Chim Trắng – Hồ Văn Ba được nhiều người biết đến là một nhà thơ lớn thời kì hiện đại. Ông sở hữu một kho tàng thơ được nhiều độc giả quan tâm. Với thể thơ tự do, thơ ông đậm chất trữ tình phóng khoáng để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Với một khối lượng thơ phong phú, nổi bật với tập thơ ” Hát lời cỏ hát” đặc sắc.
Hôm nay, Thuvientho.com sẽ cùng các bạn khám phá và cảm nhận nét đẹp của những bài thơ xuất sắc này nha!
I. Vài Nét Về Nhà Thơ Chim Trắng – Hồ Văn Ba
Chim Trắng tên thật là Hồ Văn Ba (theo họ mẹ), sinh năm 1938, quê quán ở tỉnh Bến Tre. Tham gia hoạt động cách mạng từ phong trào “Bảo vệ hoà bình” của luật sư Nguyễn Hữu Thọ 1955 cho đến hôm nay. Đã từng bị chế độ Ngô Đình Diệm bắt giam giữ hai lần ở Mỹ Tho và Sài Gòn. Đầu năm 1961 ra khỏi nhà tù, vào chiến khu, làm công tác thanh niên, làm báo, viết báo, làm thơ viết chút văn, rồi thôi viết văn, làm thơ. Có làm công tác quản lý. Là uỷ viên ngành Văn thuộc Tiểu ban Văn nghệ miền Nam trong chiến khu, sau giải phóng cho đến nay liên tục tham gia Ban chấp hành Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay là phó chủ tịch Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh. Hiện đang cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh.
Các tác phẩm tiêu biểu:
– Có đâu như ở miền Nam (với Lê Anh Xuân, Viễn Phương, NXB Thanh Niên, 1968)
– Tên em rực rỡ vô cùng (NXB Văn nghệ giải phóng Hà Nội, 1971)
– Đồng bằng tình yêu (Hội văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam,1973)
– Một góc quê hương (NXB Văn nghệ giải phóng Hà Nội, 1974)
– Những ngả đường (NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1980)
– Dấu vết nhỏ nhoi (NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1984)
– Khi tình yêu lên tiếng (NXB Mũi Cà Mau, 1987)
– Có một mùa thu trong (NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1990)
– Thơ Chim Trắng – Cỏ gai (NXB Trẻ, 1998)
– Hát lời cỏ hát (NXB Hội Nhà Văn, 1999)
– Nhân có chim sẻ về (NXB Trẻ, 2006)
II. Tập Thơ ” Hát Lời Cỏ Hát” Của Nhà Thơ Chim Trắng – Hồ Văn Ba
Hồ Văn Ba sở hữu nhiều tập thơ đặc sắc đặc biệt là tập thơ ” Hát lời cỏ hát” đậm chất trữ tình lãng mạn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Chúng ta hãy cùng nhau khám phá những bài thơ nổi tiếng này nhé!
Ào ạt sóng
Quyển sách khép kín
Nhỏ nhoi trên chiếc ghế bành
Lơ thơ hoa hồng trắng
Gió lật trang “Chuyến xe đêm”(*)
Pau-tôp-xki đang kể
Tiếng vó ngựa thưa dần…
Ngọn đèn một trăm oát cúi xuống mặt bàn
Cái gạt tàn thở vài sợi khói
Câu thơ bôi xóa, ngủ vùi
Đêm mịt mùng đêm!
Sương rơi lộp độp trên cỗ song mã
Khét đắng tàn thuốc
Hoa hồng trắng trên vải chợt hương
Căn phòng nín thở.
Tĩnh vật đêm
Bắt đầu động đậy
Tĩnh vật tôi
Chợt ào ạt sóng
Chợt nhoi nhói ra hoa.
Trưa nay có người đàn bà quen cũ
Ngang qua cửa nhà mình:
Và đứng lại nhìn.
Bài cuối tập thơ này
Bài cuối ngoài dự kiến trong tập thơ này
Tôi viết trong chiều mùng hai Tết
Khi em vừa gọi tôi
Tiếng cười nhỏ xíu bên kia đầu dây chợt lặng
Một dấu lặng đúng chỗ cho khúc dạo đầu một bản nhạc tình.
Dẫu sao, tôi cũng loại bỏ một bài thơ khác đầy ắp nỗi buồn
Đã thông qua nhà biên tập
Với niềm luyến tiếc khôn nguôi
Và lại đi tới một nỗi buồn khác
Bằng màu thảm xám khói trong phòng
Bằng một bông hoa tu-lip vàng rực vừa rũ xuống
Bằng một cành lan sẽ nở tím trên tường
Chiếc bánh chưng đông đá trong tủ lạnh
Bàn thờ mẹ chưa khói nhang chiều…
Bằng cả tiếng cười nhỏ xíu của em hai mươi ba năm về trước
Cùng một nhành quỳnh bỏ lại trước hành lang.
Vì em, vì tiếng cười như một khúc nhạc trong – dư âm hơi thở của dòng sông lạnh lẽo
Tiếng rên khẽ của con mèo hong nắng trên mái nhà
Tôi khước từ nỗi buồn mình
Đến với nỗi buồn của em
Đúng chiều mùng hai Tết Kỷ Mão này.
Cuối cùng, tôi vẫn không hối tiếc khi đã vứt bỏ bài thơ đầy ắp nỗi cô đơn của mình
Đi tới niềm hạnh phúc đang chờ đón phía trước
Như một bông hoa vừa rực rỡ vẫy gọi vừa rũ xuống.
Tôi đang là người hạnh phúc trên những nẻo đường, hân hoan đi tìm lại chính nỗi buồn mình
Như những bông hoa chợt nở, chợt tàn tự những cánh rừng xa
Bơi một mình
Xuồng ba lá ghép bằng ba miếng ván
Có tấm nào lẻ loi không?
Anh bơi lái còn em bơi mũi
Ngồi trước sau gì thực sự vẫn song đôi.
Anh ngồi sau làm người cầm lái
Em ngồi trước giành phần hướng đạo
Trước – sau gì cũng cùng hướng ta bơi.
Em cứ thử bơi xuồng một mình
Chỉ huy và hướng đạo
Quyền lực trong tay em
Nhưng em sẽ lạc đường, đi suốt nỗi cô đơn.
Chẳng chiều
Chiều nghiêng lật úp con thuyền
Tôi đứng bên này – Đợi
Chiều bung đổ nát con thuyền
Bờ kia em cũng đợi.
Chiều sâu thẳm – hoàng hôn ai bước tới?
Chiều như thể chẳng chiều
Thuyền như thể chẳng thuyền
Em như thể không em
Tôi như thể không tôi.
Dòng sông cắt lưỡi dao lạnh, sắc
Trắng toát hư tưởng.
Chiều ấy
Thu sót
Một chiếc lá
Hai chiếc lá. Chói vàng
Đang chơi trò trốn-tìm
Con đường Cổ Ngư xào xạc
Và gió se một làn lạnh mỏng
Người đàn bà lạ qua tôi
Mỉm cười với bầu trời chiều ấy.
Hoàng hôn-thu
Còn một cánh chim lạc
Sóng Tây hồ
Tôi đang lạc đường tới nhà ai
Hà Nội lạc một ngày thu cuối?
Lá và cánh chim chiều
Tạm trú trên tím sóng Tây hồ-xanh ngắt Cổ Ngư
Tôi-người đàn ông tự do hân hoan tự do cô đơn tự do phiền muộn
Vừa mất dấu chân mình
Đến cửa tình nào?
Người đàn bà mỉm cười với bầu trời thu ấy
Vọng từ xa lắm:
-Và sóng!
Cỏ tranh
Em đen đúa của tôi
Đang đi trên cánh đồng nắng lửa
Tháng ba- rát, bỏng
Lặng thầm em bứt cọng cỏ tranh chơi.
Em đen đúa của tôi
Khỏa thân đi đó
Mưa bão tháng mười
Lũ lụt tháng mười một
Mây cuồn cuộn, giận dữ phía trước
Lãng đãng quá khứ, hoài niệm sau mình.
Em khỏa thân đi tới
Đĩa mén, đĩa lớn, chạy lũ
Bám riết những trụ đèn – tỏa sáng.
Cao áp cháy ngày
Đêm – sâu bọ lúc nhúc bò lên cao
Rút tỉa lá.
Chân không dép, không giầy
Đầu không dù, không nón
Em đi…
Đối diện với mặt trời và hoa quỳ
Cùng đoàn người hành trang bộn bề
Nói nói, cười cười.
Buồn vui, phẫn nộ
Môi tím – Bầm em!
Ngậm cọng cỏ tranh chơi.
Em đen đủi của tôi
Khỏa thân đi đó
Tóc giòn khô, đứng nắng tháng ba.
Ướt đẫm tháng mười mưa lũ
Đôi khi em cúi xuống nhìn
Tuổi hai mươi hai lăm của mình
Đôi vú nhọn của mình
-Tia nắng trời – xuyên thủng
Mỉm cười
Em mỉm cười một mình!
Em óng ánh của tôi
Hòn than đỏ rực của tôi
Nụ hoa nhỏ xíu của tôi
Tình yêu của tôi!
Bao giờ em bật khóc?
Và, những giọt nước mắt
Nóng hổi, lấp lánh trên hai bụm tay trắng của tôi
Biết rằng
Em hạnh phúc!
Và, cũng đã đến lúc tôi phải xa em.
Cọng cỏ tranh nào tôi sẽ ngậm
Sẽ rơi xuống
Mảnh đất phương Nam này
Khi tôi hát lời từ biệt
Trên đôi môi đỏ chói của mình?
Dịu dàng mưa lũ
Cánh đồng đang nứt nẻ
Khát cây mưa tràn về
Hạn hán cứ kéo dài
Cánh đồng đang chết khát
Cánh đồng đang ngập nước
Lúa vừa trổ đòng đòng
Lũ lụt và bão táp
Cánh đồng thành hoang sơ.
Khi ta khát đắng-chờ
Em còn xa lăng lắc
Hạnh phúc chớm-mong manh
Bất ngờ em chợt hiện.
Cơn gió mới rong qua
Lòng đã lăn tăn song
Ly nước đầy-sẽ tràn
Dịu dàng mưa lũ đến.
Đi qua mùa thu
Ta đi qua mùa xuân
Nôn nao niềm nuối tiếc
Ta đi qua mùa hạ
Trong veo vùng ngây thơ
Ta đi qua mùa thu
Buồn như là lá đổ
Ta đi qua mùa đông
Hết một thời nhung nhớ.
Thơ ta qua bốn mùa
Trước mùa xuân, đứng lại
Trái đất nóng bừng bừng
Mùa xuân vờ ngái ngủ
Thôi thì thơ ở lại
Với nỗi buồn trăm năm
Thôi – thì ta ở lại
Với đá này lạnh căm
Ghi lúc hai giờ
Bắp đây! Tiếng rao dài
Bắp đây! Tiếng rao bền
Mặt em chưa biết
Biết em hiền – tiếng rao.
Những ngày mùa xuân chưa tới
Em rao qua phố
Mấy nghìn lần
Tôi nghe?
Những ngày xa lắm mùa hè
Em ngang qua phố
Bắp đây!
Tiếng rao đầy tiếng ve.
Bắp đây!
Bền bỉ rụt rè
Những ngày mùa xuân chưa tới
Muốn nối tới Bắp ơi!
Một dòng sông biếc
Áp thấp nhiệt đới – chiều, mưa trắng mặt
Hạnh ngộ
Gửi Trịnh Công Sơn
Tiếng đàn vừa bay qua cửa sổ “nhà thơ”
Mai tứ quí rụng một chiếc lá
Đừng đổ lỗi cho gió
Đừng đổ lỗi cho tiếng đàn!
Nỗi buồn đang hạnh ngộ với cây
Rớt một giọt nước mắt lá
Nỗi buồn đang hạnh ngộ với thi sĩ
Rớt một giọt nước mắt thơ.
Đã lâu lắm không gặp tiếng đàn như thế
Lấp lánh nỗi buồn san hô
Hát lời cỏ hát
Hạnh phúc bắt đầu từ cỏ úa
Đến cỏ hát
Khoảng giữa là vun tưới và mong đợi
Hạnh phúc bắt đầu từ dòng sông lạnh giá
Đến nắng
Khoảng giữa đầy trời mưa sa!
Hạnh phúc bắt đầu từ hai ngón tay khô gầy
Đến mềm mại búp măng tơ.
Khoảng giữa là gân xanh, máu tứa.
Hạnh phúc bắt đầu từ hai chữ ký ở phiên tòa
Đến chia tay mãi mãi
Khoảng giữa là giằng xé, đau đớn, căm thù và nước mắt
Hạnh phúc bắt đầu từ em bé da đen gầy đét,co quắp giữa sa mạc
đến điệu nhảy săm – ba cuồng nhiệt.
Ở giữa là cánh đồng nứt nẻ đố kỵ lúa
Hạnh phúc như sông biết nói, cỏ biết hát và tiếng réo gọi hạnh phúc như tiếng tù và trượt dài trên những tảng băng
Đôi khi trong một đời người hạnh phúc bước vào cửa- ngã mũ và vội vã ra đi,
Đến những ngôi nhà khác
mỉm cười và đưa tay vẫy
Ta vẫn là người hạnh phúc
Khi ta thành tâm nói tiếng nói của sông
hát lời của cỏ.
Khoảng giữa là nỗi đau
Khắc khoải đợi chờ
Hát nhỏ
Mùa thu đang đổ bộ xuống Sài Gòn
Không mưa bụi mỏng
Không hồ Thiền Quang
Không hoa sữa
Đưa tay với-mỏng một khoảng trời.
Đi trên đường Duy Tân cũ
Muốn buồn lại chút buồn xưa
Giương mắt ngó Thăng Long
Thấp thoáng nụ cười Hà Nội
Em thanh-tân, áo đỏ, mỉm cười.
Tôi đang nói mớ điều gì không biết nữa!
Bịn rịn một mùa thu?
Chới với một mùa xuân?
Muốn hát nhỏ câu nào đó của Trịnh Công Sơn
Không hát nổi.
Thu cứ nhẹ nhàng đổ bộ xuống Sài Gòn
Không vũ khí trong tay
Không chống đỡ
Một mình nghe lá đổ
Đưa tay với-mỏng một khoảng trời.
Hỏi trong chiều
Cảm ơn cái nhìn nóng
Cái nhìn sương đẫm rung rinh lá
Tôi không còn trẻ nữa.
Cảm ơn tiếng cười nhỏ – trong trẻo
Trải lụa
Trưa- ngực rang, rát
Tôi không còn trẻ như em!
Cảm ơn đôi môi không son
Trễ xuống – chia xẻ
Và mẹ tôi đang từ Vô Cùng nhìn về
Rớm lệ.
Đấy nước mắt
Thấy không?
Em còn trẻ quá
Và nước mắt không dành riêng cho hạnh phúc.
Em thanh tân – Em từng trải – Chín đỏ suy nghĩ
Em là mối tình đầu hay mối tình cuối cùng
Của Thơ
Của tôi và Thơ?
Khói sóng
Hoàng hôn lặng lẽ khuất trên sông
Còn lại con tàu trắng
Con tàu vội vã khuất trên sông
Còn lại một người đàn bà trên sóng
Người đàn bà mất hút trên sông
Đêm ở lại cùng tôi.
Hôm qua mắt em đăm đắm nhìn
Nghĩ là tình yêu sẽ đến
Trao danh thiếp cuối cùng
Chờ điện thoại
Điện thoại câm như hến
Hoàng hôn lại lặng lẽ về
Và đêm – Tôi hỏi:
– Đêm đấy phải không đêm?
Em đấy phải không em?
Tôi hỏi như người mù hỏi
Dò dẫm, tìm kiếm, nhận dạng qua tiếng chân qua hơi thở
Tất cả đều im lặng!
Không có ánh nhìn nào hai lần lặp lại giống nhau
Đêm là đêm hôm nay
Đêm hôm qua đã khuất
Mà có con tàu trắng nào đâu
Đấy là sóng trắng
Có mắt nào đăm đắm nhìn đâu
Đấy chỉ là sợi khói
Khói và sóng
Suốt đời tôi đi hoang
Tình yêu cùng đi hoang.
Khúc chi đau
Thôi em nước mắt cạn rồi
Vắt làm chi cho kiệt
Nước mắt – chia ly
Vĩnh biệt – nước mắt
Còn sự lừa dối nào không giấu mặt?
Em đã làm cuộc ra đi dài đăng đẳng
Như hai cuộc kháng chiến trường kỳ
Hai mươi năm
Hạnh phúc có đủ
Đau khổ có đủ
Ví dầu tình bậu muốn thôi
Ví dầu hốc mắt chưa cạn
Nỗi đau chưa vơi
Em cứ khóc!
Nước mắt biết mài mòn nỗi niềm
Và đong đầy hạnh phúc.
Tôi không yêu một người lúc nào cũng cạn khô nước mắt
Bao giờ cũng như đang chới với dưới vực thẳm
Chợt bất ngờ…
Một ngón tay, một chiếc phao nào đó – bất ngờ
Chính vì lẽ ấy, tôi đã yêu em.
Sông có khúc, người có lúc
Cách gì, anh cũng xin nhận lúc em đau.
Ký ức rừng
Tôi bắt đầu rong chơi năm hai mươi tuổi
Trước mặt tôi mặt trời phương Đông treo gương mùa xuân
Ảo ảnh sau lưng mùa hè lãng đãng
Những cos-sin-tăng những gót chân thon
Thảm cỏ xanh mềm
Rong chơi với chiếc còng số 8
Nhức nhối hai tay trói gà
Bình ac-quy-điện và tôi luân vũ
Êm ả mặt trời phương Đông
Rong chơi trong những cánh rừng
Trước tôi chiếc gương đời treo lủng lẳng
Tiến tới! Bóng tôi tiến. Tôi lùi bóng tôi lùi
Úp mặt vào gương tôi gặp lại mình
Năm ba mươi tuổi tôi chơi với súng
Và biết hướng đầu ruồi về đâu
Ngòi bút bắt đầu cựa quậy
Trong hầm tối – rừng dừa biết lá
Những ngón tay văng ra, đàn ghi ta vỡ nát
Máu tung tóe trên trang giấy, mìn nổ trước đầu ngọn bút
Khẩu súng tôi cầm còn nóng một làn môi
(Làn môi ai vậy?)
Điếu thuốc Ru – by lập lòe đốm lửa phượng
Tôi âm thầm adieu hạ
Tức ở ngực trái
Tiếng đàn măng – đô – lin kêu bên kia lều
Chợt mấy câu thơ viết ở Sài Gòn năm nào ấy
“Bình minh giờ dậy trong lòng chứ – mười ngón tay dài có gợn đau”
Đêm-pháo sáng rụng xuống dòng-sông-du kích
Đêm-Sài Gòn con đường Thành Thái
Biếc!
-Linh Lan!
Đừng bao giờ nói vĩnh biệt hạ
Chớ bao giờ!
Lãng mạn chơi ở Hồ Tây
Em hát gì như khúc dân ca
(mùa đông đã đến)
Khúc ca nào tôi không biết
Có lá đa rụng nhẹ xuống đường
Trăng thì nghiêng nửa mảnh
Nửa mảnh còn đâu ở vô biên
Nước Hồ Tây trong veo
Hà Nội lạnh!
Câu dân ca làm ấm lại lòng người
Hoa đào đó rồi mùa đông lại đó
Lại tiếng ve rung mặt nước Tây hồ
Lại cánh cò chao liệng cánh đồng quê
Chỉ còn thiếu điều gì như thể
Không thể nào tìm thấy ở câu ca
Em còn giấu điều gì trong đó
Giữa một mùa đông băng giá thế này?
Tôi đã đi qua bao xứ lạnh
Không khúc dân ca nào ấm được lòng tôi
Em còn giấu điều gì trong đó
Giữa một mùa đông băng giá thế này?
Lang thang chiều
Mây lang thang xa
Trắng – bàn tay trắng
Nhớ!
Tóc ngả nghiêng chiều.
Chút da ngâm –
Nụ cười chưa thiếu phụ
Tạc đạn nổ sau vườn.
Và Cửu – long – giang – sóng
Vỗ nghiêng buồn
Còn thiếu…
Vỗ nghiêng vui.
Bàn tay trắng yêu cầu
Đỏ nữa đi phượng!
Xanh trên cao và lang thang mây
Ai nhớ đỏ?
Cuộc đời đang vạm vỡ cùng hỏa hoạn
Ai nhớ vai gầy?
Ta nhớ xuyên rừng
Xuyên lửa
Xuyên vải liệm
Và bé khóc thét.
Lang thang chiều
Giương mắt
Nhớ thơ ngây!
Lặng lẽ một hành lang
Hành lang vắng ấy
Chiều đang dậy thì
Nhành quỳnh chưa nụ
Và hoang dã một giò lan.
(Em mang chi rừng cho tôi nhớ lá
Cất chi tiếng cười cho tôi nhớ xanh xao!)
Ta đã xuyên qua hai mươi mùa xuân
(bây giờ em vẫn thế!)
Chớp nhoáng
Pháo giao thừa.
Có một lần quỳnh hoa sắp nở
Đêm – len lén chờ
Nhớ một lần – em.
Năm quỳnh không hoa
Mười giờ đêm – châm trà
Mười giờ đêm – thức nhớ
Và quên!
Bây giờ có gì để nói
Như một hoài niệm
Cũng là rừng và dấu chân ta
Với hành lang ấy
Có điều gì để nói
Khi đôi chân mỏi nhừ
Trái tim tan rã
Cũng là câu hỏi
Của một thời
Lặng lẽ một hành lang.
Bây giờ nắng vẫn phong rêu
Huyền thoại chưa khúc ca ngày cũ?
Cảm ơn một chút rừng trong mùa xuân này
Khi em sắp vào tuổi năm mươi
Cảm ơn chút “nhỏ-Sài-gòn” mùa xuân ấy
Khi em bước vào tuổi mười tám
Cảm ơn quà tặng!
Nhân danh em
Xin đem treo trước cửa Thu mình.
Chúng tôi đã chia sẻ cho các bạn Tập Thơ ” Hát Lời Cỏ Hát” Đặc Sắc Của Chim Trắng – Hồ Văn Ba Phần 1 kính mời các bạn đón xem phần 2 vào một ngày không xa. Hãy luôn đồng hành cùng chúng tôi để có thể theo dõi những bài viết đặc sắc nhất. Xin chân thành cảm ơn các quý vị độc giả!
Theo Thuvientho.com