Home / Chùm thơ chọn lọc / Nhà thơ Tản Đà và phần Thơ, lục bát trường thiên (Tập Khối tình con III 1938)

Nhà thơ Tản Đà và phần Thơ, lục bát trường thiên (Tập Khối tình con III 1938)

Nhà thơ Tản Đà và phần Thơ, lục bát trường thiên (Tập Khối tình con III 1938)

Tản Đà bên cạnh viết các bài thơ theo phong cách truyền thống, ông còn dành thời gian để viết các bài thơ dài. Hay chính xác hơn là thơ trường thiên. Đó cũng chính là lý do trong tập Khối tình con III có phần Thơ và lục bát trường thiên. Đây là phần thơ được đánh giá rất cao bởi độ sâu sắc và dụng ý mà tác giả Tản Đà muốn chuyển tải. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những bài thơ nằm trong phần Thơ và lục bát trường thiên của tập Khối tình con III bạn nhé!

Nói chuyện với bóng

Phòng văn nửa khép cánh thu

Đèn văn một ngọn trông lù dù xanh

Đứng lên, ngồi xuống một mình

Khối tình ai nặn, lửa tình ai khêu

Mập mờ khi thấp, khi cao

Trông ra chẳng biết ông nào lại chơi!

Nhận lâu sau mới bượch cười

Té ra anh Bóng! chớ ai đâu mà

Bóng ơi, mời Bóng vào nhà

Ngọn đèn khêu tỏ, đôi ta cùng ngồi

Cùng nhau rãi một đôi nhời

Ta ngồi ta nói, Bóng ngồi Bóng nghe

– “Cõi đời từ cất tiếng oe

Đã bên ngọn lửa lập loè có nhau

Tương tri thủa ấy về sau

Đôi ta một bước cùng nhau chẳng dời

Ta ngồi khi Bóng cũng ngồi

Ta đi, ta đứng, Bóng thời cũng theo

Có khi lên núi qua đèo

Mình ta với Bóng leo trèo cùng nhau

Có khi quãng vắng đêm thâu

Mình ta với Bóng âu sầu nỗi riêng

Có khi rượu nặng hơi men

Mình ta với Bóng ngả nghiêng canh tàn

Có khi trè đượm mầu lan

Mình ta với Bóng bàn hoàn thú xuân

Có khi bút thảo câu thần

Mình ta với Bóng xoay vần nệm hoa

Đôi khi lôi điện phong ba

Cuộc đời nguy biến có ta, có mình

Hằng khi gió mát giăng thanh

Bầu giời thanh thú riêng mình với ta

Trăm năm cho đến cõi già

Còn ta còn Bóng, còn là có nhau

Trần ai mặc những ai đâu

Ai thương tử biệt, ai sầu sinh ly

Còn ta, Bóng nỡ nào đi

Ta đi, Bóng có ở chi cõi trần

Tin nhau đã vẹn muôn phần

Cũng xin rãi hết xa gần cùng nhau”

Bóng nghe, Bóng cũng gật đầu

Chơi Huế

Lần đầu vào Huế với ông Bùi Huy Tín chủ nhà in Đắc lập

“Đường vô xứ Huế quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”

Yêu em, anh cứ anh vô!

Kệ chuông nhà Hồ, mặc phá Tam Giang

Xe hơi đã tới đèo Ngang

Ấy qua Hà Tĩnh, đường sang Quảng Bình

Danh sơn gặp khách hữu tình

Đèo Ngang ơi hỡi, là mình với ta

Con cháu chúa, nước non nhà

Không đi không lại nên ra lạ lùng

Dừng xe, lên đỉnh ta trông

Mặt ngoài bể nước, bên trong núi rừng

Nhớ từ hoàng Nguyễn long hưng

Cơ đồ gây dựng cũng rằng từ đây

Giang san từ ấy đến nay

Nào giăng mặt bể, nào mây trên ngàn!

Ải xưa bến cũ còn truyền

Oai linh cảnh thắng, bàn hoàn khách du

Triều xuân êm ả như du

Thuận xe lại cứ dậm cù như bay

Càng vào mãi, càng sinh hay

Càng trông cảnh vật đổi thay lạ nhường

Nhỏ to mả trắng bên đường

Xa xa mé bể cồn vàng thấp cao

Dọc đường dân chúng biết bao

Ruông tình hữu ái như rào trận mưa

Rồng tiên cùng họ từ xưa

Ba mươi năm mới bây giờ gặp nhau

Nhận xem áo vải quần nâu

Gái, giai, già, trẻ, một mầu không hai

Văn minh giầy đã bán khai

Ngợ sao còn hãy như đời Hùng Vương

Giời tây ngả bóng tà dương

Ô tô lại đổi lên đường hoả xa

Ấy từ Quảng Trị, Đông Hà

Đi năm ga nữa vừa là tới kinh

Kinh thành gái lịch giai thanh

Cảnh thêm Hương thuỷ, Ngự Bình điểm tô

Con người xứ Bắc mới vô

Mừng nay được thấy đế đô một lần

Hoàng thành cung điện liên vân

Dinh quan Khâm sứ đóng gần một nơi

Quan dân ở cả thành ngoài

Quanh thành tám cửa sông dài bọc quanh

Lại bao phố xá ngoài thành

Trên cầu xe ngựa, ghe mành dưới sông

Đông Ba, Gia Hội càng đông

Gịp cầu nhẹ bước xa trông càng tình

Giòng sông trắng, lá cây xanh

Xuân giang xuân thụ cho mình nhớ ai!

Ngày xuân có lúc đi chơi

Lăng chùa qua biết các nơi quanh gần

Đế kinh đã gội mưa nhuần

Tiện theo đường sắt vô dần xứ trong

Một đi thêm một lạ lùng

Xe chui hầm tối, bể trùng sóng cao

Dưới dường sóng bể nhẩy reo

Như mừng bạn mới, như chào khách xa

Hải Vân đèo nhớn vừa qua

Mưa xuân ai bỗng đổi ra nắng hè

Tiết giời như đã sang hè

Mà theo phận đất thời về Quảng Nam

Càng đi rộng, càng biết thêm

Tu-ran cảnh đẹp càng xem càng mừng

Nước xuân sóng lục vô chừng

“Lục ba xuân thuỷ” ai từng học chưa?

Vào nhà Tích cổ xem qua

Chiêm Thành này tượng ngày xưa hãy còn!

Biết bao vật nhớn hình con

Trạm rồng cột đá chưa mòn nét dao

Cảnh còn như rước như chào

Tiếc thay! ai mới qua vào đã ra

Đường về cũng thế mà ra

Triều hôm mười tám đến ga Hà thành

Chơi xuân kể lại hành trình

Ngày ba mươi tết hứng tình ra đi

Từ Bất Bạt, qua Việt Trì

Còn năm kỷ vị, còn thì tiết đông

Canh Thân ăn tết Thăng Long

Sang ngày mồng bốn vào trong Trung kỳ

Chơi xuân ta nghĩ cũng kỳ!

Gịp đâu may mắn cũng vì có ai

Cám ơn hai chữ “yêu tài”

Con đường thiên lý còn dài tấc son

Còn giời, còn nước, còn non

Tiền trình vạn lý, anh còn chơi xa!

Chơi cho biết mặt sơn hà

Cho sơn hà biết ai là mặt chơi!

Đêm thu trông giăng

Đêm thu giăng sáng một trời

Một mình ngồi tưởng sự đời nghĩ quanh

Nghĩ cho muôn vật hoá sinh

Ở trong vũ trụ cái hình ra chi!

Giăng kia tròn được mấy khi?

Hoa kia nở được mấy thì, hỡi hoa?

Gái tơ quá lứa đã già!

Con tằm rút ruột thời là rộng non

Khúc sông bồi lấp nên cồn!

Dâu xanh bãi bể, đá mòn nước khe!

Đồng không con đóm lập loè

Khách trần lối ấy đi về những ai

Hình kia đúc tự thợ Giời

Tình kia hoạ mới ra ngoài khuôn xanh

Vọng phu còn đá còn trinh

Tiền Đường còn sóng trung tinh hãy còn

Dẫu cho sông cạn, đá mòn

Trung hồn khôn thác, trinh hồn khôn tan

Cho hay những khách trần hoàn

Nghìn xưa ở lại thế gian mấy mà!

Trông lên một mảnh giăng tà

Soi chung kim bổ biết là những ai

Mà người kim cổ những ai?…

Lo văn ế

(Điệu Ô Thước kiều)

Nhà tớ xưa nay vốn vẫn nghèo

Bán văn buôn chữ kiếm tiền tiêu

Quanh năm luống những lo vì ế

Thân thế xem thua chú hát trèo

Hát trèo lắm lúc nghĩ mà ngoan!

Vẽ mặt ra trò với thế gian!

Vợ cưới đêm nay, mai lại cưới

Đêm đêm cưới vợ! lại làm quan!

Làm quan ví có dễ như trèo

Tớ đến năm nay đã chẳng nghèo

Bởi bước công danh trèo cũng khó

Trèo leo chẳng được phải nằm meo

Nằm meo cho tớ nghĩ nên văn

In bán ra đời, cách kiếm ăn

Tiền kiếm, ăn xong nằm lại nghĩ

Con tầm rút ruột lá dâu xanh

Dâu xanh rút giả sợi tơ vàng

Cái ruột con tầm những vẩn vương

Tớ nghĩ thân tầm như tớ nhỉ

Tơ tầm như tớ mối văn chương

Văn chương rút ruột kiếm xu tiêu

Nghề nghiệp làm ăn khó đủ điều

Tốn kém vì văn ai có biết

Cứ tiền giấy mực biết bao nhiêu!

Bao nhiêu củi nước mới thành văn

Được bán văn ra khốn mấy lần

Ông chủ nhà in in đã đắt!

Lại ông hàng sách mấy mươi phân!

Mười phân giá gửi, lấy tiền sau

Bán hết thu tiền! đợi cũng lâu

Lắm lúc túng tiền đem bán rẻ

Trừ đầu, trừ cuối nghĩ càng đau!

Càng đau mà vẫn phải càng theo

Theo mãi cho nên vẫn cứ nghèo

Nghèo cũng bởi chưng văn bán ế

Văn mà ế mãi, hết xu tiêu

Xu tiêu chẳng có, những băn khoăn

Vay ngược vay xuôi thực khó khăn

Công nợ nhà in còn chất đống!

Còn đâu gan ruột nghĩ ra văn!

Ra văn mà bán chẳng ra tiền!

Cái nghiệp văn chương nghĩ thật phiền!

Văn ế bao giờ cho bán đắt?

Chán đời! lắm lúc muốn lên tiên!

Hầu giời

(Điệu Thu thuỷ)

Đêm qua chẳng biết có hay không

Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng

Thật hồn! thật phách! thật thân thể!

Thật được lên tiên sướng lạ lùng!

Nguyên lúc canh ba, nằm một mình

Vắt chân dưới bóng ngọn đèn xanh

Nằm buồn ngồi dậy, đun nước uống

Uống xong ấm nước, nằm ngâm văn

Chơi văn ngâm chán, lại chơi giăng

Ra sân cùng bóng đi tung tăng

Trên giời bỗng thấy hai cô xuống

Miệng cười mủm mỉm cùng nói rằng:

“Giời nghe hạ giới ai ngâm nga

Tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà

Làm Giời mất ngủ, Giời đương mắng

Có hay, lên đọc Giời nghe qua”

Ước mãi, bây giờ mới gặp tiên!

Người tiên nghe tiếng lại như quen!

Văn chương nào có hay cho lắm

Giời đã sai gọi thời phải lên

Theo hai cô tiên lên đường mây

Vù vù không cánh mà như bay

Cửa son, đỏ trói, oai rực rỡ

Thiên môn đế khuyết như là đây!

Vào trông thấy Giời, xụp xuống lạy

Giời sai tiên nữ dắt lôi dậy

Ghế bành như tuyết, vân như mây

Truyền cho văn sĩ ngồi chơi đấy

Tiên đồng pha nước, uống vừa xong

Bỗng thấy chư tiên đến thật đông

Chung quay bầy ghế ngồi la liệt

Tiên bà, Tiên cô cùng Tiên ông

Chư tiên ngồi quanh đã tĩnh túc

Giời sai pha nước để nhấp giọng

Truyền cho văn sĩ đọc văn nghe

“Dạ bẩm lạy Giời, con xin đọc”

Đọc hết văn vần, sang văn xuôi

Hết văn thuyết lý, lại văn chơi

Đương cơn đắc ý đọc đã thích

Trè giời nhấp giọng càng tốt hơi

Văn dài hơi tốt ran cung mây!

Giời nghe, Giời cũng lấy làm hay

Tâm như nở dạ, Cơ lè lưỡi

Hằng Nga, Chức Nữ chau đôi mày

Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng

Đọc xong mỗi bài, cùng vỗ tay

“Bẩm con không dám man cửa Giời

Những các văn con in cả rồi

Hai quyển Khối tình văn thuyết lý

Hai Khối tình con là văn chơi

Thần tiên, Giấc mộng văn tiểu thuyết

Đài gương, Lên sáu văn vị đời

Quyển Đàn bà Tàu lối văn dịch

Đến quyển Lên tám nay là mười

Nhờ Giời, văn con còn bán được

Chửa biết con in ra mấy mươi!”

Văn đã giầu thay, lại lắm lối

Giời nghe Giời cũng bượch buồn cười

Chư tiên ao ước tranh nhau dặn:

“Anh gánh lên đây, bán chợ giời”

Giời lại phê cho: “Văn thật tuyệt!

Văn trần được thế chắc có ít?

Nhời văn truốt đẹp như sao băng!

Khí văn hùng mạnh như mây truyển!

Êm như gió thoảng! tinh như sương!

Đầm như mưa sa! lạnh như tuyết!

Chẳng hay văn sĩ tên họ gì?

Người ở phương nào, ta chửa biết”

“Dạ, bẩm lạy Giời, con xin thưa:

Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn

Quê ở Á châu về Địa cầu

Sông Đà núi Tản nước Nam Việt”

Nghe xong, Giời ngợ một chút lâu

Sai bảo Thiên Tào lấy sổ xét

Thiên Tào tra sổ xét vừa xong

Đệ sổ lên trình Thượng đế trông:

“Bẩm quả có tên Nguyễn Khắc Hiếu

Đầy xuống hạ giới vì tội ngông”

Giời rằng: “Không phải là Giời đầy

Giời định sai con một việc nầy

Là việc “thiên lương” của nhân loại

Cho con xuống thuật cùng đời hay”

“Bẩm Giời, cảnh con thật nghèo khó

Trần gian thước đất cũng không có

Nhờ Giời năm xưa học ít nhiều

Vốn liếng còn một bụng văn đó

Giấy người, mực người, thuê người in

Mướn cửa hàng người bán phường phố

Văn chương hạ giới rẻ như bèo

Kiếm được đồng lãi thực rất khó

Kiếm được thời ít, tiêu thời nhiều

Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu

Lo ăn lo mặc hết ngày tháng

Học ngày một kém, tuổi ngày cao

Sức trong non yếu, ngoài chen rấp

Một cây che chống bốn năm triều

Giời lại sai con việc nặng quá

Biết làm có nổi mà dám theo?”

Rằng: “Con không nói, Giời đã biết

Giời dẫu ngồi cao, Giời thấu hết

Thôi, con cứ về mà làm ăn

Lòng thông chớ ngại chi sương tuyết!

Cố xong công việc của Trời sai

Trời sẽ cho con về Đế khuyết”

Vâng nhời Giời dạy, lạy xin ra

Trời sai Thiên Ngưu đóng xe tiễn

Xe giời đã chực ngoài thiên môn

Chư tiên theo ra cùng tiễn biệt

Hai hàng luỵ biệt giọt sương rơi

Trông xuống trần gian vạn dặm khơi!

Thiên tiên ở lại, trích tiên xuống

Theo đường không khí về trần ai

Đêm khuya, khí thanh, sao thưa vắng

Giăng tà đưa lối về non đoài

Non đoài đã tới quê trần giới

Trông lên chư tiên không còn ai

Tiếng gà xao xác, tiếng người dậy

Giữa sân còn đứng riêng ngậm ngùi

Một năm ba trăm sáu mươi đêm

Sao được mỗi đêm lên hầu Giời!

Xem thêm:  Bài thơ Bình dị cúc họa mi – Nhà thơ Nguyễn Đình Huân

Thư trách người tình nhân không quen biết

(trước Hữu Thanh – Tản Đà)

Ngồi buồn ta lại viết thư chơi

Viết bức thư này, gửi trách ai

Non nước bấy lâu lòng tưởng nhớ

Mà ai tri kỷ vắng tăm hơi!

Đỉnh non Tản, mây giời man mác

Giải sông Đà, bọt nước lênh bênh

Bao nhiêu cảnh, bấy nhiêu tình

Nước kia mây nọ như mình với ta

Người đâu tá? quê nhà chưa tỏ

Tuổi bao nhiêu? tên họ là chi?

Đã sinh cùng nước cùng thì

Cùng ta không biệt mà ly, hỡi mình!

Kể từ độ thư tình gửi nhắn

Trải bao năm tin nhạn chờ mong

Những là ngày hạ đêm đông

Hồi âm chẳng thấy, như không có mình

Hỏi cùng núi, mây xanh chẳng biết

Hỏi cùng sông, nước biếc không hay

Sông nước chẩy, núi mây bay

Mình ơi! có biết ta đây nhớ mình?

Cuộc trần thế công danh chẳng thiết

Áng phong lưu huê nguyệt đã thừa

Nhớ mình ra ngẩn vào ngơ

Trông mây, trông nước, nay chờ mai mong

Mong giáp mặt, mặt không giáp mặt

Chơ tin thư, thư mất tin thư

Tháng ngày thấm thoắt thoi đưa

Tuổi ba mươi lại đã dư một vài

Câu tri kỷ cùng ai tri kỷ

Truyện chung tình ai kẻ chung tình

Bụi hồng vắng vẻ mắt xanh

Mình ơi ta nhớ! mà mình quên ta!

Không quen biết cũng là quen biết

Ta nhớ mình, ta viết thư chơi

Thư tình này bức thứ hai

Tiếp thư, xin chóng giả nhời cho nhau

Vợ chồng người đốt than trên núi

Đèn Hà Nội sáng choang lửa điện

Quanh hồ Gươm xe điện cao su

Rừng Ngang sương khói mịt mù

Gió âm, giăng lạnh, cây lù rù đen

Rừng một giải, cây chen vạn gốc

Gốc cây rừng, một nóc nhà gianh

Trong nhà, một ngọn đèn xanh

Dưới đèn mờ vẽ bức tranh ba người

Con thời quấy, vợ thời miệng dỗ

Chồng lui cui đan rỏ đựng than

Đêm khuya con ngủ đèn tàn

Một hai thế sự, muôn vàn tình thâm:

– “Chàng chàng hỡi! tri âm từ thủa

Nỗi sinh nhai dìu búa, bếp lò

Nghĩ mình cũng đấng trượng phu

Tây nho chữ nghĩa không thua chi đời

Đời nào đã mấy ai tài trí

Cũng vinh hoa phú quí như không

Cũng xe bóng, cũng ngựa hồng

Cũng trăm, nghìn, vạn bạc đồng trong tay

Chàng chẳng nghĩ cho tầy người khác

Lối công danh chen bước kịp thì

Làm cho phỉ chí nam nhi

Trước là phu quí, sau thì phụ vinh

Chẳng hơn ở rừng xanh một giải?

Sớm sương non! tối lại giăng ngàn!

Bòng bong đôi mớ củi tàn

Con reo rắt đói, vợ than thở nghèo!”

– “Mình mình hỡi, nghĩ sao mà hẹp!

Kiếp ở đời là kiếp phù sinh

Mây vàng chớp nhoáng bên mình

Sinh sinh hoá hoá cái hình phù du

Xưa nay ngẫm sang giàu cũng lắm

Cuộc trăm năm chơ nắm đất vàng!

Cõi đời nghĩ đã mơ màng

Nỗi đời lắm nỗi nghĩ càng thêm đau!

Mình chẳng thấy kêu sầu mùa hạ?

Con quốc kia ròng rã nắng mưa

Ấy hồn Thục Đế khi xưa

Bởi đâu thương tiếc, hồn chưa hoá hồn?

Lại chẳng thấy kêu buồn con mối?

Tắc lưỡi kêu, khơi nỗi não nùng

Ấy xưa cự phú Thạch Sùng

Bởi đâu thương tiếc, cho lòng còn căm!

Lại lắm kẻ còn lăm phú quí

Lấm đầu lươn luồn luỵ vào ra

Chồng chồng vợ vợ vinh hoa

Mà trong vinh hiển xót xa đã nhiều!

Cũng có kẻ hồn tiêu mũi bể

Ngọn chào tan giọt lệ gia hương

Người thời tội gánh nợ mang

Kẻ thời con bán vợ nhường chia tan

Đời sầu thảm muôn vàn xiết kể!

Cảnh phong lưu ai dễ hơn Thầy

Bụi hồng mặc khách đông tây

Quẩy than đủng đỉnh, tháng ngày tiêu dao

Nhà gianh cỏ leo teo mà mát

Cơm muối dưa xuông nhạt càng thanh

Đôi khi ngọn núi đầu ghềnh

Vui duyên giăng gió, mặn tình cỏ hoa

Khi than đắt, rượu ba bảy hớp

Vợ, chồng, con hoà hợp một đoàn

Thú vui lắm thú thanh nhàn

Khúc ca tiếng hạc, cung đàn gió thông

Sướng đến thế, mà không biết sướng!

Còn than thân mong tưởng như ai

Dại đâu? có dại lạ đời!

Ngu đâu mà lại có người quá ngu!

Người phải biết tự do là thú

Mất tự do, còn có ra chi!

Canh tàn thôi liệu ngủ đi!

Ngủ cho đẫy giấc, mai thì bán than!”

Xem thêm:  Tập thơ: Sông núi trên vai (Chương 4-5-kết) – Anh Ngọc (Nguyễn Đức Ngọc) Tiếp

Cảm thu tiễn thu

Điệu Trường đoản ca

Từ vào thu đến nay

Gió thu hiu hắt

Sương thu lạnh

Giăng thu bạch

Khói thu xây thành

Lá thu rơi rụng đầu ghềnh

Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly

Nhạn về én lại bay đi

Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm

Lá sen tàn tạ trong đầm

Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa

Sắc đâu nhuộm ố quan hà

Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương

Nào người cố lý tha hương

Cảm thu, ai có tư lường hỡi ai?

Nào những ai

Bảy thước thân nam tử

Bốn bể chí tang bồng

Đường mây chưa bổng cánh hồng

Tiêu ma tuế nguyệt, ngại ngùng tu my

Nào những ai

Sinh trưởng nơi khuê các

Khuya sớm phận nữ nhi

Song the ngày tháng thoi đi

Vương tơ ngắm rện nhỡ thì thương hoa

Nào những ai

Tha phương khách thổ

Hải giác thiên nha

Ruột tầm héo, tóc sương pha

Gốc phần chạnh tưởng quê nhà đòi cơn

Nào những ai

Cù lao báo đức

Sinh dưỡng đền ơn

Kinh sương nghĩ nỗi mền đơn

Giầu sang bất nghĩa mà hơn nghèo hèn!

Nào những ai

Tóc xanh mây cuốn

Má đỏ huê ghen

Làng chơi duyên đã hết duyên

Khúc sông giăng rãi con thuyền chơi vơi

Nào những ai

Dọc ngang giời rộng

Vùng vẫy bể khơi

Đội giời đạp đất ở đời

Sa cơ thất thế quê người chiếc thân

Nào những ai

Kê vàng tỉnh mộng

Tóc bạc thương thân

Vèo trông lá rụng đầy sân

Công danh phù thế có ngần ấy thôi

Thôi nghĩ cho

Thu tự giời

Cảm tự người

Người đời ai cảm ta không biết

Ta cảm thay ai, viết mấy lời

Thôi thời

Cùng thu tạm biệt

Thu hãy tạm lui

Chi để khách đa tình đa cảm

Một mình thay cảm những ai ai!

Thư lại trách người tình nhân không quen biết

(Hàng Lọng)

Ngồi buồn ta lại viết thư chơi

Viết bức thư này lại trách ai

Ai những nhớ ai, ai chẳng nhớ

Để ai luống những nhớ ai hoài

Phố Hàng Lọng tiếng người chưa động

Báo An Nam giấc mộng đương dài

Hoả xa còi hét bên tai

Rật mình chợt tưởng như ai gọi mình

Cho hay vẫn si tình là thói

Nào có đâu ai gọi? mà thưa!

Trông ra non nước mịt mờ

Nghĩ nguồn cơn lại bây giờ nhớ ai

Giải sông cũ đầy vơi cữ nước

Đỉnh non xưa tản mác ngàn mây

Nước mây ngày tháng đổi thay

Non sông ngày cũng một ngày khác xưa

Tình thư gửi đến chưa? chưa đến?

Nước non này ai hỡi, hỡi ai!

Ngư nhàn trông mất tăm hơi

Nước mây man mác cho người sầu thương

Ứa bốn bể đôi hàng luỵ ngọc

Gầy ba đông một vóc xương mai

Ơn nhà nợ nước hai vai

Nước nhà ai để riêng ai nặng nề

Trông mây nước bốn bề lạnh ngắt

Ngắm non sông tám mặt sầu treo

Đường xa, gánh nặng, bóng triều

Cơn giông biển lớn, mái chèo thuyền nan

Nghĩ thân thế mềm gan lắm lúc

Nhìn giang sơn bạc tóc như chơi

Mong ai, mỏi mắt chân giời

Nhớ ai đi, đứng, ăn, ngồi thẩn thơ

Thế mà gửi tình thơ hai bức

Những là mong tiêu tức tám năm

Phải rằng ai hẳn vô tâm

Núi sông mây nước cũng nhầm bấy nay

Người bệnh yếu hơi may lạnh trán

Đêm thu trường tựa án thâu canh

Phố phường rộn rã trần thanh

Ngoài song con sẻ trên cành tiếng kêu

Chuyện non nước còn nhiều chưa hết

Sẵn bút nghiên lại viết cho mình

Thứ ba này bức thư tình

Phục thư chẳng thấy, thời rành không ai!

Hủ nho lo việc đời

(Bờ Hồ)

Đáng nực cười cho bác hủ nho!

Việc đời ai khiến gánh mà lo!

Lo to lo nhỏ lo nào siết

Lo thế mà ai có biết cho

Lo vì công việc báo An Nam

Đã chót đa mang cứ phải làm

Bốn bể phen này không trắng nợ

Tuyết sương âu hẳn bạc đầu thêm

Lo vì tin nước đã lưng sông

Đâu đó đê điều có vững không?

Bốn bể dân tình đương túng đói

Không hay Hà Bá có thương cùng?

Lo vì phong hoá mõi ngày xuy

Thánh giáo không ai kẻ hộ trì

Hằng sản đã không, tâm cũng kém

Sĩ còn chưa trách, trách dân chi

Lo vì xã hội thiếu tiền tiêu

Một kẻ phong lưu, chín kẻ nghèo

Cái nỗi sinh nhai mà khốn khó

Con đường tiến hoá khó mà theo

Lo vì thế cục nát như tương

Cái ruột tầm ai rối vẩn vương

Nhọn chẳng ăn ai, ngòi bút sắt

Cùng ai lo tính lúc đêm trường

Đáng nực cười cho cái sự lo!

Lo quanh lo quẩn chẳng ra trò

Việc đời ai có lo chăng tá?

Ai có lo cùng bác hủ nho?

Trên đây là những bài thơ thuộc phần Thơ và lục bát trường thiên của Tản Đà. Đây là một phần thơ được đánh giá khá hay. Bởi nó thể hiện được tư tưởng, tầm nhìn của nhà thơ cũng như các quan niệm về cuộc sống này. Và đây cũng chính là phần cuối cùng trong tập Khối tình con III xuất sắc của nhà thơ này. Bên cạnh đó sự nghiệp thơ ca của ông còn ghi nhận một khối lượng lớn các bản dịch thơ tác giả khác. Hãy cùng đón đọc thông qua các bài viết tiếp theo bạn nhé!

Theo Thuvientho.com

Check Also

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Hoa cúc họa mi còn được gọi là hoa cúc dại hay là hoa cúc …