Tập thơ: Khoảng cách giữa lời (1984) – Bằng Việt gồm 16 bài thơ được ông sáng tác vào năm 1984.
Bến Ninh Kiều
Lội rừng, ngày ấy có em,
Đôi bờ đá ẩm, vắt sên bám nhiều.
“Quê em có bến Ninh Kiều…”
Bỗng dưng em kể suốt chiều tung tăng!
Tháng Giêng trời giá căm căm,
Đôi con cua cáy nhỏ bằng ngón tay!
“Anh ăn gắng khoẻ đợt này,
“Phải chi về miệt dưới đầy cá tôm…”
Cánh rừng tận chót Trường Sơn
Từ đây xuôi xuống Mê Kông đâu nhiều,
Xa xôi chi bấy… Ninh Kiều,
Giặc tan, thả một mái chèo, là quê!
Thế thôi, sao chẳng kịp về…
Giá như…qua khỏi mùa hè ấy thôi!
Tôi ra ngoài Bắc xa xôi,
Ninh Kiều – tên ngủ trên môi, thầm thì…
*
Cần Thơ… Giây phút dừng xe,
Ngẩn ngơ bến cá, bốn bề đông vui…
Em như ngọn gió yêu đời
Thổi vào tôi… thổi về tôi… “Ninh Kiều”!
Cần Thơ, 1977
Dọn về làng cũ
Già lắm rồi! Ông cụ tóc phau phau
Hì hụi băng qua tranh lác một màu,
Bàn chân đứng xoa xoa nền đất cũ
Mười năm rồi! Vườn tược, cửa nhà đâu?
Da đỏ như gạch cua, cụ bậm môi nín lặng:
Đây chính thực làng ư? Đâu dấu mộ ông bà?
Lượm bát nhang vỡ đôi, ngó bờ kinh san phẳng,
Căm giặc dẫu chạy rồi, tội ác chửa hề qua!
Hai phần ba đời người… Bao phen từ tay trắng
Chỉ cốt đuổi giặc xong, cho đất nước vẹn toàn,
Hai phần ba đời người, mới là gây dựng tạm,
Ngày thắng giặc, rồi ra… mới vĩnh viễn ăn làm!
Mái tóc bạc rung rung, sáng bừng trên bãi rậm,
Cụ bình thản ngó nhìn, che xúc động bên trong:
– “Này chú tính…”- Cụ nhìn tôi, hắng giọng –
“Liệu tháng này, lão kịp dựng nhà không?”.
Câu hỏi quá bất ngờ! Tôi ngổn ngang trong dạ…
Cụ đã cười, giòn giã đến vô tư:
– “Ấy! Cái sức của con người, lạ lắm,
“Trổ hết mình ra, ai đã biết bao giờ!”
Quảng Nam – Đà Nẵng, 1975
Đích
Tôi ao ước bao năm cái đích tận cùng!
Năm 73, giữa rừng
Một ban trưa, cây thưa, bóng sáng,
Tần ngần nghe lặng phắc tiếng bom
Hết tiếng súng thông đường như nhịp cầm canh,
Trời quang loá và ve kêu rộ.
Nhảy ùm xuống tắm sông Xê Ca Máng,
Lần đầu tiên sau bao năm ròng
Không ai còn cần che lá nguỵ trang,
Phơi trắng xoá bìa rừng những may ô, khăn mặt,
Cứ cởi trần, té nước mà vui!
Rồi người về đồng bằng, người lên Tây Nguyên,
Phát đường mới và trồng rẫy mới,
Nhưng tới vùng da báo giáp ranh, tôi sững lại,
Khi gặp lại hàng rào thép gai cắm chốt đen sì!
*
Năm thần tốc 75, năm không ai ngủ…
Chúng tôi băng như lốc xuống Sài Gòn,
Cuốc bộ suốt mười cây, xông vào Dinh Độc Lập,
Ôm choàng những anh lính trẻ
Đang rỡ hàng rào, bao cát, kẽm gai,
Xiết chặt tay bà con
Tủi tủi mừng mừng sau nửa đời xa cách,
Ăn bữa cơm đầu đoàn viên háo hức
Chưa ai nghĩ gì giá gạo những ngày sau!
Một chú bé ôm lưng tôi
Hát rạo rực những bài ca mới
Những bài ca dù chú chưa thuộc kỹ
Vẫn yêu vẫn say, vì điệu hát thực lòng.
Hai tháng sau, vẫn ở Sài Gòn
Giữa lùng bùng cơn mưa đêm tháng Bảy
Tôi nghe nhói tiếng rao khuya: sực tắc!
Em bé gõ hai thanh tre, đi ướt át trên đường,
Chính em bé đã tủi mừng ôm tôi hôm nào,
Sau giải phóng, lại hằng đêm đi rao: sực tắc,
Bỗng dưng tôi chóng mặt,
Cái đích hãy còn xa, cuộc chiến đấu chửa hề xong!
*
Năm sau, ở Tây Ninh,
Sông Vàm Cỏ vừa yên, đã lại nghe tiếng súng,
Huyện mới Dương Minh Châu vừa gỡ rào gai Mỹ
Lại phải cắm chông, lại phải đào hầm!
Dưới mái vòm chợ Châu Đốc đông vui
Tôi vừa ngồi nếm trái cây, uống nước dừa xiêm,
Vị ngọt chưa tan hết,
Rời khỏi đó chưa đầy mươi phút,
Bọn Pôn Pốt bất ngờ đã nã pháo tan hoang!
Tôi lặng lẽ cắn răng
Cắn lặng lẽ đến chừng bật máu!
Cuộc đời đâu có xuôi chiều, dễ dãi,
Những biến cố có bao giờ đơn giản
Và cái đích của Đời có thể nào gói gọn
Như món quà phong bao của tuổi lên mười!
*
Tôi ao ước bao năm cái đích tận cùng,
Cho đến bây giờ vẫn còn ao ước,
Chỉ có một điều, cứ dần vỡ lẽ
Điều trong tuổi thơ chưa thể hình dung:
Rằng cái đích ta nhìn thấu, khi chưa đi,
Chỉ là một chặng trao cờ, trong cuộc chạy
đường dài tiếp sức,
Chỉ là khúc rẽ cửa sông, khi mở dòng ra biển,
Tới đó, sông không dừng lại bao giờ!
Ngay khi tới đích rồi, ta lại nhìn ra đích nữa xa hơn,
Nhiều bình diện hơn, nhiều sắc màu hơn…
Và lại phải lấy đà, ngay từ tầm cao mới,
Để đi tiếp, không được quyền mệt mỏi,
Vì cái đích hôm qua, nay mới chỉ là
bệ phóng khởi đầu!
Thành phố Hồ Chí Minh, cuối 1977
Đỉnh Prômêtê
Đỉnh cao vợi. Núi vươn lên vô tận,
Nơi Prômêtê ăn cắp lửa bị xiềng.
Tiếng xích như còn âm vang trong đá.
Đã có một thời, lẫn cùng giọng hú,
Mặt người không xa khuôn mặt sói rừng
Nhai thịt sống, rồi lấy tay chùi mép!
Đêm cuối cùng trước khi có Prômêtê
Chưa ai nhận: Mình còn là muông thú!
Chưa ai nghĩ: Mình vẫn thời tiền sử,
Lạc trong đêm dày ức triệu năm qua…
*
Bỗng chốc, lửa xoè lên… Nhìn lửa chớp trời xa,
Nào có ngờ đâu: Lửa ủ từ ruột đất!
Soi vào lửa, bỗng dưng rơi nước mắt:
Chân lý giản đơn thay! Ai hồ dễ đi tìm?
Ấm áp với bếp đun, thân thuộc với ngọn đèn,
Miếng ăn hết tanh hôi, chỗ ở thôi mục nát,
Hôn lên môi người yêu, chỉ thấy thơm ngây ngất:
Chân lý giản đơn thay! Ai hồ dễ đi tìm?
Nét đẹp trong ánh lửa – quá thân tình,
Dễ khiến ta quên: Lửa chính là cứu cánh!
Chỉ hai miếng đá con – đập vào nhau kiêu hãnh,
Đã đủ mở đầu cả một kỷ nguyên!
*
Lịch sử thời nào không khao khát Prômêtê?
Đứng ngay trước đỉnh trời, không còn gì che khuất,
Càng hiểu rõ tầm nhìn của Con Người đích thực:
Con Người dẫu bị xiềng – vẫn nắm lửa trong tay!
Trên đỉnh Kavkaz, 1982
Đọc lại “Dế mèn phiêu lưu ký”
Chia sẻ với bác Tô Hoài chút cảm nhận của tuổi thơ.
Một chút buồn trong vắt và mong manh
Như dĩ vãng xa xưa thức dậy,
Bỗng phấp phỏng yêu đời biết mấy
Trong nỗi bồn chồn ao ước bâng quơ!
Không biết nên cười hay khóc
Nôn nao vội vã lạ lùng,
Nhớ da diết một hàng rào dâm bụt
Một mảnh đời thu vén bên trong…
Nhớ sao ánh vàng hoa bầu hoa bí
Ánh vàng bảng lảng chiều quê hương
Con dế phiêu lưu bờ gai bụi cỏ
Tiếng ễnh ương thức ngủ đêm trường!
Cỏ gà đầm sương trông mát mắt
Áo đỏ áo xanh trảy hội cào cào…
Âu yếm quá! Hồn la đà xóm ngõ,
Bướm trắng, chuồn kim thơ thẩn bờ ao…
Xứ cỏ may mùa xưa yên tĩnh thế!
Hoa cúc vàng thơm nức ráng chiều hồng,
Và gió đưa đi mùi hương thoáng rợn,
Hoa cau lất phất mềm như bông…
Xứ sở của lòng trẻ thơ dịu ngọt,
Dĩ vãng xa vời, ngan ngát, thanh thanh…
Đứt đã lâu! Lòng bỗng dưng chắp nối
Một chút buồn trong vắt và mong manh!
Quê nhà, 1961 – Sửa 1973
Giao hưởng số chín
Trước chiến tranh… Một lần, em thảng thốt
Khi bất ngờ nghe “Giao hưởng của Niềm Vui”
Em như lửa, em không rời được lửa,
Thúc em yêu mọi khát vọng trên đời!
Đấy là chiều mùa đông. Bom chưa rơi xuống phố,
Chỉ thấy hạt cây cơm nguội rơi đầy…
Em mặc áo bông chần, chưa nhuộm màu cỏ úa
Mắt rạng nguyên màu trăng mới thơ ngây!
Nét nhạc cuốn em đi. Tâm hồn bừng sáng dậy,
Tới lúc ngẩng cao đầu, sầm sập thác đồng ca,
Như sấm chớp trút niềm vui bão táp
Da thịt cũng rưng rưng giữa ánh sáng chan hoà!
Những ràng buộc xoá đi. Đất trời cao rộng quá,
Niềm vui từ nét nhạc hư vô, người rút ruột mà thành!
Trải yếu đuối, ngập ngừng, dào lên, còn vấp ngã,
Qua ngàn đợt sóng trào, lật xới mọi âm thanh…
Cho tới phút cả nhân loại kề vai, bỏ hết mọi
lo âu vô ích,
Phá sạch mọi bất công, cuồn cuộn thác người reo
Niềm Vui – tưởng Trời ban, kỳ thực cũng chỉ Người
tạo nổi,
Người trút bỏ đau thương, Người dẹp hết khổ nghèo!
*
Thoắt đó, mười lăm năm…
Hai lần chiến tranh, hai lần sơ tán,
Hai lần yêu rồi vĩnh viễn xa chồng!
Không lần nào em nghe bản nhạc ngày xưa lại nữa!
Buồn vui hết cỡ rồi, còn xúc động gì không?!
Ấy thế mà chiều nay, giữa thị trấn chỉ toàn tre nứa,
Bản giao hưởng hiếm hoi đột khởi đến, không ngờ!
Úp mặt trong lòng tay, em chẳng nhớ mình
già hay trẻ nữa,
Chỉ biết đích thực mình! Và em khóc như mưa…
Không, không! Không thể dửng dưng, khi biết chắc
Niềm Vui cứ đến,
Những nghệ sĩ tiên tri đâu có nỡ dối lừa!
Cuộc sống chẳng chai đi vì phải mất quá nhiều trả giá,
Chỉ hạnh phúc muộn mằn càng thúc bách hơn xưa!
Có thể nào nguôi quên mọi khát vọng con người?
Mỗi thế hệ liên tiếp truyền tay, như bùi nhùi nhóm lửa,
Còn gì bất ngờ đâu, trong bản nhạc thuộc lòng kia nữa?
Nhưng lửa vẫn bùng lên, ngay ở chỗ không ngờ!
1980
Gương mặt
Đất nước từng trải nhiều, nên đất nước chẳng
đăm chiêu,
Nụ cười các lão nông vẫn nụ cười quảng đại,
Đất nước chẳng đăm chiêu vì đất nước nhiều từng trải,
Vai áo sờn không chịu gánh thần linh!
Con gái, con trai hát đúm, hát giao duyên
Không che mặt vẽ mày, không bó chân bó ngực,
Thả cua cắp sư mô vờ đạo đức,
Bắt đom đóm trêu phù thuỷ sợ ma…
Tất cả mọi tín điều, mọi giáo lý sâu xa
Vào đất Việt, dần nhập cùng gốc Việt,
Được nhào nặn, hoà tan vào ngọn nguồn tinh khiết
Của Trạng Lợn, Trạng Quỳnh trong trí tuệ dân gian.
Cha ông ăn miếng trầu từ Âu Lạc, Văn Lang,
Dạy giữ lấy sắc tươi của nghĩa tình thắm đỏ,
Đóng chiếc khố chung từ Chử Đồng Tử
Dạy sống thẳng ngay mà cưới được Tiên Dung,
Gói thật vuông tròn tấm bánh dày, bánh chưng,
Dạy cách nghĩ ưu ái, hài hoà về Trời và Đất
(Tấm bánh nục nà, như tấm lòng chân thật,
Có thể bóc ra cho rõ ngọt bùi!).
Dân tộc lam làm, thảo lảo bao đời
Mà lận đận suốt ngàn năm đánh giặc,
Dành dụm phút yên hàn, nai lưng thời bóp chắt,
Để gây dựng cơ đồ, qua bao bước gieo neo!
Dân tộc không hằn thù, dân tộc thích thương yêu,
Khi bịn rịn chia tay còn luyến láy: “Người ơi,
người ở…”
Mà cứ phải rầu lòng, cứ phải mím môi phẫn nộ,
Để cảnh giác giữ mình, sau phút đã bao dung!
Nhưng dân tộc phải điềm nhiên, coi mọi thứ
như không,
Lúc cần thiết, thì ba tuổi đã vươn vai lên ngựa,
Đánh gãy dáo, thì nhổ cả rừng tre mà xông vào
trận lửa,
Để hết giặc, lại mỉm cười: “Bốn bể vẫn anh em!”
*
Ngàn tai biến bất ngờ, đất nước thảy đều quen,
Lại chụm núi từ cây, lại gây mầm từ cội,
Và giữ mãi màu tươi trong nếp nghĩ không hề cằn cỗi:
Đất nước từng trải nhiều, nên đất nước
chẳng đăm chiêu!
1979
Sau những ngày đuổi hết quân giặc bành trướng.
Hoa phượng, lăng vua, phố chợ…
1
Trước tiên là màu hoa
Màu đỏ chói, bay nồng nàn như lửa,
Mùa hè này cộng với màu đỏ ấy
Không gian xao động lạ lùng!
Xao động của lòng tôi
Thành phố thực quê hương! Thành phố của Nam Bình,
Nam Ai, Vọng Cổ,
Những lăng dài đi hết cả tuần trăng…
Rêu xanh với thông xanh, đá xám trầm và màu son cũ,
Sen nở lặng thầm thôi, nở rực rỡ và tàn đi
cùng một chỗ,
Tiếng chuông mai đắp đổi tiếng chuông chiều…
Mái tháp bảy tầng cao, leo chân trần đi lên như
lạc vào cổ tích,
Sực tỉnh trở về đời, nghe một trái me rơi!
Thành phố tuổi ấu thơ, truyền thuyết cũ trong tôi,
Màu áo trắng, màu tường vôi cũng trắng,
Hàng cau đứng lơ mơ bao buổi chiều tĩnh lặng,
Mái nhà cong, uốn giọng khẽ khàng ru!
Vâng! Vẫn có gì quen thuộc như xưa,
Lại có gì không còn giống nữa!
Lao xao quá, những dãy hàng phố chợ
Chợ rong suốt Đông Ba ra thấu chân cầu,
Một trăm những mặt hàng khác nhau,
Vẻ bận rộn của hàng trăm khuôn mặt,
Mua và bán, bán và mua… vội vàng đổi chác,
Những dòng người hối hả, lắm âu lo…
Thành phố ba mươi năm xa,
Ba mươi năm… khóc cười khi gặp lại…
Hoa phượng chói, ghim lòng tôi nhớ mãi,
Những lăng rêu long lở dấu buồn vui
Và phố chợ xôn xao, lam lũ của đời!
2
Các em nữ sinh đi bách bộ trên đường
Gương mặt các em chính là thành phố,
Có gương mặt rất thông minh dĩnh ngộ,
Có gương mặt u hoài như đá cũ lăng vua!
Có gương mặt tưng bừng, hồn nhiên như sắc phượng,
Có gương mặt dồn nén, ngập ngừng, như phố chợ âu lo!
Tất cả, rồi sẽ bước cùng ta
Từ chú tiểu lánh đời trên gác chuông Thiên Mụ,
Đến những cụ già, vùi đầu mân mê chồng sách cổ,
Những nhân sĩ trùm chăn, đóng cửa, nhạo quân thù!
Tất cả, rồi sẽ bước cùng ta
Từ bà cụ coi lăng, quen suốt đời ngủ trong tịch mịch,
Lau từng cái án thư, cái sập gụ của một thời đã mất,
Đến những người vun lá, thả sen trong
Đại Nội, Cố Cung,
Tháng năm quét chi ly từng bậc đá sân rồng!
Tất cả, rồi sẽ bước cùng ta
Những bà mẹ dọn hàng trên sạp chợ pha màu loang lổ,
Những em bé chân không, đi rao báo, đánh giày…
khản cổ,
Những cô gái phấn son lặng lẽ cạnh chân cầu…
Huế của lòng tôi, chộn rộn sắc màu,
Huế đâu chỉ bình yên, vô tư hàng tượng đá!
Trong giây lát, bỗng ùa về tất cả
Bao cảnh huống, buồn vui… và tôi phải trả lời!
Tôi đi giữa Huế phân ra bao mảnh rất rời
Mà Cách mạng hôm nay về tập hợp…
Sẽ cùng ta – cả những ai băn khoăn từ thuở trước,
Sẽ cùng ta – cả từng người trăn trở tiếp… hôm nay!
3
Viễn cảnh đổi đời làm tôi mê say:
Những dự định cải tạo thiên nhiên, những sáng kiến
làm giàu du lịch,
Vẻ đẹp Huế kiêu sa được tôn vinh trong lớp lớp
nhà vườn tĩnh mịch,
Sức trẻ Huế, như diều sáo bay cao trong hoà hợp
đất trời!
Hoa phượng những trang thơ sẽ tươi rói đời đời,
Thanh thản giữa lăng vua, sẽ rộn rã những
người lao động,
Chợ vẫn chợ đông vui, nhưng sẽ không còn
lọc lừa, hỗn độn,
Những em bé học trò, gương mặt sáng hoà nhau!
Xa Huế ba mươi năm, bao cảm nhận lần đầu,
Vừa lạ lẫm, vừa cổ xưa, vừa bình yên, vừa trăn trở…
Hoa phượng thắm ngời ngời khắp lăng vua, phố chợ,
Thành biểu tượng cuộc đời đang đổi mới quanh tôi!
Huế, mùa hè 1975
Hoa tường vi
Tặng bạn Tường Vi
Bỗng chốc, hoa làm tôi dịu lại,
Sau nửa đời, trên những chuyến tàu xa…
Trưa lặng thầm, hoa tường vi thức dậy,
Nắng đọng mật ngọt ngào, ngỡ vốc được trên tay,
Những vỉa hè ngân vang trong lòng thành phố
Những thao thức ngây thơ trong mắt lại dâng đầy!
Lại thấy lại một màu trời nguyên vẹn
Thuở đứng trước Hồ Tây, mười sáu tuổi rụt rè,
Lại thấy lại một chòm sao xa lắc
Mở trên đầu bao bí ẩn si mê.
Lại thấy lại góc sân với đầu hồi yên tĩnh
Chuông xe điện leng keng, vị kẹo kéo ngọt bùi,
Lại chợt nghĩ tuổi thơ là bất biến,
Khoảng vườn nhỏ trốn tìm bao sung sướng nhỏ nhoi…
Lại sẽ có phút giây chớm đầu đông ớn lạnh,
Phố sạch sẽ như lau, trong gió chạy bời bời,
Lại sẽ có cái rùng mình khó hiểu
Khi chỉ thoáng hình dung… những ao ước lứa đôi.
… Vẫn như có y nguyên mọi điều từng bỏ mất
Thơ – đã tưởng qua đi, bỗng lại khiến se lòng…
Thơ có giống như em, giữa cuộc đời quá tỉnh?
Thơ có gì đích thực với tôi không?…
Thành phố Hồ Chí Minh, cuối 1982
Khoảng cách giữa lời
Biết làm sao! Chúng ta quá nhiều lời
Ngay ở chỗ lẽ ra cần nói ngắn!
Bao lần em lẳng lặng
Đủ khiến tôi bàng hoàng!
Khi phần nói lấn hết phần được sống
Lấn hết mọi điều tiềm ẩn giữa câu
Thì vạn câu thơ cũng thành rẻ rúng
Liệu còn gì vang vọng nữa trong nhau?…
1983
Mai mốt đến sông Đà
Sẽ chẳng còn dòng sông ngang ngược đổi từng mùa
Những mũi đá nhe nanh trên Thác Bờ hiểm hóc
Chẳng còn dáng còng lưng trên mũi thuyền độc mộc
Mãi tự thuở xăm mình xuôi ngược đất Phong Châu!
Con khủng long vươn dài hai trăm cây số dốc
Quật nát những rừng già khoét lõm những hang sâu
Gầm thét tự hồng hoang sắp đến ngày im phắc
Khi vách đập chèn ngang hàm thép chịt ngang hầu!
Cả một trời sao sa sẽ vãi tung trên đất
Toả ánh sáng con người ánh thắm thiết dựng xây
Cả một vòm không gian sẽ phả lên hơi mát
Tự hồ chứa mênh mông phơi phới mặt guơng đầy
Ta sẽ nói điều chi khi gặp nhau ngày ấy
Hay chỉ cần chìa tay: Tang chứng một đời mình
Tang chứng mỗi việc làm, mỗi vết chai nỗ lực
Mỗi thử thách, chiến công, kèm cả mỗi hy sinh!
Hoà Bình, 1976
Plixetxcaia
Tấm màn đỏ chói chang vụt hắt lửa vào mình
Chiếc đầu bò tót buông dài mười mét,
Đột nhiên, cả dàn nhạc rướn lên
Âm thanh nổ bùng thành tràng sấm giật
Từng chùm đèn pha biếc xanh ánh chớp
Một bông hoa trắng ngần trên cát bỏng lăn tròn…
Plixetxcaia hoá thân làm Cacmen
Yêu như điên, cuồng nhiệt sống như điên
Khốc liệt hết mình, dám sẵn sàng trả giá,
Loá mắt như ánh sáng
Trụi trần như đất nung
Bột phát và kiêu ngạo đến tận cùng!
*
Mọi cung bậc tình yêu đều bóc ra trước mắt
Không nhân nhượng, nước đôi, vờ vĩnh,
Hệt như tội phạm quấn tấm khăn đỏ chót
Bị thả xuống đấu trường man rợ, cổ sơ,
Phải bẻ gãy sừng bò điên, hoặc sẽ bị bò húc chết!
Plixetxcaia lao vào những tình cảm song song
Như lao giữa những đường ray thẳng băng
Chỉ tiệm cận khi đến gần vô cực.
Plixetxcaia bay trong lực tổng hợp ba chiều,
Không gian với thời gian kết hợp,
Chóng mặt và dịu dàng
Gân guốc và tinh tế
Chỗ tiếp giáp điều có thể và không thể
Chỗ một đời người vươn tới nhiều đời…
*
Những người trung niên bỗng chốc xót xa
Khi nghĩ lại miếng cơm manh áo
Những sầu muộn lẽ ra không đáng có
Trước vẻ đẹp thiêng liêng không vụ lợi tới cùng!
Đám người trẻ trung tiếc nuối há mồm
Kinh ngạc nhận rõ rằng
Khi thế hệ họ hiểu được Cacmen
Sẽ không tìm nổi những Cacmen trong đời thật!
Còn những người già giật thót
Khi giác ngộ hết tầm chống trả lớn lao vô giá
Của nghệ thuật trước thời gian:
Nghệ thuật không cho phép ai già
Không cho phép nửa chừng vấp ngã
Không nhân nhượng và không mặc cả!
Chẳng ai bảo ai, cả Nhà hát khóc ròng,
Nước mắt cùng trào lên nỗi hàm ơn sâu sắc,
Nghe rõ Plixetxcaia thở dốc
(Tiếng thở Cácmen trước giờ phải chết)
Để dồn sức bay lên và ngã xuống,
Nét mặt tái xanh trong giấc mơ quá cỡ:
Giấc mơ Tình Yêu – năm mươi bảy tuổi đầu!.
Nhà hát lớn Maxcơva, 1982
Tây Ninh
Nơi ngỡ hấp dẫn tôi bằng ngọn núi Bà Đen,
Cô tu sĩ làm thơ chỉ đường cho Giải phóng,
Toà thánh thất vàng son, thâm u và bí ẩn,
Hay rừng cao su trùng điệp tới chân trời…
Biên giới một màu xanh, như dấu nối không lời
Dải đất ba mươi năm, bao lối mòn trùng điệp,
Đầu não chiến khu, khiến kẻ thù kinh khiếp,
Nơi khai sinh lá cờ Mặt trận đính vàng sao…
Những trảng cỏ miên man. Những đồn điền đất đỏ.
Vườn hồ tiêu và cây trái ngọt ngào.
Cô dân quân áo đen, cài dao và mắt xếch,
Chiếc xe ngựa buổi chiều lọc cọc giữa đồi cao…
*
Nhưng đấy là Tây Ninh trong lòng tôi tưởng tượng
Dãy phố thực lúc này tôi gặp dịu dàng hơn:
Con sông chảy xanh trong, chiếc cầu vòm cũ kỹ,
Mái nhà ngói nhỏ nhoi dưới bóng lá xanh rờn!
Có gì thật thiết tha trong nụ cười bình dị
Trong dáng bước tảo tần bà mẹ áo gầy vai,
Dáng em gái đi học về, buổi chiều đang cuốc đất
Một chút nắng dịu dàng trên tóc, mãi không phai!
Và thương cảm xiết bao những vạt hầm trú ẩn
Y như những năm còn bom đạn quân thù,
Vừa hậu phương, vừa chiến trường, hạt gạo đem
sẻ nửa,
Biên giới sát tầm tay, đâu có dễ làm ngơ?
*
Tôi quên đi mọi dấu tích vàng son, mọi cảnh trí lạ kỳ,
Chỉ còn thực lòng mình, với gian khổ, buồn vui,
phẫn nộ,
Đến gắn cùng các anh – những người kề cửa ngõ,
Làm mũi khiên che cuộc đời đầy ưu ái sau lưng.
Vườn hồ tiêu đang lên, nồng cay đến rưng rưng,
Mía đọng mật ngọt ngào, màu tươi dâng mát mắt…
Đơn giản quá, Tây Ninh! Đất này đâu thể khác,
Tôi trở lại những gì mộc nhất của hồn tôi!
1977
Những ngày trấn giữ giặc Pôn Pốt ở biên giới Tây Nam.
Thời đại của tốc độ lớn
Chúng ta sống vào thời căng sức nhất
Hơn mọi thời – sáu chục vạn năm qua!
Hãy giả định: Lịch sử loài người dài 60 cây số
Thì 58 cây số đầu là đất bãi, rừng hoang,
Cây số thứ 59 mới tạo được những chiếc rìu bằng đá
Cách ta 200 mét, mới có đế chế huy hoàng La Mã,
100 mét – bắt đầu những thành trì Trung cổ
nhọn lô nhô,
50 mét – mới thấy Lêôna đơ Vanhxi ngồi vẽ
bức tranh La Giôcông nổi tiếng,
Và 10 mét – hãy còn sợi bấc thắp trên đĩa dầu leo lét,
Chỉ tới 5 mét cuối cùng – ánh điện mới bừng lên!
Trong 5 mét ấy thôi, loài người đã tạo ra xe hơi, máy
bay, rađiô và vô tuyến truyền hình,
Đã làm nổ hạt nhân, đã bay lên vũ trụ,
Đã chế thử chất sống nguyên sinh và bộ óc phi thường
điện tử,
Tuổi trẻ chúng ta chính ở giữa thời này!
Đâu đáng kêu ca gì về tuổi trẻ chẳng bình yên?
Về thế giới vùn vụt tăng tốc độ?
Chỉ đáng tiếc: Cuộc đời mình quá nhỏ
Để khám phá tận cùng bao bí ẩn hôm nay!
1973
Thời lá đỏ
Nhớ những kỷ niệm cùng Phạm Tiến Duật
Có một thời lá đỏ của chúng mình,
Thời rất lắm ước ao, thời quá thừa xúc cảm,
Thời của tình yêu bao la, thoáng đãng…
Chúng mình yêu rừng tự đấy yêu đi!
Sống với rừng nguyên thuỷ
Nếp nghĩ trở về quy luật thiên nhiên
Mưa với nắng đo bằng mùa đằng đẵng
Những cây số đường rừng đo bằng lớp chai chân
Tiếng hoẵng tiếng chim đo lối mòn liên lạc
Ánh lửa đo nghị lực trong ngàn ngàn hốc đá
Và mọi dự định của tương lai trĩu nặng
Chắt chiu chín dần tự đáy ba lô.
Mùa đông rét căm căm
Ý nghĩ ngợp trong một trời lá đỏ
Lá ngon mắt, như rắc giấy phong bao ngày Tết
Lá nồng nàn như thắp nến kết hoa cho lứa tuổi yêu đời,
Giữa sắc lá tưng bừng
Rừng lắm dốc lắm đèo mà vui như phố xá,
Có bao giờ và ở đâu, chúng mình còn gặp lại
Cơn say đỏ au ngày ấy của rừng?
Rừng vụng dại, cộc cằn, nhưng tuôn trào sức sống
Những bãi B.52 trụi trần, chớp mắt lại lên xanh!
Một trời bướm, một trời hoa, một trời phấn bay,
thoắt một trời lá rụng,
Đều thầm lặng như không, mà mãnh liệt khôn cùng!
Chúng mình học cách sống của rừng, vượt trăm đỉnh
mù sương không biết mệt,
Người trước ngã, người sau lại tiếp,
Không ai so đo vì giới hạn của đời mình!
Chúng mình yêu rừng tự đấy yêu đi
Mang nếp sống thiên nhiên cả khi về thành phố,
Không chịu nổi những tiện nghi chật chội
Không trơn tuột, phẳng phiu trong ý nghĩ ươn lười,
Ghét cay đắng mỗi lời chai đá, vô tình,
Tiếc đứt ruột nếu từng ngày không đổi mới!
Đấy là hàng cọc tiêu chỉ đường, không bao giờ
xoá nổi,
Suốt tự thời lá đỏ của chúng mình!
Tây Nguyên, 1979
Trò chuyện với thành phố của đời mình
1
Tôi có những ước mơ trong thành phố cũ
Như những ngôi sao tự tuổi chín mười…
Sau hai mươi năm
Chúng vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt xanh ngăn ngắt
Lá bàng non ngày ấy đỏ lạ lùng
Ước mơ chín, ngỡ chừng ăn thấy ngọt,
Bàng vàng ươm rụng đầy lối đi,
Người bạn gái nói với tôi một điều gì thật lạ…
Thuở màu phượng dễ làm say, cánh bướm
dễ làm duyên!
Thành phố tuổi hoa niên. Thành phố ấy là em.
Em – với màu áo hoa mơ, chân trần trên cỏ ướt,
Đứng thảng thốt reo lên bên bờ sen ngập nước:
“Trời ơi! Sen sớm quá chừng thơm!”
Không bao giờ tôi quên
Em đã khắc hương sen ngày ấy vào vĩnh cửu!
Tôi chưa hề biết yêu em
Chỉ biết yêu thành phố
Trong ánh xanh lạ lùng buổi ấy dâng lên…
2
Người anh họ thâm trầm dìu dắt tôi đi
Đã kể tôi nghe về nhiều tên ngõ cũ,
Anh yêu Hà Nội bằng tình yêu rất cổ
Sau nộp đơn thi vào Đại học Nhân dân.
… Tôi nhớ hết những chuyện về ngõ Gia Ngư,
Cấm Chỉ, Sầm Công,
Nhưng vô tình quên anh – sau không hề gặp lại!
Anh về dạy ở một huyện nghèo quê ngoại,
Và mất năm 36 tuổi đầu,
Vì cơn bệnh bất ngờ…
Mãi giờ tôi mới biết!
Duy tấm lòng anh nồng nàn, da diết,
Tự bao giờ vẫn đọng mãi trong tôi…
3
Tuổi trẻ, bao nhiêu là buồn vui…
Khi cha mẹ tôi trở về Hà Nội,
Cả gia đình ở trong căn phòng 16 mét,
Một cửa sổ bị cầu thang chắn hết
Không sao đọc được sách trong nhà!
Những bạn bè họp nhau
Rộn rã tuổi quàng khăn đỏ
Ngồi xổm dưới bóng cây cơm nguội,
Học bài ngoài sân đất đến khuya
Rồi chuyện trò say mê,
Tưởng tượng đến mươi mười lăm năm sau
Mình sẽ sống giữa cuộc đời lớn lắm!
Đứa nào cũng xoa tay háo hức
Rất nhiều đêm thao thức giữa lo mừng…
4
Hà Nội ơi! Không biết bao lần
Tôi đi vắng rất lâu, trở về gặp lại,
Hà Nội vẫn làm tôi ngơ ngác mãi
Giữa nhịp phố thở dịu dàng, mặt phố quá bình tâm!
Tôi đi quanh Hồ Gươm
Nhớ một con rùa cổ ngày xưa đã chết
(Được ướp nguyên trong hòm kính bảo tàng),
Lòng hồ còn bao nhiêu rùa
Vật chứng của nghìn năm thần thoại
Không ai đoán hết,
Chỉ nổi lên trong những lúc động trời!
5
Thành phố vui buồn của một đời,
Ở đây, chúng ta yêu nhau và có thể đã xa nhau!
Nhưng thành phố vẫn đằm gương mặt ấy…
Ở đây, tôi đã đọc, đã quên, đã buồn khổ rồi hy vọng,
Đã lo lắng rồi yêu tin,
Đã khinh bạc bản thân mình, rồi rộng mở với anh em,
Để lại tìm ra mình trong bước đi chan hoà tập thể.
Cây cầu bắc cheo leo qua hai bờ tuổi trẻ
Tôi với bạn bè đều vượt qua, ở chính nơi đây!
Thành phố nuôi lớn bao lớp người, bao ước vọng
mê say,
Nhưng thành phố vẫn đằm gương mặt ấy!
Bao nhiêu năm qua
Đột nhiên nhớ một góc đường Yên Phụ
Vị bánh tôm thơm nóng tuổi thơ đầu,
Đột nhiên nhớ một cơn mưa đêm Trung thu,
Chiếc đèn giấy thắp nến ướt rồi,
không bao giờ còn tuổi đi rước nữa!
Đột nhiên nhớ vết bùn khô trên ngực áo
Vết bùn đẩy xe, đắp đất, san nền,
Chỗ mình dựng công viên, hoa đã nở bạt ngàn,
Mười lăm năm… chỉ còn mùi hương của những
giờ tình tự,
Cho lớp con em ta mới lớn
Mắt sáng hơn và môi đỏ hơn!
6
Một thế hệ người làm thơ lại đã đi qua…
Thầm thì hoa sấu rơi, quả sấu rụng bàng hoàng
trên mái cũ,
Năm lại chồng năm, với những ngọn đèn mãi cần cù
không ngủ,
Những gác xép nhỏ teo, mà ao ước mở không cùng!
Có thể, cái mặc cái ăn trong đời… vẫn vất vả thế thôi,
Nhưng xốc dậy cả tầm nhìn thật chín!
7
Bây giờ lại vào mùa sen
Cô bé ngày xưa với chiếc răng còn sún
Nay đã thành bà mẹ có hai con,
Tôi lại gặp rất nhiều lứa đôi
Đi trên đường cỏ mới,
Có thể một cô bé nào lại sẽ kêu lên sung sướng
Như chúng tôi, mười mấy năm xưa:
“Trời ơi! Sen sớm quá chừng thơm!”…
Một thế hệ lại sẽ bắt đầu như thế đấy!
Hà Nội – viết 1974, sửa xong 1978
Kí sự thơ: Đường Trường Sơn, cảnh và người (ký sự thơ 1972 – 1973)
Ký sự thơ gồm 3 phần:
1 – Đêm Trường Sơn và người kể chuyện
2 – Đi dọc tuyến đường
3 – Những ngày chuyển tiếp lớn lao
Đêm Trường Sơn và người kể chuyện
Bài thơ: Hốc núi
Người kể chuyện ngồi im như tạc vào vách đá
Mười ba năm ròng trôi qua mắt anh
Đôi mắt sâu thăm thẳm
Tôi rét run lên trong hốc núi mùa mưa
Cơn mưa dai dẳng lạ!
(Ngỡ mưa suốt tuần suốt tháng suốt năm đi nữa
Vẫn có bao người dầm mưa đi qua!)
Người kể chuyện đã đi từ những bước đầu tiên
Khi ấy, nghìn cánh rừng còn kín mít
Cây lớn và dây leo chằng chịt
Suốt dọc rừng già dữ dội hoang sơ
“Những cơn mưa
Có thể bất thần bốc đi từng trốc núi
Con suối hôm nay còn lội
Có thể ngày mai đã đổi dòng…”
“Ai đã từng nằm hang, nghe đá đổ ầm ầm
“Ngỡ trời đất xung quanh sập xuống
“Tai điếc đặc. Đá lăn và lốc cuốn
“Sáng mai ra, không biết hướng nào đi!…”
“Kể bao giờ cho hết chuyện anh nghe!
“Mười mấy mùa rồi mở đường vất vả…”
Người kể chuyện ngồi im như tạc vào vách đá
Tập thơ: Cát sáng (1985)
Đây là tập thơ in cùng Vũ Quần Phương.gồm 4 bài thơ:
Nghĩ lại về Pauxtốpxky
1
Đồi Trung du phơ phất bóng thông già,
Trường sơ tán, hồn trong chiều lặng gió,
Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ
Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu!
“Lẵng quả thông” trong suối nhạc nhiệm màu
Hay “Chuyến xe đêm” thầm thì mê đắm,
Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm
Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa…
Có thể ngày mai ta cũng đi qua
Một cánh cửa nao lòng trong truyện “Tuyết”,
Có tiếng chuông rung và con mèo Áckhíp
Ánh nến mơ hồ như hạnh phúc từng mong…
Xa xôi sao… Thời thơ ấu sau lưng!
2
Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu,
cuộc đời không phải thế!
Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể,
Bể mặn mòi, sôi sục biết bao nhiêu
Khi em đến bên anh trước biển cả dâng triều…
Ta thu hết xa khơi vào trong lồng ngực trẻ
Dám thử mọi lo toan để vạch dấu chân trời,
Dấu xanh thẳm khi bình minh vụt đến
Dấu đen rầm khi đáy bóng đêm trôi…
Và hạnh phúc vỡ ra như một nốt đàn căng,
Nốt cao quá trong đời xao động quá,
Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả
Lại ngọt ngào, kỳ lạ, lớn lao hơn!
Anh đã đi qua bão lốc từng cơn
Cây rung lá trong chiều thanh thản nhất,
Anh qua cả màu không gian ngây ngất
Một tiếng thầm trong nắng mới lao xao…
Em đã đến rồi đi như một giấc chiêm bao!
3
Bây giờ, anh biết nói gì hơn?
Có thể, ngày mai thôi… Có thể…
“Hoa tóc tiên ơi! Sớm mai và tuổi trẻ…”
Lật trang nhật ký nào cũng chỉ xát lòng thêm!
Pauxtốpxky là dĩ vãng trong em
Thành dĩ vãng hai ta. Bây giờ anh ngoảnh lại:
Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu,
anh hiểu rằng không phải,
Như tuổi thơ, vừa đó đã xa vời!
Đưa em đi… Tất cả thế xong rồi…
Ta đã lớn. Và Pauxtốpxky đã chết!
Anh vẫn khóc khi nghĩ về truyện “Tuyết”,
Dầu chẳng bao giờ mong đợi nữa đâu em!
1969
Những điều giản dị
Đồi sắn xanh mênh mông
Gió thổi vô tư trong lá
Gió thổi như từ tuổi thơ trở về.
Sáng đẹp trời… Ôi những năm đầy nhớ thương,
Ai cũng nghĩ lại đời mình, những khát khao đẹp nhất,
Đi qua bao chiến hào mong tìm ra hạnh phúc
Chúng ta nhìn nhau, đôi mắt thương hơn xưa!
Anh lại xa em, chẳng kịp một dòng thư
Trong im lặng, tự biết mình chung thuỷ,
Cuộc đời lớn, dạy dần ta biết nghĩ,
Chiến tranh đo tầm vóc của tình yêu!
… Chúng ta quen nhau, nào có chi nhiều
Đồng mới gặt. Đời miên man đất rộng…
Em đã đến như một mùa gió lộng
Giục lòng anh thao thức tới trăm nơi!
Chúng ta tin nhau,chỉ một đôi lời
Bình dị lắm trước mọi điều khốc liệt
Trước những con đường bom chưa gỡ hết
Những căn nhà mái sụp, tường long,
Hay trong cơn mưa, thác lũ xô gầm,
Hun hút gió về, én bay loạn đảo,
Những đêm thức, canh bên bờ biển bão,
Ngắm đốm lửa cuối trời, biết chỗ sẽ đi qua!.
Đất nước xôn xao trong ta
Tiếng của máy bơm bên đồng rạ mới
Tiếng trẻ sơ sinh dưới đèn dầu nóng hổi,
Cả tiếng búa choòng, tiếng dệt vải, quay sa,
Tiếng những chồi cây mở mắt ra hoa…
Đất nước rì rầm trong ta
Tình yêu mộc với sắc màu chân thật,
Em đã đến cùng anh bằng con đường ngắn nhất
Để rất nhiều suy tưởng nối dài thêm…
Anh có bao điều phải nói cùng em
Bao điều gắn lo toan cùng đất nước…
Có thể những buồn vui không giống như thuở trước,
Nhưng tình yêu mãi mãi vẫn ban đầu!
Ta đi qua cuộc chiến đấu muôn màu,
Những năm tháng cần nhiều can đảm nhất…
Lúc nhìn lại đời nhau, qua khoé mắt
Anh hiểu, vì sao anh biết yêu em!
1968
Thơ tình ngày biển động
“Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể”
(Nghĩ lại về Pauxtôpxky, 1969)
Chưa bao giờ anh ước đâu em
Một ngôi nhà, bão dừng sau cánh cửa…
Trời ơi! Buổi sớm quá chừng thơm!
Anh hít thở mùa sen, năm anh mười tám tuổi,
Một ánh vui táo tợn của mùa hè
Khi những vệt ong hôn vào nhuỵ hoa cháy bừng
như vệt lửa,
Những trận lốc, những cơn mưa trước hồn anh bỏ ngỏ…
Và ngôi nhà, bão dừng sau cánh cửa,
Đã bao giờ anh ước đâu em?
*
Rất nhiều chuyện qua rồi. Rất nhiều chuyện
giống như quên,
Sau tuổi hai mươi, ngỡ không cần đến nữa:
Chút xôn xao trong hàng cây nắng nhỏ,
Giọt nước tròn rung rinh trong lá sen
Cả gợn sóng mơ hồ trong ánh mắt riêng em
Màu trời xám mênh mông ngày động biển
Cánh bướm mai hồng, cơn mưa chiều tím,
Một cửa sổ lặng thầm chi chút đếm sao rơi…
Hạnh phúc ta cần, thực cũng giản đơn thôi
Như chỉ ở trước ta trên một tầm tay với
Ngỡ rảo bước là sớm chiều sẽ tới
Suốt một đời, sao vẫn giục mình đi?
Em có thể là gì sau trang sách Pauxtốpxky?
Là một ánh bình minh xanh mờ không thể tắt,
Hay hương mát rừng thông cao ẩm ướt,
Một bóng mây khắc khoải cả mùa hè?
Anh không biết dãy phố ta đi hôm ấy gọi là gì?
Không biết lá cây trên đầu sao buổi chiều phát sáng?
Giọt nước mắt khác xưa giữa tình yêu, tình bạn,
Những kỷ niệm nơi này xáo trộn với nơi kia…
Anh và em (chỉ thế thôi). Mà không có Pauxtôpxky,
“Ta đã lớn. Và Pauxtốpxky đã chết!”
Chỉ còn lại cuối cùng những cảm thông da diết
Của tất cả những gì vừa có lại vừa không!
*
Tất cả có vậy thôi! Em – màu trong suốt của trời xanh
trên phố thợ,
Chỗ mặn nhất của đầu bọt sóng tự khơi xa…
Lại cũng là vết thương của anh, tuổi thơ của anh,
nơi ẩn kín của hồn anh bão tố,
Lá cỏ bồng gió ru trên bãi cát khô cằn,
Đốm lửa nhỏ bất ngờ trong một đêm ngủ rừng,
hai bàn tay lạnh cóng,
Hay màu ngói đỏ đầu tiên, sau cả cuộc chiến tranh dài!
Em thao thức mãi trong anh Tình Yêu lớn –
Yêu Người,
Yêu những thứ bị tàn phá đi, bây giờ cần dựng lại,
Yêu một cái cây, tự lúc gây mầm cho đến khi ra trái,
Yêu mọi nét đẹp của Đời,
để bồi đắp, sản sinh thêm…
*
Chưa bao giờ anh ước đâu em
Một ngôi nhà, bão dừng sau cánh cửa!
Hải Phòng, 1975
Viết cho em, dọc đường Trường Sơn
Em ở lại thu này. Anh đi suốt mùa thu,
Mùa hái quả… Quanh em, thành phố cũ,
(Lá rực sáng trong những chiều nắng đỏ
Lối đi về quen quá, hoá bâng khuâng!)
Còn anh qua mùa nước lũ đang dâng
Nước xối xả những đường ngầm sâu hút
Xe vật vã trên đường lầy mưa trút
Rừng đại ngàn thăm thẳm một vòm đen…
Đường tiếp đường, vô tận, trải từ em,
Ngã bảy, ngã ba, bom đào, núi lở,
Những trạm gác, thét gào khản cổ
Những bữa ăn hối hả bên lèn…
Những đồi trọc không cây. Những xóm mạc không đèn.
Đất trải mênh mông, đỏ hực trong tàn phá,
Anh yêu thương xót xa mảnh đất tươi hồng quá
Như thớ thịt non ròng, chảy máu dưới chân đi!
Trái tim anh từng lúc đập như mê,
Dồn dập, trẻ trung, như ngày em gặp,
Mỗi xúc cảm thẳng căng, tới tột cùng cung bậc
Tới tột cùng từng mong đợi, lo toan!
Nhớ về em – từng giây phút gian nan,
Từng bữa đói ăn, từng đêm mất ngủ,
Dễ suy tưởng đắm say, như ngày xưa, tuổi nhỏ,
Thích những gì mơ mộng nhất về em…
Đất nước trổ mầm cho triệu triệu niềm tin,
Mặc vầng trán già đi, chỉ tình yêu trẻ lại,
Áo bạc hết hai vai, nhà cháy trơ hai mái,
Nhưng trận tuyến nào cần, còn tiếp bước còn đi…
Trái tim anh từng lúc đập như mê
Trước nườm nượp từng đoàn quân ra trận,
Xe nối đuôi nhau trên đường bất tận
Hàng cây số dài, máy thúc rền vang…
Những chuyến phà đêm xé nước râm ran,
Những phao bắc dập dềnh ngang suối đổ,
Những cô gái làm đường hồn nhiên, bé nhỏ,
Nụ cười nào xui nhớ nụ cười em?
Anh chạy dọc mùa thu, mùa hai đứa mình quen
Nghĩ trở lại mọi niềm vui tuổi nhỏ,
Anh được gặp trên đường bao niềm vui cởi mở
Anh lặng thầm chia sẻ hết cùng em!
Em như đường chân trời mỗi buổi nắng lên
Như búp lá trên đồi cây thưa thớt
Như mái lán che mình giữa cơn dông mưa trút,
Em là chỗ anh đi, và cả chỗ anh về…
Anh muốn nói cùng em hết thảy những gì
Em muốn biết trong những ngày cách biệt,
Nhưng đất nước – làm sao đi thấu hết…
Tình yêu em – vô tận, nối theo đường!
Đường mòn Hồ Chí Minh, 1972
Trên đây là bao gồm 16 bài thơ trong Tập thơ: Khoảng cách giữa lời (1984) – Bằng Việt gồm 16 bài thơ được ông sáng tác vào năm 1984.
Xem tiếp: Tập thơ: Ném câu thơ vào gió (2001) – Bằng Việt
Theo Thuvientho.com