Bên cạnh tập thơ ” tình”,”quê nhà nỗi nhớ”, Bùi Nguyễn Trường Kiên đã xuất hiện tuyển tập “đời”. Đây là những tác phẩm kiệt tác được người đời ví như một luồng gió mát của nền văn học Việt Nam. Những xúc cảm, những cảm nhận rất riêng, rất tinh tế về quê hương, của sự sự bao la đất trời được tác giả bộc lộ hết trong những vần thơ bay bổng trữ tình. Ngay dưới đây, chúng tôi xin trích một phần của tác phẩm để thấu hiểu được điều này nhé!
Mưa Nắng Sài Gòn- Mưa, Nắng Và Em
sáng nay
Sài Gòn
mưa
trong nắng
phố thênh thang
biết em ở nơi nào
Sài Gòn
không em
nỗi buồn
dâng
thác lũ
biết có còn
nhớ đủ để mà đau!
em
dạo ấy
cứ vui như nắng hạ
rồi buồn thiu
như gió cuối chiều đông
ta
ngơ ngác
nỗi buồn
đau
ngơ ngác
xa em rồi
chiều ấy
ở bên sông…
ta
nhẫm đếm
tháng
ngày
xưa
đã mất
lá vàng rơi từ độ thu buồn
em
chắc nhớ
những hẹn hò
ngày cũ
bàn tay nào
vừa nắm
đã
vội buông!
Sài Gòn
cứ
hết mưa
rồi lại nắng
ta mãi lang thang lối cũ năm nào
em
cũng thế
cứ mặc ta
khờ dại
hơn
nửa đời
ngồi đếm tháng ngày hao!
Ta Với Đời
Đã bao đêm giấc ngủ nặng nề
Ta dập dềnh trong từng cơn bão dữ
Nợ áo cơm một đời chưa trả hết
Biết làm sao
Ta khóc một mình!
Ta vào đời bằng đôi chân đất
Bằng đôi tay trắng màu hư không
Bằng những nghĩ suy non như lúa trổ đòng
Bằng vài câu chuyện đẹp như cổ tích
Thế nên ta nào hay cuộc đời là bi kịch
Ta ngu ngơ chẳng biết gì!
Màu xanh cuộc đời cứ cuốn ta đi
Lúc lên non cao
Khi ra biển rộng
Cho đến khi ta ngập ngụa giữa muôn trùng ngọn sóng
Mới hay, đời – bể khổ trăm bề!
Về Ngày Cuối Năm
Bỗng dưng thấy thương
Cái ngày bất chợt
Cái ngày vu vơ
Cái ngày nên thơ
Ba một một hai
Ngày cùng tháng tận
Để nhớ hoa mai
Hay nhớ về ai
Hay để nhớ ta
Cuối năm nhìn lại
Mười hai tháng trôi
Thêm lần chia phôi
Gặp nhau buổi sáng
Nhớ nhau buổi trưa
Gặp nhau trời nắng
Xa nhau trời mưa
Một ngày vừa lạ
Một ngày vừa quen
Một ngày bất chợt
Một ngày của em
Cảm ơn một năm
Cho ta một ngày
Để ta mãi nhớ
Một ngày của năm
Nỗi Nhớ Đêm Xuân
Chiều cuối đông se se cơn gió
Nắng chẳng đủ hồng đôi má em tôi
Đôi mắt buồn dõi về phía xa khơi
Đêm nay có vì sao buồn chẳng mọc
Rộn ràng canh khuya lên chùa hái lộc
Cầu cho duyên thắm sắc hoa đào
Cầu cho tình mãi tình son sắt
Để trái tim chờ bớt hanh hao
Xuân vừa đến – đến rồi xuân đã đến
Nắng reo vui trên má ai hồng
Bờ mi cong đôi mắt huyền e ấp
Một trái tim chờ giã biệt chiều đông
Xuân đến rồi sao khắc khoải chờ mong
Để nỗi nhớ chất chồng lên nỗi nhớ
Cho hơi thở bao giờ bên hơi thở
Để đất trời nghiêng ngả bướm cùng hoa
Nhà ai vang vọng khúc tình ca
Có bước chân khua bên thềm cũ
Nỗi nhớ quắt quay điên cuồng sóng dữ
Ngọn gió lay…
Nỗi nhớ rụng loang thềm!
Chào Mùa Xuân Qua
Cái rét hôm nào xin gửi lại
Cùng mùa đông vừa mới đi qua
Để những nụ tầm xuân hé nhuỵ
Để nụ cười tươi như lá hoa
Cái buồn cuối năm, ừ thôi nhé
Bỏ lại sau lưng cùng lo toan
Mùa xuân phía trước xuân là thế
Giữ lại làm chi, những chuyện buồn!
Nhớ làm chi bước đường va vấp
Nắng lên soi tỏ những mắt nhìn
Mở lòng ra cho tình thêm rộng
Khép mãi làm sao thấy bình minh
Nhủ lòng hãy bước về phía trước
Nơi cỏ hoa lẫn với đất trời
Nơi những trái tim đang bắt nhịp
Bài tình ca sâu lắng đầy vơi
Chào nhé mùa đông cùng nỗi nhớ
Ta lên đường đến với nắng hồng
Dù mai sẽ biết xuân tàn úa
Sẽ có một người nhớ rét đông!
Gởi Mùa Xuân
lá non
chờ
giọt nắng Xuân
nhuỵ chờ ong
gió chờ từng áng mây
cô đơn
chờ
dáng hao gầy
ta chờ mong
suốt những ngày vắng ai
một mình
đợi
một
ánh mai
hai tay
đợi
một
tương lai mịt mùng
bao năm đợi cuộc trùng phùng
cả đời đứng đợi
lạnh lùng gió sương
có ai đợi gió
bên đường
cho ta
chờ với
niềm thương vô bờ
ai kia mắt dõi trông chờ
ta cùng
đợi
dẫu mịt mờ dáng Xuân
Miền Trung Ơi Thương Nhớ
Tết này nắng có về miền Trung
Để hong khô những mái đầu xanh vừa qua cơn lũ
Bây giờ các em phải nằm trên sàn nhặt từng con chữ
Bàn ghế tang hoang bút sách cũng không còn
Miền Trung ơi nỗi chờ đợi mỏi mòn
Những mùa bội thu trở thành ký ức
Những cành đào…
những nhánh mai…
những đoá hoa đồng tiền…
Trên tấm tranh xuân đã phai màu mực
Vết bùn nâu ngấn nước dữ hôm nào
Tết miền Trung thừa những trận mưa rào
Đòn bánh tét lẫn vị chua, vị đắng
Của nước mắt mồ hôi một đời tiện tặn
Cơn lũ về bổng chốc trắng tay
Tết này về người thành thị có hay
Đất miền Trung vẫn dãi dầu sương gió
Tết về áo ai hồng trước ngõ
Bánh chưng xanh câu đối đỏ trong nhà
Lũ trẻ miền Trung có đứa khóc oà
Đêm giao thừa áo vá chằng vá đụp
Mồng một mồng hai cả nhà lặn hụp
Mò cua bắt ốc giữa đồng
Tết miền Trung, trẻ mấy đứa dám mong
Bao lì xì, quần là áo lụa
Lời chúc đầu năm được mùa tôm, mùa lúa
Nắng sẽ về sưởi ấm những vồng khoai
Miền Trung ơi
Miền Trung
Thương nhớ
Những canh dài…
Đông
Có một mùa đông về qua ngõ
Hỏi rằng, ai có nhớ thương ai?
Một khúc đàn như gieo trong gió
Rằng nhớ, rằng mong suốt những ngày…
Mới Đó, Đã Hôm Qua
Buổi sáng em đi qua ngõ
Sắc vàng ánh trên ngón tay
Em đã có chồng?
Làm sao biết được
Buổi chiều em về qua ngõ
Tôi không thấy sắc vàng
Vì sao?
Cứ hỏi vì sao?
Những sáng
Chờ em qua ngõ
Không thấy em qua
Tôi đứng chờ
Những chiều
Chờ em về qua ngõ
Không thấy em
Tôi chờ
Không thấy em…
Hôm nay mặt trời làm biếng
Ẩn mình trong những đám mây
Môi em đà nhạt nắng
Em đi, về
Tôi nào có hay
Khuya nay trăng đã úa tàn
Thềm tôi rêu phong kín lối
Gió lùa qua phên vách tối
Ngỡ ngàng – mới đó…
Đã hôm qua!
Nhành Lan Mùa Xuân
tháng ngày nhịp bước trùng khơi
lên non
xuống bể
đất trời
thênh thang
giữa rừng thắm một nhành lan
bâng khuâng
bước giữa
đại ngàn
xanh rêu
đầu gềnh thác đổ trăng treo
tàn đông
hoa thắm
suối reo
xuân về
xa em
từ dạo
xuân thì
bước qua năm tháng ai đi
ai chờ
nhớ mong
quặn thắt
câu thơ
đêm trừ tịch có người mơ
người về
xuân này
ai có
nhớ quê
một nhành lan thắm mang về
người ơi
Em Ơi Thời Gian Là Thế
Thời gian ai níu được
Để trăng cứ mãi tròn
Để môi em mãi thắm
Tiếng cười em mãi giòn
Thời gian ai níu được
Cho em mãi tuổi xanh
Cho đời là mộng đẹp
Như lá biếc trên cành
Thời gian như con sóng
Vỗ bờ suốt ngàn năm
Mệt nhoài bãi cát vắng
Kiếp dã tràng lặng câm!
Thời gian như là gió
Thổi qua đời vu vơ
Niềm vui chưa kịp giữ
Nỗi đau đến bất ngờ!
Thời gian từ đâu đến
Và đi về nơi đâu
Người từ đâu người đến
Để tim ai u sầu!
Thời gian cay và đắng
Thời gian bạc như vôi
Thời gian như bão dữ
Mãi cuốn trôi, cuốn trôi…
Em ơi thôi đừng khóc
Thời gian vốn thế mà
Lạnh lùng như cơn gió
Mặc cho người chia xa!
Thở Dài
Một vùng đất
nhớ
mây trời
để cây
nghiêng ngã
bời
bời
tiếc thương
Chia ly
nhớ quá
mùi
hương
trầm bay toả
ngát
con đường
ngày xưa
Nhớ nhung
mấy
cũng
không vừa
một mình
ta với
rèm thưa
thở
dài!
Kiếp Người
mới sáng mà đã tối. mới thu mà đã đông. mới cười mà đã khóc. mới ngày nào mà đã quá xa xôi.
một giờ nhanh như gió. một ngày chẳng bao lâu. một năm qua ngoài cửa. một đời người buồn tựa cơn ngâu.
Vô Tình Xuân
Ta cố nhốt mùa đông vào ngục thất. Ngục thất hoá trái tim hồng. Ta cố nén nhịp tim vào quên lãng. Nỗi nhớ giật mình bật khúc hát giá đông. Cô đơn ru ta ngủ: trăm năm một kiếp người. Nỗi đau đánh thức ta: kiếp người chỉ trăm năm!
Một ngày ta đi. Hai mươi bốn giờ rơi nhanh như chiếc lá vàng về cội. Một đời ta đi. Ba vạn sáu ngàn ngày qua nhanh như nỗi buồn sám hối. Trong đêm tối ta tìm về cõi thực. Lại để cho ánh mặt trời soi sáng những điêu ngoa. Tháng ngày. Tháng ngày… cứ thế trôi xa!
Có ai hát “… mùa Xuân đến rồi đó…”. Sao nghe buồn như tiếng chuông chiều. Âm vang tiếng cười giòn như pháo Tết. Sao ta chạnh lòng những bước liêu xiêu. Xoè tay đếm mặt trời lên mấy bận. Chợt bàng hoàng thấy ánh sao sa. Con đường dốc cuối đời không lối rẽ. Thật gần mà vẫn thấy xa!
Bầy én đâu vô tình bay qua chiều nay. Cụm mai không vô tình rực vàng chiều nay. Gió xuân cũng chẳng vô tình thổi về chiều nay. Tất cả nào vô tình để đất trời thêm một mùa xuân mới. Sao ta vô tình thiếu mất em!
Không em đời còn một nửa. Không em xuân có còn xuân?
Xuân Muộn
Có một mùa xuân đến muộn
Ngọn gió đông chờ mãi những đêm dài
Có những cội mai nở muộn
Ta hao gầy đợi nán cuộc tình phai
Xuân đến muộn trời chiều hanh nắng xế
Lá quên xanh và hoa chẳng buồn tươi
Em quên cả lối về vườn xưa ấy
Dấu chân xiêu lạc bước chốn hồng trần
Xuân đến muộn ngoài hiên không tiếng vọng
Ta cô đơn ngồi uống chén cô đơn
Em có đến xin đừng khua tiếng guốc
Bậc thềm xưa rêu phủ kín tủi hờn
Ta đứng dậy vén trời đêm bước xuống
Rồi lang thang qua ngỏ ngách cuộc đời
Chợt thấy em đứng chờ nơi cuối lối
Choàng tay ôm, em – hoá mùa xuân vơi…
Em, Hà Nội Và Những Dòng Sông
Ta chưa một lần được đắm mình
dưới dòng xanh
sông Đuống
để vẫy vùng thoả chí tuổi con trai
mơ được uống ngụm nước mát lành buổi sớm mai
để nghe tiếng sóng
ngàn năm xưa vọng lại
đất vẫn đấy
người vẫn đấy
nhắc nhớ ta
thời gian khổ
qua rồi
Ta chưa một lần đứng trên bờ đê sông Hồng
nhìn phù sa trôi về xuôi
nuôi những mầm mạ nõn
nuôi dòng máu quật cường chảy trong huyết quản
lớp lớp người đi
để hôm nay
đất nước
thanh bình
Những dòng sông cứ lặng lẽ đi về
con nước lớn ròng tảo tần như Mẹ
nuôi đàn con
nuôi những đoàn quân
nuôi những anh hùng
điệp trùng
trống trận ra quân
Em có bồi hồi
khi bất ngờ gặp những ngọn cỏ lau cúi chào em bên sông Đuống
hay khi nhìn những cánh đồng vàng trĩu hạt bên sông Hồng
tất cả
tất cả
không chỉ là hôm nay
mà ngàn xưa
dồn lại
để bây giờ
Để bây giờ ta yêu em
và yêu những dòng sông nuôi em khôn lớn
yêu đất nước mình ngàn năm
và ngàn năm sau nữa
chẳng bao giờ
thiếu được
những dòng sông
Dậy Sóng
Ngọn sóng nào tràn vào giữa giấc mơ
Để mẹ giật mình nghe môi mặn đắng
Đất nước được mấy mùa yên ắng
Biển lại xôn xao từng đợt sóng dâng trào
Dân ta chắt chiu cho Tổ quốc mạnh giàu
Hạt muối cũng cắn đôi dành phần con cháu
Bất khuất ken đầy trong từng mạch máu
Cần là hy sinh đến giọt cuối cùng!
Dân ta sinh ra từ cội rễ Tiên Rồng
Đất nước ta đắp bồi từ xương và máu
Ông cha ta cả ngàn đời chiến đấu
Mong để lại cho đời sau no ấm yên bình
Vậy mà quân thù lại muốn lấy tay che cả bình minh
Chúng dập dềnh trong bóng đêm với tiếng hú ma trơi
doạ dân ta hòng cướp nước
Chúng đã chóng quên chuyện của chỉ mới vài trăm năm trước:
Xấc bấc xang bang, cha ông chúng đã từng!
Tiếc thay cho một vĩ nhân danh tiếng lẫy lừng
Khổng Tử – bậc hiền tài với những bài học ngàn đời sau vẫn nhớ
Ngài dạy điều hay sao không theo mà lại đi làm người tráo trở
Năm loại người kia (*) mấy loại thuộc các người?
“Cọp chết để da…” tiếng xấu để lại đời
Cậy thế người đông làm điều xằng bậy
Cả thế giới biết sao các người không thấy
Nghĩa Nhân mới là lẽ sống ở đời
Dân ta tuyên ngôn một chân lý sáng ngời
Biển đảo quê ta mãi mãi là của dân ta mãi mãi
Giữa ban ngày đừng nằm mơ điều trái khuấy
Dù máu đổ xương rơi dân Nam ta quyết giữ đến cùng!
(*) Khổng Tử nói: “Có năm loại người mà xấu hơn cả trộm cướp. Loại người thứ nhất: có học hành, hiểu biết nhưng xảo quyệt. Loại thứ hai: cực đoan và ngoan cố. Loại thứ ba: không biết nói thật và giỏi biến báo. Loại thứ tư: chỉ biết nhìn mặt trái và xấu xa của sự kiện. Và loại thứ năm: biết sai nhưng vẫn tìm cách che giấu và còn tự cho là mình đúng”.
Phố Nắng Em Qua
Em về qua phố nắng
Bóng đùa cùng bước chân
Gió mơn man suối tóc
Cho một người bâng khuâng
Nón che nghiêng chiều nắng
Áo dài reo nhạc lòng
Sông Hoài ta mãi nhớ
Nhớ hoài một dòng sông
Phố nhỏ như bàn tay
Nên vừa xa lại gặp
Đàn chim bay thật thấp
Kéo chiều về phố xưa
Biết bao mùa nắng mưa
Đi cùng em qua đó
Ta mong làm ngọn gió
Đưa hương chiều bay xa
Nắng tựa những bông hoa
Rắc vàng bao lối nhỏ
Từng hàng cây bụi cỏ
Nhớ hoài bước chân ai
Xin đừng để tàn phai
Kỷ niệm ngày xưa ấy
Em ngang về có thấy
Nỗi buồn ta không em?
Có chiếc lá bên thềm
Chờ bước chân người đến
Dẫu chưa lần hò hẹn
Trăm năm hoài tương tư!
Chiều Trí Tôn
Con đò nhỏ
Dòng phù sa gợn sóng
Lúa chín vàng
Bầy trâu nhởn nhơ trông
Mặt trời lặn
Phía tây chiều yên ả
Gió qua đồng
Quấn quýt áo bà ba
Bếp lửa hồng
Môi ai cười tươi vậy
Để đêm về
Ta chợt tỉnh chợt say
Nồi cơm đầy
Canh cua đồng toả khói
Xa lắm rồi
Thời chỉ biết ngô khoai
Tiếng ai hát
Nỉ non “tình… bán chiếu”
Ướp mật buồn
Cây cỏ cũng liêu xiêu
Ta mắc nợ
Cả đời không trả nổi
Một giọng hò
Khoan nhặt ở vành nôi
Nhành Lan Mùa Xuân
tháng ngày nhịp bước trùng khơi
lên non
xuống bể
đất trời
thênh thang
giữa rừng thắm một nhành lan
bâng khuâng
bước giữa
đại ngàn
xanh rêu
đầu gềnh thác đổ trăng treo
tàn đông
hoa thắm
suối reo
xuân về
xa em
từ dạo
xuân thì
bước qua năm tháng ai đi
ai chờ
nhớ mong
quặn thắt
câu thơ
đêm trừ tịch có người mơ
người về
xuân này
ai có
nhớ quê
một nhành lan thắm mang về
người ơi
Vẻ đẹp của thiên nhiên, của đất trời chính là chủ đề muôn thuở được nhiều nhà thơ nổi tiếng khai thác trong đó có Bùi Nguyễn Trường Kiên, cái tên không còn xa lạ trong nền văn học hiện nay. Chúc quý vị độc giả luôn vui vẻ và thành công hơn trong cuộc sống nhé. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết trên đây nhé!
Theo Thuvientho.com