Tập thơ: Những gương mặt, những khoảng trời (1973) – Bằng Việt được sáng tác năm 1973, tập thơ gồm 24 bài thơ, với nhiều chủ đề khác nhau được độc giả vô cùng yêu thích hiện nay.
A-tô-pơ
Thị trấn hoa vàng. Hoa đại ngủ lim dim,
Đôi ngả đường đá dăm. Một ngã ba cũ kỹ.
Những căn nhà gỗ hai tầng đơn sơ
Trổ lan can ô vuông, vẩy rào thưa trước ngõ
Các cửa hàng lành hiền bé nhỏ
Cô du kích tuần tra, súng lê dài hơn người!
Sư già ngực trần cháy nắng cuối hè
Áo đỏ khoác vai đến trường dạy học
Em bé lớp hai ê a tập đọc
Nhịp thước gõ bàn lách cách nửa chiều.
Thị trấn hoà cùng cuộc chiến gieo neo
Chi chít hào giao thông dưới cỏ,
Xe vận tải, súng phòng không…dấu sau vườn chùa cổ,
Nhưng cuộc sống im lìm như vẫn thế từ xưa!
Thị trấn đang chờ trận tập kích cam go
Tôi đi qua, vẫn thâm trầm vậy đó
Cô du kích cười xoà, nụ cười sao dễ nhớ
Với những vòng chỉ cườm lấp lánh mãi từ xa…
1972
A-tô-pơ là tên một thị trấn ở Trung Lào.
Bản cũ giữa rừng Lào
Những tảng đá mồ côi như toé lửa trong chiều
Núi sừng sững – Cái mím môi kỳ lạ,
Con sâu hình cành cây, con bọ hình cái lá
Trải âm thầm cuộc sống tự ngàn xưa.
Bếp lửa hãy còn đây, củi đóm với tàn tro,
Đầu hồi cũ vẽ sơn đen, quạnh quẽ,
Mái gỗ kiểu Lào lợp bằng săng lẻ
Dấu tích bao năm thu vén, cần cù…
Giặc phá nát rồi. Bản rộp nắng, trôi mưa,
Hươu nai chạy ngang đường, chim chóc
Kêu khắc khoải,
Cây xoài tượng lẫn vào cây hoang dại
Con gà nhà thơ thẩn giữa sườn non!
Tôi đi dọc rừng già, đất nước đau thương,
Những em bé gầy đen băng rừng tìm bộ đội,
Những cụ già quắt khô, nhìn không còn biết tuổi,
Lẳng lặng đào hầm, canh thú, tra nương.
Mấy bận rồi, dời bản dưới mưa bom
Áo chàm cũ, gai mây cào tướp hết,
Lưng gùi nặng, dốc leo chừng thấm mệt,
Nhưng chỉ một lòng vì cách mạng theo đi…
Quãng rừng chiều nay vắng vẻ nhường kia
Sao chất chứa bao điều cao cả quá!
Núi sừng sững – Cái mím môi kỳ lạ,
Những tảng đá mồ côi như toé lửa trong chiều!
Rừng Tà-vèn-ôộc, 1972
Bên địa đạo Vĩnh Quang
Từ lòng địa đạo đi ra
Mỗi ánh mắt trẻ con bỗng làm tôi sáng loá
Hồn tôi chợt nhiều nắng quá
Trên đất này Vĩnh Quang!
Tôi quên đi hết thảy mọi con đường
Chỉ nhớ quãng hào này
Rợp cỏ mặt trời và hoa muống biển,
Lại có những em bé lên ba,
Lần đầu ngạc nhiên được nhìn biển rộng
Lần đầu ngạc nhiên được nhìn trời trong!
Và tôi ngạc nhiên với chính mình
Đã qua hết hai mươi tám năm trên trái đất,
Nhưng chưa hình dung hết được
Khoảng cách sống – còn, chưa đầy dăm mét
Từ hầm sâu ùa ra giữa nắng,
Khoảng cách ngắn đến mức khó tin
Giữa chiến tranh và hoà bình,
Lại dài dặc đến chừng này
Trong tấm lòng đợi chờ con trẻ!
1970
Cuối năm
Cuối đông, lá rực rừng già,
Trời như một thoáng nhớ nhà, thẳm xanh!
Con sông vật lộn một mình
Hai bờ đá nhọn chênh vênh sóng dồi.
Bám cây, vạch lá, từng người
Buộc ni lông thả phao bơi ngang dòng,
Phập phồng cơn sốt vừa xong
Lại đi, nước réo nghe lòng rét tê…
Rậm rì rừng nứa rừng le,
Lưa thưa rừng khộp, nặng nề rừng lim,
Bỗng trong bóng nắng im lìm
Lá dong mát dậy suốt triền non cao!
Quê nhà gói bánh khi nao,
Rừng dong lá mới xanh vào mãi đây?
Ngẩn ngơ giữa cảnh rừng dày,
Ngỡ giang tay đã ôm đầy quê hương!
Có gì chợt hoá thân thương
Con sông xa lạ, con đường nguyên sơ,
Gió bao la những đợi chờ
Rừng chưa rụng lá đã ngờ Xuân sang…
1972
Đất này, Thăng Long – Hà Nội
Tôi lại về đây, giữa gió chuyển hai mùa
Đột ngột những cơn dông. Và tiếng còi báo động.
Mưa ào xuống, những cơn mưa bong bóng
Chen lẫn tiếng gầm đạn pháo, bom rơi…
Ở đây nhiều nắng như lòng yêu đời
Nhiều chớp lửa như những cơn giận dữ
Cây thay hoa như niềm vui bất ngờ
Cát bồi lở dọc những bờ lịch sử.
Mười thế kỷ thăng trầm. Chiến địa vẫn Thăng Long!
Tôi đi trong dòng người qua sông
Nước đỏ lựng, phù sa đang tháng Sáu,
Bụi ngùn ngụt từng đoàn xe đoàn pháo
Áo một màu cỏ úa đẫm mồ hôi…
Hà Nội phi thường trong sức sinh sôi
Bền bỉ phân thân khắp miền đánh giặc
Mỗi xúc động không ồn ào, mỗi đổi thay không
choáng ngợp
Nhưng hiểu được sức ngầm chỉ thoáng chốc
nhìn nhau!
Tuổi thơ qua đây còn ấm cúng rất lâu
Hàng cây rợp, mùa đông không trụi lá,
Hương sen trải suốt Hồ Tây mùa hạ,
Vị cốm tan vào không khí đầu thu…
Vừa lớn lên, đã giáp mặt quân thù
Chớp mắt, hai lần chiến tranh phá hoại!
Tuổi thơ bỗng lùi xa,nhưng khao khát mênh mông
còn để lại
Khao khát những gì khơi lại chiến công
Nhiều thế hệ dẫu hy sinh, Hà Nội mãi anh hùng!
Ôi tôi yêu những cửa ô, nghe đã xa rồi tiếng
voi lồng ngựa hí,
Còn truyền lại gương mặt quắc thước tinh anh của
mỗi chiến binh già,
Và lớp sóng Đông Bộ Đầu, ngót bảy trăm năm đã
trôi về biển cả
Còn dội tiếng quân hò “Sát Thát”, tiếng thanh la…
Rồi lửa bốc ở Ngọc Hồi. Giặc lụi ở Đống Đa.
Lửa bốc khắp Hàng Bạc, Đồng Xuân, đêm
Trung đoàn Thủ đô quyết tử
(Để tám năm sau, tên lính Pháp cuối cùng
lê chân ra khỏi đó,
Đã đánh đến đất này, giặc chỉ có đường lui!).
Lửa lại bốc khắp trời cao, và dù đỏ Mỹ bung rơi,
Năm năm giặc bay vào, là năm năm chúng rụng!
Xác giặc trải suốt hai đời tổng thống
Đủ thời gian chúng chịu hiểu ra chưa?
Chúng muốn phá Thủ đô. Nhưng đất này không
bao giờ phá được!
Thăng Long đã cháy rực ba ngày đêm khi giặc
Thoát Hoan vào,
Lại cũng cháy rực ba ngày đêm khi Chế Bồng Nga
tới cướp.
Và Hà Nội, mấy mươi lần tên lửa ngút tầm cao!
Đất rồng lên, mãi mãi đất rồng lên,
Đất của Đại cáo bình Ngô. Của Tuyên ngôn Độc lập,
Của bước chân Điện Biên, chiến thắng về rầm rập,
Của mỗi con người ưa ngay thẳng, sáng trong…
Ta sống với đất này như thế đó, thuỷ chung!
Ôi tôi tin cuộc đời như tin ở sắc hồng viên gạch
mới nung,
Tin mùa quả mùa hoa sẽ đè bẹp mùa tàn phá,
Với khẩu súng trong bàn tay sần chai, quyển sách trong
túi áo người trồng khoai lúa…
Triệu ánh mắt bình thường đang phát sáng trong tôi.
Thành phố đã nghìn năm, không dễ dãi buồn vui,
Không dễ dãi bằng lòng, không dễ dãi buông mình
thổ lộ,
Nhưng giữa sức trẻ bao quanh, tôi biết được điều này
rất rõ:
Mỗi suy nghĩ ở đất này đều nhắm đích tương lai.
Tôi tỉnh táo bên Người, Hà Nội rất yêu ơi!
1971-1973
Đêm gió Trường Sơn
Tôi lại về đêm rất sâu Trường Sơn
Gió dữ xung quanh cồn cào như biển
Chỗ đất đồi lửa xém
Cỏ gianh mùa này lên cao
Cỏ gianh dâng phừng phừng như lao!
Sương dăng thành che lấp bóng sao
Mênh mông mùa gió
Nghe chim kêu chưa sáng mặt trời
Khí núi bay ra mờ đục mắt người
Đá đổ ầm ầm như sấm động
Lắm bữa thèm ăn bát cơm thật nóng
Hơ lửa bàn tay thấm thía thương nhau!
Ôi nhớ những khi xẻ núi bắc cầu
Đại bác địch nổ trên đầu toé lửa
Những đêm lấp bao hố bom dang dở
Con đường vươn như sống lúc trăng lên
Từng khúc đứt ra sâu hoắm lại liền
Lại quẫy khúc trườn lên phía trước
Nỗi vui lớn có gì đo được
Như gió ào dâng trong mắt, rưng rưng…
Lán phong phanh trong rừng
Dăm lần cháy lại dăm lần chuyển chỗ
Dao mài vẹt theo đường phát cỏ
Cuốc cùn trơ vét đá hầm hào,
Chưa khi nào, chưa nơi nào
Sức người căng đến thế!
Gió nóng hanh hao, lồ ô nứt nẻ,
Xác ve khô rơi rụng mùa hè
Bão đầu thu quật nát tranh tre
Sương giá đầm đầm cỏ đông nhọn sắc…
Sống duy nhất chỉ để mà đánh giặc
Cái cắn răng nơi đó đã anh hùng!
Ở đây không khí loãng hơn đồng bằng
Hơi thở người sâu hơn
Lòng yêu đời sâu lắm!
Ôi Trường Sơn! Đêm nay tôi thức trắng
Những bóng hình thân thuộc mãi theo đi
Gió dữ xung quanh cồn cào như biển
Hơi thở quanh tôi thương mến, thầm thì…
Qua gian khổ thấy mình dày dạn lớn
Thương nhau nhiều, thấm thía sức nhau hơn
Ngày mai, trở giấc nơi đâu nữa
Hẳn suốt đời, khát vọng vẫn Trường Sơn…
1969
Đứng trước thế kỷ XX
Kỷ niệm 100 năm sinh V.I. Lênin
Bọt ngầu con sông Susơ
Hơi ẩm bốc lên những đêm mùa thu
Con sông trôi như trong truyện đời xưa
Vừa buồn vừa lặng.
Nơi đó, Lênin từng lặng ngắm
Rừng cỏ trải dài. Gió lốc tầng cao.
Những đêm bão tuyết thét gào
Chân trời đầy bí ẩn.
Đầm Pêrôvô ngầu rác bẩn
Màu nâu váng lá mấy trăm năm
Sương như men chua phả lên mùa xuân
Cỏ ngấu nước, mủn dần trong nắng hạ…
Cuộc đời tù đọng quá
Những cây tần bì rụng lá trơ xương
Cây phong chịu rét can trường
Mỗi mùa đông cũng nứt dần lớp vỏ.
Con sông và rừng cỏ
Ba năm ròng thành bạn của Lênin
Giữa hẻo lánh, im lìm,
Khơi dậy bao điều chưa ai biết đến!
Những người dân chài nghèo nàn dễ mến
Mặt úa vàng như sắc cỏ chiều hôm
Những người thợ săn gò má xương xương
Mệt mỏi ngồi trong lều cỏ
Lênin đến, nhập vào đời họ
Vào những ước ao đơn giản của con người.
Đêm cuối năm, đánh lửa châm mồi
Đốt lá khô, chuyện trò sưởi rét,
Lửa nhỏ bùng lên, lẹt rẹt,
Rồi cả đống tranh ăn gió bốn bề
Lửa phần phật dâng cao, lửa nhảy múa như mê
Kìa! Tất cả bắt đầu từ tia lửa!
Rực rỡ quá, Lênin nhìn, nín thở:
“Bắt đầu là tia lửa thế này đây!”
Lênin trở về. Bốn phía ngủ say
Sắp sửa băng tan, con sông còn vật vã,
Cây cối đêm nay vặn mình kỳ lạ
Giao thừa hoang sơ trận gió khắp trời…
Không ai biết Người ngồi
Bao nhiêu lâu đêm ấy
Những cơn lốc trong đầu Người trỗi dậy
Những dự tính trải ra bao quát trước mắt Người
Những ý nghĩ lớn lao, sáng rõ ra đời
Về Đảng, về Cách mạng,
Ngọn nến thâu đêm thắp sáng
Heo hút giữa vùng gió xoáy mung lung
Đấy là đêm cuối cùng
Của thế kỷ mười chín đang tan vào quá khứ!
Bất giác Lênin đẩy tung cửa sổ:
Con sông vươn mình rừng rực rạng đông
Những đám mây đỏ chói thinh không
Bay lớp lớp rợp trên đồi Sếu
Đàn sếu tha phương đang trở về có hiểu
Đất cũ kỹ sắp gầm lên, sắp nứt vỡ, sinh sôi!
Người đứng lặng, nhìn xa, nheo mắt, mỉm cười
Nụ cười đầu tiên
Đón Thế kỷ Hai Mươi bão táp!
Ghi từ một vùng đất lửa
Đất trụi trần những vết thương
Mặt trời loá, nhà tôn nhìn nhức mắt,
Gió nóng đi qua hầm hập như rang.
Bọ già ngoài sáu mươi
Chiếc quần đùi, dây thép gai xé rách
Đứng giạng trên sân chà từng lượm lúa
Bằng hai bàn chân sần chai
Hạt lúa đầu mùa nóng hổi, vàng tươi,
Giành giật với B.52 và pháo kích.
Những ngày thẳng căng đánh địch
Không phút nào đầu óc nghỉ ngơi.
Suốt buổi, lũ O.V. 10
Rền rĩ tiếng kêu ruồi nhặng
Dò dẫm thả hoả mù
Cho bầy F. bầy B. nhắm đó trút bom
Rồi pháo hạm câu từng dàn tăng tốc
Tai ù đặc, liên hồi ùng ục
Vách hầm rung đất lở đêm ngày.
Khói mù lên cay cay
Không khí dập vào, vỡ ra như sóng
Hơi thở từng người nóng bỏng
Giọng nói khào khào khản đặc như rang
Đã hơn trăm ngày đêm
Quân và dân đứng vững.
Những con người vừa rời khu tập trung
Bỡ ngỡ trở về bãi hoang làng cũ
Đứng trên cái nền đen khô khốc
Không gỗ lá, không tre pheo,
Chỉ những thùng đạn, những tấm tôn,
Lại bắt đầu dựng xây
Nuôi lợn nuôi gà gieo mạ đào hầm
Vào đoàn thể, lập dân quân,
Buổi chiều, đã nghe tiếng trẻ con ríu rít
Khói thổi cơm xanh từng gian nhà…
Bọ già chà xong gié lúa cuối cùng
Đứng nhổ bọt, nhìn ra biển
Chửi giặc một câu thật tục
Rồi quay lại tôi, vừa nói vừa cười:
“Kệ nó, mần chi cha nó,
Đất miềng, miềng ở, chú à!”
Bà mẹ rót mời tôi bát nước
Nước còn thoảng mùi tanh sắt thép
Tôi không nói được lời nào!
Đất trụi trần, ngang dọc hầm hào
Hơi thở con người chắc nặng
Đất cay cực, giành đi giật lại,
Tôi biết đất này từ nay của tôi!
Tôi đi thẳng vào lòng đất mở
Đất khai sinh, cạnh đất đã chôn vùi.
Quảng Trị, 1972
Huế, tấm lòng em…
Câu chuyện kể của cô
Giao liên người Huế N.K.K.B.
“Cơn mưa mùa hạ hiền hoà,
Sau cơn mưa, ánh sao xa lạ lùng,
Con sông róc rách nước trong
Cỏ may quen, cánh phượng hồng tuổi thơ…
Xóm nghèo Đập Đá từ xưa
Ngẩn ngơ qua, lại ngẩn ngơ dạ sầu,
Nhạt nhùng tâm sự mưa mau,
Áo dài chi, nón che đầu mà chi,
Mặt quân thù xám như chì
Lối lao Thừa Phủ ngay kề trường em,
Cửa trường Đồng Khánh đâu yên
Xót xa tiếng xích khua bên giảng đường!
“Biết yêu cuộc sống lạ thường
Mà sao phải lúc chán chường thế anh!
Nhà em – ngày ấy còn lành
Mẹ em – ngày ấy còn xanh nửa đầu,
Lo toan chất ngất theo nhau
Khi ba mất, mẹ cũng mau về già!
“Năm năm em biệt cửa nhà
Bàn chân mưa nắng chai ra nhiều rồi,
Cực thì có cực, mà vui,
Chiến khu ta, củ sắn lùi, cũng ngon!
Ba lần ép dưới mưa bom
Đội hầm lên, chỉ thấy còn tro than!
Hai mùa bão lụt tan hoang,
Từng lon cháo nếp, chia san từng người!
Giản đơn khoé mắt, nụ cười,
Giản đơn, là lúc cuộc đời thẳm sâu!
“Thương sao con nước Ô Lâu
Ngàn đêm lặn lội, bọt ngầu xanh đen,
Đôi bờ cát lở, triều lên,
Ánh đèn pha chợt quét trên đầu mình,
Thương sao động cát Phong Điền
Chói chang, chỉ lá cây niên che đầu,
Địch càn trước, địch càn sau,
Mấy lần ẩn náu, vùi sâu trong lầy,
Gian nan mảnh đất quê này,
Sống dồn, nghĩ cứ mỗi ngày thương thêm!
“Anh đừng lo lắng cho em,
Em qua tuổi trẻ, đã quen vui buồn,
Thuỷ chung chất Huế trong hồn,
Thì xa xôi mấy, vẫn còn thuỷ chung,
Chiến tranh qua, chỉ lạ lùng,
Làm tim em đập, khôn cầm yêu thương!”…
1970
Mẹ
Con bị thương, nằm lại một mùa mưa
Nhớ dáng mẹ ân cần mà lặng lẽ
Nhà yên ắng, tiếng chân đi rất nhẹ,
Gió từng hồi trên mái lá ùa qua.
Nhớ vườn cây che bóng kín sau nhà
Trái chín rụng suốt mùa thu lộp độp
Những dãy bưởi sai, những hàng khế ngọt,
Nhãn đầu mùa, chim đến bói lao xao…
Con xót lòng, mẹ hái trái bưởi đào
Con nhạt miệng, có canh tôm nấu khế
Khoai nướng, ngô bung, ngọt lòng đến thế
Mỗi ban mai toả khói ấm trong nhà.
Ba con đầu đi chiến đấu nơi xa
Tình máu mủ mẹ dồn con hết cả,
Con nói mớ những núi rừng xa lạ
Tỉnh ra rồi, có mẹ, hoá thành quê!
“Ông mất lâu rồi…” – Mẹ kể con nghe
Những chuyện làm ăn, những phen luân lạc,
Mắt nhoà đục và mái đầu tóc bạc
Cả cuộc đời chèo chống bấy nhiêu năm…
Những lúc hiếm hoi, mưa tạnh, trời trăng,
Mẹ hể hả ngắm con hồng sắc mặt
Con ra ngõ, núi chập chùng xanh ngắt
Lại tần ngần nói với mẹ ngày đi.
Mẹ cười xoà, nước mắt ứa trên mi:
– “Đi đánh Mỹ, khi nào tau có giữ!
Súng đạn đó, ba lô còn treo đó,
Bộ mi chừ đeo đã vững hay chăng?”
…Ôi mẹ già trên bản vắng xa xăm
Con đã đi rồi, mấy khi trở lại?
Dằng dặc Trường Sơn những mùa gió trái
Những mùa mưa bạc trắng cả cây rừng!
Con qua đâu thấy mái lá, cây vườn,
Cũng đất nước, phơ phơ đầu tóc mẹ…
Từng giọt máu trong người con đập khẽ,
Máu bây giờ đâu có của riêng con?
1972
Người đi cùng một đường
Tặng Xuân Quỳnh, sau khi đọc bài thơ “Viết trên đường 20” của bạn.
Lại con đường đỏ rực dưới cây xanh
Đi như lao, như lửa cháy trong mình,
Nhịp thơ bạn bỗng bồi hồi mạch đập
Những sườn dốc, rồi những vòng cua gấp
Băng trong đời, như bạn đã từng quen!
Con đường đi rất ít phút bình yên:
Nắng – địch bổ nhào, mưa rào – toạ độ,
Con đường dốc, xe gầm gào sang số,
Say mê đi, chẳng chóng mặt bao giờ!
Vẫn đó – gió Lào, cát trắng trong thơ,
Những thượng nguồn sông, buồn vui bất chợt,
Như lòng bạn, lũ trào dâng đột ngột
Cuốn mình đi, đắp những bãi bờ xa.
Vẫn những cơn mưa như tiếng reo oà
Rồi vụt chốc mây quang, trời dội nắng,
Hơi núi đá bốc lên mù mịt trắng
Vượt qua rồi còn nóng hổi bàn tay!
Cả tâm tình bạn đã trải vào đây:
Những lán dân công ven đồi cỏ dại
Lối cát sỏi rộp bàn chân con gái
Suốt bao mùa vác gỗ lót đường đi…
Vẫn cuộc đời thu gọn hết trên xe
Đôi mắt thức thẳng căng nhìn khói lửa,
Những trọng điểm đổi nhiều đêm không ngủ
Canh bom dồn, càng hiểu bạn nhiều hơn…
(Bỗng nhớ chút gì lâu lắm, rất thân thương
Như trái sấu đầu mùa, như cơn mưa mái phố,
Như ngọn sào thưa và cánh chuồn ngái ngủ…
Đốt lòng ta tự thuở bé vô tư
Còn miên man sáng mãi đến bây giờ!)
… Xa biết mấy, đường đi từ dạo ấy
Những đồi sim bạc nắng, rụng trong chiều,
Cỏ mặt trời lăn qua cát bỏng,
Hay đỉnh Hoàng Liên, hoa nở giữa từng rêu…
Những cánh buồm nâu vật vã sóng triều
Những bãi dứa che đảo đèn, hoang dại
Những lớp bạch đàn trên đồi ong trơ trụi
Bao vui buồn, có bạn lắng nghe ra…
Ngỡ mọi nẻo đường đất nước đi qua
Chắt lọc lại, thành tấm lòng của bạn
Tấm lòng trải ra:
Vượt thử thách đạn bom, vượt đất chua đồng cạn,
“Sau mất mát nghìn đời, vẫn là lượng phù sa!”…
1972
Những đoạn thơ tình giữa hai cuộc chiến tranh phá hoại
1
Anh không cần nhiều yên ấm lắm đâu em,
Nhưng anh đã gặp em, yêu em, giữa thời
rung chuyển ấy,
Bãi cát đỏ nghe triều dâng nước dậy
Lúa cũ tàn đi, mùa mạ mới xanh rồi.
Bãi bom sâu trở lại bãi sa bồi
Nền nhà cũ cựa mình nghe tiếng trẻ
Đường cây cụt, mầm đau rồi lại khoẻ,
Những chuyến tàu sáng lại mặt người quen…
Ô hay! Mùa thu như thường. Nắng lên!
Anh nhìn em, nhìn em, nhìn em,
Mái tóc màu hung qua nhiều dầu dãi
Nụ cười nhỏ đã ngọt ngào đằm lại
Nét môi thanh hoá dịu dàng thêm.
Có gì chai đi, sâu lắng trong em:
Màu nắng sạm trên bàn tay vun đắp
Vết sẹo nhỏ làm nghiêm trang nét mặt
Ta bỗng hiểu về nhau – như đã rất lâu rồi!
Và anh gắn vào em tất cả cuộc đời
Tất cả sức những phố phường dựng lại,
Nước mắt, mồ hôi những ngày đã trải
Hoa cỏ, hương mùa đất nước mai sau…
2
Cái mặc, cái ăn… ai cũng nhường nhau
Bởi tất cả đều đã từng vất vả!
Con người thanh bạch quá,
Ở liền ta, trời đất cũng gần hơn!
Ta chỉ bắt đầu từ đôi mắt yêu thương
Yêu thương lớn đến không gì phá nổi,
Bữa cơm nóng, ánh đèn dầu thắp vội
Có gì đâu, mà ấm cúng hơn xưa!
Trẻ con về dưới mái phố ngày thơ
Quen gánh vác sớm hơn là lứa tuổi…
Trăng vẫn sáng, hương thơm và gió thổi
Nhưng ta chỉ thiết tha nhìn sắc mặt con người!
Em đến bên anh, chất chứa bao lời,
Ta ngợp giữa cuộc đời cần mẫn quá!
Em mở oà vào anh tiếng nói cười bốn ngả
Lắng đến tận cùng, là tiếng nói riêng em,
Những thiếu thốn riêng tư, em bồi đắp dần quên,
Những khát vọng gần xa, em khơi dần, lại nhớ!
Cuộc đời lớn, cùng em chung nhịp thở,
Vừa bận rộn như em, vừa an ủi như em…
Anh hiểu lo toan còn sẽ nhiều thêm
Nhưng anh đã gặp em, yêu em, giữa thời
rung chuyển ấy!
Rồi mọi thứ sẽ cùng ta sống dậy
Nhà cửa, lúa khoai, hoa trái, ruộng đồng,
Tiếng hát ru đưa nôi, đám mây lành ngũ sắc,
Ngói mới lợp trên đầu, cầu mới bắc sang sông…
3
Em tiễn anh. Chiều vần vụ cơn dông
Trời hắt lên ta những sắc cầu vồng
Cơn dông lớn chẳng làm ta sợ nữa
Áo em ửng ráng chiều vàng như lửa
Anh hôn em, nhìn lại, để ra đi…
Qua cuộc chiến tranh này, ta vẫn phải chia ly,
Nhưng trên hết, lại có gì hàn gắn…
Nghe kết lại tình yêu như muối mặn,
Tình yêu vẫn như xưa, vị muối khác xưa rồi!
Trước cơn dông là đôi mắt em cười
Chiều lạ quá, chiều ơi, lay động mãi!
Giá lại phải băng qua trăm ngả đường phá hoại,
Thì hẳn chỗ cuối cùng anh gặp – vẫn là em!
1969-1970
Những gương mặt, những khoảng trời
Chiến trường quen, mới đó lại xa rồi,
Gió thổi theo tôi dọc những vùng trời
Những chiến sĩ trẻ măng hẹn ngày gặp lại
Những gương mặt bình thường như lẽ phải
Mỗi gương mặt sinh ra để đón một vòm trời!
Dẫu ở nơi đâu cũng mắc nợ cuộc đời,
Những binh trạm tiền tiêu thổi cơm trong lòng đất
Những em bé Vân Kiều, đôi mắt tươi như hát
Quen nhìn xuyên trăm đám lửa mù đen
Bỗng mở xanh lạ lùng trước một khoảng trời yên!
Nhớ bà mẹ Trường Sơn, thăm thẳm trước rừng đêm
Nấu bát canh dong tây, nhường con ăn khỏi đói,
Nhớ em gái Thừa Thiên, hy sinh rồi chẳng nói
Mãi mãi để dành ta một khoảng thắm bầu trời
Ta vuốt mắt cho em, đôi mắt vẫn trong ngời!
Im lặng trước cơn đau và khóc trước niềm vui
Ôi tôi nhớ đêm công đồn Quảng Trị
Một vạn quả pháo ta bay lên trời kỳ dị
Rực thác lửa vàng xanh, tuôn xuống mặt quân thù,
Phút đứng dậy xung phong, mắt rớm lệ không ngờ.
Sống cảm động suốt đời, đất nước chiến trường ơi!
Mỗi gương mặt tôi quen, một lần nhìn, thương mãi…
Bao em bé ngây thơ, bao mẹ già từng trải,
Những chiến sĩ băng qua khắp đất nước hầm hào,
Mỗi gương mặt bình thường, sau nghìn lần sống chết
Rọi ánh sáng vào tôi, cùng những khoảng trời cao!
1970
Nói với em
Em dấu kín trong lòng tất cả những nguồn sông
Khi xuyên núi có thể thành thác trắng
Em! Đôi mắt dịu dàng có ánh gì lạ lắm
Khi rụt rè thức dậy một tình yêu!
Đấy là một buổi chiều
Cơn mưa lớn ập xuống đầu hai đứa
Hàng cây lá cao vời như rộng mở
Em nhắc gì, nghe lẫn tiếng mưa rơi…
Cơn mưa qua. Ngày ấy cũng xa rồi
Em chỉ gửi một dòng thư rất nhỏ,
Cơn mưa có gì đâu, thành nỗi nhớ
Về những diều không nói được – là Em!
Em. Một cuộc đời đang lạ bỗng thành quen
Một con đường cắt ngang bỗng nhập vào một lối
Một màu sáng tinh mơ đủ khiến lòng bối rối
Một bóng khói chiều xa tô đậm vị quê nhà…
Em có mặt trên đường ở mọi chỗ anh qua
Những rừng rậm gai cào, những truông dài cát lún,
Những trái chát không mùa, những dây leo không ngọn,
Những hướng trời, gió thả bốn tầng cao…
Em! Một thành phố xa xưa bỗng hiện lại ngọt ngào
Dáng bay múa những đường vân chạm trổ,
Những giàn dáo, những công trường vôi vữa
Chưa định hình, bỗng khởi sắc hồng tươi!
Em chất chứa trong lòng tất cả những nguồn vui
Khi chia ly, thành mái nhà, bếp lửa,
Khi bom nổ thành bàn tay băng bó
Khi tàn phá ào qua, thành điểm chốt sau cùng.
Em khao khát yêu thương như khao khát vun trồng
Bất chấp mọi gian lao, em tin ngày đoàn tụ
Tin ở sự thuỷ chung trong nghĩa tình đôi lứa
Tin ở sự hài hoà trong cuộc sống mai sau…
Em chất chứa trong lòng tất cả sự dài lâu
Dáng thăm thẳm những tháng năm chờ đợi
Sức kiên nhẫn với từng ngày lặp lại
Thư viết ra, đâu tới được bao giờ!
Kháng chiến trường kỳ, trăm nỗi âu lo,
Em đổ sức cho trăm điều gấp gáp,
Em đứng vững, không sức gì lung lạc
Như cây lớn lên giữa lớp lớp cây trồng!
*
…Em dấu kín trong lòng tất cả những nguồn sông
Khi xuyên núi có thể thành thác trắng.
Em! Đôi mắt dịu dàng có ánh gì lạ lắm
Khi trong đời chín tới một tình yêu!
1972
Phút sinh ra những thần Phù Đổng
Em bé ngỡ ngàng hơi thở đầu tiên
Hầm sặc vì oi khói
Cô đỡ run tay trong tối
Làm sao cắt rốn cho em?
Bom rơi ù tai
Tiếng nổ rát trời đêm
Xăng đặc bắt trên nhà lem lém
Người mẹ khẽ rên lên một tiếng
Hỏi bồn chồn: “Cháu gái hay trai”.
Cô đỡ xông lên chắn góc hào ngoài
Người mẹ duỗi nửa mình ra khoảng trống
Một bầu trời lồng lộng
Máy bay thù như điên.
Pháo sáng bay lung liêng
Soi bàn tay cô đỡ
Soi mồ hôi rỏ giọt ròng ròng
Người mẹ nén đau nằm không day trở
Cầu cho con, cuống rốn băng xong!
Một bầu trời mênh mông
Em bé lần đầu tiên mở mắt
Trước những giọt lân tinh và màu xăng đặc
Em bé lần mở mắt đầu tiên
Trước quân thù cuồng dại bốn bên
Trước những hình thù hoang sơ quái gở…
Có gì đó trào dâng lên cổ
Cô đỡ ôm em, nôn nóng trong lòng.
Đất bỗng sốt lên cơn sốt bừng bừng
Những cơn chớp giật ùng oàng sáng chói
Giữa mọi âm thanh không gì hiểu nổi
Em bé nằm yên, chưa chút bận tâm
Lạ lùng, bằng giọng rất trong
Cất tiếng khóc đầu tiên, chào thế giới!
1967
Tiếng hát dọc những cánh rừng
Tặng các nữ diễn viên Đoàn văn công Trường Sơn
Con chim prơ-tốc kêu hoài mãi chi
Prơ-tốc ơi prơ-tốc!
Rừng ru em, tiếng gió xa thầm thì,
Rừng già nghìn năm, bóng cây che độ lượng,
Rừng sâu xa lạ lùng, kiên tâm lạ lùng,
Prơ-tốc ơi prơ-tốc!
Tiếng hát sâu xa vắt từ lòng đất
Bài hát chiến trường hai mươi lăm năm
Người viết ra, bây giờ đã khuất
Nhưng cảm xúc theo em đi mãi vẫn còn
“Em đi cắt lúa trên ngàn
Đường đi nước ngập mênh mang…”
Đường như đi từ cổ tích
Để hành hương về tương lai.
Prơ-tốc ơi prơ-tốc
Chim kêu hoài mãi chi!
Chân em đá xước gai cào
Vẫn như trong bài hát cũ
“Lòng không hề thở than”
Em mới mười tám tuổi đầu
Em còn hát, còn đi,
Cho tới ngày thống nhất…
Ai lắng nghe em cũng lặng phắc, gai người,
Dầu đã thuộc đến từng giai điệu,
Thuộc cả đến chỗ nào em nín thở
Trước mênh mông màu nắng đỏ miền Đông,
Mênh mông con sông, sức sống vun trồng,
Em thương đến xót xa những người trong khúc hát,
Dẫu chưa được gặp người, nước mắt vẫn rưng rưng…
Ngày rồi đêm băng rừng
Dốc cao lắm, vấp cơ hồ bật móng,
Thèm một mặt bằng, một mặt bằng rộng lớn,
Nhưng Trường Sơn nghìn cây số cheo leo,
Chỉ những dốc cùng đèo
Những đỉnh sa mù quanh năm lẩn khuất,
Thổi một nồi cơm, khói dày cay mắt,
Kiếm củi, đào hầm, tay tướp thành chai…
Sau những cơn sốt rét rung người
Em vuốt tóc, tóc rụng dần, thưa thớt,
Prơ-tốc ơi prơ-tốc
Con chim theo ta kêu hoài mãi chi!
Em lại hát “Lên ngàn”
Bài hát nhẹ như ru, như lời an ủi,
“Lòng không hề thở than”
Bài hát ruổi theo kháng chiến trường kỳ
Em lại đứng lên, lao vào trận tuyến.
Những chiếc đèn phòng không dấu trong thùng sắt tây
Khoét hổng, soi về một phía.
Em đứng đó, nét mặt còn xanh tái
Giọng hát cuốn em đi, nét mặt bỗng tươi hồng,
Giọng hát say màu phù sa mênh mông
Say ánh nắng bao vùng trời đất nước,
Mỗi lần hát lại có gì khác trước
Khi thêm từng xúc cảm cuộc đời em…
Đêm khuya về… Loang loáng ánh đèn pin
Chân dầm nước liền hai cây số suối,
Rét cắt da người, nhưng em chẳng nói,
Tiếng hát thiết tha còn dìu em đi.
Con chim prơ-tốc kêu hoài mãi chi,
Prơ-tốc ơi prơ-tốc,
Chim ngủ đi, dưới tán cây thầm thì,
Để mình em sẻ chia với rừng già độ lượng,
Em thao thức quen rồi, dẫu chỉ mới tròn
Mười tám tuổi đầu…
Prơ-tốc ơi prơ-tốc!
1972
Tột cùng gian truân, tột cùng hạnh phúc
Anh choáng váng trước chân trời rộng lớn
Cả cánh đồng vàng rực buổi chiều đi
Một tấm thảm dắt ta vào thần thoại.
Sau lưng hai ta, bờ bãi Thái Bình
Những nhà đổ in lên màu đất cháy
Đôi mắt em soi mặt trời tận đáy
Mặt trời rung như một nốt đàn cao!
Em nghe hết lòng anh nôn nao
Chân ta dẫm qua tầng tầng gạch vụn
Tiếng ngói dòn khô kêu đau dưới chân
Suốt dọc Thái Bình, Phủ Lý,
Sau lưng ta có còn gì nhỉ
Những mái đỏ ngây thơ, quân địch cố san bằng…
Anh qua con sông nước ngập buổi chiều
Bỗng sửng sốt gặp cánh đồng bảy tấn,
Anh không khóc trước những gì tàn nhẫn
Mà trước cái nhìn trong sạch của em!
Ôi cánh đồng rất mực bình yên
Đã gieo giống ngay trên nền bão tố
Thái Bình ơi, Thái Bình!
Loa hát lớn sau buổi chiều phẫn nộ
Cây cứ thế tưng bừng búp trổ
Cái chết qua đi như phút trở trời!
Chưa bao giờ anh hiểu hết cuộc đời
Chỉ càng lớn, anh càng thương cảm nó!
Em đứng đó, thu bàn tay bé nhỏ
Vào trong im lặng của chiều
Thu hết mọi gian truân, mọi điều trắc trở,
Chỉ để lại nụ cười cởi mở
Nụ cười em trao cho anh!
Nét rám hồng qua hai cuộc chiến tranh
Ngỡ đâu chỉ hai mùa hè cháy nắng.
Anh choáng váng trước chân trời rộng lớn
Cái bộn bề kinh ngạc của đời ta…
Quá khứ chóng lùi xa
Như ta sống gấp hai lần thế kỷ
Những bước ta đi dài không tính xuể
Tới tột cùng… Hạnh phúc sáng dần ra…
Hạnh phúc quá bao la
Một hạnh phúc của những người thử lửa
Biết làm chủ niềm vui và nỗi khổ
Mỗi xúc động đi qua đều không thể nửa vời!
Em đứng soi trong ánh mặt trời
Trái đất và em hoà một
Cây ứa nhựa yêu đời như máu rót
Lúa ngả đòng, nhân mãi sức sinh sôi.
Anh muốn kêu lên
Rạo rực một điều thôi:
Ta yêu lắm, khi ta càng đánh giặc
Càng thấm tột cùng hạnh phúc
Khi qua tột cùng gian truân!
1968
Trở lại Thái Bình
Gió dậy giữa đêm đầu tiên tôi về
Không dễ gì ngủ được!
Gió thơm và đượm
Ngọn gió của mùa no.
Tôi lạc trong hàng triệu đám mỏ vàng những
đàn vịt rung rinh,
Sắc tơ tằm nghìn năm, càng nhìn càng óng lại,
Màu cói màu đay bạt ngàn đồng bãi,
Con sông trôi còn lạ cỏ đôi bờ!
Giống lúa Xuân, mới mẻ đến nghi ngờ
Đã đứng vững trên đất nhiều chua mặn,
Vôi giữa nắng, càng tôi càng trắng,
Nón trong cây, soi mắt đen ngời!
Tiếng máy bơm, máy khoan đất liên hồi,
Tiếng búa đập, tiếng cưa bào hối hả,
Thuyền đạm, thuyền than, thuyền đá
Đi về ba cửa nước mênh mông…
Ruộng từng tầng, đắp nổi vòng cung,
Đê lấn biển nhấp nhô ngoài bãi sú
… Dấu đạn, dấu bom, dấu nghìn đời đói khổ
Mới vừa đây, đang xoá đi rồi!
*
Làng trên bãi sa bồi
Tôi đi, nghe dưới chân còn rùng rùng mạch biển,
Nhưng mái rạ, bờ tre lấn đến,
Trẻ con câu tôm bên lạch mới đào,
Hương cau non mùa đầu xôn xao
(Như phảng phất hương nghìn xưa, vị trầu cau của
những đời lập nước!)
Không khí say nồng, nắng tươi như uống được,
Da đồng hun, thấm chất muối no lành!
Đất mới sinh
Mái rạ, cánh đồng mới sinh, ngọn khói bếp mới sinh,
Trẻ con mới sinh, chiếc nôi tre mới sinh, tiếng ru hời
cũng mới,
Hai bàn tay chai lấm lem, nóng hổi,
Tay không – vét đất chống trời!
Chưa bao giờ tôi trải hết cuộc đời
Chỉ càng lớn, tôi càng chăm chút nó!
Chỗ cuối bãi cùng sông, với mọi nỗi phập phồng
sướng khổ
Cũng vẫn là máu thịt trong tôi!
Tôi thành người khai mương dưới nước bỏng như sôi,
Thành người đồng cói, mắt thâm quầng, gối mùa
không kịp ngủ,
Thành chú bé lặn lội kéo bè trên con kênh nước lợ,
Thành ông già chăn vịt nắng sương đen nhẻm
trên đồng…
Đổ sức lực nặng nề làm nên cuộc đời tốt đẹp
Tôi yêu cái chai ráp, dắn thô, làm lớn dậy con người!
Hồn tôi sinh sôi cùng mảnh đất sa bồi
Luôn phấp phỏng trước con đường mới mãi,
Trái tim đập không thể gì cưỡng lại
Trước những lo toan thiết thực ăn làm!
*
Những ý nghĩ miên man
Từ hạt lúa củ khoai, cách làm phân nhân giống,
Đến những công trình lớn lao xa rộng
Như một vòng mắt xích nối vào nhau.
Tới mai sau
Cái gốc của đời vẫn chỉ là chuyện làm ăn, là cách
làm ăn luôn đổi mới,
Cái gốc không thể nào nghĩ xổi,
Chỗ băn khoăn quyết định mọi thời.
Năm tấn vượt qua rồi,
Trước mắt lại là tám, là mười, là mấy mươi tấn nữa…
Tôi trở lại Thái Bình lần này không dễ ngủ
Bao nhiêu dự định chất chồng…
Mỗi việc chưa làm, mỗi ngày chưa qua… đều có
trăm ngàn điều phải nghĩ,
Tầm nghĩ càng xa, càng phải gắng không cùng!
1971–1973
Truông nhà Hồ
“Yêu em, anh cũng muốn vô,
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”
(Ca dao cổ)
Đất khô đỏ quạch ven đồi
Gió tung phóng khoáng từng hồi trên cao
Đất chiêm bao tự thuở nào
Đến nơi, hoá gặp tiếng chào dân quân!
Bò ai gặm cỏ Sa Lung
Chỗ xưa chỉ tiếng cọp gầm dỡn trăng
Miếu ma áo trắng Rú Trằm
Cát bay đã mấy trăm năm thành cồn,
Dăm thước đất, một hố bom,
Giữa rừng, vẫn tiếng ru con làm người…
(Châu Ô, Ri, thuở xa rồi
Tối tăm gió tắt, còn lời lá run,
Ba thùng thóc thuế – bán con
Đói mèm – cầm vợ trên đường đi phu!
Máu đằm trên cát, máu khô,
Cọc bêu đầu cắm lô nhô mấy đời!)
Cái tên ghê gớm một thời
Có gì mà sợ, em ơi, bây giờ
Yêu em, đánh Mỹ, thì vô,
Vượt truông Nhà Hồ, vượt phá Tam Giang!
Hồ Xá, 1970
Trước cửa ngõ chiến trường
1
Ở đây, đồi sở lại đồi sim
Đất cát, thẫm màu hoa nắc nẻ.
Trăm cây số nữa là tới Huế.
Xe dừng.
Núi dựng bên tây, đen thẫm, trập trùng,
Mặt trời xuống. Cát vàng như lửa cháy.
Biển màu chi lạ vậy
Như mặt thuỷ ngân láng trên chân trời!
Thế đấy, cuộc đời
Có những phút bất thần thành hạnh phúc,
Tôi đứng như mê giữa lòng đất nước
Một không gian hùng vĩ mở trên đầu…
Tôi bước những bước dài, hít những hơi sâu,
Đất thịt thẫm gan gà, sung sức lạ,
Dấu tích những ngày tàn phá
Có là gì trước sức lớn này đâu?
Ôi ngây thơ tiếng lục lạc bầy trâu
Dội vào núi buổi chiều nghi ngút khói
Ôi hối hả tiếng búa choòng đập vội
Ánh lửa hàn, mùi hắc ín nồng thơm,
Gạo mới trên đường, mạ mới trên nương
Dầm cầu mới chồng lên khung sắt cũ
Khuôn mặt mới cười sau ca-bin vỡ
Trước cửa ngõ chiến trường, cỏ mới mãi tươi non!
2
Hàng trăm binh trạm ngầm, ẩn hiện dọc Trường Sơn,
Mười mấy năm nay không tàn ánh lửa
Những chiến sĩ không tên, chung sức nhau
Làm nên lịch sử
Vạn chuyến xe đưa thoi, ước đã bon quanh trái đất
Mấy mươi vòng!
Sức dân ta bỏ ra đã đủ xây xong hàng chục Kim tự tháp
Xây Vạn lý Trường thành, xây những kênh đào qua
Sa mạc Xahara,
Xây những nhà chọc trời hay đường xe điện ngầm
Nối từ Nam ra Bắc,
Nhưng lại phải đào hàng triệu hầm cá nhân và lấp hàng
Triệu hố bom lở loét,
Bạt núi, xẻ đường qua vách đá mây bay,
Dựng những dàn nguỵ trang cho xe,
Dài trên hai nghìn cây số!
Chiến trường – có gì đó vừa thô sơ vừa thần thoại,
Dấu tích những bàn tay khổng lồ, với từng gương mặt
Dịu hiền kia…
Hai chữ “chiến trường” ta đã quen nghe
(Hai mươi mấy năm sống cùng chữ ấy!)
Nhưng đứng trước cửa ngõ này, vụt thấy
Nhịp chiến trường đổi mới tính từng giây,
Ta hôm sau khác xa ta hôm trước
Ngày càng đi, càng thấy ngắn thêm ngày.
Biết bao việc phải làm xong quá sức
Từng chiến thắng góp nên đều không thể giống nhau
Kinh nghiệm ở nơi này, nơi kia chưa có ích,
Khó khăn sau không lặp lại khó khăn đầu!
Xưa tôi hiểu chiến trường là mảnh đất giao tranh
Nay hiểu cả những lo toan thầm lặng
Khoảng xen kẽ giữa hai màu đen – trắng
Sức phi thường những chịu đựng không tên!
Tôi hiểu mạch chiến trường qua thẳng mỗi con tim
Phút nhỏm dậy trước hầm ngầm phụt lửa,
Khoảnh khắc ngụp dưới lạch bùn nghẹt thở
Trận sốt rét mềm người, không một tiếng kêu rên!
3
Cửa ngõ chiến trường thắm một sắc màu riêng
Đưa tôi bước vào niềm thông cảm lớn:
Những đôi mắt tôi nhìn không vết gợn
Những bàn tay trong sạch nắm tay tôi…
Thế đấy, cuộc đời
Những phút gặp bất thần thành hạnh phúc!
Tôi ngợp giữa tình người cao cả nhất
Ngợp giữa tuổi thơ mình, ngợp ánh sáng đầu tiên!
Tôi hiểu ra
Cửa ngõ chiến trường
Cửa ngõ của lòng tin!
Chiến khu Trị – Thiên, 1970
Trước cửa Tùng
Hộ tập thể chốt trên đồi cao
Một trai ba gái
Bi đông nước và băng đạn
Súng, xẻng và dao.
Cỏ gianh rì rào
Cỏ gianh dày hơn, sẫm hơn ngày trước,
Chất lân và diêm sinh thấm vào lá cỏ
Mưa dông mùa hè dần xoá dấu bom.
Chúng tôi đi khuất dưới lòng hào
Cây trên đầu đã hai mùa trổ búp
Khóm hoa vàng nhú lên bất chợt
Con ong cần cù bay qua.
Không gian, thời gian mở đến bao la…
Tôi nghe rõ nhịp tim mình mạnh quá
Biển cả vừa ồn ào, vừa êm ả,
Đời vẫn xanh một sắc không cùng!
Cửa Tùng!
Những con người da khô sắt lạị
Một trai, ba gái,
Luân phiên thức cùng biển khơi.
Súng, xẻng và dao,
Bi đông nước và băng đạn.
Tập thể chưa phút nào ly tán
Suốt cuộc chiến tranh khốc liệt từng ngày.
Những chấm đen xảo quyệt lách vào đây
Mùi khét lạ thoảng hờ trên mặt sóng…
Đêm sương mù, đêm biển động,
Những trận bom trận pháo đỏ lừ…
Chưa bao giờ họ bị bất ngờ
Chưa bao giờ họ lui một bước.
Cửa Tùng. Mãi mãi nhô ra giữa nước,
Ngực trần.
Anh em dẫn tôi đi, chốc chốc lại dừng
Trước dấu thềm cũ cửa hàng Mậu dịch
Dấu đường nhựa, bom vùi chưa hết
Cả dấu vườn, dấu ngõ hôm qua…
Nheo mắt nhìn khơi xa
Họ nói với tôi về ngày toàn thắng
Có Đài kỷ niệm và Khu nghỉ mát
Ngói đỏ thông reo trên bến Cửa Tùng!
Hết sức lạ lùng
Tôi bước xuống đồi
Dọc những bậc thang khoét vào đất dốc
Nơi dấu chân in đã mòn từng bậc
Mà tôi mới chỉ đến lần đầu,
Nơi con người đã nghĩ tới mai sau
Còn tôi mới ngạc nhiên vì hiện tại!
Trong lòng vừa xốn xang, vừa có gì nhuần lại…
Biển và trời. Hộ tập thể trên cao.
Bi đông nước và băng đạn,
Súng, xẻng và dao.
Khu công sự Cửa Tùng, 1970
Từ chiến trường lại viết cho con
Cha đưa con vào thế kỷ hai mươi
Cha đến giữa, mà con thì đến cuối.
Bốn tuổi đầu. Cha nằm cạnh những người chết đói
Trong chuyến tàu lùi lũi trước cơn dông
Không khí chiến tranh. Mùi thuốc đạn cay nồng…
Máy bay Mỹ oanh tạc đường số Một,
Bà nội bế cha từ Nam ra Bắc
Lính Nhật và Tàu Tưởng khắp đường đi!
Năm tuổi đầu. Đi bộ trở về quê
Những thành phố cháy sau lưng hừng hực.
Đêm tháng Chạp. Trời tối đen như mực
Dân chúng bậm môi, châm lửa đốt nhà!
Lửa soi lên từng gương mặt xót xa
Mồ hôi mặn trong tàn tro lạo xạo…
(Đất nước đánh nhau cùng quân tàn bạo
Thà đốt hết mà đi, hơn ở lại cúi đầu!)
*
Cha đưa con vào thế kỷ hai mươi
Cha đến giữa mà con thì đến cuối.
Ba mươi năm qua đi
Con lên một tuổi tôi. Tiếng đầu tiên con nói
Cùng tiếng “mẹ”, tiếng “cha”, là bập bẹ “máy bay”,
Bài hát đầu tiên là “Mẹ đào hầm”
Đồ chơi đầu tiên là cây súng nhựa,
Khi con ôm búp bê – Mảnh khăn trùm quanh cổ
Cũng cắt ra từ vải nhuộm phòng không!
Cha chẳng thể nào quên
Những đêm lửa rực trời không thể ngủ
Nhà Hát Lớn, cứ từng hồi còi rú,
Ba mươi vạn người sơ tán khỏi đầu ô
Tiếng phanh rít, động cơ, tiếng cút kít xe thồ.
Mẹ ủ con ra đi. Nửa đêm trời lạnh giá.
Con chưa hiểu có chuyện gì hết cả,
Chỉ ngơ ngác ngó bốn bề sôi sục mãi không thôi!
Bây giờ con nghe tiếng nổ B.52
Như chớp giật, sấm rền, đinh tai, nhức óc.
Cha chia sẻ, xót xa… từng ngày này khó nhọc
Tưởng tượng ở nhà, con sống ra sao!
Cha đang cách xa con hai nghìn cây số
Ở đầu mút chiến trường, không thể chở che con!
Ôi nhớ cái hôm mẹ tiễn cha đi
Con cứ nhìn vu vơ, đôi mắt đen lay láy,
Đôi mắt thương vô chừng, cứ rõi theo cha mãi,
Đôi mắt ấy giờ đây trong ánh chớp hầm hào!
*
Cha đưa con vào thế kỷ hai mươi
Cha đến giữa mà con thì đến cuối.
Vất vả đủ bề. Gian lao không thể nói!
Cả đời ông, đời cha, đều đánh giặc theo nhau…
Thử thách dẫu tột cùng, nhưng kiên trì phải gánh!
Mấy thế hệ đã dám hy sinh, để làm nên chiến thắng
Thì còn lứa tuổi nào được tránh né, chùn chân?
Khi con bằng tuổi cha hôm nay, thế kỷ này
vừa chấm hết,
Đủ thời gian để quét sạch kẻ thù xong, ta dựng lại
cuộc đời!
Và cha sẽ tiễn con vào thế kỷ hai mươi mốt
Bằng những vần thơ tươi đẹp nhất, con ơi!
Cực Nam, những ngày B.52 đánh vào Hà Nội
Tháng Chạp, 1972
Viết cho con mùa xuân thứ nhất
Những mái ngói thẫm màu ủ một chút hồn xưa
Con sinh ra – Ấm áp tự bao giờ?
Con chưa hay gì đâu… Xuân đã tràn khắp ngả…
Thành phố mở oà cho con tất cả
Mọi ngả đường lên một tuổi cùng con!
Lên một tuổi Tháp Rùa. Lên một tuổi Hồ Gươm.
Một tuổi cả ráng mây vàng Rồng nổi,
Bao voi đá, tượng đồng… nhìn con đều một tuổi.
Thành phố của đời cha nay lại thuộc đời con.
Sông Hồng dâng. Màu đất bãi như son
Phù sa đỏ thấm trong hồn thành phố
Dấu giặc tan đi, tàn theo cỏ úa,
Ngô khoai lên và lúa trỗ xanh ngời.
Những con đê, mòn công sức đắp bồi
Bao bọc hết từng đền đài lịch sử.
Nhớ năm con sinh, hai tháng ròng lũ đổ
Chẳng chỗ xoáy nào lở tới mình con.
Thành phố bao lần bão đạn mưa bom
Sao con gặp mặt người âu yếm thế!
Các cô chú chẳng mấy ai còn trẻ
Ánh tinh hoa trong mắt thật không ngờ!
Cha dẫn con qua đường đá ngoại ô
Lối cha mẹ vẫn đi về sớm tối,
Nghe tiếng búa quai rền, tiếng thoi bay giữa sợi,
Dàn dáo dựng ban mai, lò bánh toả ban chiều.
(Những âm sắc chuyên cần của cuộc đời vất vả
Cho mỗi ngày con hạnh phúc bao nhiêu!)
Con hãy quen và con hãy yêu
Mỗi góc phố, mỗi căn nhà chật hẹp
Những ngăn gác, cầu thang lên cót két
Những vỉa hè gạch cũ, guốc khua vang…
Nơi thiên tài nhân dân từng lớn lên ở đó
Cho mắt con đầy ánh sáng Việt Nam!
Thành phố suốt đời con qua chẳng hết
Chưa phải rộng mênh mông mà sâu đến không cùng!
Con đi giữa mọi sắc màu bất diệt
Mà nhẹ nhàng, thành phố cứ lâng lâng!
Con lớn lên. Đời sẽ rộng dài hơn
Sẽ sung sướng hơn thời lên một tuổi!
Nhưng có thể có gì so sánh nổi
Với mọi điều cha đang ước cho con?…
1971-1972
Vùng sâu
Cát bỏng lặng thinh đâu biết kể cùng ta:
Cha mẹ, anh em – kẻ thù chôn sống!
Cát bỏng lạ lùng, cát bỏng,
Đi qua rùng mình, ngỡ xác người dưới chân,
Sắc trắng phơi trụi trần
Vết đau hằn khô máu!
Xóm làng không còn dấu
Xe xích chà qua, xe ủi cào đi,
Một tiếng dế quen nghe
Từ thuở nhỏ, đến đây giờ cũng bặt,
Thương quá, màu xanh bụi gai, bụi móc
Duy nhất nhú lên sau trận mưa rào!
Đêm. Một vết chân ra vào
Dẫm sương tan nhanh trên đường tới ấp
Đủ thành dấu cho quân giặc
Sớm mai nã pháo vây càn.
Trảng cát tan hoang
Tiếng cô giao liên bỗng thốt dịu dàng:
– Xã đội chúng em chốt đây nguyên vẹn!
1970
Trên đây là toàn bộ 24 bài thơ trong tập thơ ” Những gương mặt, những khoảng trời (1973)” của nhà thơ Bằng Việt, hi vọng sẽ mang đến cho độc giả yêu thơ Bằng Việt những bài thơ trữ tình, thơ kháng chiến vô cùng lắng đọng và nhiều cảm xúc.
Xem tiếp: Đất sau mưa (1977) – Bằng Việt
Theo Thuvientho.com