay!

Và tôi lại nghe tiếng hát những ban mai

Trên đá, trên sông, trên doi cát mặn mòi,

Nghe vạn dấu chân xuyên rừng, xuyên biển,

Tiếng rậm rịch những bưng biền kháng chiến.

Khúc hát yêu đời người du kích Ghêvara:

“Phải tạo ra ở Tây Bán Cầu lấy một, hai, ba,

Hay nhiều nữa những Việt Nam, nhiều nữa!”

Một bên đại dương. Một bên núi lửa.

Người anh em phương Nam, chiếc mũ cói rộng vành,

Dáng lưng thô bất chấp mọi nhọc nhằn,

Hồn sâu thẳm rút lên từ ruột đất.

– “Chúng ta phải còn! Kẻ thù phải mất!”

Họ chỉ thề như thế, một câu thôi!

“Ôi Chilê, cánh hoa dài…”

Lại cũng giống lưỡi gươm trần sắc lạnh,

Mang lửa của Hôm Nay hoà với lửa

cả thời xưa kiêu hãnh,

Xứ sở trong tôi xiết bao gần gũi:

“Xứ sở của Niềm Hy vọng ở tận cùng!”.

(Viết khi nghe tin Nêruđa vừa mất ở Đảo Đen)

1974

Mỗi một bài thơ trong tập thơ Đất sau mưa 1977 của nhà thơ Bằng Việt đều xuất phát từ một cảm hứng, một sự kiện, một con người… mỗi vần thơ chắt chiu lắng đọng thể hiện tâm tư tình cảm của nhà thơ.

Theo Thuvientho.com

Check Also

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Hoa cúc họa mi còn được gọi là hoa cúc dại hay là hoa cúc …