Home / Chùm thơ chọn lọc / Tuyển tập thơ Từ ấy hay đặc sắc nhất của Tố Hữu phần 5

Tuyển tập thơ Từ ấy hay đặc sắc nhất của Tố Hữu phần 5

Tuyển tập thơ Từ ấy hay đặc sắc nhất của Tố Hữu phần 5

Tập thơ Từ ấy là sáng tác đầu tay và cũng chính là tập mang lại thành công cho tên tuổi của nhà thơ Tố Hữu. Nó một mặt thể hiện những tư tưởng của ông cũng như khao khát của thanh niên một thời. Và nó còn có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong văn học . Hãy cùng đón đọc những bài thơ hay trong tập thơ Từ ấy bạn nhé!

Châu Ro

Châu Ro ơi, xa rừng quê núi cũ

Tù nơi đây buồn lắm phải không anh?

Người Thượng già đương mải ngó xa xanh

Với đôi mắt đờ trong tuyệt vọng

Bỗng quay lại, cơ chừng nghe xúc động

Cả một lòng thương nhớ, dưới chiều đi

Anh nhìn tôi, đau đớn, rồi :

“Tôi nhớ lắm, chui cha, tôi nhớ lắm!”

Ôi tiếng nhớ sao mà nghe buồn thảm

Nó kéo dài như một tiếng dê kêu

Lạc bầy đi ngơ ngác dưới sương chiều…

Tôi để lặng nghe nỗi lòng đau khổ

Của anh bạn, trong khi sầu não đó

Kể bên tai, bằng một giọng rừng non:

“…Mấy năm rồi, xa cái vơ cái con

Tôi nhớ lắm! Nhớ cái nhà cái cửa

Nhớ cái rẫy nhiều khoai, nhiều bắp lúa

Nhớ con bò to, nhớ mấy con heo

Không biết còn, hay Ông bắt chết queo

Để con đói với vợ nghèo trong núi?”

Rồi bỗng lặng trầm ngâm anh rã rượi

Há hốc mồm như để gió rừng xa

Của quê hương đem lại chút hơi nhà…

Và dưới bóng mày đen, trong hộc tối

Như hang đá chiều hôm dày khí núi

Đọng sương mờ trên đôi mắt chứa chan

Bao nhớ nhung, thờ thẫn, ngó lên ngàn…

Anh không khóc nhưng vì đâu chẳng biết

Có lẽ bởi bao nhiêu điều nhớ tiếc

Trong lòng anh hun lại khối căm hờn

Những độc ác đã chia tan

Tổ yên ấm trên đầu ngàn ngọn núi

Tôi bỗng thấy chớp loè lên dữ dội

Lửa thù trong đôi mắt tối chiều đông

Đôi vành môi thành một lưỡi dao cong

Anh nghiến chặt hai hàm răng lẩm bẩm:

“Đau cái bụng, ui chui cha, tức lắm!”

Và hồi lâu, bên ngưỡng cửa song tù

Tôi còn nghe tiếng nói của Châu Ro:

“Đau cái bụng, ui chui cha, tức lắm!”

Đông

Đêm nay gió biển đông về

Mùa thu chừng đã tái tê đất trời

Non quanh chừng đã lạnh rồi

Rừng sâu run rẩy, xa vời tiếng rung

Sân lao mấy cội vông đồng

Lá cành xao xác, buồn đông não nề

Một mình nằm tựa đêm nghe

gió lọt vào khe cửa buồng

Mền không mà chiếu cũng không

Một mình trơ trọi giữa phòng xà linh

Nằm nghe mình chuyện với mình

Mênh mông nhớ bạn, gởi tình trăm phương…

Quyết hy sinh

Kính tặng các đồng chí hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940

Các anh chị bước lên đài gươm máy

Đầu sắp rơi mà môi vẫn cười tươi!

Chỉ còn đây một giây sống nữa thôi

Mà mắt đó vẫn trông đời bình thản

Giữa lúc giặc hằm hằm tay lắp đạn

lên tấm ván vẫn hiên ngang

Vẫn oai nghi, như bao thưở, đường hoàng!

Hơi chiến sĩ vẫn rền vang, dõng dạc:

“Hỡi giặc Pháp, tám mươi năm tội ác

Trên đầu bay. Sống thác ta cần chi!

Giết ta đi, lũ khốn, giết ta đi

Máu ta thấm vào muôn lòng rên xiết

Bay sẽ thấy cã Việt Nam đoàn kết

Đứng phắt lên, giết chết cả loài bay

Đứng phắt lên, chặt đứt xích xiềng này!

Một thây ngã, một trăm đầu xốc tới

Trăm đầu rụng, thì muôn chân lính mới

Sẽ xông lên! Cờ phấp phới bay cao

Sẽ không rơi xuống đất một giây nào

Kèn xung trận kêu gào muôn chiến sĩ

Quyết chiến thắng, hỡi đồng bào, đồng chí!

Nước Việt Nam độc lập…!”

Ôi thương đau

Lời chưa xong chiến sĩ đã rơi đầu!

Các anh chị

Hãy ngàn năm yên nghỉ!

Bao lời ngọc, chúng tôi ghi xương tuỷ

Và xin thề trước bóng dáng thiêng liêng:

Quyết hy sinh, phá tan hết gông xiềng

Cho Tổ quốc muôn muôn năm độc lập!

Xem thêm:  Bài thơ Trả nợ tình xưa – Nhà thơ Nguyễn Đình Huân

Bà má Hậu Giang

Trời Hậu Giang, tù và dậy rúc

Phèng la kêu, trống giục vang đồng

Đường quê đỏ rực cờ hồng

Giáo lê sáng đất, tầm vông nhọn trời

Quyết một trận, quét đời nô lệ

Quăng máu xương, phá bẻ xiềng gông!

Hỡi ôi! Việc chửa thành công

Hôm nay máu chảy đỏ đồng Hậu Giang

Giặc lùng, giặc đốt xóm làng

Xác xơ cây cỏ, tan hoang cửa nhà

Một vùng trắng bãi tha ma

Lặng im, không một tiếng gà gáy trưa

Có ai biết, ai ngờ trong đó

Còn chơ vơ một ổ lều con

Đạn bom qua, hãy sống còn

Núp sau lưng rộng một hòn đá to.

Có ai biết trong tro còn lửa

Một má già lần lữa không đi

Ở đây bất kỳ

Má ơi, má ở làm chi một mình?

Rừng một dải U Minh tối sớm

Má lom khom đi lượm củi khô

Ngày đêm củi chất bên lò

Ai hay má cất củi khô làm gì?

Hay má lẫn quên vì tuổi tác

Hay má liều một thác cho yên?

Bỗng đâu một buổi mai lên

Trên đường quê ấy qua miền nghĩa quân

Một tán quỷ rần rần rộ rộ

Mắt mèo hoang, mũi chó, râu dê

Súng trường nhọn hoắt lưỡi lê

Khét nồng khí chết, tanh dề máu oan!

Chúng rảo bước. Lính quan nện gót

Mắt nhìn quanh lục mót dạng người

Đồng không, lạnh vắng, im hơi

Chỉ đôi bóng quạ ngang trời loáng qua

Ách là! Thằng quan ba dừng bước

Rút ống dòm, và ngước mắt nheo

Xa xa, sau lớp nhà xiêu

Một tia khói nhỏ ngoằn ngoèo bay lên…

Hắn khoái trá cười điên sằng sặc

Nhe hàm răng sáng quắc như gươm

Vẫy tay lũ tớ gườm gườm

Như bầy chó đói chực chồm miếng ăn.

Rồi lặng lặng bước chân hùm sói

Tiến dần lên tia khói, vây quanh…

Má già trong túp lều tranh

Ngồi bên bếp lửa, đun cành củi khô

Một mình má, một nồi to

Cơm vừa chín tới, vùi tro, má cười…

Chết! Có tiếng gì rơi sột soạt?

Má già run, trán toát mồ hôi

Chạy đâu? Thôi chết, chết rồi!

Gót giày đâu đã đạp rơi liếp mành.

Một thằng cướp, mắt xanh mũi lõ

Đốc gươm dài tuốt vỏ cầm tay

Rung rinh bậc cửa tre gầy

Nghênh ngang một ống chân đầy lối đi!

Hắn rướn cổ, giương mi, trơn mắt

Như hổ mang chợt bắt được mồi

Trừng trừng trông ngược trông xuôi

Trông vào bếp lửa: Một nồi cơm to.

Hắn rống hét: “Con bò cái chết!

Một mình mày ăn hết này sao?

Đừng hòng che được mắt tao

Khai mau, du kích ra vào nơi đâu?

Khai mau, tao chém mất đầu!”

Má già lẩy bẩy như tàu chuối khô

Má ngã xuống bên lò bếp đỏ

Thằng giặc kia đứng ngõ trừng trừng

Má già nhắm mắt, rưng rưng

“Các con ơi! ở trong rừng U Minh

Má có chết, một mình má chết

Cho các con trừ hết quân Tây!”

Thằng kia bỗng giậm gót giày

Đạp lên đầu má: “Mẹ mày, nói không?”

Lưỡi gươm lạnh toát kề hông

“Các con ơi! Má quyết không khai nào!”

Sức đâu như ngọn sóng trào

Má già đứng dậy, ngó vào thằng Tây

Má hét lớn: “Tụi bay đồ chó!

Cướp nước tao, cắt cổ dân tao!

Tao già không sức cầm dao

Giết bay, có các con tao trăm vùng!

Con tao, gan dạ anh hùng

Như rừng đước mạnh, như rừng chàm thơm!

Thân tao chết, dạ chẳng sờn!”

Thương ôi! Lời má lưỡi gươm cắt rồi!

Một dòng máu đỏ lên trời

Má ơi, con đã nghe lời má kêu!

Nước non muôn quỷ ngàn yêu

Còn in bóng má sớm chiều Hậu Giang.

Xem thêm:  Bài thơ Ước – Nhà thơ Dương Tuấn

Dậy mà đi!

Dậy mà đi! Dậy mà đi!

Đừng tiếc nữa, can chi mà tiếc mãi?

Ai chiến thắng mà không hề chiến bại

Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?

Huống đường đi còn lắm bước gian truân

Đây chưa phải trận sau cùng chiến đấu!

Thì đứng dậy, xoa tay và tự bảo:

Chỉ còn đây sức lực hãy còn đây!

Lòng không nghèo tin tưởng ở tương lai

Chân có ngã thì đứng lên, lại bước.

Thua ván này, ta đem bầy ván khác,

Có can chi, miễn được cuộc sau cùng

Dậy mà đi, sẽ thành công

Rút kinh nghiệm ở bao lần thất bại:

Một lần ngã là một lần bớt dại

Để thêm khôn một chút nữa trong người.

Dậy mà đi, hỡi bạn dân nghèo!

Người lính đêm

Đêm nay sương xuống phủ trăng mờ

Anh lính ngoài kia đi vẩn vơ

Lao ngủ mà anh còn thức đó

Với sương từng giọt, gió từng tờ.

Thỉnh thoảng dừng chân giữa lối đêm

Nghiêng nghiêng tai mỏng lắng im lìm

Lá bàng nhẹ nhẹ gieo đôi tấm

Như mảnh hồn qua, động vách thềm.

Anh tạm yên lòng trong phút giây

Tréo chân đứng tựa góc tường đây

Tì tay lên súng xuôi vai nặng

Rồi gục đầu trong tiếng ngáp dài.

Không ngủ nhưng mà thứa với ai?

Anh lim dim mắt rát cay hoài

Nghĩ gì không biết sau đôi mí

Anh có buồn không, anh lính ơi?

Có lẽ, nên anh mới dối mình

Vờ vui lên huýt gió thanh thanh

Nhưng lòng kia chỉ thêm ngao ngán

Buồn lại thêm buồn, anh lặng thinh.

Rồi lại mênh mông tiếng ngáp dài

Chán chường uể oải trút lên vai

Vẩn vơ anh lại lê từng bước

Chẳng biết mơ chi, lại ngó trời?

Ba tiếng

Nghĩa đời trong ba tiếng:

Máy điện giục gầm gù

Chuông đạo hát vô tư

Kiểng tù khua gắt gỏng

Mỗi tiếng riêng một giọng

Mỗi giọng riêng một lời.

Máy bảo: “Đổ mồ hôi

Hay dầu sôi nước mắt

Rã rời tay cũng mặc

Mi phải suốt đời mi

Làm nữa, phải làm đi

Không một giây ngừng nghỉ”.

Chuông khuyên, lời uỷ mị:

“Con, nhận khổ đời con

Để nhẹ thoát linh hồn

Thiên đàng trong nhẫn nhục

Oán thù là địa ngục.

Cười vui theo gió quên”.

Và kiểng doạ: “Nằm yên

Phải cúi đầu khuất phục

Đây thành lao cửa ngục

Đây xiềng xích, gông cùm

Đây mũi sũng, làn gươm

Chết, nếu mi đòi sống”.

Xem thêm:  Dạ khúc - Thanh Tâm Tuyền

Kiểng tù khua gắt gỏng

Máy điện giục gầm gừ

Chuông đạo hát vô tư:

Nghĩa đời trong ba tiếng.

Cảm thông

Hỡi anh lính gác đêm ơi

Ngoài anh đứng đó, trong tôi chưa nằm

Dòm qua lỗ cửa âm thầm

Bóng anh, với một tình trăm năm rồi!

Đợi chi biết mặt quen lời

Tôi yêu anh với khổ đau

Anh buồn thân thế lao đao

Bâng khuâng chỉ biết nhìn sao xa vời…

Lại đây anh lính đêm ơi

Can chi mà để sầu rơi một minh?

Lại đây đi chút, nghe anh

Lại đây với bạn tâm tình một đêm

Nói đi anh, hết nỗi niềm

Để chi buồn thêm héo lòng!

Nói đi anh, chớ ngại ngùng

Buồn anh, tôi sẽ góp cùng buồn tôi

Buồn ta là cửa buồn đời

Buồn ta không chảy thành đôi lệ hèn

Buồn ta, ấy lửa đương nhen

Buồn ta, ấy rượu lên men say nồng

Ấy nguồn thân mến cảm thông

Giữa hồn uất hận, giữa lòng đau thương

Lại đây, hỡi bạn đêm trường!

Người về

Rồi một hôm nào cởi áo xanh

Hết cùm hết xích hết roi canh

Nghiêng vai trút nhẹ đời giam cấm

Anh trở về anh của gia đình

Đây nẻo làng quen tự bé thơ

Tre thân ngoắt ngọn ý mong chờ

Mái nhà ai khói lam lên đó

Có phải nhà anh những thuở xưa?

Có lẽ con anh lớn lắm rồi

Chúng cương đùa nghịch hét vang cươi

Anh về, chắc chúng ngừng vui lại

Bỡ ngỡ rồi la: “Cha! Cha ơi!”

Và vợ anh đương thổi lửa chiều

Run mừng quẳng đũa bỏ nồi niêu

Đôi hàng tóc xoã tung không búi

Ôm lấy anh mà khóc giận yêu.

Nhưng ngõ nhà xưa đã tới đây

Cột sơn đã đuổi liếp tre gầy

Bảng mờ ai khắc tên lên đó?

Anh thấy sao như kẻ lạc loài.

Chân muốn vô song lại ngập ngừng

Chó nhà đâu đã sủa người dưng

Anh nhìn len lét vườn cau mới

Và tấm bình phong đứng lạnh lùng.

Không, chính xưa anh ở chốn này

Tre già còn đó, miếu còn đây

Lòng bâng khuâng mãi ôn ngày cũ

Chợt tiếng người đâu: “Chú hỏi ai?”

Anh hỏi nhà anh – “Không phải đây!”

Rồi thôi quay đóng cửa then gài

Để ngoài sương gió chiều nghe lạnh

Bên khóm tre già, khách đứng ngây…

Tiếng chuông nhà thờ

Mỗi buổi mai lên

Trên tường mái phố

Chuông nhà thờ đổ

Mỗi buổi hoàng hôn

Rủ xuống linh hồn

Chim hôm vê tổ

Chuông nhà thờ đổ…

Tiếng đồng ngân nga

Khoan thai bao la

uỷ mị

Dịu dàng mang ý

Muôn lời ngọt thương…

Ai nằm trong sương

Bên đường phố lạnh

Áo tàn nửa cánh

Cơm thừa nửa mo

Ai dưới đồng khô

Buồn lo méo mặt.

Thuế sưu chồng chất

Nặng ách trâu cày

Ai hai bàn tay

Dầy chai lắm mỡ

Hỡi người bạn thợ

Đường đi bước cùng

Có lúc nào không

Nghe hồi chuông đổ

Mà lòng bớt khổ

Mà môi nở cười?

Hay tiếng chuông rơi

Buông lời an ủi

Càng khua sầu tủi

Càng rung oán hờn!

Trên đây là những bài thơ hay trong tập thơ Từ ấy mà chúng tôi đã chọn lọc và muốn chia sẻ với bạn. Thông qua tập thơ này bạn sẽ hiểu thêm về phong cách sáng tác của nhà thơ. Cũng như thông qua đó nắm được tư tưởng và những khía cạnh mà ông đề cập đó. Đó cũng chính là các vấn đề mang tính thời đại. Đừng quên đón đọc những bài thơ hay bạn nhé!

Xem thêm:Tuyển tập thơ Từ ấy hay đặc sắc nhất của Tố Hữu phần 6

Theo Thuvientho.com

Check Also

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Hoa cúc họa mi còn được gọi là hoa cúc dại hay là hoa cúc …