Home / Chùm thơ chọn lọc / Nhà thơ Thái Bá Tân và tuyển tập thơ dịch Abd ar-Rahman Jami phần đầu

Nhà thơ Thái Bá Tân và tuyển tập thơ dịch Abd ar-Rahman Jami phần đầu

Nhà thơ Thái Bá Tân và tuyển tập thơ dịch Abd ar-Rahman Jami phần đầu

Thái Bá Tân sáng tác thơ không nhiều, nhưng ông lại được đánh giá cao bởi khả năng dịch thuật của mình. Ông đã dịch một số sáng tác thơ ca hay của Abd ar-Rahman Jami. Đây là một nhà thơ vĩ đại nhất của Ba Tư trong thế kỷ 15. Và ông cũng được đánh giá là người khép lại thời kỳ thơ cổ điển viết bằng tiếng Ba Tư. Hãy cùng tìm hiểu các bài thơ dịch của Thái Bá Tân dưới đây bạn nhé!

Chuyện anh chàng có bộ quần áo đẹp

Có chàng trai con nhà giàu, chủ nhật

Diện bộ cánh tự cho là đẹp nhất,

Rồi đến thăm mọt nhà chiêm tinh,

Một ông già tóc bạc rất thông minh.

Ông già nghĩ: “Một con công sặc sỡ!

Chắc con quan, và đến không vô cớ.”

Ông chào khách, kê gối cao mời ngồi

Khách cảm ơn rất đúng lễ, và rồi,-

Để chứng tỏ không chỉ quần áo đẹp,

Mà anh ta cũng biết điều, lễ phép,-

Một hồi lâu anh ta nói, cố tình

Nói những điều rất thâm thuý, thông minh

Nhưng khốn nỗi, ý và từ lẫn lộn,

Thành một chuỗi các âm thanh hổ lốn

Rồi cuối cùng, khách ngồi im. Chủ nhà

Rất thân tình, đã khuyên bảo anh ta:

“Phải công nhận là áo quần anh đẹp,

Và có lẽ anh là người lễ phép”.

Nhưng khả năng ăn nói quả rất tồi.

Trong đầu anh toàn xám xịt, theo tôi,

Hoặc là anh lo tu thân học hỏi

Cho đầu óc đỡ bớt phần tăm tối.

Không thì thay bộ áo đẹp này đi,

Nó không che được cái dốt ích gì.

Chuyện anh nông dân thật thà và con lừa què

Ở làng nọ có một anh nhà quê,

Sống chất phác với một con lừa què.

Con lừa ấy yếu, gầy, trông thật tội

Lại già, xấu, đứng còn không nổi.

Số phận nó, quả đúng thật bất công,

Luôn bị đánh, không ngày nào là không.

Nên rỗi việc là nằm yên một chỗ,

Nó than trách cuộc đời mình khốn khổ.

Anh nhà quê cũng chán nó, một hôm

Quyết định đem con lừa xấu, gầy nhom

Ra chợ bán, được vài đồng cũng đỡ

Theo cái lệ có xưa nay ở chợ.

Anh ta nhờ ông lái bán giùm cho,

Và ông này ngay lập tức nói to:

‘Nào lại đây mua ngay không chậm trễ,

Một con lừa thông minh, nhanh và khoẻ

Không phải lừa, có thể nói không ngoa,

Khoẻ như ngựa, hay cùng lắm, như la

Nó mà phóng, còn nhanh hơn tên bắn

Nào lại mua, kẻo không rồi hói hận!”

Khách đứng quanh chỉ nhìn nhau phì cười,

Thế mà anh nhà quê, thật dở người

Thật thà tin những gì ông kia nói,

Không hề biết phương buôn chuyên nói dối.

“Không, không bán, con lừa này của tôi

Nó quả đúng là con vật không tồi.

Nó tốt giống, Rất chăm làm, mạnh khoẻ

Chính tôi cần một con lừa như thế!”

Rồi vội vàng, rất hăng hái, anh ta

Dắt con vật khốn khổ kia về nhà.

Xem thêm:  Nhà thơ La Fontaine và trọn bộ trang thơ ấn tượng nhất phần 4

Chuyện con lạc đà có cánh

Một ông vua, ngồi không lâu cũng chán,

Mở tiệc lớn mời cận thần, bè bạn.

Và vừa ăn, vua yêu cầu mỗi người

Lần lượt kể những chuyện lạ trên đời,

Với điều kiện chính mình nhìn tận mắt,

Phải hấp dẫn, và tất nhiên phải thật.

Một người kể: “Nghề tôi hay phải đi,

Và lần nọ tôi thấy ở châu Phi,

Một quái vật, nói thế nào được nhỉ,

Giống lạc đà, nhưng vô cùng kỳ dị,

Loại lạc đà một bướu, béo, không gầy.

Có hai cánh, nhưng không hề biết bay.

Không chở hàng, không phải làm gì cả,

Cứ suốt ngày thẩn thơ chơi, nhàn nhạ…”

Mọi người nghe, phá lên cười: “Thôi đi!

Ông kể chuyện nhảm nhí ấy làm gì?

Chúng tôi đây cũng đi nhiều không kém,

Cũng từng gặp nhiều chuyện hay và hiếm,

Nhưng lạc đà có cánh thì ôi, ôi!

Đừng phịa chuyện, đừng hòng lừa chúng tôi!”

Và rốt cục, mặc dù thề có thật,

Không ai tin, bị một phen bẽ mặt,

Ông kể chuyện đành hậm hực ra về

Trong ồn ào tiếng la mắng, cười chê.

Sáng hôm sau, trong lòng còn hậm hực,

Ông vội vã lên đường ngay lập tức

Tới châu Phi, rồi từ đó về nhà

Với một con đà điểu lớn và già.

Ông đem nó vào gặp vua, và hỏi

Có phải đúng là con ông đã nói.

Vua xem kỹ rồi bỗng phá lên cười:

“Vâng, đúng nó. Giờ ta tin nhà ngươi.

Một con vật lạ kỳ, cao, dũng mãnh!

Ngươi đáng thưởng! Đúng, lạc đà có cánh!”

Và tối đến, vua lại mở tiệc to,

Lại mời quan đến ăn uống, chuyện trò.

Tiệc đang vui, vua vẫy tay ra hiệu,

Rồi mọi người vây quanh con đà điểu,

Một con vật rất mới lạ, giống gà,

Nhưng vua bắt cứ phải gọi lạc đà,

Loại lạc đà không bay nhưng có cánh.

Ai gọi khác sẽ bị vua đem đánh.

Chuyện IBN SINA chữa bệnh cho người tâm thần

Vào cái thời IBN SINA còn sống

Và danh tiếng đang lan xa lan rộng

Có một người, giàu, trẻ, lắm người thân

Nhưng không may mắc chứng bệnh tâm thần

Không đau yếu, nhưng anh ta một mực

Luôn miệng nói: “Tôi là con bò đực.

Hãy nhìn đây, tôi to lớn, béo tròn

Đem lên hầm, chắc chắn sẽ rất ngon.

Hãy nhanh chóng đưa tôi đi giết thịt

Gọi đồ tể tới đây, tôi muốn chết!”

Và cứ thế, suốt đêm ngày anh ta

Bắt chướt bò, luôn miệng rống vang nhà,

Không uống thuốc, không chịu ăn, thức trắng

Nên bệnh nặng lại càng thêm nặng.

Các thầy thuốc đành nhìn nhau bó tay:

Phải nhờ đến INB SINA lần này!

INB SINA nghe xong liền dặn:

“Hãy về nhà nói với bệnh nhân: Chắc chắn

Sáng ngày mai đồ tể sẽ đến nhà

Và thế nào cũng làm thịt anh ta”.

Còn người bệnh, nghe tin mình bị giết

Thì vui mừng không để đâu cho hết.

Sáng hôm sau SINA đến, và ông

Liền hỏi to khi mới bước vào phòng:

Xem thêm:  Chùm thơ vui lục bát 4 câu nói về Tiền & than nghèo

“Bò đực đâu?” Đây tôi là bò đực!-

Người bệnh đáp. – “Giết tôi ngay lập tức!”

Ông dùng dây trói thật chặt anh ta,

Bắt vươn cổ, nằm ngay giữa sàn nhà,

Rồi luôn tay mài dao, ông lặng lẽ

Sờ và nắm như một anh đồ tể.

Bỗng ông nói: “con bò này quá gầy,

Nên phải chờ, không thể giết hôm nay.

Phải cho ăn thật nhiều và thật bổ

Mới đủ béo để cho vào lò mổ.”

Ông sai người cởi trói bệnh nhân

Rồi ra lệnh mang vào nhiều thức ăn.

Thật kỳ lạ là anh ta ăn hết,

Ăn cả thuốc lẫn vào mà không biết.

Chẳng bao lâu anh ta khoẻ, béo to

Và không còn nghĩ mình là bò.

Chuyện người thợi giặt và con bồ nông

Ở Bátđa có một chàng trai nọ

Sống bằng nghề giặt thuê, nghèo khổ.

Và hàng ngày ra giặt ở bờ sông,

Anh thường thấy có con bồ nông

Đang dò dẫm mò cua, bắt tép.

Cổ và chân cao kều, trông chẳng đẹp.

Vốn khiêm tốn, hơi ngu đần, cô đơn,

Dường như nó cũng chẳng mong gì hơn,

Ngoài việc lội trên bãi lầy ngập nước,

Ních đầy bụng những gì may kiếm được.

Thế mà rồi, một hôm không hiểu sao,

Ăn no nê, chợt hứng, ngước lên cao,

Nó nhìn thấy con đại bàng to lớn

Dang rộng cánh, giữa trời xanh bay lượn.

Là chúa tể các loài chim, đại bàng

Có phong thái giống hệt một ông hoàng.

Ngoài vô số những điều hay ho khác,

Nó luôn chừa thức ăn cho người khác.

(Vâng, người tốt, người cao quí bao giờ

Cũng chừa lại chút thức ăn dư thừa

Cho những kẻ yếu hơn mình, bé nhỏ!)

Con bồ nông đứng nhìn, đầy ngưỡng mộ.

Cái cổ dài càng dài thêm, đôi chân

Dướn lên cao trong tư thế bần thần:

“Mình thức sự còn to hơn, có lẽ

Còn đẹp hơn cả đại bàng oai vệ.

Vậy mà mình, thật xấu hổ, xưa nay

Chỉ ăn toàn ếch nhái lẫn bùn dây.

Tại sao mình không bắt chim ăn thịt,

Ăn và chừa cho đàn em một ít?

Được, từ nay mình sẽ giống đại bàng,

Sẽ cao quí, hào phóng như ông hoàng!”

Con bồ nông ngu ngốc kia nghĩ vậy

Rồi hùng dũng bay lên cao. Ở đấy,

Nó chưa kịp biết mình oai thế nào

Thì bất chợt từ đâu đó trên cao

Một con chim kền kền to xuất hiện.

Thật tội nghiệp con bồ nông hãnh tiến:

Mấy phút sau, dù không chết, tiếc thay,

Nó bị thương, rơi tõm xuống bãi lầy,

Cánh dính bùn, chiếc mỏ to đầy đât.

Tối thì lên bàn ăn anh thợ giặt.

Đây, bài học rất hay và thông minh

Cho những ai không biết lượng sức mình.

Chuyện quan toà suýt bị cắt tai

Có một người rất thông minh, học rộng

Nhưng luôn nghèo, gia tài không, túi rỗng.

Ông quyết định cứ thử ra nước ngoài,

Và ở đấy, cũng vì do có tài,

Ông được vua mời vào cung, sau đó,

Giao trọng trách làm quan toà thành phố

Xem thêm:  Đêm mưa thiếu rượu nhớ Lý Hạ - Vũ Hữu Định

Là quan toà, ông xử rất công minh

Chính vì thế mà chuốc vạ vào mình.

Người ghen tị, ngườichỉ do nhàn rỗi,

Đã vu khống cho quan toà đủ tội

Vua tức giận, cho lính phá nhà ông

Tiền và vàng đem nhập quỹ, sung công

Quan tể tướng ghé tai vua nói nhỏ

Vua ra lệnh cắt tai ông cho chó!

Rất hãi hùng, con người ấy không may,

Nghe lệnh vua, đã đáp lại thế này:

“Vua là người yêu công bằng, sự thật,

Vậy để yên đôi tai, không được cắt.

Chúng một phần xương thịt mẹ sinh ra,

Có rất lâu trước khi làm quan toà.

Nếu tôi sai, cứ lấy đi tất cả

Cái tôi có khi sang hầu bệ hạ.

Xin bệ hạ làm quan toà công minh

Mà đừng lấy cái không phải của mình!”

Vua nghe thế, dần dần nguôi giận,

Rồi tha ông, với đôi tai lành lặn.

Chuyện về con chim khôn ngoan và con cá ngốc nghếch

Ở Ôman, xưa có con chim nọ

Sống bằng nghề bắt cá ăn, và nó

Rất tinh thông, điêu luyện với nghề này

Khiến các loài tôm cá sợ xưa nay.

Nhưng dù muốn hay không tuổi tác

Cũng làm nó già đi và đổi khác

Rồi một hôm, sức kiệt hẳn, mắt mờ,

Nó chỉ biết ngồi một chỗ hằng giờ.

Nghe sóng biển, nhìn cá đùa trên nước,

Muốn tới bắt mà không sao tới được.

Và đúng khi sắp chết đói, bất ngờ

Có chú cá từ xa bơi và bờ.

Nó lên tiếng triêu con chim khốn khổ,

Vì biết chim không làm gì được nó.

“Này lão chim, sao ngồi buồn như vậy?

Sao chậm chạm và yếu già mức ấy?

Lão ngày xưa nổi tiếng lắm cơ mà.

Hay bay giờ không còn muốn bắt ta?”

Con chim đáp: “Vâng, quả tình đúng thế,

Anh thấy đấy, ta đã không còn trẻ,

Lại ốm đau, nhưng thanh thản lúc này

Ta hối hận về việc làm xưa nay.

Ta xấu hổ vì trót ăn thịt cá.

Nay ta chỉ ăn lá cây, hoa quả

Giờ thực tình ta muốn bạn với anh

Để chuộc lại chút lỗi lầm của mình.

Nào đừng sợ, lại đây, anh bạn nhỏ

Mà nếu sợ thì kia kìa, sợi cỏ,

Đem lại đây trói mỏ lại, và anh

Sẽ tự do tâm sự chuyện đời mình.”

Con cá nhỏ thơ ngây nghe, tưởng thật

Ngậm sợi cỏ lại gần, trong nháy mắt

Bị con chim nuốt vào bụng bất ngờ,

Cứ như nó chưa tồn tại bao giờ.

Trên đây là các bài thơ dịch của Thái Bá Tân hay mà chúng tôi muốn giới thiệu với bạn. Thông qua các bài thơ này bạn sẽ hiểu được tại sao khả năng dịch thuật của Thái Bá Tân lại được đánh giá cao đến như vậy. Bên cạnh đó nhà thơ còn dịch một số sáng tác của các nhà thơ khác. Vì vậy bạn đừng bỏ lỡ bài viết tiếp theo nhé!

Xem thêm:Nhà thơ Thái Bá Tân và tuyển tập thơ dịch Abd ar-Rahman Jami phần cuối

Theo Thuvientho.com

Check Also

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Hoa cúc họa mi còn được gọi là hoa cúc dại hay là hoa cúc …