Home / Chùm thơ chọn lọc / Bằng Việt và các tập thơ dịch của tác giả nước ngoài P5

Bằng Việt và các tập thơ dịch của tác giả nước ngoài P5

Bằng Việt và các tập thơ dịch của tác giả nước ngoài P5

Bằng Việt và các tập thơ dịch của tác giả nước ngoài P5. Đây là phần cuối của tập thơ dịch của nhà thơ Bằng Việt, để chúng ta hiểu hơn về tài năng, con người nhà thơ Bằng Việt. Ông là một trong những cây bút chủ lực của nền văn học Hiện đại Việt Nam.

Xem: Bằng Việt và các tập thơ dịch của tác giả nước ngoài P4

Thơ dịch của Shyamadas Vaishnav (Nepal)

Thiên nhiên

Khi con suối trên cao

Tìm được đường xuống núi

Sủi bọt trào tươi rói

Con người cũng vui lây

Nhảy múa bên dòng thác

(Thác như vẫn vô tri!)

Khi bình minh nhuốm vàng

Trên đỉnh cao Êvơret

Trùm nắng lên đỉnh tuyết

Con người bỗng đắm say

Trước núi cao hút mắt

(Núi như vẫn vô tri!)

Khi ánh trăng lung linh

Dát trên sông khuya khoắt

Như vàng gieo, bạc rắc

Con người hoá mộng mơ

Mơ bay cùng trăng sáng

(Trăng như vẫn vô tri!)

Tôi không sợ

Tôi không sợ mình phải chết

Nào có ai tránh khỏi chết trên đời!

Nhưng tôi chỉ sợ một điều

Là trái tim mọi người thân nhất

Lúc nào đó bỗng hoá giá băng

Điều đó còn sợ hơn cái chết!

Tôi không sợ mình phải chết

Nào có ai tránh khỏi chết trên đời!

Nhưng tôi chỉ sợ một điều

Ngôi nhà nhỏ nghèo nàn thân thương

Chứa mọi thứ có hồn, từ tổ tiên để lại

Lúc nào đó bỗng tự dưng đổ sụp

Điều đó còn sợ hơn cái chết!

Tôi không sợ mình phải chết

Nào có ai tránh khỏi chết trên đời!

Nhưng tôi chỉ sợ một điều

Những bộ tộc anh em đang yên ổn sum vầy

Lúc nào đó bỗng sẻ đàn tan nghé

Máu sẽ đổ và nghĩa tình rách xé

Máu mủ giống nòi mà không nhận ra nhau

Điều đó còn sợ hơn cái chết!

Dịch thơ của Siavash Kasrai (I ran)

Vườn xưa

Vườn quý tổ tiên, nay cửa trống hoang

Bị mặt trời và gió bỏ quên

Chỉ có kẻ ngoại lai xâm nhập

Không còn hoa hồng của Saadi trên các luống

Chỉ có rác rưởi ngập tràn

Những pho tượng trần gãy vỡ bao năm

Chim trời không đến đậu

Một chú vẹt trong lồng láu táu

Nói sai, nói nhại tiếng người!

Những người lạ nghe danh nức tiếng vườn hồng

Lũ lượt kéo về đây dẫm đạp

Nhưng bao khóm hồng rũ ra chờ chết

Người làm vườn đang ngủ kỹ nơi nao?

Dịch thơ của Sophia de Mello Breyner (Bồ Đào Nha)

Những con thuyền

Những con thuyền trên cát ngủ vùi

Chỉ còn những đôi mắt gỗ

Khát thèm nhìn biển khơi

Chỉ còn lặng lẽ nỗi buồn

Gặm nhấm vài thớ gỗ.

Tiểu sử

Bè bạn, người thân…Người đã chết rồi, kẻ thì xa khuất

Còn bao người đập đầu vỡ trán vào bức thành chuyên chế của thời nay

Tôi không chịu nổi những buồn vui quá đỗi giản đơn, bộc tuệch

Nhưng tôi biết tìm mình ở đâu trong ánh ngày chói chang, tiếng gió rít gào và vật vã mây bay?

(Dịch từ bản tiếng Nga)

Dịch thơ của Tagore Rabindranath (Ấn Độ)

Bài số 016 016

Sáng nay, tôi ngồi bên cửa sổ

Bỗng nghĩ cuộc đời như khách qua đường,

dừng chân phút chốc, cúi chào, rồi đi.

Bài số 031 031

Bên song cửa, tôi thấy một dây leo:

Lòng đất lặng câm truyền lên khát vọng!

Bài số 034 034

Lòng sông đã khô

Đâu còn biết hàm ơn quá khứ?

Bài số 058 058

Chim sẻ động lòng thương con công

Đẹp để làm gì, khi gánh đuôi quá nặng!

Bài số 067 067

Thượng đế có khi chán những vương quốc mênh mông

Nhưng không bao giờ chán từng bông hoa bé bỏng.

Bài số 078 078

Cỏ tìm ra bầy đàn mình trên mặt đất

Cây tìm ra sự cô đơn mình tận trên trời!

Bài số 101 101

Cát bụi chỉ nhận được sự sỉ nhục làm quà

Nhưng vẫn biết phải dâng đóa hoa đáp lễ.

Bài số 118 118

Chiêm bao là người vợ lảm nhảm lắm lời

Giấc ngủ là người chồng âm thầm cam chịu.

Xem thêm:  Qua Đèo Ngang ( Bà Huyện Thanh Quan) – Bức tranh thiên nhiên và tâm trạng con người hòa làm một

Bài số 123 123

Chim nghĩ rằng cá cũng thích bay

Bèn quắp lên không, tưởng mình làm việc thiện!

Bài số 126

Búa tạ phỏng có ích gì?

Chỉ cần điệu vũ rủ rỉ của dòng suối đời đời

đủ mài tròn đá cuội.

Bài số 160 160

Hạt mưa hôn mặt đất và thầm thì:

“Mẹ ơi! Chúng con là bầy con lưu lạc nhớ nhà, đã thành mây mãi tận trời cao, vẫn trở về với mẹ!”

Bài số 176 176

Nước long lanh sáng trong bình, nhưng tối sẫm dưới đại dương không thấy đáy!

Chân lý nhỏ dễ chứng minh rõ rành, chân lý lớn phải cảm nhận thâm trầm lặng lẽ.

Bài số 191

Trước lúc tên vút đi, cánh cung nhắn lời thầm lặng:

Ta thèm tự do, nên căng hết mình, dành nó cho ngươi!

Dịch của Takis Sinopoulos (Hy Lạp)

Đêm

Cuộc đời. Lưng ép vào tường và một bàn tay thò vào anh lục soát

Anh ngoạm mẩu bánh mì khô đắng

Ngấu nghiến niềm hy vọng tự do

Một nụ cười tối đen

Trên chỗ ngày xưa là miệng, là khuôn mặt

Anh ngủ ở chiếc giường nơi bao người trước anh mất tích đã nằm

Một cái đinh trên tường. Trên đó treo chiếc áo

Đôi giày vứt lại giữa sàn

Và ánh trăng tràn trề ban công

Anh bị buộc ký vào tờ giấy

Hai người phụ nữ thân yêu dành cho một cái hôn

Hai người đàn ông hầm hầm khiêng đi cái cáng

Con dao lăm lăm trong tay những tên phản bội

Và đêm dành cho anh

Cổ họng đắng khô đi

Không nhìn ai rõ mặt

Họ trói anh áp vào bức tường lạnh ngắt

Sau đó hai người đàn ông rửa tay bằng xà phòng

Dịch thơ của Vadim Sergeevich Shefner (Nga)

Những giấc mơ về thời chiến

Chúng ta đâu có mơ những gì mình muốn

Mà chỉ mơ những gì giấc mơ áp đặt cho ta

Mơ thấy cháy là người đã từ lâu hỏng mắt

Mơ thèm ăn lạ lùng là người từ lâu đã được ăn no

Mơ thấy đồng đội biệt tăm từ thuở trẻ

Một tối, họ bỗng nhiên lặng lẽ bước vào nhà

Còn quả trái phá, tình cờ rơi cạnh ta không nổ

Trong giấc mơ, lại làm ta bị thương

Mơ thấy bao bạn bè, đông vui thời đi học

Dù sau chiến tranh, lớp bạn ấy không còn

Và ta bỗng rùng mình giữa cảnh hư và thực

Ngay ở nhà mình, mà ngỡ chốn không người

Hơi thở quá dập dồn. Và đêm dài quá sức

Tảng đá đè trên ta – là cuộc chiến xa vời

Tuổi thứ năm Пятое

Tình yêu – thời gian thứ năm của ngày

Không phải sáng, không phải trưa, không phải chiều, không phải tối

Tình yêu là khoảng thời gian sáng chói

Chỉ khi mất đi rồi, là buổi sáng hoá đêm thâu

Tình yêu là mùa thứ năm của năm

Không phải Xuân, Hạ, Thu, Đông, tất cả đều không đúng

Chỉ phụ thuộc vào hai người yêu sung sướng

Say đắm, yêu đương và sáng tạo ra mùa!

Tình yêu không giống đoạn đời nào đã trải

Không phải tuổi thơ, tuổi thanh niên, tuổi trưởng thành hay cả tuổi già

Cũng không giống chút nào các tuổi chiêm nghiệm trong sách vở

Tình yêu là tuổi thứ năm trong cả cuộc đời ta!

Dịch thơ của Vilém Závada (Séc)

Quán ven đường

Tôi yêu những quán rượu nhỏ Praha

Nơi khách đến vẻn vẹn từng đôi một

Để thưởng thức từng món ăn thật hiếm

Nói với nhau cũng bằng mắt mà thôi!

Tôi yêu những quán cóc trên đường thiên lý

Một bóng mát giữa đồng, tràn nắng gió bốn bên

Dọn một món bình dân kề ngay bên cửa sổ

San sẻ từng niềm vui, trút bớt nỗi ưu phiền!

Nhưng điều tôi còn yêu hơn tất thảy

Là đất nước tôi luôn rộng mở chào mời

Như một quán rượu, ngay giữa lòng châu lục

Nơi có thể mở lòng chia sẻ hết buồn vui

Nơi có thể sống và chết, thật hiền hoà, tung hứng

Không hoang phí, cũng không mắc nợ điều gì

Nơi chủ quán tận tình, chỉ yêu cầu đơn giản:

Biết thở khí trời và tắm nắng, trước khi đi…

Xem thêm:  Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và truyện thơ Dương Từ – Hà Mậu hồi 1

Dịch thơ của William Butler Yeats (Anh)

Thời xưa cũ của Hélène

Ta khóc nấc lên làm chi, vô ích

Trong nỗi buồn chẳng nghĩ sâu, không xứng với nỗi buồn!

Về một giai nhân tràn đầy quyền lực

Nhưng vô nghĩa với ta đến mức tận cùng!

Vì ta chỉ đánh cắp được tình yêu Nàng

Trong những phút giây ngẩn ngơ mất ngủ

Trong làn bụi mịt mù của thành Troy xưa cũ

Nơi đã có chàng Paris si tình

Chạy đuổi theo nàng Hélène vĩnh viễn

Ai trong chúng ta hôm nay còn nhiễu sự

Đêm đêm nhớ thương than khóc vì Nàng

Khi lẽ ra, ta chỉ cần biết cách dõi theo

Một lần thôi và nhún vai từ giã!

Dịch thơ của Yannis Ritsos (Hy Lạp)

Chuyện thật mà không thật Μύθος

Chúng tôi đi dưới phố tối om, leo lét đèn đường

Gặp ai đi qua cũng đồng thanh hỏi:

– Thực ra Nàng ở đâu? Đã có ai gặp Nàng chưa nhỉ?

– Nhưng Nàng là ai? Áo quần, sắc diện thế nào?

– Nàng là Tương lai, mặc áo màu Hy vọng

Với đôi hoa tai lấp loá ánh trời

Nhưng như thế thì không!

Chưa một ai thấy nổi!

Chúng tôi cứ đi, không thể nào bỏ dở

Điều mình kiếm tìm suốt tuổi thanh xuân

Một bà già ngồi trên bậc cửa ngoại ô

Lặng lẽ chỉ tay lên quá ngọn cây:

Xa tiếp nữa – dòng sông sao vô tận

Nhà hát cổ đại Αρχαίο θέατρο

Anh đến giữa khán đài nhà hát Hy Lạp cổ

Anh – một chàng đẹp trai, hăm hở, trẻ măng

Không kìm được mình, anh hét to lên

(Chẳng phải vì quá thán phục đâu! Nếu có

Anh cũng không cần vội phải tỏ ra kích động!)

Anh hét lên chỉ vì đang thừa sức trẻ

Muốn thử hệ thống truyền âm của sân khấu cổ xưa…

Thế là rền lên một loạt tiếng vang

Thứ tiếng vọng uy nghi của hý trường Hy Lạp cổ

Thứ tiếng vọng vô song, không giống ở nơi nào

Âm u như dàn nhạc tấu thần

Dội ra từ những bệ xây dựng đứng!

Và hai con đại bàng khổng lồ bằng đá

Đã nhiều thế kỷ ngủ quên trên vòm cổng lớn

Quay đầu nhìn anh, vụt đáp lại lời!

Nhìn qua ổ khoá

Ngôi sao giống như ánh sáng qua khe ổ khoá

Sau lỗ khoá nhỏ nhoi là thăm thẳm thiên hà

Chúng ta mới ghé nhìn bằng cái nhìn viễn vọng

Còn cánh cửa khoá kín kia – chưa mở nổi bao giờ

Dịch thơ của Yorgos Markópoulos (Hy Lạp)

Cha tôi muốn có một ngôi nhà

Cha tôi đã bỏ cả một đời

Để mơ ước xây ngôi nhà bé nhỏ

Chiều nào ông cũng ngồi trong bếp

Lơ đãng trước tách cà phê đắng ngắt

Nhấm nháp một chút gì ngọt ngào

Để nuôi dưỡng lòng tin vào cái gì chưa có

Bao năm rồi chúng tôi đi xa

Ngôi nhà vẫn chưa xây nổi

Và cha tôi nay cũng mất rồi

Có phải thế chăng hỡi em gái u buồn

Khi ạnh nhìn sâu vào mắt em

Có chút gì ấm lòng đến xót xa

Đồng điệu với giấc mơ, thời cha từng ấp ủ

Hãy đi tìm…

Hãy đi tìm một chút xíu tình yêu

Như người nghèo tìm chỗ nương thân giữa chợ

Đôi khi, đấy là điều không sao mua được

Ở thời buổi con người quá đỗi cô đơn

Một đĩa hát réo lên

Hạ giọng xuống, lại cất lên, hạ giọng xuống, rồi réo lên đột ngột

Như một kẻ say không biết làm gì

Làm sao tôi viết nổi cho em lấy một dòng thơ

Khi phải tìm lại những từ hầu như quên lãng

Giống như chiếc áo váy tinh khôi, em từng bỏ mất

Chiếc áo váy thời học sinh năm cuối ở trường làng

Làm sao thấy lại những viên đá hoang sơ thời nguyên thủy

Ở những bến bờ chưa có ai qua…

Tôi đã bị làm hỏng đi rồi

Tôi còn biết nhìn ra ngọc quý ở đâu giữa vô vàn đá hộc?

Xem thêm:  Tình yêu muốn hóa vô biên - Xuân Diệu

Dịch thơ của Yuliya Vladimirovna Drunina (Nga)

“Tôi đã học ở đâu lòng dịu dàng đến vậy”

Tôi đã học ở đâu lòng dịu dàng đến vậy

Hỏi làm chi… Những năm tháng chất chồng

Những ngôi mộ bạn bè ở ven đường ra trận

Và tuổi trẻ qua đi trong áo lính, nhà hầm

Những đám lửa khắp nước Nga phần phật

Tiếng kèn sôi lên, ngụp lặn giữa tàn than

Những chàng thanh niên cắn môi ngã xuống

Chưa hôn ai, chưa yêu trọn một lần

Và chiều xuống, nghiến chặt răng, từ biệt

Cúi mình ben ngôi mộ mới anh em…

– Tôi đã học ở đâu lòng dịu dàng đến vậy

Suốt dọc đường chiến trận chẳng hề yên

Em không hề quen

Em không quen để người khác thương em

Như xưa kia, tự hào, trong đạn lửa

Những bạn trai, khi áo choàng thấm đỏ

Cần đỡ dìu, phải gọi đến tên em

Nhưng buổi chiều nay, trắng xoá, lặng yên

Quá khứ đã xa, không cần vậy nữa

Em mềm lại với tâm hồn phụ nữ

Để thả mình nương tựa xuống vai anh

Dịch thơ của

Bất thần

Bất thần

Như tiếng sấm mùa xuân

Giây lát ngỡ ngàng vụt đến

Giây lát nổ bùng chói loà chớp sáng

Khi hai người không quen nhau

Tình cờ được ném lại gần nhau

Tay cũng chưa cầm tay

Chưa kịp phút trao hôn

Chưa có gì ngoài hai ánh mắt

Nhưng chỉ thế

Mà bao điều can hệ nhất

Đủ đoán thầm, đủ bộc bạch cùng nhau

Nếu về sau

Những lời lẽ không phải ai cũng nhớ

Lại có thể trở thành ý nghĩa

Thì nguyên do từ chính buổi đầu này

Từ ánh rạng ngời những chớp mắt mê say

Thứ ánh sáng trong đời

Chỉ một lần hiển hiện!

Cát biển

Mãi mãi là cát biển

Đá chỉ là kiếp đá mãi mà thôi

Nhưng con người

Phải có thời gian

Để đứng thẳng trở thành mình đích thực

Những gì với thời gian dần rữa nát

Người phải đem nấu chảy lại trong mình

Cho mọi điều được rèn đúc mới tinh

Và dẹp hết những khát thèm mù quáng

Những say đắm nửa vời, những tôn vinh tản mạn

Những ý tưởng bốc đồng, những dự định chẳng tới nơi…

Cho đến lúc đứng thẳng lên mặt đất

Đủ tự tin: Mình đã thực thành Người!

Không đề (III)

Mỗi tuổi tác đo thời gian một khác

Ngày tháng trôi, dài ngắn không cùng

Khi ta trẻ trung

Thời gian chậm rãi

Như một chú lạc đà mệt mỏi

Ta lớn dần

Thời gian hoá nhanh hơn

Vừa ban mai, lại đã hoàng hôn

Chưa kịp ngoái đầu, tháng ngày đã hết

Cho dù thế, anh vẫn chưa hề biết

Đánh giá cho thật đúng thời gian

Khi vẫn còn ôm hy vọng đầy tràn:

– Tất cả như đang còn trước mặt!

Ấy thế rồi đến lúc

Gương mặt phôi pha hơi giá mùa đông

Thời gian như phát cuồng

Năm tháng chất lên lưng thành gánh nặng

Con người cùng thời gian chạy đua nhau đến đích

Như hai đối thủ quật nhau dàn mặt thẳng thừng!

Một vòng đua không ưu ái ai

Từ khởi thuỷ đến vô cùng

Không thể dừng chân vì bất cứ việc gì

Mà thời gian tha thôi thúc

Không thể tính chỗ nào là lối ngoặt

Mà thời gian cho ta rẽ ngang

Cho tới lúc ta hết bàng hoàng

Biết đời người chỉ là gang tấc!

Trên đây là toàn bộ tập thơ của nhà thơ Bằng Việt dịch của các tác giả khác. Với kho tàng thơ ca đồ sộ, Bằng Việt là một trong những cây bút tài năng của nền văn học Việt Nam. Những năm giữa thập kỷ sáu mươi, công chúng văn học đã chứng kiến sự xuất hiện của một loạt cây bút mới mà chỉ ít lâu sau đã trở thành chủ lực của thi đàn.

Xem đầy đủ: Sự nghiệp sáng tác thơ ca của nhà thơ Bằng Việt (Nguyễn Việt Bằng)

Theo Thuvientho.com

Check Also

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Hoa cúc họa mi còn được gọi là hoa cúc dại hay là hoa cúc …