Thơ Thế Lữ luôn mang lại dấu ấn đặc biệt trong lòng độc giả. Ông được coi là một người tiên phong, không chỉ trong phong trào thơ mới, trong lĩnh vực văn chương trinh thám mà còn là người có đóng góp rất lớn trong việc chuyên nghiệp hoá nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở Việt Nam
Thơ của ông nhẹ nhàng đan xen chất trữ tình sâu lắng thể hiện những cảm xúc của ông. Dưới con mắt của một người thi sĩ có một tâm hồn lãng mạn thơ ông luôn được những người yêu thơ săn đón và tìm kiếm
Nếu bạn là một người yêu thơ có một thú vui tao nhã là sưu tầm những bài thơ đặc sắc thì ngay bây giờ, Thuvientho.com sẽ dành tặng bạn chùm thơ hay, ý nghĩa của nhà thơ Thế Lữ. Đừng bỏ lỡ nhé!
I. Đôi Nét Về Nhà Thơ Thế Lữ
– Thế Lữ (10/6/1907 – 3/6/1989) tên khai sinh ban đầu là Nguyễn Đình Lễ, do là con thứ nên đổi thành Nguyễn Thứ Lễ, là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Việt Nam.
– Thế Lữ nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930, với những tác phẩm thơ mới, đặc biệt là bài Nhớ rừng, cùng những tác phẩm văn xuôi, tiêu biểu là tập truyện Vàng và máu (1934).
– Trở thành thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn kể từ khi mới thành lập (1934), ông hầu hết hoạt động sáng tác văn chương trong thời gian là thành viên của nhóm, đồng thời cũng đảm nhận vai trò một nhà báo, nhà phê bình, biên tập viên mẫn cán của các tờ báo Phong hoá và Ngày nay. Thời kỳ đầu ông dùng bút danh Nguyễn Thế Lữ, sau viết gọn thành Thế Lữ.
– Đôi khi ông ký bút danh hài hước Lê Ta, xuất phát từ tên Lễ biến thành “Lê Ngã”, “ta” cũng tức là “ngã”.
– Từ năm 1937, hoạt động của Thế Lữ chủ yếu chuyển hướng sang biểu diễn kịch nói, trở thành diễn viên, đạo diễn, nhà viết kịch, trưởng các ban kịch Tinh Hoa, Thế Lữ, Anh Vũ, hoạt động cho đến sau Cách mạng tháng Tám.
– Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm kịch kháng chiến trong những năm Chiến tranh Đông Dương. Sau Hiệp định Genève, ông tiếp tục hoạt động sân khấu, trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957-1977).
– Ông được coi là một người tiên phong, không chỉ trong phong trào thơ mới, trong lĩnh vực văn chương trinh thám, kinh dị, đường rừng, mà còn là người có đóng góp rất lớn trong việc chuyên nghiệp hoá nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở Việt Nam.
– Thế Lữ đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1984 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000.
II. Những Bài Thơ Ấn Tượng Của Thế Lữ
Thế Lữ được xem là một nhà thơ đi đầu trong phong trào thơ mới thì thật không lạ gì khi ông sở hữu một kho tàng thơ đặc sắc. Những bài thơ của ông luôn để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Nhiều bài thơ của ông đã được phổ nhạc và được nhiều thế hệ yêu thích
Hãy cùng chúng tôi khám phá những bài thơ hay, xuất sắc của nhà thơ Thế Lữ nhé!
Một giấc mơ dữ dội
Tôi mơ thấy tôi nằm trên vũng máu,
Chống tay lên nghe tiếng những hồn kêu.
Khắp bốn phương loè loẹt lửa trời chiều
Muôn vật tắm trong một màu đỏ khé.
Tôi chợt nghĩ: hình ảnh cuộc đời là thế.
Có phải đời còn vui đẹp lắm đây chăng?
Không, tôi muốn quên đi bằng chén mơ màng
Và gượng cất tiếng cười che tiếng khóc.
Nhưng số mệnh vẫn chưa vừa lòng độc
Nhất định dùng quyền lực hại tôi chơi…
Bắt tôi hết đau khổ lại ngược xuôi
Trên hòn đất, than ôi, thân kiến muỗi!
Thắt lại rồi buông, tha ra mà đuổi
Không sớm cho thân tan nát hẳn thân hèn.
Tôi muốn lịm đi một giấc để cầu yên
Thì kéo dậy, lay hồn cho mở mắt!
Trên vực thẳm, một ngón tay khe khắt
Chỉ cho tôi trông khắp cõi mênh mông,
Là chỗ nhân gian đang uống máu nồng,
Nuốt một nửa còn phun nhau một nửa.
Họ cắn nhau, hại nhau, giết nhau, còn gì nữa?
Bỗng leng keng tiếng xe điện chạy qua…
Tôi bàng hoàng mở trừng mắt trông ra:
Mới sực biết là mình nằm mộng.
Chung quanh tôi, mọi người đang hoạt động,
Mang cái vui trên miệng, cái hi vọng trong lòng,
Đang rủ nhau như góp sức cùng trông
Tới mục đích của đời người là hạnh phúc.
Ánh bình minh tưng bừng như lời reo, lời chúc:
Cây xanh tươi, chim đua hót, người sung sướng, ôi thái bình!
Tôi với xem tờ báo ở bên mình:
Tình bác ái rõ in trong những lời yên uỷ.
Trên bờ hồ Lê Man, người ta đang tìm kế
Săn đuổi lòng đố kị, thần chiến tranh.
Khắp thế gian đang hội nghị thái bình,
Không đời nào, thực không đời nào còn phen khói lửa.
Tôi đang mừng, bỗng sinh hơi ngờ ngợ…
Cảnh thiên đàng kia đã có thực hay chưa?
Hay cũng lại là một cảnh nằm mơ?
Tan vỡ
Thôi nhé đường đời đã biết nhau,
Thà rằng quên trước khỏi quên sau.
Đa mang chi nữa tình mây nước,
Để mặc sương sa bạc mái đầu.
Rồi ánh trăng kia với gió thâu,
Với sương hồ lạnh, với ngàn lau,
Với bao cảnh đẹp vui khi trước
Ủ rủ vì em nặng khối sầu.
Tình hoài
Trời buồn làm gì trời rầu rầu
Anh yêu em xong anh đi đâu?
Lắng tiếng gió, suối, thấy tiếng khóc
Một bụng một dạ một nặng nhọc
Ảo tưởng chỉ để khổ để tủi
Nghĩ mãi gỡ mãi lỗi vẫn lỗi
Thương thay cho em căm thay anh
Tình hoài càng ngày càng tày đình.
Nhớ rừng
(Lời con hổ ở vườn Bách thú)
Tặng Nguyễn Tường Tam
Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm,
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể của muôn loài,
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
– Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
*
Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị.
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
– Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!
Tiếng gọi bên sông
(Lời chinh phu)
Tặng Khái Hưng
Ta là một khách chinh phu,
Dấn bước truân chuyên khắp hải hồ.
Mũ lợt bốn bề sương nắng gội,
Phong trần quen biết mặt âu lo.
Vất vả bao từng, chi xá kể?
Gian lao như lửa rèn tâm chí,
Bấy lâu non nước mải xông pha,
Chưa chút dừng chân, chưa lúc nghỉ.
Trong thủa sinh bình, đôi mắt ta
Không hề cho đẫm lệ bao giờ;
Cười phen thất bại, khinh nguy hiểm,
Nện gót vang đường nhịp khúc ca.
Đang độ nam nhi vui trẻ hoài:
Sầu tư bi thiết, gác trên bên tai,
Trái tim chỉ rộn khi căm tức,
Ghét lũ vô thần, giận nỗi đời.
Trong khi lật đật rẻo sông Mê,
Trận gió heo may đuổi nhạn về.
Bụi cuốn đường xa, chinh khách mỏi.
Bỗng nghe tiếng hát vẳng bên kia.
Tiếng hát trong như nước ngọc tuyền,
Êm như hơi gió thoảng cung tiên,
Cao như thông vút, buồn như liễu:
Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên.
Chinh phu trong dạ nhường tê tái,
Quay gót ta buồn trông trở lại,
Đường vẫn còn xa, còn phải đi,
Song le tiếng hát bên sông gọi:
“Đi đâu vội bấy hỡi ai ơi!
Mà để cho nhau luống ngậm ngùi?
Em trẻ, em son, em lại đẹp.
Sang đây chung hát khúc ca vui!
Hỡi khách! Sang đây với bạn tình.
Vui đi! Đời người mấy xuân xanh?
Ưu tư chi để sầu mây nước,
Kìa cánh hoa đua rỡn trước cành.”
Tiếng ái ân kia réo rắt hoài,
Mà lời mây nước giục bên tai.
Đau lòng rứt mối tơ vương vấn,
Nước mắt đầu tiên lã chã rơi.
Vì chưng ta cũng biết yêu đương,
Mà cuộc tình duyên gặp giữa đường.
Trong lúc non sông mờ cát bụi
Phải đâu là hội kết uyên ương?
Âm thầm từ giã cô thôn nữ,
Cô đứng bên sông không hát nữa,
Lòng ta thổn thức còn đê mê
Nhịp với lòng ai nhường than thở?
Âm thầm ta lại bảo cô rằng:
“Mặt đất mênh mang biết mấy chừng,
Em có yêu ta thì gắng đợi,
Đem lòng mà gửi lên cung trăng.
Ở chốn đường khơi ta nhớ em.
Thì lòng ta sẽ hoá ra chim
Bay lên lưu luyến bên cung nguyệt
Sẽ ngỏ cho nhau thấu nỗi niềm.”
Ta đi theo đuổi bước tương lai.
Để lại bên sông kẻ ngậm ngùi.
Chí nặng bốn phương trời nước rộng,
Từ nay thêm bận nỗi thương ai.
Lựa tiếng đàn
Gửi cho bạn Mỹ thuật ở Hà nội
Trong nhà tranh, một mình tôi than thở,
Với cây đàn, tập giấy. Các anh xa.
Sáng hôm nay, sương biếc toả mờ mờ.
Như hương khói đượm đầu cau, má rạ:
Ánh hồng tía rắc ngọc châu trên lá,
Trời trong xanh chân trời đỏ hây hây.
Tiếng chim xuân nhí nhảnh ở trong cây.
Cảnh vui thế, sao tôi còn buồn nữa?
Bởi vì gió ở đây trong trẻo quá:
Tiếng đàn tâm réo rắt nẩy càng cao,
Bởi vì đây duy có nàng Ly Tao.
Với bao nỗi tiếc thương hồi quá vãng,
Vẫn cùng tôi ở chung nhà bầu bạn.
Tôi bùi ngùi âu yếm mối bi ai,
Và để sầu tư mơn trớn lòng tôi,
Nên cảnh đẹp lại thêm chiều mai mỉa.
Tôi muốn sống cuộc đời thi sĩ, để
Uống say nồng, nhưng chỉ thấy chua cay,
Tìm mộng vàng trên cảnh lộng trời mây,
Mây thường biến: trời như lòng, tẻ ngắt.
Được lăn lóc mãi trong đời Mỹ thuật,
Như các anh vui, sướng trẻ trung sao!
Các anh đi len lỏi giữa xôn xao,
Và cười cợt ở trong luồng gió bụi;
Đập vang gót trên bờ hè Hà Nội,
Rủ nhau xem vẻ đẹp của lầm than,
Thấy hình tiên ngay giữa đám trần gian.
Và bôi đỏ lên những màu u ám.
Thôi! Hãy để giọng buồn thương ta thán,
Cho chúng tôi là một bọn nhạc công,
Trăm ngàn năm nẩy mãi sợi tơ lòng,
Ca những khúc sầu vui, tình thiên hạ.
Chán nản ư? Các anh đừng than thở,
Cứ im đi, rồi bảo cho tôi hay.
Lựa giọng buồn, tôi sẽ vặn trầm giây,
Và gọi gió, gọi thông, lên tiếng hoạ.
Nỗi buồn sẽ theo mây mờ mịt toả,
Bạn hữu ơi! Cất tiếng ta cười chung,
— Để cho tôi được chút vui cùng.
Tiếng trúc tuyệt vời
Tặng Trường Bách
Tiếng địch thổi đâu đây,
Cớ sao mà réo rắt?
Lơ lửng cao đưa tận lưng trời xanh ngắt,
Mây bay… gió quyến mây bay…
Tiếng vi vút như khuyên van, như dìu dặt
Như hắt hiu cùng hơi gió heo may.
Ánh chiều thu
Lướt mặt hồ thu,
Sương hồng lam nhẹ lan trên sóng biếc,
Rặng lau già xao xác tiếng reo khô.
Như khua động nỗi nhớ nhung, thương tiếc
Trong lòng người đứng bên hồ.
Cô em buồn đứng bên hồ
Nghiêng tựa mình cây, dáng thẩn thơ.
Chừng cô tưởng đến ngày vui sẽ mất,
Mà sắc đẹp rỡ ràng rồi sẽ tắt
Như bóng chiều dần khuất
Dưới chân trời.
Cho nên cô nghe tiếng trúc tuyệt vời,
– Thổn thức với lòng cô thổn thức,
Man mác với lòng cô man mác –
Cô để tâm hồn tê tái, bâng khuâng.
Ta muốn nâng
Tấm khăn hồng lau mắt lệ cho ai.
Vì ta sợ má đào kia phai,
Cũng như ta đã ca
Khuyên ngày vui trở lại
Cùng với ánh quanh minh còn mãi.
– Cho người vui cảnh quên già.
Tiếng sáo Thiên Thai
Tặng Ngô Bích San
Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi,
Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng.
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng,
Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn…
Tiên Nga tóc xoã bên nguồn.
Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu;
Mây hồng ngừng lại sau đèo,
Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi.
Trời cao, xanh ngắt. – Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai.
Theo chim, tiếng sáo lên khơi,
Lại theo giòng suối bên người Tiên Nga.
Khi cao, vút tận mây mờ,
Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh,
Êm như lọt tiếng tơ tình,
Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không.
Thiên Thai thoảng gió mơ mòng,
Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng xa bay…
Con người vơ vẩn
Tặng Trần Bình Lộc
Tiếng pháo rắc trong thành phố vắng.
Mưa phùn rây, cùng ánh đèn yên lặng
Gội lên mặt đường đen, loáng và xa.
Hai dẫy nhà kín cửa đứng trơ trơ
Điềm nhiên, mặc kệ con người vơ vẩn.
Đó là một kẻ không nơi trú ẩn,
Bốn phương trời xuôi ngược bấy lâu nay,
Tối ba mươi theo bước tới nơi đây,
Giữa hoan lạc, riêng thấy mình trơ trọi.
Chàng ta ấn hai tay vào đáy túi,
– Túi rỗng không, mà lòng cũng rỗng không –
Lê gót mòn trên đá, ngửng đầu trông
Những ảo tượng vô hình cho kẻ khác.
Cơn gió thổi. Lá vàng rơi lác đác,
Cùng rơi theo loạt nước đọng trên cành.
Những cây khô đã chết cả mầu xanh.
Trong giây phút lạnh lùng tê tái ấy.
Người thiếu niên chợt vô tình ngó thấy,
Cửa nhà ai hé mở. Liếc nom vào:
Dưới ánh đèn lộng lẫy khóm hoa đào;
Đương say đắm quyện lấy màu hương khói:
Nét khảm tủ trè, chữ vàng câu đối,
Chậu xứ cây xanh, cốc ngọc thuỷ tiên.
Thoáng hiện ra một cảm giác bình yên,
Và đầm ấm — êm đềm và đầy đủ.
Mưa vẫn gội. Xa xa tràng pháo nổ,
Bỗng phá tan bề tịch mịch đêm khuya…
Ngoảnh mặt đi, thầm lặng bước chân đi:
Hỡi người bạn! Anh định về đâu đó?
Trước cảnh cao rộng
Mặt trời dần khuất.
Vòm cao, mây lững thững về.
Chiếc thuyền xa buồm thẳng, không đi.
Trên bể phẳng như tấm màn lụa xám,
Bãi bể ướt, sắc trời in loáng.
Tôi bước lên, người trong cõi hư vô.
Ta vẳng nghe tiếng gió mơ hồ,
Tiếng rủ rỉ của hàng thông im đứng,
Với tiếng sóng đổ xô từng phút lặng.
Tôi rộng nhìn ra bốn phía xa khơi:
Cảnh minh mang riêng có bóng hình tôi,
Đang thơ thẩn với nỗi lòng bát ngát.
Như một kẻ bộ hành ngơ ngác.
Lạc vào nơi đồng đất hoang vu,
Tôi mang theo một mối hoài u,
Tim chẳng thấy nhẽ uyên thâm trong tạo vật,
Ngừng bước nản tôi trông vời Bí mật
Trông bầu xanh nét mặt nghiêm trầm.
Trông bốn phương trời nước mịt mù tăm.
Và tôi hỏi: Biết tìm đâu, Chân lý?
Cao Thâm hỡi! Ôi Vô Cùng Vô Để!
Mây hằng bay, sóng hằng cuốn, gió không ngừng
Nghe thấy chăng? Hay ngờ biết cùng chăng?
Nỗi thao thức một tâm hồn nhỏ bé.
Người phóng đãng
Tặng Vũ Đình Quỹ
Hà Nội mưa phùn mù mịt.
Lá bàng rơi, rơi từng mầu đỏ chết:
Phố vắng hai bên lặng ngắt như tờ.
Tôi bước lên, chân đếm những vần thơ.
Mặc gió lạnh bên tai sùi sụt thổi
Và để mặc lòng không đang khóc đói.
Phấn mưa bay, đọng giọt bám quanh vành
– Như điểm tràng ngọc chuốt sáng long lanh –
Chiếc mũ triều thiên trên đầu thi sĩ.
Cảnh buồn rũ. Tâm hồn tôi vui trẻ,
Cùng Nàng Thơ lựa chọn các mầu thơ.
Để tả hơi lam ôm ấp vừng cây xa,
Với lớp nhà giốc ngược hình trên đường loáng.
Trời thấp. Mây âm thầm, và nặng.
Gội bâng khuâng lên thành phố với lòng tôi.
Tôi rảo bước đi trong nhịp reo cười,
Rũ bụi nước trên mình cùng nỗi buồn trong trí.
Gió thổi ấm dần đường vắng vẻ,
Thi hứng nồng nàn, tôi mải tiến lên,
Cho đến khi Hà Nội sáng trưng đèn,
Mới sực nhớ: đêm nay không chỗ nghỉ.
Ác mộng
Tặng Nguyễn Trọng Phấn
Tôi mơ thấy đang nằm trên vũng máu,
Chống tay lên nghe tiếng những hồn kêu.
Khắp bốn phương loè loẹt lửa trời chiều,
Muôn vật đắm trong một màu đỏ khé.
Tôi chợt hiểu: hình ảnh đời là thế;
Có phải còn vui đẹp lắm đây chăng?
Tôi muốn quên đi trong thú mơ màng,
Và gượng cất tiếng cười che tiếng khóc.
Nhưng Số Mệnh vẫn chưa vừa lòng độc,
Nhất định dùng quyền lực hại tôi chơi,
Bắt tôi hết đau khổ lại ngược xuôi,
Trên hòn đất, than ôi! Thân kiến muỗi.
Thắt lại rồi buông, tha ra mà đuổi,
Không sớm cho tan nát hẳn thân hèn.
Tôi muốn lịm đi một giấc cầu yên,
Thì kéo dậy, lay hồn cho mở mắt!
Trên vực thẳm, một ngón tay khe khắt.
Khiến tôi nhìn ra khắp cõi mênh mông,
Là chốn nhân gian đang uống máu nồng,
Nuốt một nửa, còn phun nhau một nửa.
Lời than thở của nàng Mỹ Thuật
Tặng Nguyễn Đỗ Cung
Em đứng em buồn cạnh khóm lau,
Khóm lau than trước gió đêm thâu,
Gió thâu khóc với trăng thâu lạnh.
Ai biết tình quân em ở đâu?
Than ôi! Mới được mấy thu nay,
Gặp gỡ tình quân giữa cảnh này
Là chốn em quen cười với gió,
Với trăng, với nước, với mây bay…
Hoạ sĩ qua chơi lúc bấy giờ.
Lòng em phơi phới trí ngây thơ:
Em xinh, em đẹp quá không biết,
Không biết vì em ai ngẩn ngơ.
Lân la, người khách lạ nên quen,
Rồi ngón tay tình chắp mối duyên.
Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm chưa dễ đã ai quên.
Em thấy chàng yêu mới nhớ ra
Tên em là Đẹp, bạn em là
Bao nhiêu cảnh tượng, muôn hình sắc:
Ánh sáng, non sông, mây, cỏ, hoa…
Em càng trang điểm để thêm xinh,
Và để mầu tươi của Ái tình
Điểm khắp bầu trời thêm vẻ đẹp,
Hồ kia thêm biếc, núi thêm xanh.
Hay đâu cơn gió lạ đâu đâu
Thổi lại cho em những mối sầu:
Bạn ngọc thưa về, em khắc khoải,
Cười, nhưng phảng phất vẫn lo âu.
Rồi bỗng ngày kia em mới hay
Tình quân em đã chán nơi đây.
Chàng đi theo dõi tơ duyên khác.
– Hỡi mộng lòng ơi! Ôi bóng mây!
Nay biết cùng ai ngỏ nỗi niềm?
Tình quân không dám ở cùng em,
Yêu nhau, yêu cả trong gian khổ:
Chàng dám vinh hoa mải miết tìm.
Như nàng Ngọc Nữ ở Thiên Thai,
Tiếc mãi chàng Lưu vẫn luyến đời,
Em đứng bên trường ân ái cũ,
Rồi em than khóc bạn tình ơi!
Rồi ánh trăng kia, với gió thâu,
Với gương hồ lạnh, với ngàn lau,
Với bao cảnh đẹp vui khi trước
Ủ rũ vì em nặng khối sầu.
Trên đây, Thuvientho.com đã dành bạn những bài thơ tuyệt vời của nhà thơ Thế Lữ. Mời các bạn đón xem phần 2 với những bài thơ vô cùng ấn tượng và đặc sắc. Thơ Thế Lữ luôn để lại một suy ngẫm riêng cho chúng ta. Hãy chia sẻ suy ngẫm của các bạn về bài viết cùng Thuvientho.com nhé! Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi!
Theo Thuvientho.com