Home / Chùm thơ chọn lọc / Tập thơ: Những dòng sông (1969) – Bế Kiến Quốc

Tập thơ: Những dòng sông (1969) – Bế Kiến Quốc

Tập thơ: Những dòng sông (1969) – Bế Kiến Quốc

Tập thơ Những dòng sông được nhà thơ Bế Kiến Quốc sáng tác năm 1969, gồm 25 bài thơ. Từng câu từng chữ trong tập thơ Những dòng sông (1969) của nhà thơ Bế Kiến Quốc được trau dồi từng câu, từng chữ. Nhà thơ Bế Kiến Quốc ra đi, để lại cho đời, cho mỗi con người những áng thơ ca vô cùng lắng đọng cảm xúc.

Bài thơ viết trước cho con

Bài thơ này Cha viết trước cho Con

Khi đất nước đã không còn bóng giặc

Trong đời Mẹ, đời Cha từ nay Con có mặt

Mỗi việc làm đều nhắm trước vì Con

Dành cho Con một sông núi vẹn tròn

Chỉ vì điều ấy thôi-biết bao người ngã xuống

Cả thế hệ Mẹ Cha xông vào trong lửa đạn

Hết lớp này, lớp khác lại ra đi…

Những năm tháng mai sau rồi Con sẽ nghĩ gì

Thời đánh Mỹ thời Con chưa có mặt

Ngỡ suốt đời Mẹ Cha chỉ dành cho mục đích:

Quét sạch được bóng thù: không để tới đời Con

Ngỡ chỉ lấy chiến công gắn vào núi vào sông

Mà gửi lại mai sau làm món quà dâng tặng,

Ngỡ đến lúc mái tóc mình điểm trắng

Chỉ đuổi hết giặc rồi, nhiệm vụ đã là xong…

Nhưng vui sao! Ngay lúc tuổi đang xuân

Cả đất nước đã hợp về trọn vẹn.

Lại được làm tặng Con những công trình vĩnh viễn

Khai mỏ dầu cho Con, làm thuỷ điện vì Con…

Được trồng thêm những hàng cây xanh non

Trên lối Con sẽ qua; được xây thêm trường mới

Cho Con học: được gieo mùa hoa trái

Cho ngọt ngào đậu lại ở đời Con…

Cha đang xuân và tuổi Mẹ đang son

Tuổi khao khát dựng xây và thực hiện

Thay một niềm ước mơ thay một lời hứa hẹn

Bài thơ này Cha viết trước cho Con…

12-1977

Buổi sớm ở trung tâm Gà giống Ba Vì

Có rất nhiều mặt trời trong rất nhiều quả trứng

Bình minh reo lên bằng đủ mọi tiếng Gà

Bản hợp xướng mở đầu ngày lao động

Từ Ba Vì vang đi rất xa

Những quả trứng từ Trung Tâm giống Gà

Sẽ đi xa thành những con Gà giống

Hồng bao la ngày mới tới cùng ta

Mặt trời đẹp như một người lao động

Những công nhân nuôi Gà không bao giờ dậy muộn

Lòng họ yêu mặt trời khác với chúng ta yêu

Khi bàn tay giơ cao soi quả trứng

Thời gian đọng một vầng hồng ấm nóng

Những quả trứng đi xa thành những con Gà giống

Và mặt trời nhân thêm lên bao nhiêu

Trong buổi mai buổi trưa và buổi chiều…

Cảm nghĩ ở Hiền Lương

Qua Hiền Lương hãy đi chầm chậm lại

Vài phút đã sang cầu, Bến Hải rộng gì đâu

Hai mươi năm trọn rồi, nhớ thương bờ bên ấy

Cho hôm nay vài phút đã sang cầu

Vài phút đã sang cầu… Hai mươi năm chiến đấu

Biết ơn người mở lối mới Trường Sơn

Hai mươi năm ta đi bằng lối ấy

Vào miền Nam gặp miền Nam yêu thương

Hai mươi năm thay chiếc cầu Hiền Lương

Những con đường Trường Sơn luôn nối liền quê hương

Hỡi lau trắng phất phơ bờ Bến Hải

Muôn đời sau điều ấy chớ nên quên

Chớ nên quên, này ai sau qua cầu,

Những năm-tháng-Trường Sơn cuộc đời cao đẹp lắm

Quân thù muốn cắt chia–nghĩa tình ta càng thắm

Đạn bom rơi không cần được con đường

Qua Hiền Lương mặt dõi về Trường Sơn

Nhớ tầm vông, đoàn xe, nhớ nụ cười đồng đội

Lòng bâng khuâng, bỗng nhiên mình thầm hỏi:

Biết giờ này phía ấy nắng hay mưa?…

Sài Gòn, 17-12-1975

Cô kỹ sư thổ nhưỡng và con chim sơn ca

Tặng Thế Mạc và vùng trung du Hà Tây

Đi trên những đồi hoang

Trung du nắng gắt.

Đất ở dưới chân, nhưng đi tìm đất.

Đôi mắt em hỏi xa, bàn tay em hỏi sâu:

Đất ở đâu? Đất trồng trọt ở đâu?

Chùm đồi khô cằn kia có thể còn xanh lại?

Mơ ước nào đẹp như mơ ước ấy, mơ ước người khai hoang!

Búp non ra, nụ xinh như trẻ nhỏ,

Đây thành nông trường cỏ, kia thành nông trường dâu

Đồi hoang sẽ gọi nhau

Đồi hoang sẽ nối nhau, thành chuỗi hạt cườm xinh, thành uốn lượn

Vây quanh nõn nà gợn sóng,

Đất sống lại, đất ẩm tơi, đất không còn kiệt nóng

Trong bóng râm hiền hậu của đồi cây.

Nghe nói trung du này có loài chim Sơn Ca

Cái loài chim vút ngược thẳng lên, đứng giữa trời mà hót

Tiếng hót dài, xanh long lanh, như chùm ánh sáng rót ra từ ruộng đất…

Nghe nói trung du đã đem những gì tươi tắn nhất, mát lành nhất của mình

Làm nên chim Sơn Ca,

Tiếng hót kia là tâm hồn của đất

Em đi trên những đồi hoang khô cằn nắng gắt

Đi tìm chim Sơn Ca.

Bàn tay em hỏi sâu, đôi mắt em hỏi xa

Một tuần qua, hai tuần qua, vượt sáu quả đồi, vượt bảy quả đồi,

Bóng râm của em dài rồi tròn lại

Một bóng râm đi mãi, vượt tám quả đồi, vượt chín quả đồi…

Đất trồng trọt ở đâu? Chim Sơn Ca ở đâu? Em hỏi…

Và bỗng nhiên, vang lên lánh lỏi tiếng chim

Rung chùm hy vọng trên vùng đồi lặng im

Hy vọng thức dậy rồi, khi con người đến thức.

Em cố nén nỗi bồi hồi trong ngực, nghiêng nghiêng lắng nghe

Môi khát khô, nở trên môi bông hoa trắng mùa hè…

Em nghe, nghe tiếng gọi của đất.

Mỗi người trong đời thường đón nghe điều mình tha thiết nhất:

Người trồng lúa nghe tiếng thóc nẩy mầm,

Người dệt vài nghe tiếng thoi đều nhịp,

Người công nhân lò cao nghe tiếng sôi của thép…

Còn em, người khai hoang, em nghe tiếng đất đai

Đất trồng trọt ở đâu, nơi đó sẽ cày

Nơi đó sẽ trở thành đồi cây

Nơi đó đất phải làm ra sản vật.

Chùm hạt cườm xinh, em không muốn mất.

Tổ quốc đang cần xanh lại những trung du.

Tiếng chim Sơn Ca, phải, tiếng chim Sơn Ca là một sự đền bù.

Người tìm đất mà, đất trơ lòng sao nữa!

Thức dậy đi, đón niềm vui nảy nở

Thức dậy đi, mở lòng ra với những đường cây

Thức dậy đi!

Em gọi quả đồi kia, em gọi quả đồi này…

Tiếng chim Sơn Ca ngọt ngào như trái cây, óng vàng như ổ kén…

Đất đã thức dậy và hót lên

Ấy là nông trường dâu.

Đất đã thức dậy và hót lên

Ấy là nông trường cỏ.

Đất đã thức dậy và hót lên…

Tưởng như tiếng hót này Sơn Ca đã quên, nay bỗng nhiên nhớ lại.

Niềm vui nào lớn hơn niềm vui ấy, niềm vui người khai hoang!

Vùng trung du thành một chuỗi cườm

Óng ánh những nông trường

Chim Sơn Ca

Chim Sơn Ca là em. Và đất sẽ xanh lên…

Quảng Bá, 4-1973

Dòng sông thay đổi

Vẫn sông Đà như dòng sông ngày xưa?

Bao con nước trôi qua… bao phù sa đã lắng…

Dòng sông cũ ra đi theo cánh buồm xanh thẳm

Dòng sông mới lại về, nhưng mấy ai nhận ra?

Dường như bao ngàn năm vẫn chỉ một sông Đà

Vẫn cây gỗ làm con thuyền độc mộc

Vẫn nỗi lo nặng lòng khi qua ghềnh vượt thác

Một thời dài hoài phí nước trôi xuôi…

Những máy khoan rải rác trên sườn đồi

Thoáng trông tưởng những cây mùa rụng lá;

Những con đường uốn quanh co nét đỏ

Thoáng nhìn qua ngờ nếp núi từ xưa;

Máy móc nằm như lẫn giữa hoang vu,

Xa xa vọng tiếng mìn đang phá đá,

Mái tôn xưởng bê-tông ánh lên vài nét lạ…

Tất cả như làm ngơ chưa động tới sông Đà

Và sông Đà (vẫn dòng sông ngày xưa?)

Đang thầm lặng đang bồi hồi đón đợi

Một thay đổi lớn lao đằng sau từng biến đổi

Nếu vô tình, chưa dễ mà nhận ra!

Tôi bâng khuâng nhìn mãi cánh buồm xa

Dòng sông cũ ra đi, ra đi và đến biển

Nước sẽ mưa về nguồn, nước sẽ làm thuỷ điện

Trên dòng sông ngày xưa, ánh sáng sẽ xuôi dòng.

Và bàn tay–chào đón một dòng sông!…

1-7-1976

Đêm âm nhạc

Trước giờ biểu diễn

Lắng đi bao âm thanh

Của một ngày làm việc

Tâm hồn ta cũng đang là dàn nhạc

Lên dây đàn, chờ trước cánh màn nhung…

Xem thêm:  Đừng hỏi con mèo

Bàn tay em xinh xắn đặt trong lòng

Ba năm vắng, ít về Hà Nội

Theo những tuyến đường băng rừng vượt suối

Qua ngàn đêm đèn dù đỏ bom rung

Vẫn là dáng tay êm ả đặt trong lòng

Tháo kíp nổ cũng bàn tay ấy nhỉ?

Nhạc sắp dạo. Cánh màn nhung động khẽ.

Đã tắt đèn.

Mắt em lặng ngời lên…

Âm nhạc

Đưa ta vào sâu thẳm giữa hồn ta

Mở một bầu trời bao la bao la…

Nắng trong veo, lá reo, lòng vụt hót

Hương mật Ong thơm lên thánh thót

Tràn ngập không gian ánh sáng bảy mầu…

Anh nhìn vào đôi mắt em nâu

Trong đăm đắm, luống gió màu nhẹ xoáy…

Những ngày đã qua, nhạc về thức dậy

Buổi trưa nào, rừng Trường Sơn, em ơi,

Sau trận bom, đường đã vá liền rồi

Gốc săng lẻ hăng những dòng nhựa đắng

Con suối nhỏ long lanh mình nắng

Bàn tay thơm giật áo bóng cây râm…

Những mảnh xanh, lam, vàng, lốm đốm da cam

Hoà đắm đuối trong từng đoạn nhạc…

Kèn T’rom-pet dẫn lòng đi đánh giặc

Những chùm âm hùng tráng bước quân hành

Hãy dồn nhanh, dồn nhanh nữa, dồn nhanh!

Còn tên giặc, ta phải còn quét sạch!

Nhân dân lớn, Nhân dân là Đất

Dẫu ngàn tấn bom, dòng sông không đứt mạch

Hoa cứ thơm mùa lúa cứ ươm vàng

Nghiêng trên lòng, trời biếc cứ du dương

Những ý nghĩ về ngày mai chiến thắng.

Em đổi dáng ngồi, em mắt lấp lánh

Tay em tìm nắm lấy tay anh.

Đời dẫu gian lao, tay nắm đã chân thành

Giai điệu khoẻ chuyển thành giai điệu sáng

Bản nhạc mở một bình minh mới rạng

Những màu vui hoà hợp ở bên nhau…

Anh nhìn vào đôi mắt em nâu

Nhạc như vọng từ trong thăm thẳm ấy…

Ước mơ ở trong lòng, nhạc vào khơi dậy

Bàn tay mình đặt mát tay ta.

Âm thanh kết lên cao vút những ngôi nhà

Hà Nội mới nguy nga tráng lệ…

(Khi chúng mình ở Trường Sơn, em nhỉ,

Mình đã từng nghĩ thế, đến ngày mai…)

Dư âm

Ánh điện bừng lên. Mắt em còn đắm đuối

Tay em vẫn nằm xinh trong tay anh.

Ta nhìn những người xung quanh

Họ với mình cùng nghe chung nhạc ấy

Và cũng như mình, họ cũng như mình đấy

Nghĩ lại ngày qua, nghĩ tới ngày mai.

Hà Nội của mình em ơi

Đêm âm nhạc trở thành không thiếu được.

Càng thắng giặc, đời càng mộng ước

Những anh hùng lòng rất nhạy âm thanh.

Rồi hôm nào, em lại nhớ anh

Nhớ Hà Nội, trên tuyến đường ác liệt

Nhạc sẽ ngân trong lòng em thắm thiết

Niềm vui bừng ở đấy, mắt nâu ơi!

Ta đi ra đường phố, giữa dòng người

Cầm tay nhau ta là hai nốt nhạc.

Thánh thót ngang trời một mảnh sao trong vắt

Đường hoa dài thơm vang dư âm…

1969

Đêm trăng

Như ánh sáng dịu xanh giữa bóng cây êm ả

Có cảm giác đất đai đầy bóng lá

Người trồng dâu ngồi trong trăng đồi

Nói với nhau về lứa tằm nay mai…

Chiếc gầu sắt chạm vào thành giếng mới

Ai đang múc những gàu trăng mát rượi

Nói với nhau về những đồi dâu

Về quy hoạch nông trường bảy tám năm sau.

Tiếng nước dội trên da người rám nắng

Mây trời bay một nong đầy kén trắng.

Trăng dội xanh tắm đẹp cả vùng đồi

Thời khai hoang vỡ đất đã qua rồi!

Dâu đã rộng một vùng, Tằm đã vây kén óng,

Người trồng dâu nay thành người mơ mộng…

Đất trung du, xin sống trọn đời người!

Hoang vu này hoá lá dâu non tươi,

Thời gian tính theo tuổi Tằm lứa kén,

Tay khơi sâu những giống mát ven đồi

Trồng chặt xuống đá ong đường cột điện

Dẫn niềm vui về sáng những khung trời,

Lắp nhà tầng, đón thêm người sẽ đến,

Nhà hộ sinh chào những trẻ ra đời…

Bao ước mơ toả rợp gốc dâu đồi…

Chiếc gầu sắt chạm vào thành giống mới

Đêm trung du mở chiều sâu mát rượi.

Thời khai hoang vỡ đất đã xong rồi!

Trăng dội xanh dâu đẹp cả vùng đồi…

5-1973

Đợi thu về

Hôm nay anh đợi thu về

Gió heo may

Khắp bốn bề heo may

Lá xao xác giữa ngàn cây

Chiều êm ái một màu mây dịu lành

Đất trời hồi hộp cùng anh

Có em về nữa là thành mùa thu…

24-9-1976

Gặp thiên nhiên

I

Cổng Thiên Trù, nắng lao xao

Mùa xuân đọng mát gửi vào trái mơ.

Chùa Hương, thương một thời xưa

Đi mòn bậc đá mà chưa gặp Đời…

Sớm nay, giữa cảnh giữa người

Mới nắng lên–đã thực rồi trái mơ!

II

Giật mình, rụng độp bên chân

Một bông hoa gạo to gần nắm tay

Phải là cây nhắc mình đây:

– Ta già mà vẫn nở đầy những hoa…

III

Trắng muôn hoa đại Sài Sơn

Như cầm tay, suốt đường lên hang Thần

Nhắc lòng nhớ những nghĩa quân

Bị vây, rút xuống chất dần trong hang.

Tiếng thơm vượt cả thời gian

Nở bông đại trắng sau hàng nghìn năm…

1972

Hoa Biooc-cà, biên giới, mùa xuân 1941

Mùa xuân, rừng sớm đầy sương

Càng đi càng thấy hương thơm rõ dần

Đâu đây biên giới đã gần…

Tiếng chim. Dòng suối trong ngần. Hàng cây…

– “Nước mình, thưa Bác, từ đây…”

Bỗng rung chiếc gậy trong tay Bác cầm…

Nước mình, suốt mấy mươi năm

Trong mơ Bác vẫn về thăm những lần…

Bác dừng chân, Bác dừng chân

Bioóc-cà trắng nở gần thơm xa.

Yêu thương lòng Bác bao la

Mà yêu thương nhất-vẫn hoa đất này

– Thôi ta đi!

Buổi sương dày

Con đường hoa trắng nở đầy hai bên.

Bao năm, hoa ấy ai nhìn,

Thơm tho, ai biết thơm trên cõi đời!

Bác nhìn những khóm hoa tươi

Hái hoa Bác tặng mỗi người một bông…

Mùa xuân ấy, buổi dày sương

Bác về, đất nước là phương mặt trời.

Hương bay thơm bước chân Người,

Nắng lên rồi, với cuộc đời, với hoa!Mùa xuân 1970

Mẹ trồng cây trên đường ra tiền tuyến

Sáng rồi, nép dưới lùm cây

Ngủ ngon xe nhé, đêm nay lên đường!

Xa xa trong bóng hàng dương

Mẹ hiền vun gốc cây non mới trồng

Lá choàng lên dáng lưng còng

Những thân vút thẳng là công Mẹ già…

Mẹ con vui chuyện gần xa

– “Mẹ ơi, đất mẹ cây xoà bóng im

Mà con là một cánh chim

Đất lành, nay đậu, cành êm mai rời…”

Lá xanh ánh mắt Mẹ cười

Một màu xanh đẹp thêm trời quê hương

– “Con đi, dù vội tiền phương,

Nhớ gìn dương liễu, nhớ thương bạch đàn!

Nguỵ trang cần bẻ đôi cành

Thì đừng bẻ ngọn, để dành cho cây!…”

Bâng khuâng bỗng nhớ những ngày

Quê nhà nhiều nhãn, vườn cây ngọt ngào

Có lần bẻ ngọn đùa nhau,

Vài roi Mẹ đánh-chả đau, nhưng buồn

Đánh rồi, mẹ cũng dạy con:

“Trồng cây giữ ngọn, cây còn lớn lên…”

Đường ra tiền tuyến, đêm đêm

Vẫn nghe cây Mẹ cành êm nảy chồi…

1969

Mô tả

Bình hoa đơn khuất trong bóng em

Ngọn đèn đêm soi vào trang vở

Em trắng như là bông hoa đơn

Cái nốt ruồi duyên trông rất thương

Những dòng chữ in dòng chữ viết

Bàn tay thơm thơm hai bàn tay

Tiếng lật một trang nào trong sách

Như tiếng con chim đập cánh bay

Sách vở đấy chiếc bàn làm việc

Khuôn mặt em tạc vào màn đêm

Anh với bình hoa im lặng khuất

Và căn phòng nhỏ tràn bóng em…

19-11-1975

Mưa đêm

Một âm thanh mơ hồ thấm dần vào da thịt

Một âm thanh mơ hồ giấc ngủ khẽ chao đưa

Chập chờn nghe giữa mơ và thức

Một âm thanh mơ hồ… ồ hoá ra là mưa

Mưa đã lâu, không hiểu tự bao giờ

Thiên nhiên lắm bất ngờ kỳ diệu quá,

Mùa thu đến giữa oi nồng mùa hạ

Mưa êm đềm thay đổi cả trời đêm

Anh choàng khăn khẽ khàng lên vai em

Bàn tay nhỏ trên ngực anh choàng thức

Anh âu yếm vỗ về mái tóc

Ngủ ngon nào! Đêm có lẽ còn lâu…

Giếng sẽ tràn nước mắt sớm hôm sau

Sớm hôm sau hàng cây đầy lá mới

Cả vũ trụ tung bừng tươi trẻ lại

Cơn mưa này anh sẽ nói cùng em…

5-1976

Ngày kỷ niệm

Trong thời gian, một đoá ngày đã nở

Ngày yêu nhau ngày ấy sẽ không tàn.

Trên trời cao nguyên vẹn một trăng vàng

Giữa cây cành nguyên vẹn nhịp thu sang

Ngày anh hứa tặng em những ngày sau trọn vẹn

Ngày yêu nhau ngày ấy sẽ không tàn

Xem thêm:  Bài thơ Nhắc Nhở 3 – Nhà thơ Hồng Giang

Và mỗi năm lại một lần hịên lên

Ngày kỷ niệm ngày đầu tiên ngày ấy

Cứ trở về (bất chấp mọi nguôi quên)

Và cứ nở cho đôi mình cùng hái

Lời yêu mến với em anh nhắc lại

Cho trời cao nhắc lại một trăng vàng

Cho cây cành nhịp thu sang nhắc lại

Ngày yêu nhau ngày ấy sẽ không tàn

Một đoá ngày thắm nở giữa thời gian…

15/10/1975

Người không quen biết

Ánh đèn loang loáng trên hè

Mái hiên như bàn tay che

Tôi đứng với một người không quen biết

Cơn mưa chiều gội tóc hàng me…

Cái cơn mưa thường nhật của mùa hè

Cho sau đó sao trời dịu mát.

Tôi bỗng thấy lòng tôi tha thiết

Muốn làm quen người bạn gặp tình cờ

Nói với nhau vài mẩu chuyện bâng quơ

Vui hồ hởi những niềm vui anh kể:

Con gái anh (chắc là bé tí!)

Suốt cả ngày nó nghịch quá con trai!

Cháu vừa đi sơ tán với mẹ rồi,

Cứ chủ nhật là chờ bố đến;

Ngồi lòng anh, nó kể bao nhiêu chuyện,

Nũng nịu thêm rằng: “Có bố nữa thì vui!…”

Rồi chúng tôi bàn những chuyện lâu dài:

Nên kèm cặp thế nào cho cháu học…

Mải chuyện quá, tạnh lúc nào không biết

Những vì sao còn long lanh nước mưa…

Chia tay nhau, lạ thế, những người qua

Ai cũng ngỡ là hai người quen biết.

Gió về đâu, hơi mưa man mát,

Cây lan nào mà thơm bâng khuâng…

Lòng lâng lâng, tôi đi, tôi nghĩ tới

Đứa con gái người bạn mới quen tôi:

Cuộc đời cháu, cháu ơi, rồi sẽ đẹp,

Vì cháu là niềm vui của một người bố tốt,

Của cả những ai chưa gặp cháu bao giờ…

Hà Nội, 1970

Nhà khảo cổ

Nét hoa văn trên mảnh gốm mong manh…

Khuôn mặt nào còn bí ẩn cùng anh?

Qua những cuộc tìm tòi vào thời gian vô tận…

Lịch sử có sẵn rồi, mà lại không có sẵn

Qua những cuộc tìm tòi vào trong lòng đất sâu

Qua những cuộc tìm tòi thông minh và kiên nhẫn

Từ mảnh vụn những kỷ nguyên im lặng

Anh dựng lên bao khuôn mặt con người

Anh đi tìm những năm tháng xa xôi

Đối với anh, điều mến yêu là đất

Con người sống con người ghi dấu vết

Trong đất này-những dấu vết thiêng liêng

Chính khuôn mặt anh tìm đã tiếp sức cho anh

Nét hoa văn trên mảnh gốm mong manh tưởng chừng vô nghĩa ấy

Đã hiện lên rõ ràng trên trống đồng giữa bao nét hoa văn

Sợi dây đứt nơi này, nơi kia anh lại nối

Sợi dây đó xuyên qua bao thời đại

Những sức mạnh ngoại lai không cắt nối

Khuôn mặt người Việt Nam không phai nhoà

Cứ hiện ra hiện ra và hiện ra

Từ mảnh vụn mơ hồ những thế kỷ đi qua

Anh dựng lại khuôn mặt người rõ rệt

Đất anh sống càng trở nên thân thiết

Đất tự hào: từ một thuở rất xa

Đã có người-người Việt Nam chúng ta!

26-5-1975

Những dòng sông

Sinh ra ở đâu, mà ai cũng anh hùng?

Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông…

Chẳng phải sông Đà, sông Mã, sông Hồng đôi bờ cát mênh mông,

Thì cũng sông Trà, sông Hương, sông Cửu Long uốn chín đầu rồng

Chẳng phải rộng xa một tầm cò vỗ cánh,

Cũng xinh xinh vài sải chèo quẫy mạnh

Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng

Mỗi con người gắn bó một dòng sông

Khi ta bé dòng sông nào cũng rộng

Chiếc thuyền giấy gửi tuổi thơ theo sóng

Một cánh Cò vỗ lả xuống lòng ta…

Từ nguồn nào, sông cũng nặng phù sa

Đời ông cha từng cuốc đất, dựng nhà.

Khơi tưởng tượng, những chuyện xưa mẹ kể

Tuổi thơ ngây ngỡ dòng sông nhỏ bé

Cửa quê mình Trần Quốc Toản từng qua…

Rồi biết nghe chuyện anh, chuyện cha

Biết tự hào: Sông đã từng đánh Pháp

Nước lấp mặt những ca nô tan xác

Bãi lau già chuyển cán bộ qua sông…

Những dòng sông ngàn năm ôm cánh đồng

Khi ta vào đời, Đời đã cấy cày chung

Xanh sắc lúa xoá bờ gầy đói khổ

Mặt cánh đồng nhờ mặt người soi hộ

Trên dòng sông–là một tấm gương trong…

Em ta yêu có gì như lòng sông

Một nền xanh tràn xuống chảy theo dòng

Là ruộng đất, anh hiền lành, khoẻ khoắn

Có mía ngọt và bãi hoa mơ mộng…

Đã bao đời gắn bó giữa hai ta,

Sông chia mình thành ngàn nhánh phù sa

Đến bè bạn cùng từng gốc lúa

Trắng lấp lánh là quẫy tung đuôi cá

Xanh mát êm là xoan dọc bờ vùng

Yêu nhau rồi, ta có những vui chung…

Uống bát nước chè bên nòng súng, trưa nắng cháy

Nghe màu xanh bờ bãi mát trong lòng!

Bình tĩnh ngồi bên những trái bom

Đâu trong gió mái chèo xa vọng lại:

Đêm mưa không đèn vững vàng tay lái

Đường dẫn đi như dòng nước tới mênh mông…

Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng?

Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông…

1967

Nỗi nhớ một người bạn

Chuyến tàu điện cuối cùng trong ngày

Chạy ngoài phố Huế nghe xa thẳm

Như một tiếng thì thầm đằm thắm:

“Ngày qua rồi, bạn ơi,

Đến ngày mai

Ta phải sống hơn ngày qua nhiều lắm!”

Và tôi thấy nụ cười của bạn

Trước khi lên đường…

Tàu điện chạy trên phố phường

Đưa chúng ta về sau giờ làm việc

Ánh điện trên đây bật lên xanh biếc

Như một vì sao bừng nở cuối ngày.

Đến giữa phố là nơi tôi xuống trước

Ta cười và chia tay

Tôi nhìn theo bạn, nghĩ thầm: Hôm nay

Ta đã sống hơn ngày qua nhiều lắm.

Ta thương quý nhau, vì tình bạn

Là nụ cười như thể, lúc chia tay…

Gần một năm nay

Chuyến tàu điện cuối ngày vẫn đều đều bền bỉ…

Vẫn những nụ cười như thế

Bạn gửi về cho tôi từ Trường Sơn…

Hậu phương:

Nhà máy, phố phường, tàu điện chạy trên đường…

Ngày làm việc hơn ngày qua làm việc…

Tôi luôn thấy

Ánh điện trên đây bật lên xanh biếc

Và nụ cười của bạn lúc chia tay…

1972

Sông Lấp

Những con sông sinh ra từ núi cao

Cứ chảy mãi mới tìm về được biển.

Sông Lấp sinh giữa lòng thành phố Cảng

Gặp xa khơi ngay những buổi ban đầu

Tôi có gì mà nói thuở xưa đâu

Tôi chỉ có tình yêu chỉ có niềm hy vọng

Cánh Hải Âu như chiếc thuyền giấy trắng

Sông đưa đường, lát nữa đã trùng khơi

Tôi chỉ có tình yêu với những bè bạn tôi

Như sông Lấp tuổi thơ nồng gió mặn

Bước chập chững đầu tiên tay giơ về phía biển

Mẹ Hải Phòng thao thức hải đăng khuya

Tôi chỉ có tình yêu với những cánh buồm kia

Đang lướt bóng qua mặt nhà mới dựng

Phố và sông nồng hậu kể nhau nghe

Vôi gạch đến mặt bằng, cá tôm vào lưới rộng

Tôi chỉ tình yêu sau những ngày chiến trận

Bắt tay vào bao dự tính dài lâu

Chiếc tàu vét bùn ơi, hãy gìn giữ tình sông luông đầy đặn

Với xa khơi–như những buổi ban đầu…

14-7-1975

Tấm ảnh

Tặng nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh

I

Nắng như thế và mây như thế

Chỉ một lúc đó thôi.

Sông núi đã hiện ra như thế

Và tấm ảnh không phải là chuyện bịa!

Phải chờ hàng tháng trời

Để bấm máy đúng vào lúc đó thôi

Để vẻ đẹp núi sông chung đúc lại

Trên một tờ giấy.

Vẻ đẹp ấy hiện ra trước con người

Chỉ một lúc đó thôi.

Cái lúc đó, anh đã không có mặt,

Vì thế, đừng thắc mắc

Mà hãy tin vào tấm ảnh này!

II

Việc sáng tạo gắn với một cái máy.

Nói cho cùng, như vậy

Lại càng khó khăn hơn.

Phải đi nhiều ngả đường,

Phải chọn nhiều góc độ,

Phải nén mình-điều này thật khó!

Phải nén mình không giơ máy lên

Vào sớm hôm chờ đợi thứ mười hai

Ánh mây đó sẽ hiện trên đỉnh núi…

III

Cần cù trong buồng tối

Như một nhà ảo thuật, với những lọ những chai

Và áng mây hiện trên đỉnh núi

Chỉ hiện lên một lần ấy thôi,

Áng mây đó từ nay ở lại

Và trở nên sáng tạo của Con Người.

Xem thêm:  Nhà thơ Vi Trang cùng những bài thơ vang danh nổi tiếng nhất phần 3

Tình bạn

Tặng Nguyễn Văn Long

I

Lòng tôi cũng lên đường cùng bạn

Cũng nôn nao trong một tiếng còi tàu.

Bốn năm rồi mình đã ở cùng nhau

Trộn lẫn tâm hồn, ước mơ, hạnh phúc.

Ta nối với nhau như hai nguồn nước

Bạn bè nhìn vào bạn, để nhìn tôi.

Ta sẽ xa nhau nhiều tháng năm dài,

Bạn sẽ đến những miền kiêu hãnh nhất,

Ta nối với nhau như hai nguồn nước

Những nụ cười ở đấy sẽ về tôi.

Rồi mỗi khi bạn nói với mọi người

Về đất nước, về lý do đánh giặc…

Mỗi khi ấy, bạn ơi, tôi đoán chắc

Có những lời ca vẫn nói cùng nhau.

Và tôi tin, dù ở nơi nào

Ta cũng nghĩ về nhau như những ngày đã sống

Bạn sẽ nở hoa. Và hương thơm của bạn

Có một phần thơm hương thơm của tôi…

II

Mấy tuần nay, sau lúc bạn đi rồi

Tôi ra phố, thấy có gì khác khác…

Cứ bắt gặp một màu xanh quân phục

Lại dạt dào bao ý nghĩ xa xôi…

Vào công viên, tôi lại đến ngồi

Chiếc ghế đá chúng mình thường đón gió:

Chân lại dẫn tôi qua những phố xa ngõ nhỏ

Những phố ngoại ô, những phố ven đê

Vốn là nơi hai đứa vẫn hay đi

Vốn là chỗ lòng ta thường nghĩ tới…

Phần việc hậu phương bạn còn để lại

Tôi đã cộng vào phần việc của tôi.

Nhà bạn bây giờ tôi năng đến chơi

Cha mẹ bạn lại cùng tôi bàn bạc

Những chuyện gia đình bình thường thiết thực

Cũng như bàn với con trai lớn thôi…

Các bạn bè quen biết cũ gặp tôi

Ai cũng bảo cứ như là gặp bạn.

Và tôi thấy có một nguồn sức mạnh

Theo Trường Sơn, truyền đến cánh tay mình…

Long ơi, trong cái buổi chiều xanh

Khi hai đứa gặp nhau lần thứ nhất,

Cái đốm lửa thắm ta cùng nhìn thấy ở nhau qua ánh mắt

Cái đốm lửa thắm đã gắn bó chúng mình đến thế, bốn năm qua

Cái đốm lửa thắm sẽ gắn bó chúng mình suốt những tháng năm xa

Đốm lửa ấy–không bao giờ tắt.

Trăng Phong Châu

Trăng lại tròn, Sông Đà nước trôi

Nhẹ mái chèo thuyền ta lại bơi.

Bồng bềnh núi Tản trên vàng sóng

Mặt nguyệt bình yên đối mặt người…

Bơi trên dòng, lòng ta bình yên

Non nước ngàn năm xứ dịu hiền

Đêm như truyền thuyết, trăng như kể

Mười tám Hùng Vương dõi dõi truyền…

Đất Phong Châu cổ thành đất thơ

Vầng trăng tròn mãi tới bây giờ

Một thuở thanh bình ghi mặt trống

Hoa văn nét nét chẳng phai mờ.

Một thanh bình, sau bao gian lao

(Thuỷ Tinh dâng lũ… Giặc Ân vào…)

Chàng Liêu làm bánh theo trời đất,

Nàng Mị chăn tằm chăm lá dâu…

Nghìn năm… rồi những nghìn năm qua…

Trăng đằm non Tản, đẵm sông Đà

Mấy phen binh lửa mà hưng thịnh

Cháu con không thẹn với ông bà.

Trăng tròn nước Việt tròn là đây

Lộng lẫy trời thu không gợn mây

Giặc giã tan rồi, người thắm lại

Chỉ còn yêu thương và dựng xây.

Gõ mái chèo, ta hát khúc ca

Gian khổ nhiều, những năm tháng qua

Thắng hung tàn, sáng nhân tỏ nghĩa

Trăng muôn đời soi nước Việt ta…

27-8-1975

Trò chuyện với ngôi sao xa xôi

Ngôi sao ấy

Tôi đã thấy, khi đứng trong chiến hào

Và giờ đây, xin cảm ơn ngôi sao

Vì một lần

Trước khi xông lên

Tôi đã gửi niềm tin tha thiết

Tôi đã gửi điều lung linh xanh biếc

Nơi ngôi sao xa xôi;

Và ngôi sao đã gìn giữ cho tôi…

Tỳ trán vào cửa sổ

Lại chuyện trò với ngôi sao đó

Có lá cây cùng nghe

Cả những người đi không trở về

Cũng nghe lời trò chuyện…

Trời mênh mông sao gần xa ẩn hiện

Tôi chuyện trò cùng ngôi sao của tôi.

Tôi gọi sao: Người ơi!

Tôi gọi sao: Những ngày đã qua ơi!

Tôi gọi sao:Khát vọng của tôi ơi!

Sao xanh lắm mặc đạn bom ác liệt

Sao xanh lắm rồi tháng năm nối tiếp

Vẫn đưa đường. Vâng, ngôi sao xa xôi

Vẫn thiêng liêng soi xuống cuộc đời tôi.

Cửa sổ này lại mở ra trời

Dẫu kính vỡ trong bom rền tháng Chạp

Như thể là mấy năm qua rồi

Tôi đã đến bao nơi trên đất nước

Tuổi trẻ qua một thời kỳ khắc nghiệt

Đầy thử thách, đầy những gian lao…

Và giờ đây, xin cảm ơn ngôi sao

Còn nguyên vẹn, sáng ngời, xanh biếc thế

Trên đất nước quét sạch rồi giặc Mỹ!

Thế đấy nhé, thế cùng sao đấy nhé:

Dù giặc ngủ yên lành, hay pháo hoa vui vẻ,

Chẳng mờ đâu, ánh sao

Xanh cùng ta qua bom đạn năm nào!

Thế cùng sao: Ta trung thành với nhau

Như đêm ấy đầy trời rung chớp lửa!…

Và giờ đây, với ngôi sao, xin hứa:

Ta sẽ đủ sức mạnh mà nâng giữ hoà bình:

Đất nước này, trong ánh sao biếc xanh,

Sẽ hiện mới nguy nga, sẽ làm ra hạnh phúc;

Người sẽ thành những ngôi sao chung trời cao hoà hợp;

Chim Lạc bay bay chim Hồng ríu rít

Trong rộng dài vĩnh cửu của thời gian

Sẽ sáng ngời, xanh biếc: Việt Nam…

Tỳ trán vào cửa sổ

Lại chuyện trò với ngôi sao đó

Có lá cây cùng nghe

Cả những người sẽ không trở về

Cũng nghe lời trò chuyện…

Ơi ngôi sao trìu mến!

Hãy ở gần mãi mãi cùng ta

Hơn cả những ngày chiến tranh vừa qua…

Hà Nội, 2-1973

Tuần trăng mật

Đưa em từ biển lên rừng

Tuần trăng mật-ngọt một vùng mến yêu.

Những năm đất nước còn nghèo

Lấy sao sớm, lấy mây chiều tặng nhau

Ba Vì cao, Suối Hai sâu,

Sông Đà dài chúng mình giầu không em!

Mỗi ngày mình lại có thêm

Những niềm vui đợi khắp miền đất xa.

Đời chung ôm ấp đời ta

Tặng em, anh có lá hoa mọi vườn…

Tình yêu không giấu bên lòng

Gửi đi vô tận vào trong tháng ngày…

18-7-1976

Vũng bãi

Nơi xưa kia dòng sông đi qua

Nay những con đường đi qua

Những con đường thênh thang

Phi lao nối bạch đàn rợp mát,

Nắng rộng mênh mông, có màu xanh

Cũng rộng mênh mông làm dịu mắt

Mía cho dóng đường,

Khoai cho củ bột,

Ngô mới gieo đã cao nơi đỡ bắp

Tươi ngọt màu lá rau,

Mùa này nảy ngọn dâu,

Hoa dong riềng thắm đỏ

Lúa cấy lại khéo tháng sau thì trổ,

Nhãn hết mùa còn bóng mát đường đi,

Ruộng bừa tơi sắp tới sẽ trồng gì?

Đất như giục lòng người suy tính gấp…

Nếu được làm đất đai, ta nguyện ước:

Được là vùng đất bãi lắm phù sa…

Nơi xưa kia dòng sông đi qua,

Một đập nước khiến sông nhỏ lại;

Vùng lòng sông trở thành vùng bãi,

Không kể hết tên cây, không kể hết tên cành,

Mùa tiếp mùa cây trái nối nhau xanh

Củ khoai bột ẩn trong lòng đất

Dóng mía ngọt đan vàng hút mắt

Cả ruộng bừa sắp trồng trông cũng thấy thơm ngon…

Những niềm vui thầm kín trong lòng

Nắng khơi dậy dưới những màu rực rỡ;

Gió như thể một tâm hồn cởi mờ

Lùa mát vào từng nhánh lá non xanh…

Và sông chỉ còn như một dòng kênh,

Chiếc cầu tre bắc ngang dập dình dóng nhỏ

Khi qua cầu, không ai ngỡ là qua dòng sông nữa.

Nếu ta là sông ấy, xin vui lòng như sông:

Trôi qua, và để lại một vùng màu mỡ,

Và đổi tiếng sóng nước của mình lấy tiếng gió

Trong ngàn dâu bãi mía,

Đổi sự cỗi già lấy sự trẻ trung vùng đất đai phù sa…

Nơi xưa kia dòng sông đi qua

Cây trái hát một bài hát mới

Nhắc kỷ niệm dòng sông để lại…

Quốc Oai, 1971

Trên đây là bao gồm 25 bài thơ của tập thơ ” Những dòng sông” được tác giả Bế Kiến Quốc viết vào năm 1969. Nhà thơ Bế Kiến Quốc là một cây bút tài năng của nền văn học thơ ca Việt Nam. Những tập thơ mà ông để lại có ý nghĩa sâu sắc, ông ra đi để lại sự tiếc nuối một cuộc đời, về một tâm hồn thi nhân ẩn chứa bao điều về Cái Đẹp.

Theo Thuvientho.com

Check Also

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Những bài thơ hay về hoa cúc họa mi

Hoa cúc họa mi còn được gọi là hoa cúc dại hay là hoa cúc …